Ninh giang thu cúc: Ấn tượng vở “Nguyễn Hoàng” (SG)
Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019
– điều muốn nói ở đây là những suy nghĩ và lòng cảm phục của tôi khi chứng kiến sự lao động nghệ thuật rất đỗi vất vả, công phu, trí tuệ, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tuồng Đào Tấn nói chung, và nhóm nghệ sĩ diễn viên đã thể hiện và tái hiện một không gian trong bối cảnh hoành tráng hào hùng trong vở “Nguyễn Hoàng” nói riêng.
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Quê quán: Hương Trà, Tp. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
NINH GIANG THU CÚC: ẤN TƯỢNG VỞ “NGUYỄN HOÀNG”
(Sau đếm công diễn ở Nhà hát tuồng Đào Tấn)
***
Nguyễn Hoàng – vâng, Nguyễn Hoàng vị anh hùng khởi nghiệp cho chín đời chúa Nguyễn đã giã từ đất Bắc với ba thước gươm một cỗ nhung y xuôi thuyền vào phương Nam trấn nhậm theo sự đồng ý của chúa Trịnh, nhưng sâu xa hơn là theo ẩn ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm với câu sấm truyền:
“Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”
Trong phạm vi và khuôn khổ của bài viết này tác giả hoàn toàn không đề cập đến phạm trù chính sự của vị chúa ôm nhiều hoài bão cao vọng, mà chỉ xin có một lời tri ân là nhờ ông mà nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung mới được tự hào về một công trình xây dựng đã trở thành biểu tượng thẩm mỹ của một xứ sở, đã trở thành một thắng cảnh, một di sản văn hóa được thế giới công nhận: Chùa Thiên Mụ.
Trở lại phần mấu chốt của bài viết này – điều muốn nói ở đây là những suy nghĩ và lòng cảm phục của tôi khi chứng kiến sự lao động nghệ thuật rất đỗi vất vả, công phu, trí tuệ, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tuồng Đào Tấn nói chung, và nhóm nghệ sĩ diễn viên đã thể hiện và tái hiện một không gian trong bối cảnh hoành tráng hào hùng trong vở “Nguyễn Hoàng” nói riêng.
Thú thật, với sân khấu hát tuồng tôi vốn là “người ngoại đạo”, nếu không khẳng định là ít tâm giao bởi một ấn tượng của tuổi ấu thơ – hồi tôi độ 6-7 tuổi cũng một ngày đầu năm mới, bà vú nuôi sữa dẫn tôi đi chơi, bà đã đưa tôi vào rạp hát “Bà Tuần” (ở Huế có rạp hát bội tên Bà Tuần) để bói tuồng đầu năm mới, bói tuồng đầu năm là một mỹ tục đầy tính văn hóa của dân Huế, bất luận tầng lớp nào... Hồi bé tôi là một đứa nhỏ yếu ớt khó nuôi, tâm hồn thì mềm như sợi bún, nên vào rạp vừa yên vị nhìn lên sân khấu tôi bỗng run lẩy bẩy và khóc thét khi trước mắt mình là một ông “râu hùm hàm én” lủng lẳng đao, thương, mắt trợn ngược, mặt đen sì đang khoa tay hò hét... Hai vú con dắt díu nhau ra khỏi rạp, tôi thì sợ đến chết khiếp còn bà vú thì buồn vì cho là đầu năm đi bói tuồng mà gặp cảnh như vậy là cả năm chẳng ra chi.
Mãi đến nhiều năm sau, thi thoảng tôi có theo thầy mẹ xem vài ba tuồng như Phụng Nghi Đình, Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo – cốt yếu để mẹ mình vui chứ bản thân chẳng mặn mà cho lắm.
Cách đây mấy hôm tôi được xem vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” tại Hội trường Quang Trung – Quy Nhơn, do nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn, với Phương Thảo trong vai Bùi nữ tướng và Hòa Bình thể hiện vai bà Huyện, tôi có ấn tượng đẹp về hai vai diễn này.
Vào đầu năm 2000 biết tin Nhà hát tuồng Đào Tấn được tài trợ để dựng lại vở “Đông Lộ Địch” của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhưng thời gian ấy tôi bị suy tim nặng đang nằm viện và hình như chưa đến cơ duyên nên bỏ lỡ nhiều dịp để thưởng thức “Đông Lộ Địch” diễn ở Huế hay ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại với vở “Nguyễn Hoàng” mà tôi được xem trong đêm 03/02/2003. Chính trong đêm ấy tôi thực sự sống bằng hồn vía với sân khấu tuồng và theo từng bước chân của các nghệ sĩ, với sự nhập vai thần kỳ và diễn xuất bằng tâm huyết của các nghệ sĩ ưu tú Xuân Hợi, Phương Thảo, Tuyết Mai, Thanh Sử. Sân khấu tuồng là nơi người ta dễ dàng phân định cái thiện cái ác, cái trung nịnh, cái chánh tà, cái thông tuệ và sự u mê một cách rạch ròi qua diễn xuất, qua nét tô vẽ chân dung nhân vật, qua y trang đạo cụ...
Thành công lớn của những vai phản diện là làm sao cho khán giả ghét cay ghét đắng – điều nay Văn Vĩ, Minh Ngọc đã làm tốt qua nhân vật Trịnh Kiểm, Quận Lập (Bạo), mười diện mạo diễn viên qua mười nhân vật của vở diễn đã đưa người xem qua bao trạng thái kính trọng, phẫn nộ, ghét yêu, ...
“Nguyễn Hoàng” là vở tuồng lịch sử đã được tác giả Đoàn Thành Tâm xây dựng trên căn bản sử liệu với nội dung sâu sắc, tính nhân văn nhân bản được tác giả khai mở xuyên suốt, có một vài chi tiết quan trọng được thay đổi cho nhân vật Ngô thị (Lâm) phải chăng đây là một hành vi tôn trọng tiết hạnh phụ nữ của Đoàn Thanh Tâm và đạo diễn Hoàng Ngọc Đình dành cho Ngô thị ...?!
Bởi theo “Nam triều công nghiệp diễn chí” do Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) trích dẫn vào tác phẩm “Chuyện nội cung chín đời chúa Nguyễn” (trang 11-12) thì Ngô thị sau khi dùng mỹ nhân kế để đưa Quận Lập (Bạo) đến cái chết thảm khốc vì nhận nhiều mũi tên độc lúc ông ta rơi xuống sông do quân binh Nguyễn Hoàng bắn trúng. Để đền công của Ngô Thị Lâm, Nguyễn Hoàng đã gả nàng cho viên chức sự trong phủ Chúa là Ngô Côn ... nhưng Đoàn Thanh Tâm và đạo diễn Hoàng Ngọc Đình lại giải quyết thân phận cho Ngô Thị Lâm bằng cách cho Ngô thị trúng tên và tuẫn tiết khi đã hoàn thành sứ mạng, phải chăng đây là cách giải quyết đầy sáng tạo rất đúng với đạo lý phương Đông, vì dù sao Ngô thị vẫn là hầu thiếp của Nguyễn Hoàng, Ngô thị vẫn tự xem mình là người đàn bà của Nguyễn Hoàng. Giải quyết như thế (theo tôi) không có lỗi mà có công với lịch sử là đã bảo vệ tiết hạnh cho Ngô thị và nhân cách đạo đức của Nguyễn Hoàng.
Phải có sự ăn ý thật chặt chẽ giữa người đạo diễn tài hoa Hoàng Ngọc Đình, và nhóm thiết kế mỹ thuật, cố vấn kỹ thuật Lê Duy Hạnh mới tạo được một không gian, một bối cảnh mang tính ước lệ nhưng vẫn lồng lộng nét sơn thủy phân ranh...
Phần âm nhạc, phần vũ công đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của vở diễn “Nguyễn Hoàng” (Nhạc sĩ Duy Kiền, Gia Thiện, Cao Trọng Quế, ... NSND Đặng Hùng).
Xin chúc mừng sự thành công và gởi niềm cảm phục sự lao động tim óc của tập thể nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ước mong của khán giả là nhà hát sẽ có những vở diễn mang tính lịch sử của dân tộc để người xem có được niềm hạnh phúc trở lại cội nguồn của Tổ tiên thời dựng nước và giữ nước.
Quy Nhơn, tiết Nguyên Tiêu/Quý Mùi – Ninh Giang Thu Cúc
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 11/11/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét