Đọc “Khắc vào gió” thơ Trần Mai Ngân – Bài viết Châu Thạch (ĐN)
Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019
“Khắc Vào Gió” là một bài thơ ngắn, gọn, có lẽ viết rất mau nhưng hay như tiếng thông reo trong một khu rừng rất vắng, vì sự trầm lắng của gió nơi cô liêu sẽ khiến tâm hồn dễ hòa nhập và cảm thụ đầy đủ tiếng của thinh không!!!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Châu Thạch
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
KHẮC VÀO GIÓ
***
Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Tôi cắn vào môi khi chia ly
Tay nắm bàn tay đừng với gọi
Tan nát chiều... cứ để người đi!
.
Xa nhau, ừ nhỉ xa nhau vậy
Vá víu trăm năm một nụ cười
Mắt đã xa rời không trở lại
Lúc ở cạnh nhau đã vắng rồi!
.
Mất nhau... mất nhau... mất nhau thôi
Cầm bằng như nước hai bờ trôi
Mai người về lại nơi đã gọi
Khắc vào gió cũ mộ bia tôi!
Trần Mai Ngân
.
Cảm nhận của Châu Thạch:
Trước khi đi vào thơ “Khắc Vào Gió” của Trần Mai Ngân, tôi muốn chúng ta hãy lướt qua một khổ thơ của nhà thơ Thâm Tâm, đã nổi danh từ đầu thể kỷ 19 để có thể cảm nhận sâu thêm về những gì Trần Mai Ngân đã viết trong bài thơ nầy.
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
(Tống Biệt Hành- Thâm Tâm)
Trong bài viết về cảm nhận bài thơ Tống Biệt Hành trước đây, tôi có viết một đoạn như sau:
Có người cho rằng vế thơ nầy “Quá cứng cỏi. lạnh lùng và vô tình”. Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác giả. Những điều mà người ra đi phủ nhận trong vế thơ nầy chính là những điều mà người ra đi canh cánh bên lòng.
Chữ “thà” ở đây không có nghĩa là “xem như không có” mà chữ “thà” ở đây có nghĩa là “không bỏ đi được”.
Nếu người ra đi ngày ấy xem mẹ như lá, chị như bụi và em như ly rượu cay thì người đó không đáng để đưa vào thơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ có chữ “thà” trong bài “Khúc Tình Buồn” của Nguyễn Tất Nhiên để hiểu thêm về chữ “thà’ của Thâm Tâm: “Người từ trăm năm/ về qua sông rộng/ ta ngoắc mòn tay/ trùng trùng gió lộng/ thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không...”. Ta thấy rằng, khi người yêu qua sông, Nguyễn Tất Nhiên ngoắc mòn tay gọi người yêu trong vô vọng. Lúc đó nhà thơ càng dùng chữ “thà” thì càng đau đớn gấp bội. Tình yêu lúc đó càng mảnh liệt đến nỗi nhà thơ muốn “Thà như giọt mưa” thì vẫn còn có thể “vỡ trên tượng đá” hơn là không chi hết.
Chữ “Thà” của Nguyễn Tất Nhiên và Thâm Tâm là từ ngữ đã vượt ra ngoài nghĩa của cái chữ thường tình. Nó khẳng định một tình yêu mảnh liệt với người yêu trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và nó cũng khẳng định một tình yêu mảnh liết với mẹ, với chị, với em trong thơ Thâm Tâm.
Trong bài thơ “Khắc Vào Gió”, nhà thơ Trần Mai Ngân vào đề bằng câu thơ trong Tống Biệt Hành của Thâm Tâm: “Người đi, ừ nhỉ người đi thực”. Tôi nghĩ rằng, không phảỉ Trần Mai Ngân không biết mình đã dùng lại câu thơ của nhà thơ tiền chiến. Thế nhưng câu thơ nầy chỉ dùng để diễn tả một hoàn cảnh thật mà ai cũng phải nói như thế, nó không có tứ hay ý lạ gì nên không cần phải tránh né. Điều quan trọng là ở cả bài thơ Trần Mai Ngân đã diễn đạt khác, đã khóc ra thành tiếng, đã nói ra lời những xót xa trong lòng, không như Thâm Tâm đã nuốt vào lòng để chỉ bật ra tiếng than ngắn gọn. Nuốt vào hay nói ra nỗi đau là tánh riêng của mỗi tác giả, cái cần là thơ có đem cho ta cảm xúc hay không.
Hãy đọc bốn câu thơ của Trần Mai Ngân ở khổ đầu:
Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Tôi cắn vào môi khi chia ly
Tay nắm bàn tay đừng với gọi
Tan nát chiều... cứ để người đi!
Ở trên, nhà thơ Thâm Tâm đã viết về người đi, còn ở đây, Trần Mai Ngân viết về ngưởi ở lại. Người đi thì thà quên tất cả cho khỏi đau lòng, còn người ở lại của Trần Mai Ngân thì thà cắn chặt môi khi chia ly, thà nắm chặt tay không với gọi. Thế thì người ở lại cũng có nỗi đau dằn xé trong lòng, cũng đã nuốt vào nỗi đau có khác chi người đi trong “Tống Biệt Hành”. Thâm Tâm thì đã nuốt nối đau vào lòng khi đưa tiển người đi để bật ra tiếng thở dài trong thơ. Trần Mai Ngân thì cũng nuốt nỗi đau vào lòng khi đưa tiễn người đi nhưng, lại để bật khóc thành tiếng trong thơ. Dễ hiểu, vì Thâm Tâm là nam, đưa người qua sông để đi làm việc lớn, chẳng khác chi đưa Kinh Kha sang Tần, còn Trần Mai Ngân là nữ, lại đưa người đi chỉ bị mất thứ tình riêng có ở trong lòng. Nỗi đau của Thâm Tâm là nỗi đau của sự hy sinh, còn nỗi đau của Trần Mai Ngân là nỗi đau của người bị mất.
Đọc khổ thơ vào đề của Trần Mai Ngân, ta thấy được một buổi tiển đưa đau đến “tan nát chiều”, nhưng có lẽ chỉ có một người tiển đưa tan nát cõi lòng, còn người đi thì bình thản ra đi ở khổ thơ sau:
Xa nhau, ừ nhỉ xa nhau vậy
Vá víu trăm năm một nụ cười
Mắt đã xa rời không trở lại
Lúc ở cạnh nhau đã vắng rồi!
Rõ ràng đây là một cuộc tình đã tan vỡ, tan vỡ vì lý do gì ta không biết nhưng hai câu thơ “Mắt đã xa rời không trở lại/ Lúc ở cạnh nhau đã vắng rồi” cho ta thấy người đi đã dứt khoát ra đi ngay cả ở trong lòng. Khổ thơ cũng cho ta thấy tình yêu sâu đậm trong lòng người ở lại. Tác giả biết lòng mình nhớ đến trăm năm nụ cười người ấy và dùng một câu thơ rất tội nghiệp khi phải “vá víu” lại nụ cười kia trong trí nhớ. Khổ thơ cũng cho ta thấy sự chung tình của người ở lại. Người ở lại phải bị bó buộc xa nhau khi buông một câu gượng ép như đành chịu xa nhau: “Xa nhau, ừ nhỉ xa nhau vậy” và biết chắc rằng “Mắt đã xa rời không trở lại” nhưng toàn bộ bài thơ, ta không thấy một lời oán trách, chỉ thấy bày ra sự đau xót của lòng mình,
Vào khổ thơ cuối nhà thơ đã kêu lên nhừng tiếng kêu tuyệt vọng như ngàn vạn chiếc ly thủy tinh tan vở, như lời tạ tự khẩn cấp, như con nước lũ tràn ngập xé tung đôi bờ:
Vào khổ thơ cuối nhà thơ đã kêu lên nhừng tiếng kêu tuyệt vọng như ngàn vạn chiếc ly thủy tinh tan vở, như lời tạ tự khẩn cấp, như con nước lũ tràn ngập xé tung đôi bờ:
Mất nhau... mất nhau... mất nhau thôi
Cầm bằng như nước hai bờ trôi
Mai người về lại nơi đã gọi
Khắc vào gió cũ mộ bia tôi!
Khổ thơ cuối như một đôi cánh đẩy bài bay bổng lên cao mà hai câu thơ cuối là sắc lông vừa đẹp vừa lạ trong đôi cánh đó. Người khó tính sẽ đã phá hai câu thơ nầy vì trong gió làm sao có mộ và trong gió làm sao khắc bia được. Thế nhưng câu thơ cũng gián tiếp cho ta cảm nhận được khi người đi trở về thì người ở lại không còn nữa trên đời. Đây chỉ là sự hư cấu xảy ra trong lòng của người ở lại để tưởng tượng một nỗi bi thương trong tương lai. Nhà thơ tưởng tượng người về sẽ không thấy lại gì, đường xưa lối cũ, di tích của tình sẽ mất hết, chỉ còn hơi gió bây giờ mang hơi hướng của hơi gió năm xưa. Người về sẽ không tìm lại được gì giống như trong dòng ký ức của cuộc tình, chỉ có gió là còn và gió dem chút hương vị tình yêu năm cũ cho người. Vậy gió chính là tâm mộ bia của nàng để người về khắc những nhớ nhung vào đó.
Gió là hình ảnh của sự trong sạch, quyến luyến, vô biên nhưng cũng là hình ảnh của phôi pha, vô thường, và lưu lạc. Nhà thơ dùng gió để làm mộ bia cho mình đã nói lên được tất cả sự bi quan, nỗi trầm tư, những trách hờn nhẹ như mây bay và tâm hồn lãng mạn tuyệt vời của người ở lại. Gió là tấm mộ bia tôi và người tình năm xưa hãy khắc vào đó những gì còn có trong lòng: Một ý thơ với tứ thơ mà tôi có thể viết trăm trang chưa hết những cảm nhận trong lòng. Thế nhưng tốt hơn ta hãy hiểu nó bằng thứ thi giác thì sẽ được hưởng thụ tận cùng thứ thi vị của nó!!!
“Khắc Vào Gió” là một bài thơ ngắn, gọn, có lẽ viết rất mau nhưng hay như tiếng thông reo trong một khu rừng rất vắng, vì sự trầm lắng của gió nơi cô liêu sẽ khiến tâm hồn dễ hòa nhập và cảm thụ đầy đủ tiếng của thinh không!!!
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 11/8/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét