Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Chuyện một người đàn bà… năm con (Phần 17) – Tiểu thuyết của Lê Khắc Thanh Hoài (Paris)
Chuyện một người đàn bà… năm con (Phần 17) – Tiểu thuyết của Lê Khắc Thanh Hoài (Paris)
Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019
Thế là Nàng, Chàng và hai con thẳng đường... Nam tiến. Về một tỉnh lớn nhiều nắng và gió khác hẳn với thủ đô Paris. Tỉnh lỵ này còn có tên gọi rất thơ mộng là Thành Phố Màu Hồng vì vách tường của những ngôi nhà ở đây thường được sơn phết bằng màu hồng và với màu đỏ của mái ngói dưới ánh nắng mặt trời tỏa ra một không khí thật ấm áp, hiền hòa, nồng hậu. Quả đúng như vậy, người dân ở đây vui vẻ cởi mở, với cái giọng nói của dân ở tỉnh thì chân chất quê mùa không được sang trọng như dân thủ đô nhưng nghe qua ta thấy ngay cả một bầu trời chang chang nắng ấm.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
__________________________
Lê Khắc Thanh Hoài
CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ …NĂM CON
__________________________
Lê Khắc Thanh Hoài
CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ …NĂM CON
Lê Khắc Thanh Hoài
Nội dung:
Đây là quyển tiểu thuyết đầu tay của một nữ nhạc sĩ hiện đang định cư ở Paris, Pháp quốc. Nhân vật nữ trong truyện cũng là một nữ nhạc sĩ, với câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy kịch tính cùng nhân vật nam là một nhà tư tưởng thiên tài, một giảng sư đại học với năng khiếu bẩm sinh xuất chúng.
Qua ngòi bút của tác giả, những tình tiết trong câu chuyện tình giữa hai người được trình bày một cách đầy thú vị và lôi cuốn nhưng cũng không kém phần bi tráng. Và khi mâu thuẫn phát sinh giữa tình yêu - được dẫn dắt bởi những cảm nhận trực tiếp từ trái tim - với tình mẫu tử - thiên chức thiêng liêng của người làm mẹ - thì nhân vật nữ đã quyết định chọn con đường tốt nhất cho năm đứa con của mình, cho dù bản thân vẫn chưa quên được tình cảm với người yêu.
Nhân vật nam trong truyện cuối cùng rồi cũng có được một kết cục vô cùng tốt đẹp. Thế nhưng, điều đó đã diễn ra như thế nào thì có lẽ người đọc phải tự mình nhận hiểu chứ không thể chỉ dựa vào những phác họa đơn sơ từ tác giả.
Và có lẽ cũng chính vì thế mà đây sẽ là một tập truyện để lại nhiều tiếng vang, nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Phảng phất đó đây trong tác phẩm, ta sẽ nhận ra không ít những cách lý giải về nhân duyên, nghiệp báo, về cái tốt và cái xấu, về tình yêu và tình người... Và tất cả những điều đó phản ánh một tâm hồn nhạy cảm, một cuộc sống nhiều trải nghiệm cũng như một chữ tình vô cùng đa dạng. Với những đoạn miêu tả cảm xúc vô cùng sinh động, có thể người đọc sẽ không khỏi băn khoăn tự hỏi, liệu đó là những miêu tả về nhân vật hay về chính bản thân tác giả?
________
________
PHẦN 17
Thế là Nàng, Chàng và hai con thẳng đường... Nam tiến. Về một tỉnh lớn nhiều nắng và gió khác hẳn với thủ đô Paris. Tỉnh lỵ này còn có tên gọi rất thơ mộng là Thành Phố Màu Hồng vì vách tường của những ngôi nhà ở đây thường được sơn phết bằng màu hồng và với màu đỏ của mái ngói dưới ánh nắng mặt trời tỏa ra một không khí thật ấm áp, hiền hòa, nồng hậu. Quả đúng như vậy, người dân ở đây vui vẻ cởi mở, với cái giọng nói của dân ở tỉnh thì chân chất quê mùa không được sang trọng như dân thủ đô nhưng nghe qua ta thấy ngay cả một bầu trời chang chang nắng ấm.
Bấy giờ ngồi trên xe lửa rồi Chàng mới kể rằng mấy hôm sau khi nhận được tấm ngân phiếu của Cha giám đốc, tình cờ một hôm đi ăn phở, Chàng ngồi cùng bàn với một người đàn ông trạc chừng sáu mươi tuổi, vì nghe ngóng cuộc đối thoại giữa ông nầy và chủ nhân tiệm phở nên Chàng biết được hai người nầy là bạn và ông ta cũng là chủ tiệm phở nơi Thành Phố Màu Hồng đó. Sau vài câu chào hỏi xã giao thì câu chuyện giữa Chàng và người đàn ông nầy bỗng đi xa hơn, xa hơn cả sự mong đợi của Chàng.
- Ồ thì ra bác cũng mở tiệm phở...
- Đúng, lâu lâu tôi lên Paris để mua sắm và lúc nào cũng ghé ông bạn tôi đây.
Rồi xây qua ông bạn, người đàn ông ấy nói:
- Mà này ông bạn, một tô của ông bằng hai tô của tôi đấy nhé!
- Nghĩa là sao bác…à, như vậy đời sống ở tỉnh chắc không đắt đỏ?
- Đúng đấy! rẻ hơn nhiều lắm cơ, dễ sống, thoải mái... không như Paris, cái gì cũng mắc mỏ, nhất là nhà cửa.
- Vậy nhà cửa ở đó... thí dụ một căn đủ lớn cho hai vợ chồng và hai con nhỏ khoảng bao nhiêu bác nhỉ?
- Ba trăm quan là cậu có thể thuê một căn đầy đủ tiện nghi cho vợ con.
- Chà, ba trăm quan thì vừa túi tiền của cháu quá, cháu đang muốn tìm một căn hộ cho vợ con...
- Xuống tỉnh ở đi cho rẻ, dễ chịu lắm, đâu có mà xô bồ như Paris.
- Nhưng cháu chẳng quen biết ai.
- Không ̣quen rồi cũng quen, có khó gì, đồng hương mình nhiều lắm.
- Nghe bác nói cháu cũng thấy ham... như vầy nhé, đây là địa chỉ của cháu, nếu Bác xem có ai quen dưới đó mà cho thuê một căn hộ cở giá ba trăm quan đó thì tin cho cháu biết, được không ạ?
- Có khó gì, tôi sẽ giúp cậu.
- Cám ơn bác nhiều lắm!
- À, mà cậu có gấp không?
- Dạ gấp...gấp lắm bác ạ!
- Vậy thì...vậy thì...tôi cho cậu thuê căn hộ của tôi!
- Của bác…nghĩa là...
- Nghĩa là trên lầu tiệm phở của tôi còn dư hai phòng mà chẳng ai ở, đầy đủ tiện nghi, cậu và vợ con ở đó cũng vừa đủ, cần gì cho lớn chỉ thêm mắc tiền...
- Bác nói phải quá, vậy bác cho cháu thuê đi, bao nhiêu hở bác?
- Thôi… chỗ đồng hương với nhau, ba trăm quan cậu nhé!
- Cháu đồng ý, cháu đóng tiền cho bác ngay bây giờ!
- Chẳng sao, khi nào cậu xuống sẽ tính sau...
- Vậy cháu xin bác địa chỉ và điện thoại, khi nào xuống cháu điện cho bác ngay.
- Được rồi, khỏi lo, xuống khi nào chả được.
- Cháu về thu xếp với vợ con xong là lấy xe lửa đi ngay, bác nhớ đừng cho ai thuê nhé!
- Không đâu, hứa với cháu rồi, lo làm quái gì!
Và như thế, chỉ trong cái thời gian...ăn xong tô phở là Chàng đã có giải đáp cho bài toán sum họp vợ con của Chàng.
Thuở đó chưa có xe lửa vận tốc nhanh nên cũng phải mất chín tiếng đồng hồ mới đến cái Thành Phố Màu Hồng đó. Cả Chàng lẫn nàng đều nao nao vui sướng. Hành trình về một chân trời mới, một cuộc đời mới đầy... hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng hơn! À mà cái gì cho thấy là đầy hứa hẹn nhỉ?! Ồ có nhà ở rồi thì sẽ có việc làm, rồi đời sống sẽ ổn định, rồi sẽ bớt nhọc nhằn vất vả... Rồi, rồi, rồi... Hi vọng, hi vọng, ừ thì cứ hi vọng như thế, ừ thì cứ thoải mái được ngày nào hay ngày đó, ừ trong túi vẫn còn khá nhiều tiền mà, ừ nghĩa là không có gì phải lo trong vòng vài tháng cơ mà, ừ đó đã là một bước tiến khá xa rồi, ừ có những ngày chỉ nghe lẻng kẻng bạc cắc trong túi không đủ mua một bao thuốc, ừ hãy nhìn mặt trời trên cao, nắng vàng xuyên cành lá, gió mát rượi êm ả làm sao, ừ sống là quên là bỏ đi thật nhanh quá khứ u buồn, ừ hãy hít thở thật sâu vào buồng phổi một bầu khí mới cho một cuộc đời mới! ừ, ừ ừ... Chàng phì phà điếu thuốc và nhã từng cụm khói bay theo luồng gió nơi khung cửa sổ của toa xe lửa, ngắm nhìn Nàng và hai con ôm nhau ngủ. Một nguồn yêu thương lan toả trong lòng và một thoáng... giật mình! Kẻ lang thang vô định như ta bỗng đâu... phút chốc mà vợ con đùm đề như thế này... cũng lạ thật! Ta có bao giờ biết thế nào là một mái gia đình! Ta có bao giờ mơ tưởng cái gì đâu?! Ta theo Nàng... hay Nàng theo ta... thì có gì khác...đời ta đời Nàng, bầy con... cùng nhau trôi dạt như lục bình trên sông... không, không được, ta sẽ làm tất cả mọi việc như một người đàn ông... tầm thường trên đời này, ta sẽ làm những gì mà ta đã từng chối bỏ và khinh bỉ để đem lại hạnh phúc cho Nàng và con chứ, ta sẽ tập sống thật đàng hoàng thật ngăn nắp thật gương mẫu, như ông bố của Nàng để Nàng hài lòng, Nàng sẽ yêu ta hơn... bầy con! Ồ vẫn có cái gì bí ẩn xa vời nơi Nàng, dường như Nàng trốn ta sau bầy con... Nàng tự lao đầu vào khó khăn vất vả nghèo khổ như muốn trốn tránh ẩn mình núp bóng gì đó mà ta chẳng biết, có cái gì như đe dọa Nàng, Nàng sợ hạnh phúc? có ai từ chối hạnh phúc... Mà thôi ta chẳng nên nghĩ gì cả, quá nhiều ý tưởng nhảy loạn lên trong đầu ta và ta sẽ nổ óc mà chết... Vô tình chính Nàng đã...giết ta chết! Không! khuôn mặt Nàng hiền lắm, ta không được nghĩ xấu về Nàng, có chăng là… ma quỉ đang muốn phá hoại ta với những ý tưởng hắc ám, ta phải làm chủ cái đầu của ta và tim ta chỉ cần biết... yêu nàng, yêu nàng mà thôi, ngoài ra... không có gì quan trọng!
Rốt cuộc Chàng và Nàng đều cảm thấy có điều gì lạc quan trong sự thay đổi. Sự thay đổi đôi lúc cũng cần thiết để kích thích năng lực, gây phấn chấn, đem lại một chút hương vị mới cho cuộc sống... tẻ nhạt. Ồ mà nói tẻ nhạt chắc là chẳng đúng trong trường hợp của Chàng và Nàng mà sự đổi thay thì liên miên không ngừng!
Phở Hà Nội. Cái tiệm phở ấy đã hiện ra trước mắt. Mùi phở thơm đã xông lên tận mủi. Bác Kim, phải tên bác ấy là Kim, vui vẻ đón tiếp gia đình Chàng và Nàng. Thì ra bác ấy độc thân, xưa kia cũng là lính thợ, thế rồi bác mở tiệm phở sống qua ngày. Bác cặm cụi trong bếp, chỉ có thêm một thanh niên khác phụ việc chạy bàn và lặt vặt.
Bác Kim ở trong căn phòng nhỏ nơi tầng dưới, sau lưng nhà bếp, mặt tiền là tiệm ăn. Căn gác trên lầu tiệm phở xem cũng không tệ, dù hơi thiếu ánh sáng nhưng không chật chội, có một góc bếp nhỏ, có phòng tắm, phòng vệ sinh, tiện nghi tối thiểu, có thể sống được với hai đứa con hoặc... ba đứa cũng chẳng hề gì! Vẫn còn hơn căn phòng nhỏ nơi cư xá Tin Lành. Có tiến bộ rồi đấy chứ. Chàng và Nàng không đòi hỏi gì hơn. Đêm ấy Chàng, Nàng và con cái đã ngủ một giấc thật ngon, thật yên lành, thật hạnh phúc.
Đêm thứ hai cũng ngủ thật yên lành thật êm đềm thật hạnh phúc. Cho đến đêm thứ ba thì... ác mộng bỗng dưng ùa đến!
Lúc ấy chẳng biết rõ là mấy giờ nhưng chắc chắn là đã khuya lắm rồi vì Chàng Nàng và con cái đều đã đi ngủ từ lâu và ai nấy đều chìm trong giấc ngủ chỉ còn nghe tiếng thở đều đặn phập phồng trong căn phòng.
Cả Chàng lẫn Nàng bỗng giật mình thức giấc với tiếng chìa khóa lạch cạch. Ai đang mở cửa và đi vào. Chàng ngồi thót dậy, chạy ra khỏi giường và lên tiếng:
Cả Chàng lẫn Nàng bỗng giật mình thức giấc với tiếng chìa khóa lạch cạch. Ai đang mở cửa và đi vào. Chàng ngồi thót dậy, chạy ra khỏi giường và lên tiếng:
- Ai…ai đó...muốn gì...!
- Cháu…bác Kim đây mà, đừng lo!
- Ủa, bác có chìa khoá? bác lên đây làm gì… khuya khoắc như thế nầy...lại chẳng báo trước, tụi cháu hết hồn!
- Cháu đi ngủ đi, chẳng có gì…à bác quên nói cho cháu là bác có cái kho chứa đồ trong góc kia kìa, khi cần bác phải chạy lên lấy...
- Ồ thế thì...phiền cho tụi cháu lắm!
- Chịu khó một chút mà…mai mốt bác sẽ dọn kho xuống nhà dưới.
- Thôi được... bác nhớ dọn sớm cho tụi cháu nhé, cám ơn bác trước!
Thế rồi Chàng trở lại giường ngủ nhưng hậm hực tức tối, hừ... được rồi mai mốt mà không lo dọn kho xuống thì... để coi!
Một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua, ba ngày trôi qua… và cái kho cũng vẫn chưa dọn. Rồi đêm ấy, lại tiếng chìa khóa lạch cạch vào lúc nửa đêm, Chàng đã lên giường nhưng chưa ngủ. Lần này thì Chàng không còn kiên nhẫn nữa. Ông già bán phở này chơi ngang thật, có chìa khoá muốn vào lúc nào là vào, đã không báo trước lại cứ chờ ban đêm thì mò lên nghĩa là làm sao? hừ... chịu hết nổi rồi, ta phải cho hắn một bài học!
Nghĩ thế rồi là Chàng tung ra khỏi giường, đứng trước cửa phòng chận lại, nhất định không cho bác Kim vào.
- Xin mời bác đi xuống! Phòng trên này bác đã cho tụi cháu thuê, bác không có lý do gì mà lên đây nữa!
- Kìa...cái kho của bác còn đó mà...
- Bác rán chịu, ai biểu bác không lo dọn xuống, đã nói mấy ngày nay rồi... bác đã hứa mà bác không làm!
- Có đâu… bác bận quá chưa dọn được mà...
- Không bận gì cả! bác kêu chú Minh giúp bác một tay là xong nhưng bác chẳng chịu kêu... bác cố ý, bác không muốn dọn!
- Làm gì có…làm gì có...
- Không... có với không gì cả, bác đi xuống ngay lập tức!
- Không được, bác phải lấy đồ nấu phở!
- Khuya rồi, có khách khứa gì nữa đâu mà nấu nướng!
- Phải lo trước cho nồi phở ngày mai chớ!
- Được rồi, ngày mai thì ngày mai lo, bác đi xuống, mau lên!
- Không! bác phải lấy đồ trong kho trước...
- Bác không lấy gì hết, bác đi xuống gấp, nhanh lên!
Nói rồi Chàng túm cổ áo bác Kim, kéo bác xuống lầu, vào trong bếp, Chàng dí bác vào vách tường:
- Xin lỗi bác nhé, lần này… tha cho bác!
Chàng thả bác ra, vừa quay lưng đi, lúc ấy Nàng cũng vừa chạy xuống, thì thấy bác đang trườn người tới chụp con dao phay to tướng nằm trên bàn, vừa quơ lên quơ xuống vừa hét to:
- Thằng kia lại đây xem... coi ai sợ ai!
- Cháu can bác… cháu lạy bác... Bồ Tát ơi cứu con!
Nàng vừa khóc vừa kêu cứu... Bồ Tát vừa ôm Chàng kéo nhanh ra khỏi bếp, chạy lên phòng, khóa cửa lại.
- Khóa cửa làm gì, hắn có chìa khóa mà... đồ mắc dịch!
- Thôi đừng nóng, đừng giận nữa… án mạng bây giờ!
- Kỳ thật… mình đi đâu cũng cứ gặp... quỉ sứ!
- Hết dạ xoa… đến la sát!
- Gặp thằng... du côn như anh thì... cũng vừa!
- Em không ngờ anh… như vậy!
- Du côn như vậy phải không? không những du côn mà còn khoẻ nữa chớ! nhờ hồi nhỏ lội sông Cửu Long đó, tụi con nít lội thua hết, hừ, cứ chạy rông ngoài chợ, ngồi lê ăn hàng vặt suốt ngày... hết bún thì phở, hết phở thì hủ tiếu, hết hủ tiếu thì bánh cuốn bánh bao bánh tiêu bánh bò quen thói ham ăn... cho đến bây giờ, chẳng thèm đi học, không khỏe không du côn sao được, có vậy mới che chở nổi... cô nương!
- Phải rồi, khoẻ lắm... nhưng mà nhịn một chút thì cũng tốt hơn là … ẩu đả! đâu phải chỉ mới một lần...
- Thôi cô nương đừng dạy tôi bài học nào cả, tôi thừa biết phải làm gì... cô nương đi ngủ đi. Nói nhiều làm chi, nhắc đến mấy tô hủ tiếu ngoài chợ Mỹ Tho đó chỉ làm tôi... đói bụng!
- Rồi! con ma đói...nổi dậy hoành hành...
- Phải, cô nương hay nhạo tôi là ma đói bởi vậy... đi đâu cũng gặp la sát, dạ xoa cho đủ bộ!
Nàng đang nước mắt đầm đìa mà phải bật cười! Chao ơi bi kịch và hài kịch sao mà nó cứ theo nhau bén gót!
- À, em nghĩ ra rồi, mình cứ để chìa khóa trên ổ khóa, đừng lấy ra, bác Kim không thể nào mở cửa bất thình lình được, như vậy mình sẽ ngủ yên.
- Sáng mai anh đi kiếm nhà khác, không thể nào ở yên đây được. Lỡ có lúc anh không có nhà, chỉ một mình em mà hắn mò lên, ai biết được hắn muốn gì... không, không thể nào được, phải dọn đi gấp!
- Em hoàn toàn đồng ý, em cũng sợ lắm.
- Nghĩ cho cùng thì cũng do…tham ăn mà ra cả!
- Tham ăn?!
- Ừ, vì thèm ăn phở mới mò đến tiệm phở, đến tiệm phở thì mới gặp ông già bán phở, khi ông ta đề nghị cho thuê căn phòng trên tiệm phở thì mình đâu cần suy nghĩ lâu lại còn... khoái là đằng khác! sẵn tiệm phở dưới lầu ăn tha hồ!
- Ừ nhỉ! nghĩ xa hơn thì lỗi là do... con ma đói!
- Nữa! cô nương không chịu...tha tôi...có biết là tôi khổ sở như thế nào khi phải xa cô nương, vừa mới sum họp được mấy ngày thì lại có chuyện.
- Nói đùa cho vui mà, không sao đâu, mình vẫn có thể tìm nhà khác, đừng lo đừng buồn nữa.
Như thế là Chàng và Nàng chỉ ở nơi lầu tiệm phở kia khoảng một tuần thì dọn đi. Lúc bấy giờ điều kiện thuê nhà cửa còn dễ dàng, chỉ cần đóng đủ ba tháng tiền nhà trước là được, chẳng ai hỏi giấy tờ công ăn việc làm gì hết. Căn hộ này khá tốt, nằm trong một khu vực yên tĩnh của thành phần trung lưu, có đủ hai phòng riêng dành cho con cái, có bếp tiện nghi nhưng lại không có bàn ghế, giường tủ gì cả. Thế là những ̣đêm đầu tiên cả gia đình phải tạm trải “ra” nằm dưới đất vậy.
Ngày ngày Chàng xem báo hoặc đến văn phòng tìm việc, theo dõi danh sách rao tìm người làm và ở đó Chàng gặp một bà cán sự xã hội đã hết lòng giúp đỡ. Chỉ vài ngày sau là căn hộ của Chàng và Nàng đầy ắp đồ đạc! Nào giường nào tủ nào bàn ghế tủ lạnh nồi niêu chén bát, không thiếu một thứ gì, ngay cả quần áo! Bà ấy còn viết thư giới thiệu cho các hội từ thiện để có thể lấy thêm những gì cần khác. Chỉ vài ngày sau là Chàng được giới thiệu dạy tiếng Anh cho một bà quí tộc người Nga, như vậy để có thêm chút đỉnh tiền tiêu vặt trong khi chờ đợi công việc tốt hơn. Và rồi không bao lâu sau Chàng nhận việc thư ký phụ tá văn phòng cho trường đại học của tỉnh.
Nàng cũng vừa sinh thêm đứa con trai thứ ba. Đời sống xem như khá ổn định và hanh thông. Vài tháng sau đó, Chàng và Nàng quyết định đổi chỗ ở để cho tiện đường đến chỗ làm việc. Sau khi sắp đặt cho các con vào nhà trẻ thì Nàng cũng kiếm được việc làm trong một công xưởng chế tạo vật liệu cung cấp cho hãng thiết kế máy bay. Công việc của Nàng làm là thứ việc ráp nối những dụng cụ li ti cần rất nhiều kiên nhẫn và sự tập trung, chú ý. Ê kíp của Nàng toàn là phụ nữ. Như một cái máy, suốt tám tiếng đồng hồ mà chỉ thuần làm một động tác giống nhau, nhấc lên bỏ xuống ráp vào, nhấc lên bỏ xuống ráp vào... Biết bao lần Nàng ngủ gục trên bàn làm việc!
Gia đình Nàng đã năm người, một đồng lương cũng có thể sống nếu tính toán giỏi nhưng Nàng nghĩ cũng nên làm việc thì thoải mái hơn.
Nàng làm việc được vài tháng thì lại khám phá... một mầm sống khác đang từ tù vươn lên trong bụng! Như thế Nàng chỉ làm việc một thời gian ngắn rồi lại phải nghỉ ngơi lo việc sinh đẻ. Nàng và Chàng lại quyết định dọn chỗ khác lớn hơn vì số thành viên trong gia đình thì cứ càng ngày càng tăng. Con số một cộng một sắp thành…sáu!
Gần một năm trời chịu khó với công việc thư ký phụ nơi văn phòng đại học đó, một hôm đi làm về, Chàng nói:
- Thôi, dẹp cái bằng tiến sĩ qua một bên, phải lo nuôi con trước, anh sẽ nộp đơn xin dạy ở đại học, hiện nay đang có chỗ trống dành cho giáo sư nước ngoài, anh viết thư gấp cho ông thầy giám đốc luận án, ông ta có thể giới thiệu, giúp đỡ...
Và như dự tính của Chàng. Nhờ sự giới thiệu hết sức nồng nhiệt của ông thầy, với lời phê sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất cùng với quá trình viết lách và dạy học của Chàng trong quá khứ, Chàng đã được giao phó một cách dễ dàng và nhanh chóng chức vụ giáo sư đại học nơi cái Thành Phố Màu Hồng đó.
Thế là từ cái văn phòng chật hẹp với đồng lương khiêm tốn của một thư ký phụ, Chàng bỗng nhảy vọt lên bục cao của giảng đường đại học và trong túi không còn nghe lẻng kẻng bạc cắc như ngày nào…
———
Nguồn:
———
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 12/03/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét