Home
» Lý luận phê bình
» Châu Thạch: Đọc “Tình tự” Thơ Tim Tím – Tâm hồn nhập vào cõi thu vô biên (ĐN)
Châu Thạch: Đọc “Tình tự” Thơ Tim Tím – Tâm hồn nhập vào cõi thu vô biên (ĐN)
Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019
Bài thơ “Tình Tự”của Tím Tím quả là một bài thơ tình, đó là thứ tình thu, không có “con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” không có “tiếng thu rơi xào xạc” của lá vàng nhưng lại có một thứ tiếng thu tình tự của “tinh tú reo trên bờ môi”, của “tìền kiếp xa xăm quay lại” trong không gian và trong cả thời gian, để tác giả và chúng ta, người đọc thơ, tan ra, hòa nhập vào cõi thu vô biên, vây phủ bởi tơ trăng, tơ sương, hương trầm, và hương hoa lá.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Châu Thạch
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
CHÂU THẠCH: ĐỌC “TÌNH TỰ’” THƠ CỦA TIM TÍM:
TÂM HỒN NHẬP VÀO CÕI THU VÔ BIÊN.
--
TÌNH TỰ
Thơ Tim Tím
***
Mùa thu ướp hương hoa nồng lên tóc
Tóc thơm tho vừa đắm giấc say mê
Dòng tóc chảy như dòng thơ tình tự
Vừa cho ai vùi cơn mộng, quên về
Mùa thu đọng trên môi trầm ngực biếc
Giọt tương tư ngan ngát đóa hoa yêu
Ta chìm xuống trên sương trời áo lụa
Màu trăng trong và ta cũng tan theo
Tan, tan mãi, tan về nơi vô tận
Bao đam mê trôi trên mắt môi đầy
Ôi như thể ta không còn nhịp thở
Trăng vàng thu đang lóng lánh tan bay
Ta nghe thấy trên da mùi hương cỏ
Mùi tường vi ngây ngất cánh nghiêng rơi
Ta trôi mãi cuốn sâu vào thăm thẳm
Bùa tình thiêng huyền hoặc giữa tay người
Ta sẽ trãi trên da mềm óng ả
Màu sương trăng thành áo lụa thênh thang
Muôn tinh tú reo trên bờ môi ngọt
Mi mềm run hồn níu gọi thiên đàng
Trăng trong trẻo, trăng nghe lời tình tự
Đất run run đất xao xuyến chuyển mình
Từ tiền kiếp xa xăm quay về lại
Giấc tình mơ thương cảm đến rưng rưng.
31/8/2019 – Tim Tím
--
Bình ngắn: Châu Thạch
***
Một hôm ngồi uống cà phê với nhà văn Nguyễn Khắc Phước, Phước nói với tôi: Thơ của Tim Tím, một nữ tác giả trên facebook thật hay. Tôi liền mở facebook đọc thử vài bài, thấy hay tôi xin kết bạn. Về nhà đọc lại nhiều lần thơ của tác giả nầy, bài thơ “Tình Tự” của Tím Tím đã đã gây cho “con ma” trong lòng tôi cảm xúc, và nó bắt tôi phải viết.
Trước hết ta hãy đọc khổ thơ đầu của bài thơ "Tình Tự”:
"Mùa thu ướp hương hoa nồng lên tóc
Tóc thơm tho vừa đắm giấc say mê
Dòng tóc chảy như dòng thơ tình tự
Vừa cho ai vùi cơn mộng, quên về"
Một cách tả mùa thu rất mới, không có gió heo may, không có trời se lạnh, không có lá vàng rơi mà có những thứ xưa nay ít nhà thơ nói đến, chưa dám viết là không có nhà thơ nào đề cập đến.
Chỉ đọc bốn câu thơ đầu ta đã thấy mùa thu tràn hương trên người thiếu nữ và người thiếu nữ chính như là bức tranh mang chủ đề “muà thu và em”. Một bức tranh như thế chỉ có thể thi nhân mới vẽ được bằng lời, họa sĩ cũng khó mà vẽ được.
Ta bước vào khổ thơ thứ hai của bài thơ:
"Mùa thu đọng trên môi trầm ngực biếc
Giọt tương tư ngan ngát đóa hoa yêu
Ta chìm xuống trên sương trời áo lụa
Màu trăng trong và ta cũng tan theo"
Bây giờ muà thu đã hòa nhập vào cả thân thể và tinh thần người thiếu nữ. Muà thu nhập vào thân thể trong câu thơ “Mùa thu đọng trên môi trầm ngực biếc”. Mùa thu thẩm thấu vào linh hồn người con gái trong câu thơ “Giọt tương tư ngan ngát đóa hoa yêu”. Rồi thì mùa thu và người biến thành một trong hai câu thơ “Ta chìm xuống trên sương trời áo lụa/ Màu trăng trong và ta cũng tan theo”.
Ta thấy thơ Hàn Mạc Tử nói về trăng rất nhiều. Hàn Mạc Tử nói “Cả miệng ta là trăng”, “Ha ha, ta đuổi theo trăng”. “Trăng vàng ngọc trăng ân tình ta mến”, “Ta gặp nàng trăng ở suối trăng” nghĩa là trăng và nhà thơ vẫn luôn luôn là hai chủ thể khác nhau. Tác giả Tím Tím thì khác, “Ta chìm xuống trên sương trời áo lụa/ Màu trăng trong và ta cũng tan theo” là một sự hòa nhập vô vi giữa người và trăng trong vũ trụ.
Qua khổ thơ thứ ba:
"Tan, tan mãi, tan về nơi vô tận
Bao đam mê trôi trên mắt môi đầy
Ôi như thể ta không còn nhịp thở
Trăng vàng thu đang lóng lánh tan bay"
Khổ thơ nầy chứng minh thêm tác giả Tím Tím không là người đi trong nguồn trong trẻo của thu, được vây phủ bởi trăm dây quyến luyến của thu mà đã “Tan, tan mãi, tan về” trong thu, có nghĩa là đã trở thành bản thể của thu rồi. Bây giờ cả thân thể và tâm hồn tác giả mong manh, loang xa, bay cao như sương như khói ở cùng sự lóng lánh của ánh trăng. Bốn câu thơ cho ta nghĩ về một sự hôn mê, vì hôn mê mới cho ta tan, bay vào không gian như thế. Bốn câu thơ cũng cho ta nghĩ về một cơn mơ, vì một cơn mơ mới cho thân thể ta nhẹ đến” không còn nhịp thở” và linh hồn ta bay trong trăng vàng lóng lánh được.
Dầu hôn mê hay cơn mơ thì Tím Tím cũng gởi đến ta một cảm xúc thăng hoa, bay bổng để tan vào trong mùa thu, cho ta hưởng thi vị của một linh hồn siêu thoát vào mùa thu của đất trời.
Bây giờ hãy vào thăm khổ bốn và khổ năm của bài thơ:
"Ta nghe thấy trên da mùi hương cỏ
Mùi tường vi ngây ngất cánh nghiêng rơi
Ta trôi mãi cuốn sâu vào thăm thẳm
Bùa tình thiêng huyền hoặc giữa tay người
Ta sẽ trãi trên da mềm óng ả
Màu sương trăng thành áo lụa thênh thang
Muôn tinh tú reo trên bờ môi ngọt
Mi mềm run hồn níu gọi thiên đàng"
Đây là những cảm xúc thực tế mà nhà thơ đã tận hưởng khi hòa nhập vào thu, đồng điệu với thu và biến mình thành mùa thu của vạn vật. Những cảm xúc ấy được nhà thơ diễn tả bằng bút pháp điêu luyện, nghe như tiếng nước chảy, nghe như tiếng sương tan trong trăng, nghe như tiếng thầm thì của tinh tú.
Đọc thơ ta thấy hình ảnh thiếu nữ nằm dưới trăng tuyệt đẹp: “Ta sẽ trãi trên da mềm óng ả/ Màu sương trăng thành áo lụa thênh thang”. Đọc thơ ta cũng nghe được mùi hương thơm hoa lá trên da thịt người con gái bay ra: “Ta nghe thấy trên da mùi hương cỏ/ Mùi tường vi ngây ngất cánh nghiêng rơi”
Ở khổ cuối bài thơ, tác giả đã nhập trong trăng, kéo sợi dây thời gian quay lại để nhà thơ được ở cả trong miền ký ức tiền kiếp của mình:
"Trăng trong trẻo, trăng nghe lời tình tự
Đất run run đất xao xuyến chuyển mình
Từ tiền kiếp xa xăm quay về lại
Giấc tình mơ thương cảm đến rưng rưng"
Nhà thơ đã đang ở trong phút giao hoan của đất trời.
“Trăng trong trẻo, trăng nghe lời tình tự/ Đất run run đất xao xuyến chuyển mình”: Đất và trăng trong hai câu thơ nầy mang đầy đủ hình ảnh người nam đang tỏ tình với người nữ.
“Từ tiền kiếp xa xăm quay trở lại/ Giấc tình mơ thương cảm đến rửng rưng”: Ý nghĩa trong hai câu thơ này cũng chẳng khác chi cuộc tái ngộ của một mối tình xa cách ngàn năm.
Bốn câu thơ ở khổ cuối đã đưa vũ trụ vào cảm xúc thế nhân, đã đặt thế nhân trong sự giao hoan của trời đất, đã biến cái tôi thành bao la và thu cái bao la vào hồ lô tâm hồn bé nhỏ của thi nhân. Đó là bốn câu thơ tuyệt vời để chấm dứt bài thơ.
Bài thơ “Tình Tự”của Tím Tím quả là một bài thơ tình, đó là thứ tình thu, không có “con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” không có “tiếng thu rơi xào xạc” của lá vàng nhưng lại có một thứ tiếng thu tình tự của “tinh tú reo trên bờ môi”, của “tìền kiếp xa xăm quay lại” trong không gian và trong cả thời gian, để tác giả và chúng ta, người đọc thơ, tan ra, hòa nhập vào cõi thu vô biên, vây phủ bởi tơ trăng, tơ sương, hương trầm, và hương hoa lá.
Thật ra trong bài thơ nầy tác giả cho biết: “Bài thơ nầy là bài duy nhất em viết về đề tài nhạy cảm: đó là tình dục trong tình yêu. Một cuộc gặp gỡ giữa cô gái và người yêu trong tiền kiếp xa xưa. Họ tình tự trong một giấc tình mơ mà trời đất cũng phải xao xuyến thương cảm rưng rưng.”
Tất nhiên người viết bài bình không ở trong lòng tác giả, nên chỉ suy diễn theo cảm nhận của mình, thế nhưng sự suy diễn đó không đối lập với điều tác giả trình bày. Được sự thổ lộ của tác giả người bình thấy thêm sự thâm thúy của bài thơ, khi tác giả đem giờ phút ân ái cúa đôi tình nhân tan vào trong trời đất, làm cho trời đất cũng “xao xuyến thương cảm rưng rưng”. Tác giả nói về sự “tình tự” của của hai người yêu nhau từ tiền kiếp, để từ đó người viết liên đới đến một thứ “tình thu” trời đất giao hòa trong cùng thời điểm mà con người tương hợp. Đây là một bài thơ càng suy rộng càng hay!!
---
(Ảnh tác giả Tím Tím)
---
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 29/10/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét