Home
» Lý luận phê bình
» Nguyễn Minh Khiêm: Nỗi người, nỗi đời trong tập thơ Những giai điệu của thời khắc của Phạm Khang (TH)
Nguyễn Minh Khiêm: Nỗi người, nỗi đời trong tập thơ Những giai điệu của thời khắc của Phạm Khang (TH)
Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017
Vẫn một
bút pháp mạnh mẽ, ngôn ngữ trực cảm, ý tứ thẳng băng, ít ẩn dụ, ít so sánh, ít
ví von, không vòng vo uốn lượn, không màu mè Phạm Khang chinh phục người đọc
bằng những lóe sáng của thời khắc chợt đến, chợt bắt gặp. Anh như người thợ săn
tia chớp, nhanh nhạy, biết bấm máy đúng lúc mầm tư duy hé mở, xuất hiện. Đó là
cảm nhận bao trùm nhất khi đọc Những giai điệu của thời khắc của nhà thơ Phạm
Khang,…
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Minh Khiêm
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
Họ
và tên thật: Nguyễn Minh Khiêm
Quê
quán: Yên Trung. Yên Định. Thanh Hoá
Huy
chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam
ĐT:
0164 8381555
___
___
NỖI NGƯỜI, NỖI ĐỜI
TRONG TẬP THƠ
“NHỮNG GIAI ĐIỆU CỦA
THỜI KHẮC” CỦA PHẠM KHANG
***
Vẫn
một bút pháp mạnh mẽ, ngôn ngữ trực cảm, ý tứ thẳng băng, ít ẩn dụ, ít so sánh,
ít ví von, không vòng vo uốn lượn, không màu mè Phạm Khang chinh phục người đọc
bằng những lóe sáng của thời khắc chợt đến, chợt bắt gặp. Anh như người thợ săn
tia chớp, nhanh nhạy, biết bấm máy đúng lúc mầm tư duy hé mở, xuất hiện. Đó là
cảm nhận bao trùm nhất khi đọc Những giai điệu của thời khắc của nhà thơ Phạm
Khang, được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành 2014. Từ tâm linh, trầm tích thời
gian, khúc tự tình, Lối về ánh sáng, Trên những mảnh vỡ của thời gian, đến Giai
điệu của thời khắc mấy chục năm nay Phạm Khang chung thủy một cách nhìn, một
cách thể hiện. Thơ Phạm Khang phát triển trong một trục tư duy, cách nghĩ, cách
cảm, văn phong thống nhất. Từ tập đầu đến tập cuối là một mạch. Anh không bị
chi phối bởi các trào lưu, xu hướng thơ đương đại. Anh định hình từ khi xuất
hiện. Càng ngày, mạch thơ càng vững chãi, ổn định. Đó là bản lĩnh một cây bút.
Chính sự bền bỉ, trung thành với bút pháp, đẩy đến tận cùng cái riêng thành
giai điệu Phạm Khang, thành triết luận Phạm Khang, thành cách nhìn sự vật trong
mối tương quan Con người - Cuộc sống - Vũ trụ - Cái đẹp mỹ học của thi pháp
sáng tạo văn chương Phạm Khang. Thơ của Phạm Khang là thế.
Ngay
trang nhất tập thơ Giai điệu của thời khắc, Phạm Khang trích một câu nổi tiếng
của Maraisanor như một lời đề từ, thông điệp tư tưởng cho toàn trập sách “Cảm
xúc là một đội quân hung bạo. Nó chống lại con người bằng các loại vũ khí, nó
coi thường mọi quy tắc chơi, nó chỉ biết cào cấu, cắn xé. Có một cái gì đó kinh
hãi và tuyệt vời trong sự nổi loạn của nó. Chừng nào con người còn sống, chừng
ấy còn đam mê”. Tập thơ đã thể hiện đúng như những gì Phạm Khang trích dẫn. Cả
tập thơ là một sự nổi loạn của xúc cảm. Anh mượn cớ “cảm xúc là đội quân hung
bạo” để luận thuyết. Cái mạnh nhất, trội nhất, rõ nét Phạm Khang nhất là luận
thuyết. Toàn bộ Giai điệu của thời khắc nổi loạn bởi luận thuyết.
Tuyên
ngôn của nhà thơ Luận thuyết không chọn niết bàn/ Sám hối theo gót vầng trăng
muộn/ Câu thơ ma ám/ Lời văn vị lai. Đây là tem, là nhãn mác đích thực của Phạm
Khang. Anh không lẫn lộn với bất cứ cây bút thơ xứ Thanh nào. Nó tạo ra phong
cách ngôn ngữ đặc trưng Phạm Khang. Chính tuyên ngôn đó, cách đây mươi mười lăm
năm, nếu chọn một nhà thơ xứ Thanh cách tân nhất, tôi chọn Phạm Khang. Phạm
Khang mở ra một sàn diễn mới. Trên đó, ngôn ngữ không cần hóa trang, không cần
nhiều động tác múa. Con chữ nổi loạn. Con chữ tung hoành theo các mạch suy
tưởng, biện giải, dẫn thuyết. Nó không bị ràng buộc bởi một quy tắc xã hội nào,
không bị chi phối bởi tiếng nhạc của tuyên truyền, cổ động hay cho một sự tụng
ca nào đó. Luận thuyết không sờ mó được/ Khô lạnh những con chữ vô hồn/ Dẫn lối
chân trời vô định (Sự đói lả của những con chữ).
Giai
điệu của thời khắc có hai nửa xúc cảm. Một nửa nhà thơ dành cho thế sự. Một nửa
nhà thơ dành cho những số phận, những góc khuất riêng tư. Đọc những bài thơ
luận về thế sự, ta thấy Phạm Khang quyết liệt, bạo liệt, tiến công, truy lùng
cái xấu, cái ngang trái như một người lính. Những gì bức xúc nhất, phản cảm
nhất, dù ẩn nấp dưới bất kỳ hình thức nào, tô vẽ, ngụy trang trong bất kỳ màu
sắc nào đều bị Phạm Khang lôi ra, phơi ra, chỉ mặt, kết án. Thơ Phạm Khang
không làm duyên câu chữ. Bắt được cái chợt đến, anh nhanh chóng biến nó thành
trục biểu cảm. Huy động toàn bộ ngôn ngữ xây dựng tòa tháp tư duy xung quanh
cái trục ấy. Thơ anh như tiếng súng, tiếng búa đập phá những thứ nhố nhăng, phi
văn hóa Ngày mai/ Người ta đua nhau khoe rốn/ Đắp điếm phấn son bơm vú để yêu
đời/ Nhông nhông sân khấu đặt cọc lời ca tụng/ Những cái thây ma cha ông vứt bỏ/
Bỗng dưng thành mốt thời trang (Bụi); Thơ Phạm Khang không có chỗ cho thói quen
thưởng thức câu chữ, hình ảnh bóng gió, du dương, lảng tránh. Đọc thơ Phạm
Khang, đôi khi ta nhớ đến âm hưởng thơ của Mai-a-cop-xki. Đó là một tạng thơ
khỏe mạnh, sức vóc, không ngại va chạm, bộc trực. Linh cảm mách bảo bản năng/
Ta dạt vào một con ngõ cụt/ Rác rưởi nhem nhúa con đường/ Lũ kiến tha mồi và
chuột rúc/ Bên những cột đèn hoang/ …/ Ta say trong lụi tàn em (Đêm của rượu).
Phạm Khang da diết cái đẹp, đắm say cái đẹp, tôn thờ cái đẹp. Anh phản kháng
mạnh mẽ, dữ dội mọi bất công, thói hư tất xấu, điên đảo, trật tự xã hội đổi
trắng thay đen. Xét về mặt khát vọng thay đổi, trả về chân giá trị cuộc sống,
thơ Phạm Khang là một loại vũ khí sắc bén. Người dùng vũ khí ấy không phải mài
dũa. Nó có khả năng chặt ngay, đập ngay, quét dọn ngay những rác rưởi, trá
hình, biến ảo Không chạy trốn được nỗi sợ hãi không thể đặt tên/ Ta đặt cược
vào miền gái đẹp/ Cái nơ trắng hóa thành con rắn trắng (Nhật ký một ngày nhẹ
dạ). Anh đẩy tận cùng ý nghĩ cho cái mỏng manh chợt nắm được. Bằng sự sắc xảo
của ngôn ngữ, bằng cách xây dựng một lôgic thi ca, Phạm Khang giữ được người
đọc trên trang chữ. Nỗi đời, nỗi người, nỗi mình ám vào thơ Phạm Khang như định
mệnh, vu vơ mà không gỡ ra được Ba lão già/ Ba cái bóng/ Bợn nỗi niềm đa đoan/
Phận người lá rơi ngang mặt/ Ta thành cái dấu chấm câu khốn nạn/ Thành vật cản
những đợi chờ chưa ló mặt (Ghi lại cuộc gặp gỡ với ba lão già). Tâm trạng, nỗi
niềm nhà thơ tràn đầy thế sự. Nhà thơ không vụn vặt, không chi tiết các sự việc
chướng tai, gai mắt, kệch cỡm, tiêu cực, với ngóc ngách các mưu mánh cuộc sống
mà nhà thơ day dứt, đau đớn, dằn vặt vì cái đẹp, giấc mơ hoa của nhà thơ bị
hoen ố, ám muội bởi Trong mớ hỗn của thực tại chen lấn và xô bồ Giám đốc thụt két
cơ quan. Chạy trốn sang Tàu noi gương Lê Chiêu Thống. Nháo nhác lũ đệ tử con
ông cháu cha… Thời @ người ta đi chợ mua bằng cấp, mua chức, mua danh và mua cả
thiên đường (Ký sự 3D).
Những
mỹ từ, những hình dung từ, những từ cảm rất ít xuất hiện trong Những giai điệu
của thời khắc. Sự bức xúc trực giác bật ra ngôn từ chắc, khỏe, to tát, vạm vỡ.
Hình như nhà thơ giải tỏa mình, giải phóng mình, giải cứu mình bằng cách ấy.
Phạm Khang muốn thoát ra khỏi cảnh nhàm chán, hành chính, một khung hình thời
gian bị cấm tù. Anh ngột ngạt, bức xúc Một ngày văn phòng. Công văn đến và đi.
Đơn kêu oan. Đơn kiện. Xin xỏ nhăng nhít. Đổ xăng cho sếp lái xe riêng. Váy
ngắn, váy dài toang hoác đùi cao đùi thấp. Son môi và hạt dưa tí tách. Đỏ đen
và bí ẩn như người ta bước vào sòng bạc (Ký sự 3D). Nếu không sâu, không tinh,
không nhìn thời đại, thời cuộc bằng chức năng dự báo của thi ca, ta rất dễ đánh
giá thơ Phạm Khang là những tiếng la hét bất lực trước thực tại cuộc sống xô
bồ, không ít bạo lực, cướp giật, một số giá trị đạo đức, văn hóa bị đánh tráo.
Câu chữ của Phạm Khang là tiếng thở dài não nuột, đau đớn đến đáy Triết lý văn
chương bèo dạt mây trôi. Thơ phú luận bàn quanh vại bia quán cóc. Câu đục câu
trong ngổn ngang trần thế. Câu chửi thề khâm liệm xác ve. Gạ bán gạ mua chân
trời vô định. Chữ rơi trên dấu chân người lênh đênh số phận, Heo may ngăn ngắt.
Nỗi buồn đầy sông (Ký sự 3D). Các giác quan của nhà thơ là rađa, là ăngten, là
lưới giăng đón mọi hướng của tâm hồn. Bất kỳ một tế vi nào xuất hiện đều được
nhà thơ đưa vào bộ vi xử lý của xúc cảm và chuyển thành định lượng nhận thức,
định lượng tâm hồn, kích hoạt, phát triển nó trong âm hưởng quỹ đạo nguồn mạch
thi ca. Nếu không có cái tâm con người trong sáng, không đủ tầm văn chương,
lòng dạ hẹp hòi, u tối, không mang khát vọng nhà thơ đích thực, yêu nước giả
dối, nịnh bợ chính trị non nớt, kiến thức nông cạn, hời hợt, giả danh đổi mới,
giả danh đạo đức, đọc những câu thơ này, rất dễ gán cho tác giả có ý đồ bôi nhọ
xã hội, bới móc xã hội, nói xấu chế độ, thậm chí thổi phồng quan điểm là phản
động: Sữa dởm về làng/ Trẻ con bị đầu độc/ Thạch phiến đồ chơi/ Già trẻ một
phen mất vía/ Lại cái anh cu Tàu hảo hảo/ …/ Đua chân vướng vào nhau/ Trắng
trắng đen đen (Siêu thị về làng); Tiết hạnh khó tìm thế ru!/ Miền trinh tiết em
xin từ tạ/ Bao cao su OK miễn phí/ Đẻ non. Nạo thai. Đẻ trước khi ăn tiệc cưới/
…/ Cái thời mất nết hư thân/ Bống đi theo trai/ Bang đi biền biệt vợ thuê xứ
người (Ký tự 3D). Đau lắm. Xót lắm. Nhức nhối lắm. Tâm trạng nhà thơ, nỗi niềm
nhà thơ, khắc khoải. Tâm hồn nhà thơ như hòn đảo lớn, như đại dương sâu. Thơ là
phần nổi, là cái chỏm. Sóng vỗ hai phần chìm của đảo. Không lặn sâu, không khám
phá không chia sẻ nổi.
Năm
mươi bài trong Giai điệu của những thời khắc, Phạm Khang dành hai phần tập thơ,
những bài giàu chất trữ tình hơn, êm dịu hơn, lắng đọng hơn chia sẻ với những
số phận, những góc khuất riêng tư, những nỗi niềm sâu kín. Từ cách nhìn tổng
quát thế giới quan, nhà thơ chuyển sang nhân sinh quan. Giai điệu của những bài
thơ cho ta cảm tưởng như vừa từ trong tâm bão bước ra. Cái dữ dội, cái cuồng nộ
lùi lại phía sau. Thế sự bộn bề, cuộc sống phũ phàng bức bối nhường chỗ cho cảm
xúc phận người, kiếp người, bất hạnh của con người: Cò vạc cũng kiếp lênh đênh/
Chìm nổi mùa gió lật/ Phận tép phận còng no lưng ấm cật/ Đồng trên/ Bãi dưới/
Ao chum/ Bờ ruộng/ Rạ tàn canh/ ướt lông đem ngày ra đếm (Nơi đàn chim di trú).
Những câu thơ đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu, nhân ái, nhân văn. Thi sĩ là thế. Đau
đớn dành cho người đọc. Nước mắt dành cho người đọc. Ngắm tranh Bùi Xuân Phái,
nhà thơ và họa sĩ gặp nhau ở một nỗi niềm Ta gặp một góc xưa Hà Nội/ Phố vào
tranh soi giấc mộng sông Hồng/ Người đi sương khói Tây Hồ khóc/ Còn đó ngàn năm
phố Phái buồn (Phố vào tranh). Không ai đắm đuối mềm yếu như nhà thơ. Nghe
tiếng nhạc đêm mưa, trước vẻ đẹp của một người con gái, nhà thơ bật thốt lên
Lối nhạc/ Trời ơi lối nhạc/ Lẻ loi trong mưa ồn ã/ Sao ta không quỳ xuống trước
em/ Trước vẻ đẹp hiền lương, thánh thiện/ Cứu vớt hồn ta ướt áo/ Ngủ vùi nơi
cánh tay xinh (Lối nhạc đêm). Chỉ cần đọc tên các bài thơ: Oan khúc, Một người
đàn bà, Vườn vải lời ai điếu, Mùa vẫn đợi tình, Một khúc tình, Gửi một kẻ biệt
tình, Tản mạn nơi góc chợ, Một cảm nhận trắc ẩn, Cơn tình, Chiều Cổ Lễ… Đã hiểu
rất rõ sự chia sẻ của nhà thơ. Một người đàn bà cô đơn. Một người đào vàng bất
hạnh vì mưu sinh, một cuộc sống gió mưa quán chợ… Trong thơ Phạm Khang là những
cung bậc của cảm xúc, chia sẻ. “Nàng” là một biểu tượng của cảm xúc, là cái đẹp
của thi ca. “Nàng” nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà thơ. Nhớ buổi theo
chồng/ Gió lay nón lá/ Nứt lưng ong/ …/ Đoản khúc biệt tăm/ Bóng chim cá nhảy/
Thôi người ở lại/ Đò đầy/ Lưu lạc/ Em đi (Một khúc tình). Một đoạn thơ chỉ vẽ
một hình bóng mong manh, đơn lẻ. ấy thế mà gợi. ấy thế mà da diết. ấy thế mà
trào dâng thương cảm. Anh hiểu sâu tâm trạng, hạnh phúc chông chênh của người
đàn bà giải quyết định mệnh bằng nhát dao sinh tử Nơi cõi lòng xa thẳm của
nàng/ Có một khoảng trời bị trói/ Có một vâng dương ngủ gật/ …/ Tình yêu dối
gian gõ cửa/ Một bến sông ngầu đục vết thương lòng/ Câu lục bát nghiêng nghiêng
nghiêng mắt lá răm chiều quê văn vắt/ Người về nơi hẹn với bến không chồng/ Màu
đỏ phù sa rên xiết vết chân mộng du sân chùa bóng đổ/ Cơn giận của nàng là nhát
dao sinh tử/ Cho ta nhận ra thật giả tình nàng (Một người đàn bà). Đôi lúc ta
bất ngờ trước những câu thơ đẹp như cổ điển của Phạm Khang Ngày em ra đi/ Chân
trời ráng đỏ/ Cánh cò no lả tìm về/ Ao làng chân ai khua sóng/ Vắt ngang sông
cầu khỉ gió lay (Ngày anh trở lại). Lúc bức xúc, ta tưởng câu chữ của Phạm
Khang chỉ rực màu than tro phun lên thứ nham thạch hầm hập nóng, sóng cuộn ngầu
đục phù sa. Lúc điềm tĩnh, ta thấy Phạm Khang quá đỗi ngọt ngào Em ơi/ Thế mà
đã hai mươi năm/ Tình em lận đận chốn then song/ Một tay nuôi đàn con dại/ Vượt
cạn kiếp đời dâu bể/ Ngày quê xa ngái cánh cò ướt lông (Ngày anh trở lại). Anh
nhìn thấy vẻ đẹp bên trong của những người đàn bà góa Trong tận cùng cô đơn/
Những người đàn bà góa đã không đầu hàng/ Họ ước nguyện và cầu xin số phận/ Hãy
ban cho con họ tình yêu/ Vượt qua tháng năm bão tố/ Bỏ lại phía sau nỗi ám ảnh
chết chóc/ Nơi góc chợ tồi tàn phiên chợ muộn chiều hôm (Tản mạn nơi góc chợ).
Anh thông cảm với những người lam lũ, đói rét, bị cái nghèo, túng bấn đẩy vào
nơi tha phương cầu thực, sông cùng địa tận đào vàng cho bọn đầu nậu kiếm sống.
Cay đắng chồng cay đắng, cơ cực chồng cơ cực Rừng hoang/ Muỗi độc/ Rắn độc/ Vắt
cắn chảy máu tai máu mũi/ Đào hố sâu đến nhức mắt/ Hết tiền mò vào bản xin ăn/
Vàng chẳng thấy đâu chỉ thấy xương khô của người đi trước (Oan khúc).
Những
giai điệu của thời khắc thể hiện rõ bản lĩnh, bản ngã nhà thơ. Chính kiến rõ
ràng. Yêu, ghét rõ ràng. Cái đẹp của cuộc sống, chất nhân văn, nhân bản của
cuộc sống là khát khao mãnh liệt, là cớ, là nền tảng cho mọi luận thuyết của
nhà thơ. Một văn phong, một bút pháp, một thương hiệu nhà thơ Phạm Khang càng
ngày càng được định hình một cách đậm nét.
11-3-2017
Phạm Xuân Khang Gửi đăng.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 29/7/2017
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét