My Nguyễn: vài cảm nghĩ nhân ngày nhà giáo Việt Nam (VL)
Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019
Hằng năm khi mùa tựu trường đã qua, mùa đông sắp đến, cũng là lúc giáo viên chúng tôi nghe lòng rộn rã, hướng về ngày hội lớn của ngành, ngày Nhà Giáo Việt Nam (NGVN).
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả My Nguyễn
Họ tên Nguyễn Thị My
Địa chỉ: Nhà giáo đã nghỉ hưu ở Vĩnh Long
ĐT:
Email:
_____
MY NGUYỄN: VÀI CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
***
Hằng năm khi mùa tựu trường đã qua, mùa đông sắp đến, cũng là lúc giáo viên chúng tôi nghe lòng rộn rã, hướng về ngày hội lớn của ngành, ngày Nhà Giáo Việt Nam (NGVN).
Thật ra từ lúc nghỉ hưu, năm nào tôi cũng được mời về dự ngày NGVN ở trường cũ, ở Huyện nhà... Nhưng cái cảm giác nôn nao hàng năm, bây giờ có khác. Hầu như tôi không còn quan tâm vấn đề gì ngoài việc gặp lại bạn bè sau một năm xa cách. Một năm, khoảng thời gian không phải là dài nhưng với lứa tuổi này, trong thời gian ấy có quá nhiều thay đổi. Vui biết mấy khi chúng tôi còn gặp lại nhau với những cái siết tay rất đổi chân tình và những ánh mắt rạng ngời thân thương! Rồi cũng chua xót biết bao khi hay tin một đồng nghiệp đã ra đi không về nữa hoặc có người vướng phải những căn bệnh hiểm nghèo đang chờ ngày nằm xuống!
Thương nhất là những giáo viên hiện nay vẫn sống một mình,không con cháu. Nhớ vào khoảng năm 1985, lúc đó chúng tôi đều trên, dưới ba mươi tuổi, có một cán bộ Công đoàn của Trung ương về thăm trường. Khi điều tra tình hình giáo viên nữ, thấy còn độc thân quá nhiều. Ông ấy bảo: “Do cổng trường của các cô đóng chặt quá!” Thật ra không phải thế đâu. Mà do tình hình lúc bấy giờ, người có học thức cao, có địa vị xã hội thì chê giáo viên nghèo. Người có trình độ thấp hơn thì lại không dám ngó. Nông dân thì bảo cưới giáo viên về chẳng biết lao động... Thế là không ít giáo viên cứ ở vậy... một mình!
Hiện nay, với đồng lương ít ỏi nhưng cuộc sống của người giáo viên về hưu thật nhàn nhã, vô tư. Hình như đó là bản chất của người giáo viên luôn chịu khó, nhẫn nại và chấp nhận những gì mình đang có. Nhớ lại thời bao cấp với tiền lương thật hạn chế. Mỗi tháng chỉ được mua một số nhu yếu phẩm ít oi và mười ba ki-lô-gam gạo (có lúc một nửa là bo bo). Ngoài những giáo viên bỏ cuộc giữa chừng, số còn lại vẫn vững vàng trên bục giảng. Hồi tưởng lại những ngày gian khó, lúc giao thông nông thôn chưa thuận lợi, đường sá sình lầy, cầu tre lắc lẻo. Vậy mà chúng tôi vẫn thực hiện tốt “một hội đồng hai nhiệm vụ”. Ban ngày dạy phổ thông, tối đến quơ đuốc đi dạy Bình dân học vụ. Khi đã xóa được mù chữ cho dân trong xã, chúng tôi lại thực hiện đến phong trào Bổ túc văn hóa và tham gia các công tác khác với địa phương. Trong gian nan vẫn đầy ắp tiếng cười. Bởi lúc đó chúng tôi còn trẻ, khỏe và nhiệt huyết tràn đầy. Nghĩ đến giáo viên mới ra trường hiện nay, dù nhiệm sở ban đầu có khi xa xôi một chút nhưng đa số ở đâu cũng có điện nước, có đường xe đến tận trường... Thế thì có gì đâu để phàn nàn, ngán ngại.
Đối với giáo viên đã về hưu, ngày NGVN không chỉ là dịp ôn lại truyền thống nhà giáo, nhớ lại những kỷ niệm đã qua; mà ngày NGVN của chúng tôi còn là dịp họp mặt để hỏi thăm sức khỏe của nhau, xem cuộc sống tinh thần, vật chất của nhau thế nào. Và cũng từ đó nhìn lại chặng đường đã đi qua, xem được mất những gì. Có lẽ cái được lớn nhất của chúng tôi là được xã hội tôn vinh, được các thế hệ học sinh quý trọng. Còn cái mất của chúng tôi là mất quá nhiều sức khỏe, phải gánh nhiều căn bệnh nghề nghiệp lúc tuổi già. Nhưng suy cho cùng, nghề dạy học không thể rạch ròi giữa cái được và cái mất, khi mà sản phẩm chúng tôi làm ra chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần. Lại có quan niệm cho rằng, nghề dạy học như nghề lái đò đưa khách qua sông. Dù chẳng mấy ai ngoảnh mặt lại nhìn nhưng cái bến cuối cùng là phải làm sao cho các em trở thành người hữu dụng. Với trách nhiệm nặng nề đó, người giáo viên lúc nào cũng phải tận tâm, tận lực, tất cả vì học sinh thân yêu... Thế nhưng đôi lúc, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn, ray rứt, khi biết một số giáo viên đã già yếu, bệnh tật, hiện nay vẫn còn phải xin “trợ cấp khó khăn”. Vẫn biết đó là sự quan tâm của xã hội, của bạn bè, đồng nghiệp nhưng tôi nghe trong lòng sao lắm nỗi xót xa!
Ngày NGVN lẽ ra chúng ta phải nói chuyện vui, thế sao tôi lại ngồi đây ôn nghèo kể khổ? Chẳng qua, đó là những kỷ niệm đã ăn sâu trong tiềm thức, thường trở về với tôi trong ngày NGVN. Dù vui hay buồn thì những kỷ niệm của cuộc đời dạy học cũng không thể xóa nhòa trong ký ức của tôi. Qua đó, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ giáo viên trẻ hiện nay về những điều kiện thuận lợi đang có trong tay để các em phấn đấu. Thật vậy, bây giờ thì trường học, trang thiết bị... đã khang trang, hiện đại. Phương tiện giao thông đầy đủ, dễ dàng. Đặc biệt là chế độ tiền lương đã từng bước được cải thiện. Vậy thì chỉ còn tập trung vào khâu chất lượng. Làm thế nào để chất lượng giáo dục ngày một hoàn thiện, đi lên. Phải chăng đó là vấn đề chúng ta còn trăn trở?!
Trong khả năng mình, chúng tôi không dám lạm bàn vào đại cuộc. Chỉ nói lên vài suy nghĩ thiển cận của bản thân, của một người lái đò đã gác mái chèo, rời bến. Ngày NGVN, kính chúc quý Thầy Cô, quý anh chị em đồng nghiệp thật an vui, hạnh phúc...
Tháng 11/2019 – My Nguyễn
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi ngày 16/11/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét