Bài thơ bên bờ Thạch Hãn! – Bài viết Hoàng Thảo Chi (Huế)
Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019
Rời thành cổ, chúng tôi tiến ra bến thả hoa bên bờ Thạch Hãn. Mấy người đàn ông kết một bè hoa nhỏ, cắm lên đó mấy nén nhang, rồi trang trọng thả xuống nước. Chúng tôi dàn hàng ngang, đứng nghiêm nhìn vòng hoa trôi dần ra xa, xuôi về của Việt. Khi vòng hoa đã khuất khỏi tầm nhìn, chúng tôi cúi đầu chào dòng sông, chào anh linh những đồng đội đang nằm dưới đáy nước, rồi tiến lên nhà hành lễ.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên thật Hoàng Văn Luận
Địa chỉ: 108 Phan Văn Trường TP Huế
Điện thoại: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
Ngày 25 tháng 7 năm ngoái, nhân đi công tác tại Đông Hà, biết trước là vào ngày 27/7 sẽ bận, nên mấy anh em chúng tôi rủ nhau vào thắp hương sớm, trong thành cổ Quảng Trị.
Mấy ông đi công tác cùng tôi, đều là những cựu chiến binh. Họ lặng lẽ đi lên đài tưởng niệm theo một hàng dọc, như kiểu lúc hành quân vào trận. Trong khói hương thơm ngát, chúng tôi cúi đầu thành kính. Nhìn những đôi mắt đỏ hoe của mấy người đàn ông, tôi không cầm được lòng mình.
Rời thành cổ, chúng tôi tiến ra bến thả hoa bên bờ Thạch Hãn. Mấy người đàn ông kết một bè hoa nhỏ, cắm lên đó mấy nén nhang, rồi trang trọng thả xuống nước. Chúng tôi dàn hàng ngang, đứng nghiêm nhìn vòng hoa trôi dần ra xa, xuôi về của Việt. Khi vòng hoa đã khuất khỏi tầm nhìn, chúng tôi cúi đầu chào dòng sông, chào anh linh những đồng đội đang nằm dưới đáy nước, rồi tiến lên nhà hành lễ.
Đi dọc hành lang của bến thả hoa, tôi thấy có nhiều tốp người ngồi rải rác đây đó, rì rầm trò chuyện. Tôi nhận ra những âm sắc vùng Thái bình, Hải dương...bởi những chữ N, L...lộn nhau. Chắc họ là thân nhân của các liệt sỹ, về thắp hương, cho vong linh những người thân yêu của mình. Có lẽ đã chứng kiến cảnh chúng tôi thả hoa, nên tôi nhận thấy trong ánh mắt họ, những lời cảm ơn thầm lặng. Lúc ấy tôi đã nghĩ: Tất cả lòng biết ơn của chúng ta, chỉ những người anh hùng đang an nghỉ ngàn thu, dưới đáy sông kia mới xứng đáng được nhận. Chúng ta đã mắc nợ họ cả cuộc đời.
Đến đúng giữa hành lang, chúng tôi dừng lại trước một phiến đá đen lớn, tạo dáng hình cuốn thư, gắn trên tường hành lang, trên đó có khắc bốn câu thơ:
ĐÒ LÊN THẠCH HÃN XIN CHÈO NHẸ
ĐÁY SÔNG CÒN ĐÓ BẠN TÔI NẰM
CÓ TUỔI HAI MƯƠI THÀNH SÓNG NƯỚC
GIỮ YÊN BỜ, MÃI MÃI NGÀN NĂM.
Tôi thực sự hạnh phúc, bởi bài thơ này tôi đã đọc và yêu mến từ lâu, tôi biết khá cặn kẽ về tác giả của nó. Mấy ông bạn của tôi ngây ngất đọc như nuốt từng từ. Nếu ở một không gian khác, có thể bài thơ cũng chỉ thoảng qua như một làn gió mát đối với họ. Bởi cuộc sống mưu sinh, đầy mồ hôi, nước mắt, gian khổ nhọc nhằn, đã phũ phàng phủ lên tình yêu văn chương của họ, một lớp vữa chai lỳ! Nhưng hôm nay, trong không khí của tháng Bảy linh thiêng, trước dòng Thạch Hãn rì rào sóng nước, trong mùi hương hoa lẩn quất anh linh các đồng đội. Tất cả cùng bài thơ, tạo nên một cộng hưởng dữ dội trong tâm hồn họ. Tất cả đứng chết lặng trước phiến đá. Tôi không hiểu sự im lặng đó sẽ kéo dài bao lâu, nếu như không tự nhiên, một ông cao lớn nhất trong số họ, bỗng gầm lên như sử tử:
- Sao lại dốt thế không biết!
Tất cả chúng tôi bừng tỉnh, ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu vì lý do gì, mà ông ấy lại bức xúc như thế.
- Ông bảo ai dốt?
Chúng tôi như đồng thanh hỏi ông ta.
- Ngày xưa đi học, các ông có làm văn không?
Ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu ông ta định nói cái gì, chúng tôi vẫn cố chống đỡ.
- Ai chẳng làm văn! Nhưng văn chương thì liên quan gì ở đây!
- Thế thì các ông cũng dốt nốt. Chán các ông quá!
Ông ta đùng đùng giận giữ, hét toáng lên. Mọi người thấy có sự la lối, tưởng có chuyện gì, tất cả cùng ùa tới, vây xung quanh chúng tôi, với những ánh mắt tò mò.
- Tôi nói để các ông biết, cái dốt của các ông là như thế nào!
Ông bạn chúng tôi đã trấn tĩnh đôi chút, nhưng ngữ điệu điệu vẫn cay cú, trì triết:
- Khi làm bài, lúc trích dẫn câu thơ, câu văn thì lập tức phải mở ngoặc chú thích là đã lấy ở tác phẩm nào, tác giả là ai. Đó là kiến thức tối thiểu, nhất định phải làm. Nếu không sẽ phạm quy...Các ông có nhớ không?
Không chờ chúng tôi đồng ý, hay phản đối, ông ta đã lại tiếp tục:
- Đây là một di tịch lịch sử cách mạng vô cùng nổi tiếng, vô cùng linh thiêng, nơi hàng vạn người từ khắp đất nước về thắp hương tri ân liệt sỹ. Có được một bài thơ tuyệt hay, đầy nước mắt khóc đồng đội như thế này, được khắc trang trọng trên một phiến đá đẹp như thế kia, nhưng tên bài thơ, tên tác giả đều không có! Đó là điều không thể chấp nhận được. Nó không chỉ xúc phạm người đã viết bài thơ, mà nó còn làm đau vong linh các liệt sỹ, đã ngã xuống nơi đây. Họ đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ Quốc. Bởi sự hạnh phúc, công bằng, bình đẳng...cho mỗi người dân Việt. Thế mà bài thơ lại không đầu không đuôi! Thử hỏi: Hạnh phúc, công bằng ở chỗ nào? Các ông chỉ biết trố mắt ra đọc... Không thắc mắc điều gì! Tôi nói các ông dốt..là tôi đã lịch sự lắm rồi đấy!!!
Dứt lời, ông ấy chống hai tay lên cạnh sườn, mắt lườm lườm nhìn mặt từng người, như thể chúng tôi đã đồng lõa với việc không ghi tên bài thơ và tác giả vậy!
Tôi kinh ngạc nhìn ông ta, như nhìn một người ngoài hành tinh! Sống với nhau đã năm sáu năm, tôi chưa một lần thấy ông ta, tham gia vào bất kỳ câu chuyện nào, dính dáng đến văn chương. Thế mà bây giờ, sự giận dữ đã biến ông ta thành một nhà hùng biện, một nhà phê bình văn học tài ba, sắc sảo!
- Còn ông!
Khi tôi đang lẩm nhẩm ca ngợi, thì giật bắn người vì câu hỏi của ông ta.
- Tôi thì sao?
Tôi làm mặt bực bội, hỏi ngược lại.
Ông ta gật gù, dáng vẻ dọa dẫm, nở một nụ cười nửa miệng, rồi bỗng chỉ vào tôi, nói oang oang như bêu riếu:
- Thưa bà con, đây là nhà “Nghiên cứu văn học” của chúng tôi. Ông ấy đã từng được giải văn học cấp “Quốc tế”!!! Nếu bà con muốn biết rõ hơn về bài thơ này, xin cứ hỏi ông ta, khắc rõ.
Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi với các câu hỏi lao xao:
- Bác biết thật chứ ạ.
Tôi không ngờ thằng cha này, lại chơi tôi một vố như thế. Nhưng trước những ánh mắt háo hức, tin cậy của mọi người, và phải cho hắn một bài học, tôi cũng nở một nụ cười tươi, rồi nói với tất cả:
- Thưa bà con, ông bạn tôi nói đùa cho vui, tôi chỉ yêu văn chương, chứ không phải nhà nghiên cứu, nghiên cọt gì. Nhưng rất may, tôi có mang theo một video ngắn, nói về tác giả của bài thơ này, xin mọi người cùng xem.
Tôi lôi cái Laptop trong túi xách ra, tìm Video Clip do NTV sản xuất với tên gọi: CHƯƠNG TRÌNH VỚI NGƯỜI XỨ NGHỆ XA QUÊ. Trước khi cho mọi người xem, tôi giới thiệu đôi lời:
- Thưa bà con, bài thơ này tên là: LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG, của tác giả Lê Bá Dương. Anh quê ở Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An. Năm 1968, anh tình nguyện vào bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Quảng trị lúc mới 15 tuổi. Anh đã hơn mười lần bị thương, và hơn sáu lần được phong tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ và các loại. Anh đã được đơn vị hai lần đề nghị tuyên dương là anh hùng ...nhưng các vết thương đã không cho phép anh, có cơ hội hoàn thiện hồ sơ, nên danh hiệu cao quý đó đến bây giờ anh vẫn chưa được nhận. Sau chiến tranh, mấy chục năm liên tục, ngày 27/7 nào anh cũng từ Nha Trang ra đây, thắp hương và thả hoa tưởng nhớ các liệt sỹ, đồng đội cũ. Anh đã tạo ra phong trào “ Mang quê hương vào cho đồng đội” và khởi xướng lễ hội tâm linh “Lễ thả hoa tri ân các liệt sỹ” tại bến sông này.
Tôi đặt laptop xuống dưới phiến đá rồi nhấp chuột. Khi đoạn phim kết thúc, những thân nhân liệt sỹ, như được khai sáng. Tất cả đứng bật dậy, chăm chú đọc lại bài thơ. Tôi nhìn những gương mặt rưng rưng của mọi người, mà thấy tim mình quặn thắt. Một mẹ già tiến sát vào phiến đá, giơ cả hai bàn tay sờ sờ từng từ, hai câu của bài thơ:
...ĐÁY SÔNG CÒN ĐÓ BẠN TÔI NẰM
CÓ TUỔI HAI MƯƠI THÀNH SÓNG NƯỚC...
rồi đột nhiên khuỵu xuống, hai cánh tay ôm choàng lấy cả bài thơ, òa khóc nức nở: - Các con ơi, các con ơi!!!
Mấy người nhà ôm chặt lấy cụ. Không biết từ đâu, mấy bao nhang được lôi ra, vài người hí húi thắp, rồi trao cho mỗi người một nén. Tất cả chúng tôi cúi đầu, trang nghiêm tiến hành một nghi lễ, mà từ cổ chí kim đến giờ chưa ai, chưa ở đâu làm: Thắp hương cho một bài thơ!!!
Trong khói hương mờ ảo, tôi thấy những dòng thơ bay lên, uốn lượn như những con rồng huyền thoại. Lúc ấy, tôi ao ước: Giá như tác giả Lê Bá Dương, có mặt ở đây lúc này! Chắc hẳn nỗi buồn vì bài thơ không tên, không tuổi, được khắc trên phiến đá kia...sẽ không còn nữa. Bởi anh đã chứng kiến bài thơ của mình, đã trở thành bất tử, thiêng liêng trong lòng mọi người.
Với những chiến công trong chiến tranh, và những nghĩa cả cao quý mà anh dành cho các đồng đội đã khuất, đẵng đẵng, bền bỉ trong suốt mấy chục năm trong hòa bình... Trong tôi, Lê Bá Dương đã hóa ANH HÙNG và chắc hàng triệu người Việt Nam cũng đã nghĩ như vậy.
Huế 3/8/2014 - Hoàng Thảo Chi
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 26/7/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét