Home
» Lý luận phê bình
» Đến với chùm thơ xuân của hội viên câu lạc bộ văn học Xuân Diệu – Bài viết Ninh Giang Thu Cúc (SG)
Đến với chùm thơ xuân của hội viên câu lạc bộ văn học Xuân Diệu – Bài viết Ninh Giang Thu Cúc (SG)
Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019
Mạch xuân đang luân lưu vận chuyển trong từng tế bào của mọi loài mọi vật, vũ trụ trở mình sau giấc đông miên… Tâm cảm ấy trẻ già trai gái đều gặp nhau và cùng cảm nhận từng niềm vui đang len lỏi cuộn trào trong từng li ti huyết quản cho ý, lời, câu, chữ được chấp chới tung bay trên đầu ngọn bút, trên giấy thắm mực đen, hóa thành vần điệu mà ta gọi là thơ. Thuở sinh thời – nhà thơ mà CLB ta hân hạnh mang tên đã từng rung động tâm can khi thấy ánh xuân hồng soi rọi trên ngàn cây nội cỏ ông bèn hạ bút: “Nghìn buổi sáng – Bình minh xe chỉ thắm Đem lòng tôi ràng rịt với xuân tươi” (Đa tình – Xuân Diệu)
Tác giả: Ninh Giang Thu Cúc
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc
Năm sinh Giáp Thân
Quê quán: Hương Trà, TP. Huế
Hiện đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 0907625226
Email: ngtc.huonglong@gmail.com
_____
ĐẾN VỚI CHÙM THƠ XUÂN CỦA HỘI VIÊN
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC XUÂN DIỆU
Bài viết Ninh Giang Thu Cúc
***
Mạch xuân đang luân lưu vận chuyển trong từng tế bào của mọi loài mọi vật, vũ trụ trở mình sau giấc đông miên… Tâm cảm ấy trẻ già trai gái đều gặp nhau và cùng cảm nhận từng niềm vui đang len lỏi cuộn trào trong từng li ti huyết quản cho ý, lời, câu, chữ được chấp chới tung bay trên đầu ngọn bút, trên giấy thắm mực đen, hóa thành vần điệu mà ta gọi là thơ.
Thuở sinh thời – nhà thơ mà CLB ta hân hạnh mang tên đã từng rung động tâm can khi thấy ánh xuân hồng soi rọi trên ngàn cây nội cỏ ông bèn hạ bút:
“Nghìn buổi sáng – Bình minh xe chỉ thắm
Đem lòng tôi ràng rịt với xuân tươi”
(Đa tình – Xuân Diệu)
Phải chăng – mùa Xuân là liều thuốc phục sinh cho nhân loại và cho chúng ta những thành viên của CLB Văn học Xuân Diệu – nên anh Đỗ Tấn đã viết bài: “Mừng CLB Thơ tình Xuân Diệu” với những câu:
“Bạn trẻ xanh trên cành lá biếc
Người già thắm lại lửa tim hồng”
(Mừng CLB Thơ tình Xuân Diệu – Đỗ Tấn)
Và anh tha thiết nguyện cầu:
Trời câu lạc bộ tỏa ngàn bông
Phải chăng – ngàn bông ấy là ngàn bông hoa tác phẩm mà CLB chúng ta đã, đang, và sẽ cống hiến cho cuộc đời. Xin cảm ơn lời cầu nguyện vì mọi người của anh trong hai câu kết thật tình tứ và lãng mạn:
“Đôi lời mừng chúc xin hò hẹn
Ban chủ nhiệm tình có biết không!?”
Thế nhưng trong niềm hạnh phúc dưới ánh thiều quang chín chục còn tươi rói ấy có một vị lão giả an chi lại phóng bút thế này:
“Trông đứng trông ngồi mỏi mắt trông
Xuân về e cũng muộn màng bông”
Sao lại muộn màng? Anh đang hờn dỗi nàng Xuân, đang giận hờn nàng Thơ chăng, khi anh viết tiếp:
“Tứ cạn e chừng hoen giấy trắng
Tình lơi ngó bộ lợt môi hồng”
Thú thật khi đọc cặp luận nầy tôi thật sự lo âu cho sức khỏe của anh (bởi anh đang ở thời kỳ dưỡng bệnh) nhưng khi nhìn đến hai câu kết tôi mới biết mình lầm to và lo sợ hão bởi anh “lợt môi hồng” không phải vì sự xuống lên vô trật tự của áp lực tuần hoàn trong máu (anh bị tesion) mà chỉ vì “vắng em” trời ạ.
Anh viết:
“Vắng em vần điệu gieo rời rạt
Câu lạc bộ thơ hóa trống không”
(TNH)
Em là ai? Em đang ở đâu mà uy quyền cao ngất đến nỗi khi vắng em rồi cả một CLB đông vui thế nầy bỗng trở thành trống vắng cô đơn, tác giả ơi, anh đã quá đa tình đến độ phải đa mang.
Cùng với tâm trạng của người thơ khi mùa xuân đến Mai Khê lại viết thế nầy:
“Xuân qua xuân lại vẫn còn trông
Diệu bút trổ vần bát ngát bông”
Và:
“Tình nước non tươi tràn vạn nẻo
Yêu người, yêu đất… thẳm trời không!”
Thật lạc quan, thật yêu đời khi tác giả đang xấp xỉ bên thềm cổ lai hi…
Và bây giờ chúng ta mời nhau đến với tác giả của bài thơ “Vườn thơ Xuân Diệu” hãy nghe anh bộc bạch tâm tình:
“Hội ngộ tơ lòng thỏa ước trông
Vườn thơ Xuân Diệu trổ thêm bông”
Vâng, anh đã tình nguyện hội nhập để góp thêm một đóa hoa thơ cho vườn thơ Xuân Diệu.
Vâng, anh đã thỏa hiệp – đã tự nguyện vác thánh giá cùng với nàng Thơ rong ruổi đến cuối cuộc hành trình của một đời thơ với đoạn trường năm tháng trong 4 câu sau đây:
“Cũ mới ngàn cây đâm lộc nõn
Trẻ già chung dạ thắm môi hồng
Nắm tay hát khúc đời muôn điệu
Ấm áp tình người – phải đẹp không!”
(Văn Noa)
Vâng, đẹp vô cùng với hai câu kết như một thông điệp, một tuyên ngôn, một lời cam kết mà tác giả đã gởi gắm đến Nàng Thơ. Xin thành tâm tri ân tác giả.
Để kết thúc chùm thơ mừng Xuân của 4 tác giả trên Ninh Giang Thu Cúc xin gởi đến quý vị bằng hữu lời mừng gặp nhau – mừng gặp nhau là lời chào, lời nguyện ước mà Ninh Giang Thu Cúc gởi đến quý vị nhân đầu xuân Tân Tỵ:
Mừng gặp nhau
Bạn hiền gặp mặt thỏa chờ trông
Khai bút đầu xuân nụ trổ bông
Yêu lắm – tình thơ cao ước vọng
Hòa chăng – âm điệu sáng vầng đông
Qua rồi một thuở phai duyên thắm
Còn lại tin yêu đượm má hồng
Góp sức dìu nhau – bền cuộc lữ
Vì ai – ai có hiểu cho không?!
Ninh Giang Thu Cúc
***
NGOÀI MÌNH ... LẠI NGOÀI MÌNH...
Ngày ấy cách đây non nửa thế kỷ, tôi từ quê nhà vào thành phố Quy Nhơn nhận công tác, nửa mừng vì được làm việc, nửa mang tâm trạng của kẻ đánh mất thiên đường – bởi với tôi – miền chôn nhau cắt rốn Huế là thiên đường của tuổi ấu thơ và một thời xuân mộng thưở sen ngó đào tơ...
Những năm tháng hiến dâng tuổi trẻ cho xã hội, cho gia đình bé nhỏ của riêng tôi, ở thành phố biển lồng lộng thùy dương với những con người chưa thân cũng thấy rất gần. Tôi vẫn khép mình trong tâm thể của kẻ ngụ cư...
Tính cục bộ địa phương, và tâm trạng của một đứa con mới rời xa sự bao bọc của gia đình để tự lập, để tập làm "người lớn”, để lo toan mọi chuyện của một tiểu gia đình từ hiếu thảo với hai bên cha mẹ, giao tiếp với khách khứa với đồng nghiệp, đến bếp núc ẩm thực chợ búa cá tôm, rau hành khoai củ nhất nhất đều một thân tôi cáng đáng... cứ mỗi lần tiếp chuyện với đồng nghiệp hoặc với ai đó xong - là trong tôi dậy lên sự so sánh: Sao người Bình Định Quy Nhơn không giống người ngoài mình (ngoài mình đây là Thừa Thiên Huế đó) và bất cứ thứ gì từ hạt gạo mớ rau, con tôm con cá trái mướp trái cà dưới thị giác và vị giác của tôi đều không bằng Huế.
Tôi khổ sở bởi vì sự so sánh ấy, sự hội mà không nhập hòa và không tan trải dài suốt hai mươi năm ròng rã, hai mươi năm tôi đeo đẳng nỗi nhớ quê nhà trong từng sáng nằng chiều mưa, trong từng đêm thao thức hoặc đắm chìm trong những giấc chiêm bao hồi cố quận...
Giờ đây sự kiện ấy được lặp lại khi tôi phải rời xa Quy Nhơn Bình Định ,sau bốn mươi sáu năm vui buồn, khổ đau, hạnh phúc trên miền đất luôn luôn mở vòng tay kêu gọi "Người Về” - Quy Nhơn mà!
Nỗi nhớ miền quê thứ hai này khắc khoải nồng nàn với thời gian non nửa thế kỷ được cưu mang đùm bọc, từ một tuổi trẻ măng tơ đến thành thiếu phụ với sáu lần làm mẹ.
Với các con tôi Quy Nhơn là quê hương chôn nhau cắt rốn ngoài đất Tổ Thừa Thiên Huế, sáu lần nghe tiếng khóc đầu đời của sáu đứa con cùng trên một chiếc bàn sinh của khoa sản thuộc bệnh viện tỉnh Bình Định. Các con tôi được hít thở, được học hành, và nên danh phận cũng từ mảnh đất này, từ cơm gạo hoa trái của Bình Định Quy Nhơn.
Vùng đất cư ngụ nặng ân tình đã là một phần máu thịt của đời tôi, của gia đình tôi, của các con tôi – làm sao tôi mang vác nổi gánh hành trang nặng trĩu này trên mỗi bước tha phương...
Giờ đây một "ngoài mình” Huế, một "ngoài mình” Bình Định luôn ngự trị trong tôi mỗi mỗi tháng năm, tôi thương nhớ từng cảnh quang trời biển, tôi thèm từng món ăn đặc sản của quê hương Bình Định như từng thèm cơm hến bánh bèo của Huế ngày xưa, khi ngồi viết những dòng này trong khí trời se se lạnh bởi những cơn mưa chiều của thành phố Hồ Chí Minh, tôi bỗng thèm một chén mắm cua đồng vùng Tuy Phước An Nhơn kho với vài lá gừng non chan ngập chén bún tươi Đập Đá, thèm đến cồn cào Bình Định Quy Nhơn ơi! NGOÀI MÌNH ƠI!
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 13/10/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét