Home
» Lý luận phê bình
» Ninh Giang Thu Cúc: Cảm nhận “Thi Văn Tập” của Thành Đạt Cát Nhơn Bình (TP.HCM)
Ninh Giang Thu Cúc: Cảm nhận “Thi Văn Tập” của Thành Đạt Cát Nhơn Bình (TP.HCM)
Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020
Cùng gặp nhau trên căn bản giáo lý của những người con Phật, và duyên văn tự đã bắt nhịp cầu thông cảm để chúng tôi từ chỗ xa lạ đi đến chỗ hiểu biết, cảm thông anh. Nhận bản thảo “Thi văn tập” tự tay anh trao với những lời chí thiết: “Đây là tất cả tâm huyết của đời tôi từ năm 1948 đến bây giờ, gởi cô đọc, nó sẽ thay tôi tâm sự cùng cô về cuộc đời mình…”
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Quê quán: Hương Trà, Tp. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
NINH GIANG THU CÚC: CẢM NHẬN “THI VĂN TẬP”
CỦA THÀNH ĐẠT CÁT NHƠN BÌNH
***
Cùng gặp nhau trên căn bản giáo lý của những người con Phật, và duyên văn tự đã bắt nhịp cầu thông cảm để chúng tôi từ chỗ xa lạ đi đến chỗ hiểu biết, cảm thông anh.
Nhận bản thảo “Thi văn tập” tự tay anh trao với những lời chí thiết:
Đây là tất cả tâm huyết của đời tôi từ năm 1948 đến bây giờ, gởi cô đọc, nó sẽ thay tôi tâm sự cùng cô về cuộc đời mình…
Người đọc thật sự xúc động khi xếp toàn tập lại vui mừng xen lẫn ngậm ngùi trong nhận xét đầu tiên:
Tác giả là người có tài! Vâng, người đọc hoàn toàn không nói theo ngoa ngữ. Nếu tác giả đã từng được như “Những chàng trai mười tám tuổi vào trường. Rương nho nhỏ với tâm hồn bằng ngọc”(*) thì với tài ấy, với trí ấy, lo gì phong vân không gặp hội, lo gì bảng hổ chẳng đề danh và có lẽ văn học sử nước nhà sẽ có một vài dòng cho tên anh ngự trị.
Vị đời chua cay mặn đắng anh đã nhận lãnh, đã kiên trì chịu đựng, sự chịu đựng ấy, sự phấn đấu ấy đã được anh ghi lại trong từng tiểu phẩm, trong từng hồi ức bi tráng… Nhưng rồi Hoàng Thiên bất phụ, anh quả xứng đáng được đền bù – mà cuộc sống hôm nay của anh là điều minh chứng.
Qua thơ văn anh, cái nổi bật – cái mà người đọc vô cùng tâm đắc. Ấy là lòng hiếu thảo, là niềm tôn vinh yêu kính anh dành cho hai đấng sinh thành. Anh phụng dưỡng mẹ ân cần chu đáo trân trọng khi mẹ còn tại thế, anh ray rứt nhớ thương khi mẹ đã qua đời…
Còn hình ảnh nào vừa đẹp vừa bi tráng hơn hình ảnh của một người con mái tóc đã pha màu sương khói đứng trước linh sàng nghi ngút trầm hương lòng quặn thắt khi:
“Nhìn ngọc ảnh thương hồi cắn vú
Ngó quan tài thảm lúc rơm chèn”
(KMCTT)
Rồi phủ phục xuống để:
“Cảm tạ thâm ân bao nghĩa nặng
Ngậm vành kết cỏ dám nào quên”
(KMCTT)
Không phải tác giả chỉ viết suông, chỉ hô khẩu hiệu trong thi ca mà chính quá trình phục thị mẹ già qua bao tháng năm đau yếu nằm tại chỗ là một bằng chứng cho niềm hiếu kính của anh.
Đạo lý Việt Nam sẽ sâu gốc vươn cành, sẽ mãi mãi được thế giới tôn vinh bởi đã sản sinh và giáo dục được những người con hiếu để như anh.
Xin được nghiêng mình trước những người con hiếu để của dân tộc Việt Nam.
Anh viết về mẹ thật nhiều, điển hình là bài “Khóc mẹ câu tình thâm” mà người đọc đã trích dẫn 4 câu ở trên. Anh còn làm bài “Văn tế Mẫu từ” lời lời thắm thiết đoạn đoạn nhớ thương!
Trong đời sống gia đình, anh là một người chồng biết yêu quý sự tảo tần hai sương một nắng của người bạn tào khang, anh đã trân trọng tấm lòng vì chồng vì con của vợ mình. Anh xưng tụng tán thán đức tính tuyệt vời của người vợ, người mẹ qua tác phẩm “Người mẹ đáng thương” (trang 194) anh hài lòng trong hạnh phúc vợ chồng, người đọc xin thành tâm chia vui trong hạnh phúc tác giả đang hưởng thụ.
Với con cái, anh là người cha tốt, phải chăng nỗi thăng trầm của buổi thiếu thời đã giúp anh thu thập từ cuộc đời khá nhiều vốn liếng để bây giờ đầu tư trong ứng xử với con cái, trong cộng đồng gia tộc.
Bản chất nghệ sỹ trong người cộng với bao vị ngọt mặn đắng chát đầu môi mà anh từng nếm trải nên anh đã được nhận lãnh một kho tri thức mà cuộc đời trao tặng nên nguồn thơ anh vô cùng giàu có về ý và tình khiến anh dư thừa cảm hứng cho nhiều chủ đề và thể loại. Anh vung tay là ý và tình chấp chới trào tuôn trên đầu ngọn bút một cách hào phóng mà chẳng phải lo khánh tận ngôn từ, dẫn chứng là bài “Trăng thu gợi nhớ đời ta” có đến 120 câu với nhiều thể loại ví như một dàn nhạc giao hưởng với bao cung bậc bổng trầm… để rồi kết thúc bằng một làn điệu lục bát náo nức, dập dồn, thỏa thê, hạnh phúc:
“Ngày nay non nước thanh bình
Vui nhà vui bạn vui tình nước non”
Người đọc xin được viết vài dòng giao cảm theo yêu cầu của tác giả với tất cả lòng thành. Xin mời những tâm hồn yêu văn thơ hãy đi vào tác phẩm đọc kỹ từng bài từng câu nhất là những bài tác giả viết theo thể tự sự, thuật sự, hồi tưởng về thân thế tác giả để cảm nhận và thẩm định tài năng của tác giả để không cho là người đọc nầy cường điệu và thiếu tính khách quan trong cảm nhận và thẩm định giá trị văn học, dĩ nhiên là ở đây người đọc không hề luận bàn về bút pháp, về kỹ năng trong sáng tác của tác giả.
Quy Nhơn 21/6/1995 – Ninh Giang Thu Cúc
---
(*) Huy Cận
---
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 23/02/2020
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét