Ninh Giang Thu Cúc: Đọc “Trăng cài bến gió” của Thanh Phong (TP.HCM)
Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020
Trăng cài bến gió – cái tựa đề của tập thơ, mới nghe đã thấy lung linh giữa đôi bờ mộng thực, cho ta thấy tác giả là một kẻ khá lãng mạn – đó là cảm nghĩ đầu tiên.Nhưng còn một ẩn dụ lớn lao hơn mà người thơ muốn gửi gắm trong cái trăng, gió, mênh mang trừu tượng ấy là một thực thể tương quan, một thủy chung gắn bó, một quấn quýt mặn nồng, cho hai cái tên định mệnh - Thanh Phong – Bạch Hằng.
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Quê quán: Hương Trà, Tp. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
NINH GIANG THU CÚC: ĐỌC “TRĂNG CÀI BẾN GIÓ” CỦA THANH PHONG
***
… Em là trăng non ngàn tỏa bóng
Anh là gió lồng lộng mây trời…
(Thơ Thanh Phong)
Trăng cài bến gió – cái tựa đề của tập thơ, mới nghe đã thấy lung linh giữa đôi bờ mộng thực, cho ta thấy tác giả là một kẻ khá lãng mạn – đó là cảm nghĩ đầu tiên.Nhưng còn một ẩn dụ lớn lao hơn mà người thơ muốn gửi gắm trong cái trăng, gió, mênh mang trừu tượng ấy là một thực thể tương quan, một thủy chung gắn bó, một quấn quýt mặn nồng, cho hai cái tên định mệnh - Thanh Phong – Bạch Hằng.
Vâng! Trăng và gió vẫn đời đời tồn tại, vẫn hiện hữu bên nhau bằng tâm cảm cho dù gió có rong chơi mải miết tận phương trời, và trăng có khi khuyết khi đầy theo vòng quay của vũ trụ càn khôn…
Tập thơ Trăng cài bến gió của nhà thơ Thanh Phong do nàng thơ Bạch Hằng in ấn và phát hành rộng rãi làm món quà tinh thần đến với bằng hữu gần xa. Bài viết này chỉ nêu một số bài tiêu biểu.
Không một người làm thơ nào trên hành tinh này lại thiếu đi mảng sáng tác: quê hương. Vâng! Quê hương rộng lớn là dải đất cong hình chữ S kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau là quê hương Việt Nam thân yêu, là Tổ quốc của mỗi con người, của mỗi công dân đất nước Lạc Hồng, ngoài quê hương chung ấy mỗi chúng ta đều có mảnh trời riêng – một bờ tre, giếng nước, một mái nhà với vườn cây rợp bóng đó là mảnh đất cắt rốn chôn nhau, đó là nơi chốn dìu ta từng bước đi chập chững đầu tiên, nghe ta bập bẹ tiếng mẹ ơi ngọng nghịu đầu tiên – đó là miền thánh địa thời thơ ấu và biến thành cố hương khi ta cất bước phong trần trả nợ áo cơm nơi quê người đất khách, ai ai mà chẳng có một cố hương để vọng tưởng thương mong – Thanh Phong cũng vậy:
Nhớ cố hương
Xa quê biền biệt mấy năm trường
Gác lạnh canh tàn nhớ cố hương!
Hoa lá khoe màu ru lối ngõ,
Bướm ong trải cánh dạo quanh vườn.
Xuân đi Hạ đến lòng nao nức,
Thu vãn Đông về dạ vấn vương
Hỡi gió trăng ơi xin thấu hiểu!
Tình quê trĩu nặng khách tha phương
Vâng! Tình quê trĩu nặng khách tha phương – cho dù đi đâu, ở đâu, tận chân trời góc bể nào thì hai chữ quê hương vẫn ngự trị trong tâm hồn của mỗi người, hình ảnh quê hương vẫn in đậm trong ký ức, quê hương cho Thanh Phong thể xác và tâm hồn, thân thế và sự nghiệp, những điều ấy được nhà thơ tóm tắt trong bài: Thanh Phong tự bạch
Quê tôi có tháp Dương Long
Có đền Nguyễn Huệ có dòng Kôn xanh.
Tân Mùi, ba mốt năm sanh
Thanh Phong bút hiệu tên mình Nguyễn Phong…
Nói đến quê hương là nói đến Mẹ, chữ Mẹ được viết hoa bằng tất cả niềm thương yêu tôn kính – Mẹ đồng nghĩa với quê hương, cụm từ này không thể tách rời, không người con nào không ôm nỗi nhớ mẹ làm hành trang trên vạn nẻo sông hồ chỉ khác nhau ở cách diễn dải tỏ bày khi cần bày tỏ, tác giả Thanh Phong kể về nỗi: Nhớ mẹ
Bâng khuâng nhớ thuở còn thơ,
Con ăn cơm trắng, mẹ bo bo dùng
Trời đông gió rét lạnh lùng
Chăn bông con đắp mẹ trùm vải thưa
Ngày hè oi bức nắng trưa
Võng kêu Mẹ hát đu đưa con nằm…
Đêm đêm mẹ khấn lâm râm
Cầu xin đức Phật gia ân phước lành
Cho con khỏe mạnh tinh anh
Tương lai sự nghiệp rạng danh với người…
Rất hạnh phúc cho một dân tộc luôn lấy lễ nghĩa và tình cảm làm chuẩn mực cho cuộc sống, làm thước đo đạo đức cho mỗi con người, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam rất tự hào với bao truyền thống tốt đẹp. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống ấy – mỗi con người chúng ta luôn gánh trên hai vai bốn ân sâu nghĩa nặng. Ơn đất nước quê hương, mẹ cha, thầy tổ, bạn bầu, với quan niệm không thầy đố mày làm nên; muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn hay muốn giỏi phải yêu kính thầy. Vì thế mới có những người học trò làm quan đến đại thần nhất phẩm, bỏ áo mão cân đai đi đầu trần chân đất cúi mình vào ba gian nhà cỏ; cung kính khoanh tay hầu thăm thầy dạy học cũ với lòng biết ơn vô hạn, và niềm hạnh phúc trùng phùng sau tháng năm xa cách nhớ thuong. Ngày xưa như thế và ngày nay cũng thế, học trò ngày xưa và học trò ngày nay họ cùng gặp nhau ở tấm lòng nhân nghĩa, tấm lòng ấy được thể hiện qua bài thơ Nhớ ơn thầy của người học trò Thanh Phong tóc trắng sương pha:
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam
Gợi em nhớ lại những năm học đường
Nhớ thầy, cô giáo thân thương
Bao năm giảng dạy ở trường Bình Khê
Thời gian thấm thoát nhanh ghê
Bốn lăm năm vắng nay về gặp nhau
Trải qua những cuộc bể dâu
Thầy trò tóc đã bạc màu sương pha…
Đúng vậy người học trò ngày xưa và người thơ hôm nay tóc đã hai màu tiêu muối, thế thái nhân tình đã nếm đủ nhục vinh – phong trần lắm bận phong lưu lắm lần, bây giờ đang điểm lại tuổi mình sau bao ngày tháng miệt mài, giữa cõi phù sinh vinh hoa giả tưởng với:
Bảy mươi tuổi tự vịnh
Dốc cổ lai hy bước chạm rồi
Trăm năm đỉnh tới ráng trèo thôi
Qua thời năng nổ gây cơ nghiệp
Đến lúc thong dong ngắm đất trời
Cuộc sống ngàn phương nhờ vợ tính
Tình thơ vạn nẻo hết mình chơi
Trăng cài bến gió hồng đêm mộng
Dệt trải vần thương gởi lại đời
Đọc xong bài Bảy mươi tuổi tự vịnh, có lẽ không ai là không thích cặp luận ở bài này với cách diễn đạt nửa trang trọng nửa đùa vui dí dỏm ở cụm đối: nhờ vợ tính – hết mình chơi, thơ luật Đường mà giọng điệu cứ như của lớp người trẻ làm thơ mới.
Theo quan điểm Khổng Mạnh – và xã hội một thời quân chủ phong kiến Đông phương – thì người phụ nữ gương mẫu của gia đình là người đầy đủ tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Và tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh – đó là những đức tính phải có của người đàn bà Á đông nề nếp, bây giờ nền quân chủ ở Việt Nam đã cáo chung song song với “cái học nhà nho đã hỏng rồi”… Thế nhưng không phải vì vậy; mà phụ nữ của đất nước này tung hê mọi buộc ràng của kỷ luật khắt khe bất thành văn bản ấy, họ cứ mẹ truyền con nới liên tục tự nguyện đội cái “vòng kim cô” với niềm đau hạnh phúc, từ khi mạng nặng cái duyên kiếp đàn bà, cái thiên chức làm con gái, làm dâu, làm vợ… để hai sương một nắng chợ sớm đò chiều cho bếp hồng luôn ấm lửa thương yêu. Nếu không vậy dễ gì mà nhà thơ Thanh Phong cấu tứ nên bài thơ cảm tạ để tặng người vợ hiền, người phụ nữ tiêu biểu có tên gọi Bạch Hằng.
Cảm tạ
Cảm tạ ơn trời giúp Nguyễn Phong
Được trang hiền nội kính yêu chồng
Ba sinh gắn bó tròn câu hẹn
Một dạ trung trinh vẹn chữ tòng
Lặng lẽ vầng trăng ngời ngõ trúc
Thong dong cánh gió trải dòng sông
Đầu xanh chợt thoáng sương thu đọng
Vẫn sưởi lòng nhau ánh mắt trong
Không phải ai ai sinh ra lớn lên là có một mối tình hoàn hảo, có sẵn một người vợ, một người yêu lý tưởng để chung sống bên nhau… mà điều ấy còn tùy thuộc vào nghiệp duyên của mỗi con người, duyên tiền định đã đưa đẩy cho nhà thơ Thanh Phong gặp được người con gái Gò Công trọn bề tình lại rất vững vàng nội lực, để phấn đấu và chịu đựng bao chuyện vui buồn trong cái cõi nhân sinh phiền toái để giữ được tấm tình ân nghĩa với kẻ mất người còn cho trong êm ngoài ấm thủy chung. Thanh Phong thật hạnh phúc khi có được người: Bạn đời
Giữa dòng đời bôn ba xuôi ngược
Gặp em rồi neo bước phong trần
Miền Nam mạch sống trong ngần
Đẹp câu duyên nợ thắm vần thơ yêu
Chợt mới đó, tuổi chiều đã tới
Thời gian trôi chẳng đợi ai đâu
Tóc xanh nay đã bạc màu
Đôi ta chung thủy chia sầu, sẻ vui
Em giúp anh đẩy lùi bệnh tật
Lo thuốc thang tất bật đêm ngày
Nhỏ to an ủi giãi bày
Đã qua hoạn nạn thoát tay tử thần
Em là trăng non ngàn tỏa bóng
Anh là gió lồng lộng mây trời
Gió trăng trăng gió liền đôi
Đầu non cuối biển suốt đời bên nhau
Nước non mãi một màu xanh biếc
Ta dìu nhau nhịp bước tình thơ
Bồng bềnh mái tóc bạc phơ
Đường đời chung lối dòng mơ chung thuyền
Thơ lục bát của Thanh Phong hiền như buồng cau, nải chuối trong vườn xanh mượt mà của mảnh đất Bình Khê nhân nghĩa – nơi có bao bậc anh hùng nghĩa sĩ vì nước quên thân, nơi có người mẹ hiền lưng còng tóc trắng ngày ngày tựa cửa ngóng trông con qua bao năm tháng – đến lúc con công toại danh thành mong báo đền ơn dưỡng dục sanh thành thì mẹ đã theo luật tử sinh về nơi miên viễn và nỗi đau mất mẹ xé nát lòng con…
Tuần hương tưởng niệm
Mùa xuân năm ấy tái tê
Ngàn mây ủ rũ bốn bề lặng yên
Gió xuân nâng bước mẹ hiền
Vào đêm mười sáu tháng giêng trăng tròn
Nỗi đau xé nát lòng con
Nhớ thương từ mẫu mỏi mòn canh thâu
Miền thánh địa cội nguồn cho mỗi chúng ta vọng tưởng đó là vùng trời đầy ắp hương hoa của tuổi ấu thơ dưới gối mẹ cha, bên thầy, bên bạn, tung tăng hai buổi đến trường hồn nhiên như nắng sớm reo vui, ăn no, ngủ kỹ chẳng vướng ưu tư, chẳng buồn cơm áo bởi “hết gạo thì có Đồng Nai, hết củi thì có Tân Sài đem qua”. Nếu quay ngược được thời gian hẳn không ít người muốn trở lại thời thơ ấu, vì không đủ phép mầu để quay về lại tuổi nguyên sơ nên mới nhớ như nhà thơ Thanh Phong:
Nhớ thời thơ ấu
Nhớ quá bao năm đã vắng nhà
Nhớ thời thơ ấu vút trôi qua
Nhớ cha dạy bảo – lời nghiêm nghị
Nhớ mẹ khuyên bày – giọng thiết tha
Nhớ ánh dương lên chim ríu rít
Nhớ hoàng hôn xuống dế ngân nga
Nhớ mùa lúa chín vàng thơm ngát
Nhớ sớm tinh sương rộn tiếng gà
Thanh Phong – Bạch Hằng không chỉ là một cặp vợ chồng “tương kính như tân” mà họ còn là đôi bạn đạo cùng tổ cùng thầy, họ dắt dìu nhau tu tập, dìu bước nhau trên hành trình tìm đến ánh đạo vàng qua kinh điển, và cả thực tế bằng chuyến hành hương về đất Phật, người ở tiếp sức mạnh tinh thần cho kẻ ra đi qua bài:
Chúc em
Chúc em thượng lộ bình an
Về thăm xứ Phật đạo vàng thăng hoa
Nơi đây đức Phật Thích Ca
Niết Bàn nhập diệt than xa cõi đời…
…Em đi anh rất hân hoan
Cùng chung thầy bạn Đạo Tràng Pháp Hoa
Đón thiên niên kỷ mới qua
Cầu mong nhân loại hoan ca thái bình
Mới nhìn vào tựa bài “Nhớ người xưa” khách thơ cứ tưởng là Thanh Phong đang để lòng về dĩ vãng, hướng đến một bóng hồng cố nhân nào đấy ở tuổi thanh xuân. Nhưng nội dung không phải thế. Người xưa mà Thanh Phong đề cập ở đây là một thi nhân thời Thịnh Đường bên Trung Hoa là Tư Huân viên ngoại lang Thôi Hiệu, tác giả của bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng…
Trong chuyến du lịch Trung Quốc người thơ Việt Nam đã đặt chân đến Lầu Hoàng Hạc với mục đích chiêm ngưỡng nơi chốn từng gợi thi hứng cho thi sĩ Thôi Hiệu phóng bút thành tuyệt phẩm để đời, đến chốn cũ Thanh Phong xúc động và hai bài Đường luật liên vận mang tên “Nhớ người xưa” ra đời:
Nhớ người xưa
Người về tiên cảnh chín tầng mây
Hoàng Hạc Lâu kia vẫn chốn này
Lồng lộng nắng vàng ngan ngát tỏa
Mênh mông mây bạc chập chùng bay…
Niềm hạnh phúc lớn và nỗi hệ lụy phiền não cũng lớn rộng vô cùng của người thơ là họ trao gởi và đón nhận quá nhiều tình cảm của người mộ điệu, của khách tri âm tri kỷ gần xa, người mang nghiệp viết lách họ có niềm vui là đến đâu cũng được mọi người tự nguyện đón tiếp và tiễn đưa mà không cần phải lệnh lạc thông báo thông tư như ở giới quan chức, từ ngàn trước đến ngàn sau, năn nghệ sĩ là loại vua không ngai và quan thì không có phẩm hàm cấp bậc, họ chỉ có thơ và bạn:
Nghĩa bạn tình thơ
Chào mừng quý khách sáng hôm nay
Không ngại đường xa sức yếu gầy
Đồng Phó An Nhơn về chẳng thiếu
An Nhơn Bình Định đến thêm đầy…
Phiêu bồng khăn gói gió đưa là cái bệnh của người thơ vì thế chẳng ai ngạc nhiên khi thấy nội dung trong thi phẩm Trăng cài bến gió hết một nửa dành cho phần ký sự du lịch, bước chân của Thanh Phong đặt khắp nẻo sông hồ từ trong nước đến hải ngoại, nơi chốn nào ông cũng ghi lại bao hình ảnh, cảnh sắc thân yêu thơ mộng và hùng vĩ mà tiêu biểu là bài:
Thăm Đền Hùng
Vờn trông mây núi chập chùng
Nay là ngày cuối Đền Hùng về thăm
Đường đi Vĩnh Phú xa xăm
Một lòng viếng Tổ bao năm chưa từng
Đây rồi cảnh cũ Đền Hùng
Phụng thờ chư Tổ con Rồng cháu Tiên…
Ai là con dân đất nước Việt Nam lại không tự hào với nền dân trí với lớp người khoa bảng mà tên tuổi đã được khắc lên bia đá nghìn năm tại Văn miếu Quốc Tử Giám ở thủ đô Hà Nội. Nhà thơ Thanh Phong đã bồi hồi ghi lại kỷ niệm một lần đến với:
Quốc Tử Giám
Ngôi nhà Quốc Tử Giám đâu
Xin đi mấy phố bước mau đến liền
Đá rùa bia đội bảng tên
Trạng nguyên tiến sĩ danh lên bảng vàng…
Là người Phật tử thì ngôi chùa là mái nhà thân thương của họ vì thế bất luận nơi chốn nào, địa phương nào, vùng miền nào mà họ dừng chân trên hành trình du lịch thì Chùa là chỗ họ tìm đến đầu tiên, trong cuộc du hành phương Bắc, tác giả Trăng cài bến gió đã tìn đến ngôi chùa mà nhà thơ Huy Cận đã một lần đưa vào thơ đó là chùa Tây Phương và Thanh Phong cũng đã viết về ngôi chùa này cũng với tựa đề:
Chùa Tây Phương
Tây Phương chùa cổ là đây
Tượng phật nghìn mắt nghìn tay ánh vàng…
Cuộc rong chơi nào cũng phải đến hồi kết thúc – chuyến hành phương Bắc của Thanh Phong đã khép lại với bao luyến tiếc ngậm ngùi giữa người về kẻ ở, giữa cảnh và người… đa cảm là tố chất của nhà thơ, người thơ đi đến đâu là gieo mầm tri ngộ và gặt quả lưu luyến thương. Chúng ta nghe nỗi luyến thương của Thanh Phong:
Hà thành ơi! Mãi thân thương
Đoàn tàu chuyển bánh còn vương nỗi lòng
Người xưa có câu: “Chồng khôn vợ được mang giày, vợ ngoan chồng được lâu ngày cậy trông”. Đem câu ấy áp dụng vào đời sống của nhà thơ Thanh Phong có lẽ đúng, nếu không phải thế Thanh Phong đã chẳng viết:
Thôi đành nhờ vợ
Bắt chước bạn bè tết tặng thơ
Nghênh xuân khai bút đón giao thừa
Đường thi năm vận lời chưa thoáng
Lục bát vài câu ý đã mờ
Sự nghiệp huy hoàng không dám ước
Công danh rực rỡ chẳng còn mơ
Thôi đành nhờ vợ ngày hai bữa
Thỉnh thoảng tìm vui đến Hội thơ
Nói thỉnh thoảng đi hội thơ là một cách nói khiêm tốn thôi chứ 365 ngày trong một năm có lẽ Thanh Phong đã sống trọn với thơ từ khi nhập cuộc, vì đến với thơ muộn, nên Thanh Phong yêu thơ sâu sắc nồng nàn và thủy chung với thơ cho đến phút cuối đời.
“Tái ông thất mã” – một thành ngữ thuần Hán đã có tự ngày xưa – sự rủi may nào cũng mang tính bù trừ, Thanh Phong ý thức được điều đó hơn ai – vì ông là người trong cuộc – ông là người từng mất quá nhiều và được khá lớn nên ông:
Tự biết mình
Trong may có rủi – rủi mà may
Cuộc sống muôn màu – cuộc tỉnh say
Trái đạo trái đời nên vội tránh
Phải tình phải lý cứ làm ngay
Bén duyên bén nợ cơ trời đó
Đừng giận đừng lo cõi thế này
Ánh đuốc lương tri ngời ánh đuốc
Tự ta ta biết tự ta hay
Mới nhìn dáng dấp oai phong với vai năm tấc rộng thân mười thước cao ai cũng nghĩ Thanh Phong nghiêm nghị khó gần – nhưng không – người thơ này rất biết đùa và đùa rất ý nhị, chung ta nghe ông đùa qua bài thơ:
Tường thuật ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)
Lễ trọn nguyên ngày “tám tháng ba”
Quý bà chưng diện đẹp như hoa
Thoáng trông ai đó như tiên nữ
Nhìn kỹ người đây đúng vợ mà
Lỡ hứa khoe tài ôm hết việc
Thầm vui nỗ lực ráng tròn ca
Ước gì sống mãi trên trăm tuổi
Rõ mặt yên hùng “tám tháng ba”
Không phải giữa cõi ta bà bon chen tất bật này – chúng ta dễ dàng làm được những gì mình muốn, mình tâm niệm, nếu thiếu yếu tố cộng hưởng, thiếu nhân tố tích cực để biến những ước muốn những tâm niệm vì mọi người thành thực tế lợi lạc cho đồng loại, nhà thơ Thanh Phong may mắn có được những điều kiện thuận lợi bởi: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa – Ông viết bài thơ “Trọn phỉ nguyền” như một lời tri ân sâu sắc đối với cuộc đời, cuộc tình, cuộc hôn nhân mà ông đã nhận được do duyên lành của tiền kiếp xa xưa:
Trọn phỉ nguyền
Ông tơ bà nguyệt khéo xe duyên
Tình nghĩa đôi ta trọn phỉ nguyền
Thu chớm trăng treo vàng cuối ngõ
Xuân về hoa nở ngát đầu hiên
Dòng đời thanh thản hòa chung bước
Cuộc sống yên vui ước vẹn tuyền
Khúc nhạc vần thơ dìu lối mộng
Ru hồn lữ khách lạc cung tiên
Người viết lời giao cảm để dẫn thơ qua mọi nẻo đường hỉ, nộ, ái, lạc, xin được có mấy lời thưa gửi tâm sự cùng khách yêu thơ – tập “Trăng cài bến gió” của nhà thơ Thanh Phong có 146 bài đủ thể loại gói trọn một đời người, một đời thơ của tác giả vì thế quý vị thể tình cho người chọn đã tham lam trích dẫn.
Nguyện đem công đức này hồi hướng cho cố Phật tử Pháp Đức Thanh Phong và mọi loài mọi vật được sống trong an lạc thái hòa giữa triền tử, sinh, thành, hoại.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 23/02/2020
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét