Chế độ Khoa cử - 100 năm nhìn lại - Đỗ Nhựt Thư biên soạn (QN)
Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019
Năm 1919 vua Khải Định hạ chiếu tổ chức khoa thi Hội và thi Đình lần cuối cùng, kết thúc hệ thống thi cử tuyển người làm quan. Cách đây đúng 100 năm.
Họ tên thật Đỗ Nhựt Thư
Địa chỉ: Tỉnh Quảng Nam
Email: dokongnhan@gmail.com
Năm 1919 vua Khải Định hạ chiếu tổ chức khoa thi Hội và thi Đình lần cuối cùng, kết thúc hệ thống thi cử tuyển người làm quan. Cách đây đúng 100 năm.
Từ năm 1075 vua Lý Nhân Tông cho tổ chức kỳ thi Tam trường, hạ chiếu những người giỏi kinh thư, học rộng tham gia thi Nho học để chọn người tài đức ra giúp nước. Kỳ này chọn được 10 người để bổ làm quan.
Thủ khoa là ông Lê Văn Thịnh, được chọn vào cung dạy học cho các hoàng tử.
Năm sau nhà vua cho thành lập Quốc Tử Giám Thăng Long nhằm đào tạo nhân tài để chọn người tài đức bổ dụng làm quan tham gia quản lý đất nước. Sự việc cách đây đã gần 1.000 năm.
Việc thi đỗ được bổ dụng làm quan gọi là ‘khoa cử.
Xin biên soạn sơ lược về khoa cử dưới triều Nguyễn.
Cứ 3 năm triều đình tổ chức khoa thi Hương, nhiều tỉnh gần kề mới có một trường thi.
Người dự thi không phân biệt thành phần nhưng phải qua hai điều kiện (gọi là Khảo hạch):
+ Có đạo đức tốt và lý lịch trong sạch, bản khai lý lịch này phải được Xã quan, Chánh tổng xác nhận.
+ Có trình độ học lực: được kiểm tra bằng một kỳ thi liền với kỳ thi Hương, là kỳ thi ám tả cổ văn do cấp phủ (hoặc tỉnh ở miền Bắc) khảo hạch.
Đỗ kỳ này chẳng có học vị gì, ai đỗ kỳ này cũng đã vinh dự lắm, nhất là đỗ đầu. Người đỗ đầu được tặng danh hiệu đầu xứ, gọi tắt là ông xứ. Như xứ Nhu (Nguyễn Khắc Nhu), xứ Tố (Ngô Tất Tố). Ông xứ Tố chỉ đỗ đầu xứ thôi, thi Hương không qua được 3 kỳ nên chẳng có học vị gì, nhưng đã là một nhà Nho uyên thâm, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, dịch giả nỗi tiếng.
Qua kỳ Khảo hạch mới được dự thi Hương.
Theo quy định như thời Minh Mệnh, thi Hương có 4 kỳ:
Kỳ I: kinh nghĩa;
Kỳ II: tứ lục;
Kỳ III: thi phú;
Kỳ IV: văn sách.
Thi đỗ 3 kỳ thì gọi là Tú Tài - tên dân gian là ông Đồ, ông Tú. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng thường không được bổ dụng nhưng được miễn lao dịch, được ngồi chiếu trên của làng, xã.
Thi đỗ cả bốn kỳ thì gọi là Cử nhân - ông Cử, người đỗ đầu được gọi là Giải nguyên, họ được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp huyện.
Thường thì họ được bổ làm Huấn đạo (quan coi việc học trong 1 huyện) hàm Chánh bát phẩm, hưởng lương bổng 1 năm 20 quan tiền, gạo 18 phương và 4 quan tiền xuân phục.
(1 quan = 600 đồng, 1,4 quan mua được (ở Trung bộ) 1 hộc thóc 57 kg (khoảng 34 kg gạo); 1 phương gạo = 13 thăng hay 30 bát gạt bằng miệng, năm 1804 (theo Thực Lục, III, 241 - Đại Nam Điển Lệ, trang 223)
Ngoài ra các quan còn được hưởng chế độ ‘quân điền’ ở làng mình, được chia 1 phần ruộng công như dân của làng.
Sau khi đỗ Cử nhân thì năm sau mới được dự thi kỳ thi Hội. Theo quy định từ năm 1434, thi Hội tương tự như thi Hương cũng có 4 kỳ, đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ.
Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ Tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng.
Đỗ kỳ thi Hội sẽ được thi Đình để xếp hạng Tiến sĩ.
Thi Đình là một khóa thi nho học cao cấp nhất do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng đã đỗ kỳ thi Hội. Người thi đỗ được bổ nhiệm làm quan chức trong triều đình.
Kỳ thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các ông Nghè. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ.
(Năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ học vị Trạng nguyên.)
Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:
+ Bậc 1: Tiến sĩ cập đệ - gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: Đỗ hạng ba là Thám Hoa, hạng nhì là Bảng Nhãn, đỗ đầu là Đình nguyên.
+ Bậc 2: Tiến sĩ xuất thân - Hoàng Giáp
+ Bậc 3: Đồng tiến sĩ xuất thân.
Những người thi đỗ trong các kỳ thi Hội, thi Đình đều được triều đình ban cấp mũ áo, được vinh quy bái tổ, khắc bia tiến sỹ và được bố trí những chức quan tương xứng.
*.
Về võ- Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm 1170, Vua tập bắn và cưỡi ngựa ở phía Nam thành Đại La, đặt tên (nơi đó) là Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến, phá trận”. Như vậy, Xạ Đình là nơi học và luyện võ của vương triều Lý, có thể nói, đó là Nhà võ học đầu tiên của nước Nam. Vua đã cho khảo về võ kinh và điều hành, có lẽ, đây là cuộc thi khảo võ cử đầu tiên trong lịch sử.
Đến thời Lê Thánh Tông, vua đã chính thức cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành gọi là Giảng Võ. Con của các công, hầu, khanh, tướng đến đấy học tập hàng ngày, vậy nên Giảng Võ cũng là Nhà Võ học.
Sau ba năm học, luyện tập, các võ sinh sẽ qua kỳ thi khảo, nếu đỗ, sẽ được bổ chức Võ úy.
*.
Còn lại viên (công chức) thì từ năm 1077 vua Lý Nhân Tông đã tổ chức thi lại viên để tuyển chọn người giúp việc cho các quan từ cấp huyện trở lên với 3 môn: thư (viết chữ), toán và hình luật.
Các triều đại thường tổ chức thi tuyển lại viên khoảng 10 năm một lần vì đã có sự xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi Hương.
Xã quan, Chánh tổng do dân làng tuyển cử. Điều kiện được làm Chánh tổng là phải là người có chữ (ông Tú, hoặc đã dự kỳ thi Hương, …) và có gia sản.
***
Trước thời Pháp thuộc các quan lại đều là người học giỏi, được đào tạo, biết ‘Lễ - Nghĩa - Liêm - Sỉ’ và phải qua khoa cử nghiêm minh nên đa số đều là những vị quan gương mẫu, hết lòng lo cho xã tắc, chúng dân danh lưu hậu thế và tiếng thơm cho dòng họ.
Thi đỗ họ được bổ dụng, thường thay đổi chức vụ theo công hay tội, thường thay đổi địa phương công tác, lại có luật ‘Hồi tỵ’ (quan không cai trị ở địa phương của mình) nên ông cha ta quản lý và xây dựng nên một Đại Việt hùng mạnh trong vùng Đông Á: mở rộng cương thổ, đánh thắng đại cường, lân bang thần phục.
Rồi nước ta cũng như cả châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc bị các nước châu Âu xâm chiếm đặt ách cai trị vì chỉ thua họ hai vấn đề cốt lõi: chế độ cộng hoà và nền khoa học kỹ thuật.
2019 – ĐNT
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Nam ngày 01/8/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét