Home
» Lý luận phê bình
» Ninh Giang Thu Cúc: Tâm tình người xa xứ trong thi phẩm “Một Miền Trăng” (TP.HCM)
Ninh Giang Thu Cúc: Tâm tình người xa xứ trong thi phẩm “Một Miền Trăng” (TP.HCM)
Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020
“Một miền trăng” là một hợp tuyển thơ với hơn 165 tác giả viết về quê hương Bình Định do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vừa ra khỏi xưởng in còn thơm lừng mùi giấy mực mà quý vị đang có trên tay. Trong phạm vi của bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến các tác giả và tác phẩm của những người con của quê hương Bình Định mà vì công việc và đời sống phải xa lìa nơi cắt rốn chôn nhau, chân bước đi mà lòng quay trở lại trong nỗi nhớ vô cùng…
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Quê quán: Hương Trà, Tp. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
NINH GIANG THU CÚC: TÂM TÌNH NGƯỜI XA XỨ
TRONG THI PHẨM “MỘT MIỀN TRĂNG”
***
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Thôi Hiệu)
Đó là một hình ảnh, một tâm trạng vượt không gian và bất biến với thời gian, vì thế mới gây được xúc cảm và đồng cảm sâu sắc để nhà thơ núi Tản sông Đà của chúng ta lược dịch:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Vâng, hoàng hôn! “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”(*) không biết một Thôi Hiệu của Trung Hoa và một Nguyễn Khắc Hiếu của Việt Nam đã phải trải qua bao nhiêu hoàng hôn với “yên ba giang thượng” … để cùng gặp nhau bằng trạng thái ray rứt bồi hồi bâng khuâng thăm thẳm nỗi nhớ quê hương, xin vọng về quá khứ trong phút giây để trân trọng nỗi nhớ của người xưa và chúng ta mời nhau đến với nỗi niềm xa xứ của tác giả hôm nay trong thi phẩm “Một miền trăng”.
“Một miền trăng” là một hợp tuyển thơ với hơn 165 tác giả viết về quê hương Bình Định do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vừa ra khỏi xưởng in còn thơm lừng mùi giấy mực mà quý vị đang có trên tay.
Trong phạm vi của bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến các tác giả và tác phẩm của những người con của quê hương Bình Định mà vì công việc và đời sống phải xa lìa nơi cắt rốn chôn nhau, chân bước đi mà lòng quay trở lại trong nỗi nhớ vô cùng…
Sầu xứ - nhớ quê nhà – đó là khối tình cảm mà người đi xa mang theo, món hành lý này không vướng víu nặng nề như chăn màn y phục, như vàng bạc, giấy tờ nhọc hằn tay xách nách mang, mà đây là loại hành trang nhẹ nhàng êm ái lãng đãng khói sương; thế nhưng sức đeo đẳng quấn quýt của nó ở trong ta lại vô cùng vô tận, trong mỗi lúc, mỗi khi, trên cuộc đời phiêu bạc với sáng nắng chiều mưa ở vạn dặm đất người… và khi cái ý thức quê hương ngăn cách muôn trùng hiển hiện thì nỗi nhớ như cơn hồng thủy nhấn chìm người xa xứ vào lòng đại dương cảm xúc – nó và khách phiêu bạt đã biến thành một thực thể, một hiện sinh cao thấp chập chờn…
Nỗi lênh đênh trên quê người đất khách, niềm nhớ thương quay quắt trong từng khắc lậu canh tàn là động lực để khách thơ Trần Bá Lan của vùng đất Tây Sơn tam kiệt cấu tứ nên bài:
BÁN DẠ HOÀI HƯƠNG
Về đây giữa lúc canh thâu
Ta nằm vùi dưới trời sâu núi rừng
Nửa khuya khèn điệu vọng lưng
Thôi đây thân xác dở chừng cuộc vui
Nằm nghe lòng đất bùi ngùi
Dấu chân thiên cổ ai người nhớ thương
Trời khuya đâu bóng cố hương
Nửa nhành trăng đọng cuối vườn thu xưa
Vâng, hình bóng cố hương là chủ đề, là cảm hứng sáng tạo nghìn đời của văn chương nghệ thuật, Lý Bạch đã bất tử bởi ông có hai câu:
“Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”.
Quân nhân, chiến sĩ là những người nắm chắc tay súng để giữ gìn và bảo vệ đất nước. Tổ quốc ta trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau; nơi chốn nào trên dải đất hình chữ S này đều là quê hương chung, song, vẫn có một góc riêng cho mỗi người, đó là nơi chốn ta cất tiếng khóc đầu đời để được khai sinh tên họ, vì thế mà người chiến sĩ công an Nguyễn Quang Tuyên cứ phải sống trong tâm trạng ngày Bắc đêm Nam vọng về Quy Nhơn:
Quê hương tôi đó mãi thầm vương
Bóng dáng Quy Nhơn suốt dặm trường
Và anh tâm niệm:
Về Quy Nhơn cho cội nguồn tiếp nối
Mình trao nhau nguyên vẹn trái tim hồng
Từng nỗi nhớ đan quyện vào nhau gởi về miền đất biển, tác giả Nguyễn Tiên Tấn chạnh lòng nhớ lại một thời áo cơm lận đận khi quay về cảnh cũ phố xưa qua bài:
THƯƠNG LẮM QUY NHƠN
… Về Quy Nhơn, tôi tìm tôi
Những tháng năm xanh xao bát cơm manh áo
Đâu cái ngày xưa các con tôi thơm thảo
Thương cha mẹ nghèo tần tảo chắt chiu
Vâng, ai trong chúng ta lại không hơn một lần xuôi ngược bởi nợ áo cơm, điều này nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định:
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Nhưng may thay – ngoài cái cõi dân gian áo cơm hệ lụy ấy chúng ta còn có một nơi chốn, một cứu cánh tất yếu để tìm về, để phụng hiến, tôn vinh. Đó là tình yêu – tình yêu lứa đôi và tình yêu rộng lớn – yêu người và yêu thiên nhiên. Xin cảm ơn nữ sĩ Hoa Phương đã cho chúng ta niềm lạc quan yêu sống qua bài:
BIỂN QUY NHƠN
Nước biển xanh trời núi cũng xanh
Bềnh bồng thuyền đậu sóng yên lành
Em ngồi ghế đá chờ ai đó?
Để gió đùa tà áo nữ sinh
Nắng sớm vàng yên nắng đổ dài
Uyên ương thủ thỉ má kề vai
Nghiêng mình tắm nắng trên bờ cát
Thiếu nữ hương nồng ướp tóc mai
Tàu về nhộn nhịp bến phồn vinh
Én lượn chiều xuân sát cánh tình
Ngư phủ được mùa vui biển cả
Xa xa Gành Ráng nhớ Mai Đình
Một tuần thăm biển bao lưu luyến
Mai mốt đi rồi có nhớ thương
Viết vội bài thơ xin gửi tặng
Quy Nhơn ơi! Biển ái Quy Nhơn.
Có nhiều đường trăng để dẫn đến Một Miền Trăng nhưng chúng ta cùng nhau dạo lên đường trăng mà tác giả Hồng Quang đã dẫn lộ:
ĐƯỜNG TRĂNG
Đường về quê mẹ đến Quy Nhơn
Bóng nguyệt đêm thu quyến rũ hồn
Mặt biển lung linh chao ánh điện
Đồi non mờ ảo loáng hoàng hôn
Sao giăng phố Cảng soi Thành Cổ
Trăng trải đường thôn tỏa lối mòn
Thị Nại – Sông Cầu xưa ước hẹn
Người về bên ấy nhớ sông Côn
Giữa miền trăng huyền ảo với nước biếc non xanh với hương hoa cỏ lạ vẫn chưa đủ cho niềm trân trọng nếu ta chưa tìm thấy lại ngôi trường ngày thơ ấu để sống vài giây phút với kỷ niệm bên thầy, bên bạn, bên sách, bên đèn. Xin cảm ơn người bạn đồng hành Bình Minh Nguyễn Tri đã nhắc ta:
NHỚ TRƯỜNG XƯA
Trường cũ một chiều ghé lại thăm
Cảnh xưa xa cách mấy mươi năm
Thầy cô dạo trước giờ đâu vắng
Mấy dãy tường vôi dưới bóng sân
Và Bình Minh cùng chúng ta:
Nhìn cảnh quen xưa dưới nắng tà
Trường ơi có biết, biết chăng ta
Bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu
Bạn cũ trò xưa nhớ lắm mà
Về được thì nắm tay nhau dạo khắp trời quê cho thỏa niềm khao khát, nhưng vì ngàn lẻ một lý do nào đó mà không về được với Bình Định Quy Nhơn, không về được với Một Miền Trăng thơ mộng; thì đành thao thức thâu đêm như người con đẻ của xứ sở “Gió đưa mười tám lá xoài” và con rể của miền Hương Ngự, chúng ta ngậm ngùi nghe Hồ Thế Hà tâm sự qua:
XUÂN MUỘN VỚI QUI NHƠN
Trót lỗi hẹn với Qui Nhơn mùa xuân chín
Ai như tôi xin thức suốt đêm này
Mùa lữ thứ lỡ về không kịp
Nhớ một trời chim yến bay…
Và
… Không về được đành thôi lỗi hẹn
Qui Nhơn xa buồn lẻ một mùa thương…
Không chỉ một Hồ Thế Hà lỗi hẹn mà còn biết bao người lỗi hẹn, sự lỗi hẹn không do tự thân mà do nhiều tác động – vì thế quê hương Bình Định ơi, xin cảm thông cho sự lỗi hẹn dễ thương này, chúng ta cứ hẹn nhau và cứ đợi chờ nhau.
Xin chào đón nồng nàn các tác giả đã về với “Một Miền Trăng” và khắc khoải đợi chờ các vị chưa về được, với trên 50 tác giả xa xứ được trang trọng giới thiệu trong bài này, đó là Quí vị: Đàm Phi Vũ, Lam Giang, Phạm Hổ, Thạch Khê, Thanh Nam, Hoàng Trọng Thắng, Xuân Sơn, Sơn Bình, Cao Trần, Chu Đình, Hoàng Giang, Xanh Ca, Quốc Thành, Dương Quang Phùng, Phương Thi, Nguyễn Khắc Thiệu, Thái Tẩu, Bồng Giang, Thái Trung, Như Anh, Lâm Bình Quí, Bình Giang, Hoàng Bích Đào, Ngọc Bút, Thảo Khê, Lương Trọng Lãnh, Đỗ Hướng, Nguyễn Xuân Bá, Nguyễn Hồng, An Sinh, Nguyễn Thanh Hiệp, Khải Thanh, An Xuân, Hoàng Nhật Thiện, Tạ Chí Tào, Võ Thanh Vân, Giang Tân, Thúy Vân.
Vì thời gian và khuôn khổ của bài viết chúng tôi xin tạ lỗi cùng đa số tác giả đã không có thơ trích dẫn, giới thiệu, chúng tôi xin mạn phép mượn hai câu thơ của tác giả Nguyễn Như Cảnh trong bài “Nhơn Thuận” để kết thúc bài viết:
Miếng trầu bỏ chín làm mười
Nâng ly Bàu Đá thắm tươi duyên tình
Vâng, xin Quí vị bỏ chín làm mười cho – nếu có gì sai xót – và xin mời tất cả cùng nâng ly mừng cuộc gặp gỡ hôm nay.
Qui Nhơn, ngày 14/7/2002 – Ninh Giang Thu Cúc
—
(*) Nguyễn Du
—
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 06/01/2020
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét