Nhớ – Tản văn Nguyễn Thanh Huyền (Hà Nội)
Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019
Đông về tôi lại nhớ Đông Xưa… Đông của ngày … xưa lắm, của tinh khôi, của chớm yêu, của e ấp run rẩy, của tò mò, của giận hờn, của thương nhớ, của một chút day dứt và của khởi đầu… dường như “cái gì xuất phát bằng chữ KHỞI ĐẦU cũng tạo cho người ta sự háo hức xốn xang. Tôi cũng vậy... Đông của ngày xưa rất ...nhớ.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Nguyễn Thanh Huyền
Họ tên thật Nguyễn Thanh Huyền
Sinh năm 1982
Hiện đang sống tại Hà Nội
Email: xrthanhhuyen82@gmail.com
____
NHỚ…
Tản văn Nguyễn Thanh Huyền
***
Tôi thèm được trở về mùa đông xưa có cái gió hanh hao, xiêu vẹo, có những dải nắng vàng chếnh choáng tranh thủ trốn mùa Thu nhảy nhót bịn rịn, luyến lưu với tường rào râm bụt đầu ngõ, và nhiều lúc những cơn gió hống hách, cong cớn thỏa sức tung hoành khắp nơi chốn, vườn tược làm các tàu lá se sắt, khô rạc, tóp teo… Tôi thèm được sống trong cảm giác xưa, nơi cùng mấy đứa bạn chăn bò, thả trâu sườn đê, thi nhau hun cá ươn, làm đám ma cho con chuột chết vì nỡ ăn phải bả của bác nông dân làm đồng. Chúng tôi ngồi cạnh nhau hơ núm rơm bện con rết thổi phù phù căng má cho lửa hồng bùng lên làm ấm cơ thể, thì thầm kể chuyện “cổ tích tếu táo, xuyên tạc”, ăn khoai nướng dính nhọ nhem nhuốc trên mặt hiền khô, chơi trò “đám cưới cô dâu chú rể” nhưng lại thổi kèn inh ỏi, nhạc đám ma… để tiếng cười khoái chí giòn tan làm méo mó, tan chảy cái rét cắt da, thấu thịt, cái rét đặc trưng của gió mùa Đông Bắc cứ rít lên, gầm rú từng hồi và những góc nhìn nheo nheo, lim dim như ngái ngủ sao dễ thương, ấn tượng ngọt lịm đến tận bây giờ... mỗi khi nhớ lại..!
Tôi nhớ những sáng mùa đông, đôi bàn tay chạm vào nước rụt rè, chầm chậm đến bén lẽn chìm đáy chậu rồi vẫn thấy sức căng mặt nước ẩn trong những hạt bong bóng bám da tay sùi bọt lên yếu ớt, khi chùm nước lên mặt cảm giác rất rõ mùa đông đang hôn mãnh liệt trên má để thốt lên trong lập cập, run rẩy... Trời ơi. Lạnh quá!... Tôi nhớ cơm mẹ nấu, ăn hết “sạch sành sanh” rồi mà hơi nóng vẫn quẩn quanh, hương thơm thì ngào ngạt quyến rũ nhưng rất khổ sở, như hứng một cực hình khi rửa bát với những lần chưa kịp chuẩn bị nước nóng. Rồi mỗi buổi đi học, là cuốc bộ đường tắt qua cánh đồng lộng gió, qua cái nghĩa trang mênh mông làng bên, những nấm mộ lộ cả một phần tấm quan, quách sành tềnh toàng, gió thổi vào hông hốc, chúng tôi sợ sệt dọa nhau “Ma, Ma đằng sau kìa..!”… rồi bám đuôi nhau chen lấn, xô đẩy chạy thộc mạng trên con đường đất nham nhở gồ ghề… những luống cầy phơi ải khô khốc, câng cáo nằm ngổn ngang, ngoằn nghèo tềnh hênh giữa đồng thách thức sự can đảm “anh hùng rơm” của chúng tôi, có đứa “nhát gan, yếu tim” hờn dỗi, rối rít, the thé, gằn trong cổ họng “Đồ đểu, mai tao đi lối khác, không thèm đi với tụi mày nữa”... thế nhưng “không hẹn lại gặp” những ngày sau, một số mùa đông kế tiếp Tôi với tụi bạn luôn đồng hành với con đường tắt quen thuộc, với những câu truyện cũ rích bạc ngôn từ, với những “chiêu trò” ai cũng biết nhưng ai cũng hoảng hồn khi trò đùa lặp lại... nhớ, thấy ấm áp, hồ hởi thú vị kì lạ… Ôi mùa đông, mùa đông của quá khứ, mùa đông của thời xa lắc mù khơi, mùa đông đã thành kỉ niệm, mùa đông của hoài niệm nhớ, mong!
… Nhớ mùa đông xưa, đôi bàn chân mẹ chảy máu vì nức nẻ ngang dọc, đôi tay gầy gộc, khô ráp và chai sần, nhưng nụ cười mẹ luôn thường trực: ấm áp, ngọt ngào, mẹ ôm tôi vào lòng nhỏ, to: “Con gái cưng của mẹ”, rồi xoa lên đầu tôi trìu mến, làm cho những sợi tóc cũng ngại ngùng rồi kiêu hãnh chổng ngược ngang dọc lên thách đố cái lạnh mùa đông. Tôi còn nhớ: Có đôi mắt bối rối, e thẹn của cô bé nào đó khi nhận được phong thư “tỏ tình” lạc danh của một người bạn đẹp trai lớp bên, lạc danh đó nhưng cảm giác bâng khâng, lâng lâng lạ… để mỗi sáng nhìn thấy nhau có chút thẹn thùng, nhung nhớ mặc cho cái lạnh vẫn nhởn nhơ, nhún nhẩy với điệu nhạc đơn độc ngoài sân trường im ắng..!
… Mùa đông bây giờ khác xưa lắm, hiếm khi nhìn thấy màu khói lam chiều loang lổ, tần mần trên mái bếp rơm rạ hay trên mái ngói đỏ úa... Với cuộc sống hối hả, vội vàng, cập rập Tôi và nhiều người khác chỉ cần ít phút bữa cơm đủ chất đã sẵn sàng không vướng khói nồng, không có nhiều sự thích thú, háo hức để thưởng thức phần lớn chỉ là một sự qua bữa, đủ bữa như thường nhật để tiếp tục với những công việc cần giải quyết khác. Chính cuộc sống đủ đầy, công nghiệp hóa đã làm sự cảm thụ, cảm nhận trong tâm hồn người với giá trị cuộc sống, giá trị thời gian bị giảm đi rất nhiều, nó đã bị bào mòn, nhuốt chửng, đồng hóa và bị oxi hóa một cách không thương tiếc vì thế làm sao có thể cảm nhận nâng niu hứng trọn dòng chảy giá trị thời gian, dòng chảy nhựa sống của mùa đông. Xin thưa. Mùa đông xưa: có cái “thom thóp đói”, có cái đói quằn quại, có cái đói “trắng mắt” vắt từ tối đến sáng hôm sau, có người lả ngủ thiếp đi, để sáng ra tỉnh dậy phấn khởi... ờ, mình không chết, chỉ ngủ mê thôi, nên có những bữa cơm no đủ cả là một sự háo hức, sung sướng, tưng bừng, lúc đó con người của mùa đông xưa tràn ngập những kỉ niệm, những hoài niệm của mảng tình: “khiển trách, hờn dỗi, thấm thía xúc động, quay quắt và nâng niu, trân trọng... vì hiển nhiên mùa đông đã trở thành bạn, đã là một phần máu thịt trong cơ thể, là khí thở trong huyết quản ..!”
… Vâng! Mùa đông ngày nay đâu còn hình ảnh “cọ, xoa đôi bàn tay vào nhau để xít xoa, hai hàm răng va chạm “đá nhau” bầm bập, cậc cậc run rầm rập trong vô thức, kêu la trong nhận thức ... Rét quá! Và đâu còn cảm giác “uống ngụm nước lạnh, nước đi đến đâu là định hình trong đầu biết như in đến đó, vì có những chiếc áo bông chống lạnh rất dày, chất giữ nhiệt tốt, cực chuẩn, cực xịn, có những ấm “siêu tốc” để đun nước, có nước nóng ngay trong tíc tắc, cũng không phải gẩy bếp củi hay sập sùi bếp rạ ẩm vì gió nồm, bởi ngày nay có những nhà khách, nhà nghỉ với máy điều hòa hai chiều tân tiến, các thiết bị tối tân thiết thực khác… nằm rải rác khắp phố phường, len lỏi lẩn khuất vào cả làng, thôn, xóm mời gọi khách qua đường, các đôi nam nữ yêu nhau, hay các cặp tình nhân, tình một đêm, ngàn đêm. Cuộc sống và tình yêu đã một phần “ vuông tròn, ấm áp”, một phần điên đảo trong gồng quay nghiệt ngã chỉ có thời gian để “sốt sổi” nên sẽ không cần đến cái khúc dạo đầu, va chạm... vô cùng lãng mạn, tinh tế đó … Do vậy, con người không có cảm giác trân trọng thời gian trôi và thời gian bên nhau, thời gian cho nhau: để biết, để đếm từng ngày, để thấy “Mùa Đông Tới”… và nhẩm từng giờ để biết “Mùa Đông Qua”… cái cảm giác “chờ đợi” và “trải nghiệm” từng giây, từng phút của mùa đông sao tê tái, cồn cào, chếnh choáng … rồi mê mẩn luyến lưu, bịn rịn, tiếc nuối đến vậy. Cái cảm giác đồng hành với mùa đông của những đôi tình nhân xưa nó thiêng liêng, tôn thờ, trân trọng lắm chỉ chờ bàn tay chiết chặt, một cái ôm nhẹ vòng eo, một động tác dựa đầu vào bờ vai … thế là mùa Đông đã hóa thành Mùa Xuân rực rỡ xuân sắc trong mắt Nàng và tim Chàng rồi, chỉ thế thôi mà nuôi dưỡng, che chở, vun đắp cho tình yêu qua sóng gió cuộc đời. Mùa Đông ngày xưa đó, lạnh và ấm, đẹp và nên thơ… nhường nào!
… thời gian trôi: đều đặn và nhịp nhàng nấp mình vào vòng quay của chiếc đồng hồ vô tâm, vô tính vô cảm và vô hồn… khi hết Xuân sẽ đến Hạ, mà hết Thu khắc tự đến Đông, các mùa vẫn nối tiếp, xoay vòng nhau rất ăn khớp và nhuần nhuyễn nhưng ẩn khuất đâu đó ở mỗi tâm tư, tâm tưởng con người đều lóe lên những niềm khao khát đôi chút kín đáo, có lúc lại mãnh liệt “tơ hơ” về một miền tiềm thức, quá khứ thánh thiện ngọt ngào hay day dứt, cồn cào, da diết hay nhẹ nhàng, êm ái. Vâng! Tôi cũng nằm trong cái phạm trù “quy luật bất biến” đó, để đôi lúc lại nhớ khôn nguôi về một vùng quê: có cái nắng chênh chao, cái gió hanh hao chạy khắp sườn đê, bờ sông… chứng nhân cùng lũ bạn thời trẻ trâu, thời cắp sách tới trường và ở đó: Có đôi mắt đầy vết nhăn nhúm nhưng ấm áp và khắc khoải luôn hướng về Tôi, dõi theo từng bước chân Tôi đi trên con đường có màu thời gian nhảy múa. Tôi nhớ lắm, nhớ quê Tôi và đặc biệt nhớ Đông về trên đường xóm nơi Tôi sinh… Người ta bảo: Đông nào chẳng giống Đông nào: đều có gió, có rét, có những trận mưa dầm dề “qua đêm vắt ngày”… Không, đối với tôi Đông xưa và Đông nay nó khác lắm để mỗi khi Đông về tôi lại nhớ Đông Xưa… Đông của ngày … xưa lắm, của tinh khôi, của chớm yêu, của e ấp run rẩy, của tò mò, của giận hờn, của thương nhớ, của một chút day dứt và của khởi đầu… dường như “cái gì xuất phát bằng chữ KHỞI ĐẦU cũng tạo cho người ta sự háo hức xốn xang. Tôi cũng vậy... Đông của ngày xưa rất ...nhớ.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi ngày 20/12/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét