Ninja Tân Sơn Nhất – Truyện ngắn Hoàng Thảo Chi (Huế)
Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019
Tôi
thật sự bất ngờ, chỉ qua câu “Người cầm lái vĩ đại...” cũng biết ngay cô là
người có học và có đọc. Còn gương mặt của cô ấy thật dễ thương. Chắc tầm tuổi
con gái tôi thôi. Đôi mắt tròn xoe như mắt chim câu, xanh biếc như trời Sài
Gòn, miệng cười như hoa nở... Lẽ ra tôi phải hào hứng mới phải! Nhưng không
hiểu vì sao, một nỗi buồn chua chua, chát chát không tên thoáng qua trong lòng.
Không biết con cái nhà ai, trẻ trung, xinh đẹp, nhanh nhẹn, mà lại chọn nghề xe
ôm vất vả như thế.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Hoàng Thảo Chi
Địa chỉ: 108 Phan Văn Trường TP Huế
Điện thoại: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
NINJA
TÂN SƠN NHẤT
***
***
Đang
thiu thiu, tôi giật mình, mở choàng mắt bởi tiếng tín hiệu rột roạt của mấy cái
loa trên máy bay:
-
Hành khách chú ý, khoảng mười phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn
Nhất. Đề nghị hành khách về chỗ ngồi, thắt dây an toàn cho đến khi đèn tín hiệu
tắt hẳn.
Sự
ngái ngủ tan biến, tôi nghiêng người nhìn qua ô cửa máy bay. Sài gòn trải ra
mênh mông, lăn tăn li ty phía dưới kia. Không hiểu tại sao mấy câu hát trong
bài “Mười năm tình cũ” của Trần Quảng Nam mà bọn trẻ hay xuyên tạc, lại ngân
lên trong tôi đúng lúc này:
“Mười năm không gặp, tưởng bồ đã chết!
Ta bay trên ni...thấy bồ dưới tê...”
Tôi
mỉm cười với những câu hát chế tếu táo đó, và thấy trong lòng dâng lên một niềm
vui hân hoan. Những kỷ niệm về Sài Gòn của mấy chục năm về trước, mờ mờ tỏ tỏ
hiện về. Cũng như Hà Nội, Sài Gòn là thành phố, mà tất cả mọi người dân đất
Việt đều muốn đến một lần. Tôi may mắn là đã được đến Sài Gòn, ngay sau ngày
giải phóng. Cảm giác ngất ngây, choáng váng khi đó, đến chừ tôi vẫn còn lưu giữ
trong ký ức phần nào. Rồi những năm tiếp theo, còn nhiều lần trở lại, có lần
tôi đã ở lại Sài Gòn gần cả năm trời với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn.
Sau
một hai lần hạ độ cao, Sài gòn đã ngay dưới cánh bay. Những ngôi nhà to nhỏ,
cao thấp muôn vàn kiểu dáng, vô cùng lộn xộn hiện ra như một bàn cờ vây của xứ
Hàn Quốc. Không biết dựa vào đâu mà mấy bố Sài Gòn luôn miệng khoe khoang: Sài
Gòn HÒN NGỌC... Viễn Đông? Có mà NỒI LẨU...Viễn Đông...thì có! Hihihi. Tôi độc
diễn, cười cợt với mấy anh Hai Sài Gòn trong chốc lát.
Hai
bánh sau của máy bay chạm đất lịch kịch, rồi hai bánh trước cũng hạ xuống. Máy
bay tiếp đất hoàn hảo. Tín hiệu của các loa phát thanh lại rột roạt:
-
Chào mừng các quý khách đã đến với thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay
của VietjetAir.com. Cơ trưởng và phi hành đoàn trân trọng
cảm ơn và tạm biệt. Hẹn gặp lại các quý khách trong chuyến bay lần sau.
Không
biết có “dám” lần sau nữa không. Nhưng cũng xin cảm ơn vì đã có chuyến bay an
toàn. Tạm biệt. Tạm biệt. Tôi lẩm bẩm như vậy trong khi rời khỏi máy bay, rồi
móc điện thoại gọi cho thằng cháu con ông anh, bảo nó ra đón. Nhưng nó lại
bảo:
-
Chú đi xe ôm về nha. Cháu đang bận, vì quán đông khách lắm.
Một
chút hẫng hụt. Nhưng cũng mừng là quán của nó đông khách. Thằng này là con cả
của ông anh trên tôi, nó đã gần bốn mươi (thuộc thành phần: Bán Giời không văn
tự) mới cưới vợ. Bọn chúng thuê mặt bằng vừa bán đồ ăn, vừa bán giải khát chi
đó. Tôi rất nể con cháu dâu, trước hết là lòng dũng cảm của nó. Dám cả gan rước
thằng cháu tôi về làm chồng, đó là một sự lựa chọn phi thường của tình yêu. Xin
đa tạ trời đất.
- Thôi, bây giờ chúng chí thú làm ăn là may phước lắm rồi.
- Thôi, bây giờ chúng chí thú làm ăn là may phước lắm rồi.
Tôi
tự động viên sự hẫng hụt của mình như vậy, ra khỏi nhà ga rồi đi thẳng tới chỗ
mấy ông xe ôm. Nếu lấy ba điểm: Nhà ông anh tôi (trên đường Cộng Hòa), công
viên Hoàng Văn Thụ, sân bay Tân Sơn Nhất...thì đó là ba đỉnh của một tam giác
đều. Ngày xưa, khi tá túc ở nhà ông anh tôi mấy tháng, sáng nào tôi cũng đi bộ
tới sân bay rồi quay lui. Tôi như thổ công vùng này vậy. Khoảng cách tôi cần
vượt qua bây giờ chỉ khoảng trên dưới ba ngàn mét, lối đi tắt trên một cạnh của
cái tam giác đều ấy. Khi tôi đang miên man nghĩ ngợi, thì một tiếng mời như
quát từ phía sau, làm tôi giật cả mình:
-
Bác Hai về đâu, có cần xe ôm không ạ!
-
Gớm, anh thét như Trương Phi thế, bố ai dám đi!
-
Xin lỗi bác Hai, ở đây ồn quá, bọn em quen nói to như dân miền biển ấy ạ. Bác
về đâu?
Nhìn
gương mặt đen sậm nắng gió, nhưng là của dân làm ăn thứ thiệt, tôi trả lời:
-
Về 406 đường Cộng Hòa bao nhiêu? Nói đúng đi liền. Tớ là dân ở đây, Không phải
gà công nghiệp đâu nha.
Tôi
làm một phép thử. Ông bạn xe ôm qua một thoáng lúng túng, rồi quả quyết:
-
Xin bác năm chục.
-
Hơi cao, nhưng thôi được. Xe anh đâu?
-
Dạ mời bác đến chỗ kia, có nữ tài xế đưa bác đi. Em là tổ trưởng điều phối xe
thôi ạ.
Chà
ra thế, hắn là Sếp kia đấy. Tôi đi ra chỗ hắn chỉ, một nữ Ninja cùng một xe máy
Dream chờ sẵn.
-
Bác về 406 đường Cộng Hòa phải không ạ?- Ninja đon đả hỏi.
-
Phải. Nhưng tôi không bao giờ đi xe, khi mà không biết người cầm mạng sống của
mình mặt mũi thế nào!
Ninja
cười khúc khích, tháo khăn choàng mặt, nở một nụ cười tươi:
-
Sao! Bác thấy chân dung: Người cầm lái vĩ đại...thế nào ạ?
Tôi
thật sự bất ngờ, chỉ qua câu “Người cầm lái vĩ đại...” cũng biết ngay cô là
người có học và có đọc. Còn gương mặt của cô ấy thật dễ thương. Chắc tầm tuổi
con gái tôi thôi. Đôi mắt tròn xoe như mắt chim câu, xanh biếc như trời Sài
Gòn, miệng cười như hoa nở... Lẽ ra tôi phải hào hứng mới phải! Nhưng không
hiểu vì sao, một nỗi buồn chua chua, chát chát không tên thoáng qua trong lòng.
Không biết con cái nhà ai, trẻ trung, xinh đẹp, nhanh nhẹn, mà lại chọn nghề xe
ôm vất vả như thế.
-
Bác không thích đi xe do phụ nữ lái ạ?- Thấy tôi thở dài, Ninja lo lắng hỏi.
-
Ồ, không. Đi đi con. Nhưng sao lại chọn nghề của đàn ông vậy?
Ninja
bật cười hix..hix...hix...
-
Sao con cười...- Tôi không hiểu cô cười cái chi!
-
Con biết ngay là bác hỏi câu này. Con thuộc phân khúc 162.400 trong 90 triệu
con Lạc cháu Hồng đây ạ.
-
Con tốt nghiệp ngành chi?
-
Dạ khoa Quản trị kinh doanh, trường Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh danh tiếng.- Cô
gái cao giọng nói về trường mình. Ngữ điệu nghe mặn chát đầy nước mắt.
Thì
ra vậy. Nữ cử nhân kinh tế thất nghiệp đi chạy xe ôm. Tôi thấy cay cay nơi sống
mũi. Một cái gì đó như một nỗi xấu hổ, như một sự vô trách nhiệm của một người
cha với con cái dâng tràn trong tôi. 162.400 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp trong
Qúy 2/2014 (Theo báo cáo của Bộ LĐ TB XH). Bao nhiêu phần trăm lỗi tại họ? Bao
nhiêu phần trăm lỗi ở chúng ta, những bậc làm cha, làm mẹ? Nền giáo dục đào tạo,
đang đưa con em chúng ta đi đến đâu, trong những DỰ ÁN sặc mùi lợi nhuận, phi
giáo dục: “Cung” bất cần “ Cầu” này. Nỗi đau đó, dân tộc Việt không chỉ phải
gánh bây giờ, mà còn phải còng lưng đến mãi mai sau.
-
Thế con dự tính gì cho tương lai? Tiếp tục xin việc chứ?- Tôi rụt rè hỏi như
người có lỗi. Cô gái giảm bớt tay ga, nghiêng đầu trả lời:
-
Con làm xe ôm để lấy tiền đóng học phí. Con đang học thạc sỹ.
Trời
ơi, đang thất nghiệp mà còn học thạc sỹ. Thật là kinh khủng. Cái này gọi là đặc
sản của giáo dục Việt Nam. Tôi nhớ đến mấy cô giáo miền Trung ra thuê nhà tôi
để học thạc sỹ ở đại học Huế hai năm trước. Họ tiếp rước mấy ông thầy từ Hà Nội
vào giảng bài, rình rang như tiếp bộ trưởng: Tiền vé máy bay đi về, ăn uống,
vui chơi, tiệc tùng, quà cáp...miên man. Cuối cùng ai cũng có bằng thạc sỹ. Hôm
trả nhà các thạc sỹ chun mũi nói:
-
Mất thời gian, tốn kém lắm bác ạ. Không học không được, học rồi cũng chẳng biết
hơn cái gì, quy chế cứ bắt buộc vậy!
-
Ừ! Việt Nam mình nó thế.- Tôi nhớ đến ý một vị Giáo sư nào đó đã phát biểu như
vậy, để động viên mấy cô tân thạc sỹ.
-
Đến 406 Cộng Hòa rồi bác ạ. Nhà bác còn xa không?- Cô gái xe ôm phanh xe, ngắt
ngang dòng suy nghĩ của tôi.
-
Cho bác xuống đây cũng được, nhà ngay trong kia thôi.- Tôi xuống xe, móc ra tờ
một trăm ngàn đưa cho cô gái.
-
Năm chục bác trả tiền xe, còn năm chục bác tặng con mấy ly trà đá để lấy sức
học thạc sỹ. Cố lên nghe.
Cô
gái bỏ chiếc choàng mặt tự lúc nào, nhìn tôi trân trân. Đôi mắt như rơm rớm.
-
Con cảm ơn bác.
-
Con đi cẩn thận.- Tôi dặn với theo, khi xe máy của cô từ từ lăn bánh, rồi hòa
vào dòng xe cộ bất tận, cuồn cuộn trên cả hai chiều của đường Cộng Hòa.
Thế
là tôi đã đang đứng giữa Sài Gòn hoa lệ, Sài gòn cát bụi, Sài gòn ngọt ngào,
Sài Gòn đắng cay, ứng với mỗi một số kiếp những con người riêng biệt. Cô gái xe
ôm Tân Sơn Nhất cho tôi một bài học nhỏ:
Dẫu như thế nào, thì cũng cứ phải ngoi lên!
Dẫu như thế nào, thì cũng cứ phải ngoi lên!
Huế
19/9/2014 - Hoàng Thảo Chi
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 15/7/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét