Trên ngọn tình sầu - Tác giả Vũ Đình Huy (SG-QN)
Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017
Vào một
đêm, đang vật vã với cơn Sốt rét. Tôi nghe loáng thoáng tiếng Guitar. Đêm Bệnh
viện yên lặng như tờ. Lắng nghe một đoạn, tôi nhận ra giai điệu quen thuộc. Đó
là một sáng tác của Từ Công Phụng phổ từ thơ Du Tử Lê, Ca khúc “Trên ngọn tình
sầu”.
Tác giả Vũ Đình Huy |
Tác giả Vũ Đình Huy
Họ tên Vũ Đình Huy
Địa chỉ: TP.HCM
ĐT: 01262522559
Facebook: Huy Vũ Đình
_____
Vũ Đình Huy
TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
***
Năm
đó, tôi mãn hạn Thanh niên xung phong trở về Thành phố mang theo di chứng Sốt
rét rừng. Về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi, tôi phải thường xuyên vào Bệnh viện
điều trị. Bệnh Sốt rét rừng hủy hoại sức khỏe khá nhanh, từ một thanh niên cao
lớn khỏe mạnh, tôi run lẩy bẩy yếu đuối như một Cụ già.
Vào
một đêm, đang vật vã với cơn Sốt rét. Tôi nghe loáng thoáng tiếng Guitar. Đêm
Bệnh viện yên lặng như tờ. Lắng nghe một đoạn, tôi nhận ra giai điệu quen
thuộc. Đó là một sáng tác của Từ Công Phụng phổ từ thơ Du Tử Lê, Ca khúc “Trên
ngọn tình sầu”.
Tôi
run rẩy choàng dậy, vơ vội gói thuốc lá rồi đi ra phía hành lang. Dưới ánh đèn
nhờ nhờ tôi nhận ra người thanh niên nằm cùng phòng với tôi. Anh ngồi lặng lẽ,
mái tóc dài phủ gáy, dáng gầy guộc trong y phục bệnh nhân. Anh ngước mắt nhìn
tôi rồi hát lại Ca khúc "Trên ngọn tình sầu’’ như một lời chào hỏi. Đêm
đó, chúng tôi ngồi hát với nhau những Ca khúc của Từ Công Phụng. Bài nào nhớ
thì hát, không nhớ thì thôi. Chúng tôi cứ hát và hát thỉnh thoảng nghỉ tay hút
điếu thuốc cho đến khi trời sáng dần.
Đêm
sau chúng tôi có thêm hai chị Y tá tham gia, hai Chị là Nhân viên cũ được Bệnh
viện thu dụng lại sau 1975. Chúng tôi đi ra phía sau Bệnh viện, nơi đây là một
rừng thông trồng lưa thưa trên đồi cát mênh mông. Nơi nào có Phụ nữ, nơi ấy sẽ
tươm tất. Chúng tôi chọn vị trí trải tấm nhựa bày biện ít thức ăn nguội và
Café. Đêm đó trăng muộn, dưới ánh sáng nhàn nhạt khung cảnh chung quanh hư ảo
như bức tranh. Xa xa, phía tay phải chúng tôi là một gian nhà duy nhất vẫn
chong đèn sáng trưng. Gian nhà in đậm dòng chữ NHÀ VĨNH BIỆT, nơi đánh dấu giây
phút tử biệt của đời người trước khi đưa về nơi an nghỉ sau cùng.
Tôi
đang hát Bài không tên số hai, sáng tác của Vũ Thành An, theo yêu cầu của một
trong hai người phụ nữ. Có lẽ bài hát đã chạm vào vết thương của Chị. Chị khóc
vùi, khóc như đứa trẻ lên ba. Về sau tôi mới biết Chồng chị là Sĩ quan chế độ
cũ chết trận Mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi ngừng hát và tất cả chúng tôi im lặng để
chia sẻ nỗi buồn của Chị. Người mất đi đã buông tay, thả nỗi buồn xuống cõi
dương gian. Người ở lại gánh chịu. Nỗi buồn như cơn mưa, lất phất mãi trong
đời.
Bỗng
dưng có tiếng khóc từ xa vọng lại. Những thanh âm nấc nghẹn len lỏi, nghe rất
rõ trong đêm khuya vắng. Chúng tôi nhìn về hướng ánh đèn. Có môt tốp người đang
xúm xít quanh chiếc băng ca Bệnh viện. Một bóng áo trắng mở cánh cửa Nhà vĩnh
biệt, trong giây phút rồi khép lại. Tôi ngước mặt lên trời, chắc đâu đó có một
vì sao vừa rụng. Đâu là vì sao của tôi. Những vì sao vẫn nhấp nháy như một câu
hỏi không trả lời.
Qua
trưa hôm sau, người bạn cùng phòng với tôi mất.
Chúng
tôi đã ngồi với nhau hai đêm trắng, qua tiếng hát chúng tôi đã nhìn thấy nhau
như hai tri kỷ tự thủa nào. Vậy mà, tôi vẫn vô tình chưa biết tên Anh, làm gì
và ở đâu. Anh bị Sốt rét kinh niên, theo ngày tháng căn bệnh di chứng qua gan
rồi tràn dịch màng phổi. Ngày hôm qua anh mệt lắm rồi. Tôi đã chia sẻ chút đồ
ăn của mình cho anh. Ép mãi, anh nuốt vài muỗng sữa rồi ói ra. Sau đó anh muốn
nói với tôi gì đó, tôi cúi xuống nhưng nghe không rõ lời.
Hai
người Y tá đặt anh lên chiếc băng ca, đẩy đi. Tôi loạng choạng đi theo được vài
bước, khuỵu xuống. Một vài người gần đó đỡ tôi về chiếc giường cũ. Tôi nằm
thiêm thiếp đến chiều mới thức dậy. Trên chiếc giường của bạn tôi đã thay chiếc
drap trắng sạch sẽ, sẵn sàng cho một người khác đến thế chỗ. Chiếc Guitar của
anh, ai đó đã để trên đầu giường tôi. Tôi cầm lên và bật một vài thanh âm. Trên
cần đàn vẫn còn dấu một sợi dây đứt tôi đã hí hoáy nối tay lại đêm qua.
oOo oOo oOo
"Hạnh phúc tôi...hạnh phúc
tôi…từ những ngày con nước về...
Ngoài trời mưa mau…ngoài trời mưa
mau…tay vuốt mặt khôn cùng…
Bầy sẻ cũ hom hem… Chiều mái ngói rêu
xanh …. Trời êm cao chân nhỏ..
Cũng không về trên dòng sông tội
lỗi...
"
Lần
đầu tiên cả bọn đi Karaoke với nhau. Ca khúc đầu tiên hắn hát làm tôi giật
mình. Lại là "Trên ngọn tình sầu’’ của Từ Công Phụng.
Có
những ca khúc thân thuộc như hơi thở của mình nhưng tôi không dám nghe. Mỗi lần
nghe lại có cảm giác mình có lỗi. Thưởng thức một Ca khúc kỷ niệm phải trang
trọng như dọn lòng đón một nhan sắc giáng hạ. Phải chuẩn bị tâm thế như ngày
xưa các Cụ đọc sách Thánh hiền, trước hết phải tắm gội, sau đó thay áo và thành
kính đốt hương trầm. Trong nhà tôi những dĩa nhạc kỷ niệm bao giờ cũng sẵn,
nhưng chẵng bao giờ. Cứ đâu đó lang thang trong chiều, tránh vội một cơn mưa
nép mình dưới hiên nhà, bất chợt trong nhà văng vẵng những thanh âm xưa. Thế mà
lại hay, cứ lặng người mà nghe như nuốt vào lòng.
Gặp
lại Ca khúc xưa có khi như gặp lại cuộc tình cũ. Nửa chần chừ, ngại ngùng lại
vừa thôi thúc. Mà thôi, gặp lại chẵng được gì. Lại vẫn vơ, rồi chông chênh đọa
đày mình thêm nữa. Cuộc sống vốn đã buồn, quên được cái gì cứ quên.
Hơn
mười năm rồi tôi chưa nghe lại Ca khúc này. Hắn hát không khỏe nhưng có hồn.
Cái hồn chạm đủ ngóc ngách của Ca khúc. Điều đó không lạ, bởi vì hắn là Nhà thơ,
bao nhiêu năm lăn lộn với văn chương đã tạo cho hắn thói quen khắc nghiệt với
từ ngữ. Điều quan trọng nhất của người hát là phải cảm nhận được ca khúc. Có
cảm nhận được, người hát mới thể hiện hết điều muốn nói của Ca Khúc. Có những
giọng hát khỏe, hay nhưng vô hồn, nghe cứ như vướng phải cục sạn trong bữa tiệc
trần.
Hắn
khoe với tôi. Nhà thơ Du Tử Lê nói với hắn: "Em là một trong những người
hát tuyệt vời Ca khúc này’’. Tôi im lặng. Hắn hát hay thì OK nhưng được như lời
hắn khoe thì từ từ... coi lại.
Hắn
kể cho tôi thêm một chi tiết nữa về Ca khúc này. Nguyên câu thơ của Du Tử Lê
là: "Sao khi không, người ngoảnh mặt điêu ngoa’’. Từ Công Phụng đã thay
thế hai chữ cuối trong câu thơ này bằng hai từ ‘’Kiêu sa". Kể xong, hắn
khen Từ Công Phụng líu lo. Tôi lại lặng im. Kể ra, điêu ngoa cũng có những nét
hay của nó. Cong cớn, vểnh mặt, chanh chua cũng là một nét đáng nhớ của phe tóc
dài. Chẵng thế, Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã có những câu thơ hay về gái Bắc: ‘’Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền… Nhớ
duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt.’’
Mà
thôi không lan man. Mỗi đứa yêu mỗi kiểu, nhìn mỗi hướng.
Trước
1975, các nhà chuyên môn xếp Phạm Duy và Trịnh Công Sơn cao nhất. Kế đến là bốn
tên tuổi: Lê Uyên Phương , Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng. Nhạc Từ
Công Phụng sang trọng, câu chữ không nắm níu, dìu dắt nhau hay dựa vào một câu
chuyện nào đó. Nhạc Từ Công Phụng thường là những hoài niệm. Những hoài niệm vỡ
vụn nằm rời rạc đâu đó nhưng cùng quay đầu về một hướng. Ở đó có mái ngói rêu
xanh, có bầy sẻ cũ ngơ ngác trong chiều, có bầu trời êm cao đưa bàn chân nhỏ,
có mùi mái tóc đêm mưa…
Mùi
mái tóc đêm mưa ra sao nhỉ. Hình như có một chút ẩm ướt quyện với mùi tóc em
trong buổi chiều mùa Đông, hai đứa nép hiên nhà. Nơi đó đã có nụ hôn đầu chứa
mầm ly biệt, như một câu thơ tôi không nhớ tác giả: ‘’Mái tóc này ta sẽ gọi cố hương’’.
Tôi
xin chịu, ngẫm nghĩ mãi vẫn không tưởng tượng nổi mùi mái tóc đêm mưa như thế
nào.
Một lần nữa hắn thủ thỉ với tôi về nhan sắc.
Hắn nói hắn là Vua sát gái, trong đời hắn có những nhan sắc rất kỳ lạ. Gần gũi
như bạn bè, cứ ngỡ như tình yêu mà lại là sương khói. Hắn thở dài. Một lần gặp
lại nhau. Nàng bảo: “Sao ngày đó mình
không yêu nhau anh nhỉ?!”
Tôi
lại lặng im. Mấy cha văn nghệ thường khoác lác về thành tích tình yêu và sex.
Cha nào cũng vỗ ngực khoe mình Hồn Lý Bạch, Xác Lao Ái. Mười ông Nhà thơ nói
láo đủ một trăm ông. Tôi chẵng lạ gì. Có tóm được em nào trẻ đẹp, muốn tồn tại
cứ liều liệu mở cho em cánh cửa sau đi nhé. Thình thoảng có yêu em cũng chỉ võ
vẽ mỗi cái mồm.
Hôm
đó hắn cao hứng rủ tôi đi thăm nàng. Nàng vẫn theo nghiệp cầm ca, hiện là Quản
lý một Phòng trà nhỏ ở Quận ba. Đến nơi, nàng nhận ra và ôm choàng lấy hắn. Tôi
biết hắn nói thật. Cái ôm choàng của nàng như đón một cuộc tình xa lạc lối. Cái
ôm có một chút trách móc, giận hờn và đầy ắp thương yêu.
Bên
ngoài trời mưa lớn. Phòng trà vắng tanh chỉ có mỗi bàn chúng tôi. Theo qui định
đúng giờ Phòng trà vẫn phải bắt đầu. Đêm ấy nàng mở đầu chương trình bằng một
tình khúc của Phạm Duy. Vừa lúc đó một tốp bạn bạn của chúng tôi đội mưa đến,
thế là vừa đủ một bàn.
Lần
lượt từng người hát. Đến lượt hắn cầm Micro. Trời đất ơi, vẫn là “Trên ngọn
tình sầu.”.
NGỌN
và ĐỈNH khác nhau như thế nào nhỉ. Cả hai đều cô đơn, nhưng ĐỈNH cho ta cảm
giác vững chải, NGỌN thì không.
Ngày
xưa các Vua Chúa hay xưng mình là Quả nhân. Quả là Cô Quả, đó là lời than vãn
cô đơn của người trên đỉnh cao quyền lực. Nhìn xuống hai hàng Khanh tướng,
trong Hậu cung nghìn Cung Tần Mỹ nữ nhưng biết có ai là kẻ tri âm.
Ngọn
thì sao.
Chỉ
có cái lao xao của gió và cái chông chênh của đất trời. Cái chông chênh giữa
hôm nay và hôm qua, cái mơ hồ giữa Thực và Ảo.
Có
một nơi để về đã là hạnh phúc. Đâu đó lại có một người ...trông ngóng hương
đưa...
Thì
cứ chông chênh chứ sao. Có phải không bạn hiền.
H Ế T
Nguồn: Facebook Huy Vũ Đình
VanDanViet
© Tác giả giữ bản quyền.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét