Ninh Giang Thu Cúc: Đọc “Lá nhớ” của Đỗ Tấn (SG)
Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019
Nhìn tựa đề của tập thơ hẳn người đọc sẽ mỉm cười bởi cụm từ “Lá nhớ” khiến chúng ta liên tưởng đến chiếc lá thuộc bài – chiếc lá mà mỗi chúng ta – cái thuở còn là những cô cậu học trò thường tìm hái để ép vào vở mình với lòng tin cao độ rằng chiếc lá nhiệm màu ấy – sẽ giúp ta học bài mau nhớ và mau thuộc. Nhưng thôi, đã qua nhanh một sát na hoài niệm – ta mời nhau trở lại với “Lá nhớ” trên tay.
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Quê quán: Hương Trà, Tp. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
NINH GIANG THU CÚC: ĐỌC “LÁ NHỚ” CỦA ĐỖ TẤN
***
Nhìn tựa đề của tập thơ hẳn người đọc sẽ mỉm cười bởi cụm từ “Lá nhớ” khiến chúng ta liên tưởng đến chiếc lá thuộc bài – chiếc lá mà mỗi chúng ta – cái thuở còn là những cô cậu học trò thường tìm hái để ép vào vở mình với lòng tin cao độ rằng chiếc lá nhiệm màu ấy – sẽ giúp ta học bài mau nhớ và mau thuộc. Nhưng thôi, đã qua nhanh một sát na hoài niệm – ta mời nhau trở lại với “Lá nhớ” trên tay. Tính “Lá nhớ” được thể hiện rõ nét qua mảng màu ở bìa một, một mảng màu bàng bạc rêu phong theo tháng năm muôn chiều lá đổ. Đi vào nội dung ta thấy tập thơ gồm có 27 bài với nhiều thể loại phơi mở vạn ý tình của tác giả. Trước hết tác giả là một quân nhân của hai thời kháng chiến – là một công dân đã từng tâm niệm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã từng xông pha trận mạc, đến lúc trở về bom đạn lại chào thua không ghi lại một dấu ấn nào trên cơ thể, mừng cho sự may mắn của thân phận nhưng tác giả đau thắt lòng cho sự mất mát của bao đồng đội thân yêu:
“Đòn thù chia cắt lời thề
Tay anh nát giữa bốn bề chiến tranh”
(Thơm cả tay mình – Đỗ Tấn)
Làm sao không đau đớn bởi trước lúc “giã nhà đeo bức chiến bào”(*) người đồng đội ấy đã từng hứa hẹn với cô bạn láng giềng: “Ngày chiến thắng sẽ về hái tặng em đóa hồng vừa chớm nở”. Thế nhưng:
Bây giờ hoa nở hòa bình
Còn đâu tay hái hoa hồng tặng ai.
Nhưng may thay, quê hương vẫn còn triệu triệu cánh tay nguyên vẹn trở về trong chiến thắng thay đồng đội của anh làm đúng lời ước hẹn:
Em về tay vẫn còn hai
Thay anh em hái tặng ai hoa hồng.
(Thơm cả tay mình – Đỗ Tấn)
Thế đấy, đẹp thay sự ký thác, sự kế thừa của cả dân tộc chúng ta.
Cho hay mặt sắt cũng ngây vì tình!
Đó là câu cảm thán, là lời khẳng định của Tố Như tiên sinh. Vì vậy chúng ta không lạ lẫm gì khi người làm thơ cựu chiến binh hậu bối của cụ lại bàn đến chuyện tình yêu giữa người con gái thiên kiều bá mị giặt lụa ở bến nước Trữ La cùng chàng mưu sĩ của Việt Vương Câu Tiễn, nhưng rồi vì thù chung là trọng tình riêng sá gì, họ đành hi sinh tình yêu để xả thân vì nghĩa cả “đem nhan sắc đổi binh đao” đem chút thân tơ liễu ra vào để:
Cảnh điện ngọc che màu chiến địa
Việt hay Ngô hai phía trái tim
(Mảnh lụa Trữ La – Đỗ Tấn)
Trước Đỗ Tấn, Thẩm Thệ Hà cũng đã từng nức nở thay người đẹp:
Kiếp hoa không ở Đào Nguyên
Ơn dù mưa móc niềm riêng nhạt mùi
Nếu đoạn cuối của bài “Người đẹp Cô Tô” Thẩm Thệ Hà để cho người thôn nữ ngồi dự yến bên Ngô Phù Sai mà lòng dạ nàng đi theo:
Ai về qua Trữ La thôn
Hồi chuông cố thổ mỏi mòn lòng ai
Thì Đỗ Tấn ở “Mảnh lụa Trữ La” cũng đã nhắc nhủ Tây Thi:
Hỡi người đẹp! Rằng nàng có nhớ
Phương trời xa bến cũ Tây Sa
Ngày xưa cha yếu, mẹ già
Lệ rơi thấm lụa Trữ La đầm đìa
(Mảnh lụa Trữ La – Đỗ Tấn)
Chỉ một chút xẻ chia nhắn gọi ấy cũng đủ ấm lòng cho kẻ cố quên tình nhà nợ nước… Lòng yêu nước không độc quyền cho một giai cấp nào, cho kẻ kinh luân gồm tài nào, mà cho tất cả. Xin cảm ơn đời, xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Tấn đã nhớ đến nghĩa lớn và niềm đau của người thôn nữ.
“Lá nhớ” có 27 bài, mỗi bài mang một tư tưởng, một chủ để không trùng lặp. Nơi ấy, tác giả có khi vọng tưởng về một vùng trời no đầy kỷ niệm của tuổi măng tơ… Có khi lạc bước vào nẻo đường lịch sử địa phương của quê nhà Bình Định:
Cũi mưu lược Tây Sơn không còn thấy
Nét oai phong tướng lĩnh giữa Gò Chàm
Mơ chi nữa một kinh thành Hoàng Đế
Để người về lắng đọng nắng Quy Nhơn
(Xa Bình Định – Đỗ Tấn)
Và tác giả nói về thân phận con người qua bài “Thằng Rùa” nghe đến là thương:
Nụ tầm xuân nào tôi đến nơi cũng chậm
Mọi nẻo công danh cùng phiêu lãng giấc Lư Sinh
Trong cuộc đời – tôi luôn là kẻ đến sau
Người ta nói hết – còn gì đâu để nói…
(Thằng Rùa – Đỗ Tấn)
Không đâu Đỗ Tấn ạ, bạn bè và người đọc đang đợi anh “Nói” tiếp sau “Lá nhớ”, đó là tập truyện ngắn anh đang có dự định in và tập truyện dài anh đang thai nghén.
Chúc cho mọi hoài bão của tác giả “Lá nhớ” chóng thành hiện thực.
Quy Nhơn mùa bông hồng cài áo 2000 – Ninh Giang Thu Cúc
—
(*) CPN – Đoàn Thị Điểm
—
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 08/12/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét