Home
» Lý luận phê bình
» Nguyễn Thị Mây: Cảm nhận về bản dịch truyện thiếu nhi “Người mẹ và con quỷ” của D/giả Ngọc Châu (HP)
Nguyễn Thị Mây: Cảm nhận về bản dịch truyện thiếu nhi “Người mẹ và con quỷ” của D/giả Ngọc Châu (HP)
Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020
Đây là cuốn truyện dành cho thiếu nhi. Thế nhưng người lớn nếu mở ra cũng sẽ bị cuốn vào một thế giới kỳ ảo lạ lùng, đan xen những kiến thức khoa học kỹ thuật đơn giản nhưng hấp dẫn, tính giáo dục cũng được hòa quyện vào rất khéo léo và duyên dáng. Quyển sách đã tạo được sự tin cậy đối với các bậc phụ huynh khi chọn lựa để con em mình đọc và khám phá.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Ngọc Châu
Họ tên Nguyễn Ngọc Châu
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 0868153994
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
NGUYỄN THỊ MÂY: CẢM NHẬN VỀ QUYỂN TRUYỆN THIẾU NHI “NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ”
Địa chỉ: 312 Lê Thánh Tông quận Ngô Quyền Hải Phòng
Mobille: 0868153994
Email: ngocchaunvhp@gmail.com
_____
NGUYỄN THỊ MÂY: CẢM NHẬN VỀ QUYỂN TRUYỆN THIẾU NHI “NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ”
(Của nhà văn – dịch giả Ngọc Châu, do NXB Dân Trí phát hành)
***
Đây là cuốn truyện dành cho thiếu nhi. Thế nhưng người lớn nếu mở ra cũng sẽ bị cuốn vào một thế giới kỳ ảo lạ lùng, đan xen những kiến thức khoa học kỹ thuật đơn giản nhưng hấp dẫn, tính giáo dục cũng được hòa quyện vào rất khéo léo và duyên dáng. Quyển sách đã tạo được sự tin cậy đối với các bậc phụ huynh khi chọn lựa để con em mình đọc và khám phá.
Cũng là người thích viết truyện cho các em, tôi thật sự kinh ngạc khi thấy nhà văn Ngọc Châu đã ở tuổi nghỉ hưu mà trí tưởng tượng vẫn phong phú, lời văn lại trẻ trung, phù hợp với trẻ em đến thế. Mọi nội dung của câu chuyện được chuyển tải bằng những từ ngữ gợi hình, gợi cảm, cũng gợi thắc mắc muốn tìm hiểu (và rồi được giải đáp) ở trẻ con.
Sách gồm 11 chương, mỗi chương mang một tên riêng, cũng là chủ đề của từng chương.
Chương I: Bà phù thủy ngái ngủ.
Qua chương mở đầu khiến bạn đọc liên tưởng đến hình ảnh một người lúc nào cũng chìm trong hư ảo của giấc ngủ. Ở chương này, tác giả đã giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh của nhân vật chính và sự tồn tại của bà Phù thủy.
“Nhà chỉ có hai mẹ con. Bố thằng bé đi lính chết trận từ lúc các bà Mụ còn đang nặn chân, nặn tay cho nó ở trong bào thai.”
“Hai mẹ con lần hồi sống trong một khu vực tồi tàn, ven nghĩa địa sát chân dải núi đã chôn những người lính chết trận, nhưng không có mộ bố nó ở trong ấy.
Người ta vẫn nói rằng ở nơi đó có nhiều hồn ma, trước kia có một mụ phù thủy nhưng mụ đã ngủ yên đến vài trăm năm nay, lũ quỷ cũng thường hay bén mảng…”
Những trang viết mở ra một cánh cửa thần thoại. Tác giả xâu những chi tiết cổ tích thành một chuổi vừa logic vừa hấp dẫn. Từ ngôi nhà tồi tàn ở một chỗ ma quái dẫn đến mơ ước có “cây đèn thần” rồi “nhẫn thần” để có thể dời ngôi nhà mục nát ra khỏi nơi nghĩa địa quỷ ám. Do mơ ước đó mà cậu bé “đã tha thẩn tìm nhặt cây cỏ và các vật lạ, rồi đi dần vào bên trong. Có một lần nó nhìn thấy mẩu gì sáng lấp lánh nhô lên trên lớp bùn mỏng và nhặt được con quỷ bị xích vào chiếc móng rồng…”
Mẹ đã dặn không được lai vãng vào đấy nữa nhưng sau đó cậu bé vẫn mon men tới khu nghĩa địa và “Tiếng nổ khủng khiếp” xảy ra. “Thể xác đứa nhỏ nằm đấy nhưng mà phần hồn phiêu bạc đẩu đâu. Nó đang đi lang thang nhặt nhạnh vớ vẩn rồi bỗng thấy một bà già cúi người dò dẫm tìm thứ gì đó ở sát đám cỏ may trong nghĩa địa. Tự dưng thằng bé nhận ra đấy là bà Phù thủy đã ngủ yên hai trăm năm nay…”
Tiếp đến chương 2: Ve địa y nha kỳ diệu.
Ở chương này, tôi rất ấn tượng với cách tả các con vật ở cùng với bà già nhặt rác. Một cô dê vẹo sừng, con mèo đực lớn như loài linh miêu nhưng cụt một mẩu đuôi và một anh chàng gà trống gộc sứt mào, đó là các tùy tùng của bà lão phù thủy, suốt ngày cãi cọ và choảng nhau. Rất ngộ nghĩnh và lôi cuốn mắt trẻ!
Bà Phù thủy ngái ngủ sợ lại làm rơi con quỉ lần nữa nên giao cho hai mẹ con coi giữ. Đền công cho việc này bà ta đã cho người mẹ ve địa y nha kì diệu và dạy cách làm ra thứ bánh tuyệt vời. Nhờ thế mẹ chú bé đã trở thành người thợ làm bánh nổi tiếng và mua được một ngôi nhà nhỏ xinh ở ven Thị trấn. Bánh của mẹ con chú trở thành “thương hiệu đặc biệt” của vùng này.
Tác giả khiến cho trẻ em mê tít chương 2 bởi bài đồng dao:
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Cong cổ con cò
Rủ nhau cùng chén
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Nào ăn thật no
Thi nhảy lò cò
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Thi nhảy lò cò
Thi chén thật no
Bụng đứa nào to
Con ông xã xệ…
…….
Qua từng chương một câu chuyện dắt dẫn các em từ thế giới ảo đầy rẫy những loại bùa ngải lạ kì cùng các con ma quỷ - ngộ nghĩnh nhưng không hề gây hãi sợ - giữa hai thế lực Thiện (bà Phù thủy ngái ngủ & Baba Yaga) với cái ác (Quỷ đen với thứ rêu Tiên) sang thế giới thật của bà mẹ làm bánh sừng bò.
Cách dắt dẫn và ngôn ngữ kể chuyện của tác giả lôi cuốn nhưng không hề sử dụng những xảo thuật câu mồi trẻ con một cách rẻ tiền, mặt khác căn cứ của các điển tích cũng như cách thức giải quyết tình huống đều khoa học và logic. Chúng ta hãy thử đọc đoạn nói về cô Baba Yaga trẻ tuổi khi tay Pháp sư (sau này bị biến thành con Quỷ đen) dùng ngải Mê tâm phù phép cô từ xa:
“Suốt tuần qua tâm thần cô bất an, lúc thì hoảng hốt, lo lắng, lúc lại như có tiếng ai khẩn thiết mời gọi từ nơi xa thẳm, khiến cô muốn bỏ tất cả để đi đến đó xem sao… Cô ra ngoài thắng mấy con tuần lộc vào xe trượt tuyết, định bụng phóng đi ngao du một chuyến nhưng lúc thắng xe xong, quay vào lều lấy cây roi da thì chạm mắt vào chiếc gương thần của bà nội treo ngay đó. Baba Yaga chợt bình tâm lại, cảm thấy hơi thẹn với ý định bồng bột của mình, cô nhấc gương xuống đặt trên đùi, ngồi lên tấm nệm là một bó da thú và lặng im chờ đợi, hệt như ngày nay một bé gái nháy chuột vào lệnh download trên màn hình computer rồi ngồi đợi để xem một đoạn phim nào đó…
Nhờ chiếc gương thần của bà nội để lại mà nửa khắc sau cô nhìn thấy tay Pháp sư ngồi bên cây ngải Mê tâm, đang cố sức phù phép vào bức hình nghuệch ngoạc vẽ cô trên chiếc mai rùa. Cô đã bình tĩnh đọc thần chú của bà nội rồi đấu lực từ xa với hắn… cuối cùng thì tay Pháp sư bỗng tự nhiên hóa thành con Quỉ Đen với cặp sừng mọc ra trên đầu, móng guốc dưới chân (vì mải bùa ngải phụ nữ mà quên việc chăm sóc, để cho cây ngải Mai hoa Xà vương của hắn bị chết khô)
Tác giả tiếp tục kéo người đọc vào những tình huống bất ngờ: các loại quỷ cũng bị nghiện vì cây “rêu tiên” do quỷ Đen vô tình tìm ra. Chính con Quỷ Đen (trước đây là tay pháp sư) đã dùng nó để có được ảo giác hạnh phúc mỗi khi buồn chán vì hình dáng cổ quái của mình. Sau đó với tính cách ranh ma và tham vọng bá chủ cố hữu, nó đã tổ chức một nông trường trồng rêu tiên dưới đáy biển, dùng thứ rêu đó để khống chế mọi loại quỷ, còn muốn làm tha hóa cả thần tiên trên thiên đình. Long vương Nam Hải phải mời các lực lượng tiễu phạt cả trên bờ lẫn dưới nước cùng ra tay mới bắt được con quỷ ghê gớm này. Nó bị xích vào chiếc móng của cậu Rồng Út, giao cho Bà Phù thủy đem về phương Nam giam giữ, mọi việc yên ổn được mấy trăm năm, cho đến khi Bà Phù thủy trở nên già lão và luôn buồn ngủ.
Rồi việc kinh hãi nhất đối với hai mẹ con cậu bé đã xảy ra: Vụ ăn trộm bí mật công nghệ bánh sừng bò đã làm con Quỷ Đen xổng xích. Nó lại trở về phương Bắc làm “đại ca” của mọi loài quỷ, tiếp tục tổ chức những “ngày Hội Quỷ” hàng năm, đồng thời tráo ve địa y nha kì diệu bằng một ve “rêu tiên nha” khiến thứ bánh sừng bò đặc sản giờ đây trở nên nguy hại ghê gớm với con trẻ.
Tác giả đã xen cảnh ảo với cảnh thật để cảnh báo mối hiểm họa với loài người. Đau đớn biết bao khi qua chiếc gương thần của Baba Yaga người mẹ nhìn thấy đứa con trai của mình đang kéo sọt rêu tiên ở “Lâm trường của quỷ” cùng những đứa trẻ còm nhom khác nữa. Chị ta cầu cứu hai bà phù thủy nhưng họ trả lời “Chúng ta không có cách nào!”
Tác giả kết thúc truyện bằng đoạn trích trong “cuốn sổ tự ghi” của bà Phù thủy ngái ngủ:
“Ta và con mẹ Baba Yaga phải thôi miên gần một canh giờ mới kéo được thằng bé con nhà Bánh sừng bò lên bờ. Mẹ nó vừa chồm tới thì nó tỉnh ra và lại bỏ chạy xuống biển.
- Khổ thân con mẹ bánh sừng bò, cứ nhất quyết đâm đầu xuống bể chết cùng với con. Baba Yaga phải khuyên ta đưa hai mẹ con lên núi biến thành hai thứ cây Mạch môn và Thiên môn động…”
- Ông thày già (là người dạy dỗ tên Pháp sư hóa quỷ lúc hắn còn nhỏ) sau giấc ngủ dài năm trăm năm khoe đã dùng mười hai thứ cây cỏ, trong đó có cây mạch môn, thiên môn động, đẳng sâm… và vài nhóm trong hai loại địa y Rhizocarpon, Xanthoria chế thành thuốc cai nghiện đặc trị, có thể vô hiệu hoá thứ rêu tiên rêu quỷ của thằng học trò ngày xưa. "Trò bậy thì thày phải dọn" - Ông ta cứ than thở như vậy.
Thôi thì mẹ con Bánh sừng bò cũng có chút được hả lòng…
Khi đọc đến trang cuối, tôi cảm động vô cùng với tấm lòng người mẹ. Cái kết thúc buồn tuy hợp lý nhưng vẫn khiến người đọc ấm ức. Tôi cũng vậy! Tôi cũng mong đợi một cái kết có hậu. Nhưng dù sao tác giả vẫn đúng. Bởi việc tương tự đang xảy ra trên trái đất này, dù tình mẫu tử có thiêng liêng đến đâu nhưng chỉ lơ đãng một chút thôi, là mọi tai họa có thể xảy ra.
Tôi nghĩ đây là một quyển truyện thiếu nhi hay và cần thiết cho các em nhỏ. Rất mong các em hãy nhấc quyển sách lên và mở ra nhé!
Nguyễn Thị Mây- HV Hội VHNT Trà Vinh
Ngọc Châu gửi đăng
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hải Phòng ngày 17/01/2020
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét