Home
» Lý luận phê bình
» Bích Hà: “Tiếng tơ lòng”- Tập thơ nồng ấm tình người của tác giả Khoa Nguyễn (TP. Huế)
Bích Hà: “Tiếng tơ lòng”- Tập thơ nồng ấm tình người của tác giả Khoa Nguyễn (TP. Huế)
Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019
Tôi nhận được món quà quý vào một sáng đầu thu. Tập thơ là một ấn phẩm xinh xắn, đẹp về hình thức và cuốn hút về nội dung. Tôi đã đọc một mạch từ bài đầu tiên cho tới bài cuối cùng của tập sách. Có thể nói chủ đề về quê hương đất nước và chủ đề tình yêu là cảm hứng trữ tình xuyên suốt trong toàn bộ tập thơ. Nhìn chung thơ Khoa Nguyễn Giàu cảm xúc và hình ảnh, lời thơ giản dị trong sáng, chân thành và dễ hiểu.
Tác giả Bích Hà
Bút danh Bích Hà
Tên đầy đủ: Hoàng Thị Bích Hà
Sinh năm Quý Mão
Cử nhân Ngữ văn ĐHSP Huế
Nghề nghiệp: Dạy học, viết văn và làm thơ tự do.
Sinh sống tại Thành phố Huế
Email: habich1963@gmail.com
_____
BÍCH HÀ: “TIẾNG TƠ LÒNG” TẬP THƠ NỒNG ẤM TÌNH NGƯỜI
CỦA TÁC GIẢ KHOA NGUYỄN
***
Đôi dòng giới thiệu về tác giả:
Nhà thơ có bút danh KHOA NGUYỄN
Tên thật là Nguyễn Tấn Khoa
Anh sinh năm 1963 tại quê hương Thừa Thiên Huế, sinh sống và làm việc tại Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Anh là hội viên ban thơ văn câu lạc bộ hưu trí Bình Dương, hội viên câu lạc bộ thơ Việt Nam, thành phố Thủ Dầu Một.
Tôi nhận được món quà quý vào một sáng đầu thu. Tập thơ là một ấn phẩm xinh xắn, đẹp về hình thức và cuốn hút về nội dung. Tôi đã đọc một mạch từ bài đầu tiên cho tới bài cuối cùng của tập sách.
Có thể nói chủ đề về quê hương đất nước và chủ đề tình yêu là cảm hứng trữ tình xuyên suốt trong toàn bộ tập thơ. Nhìn chung thơ Khoa Nguyễn Giàu cảm xúc và hình ảnh, lời thơ giản dị trong sáng, chân thành và dễ hiểu.
Mở đầu tập thơ tác giả có những bài thơ nói về vùng đất Bình Dương. Đây có lẽ là mảnh đất đầy “Ơn sâu nghĩa nặng”, là quê hương thứ hai của anh. Khi trưởng thành anh đã gắn bó, sinh sống, lập nghiệp cùng gia đình ở nơi đây.
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
……………..
“Nơi nào qua lòng chẳng lại yêu thương”
(Chế Lan Viên)
Chính vì lẽ đó mà Khoa Nguyễn có những vần thơ nói về “bến đỗ cuộc đời” với niềm tự hào về vẻ đẹp của tình đất, tình người ở nơi đây:
“Có phải chăng đất lành chim đậu
Đưa tôi về miền đất Bình Dương
Nơi rạch ròi hai mùa mưa nắng
Người hiền hòa cây trái khoe hương”
(Mảnh đất tình người)
Anh dành tình yêu đất, yêu người, lòng biết ơn người người khai phá mảnh đất phương Nam nơi anh đang sinh sống. Vẻ đẹp trù phú và nét văn hóa tinh thần với điệu dân ca vọng cổ ngọt ngào đã đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ con người ở nơi đây:
-“Mưa nắng giao mùa trao gió lộng
Nghe câu vọng cổ nhớ miền Đông
Màu xanh trù phú tươi đất
Ơn người khai phá thuở hồng hoang”
(Đất Thủ miền Đông)
“Đất Thủ hiền hòa ở bên sông
Tỉnh giấc vươn vai giữ trời hồng
Tình người bao la như biển rộng
Phiên chợ chiều nay có em không?”
Hình ảnh cô gái miền Đông đi vào trong thơ anh xinh xắn, dịu dàng, mộc mạc… đậm chất Nam Bộ với tà áo bà ba:
“Cô gái miền Đông nở nụ cười
Thêm tươi sắc nắng thắm làn môi
Tà áo bà ba bay trong gió
Đẹp dịu dàng như lúa đơm bông”
(Cô gái miền Đông)
Quê hương Thừa Thiên Huế là nơi anh được sinh ra và lớn lên nên đầy ắp kỷ niệm với gia đình người thân và thầy cô và bè bạn…Vì vậy tình yêu dành cho Huế tạo nên cảm hứng trữ tình dạt dào và sâu lắng trong thơ Khoa Nguyễn. Chủ đề về quê hương chiếm tỷ lệ khá nhiều trong tập thơ TIẾNG TƠ LÒNG. Nỗi nhớ dành cho Huế vì thế cũng khắc khoải không nguôi.
“Ở trong này hai mùa mưa nắng
Nhớ Huế mình xuân, hạ, thu, đông
Chiều buông nhìn cánh phượng hồng
Nhớ câu ca Huế trên dòng Hương Giang”
(Bình Dương nhớ Huế)
Có thể nói miền Trung là nơi “đòn gánh” giữa hai đầu đất nước, thiên tai bão lũ cũng nhiều. Vì thế ở nơi xa những người con xứ Huế nói chung và tác giả Khoa Nguyễn nói riêng mỗi khi nghe dự báo thời tiết ở miền Trung gặp mưa bão có lẽ anh cũng quặn thắt lòng. Thương quê hương nơi chôn rau cắt rốn- nơi có những người thân thương ruột thịt của anh, thơ anh lại trào lên nỗi niềm đau đáu nhớ mong xen lẫn lo lắng và có cả lòng cảm thông sâu sắc.
“Thương quá miền Trung của tôi ơi
Giông bão triền miên lũ tơi bời
Mưa nắng thất thường đất hóa đá
Ngày tháng quay cuồng nỗi chơi vơi”
(Thương quá miền Trung)
Nỗi nhớ dành cho Huế đã khắc sâu trong tâm tưởng của anh không lúc nào vơi cạn.
“Đi đâu rồi cũng nhớ Huế Thương
Nẻo đường thiên lý vọng cố Hương
Trường Tiền khắc sâu trong tâm tưởng
Sông xa cứ ngỡ nước sông Hương”
(Vọng cố Hương)
Nhà thơ cũng như những người con xứ Huế xa quê ở đâu và làm gì thì hình ảnh cố đô thân yêu là hành trang mang theo trong dặm đường lữ thứ:
“Ở nơi đâu Huế vẫn trong lòng
Văn Lâu còn đó nỗi trông mong
Vọng Cảnh chuông ai chiều nắng nhạt
Hồi chuông Thiên Mụ gõ trong mơ”
Bởi vì:
“Ở nơi đó tuổi thơ tôi đã sống
Tôi yêu thương bằng tất cả tâm hồn
Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể
Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”
(Nguyễn Bùi Vợi)
Thế nên kỷ niệm về tuổi thơ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhà thơ Khoa Nguyễn.
“Quê hương ký ức miền thơ dại
Rong chơi Thành Nội buổi chiều tà
Trèo hái trao nhau cành phượng vỹ
Ra sông tắm mát nước Hương Giang”
(Quê hương tôi)
Quê hương là hình ảnh song thân luôn là nỗi nhớ niềm thương chất chứa trong thơ anh:
“Bao lần nước mắt chảy òa
Nghĩ thương cha mẹ xót xa phận đời”
Mỗi khúc giao mùa đi qua thì nỗi nhớ Huế lại hiện hình rõ nét trong thơ anh.
“Chắc Huế bây giờ đã vào đông
Nhớ quá đi thôi Huế mặn nồng
Cố đô trầm mặc đầy mơ mộng
Nhớ con đường nhỏ nhịp cầu cong”
(Nhớ Huế)
Mùa đông về Huế rét buốt “tái tê lòng”. Tác giả gửi gắm nỗi niềm thương nhớ và pha chút băn khoăn trước cảnh vật và con người ở xứ Huế chống chọi với mùa đông.
“Mùa đông xứ Huế tái tê lòng
Dòng nước sông Hương có còn trong
Thông trên níu Ngự còn phủ bóng
Tình ai năm tháng vẫn không mờ”
Những danh lam thắng cảnh ở cố đô: Đền đài cung điện, Núi Ngự sông Hương… và cả những di sản phi vật thể như câu ca, điệu hò… đều là niềm tự hào của mỗi người dân Huế.
“Sông Hương thấp thoáng con đò
Trường Tiền đếm nhịp giọng hò khoan thai
Núi đồi, lăng miếu, đền đài
Tạo nên nét Huế giữa trời khói sương”
(Nét Huế)
-“Mời bạn về thăm Huế của tôi
Cố đô trầm mặc bóng kỳ đài
Cô gái Huế vẫn nghiêng vành nón
Dịu dàng e thẹn dáng chờ ai”
(Mời bạn về thăm Huế)
Nguyễn Khoa còn có những dòng thơ đầy chiêm nghiệm suy tư:
“Trong thơ có giọt lệ rơi
Có niềm trăn trở nỗi niềm đắng cay
Có màu sương gió tháng ngày
Lùi trong quá khứ dặm dài xót xa”
Đôi khi giữa cuộc sống bộn bề tác giả cũng tìm về những kỷ niệm êm đềm để mơ về một miền quê dịu ngọt đã lùi vào xa vắng.
“Cho tôi tìm lại ngày xưa
Mênh mông sóng lúa sớm trưa thanh bình”
Có khi giọng thơ của tác giả như chùng xuống trước cái hữu hạn của đời người. So với sự vô cùng của vũ trụ, trước mênh mông của đất trời bỗng thấy thời gian trôi nhanh quá!
“Giá như có phép nhiệm màu
Cho tôi thay đổi nhịp cầu thời gian
Thời gian được ví bạc vàng
Chưa chi đã hết ngỡ ngàng còn đâu”
Thời gian không chờ đợi ai, phải chăng tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Thời gian quý giá biết nhường nào hãy làm những gì có ích để khỏi hối tiếc khi chưa quá muộn màng.
Những hồi ức về tuổi thơ, những năm tháng trên ghế nhà trường cũng được in dấu trong thơ Khoa Nguyễn. Có thể kể ra đây các bài thơ: “Kỷ niệm tuổi học trò”, “Gặp lại bạn”, “Nắng ấm sân trường”, “Gởi cho bạn”…
Tình yêu trong thơ Khoa Nguyễn là mối tình thoáng qua trong buổi đầu đời đẹp như một nốt nhạc, như một điệu đàn nhưng mãi ngân nga dịu dàng trong tâm khảm.
-“Gieo chi sợi nhớ sợi thương
Để cho ai phải tơ vương trong lòng”
“Đẹp như rung động đầu đời
Mong manh sương khói tình nồng thoáng qua’’
“Thoáng qua tình chẳng mặn mà
Tình như nốt nhạc điệu đàn vu vơ”
“Dù chẳng ở bên nhau
Trước sau tình vẫn đẹp
Dù xa xôi cách trở
Vẫn âm thầm nhớ thương”
(Tình đầu)
Trong tình yêu muôn đời vẫn thế với đầy đủ những cung bậc yêu thương, dỗi hờn, đau xót chia xa… Nhưng dù có là mối tình dang dở day dứt không nguôi vẫn tràn đầy tính nhân văn.
“Tội lỗi oan khiên tôi nhận lấy
Trả lại cho em những tháng ngày
Hoa thơm trái ngọt đầy ong bướm
Đừng có bao giờ nhắc tới tôi”
(Chia xa)
“Tai ương kiếp hạn đời trắc trở
Tôi đành cất bước để ra đi
Gởi lại sau lưng bao luyến nhớ
Giận dỗi vô vùng vẫn yêu thương”
(Chia xa)
Từ một cậu thư sinh xứ Huế, trở thành người lính rồi trở lại đời thường với mảnh đất Bình Dương nên thơ Khoa Nguyễn có đủ những hồi ức đã đi qua trong cuộc đời. Anh đã dụng công chắt lọc cảm xúc, rung động của mình để làm ra những bài thơ tâm đắc.
Hình thức nghệ thuật trong thơ Khoa Nguyễn có sự kế thừa thi pháp thơ truyền thống là những bài thơ lục bát có âm hưởng ca dao, có hồn dân tộc. Có lẽ lời ru của mẹ đã bồi đắp hồn thơ anh từ thuở ấu thơ. Nên khi sử dụng hình thức thơ truyền thống này anh gieo vần khá chỉnh chu, mềm mại. Về mảng thơ tự do khá phong phú với nhiều thể loại: Thơ bát ngôn, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn… Với cảm xúc trữ tình đậm đà, tác giả gởi gắm nỗi niềm của mình qua câu chữ giản dị mà ý tứ đằm thắm, nhân hậu. Trong những bài thơ có sự trải của nghiệm riêng mình qua sóng gió cuộc đời hay nỗi đau xót chia xa của chuyện tình dang dở… nhưng cuối cùng đọng lại trong tâm trí người đọc là tình đời, tình người và lòng nhân ái sẻ chia. Thơ Khoa Nguyễn là những vần thơ giản dị, giàu cảm xúc trữ tình. Anh đã chú ý chắt lọc rung cảm, chọn lọc ngôn ngữ, hình ảnh để chuyển tải cảm xúc. Ngôn ngữ thơ anh không sử dụng những từ ngữ khác lạ phi thường nào mà chỉ là những từ ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ… và các phép tiểu đối ở trong câu để diễn đạt biểu cảm nhất có thể.
Tuy vậy người đọc vẫn đòi hỏi nhà thơ cần sáng tạo hơn nữa, phong phú hơn nữa về đề tài, nội dung và nghệ thuật. Đem lại hiệu quả truyền cảm cao hơn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng phong phú của độc giả yêu thơ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão.
Sự bình phẩm, đánh giá về thơ có thể mỗi người mỗi khác tùy theo sở thích, mỹ cảm của từng người. Với tôi thì những câu thơ hay không nhất thiết là phải có tính hàn lâm. Đôi khi câu thơ đạt đến độ dung dị lại là những câu thơ hay dễ đi vào lòng người. Theo Đào Xuân Quý: “Một câu thơ trong sáng giản dị có khi đòi hỏi công phu gấp mấy lần một câu thơ có nội dung cầu kỳ rắc rối” (hồi ký “Nhớ lại”)
Tác giả Khoa Nguyễn đã và đang sáng tác. Thời gian tới anh chuẩn bị ra mắt tập thơ tiếp theo . Xin chúc nhà thơ sức khỏe, hạnh phúc, thành công và có những có những đóng góp mới cho độc giả yêu thơ!
Huế, ngày16/8/2018 – Hoàng Thị Bích Hà
(Bài đã được in trong thi phẩm SẮC NĂNG ĐẦU MÙA của tác giả Khoa Nguyễn từ trang 83- 93, NXB hội Nhà Văn tháng 11 năm 2018 và in trong tác phẩm BÌNH LUẬN VĂN HỌC của tác giả Hoàng Thị Bích Hà, NXB Thuận Hóa tháng 6, năm 2019 từ trang 223-231)
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 18/10/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét