Home
» Lý luận phê bình
» Cảm đọc gã khờ trong “Mộng mị” của Nhụy GiaLai – Bài viết Đặng Xuân Xuyến (HN)
Cảm đọc gã khờ trong “Mộng mị” của Nhụy GiaLai – Bài viết Đặng Xuân Xuyến (HN)
Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019
Khi đưa bài thơ Mộng Mị của nhà thơ Nhụy GiaLai lên blog Trang Đặng Xuân Xuyến, mấy câu thơ đầu đã gây tò mò với tôi: "Đôi khi tôi mơ thấy em Cùng đi với một gã khờ Em tươi xinh hồng má thắm Gã khờ khệ nệ bầu thơ." Tôi thích thú với cách mượn thơ kể “chuyện của gã khờ” nên đọc tiếp:
Tác giả Đặng Xuân Xuyến
Họ tên Đặng Xuân Xuyến
Sinh sống tại Hà Nội
ĐT: 0903413075
Email: baothang_xuanxuyen@yahoo.com.vn
_____
CẢM ĐỌC GÃ KHỜ TRONG
“MỘNG MỊ” CỦA NHỤY GIALAI
Bài viết Đặng Xuân Xuyến
*.
Khi đưa bài thơ Mộng Mị của nhà thơ Nhụy GiaLai lên blog Trang Đặng Xuân Xuyến, mấy câu thơ đầu đã gây tò mò với tôi:
"Đôi khi tôi mơ thấy em
Cùng đi với một gã khờ
Em tươi xinh hồng má thắm
Gã khờ khệ nệ bầu thơ."
Tôi thích thú với cách mượn thơ kể “chuyện của gã khờ” nên đọc tiếp:
"Dừng bên đồi mơ lối mộng
Gã chọn lấy một bông hồng
Gói gém trang thơ màu tím
Trao nàng nhẹ gót sang sông."
Vẫn là những ngây ngô của chàng trai với người đẹp được khoác thêm 2 chữ lãng mạn, không mới. Định không đọc nữa nhưng khổ thơ thứ 3, tuy bị khớp câu đầu nhưng 3 câu tiếp theo đã níu tôi lại:
"Bến đò chiều, nàng sang sông
Sóng xô, xô cả đôi bờ
Bóng người mờ xa nhân thế
Gã còn đứng lặng ngẩn ngơ!"
Khổ thơ thật buồn với những câu chữ nhiều ẩn dụ, giàu hình tượng và gợi nhiều cảm xúc; như những nét vẽ sắc nét, vừa đủ độ để tạo nên một bức tranh chia ly giữa đôi bờ sông nước, với lãng đãng cảm xúc trầm buồn nhưng không u uẩn bi lụy. Chỉ tiếc, cách ngắt nhịp 3/3 ở câu: "Bến đò chiều, nàng sang sông" đã biến câu thơ còn yếu chất thơ thành câu nói khô khốc, lạc vần lạc điệu với 3 câu thơ nhiều ẩn dụ, đang đan xen hình ảnh, hòa quyện cảm xúc vào nhau để tạo nên một bức tranh đẹp: Sóng xô, xô cả đôi bờ/ Bóng người mờ xa nhân thế/ gã còn đứng lặng ngẩn ngơ!
Một bức tranh buồn ảm đạm, với những ám ảnh mơ hồ bởi một tình yêu cũng mơ hồ.
"Gã cùng thơ mãi lơ ngơ
Xuân xanh chợt hết bao ngày!
Chút duyên thầm ban sơ ấy
Xót xa đã chớm hao gầy..."
Gã đã khờ, lại làm thơ, nhìn đời như nhìn qua lớp khói sương bảng lảng nên hình ảnh, sự việc được phản chiếu lại cũng hư hư ảo ảo, đến quá nửa đời người rồi mà vẫn "mãi lơ ngơ", chưa hiểu hết căn nguyên duyên cớ nào "Gã và nàng yêu nhau lắm/ Yêu người, yêu cả hồn thơ" mà nàng nỡ "nhẹ gót sang sông", bỏ lại gã "lặng ngẩn ngơ" đến tận khi đã bước qua phía nửa bên kia của cuộc đời. Từ "chợt" trong câu "Xuân xanh chợt hết bao ngày" đã diễn tả đầy đủ, tinh tế nỗi xót xa về cái giá đã phải trả bởi sự ngu ngơ với đời, với tình yêu đến tội nghiệp của "gã", khéo léo đẩy câu thơ chạm vào trái tim người đọc, khiến người đọc cũng chơi vơi, thảng thốt...
"Nàng ra đi tìm hạnh phúc
Gã mòn lối bến bờ xa.
Nàng có quên, hay còn nhớ
Tình xưa rồi cũng phôi pha!"
Chữ "mòn" dùng ở khổ thơ này thật hay, đã lột tả được những tiếc nuối, cô đơn, những đằng đẵng kiếm tìm của “gã khờ” khi “nàng” buông bỏ gã để “đi tìm hạnh phúc”. Nàng yêu gã rất nhiều, hao phí tuổi thanh xuân với gã cũng đã thật nhiều nhưng gã cứ luôn mơ hồ trước tình yêu của nàng để vô tâm mơ hồ chạy theo "thú vui chữ nghĩa". Rong ruổi khắp đó đây với bầu thơ túi rượu cho thỏa chí tang bồng thơ phú, gã tìm kiếm hình bóng “nàng” đến "mòn lối bến bờ xa",... nhưng gã tìm “nàng” cho tình yêu đời thực của gã hay tìm “nàng” cho những tứ thơ? Gã không biết. Gã cứ mơ hồ ranh giới giữa hư với thực, giữa đời với thơ để những “lối bến bờ” tìm kiếm “nàng” ngày một thêm “xa”, thêm “mòn” dưới gót chân của gã.
Mạch thơ đều đều, dàn trải với tiết tấu 2/2/2 bỗng khựng lại ở câu thứ ba, rồi chuyển sang nhịp 3/3 bằng câu tự vấn của người kể chuyện: "Nàng có quên, hay còn nhớ" như lời độc thoại của gã khờ khiến tâm trạng người đọc chùng xuống, để cùng hắt ra tiếng thở dài buồn man mác: "Tình xưa rồi cũng phôi pha.".
Khi đã hiểu ra vấn đề thì "gã khờ" nhà thơ xuôi tay buông bỏ, chẳng nhiều tiếc nuối với bầu thơ chữ nghĩa:
Khi đã hiểu ra vấn đề thì "gã khờ" nhà thơ xuôi tay buông bỏ, chẳng nhiều tiếc nuối với bầu thơ chữ nghĩa:
"Bầu thơ - thôi, trút xuống sông
Chữ nghĩa lêu bêu xuôi dòng
Ai kia vô tình nhặt được
Khen chê, rồi cũng hư không…"
Nghe mà chua chát, hệt thói đùa của nhân thế.
Hai chữ "lêu bêu" như vết cắt, cứa thật sâu vào nỗi đau cười ra nước mắt của những người thơ, nghiệp thơ: chữ nghĩa chẳng giúp ích gì được cho đời, chỉ là những cuộc chơi vô bổ, của những phận người "lêu bêu" thất bại và luôn là của những tâm hồn trẻ con trú đóng trong thân xác người lớn, rồi tự khoác vào mình chiếc áo văn chương chữ nghĩa cho có vẻ ta đây cũng "gì lắm" với đời.
Tôi thích hai chữ "lêu bêu" này vì nó diễn tả được nhiều điều.
---.
MỘNG MỊ
.
Đôi khi tôi mơ thấy em
Cùng đi với một gã khờ
Em tươi xinh hồng má thắm
Gã khờ khệ nệ bầu thơ.
.
Dừng bên đồi mơ lối mộng
Gã chọn lấy một bông hồng
Gói gém trang thơ màu tím
Trao nàng nhẹ gót sang sông.
.
Bến đò chiều, nàng sang sông
Sóng xô, xô cả đôi bờ
Bóng người mờ xa nhân thế
Gã còn đứng lặng ngẩn ngơ!
.
Gã và nàng yêu nhau lắm
Yêu người, yêu cả hồn thơ
Nhưng tình không như mộng ảo
Và đời không như là mơ!
.
Gã cùng thơ mãi lơ ngơ
Xuân xanh chợt hết bao ngày!
Chút duyên thầm ban sơ ấy
Xót xa đã chớm hao gầy...
.
Nàng ra đi tìm hạnh phúc
Gã mòn lối bến bờ xa.
Nàng có quên, hay còn nhớ
Tình xưa rồi cũng phôi pha!
.
Bầu thơ - thôi, trút xuống sông
Chữ nghĩa lêu bêu xuôi dòng
Ai kia vô tình nhặt được
Khen chê, rồi cũng hư không…
Nhụy GiaLai
*.
Hà Nội, chiều 03/8/2019 – ĐXX
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 04/8/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét