Châu Thạch: Hơi thở của Huế trong “Về Lại Huế” thơ Bích Liên Nguyễn (ĐN)
Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019
Huế có hàng ngàn bài thơ về Huế. “Về Lại Huế” của Bích Liên Nguyễn cũng giống như hạt muối giữa lòng biển khơi. Thế nhưng nếu ta vớt nó lên và ném thử nó, thì vị cúa biển cũng thấm vào đầu lưỡi ta, và bằng trí tưởng tượng ta thấy được cả ngàn khơi với bao điều thú vị trong thơ ./.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Châu Thạch
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
Tên thật: Trương Văn Trạn
Quê: Quảng Nam
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
VỀ LẠI HUẾ
Bích Liên Nguyễn
Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở
Ngắm Hương giang chợt nhớ tóc ai bồng
Trong mỗi vườn chẳng còn lá mùa xưa
Trên đường cũ vắng bóng người quen biết
Đi lang thang suốt trưa không biết mệt
Cầu Trường Tiền dốc Bến Ngự chợ Đông Ba
Muốn hỏi thăm từng vườn cũ căn nhà
Họ bây giờ đang sống là ai đấy
Mimosa sân trường vàng tươi như trước
Lá vẫn xanh trên hàng đoác hàng me
Đồng Khánh trường xưa dù đã thay tên
Sao quên được thầy cô bè bạn cũ
Thừa Phủ bến đò những ngày đi học
Trôi về dĩ vãng như cổ tích xưa
Nhớ những ngày ai đón ai đưa
Tình vẫn cứ trinh nguyên trang giấy trắng
Nghĩ ngày mai mình như chim sãi cánh
Góp thêm tháng ngày xa xôi cách trở
Ngẫm lại mình có điều chi lầm lỡ
Răng bây chừ lạc lõng chốn thân thương?
(Huế một lần về thăm)
***
Bích Liên Nguyễn không làm thơ, đây có lẽ là một trong vài bài thơ cảm tác bất ngờ trong đời chị. Chị là chị họ của vợ tôi và phu nhân của người bạn cùng học với tôi tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Anh Nguyễn Bá Trình chồng chị, là một vị thầy tài hoa, tài hoa vì ngoài nhà mô phạm ra, anh còn là một văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ đã xuất bản nhiều sách, vẽ nhiều tranh được mến mộ. Cặp vợ chồng nầy thì đồng môn Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn không mấy ai không biết vì là họ sinh hoạt thường xuyên với hội, phong cách hiền hòa, tao nhã, vui vẽ và hào hoa. Những bữa cơm của Liên Trình chiêu đãi đồng môn chỉ đơn sơ ba hoặc bốn mốn thôi, nhưng ăn vào thì nhớ, mà nhớ thì muốn quay lại thưởng thức tài nấu nướng tinh hoa mang đậm “bản sắc quê nhà” của chị. Bởi thế nhà Liên Trình luôn có khách. Học trò cũ, bạn đồng môn, văn thi hữu, ai đến nhà Liên Trình, khi ra về cũng thấy lòng vui và tâm hồn thư thái.
Đọc “Về Lại Huế”, tôi vui thấy bà chị mình cũng biết làm thơ, vì vậy ai có nói “mèo khen mèo dài đuôi” thì chắc chị ấy và tôi cũng vui lòng mà công nhận. Thế nhưng thử để ý xem, cái đuôi nầy cũng lung linh đẹp và dễ thương lắm chứ!
Chỉ cần đọc hai câu thơ vào đề “Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở/ Ngắm Hương Giang chợt nhớ tóc ai bồng” thì hình ảnh Huế từ trăm năm xưa cho đến ngày nay chợt như có hồn, hồn ấy hiện hữu ngay trong lòng ta. Lăng là công trình xây dựng để cất giữ thi hài của vua chúa tại Huế. Miếu là chốn để thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian ở đất thân kinh. Cái tứ thơ “còn nghe hơi ai thở” của Bích Liên Nguyễn khi đi ngang qua chốn lăng miếu gây cho ta một chút rờn rợn, một chút u hoài nhưng cũng làm cho ta cảm nhận được cái hồn Huế của một thời huy hoàng xa xưa còn sống đó. Cái tứ thơ “tóc ai bồng” như dòng Hương Giang phả vào lòng sự êm ái của những kỷ niệm gần đây còn rất rõ ở trong hồn. Chỉ với hai câu thơ, Bích Liên Nguyễn đã gợi lên trong lòng ta hình ảnh cố đô rêu mốc và ký ức thân thương của tháng ngày trên đất Huế, cho ta quay lại trong dòng sông ký ức của những ai từng ở Huế hay chỉ biết Huế qua sách vở đều có cảm nhận thân quen với chốn nầy.
Khi viết bài thơ “Trên Đường Về” một thị thành bị rời bỏ của giống dân Hời, nhà thơ chế lan Viên đã viết: “Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian”. Tiếng thơ nghe thật là bi thảm, linh hồn thị thành vẫn còn sống nên mới phải “gầy mòn vì mong đợi”. Cũng thể ấy. Bích Liên Nguyễn nói về một cố đô mà linh hồn năm xưa còn đó, cũng gầy mòn vì mong đợi, khác chăng là tiếng thơ của chị không khóc than sầu muộn như nhà thơ họ Chế mà thôi:
Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở
Ngắm Hương giang chợt nhớ tóc ai bồng
Trong mỗi vườn chẳng còn lá mùa xưa
Trên đường cũ vắng bóng người quen biết
Nhà thơ trở về Huế, không những chỉ đối mặt với “lối xưa xe ngựa/ nền cũ lâu đài” tịch liêu mà còn đối mặt với con người xa lạ, chẳng khác chi ngày xưa Từ Thức từ non tiên quay về chốn cũ, thấy cây đa mình trồng còn đó, nhưng người thân quen thì chẳng có một ai:
Đi lang thang suốt trưa không biết mệt
Cầu Trường Tiền dốc Bến Ngự chợ Đông Ba
Muốn hỏi thăm từng vườn cũ căn nhà
Họ bây giờ đang sống là ai đấy
Cô nữ sinh Đồng Khánh năm xưa đi giữa Huế ban ngày, nhưng có lẽ tâm trạng cô lúc đó chẳng khác chi là “Đi lang thang khuya lắt khuya lơ/ Đèn nhà ai tắt sớm”. Mọi thứ đều xa lạ với cô nên cô quay về nơi mà cô tưởng “còn một chút gì để nhớ để thương”. Thế nhưng:
Mimosa sân trường vàng tươi như trước
Lá vẫn xanh trên hàng đoác hàng me
Đồng Khánh trường xưa dù đã thay tên
Sao quên được thầy cô bè bạn cũ
Thừa Phủ bến đò những ngày đi học
Trôi về dĩ vãng như cổ tích xưa
Nhớ những ngày ai đón ai đưa
Tình vẫn cứ trinh nguyên trang giấy trắng
Hoa mimosa là loài hoa đẹp, thân gỗ lớn, với những chùm hoa vàng rực rỡ kiêu sa đầy quyến rũ, nổi bật trên nền lá xanh lấp lánh ánh bạc. Hoa mimosa tượng trưng cho tình yêu thầm kín và sự cảm thông sâu sắc. Hoa nở liên tục kéo dài từ cuối tháng 10 tới hết mùa Xuân. Đúng như ý Bích Liên Nguyễn, cảnh cũ vẫn còn, hoa vẫn đẹp nhưng trường đã thay tên. Niềm đau nầy có lẽ ai là học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị sẽ đồng cảm nhiều với thơ vì đã mang nó trong tim mình suốt trên 40 năm nay .
Tác giả đã để tứ thơ hoa Mimosa vàng tươi và lá xanh trên hàng đoác hàng me như tưởng niệm lại hình ảnh cúa những năm tháng học trò tốt đẹp của đời mình năm xưa. Thế rồi “Đồng khánh trường xưa dầu đã thay tên” khiến cho sự hụt hẩng như rơi vào vực sâu thẳm trong lòng người. Nhà thơ vớt vát bằng câu “Sao quên được thầy cô bè bạn cũ”, thế nhưng nó là một câu thơ thay lời oán trách, như nhắn nhủ những ai đã thay tên đổi họ những mái trường, những con đường, rằng họ có thể thay cả thế gian nhưng không thay được tấm lòng bao giờ.
Tác giả nhắc lại bến đò Thừa Phủ, nơi các nữ sinh được người yêu mình đón đưa mỗi ngày qua lại trên sông Hương. Thứ tình đó nên thơ đầu đời và trong trắng nên sẽ tồn tại mãi mãi như một trang giấy học trò chưa viết chữ lên. Toàn bộ hai khổ thơ êm ái như cung đàn đang dạo trong lòng cô liêu của Huế bây giờ, trên từng bước chân đi của người quay về, để tưởng nhớ một Huế xa xưa.
Suốt một ngày đi lang thang nhà thơ không khóc, chị khóc khi chiều đến với những dằn vặt rong lòng về những lỗi lầm không phải của mình. Đó cũng là ý thơ rất lạ và đẹp trong tâm hồn một cô nữ sinh Đồng Khánh đã từng hưởng một nền giao dục rất nhân văn:
Nghĩ ngày mai mình như chim sãi cánh
Góp thêm tháng ngày xa xôi cách trở
Ngẫm lại mình có điều chi lầm lỡ
Răng bây chừ lạc lõng chốn thân thương?
Tác giả không trách đời, không trách người, ngẫm lại mình, cho mình đã từng làm gì lẫm lỡ, để phải ngày nay lạc lõng giữa lòng Huế thân thương.Tác giả mang hoàn toàn tấm lòng của người phụ nữ Huế, một tấm lòng hy sinh, vị tha, yêu thương, nhận chịu hết cho mình, tha thứ và không oán trách bao giờ. Tấm lòng đó thật đáng kính phục nhưng không khuyến khích ở thời đại nầy vì nó đem hạnh phúc cho tha nhân nhưng nó nhận lảnh biết bao thiệt thòi về mình.
Huế có hàng ngàn bài thơ về Huế. “Về Lại Huế” của Bích Liên Nguyễn cũng giống như hạt muối giữa lòng biển khơi. Thế nhưng nếu ta vớt nó lên và ném thử nó, thì vị cúa biển cũng thấm vào đầu lưỡi ta, và bằng trí tưởng tượng ta thấy được cả ngàn khơi với bao điều thú vị trong thơ ./.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 08/5/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét