Làm “Em Xi” ở Cali – Chuyện vui Chu Tất Tiến (USA)
Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017
Hổm rầy, nghe sấp nhỏ xì xào về chuyện môt Em
Xi còn trẻ ở Việt Nam cưới một bà Mạng Phụ Phu Nhơn ở Mỹ và đặt tên cho anh
chàng Em Xi đó là “phi công trẻ lái máy bay bà già”, Sáu tui théc méc quá, vì
hai chữ Em Xi nghe lạ tai mà lại được nói từ nhiều cửa miệng người Việt, Sáu
tui bèn đến kiếm Thầy Tư Bôn Xa vấn kế.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Chu Tất Tiến
Sinh năm 1945 tại Hà Nội,
Di cư vào Nam năm 1954.
Ông là một nhà văn, nhà báo từ năm 1968 tại quê nhà
Hiện cư trú tại Hoa Kỳ
Email: vietnguyen2016@aol.com
***
Hổm rầy, nghe sấp nhỏ xì xào về chuyện môt
Em Xi còn trẻ ở Việt Nam cưới một bà Mạng Phụ Phu Nhơn ở Mỹ và đặt tên cho anh
chàng Em Xi đó là “phi công trẻ lái máy bay bà già”, Sáu tui théc méc quá, vì
hai chữ Em Xi nghe lạ tai mà lại được nói từ nhiều cửa miệng người Việt, Sáu
tui bèn đến kiếm Thầy Tư Bôn Xa vấn kế.
Gặp Thầy đang chăm chút tỉa cây Bôn Sai ở
vườn sau, tui bèn “hừm hừm” đánh tiếng cho thầy biết tui mới tới rồi không đợi
thày quay lại, tui nịnh thầy liền:
- Thầy Tư có chậu Bôn Sai chi đẹp quá ta!
Thầy Tư quay lại, cau mặt:
- Mầy dô diên quá! Tao đang rầu rĩ vì cái
cây này tự dung muốn héo, ngắc ngoải tới nơi rồi. Mầy khen cây đẹp là mầy muốn
chọc lét tao đó.
Tui bối rối:
- Ủa! Đâu biết đâu? Từ xa, ngó thấy cái gì
xanh xanh đỏ đỏ, tui mới khen chớ! Vậy thì câu này đúng thiệt: “nhìn xa, tưởng
là thiên nga, nhìn gần, hóa ra bà già”… hi hi hi…Mà cây bị sao, Thầy?
- Tao cũng không biết. Sáng này tao ra xem
cây, thấy có một vài cánh lá nâu nâu, tao lật hết lá lên thì thấy nhiều nhánh
bị nâu đen lắm. Tao đang bực đây.
Rồi thầy chỉ mặt tui:
- Nói cho mầy hay nhe! Hôm nay chắc có gì
bí lại chạy đến đây? Mà có hỏi chi thì hỏi, lạng quạng, tao buộc mầy phải đãi
tao môt chầu cà phê xây chừng đó nhe.
Tui nhăn mặt:
- Ở Mỹ này lấy đâu ra xây chừng? Chắc tui
phải mua vé cho thầy về Sa đéc, Long Xuyên mới có cà phê xây chừng? Thôi, chào
thua thầy đi! Nhưng dù sao, đã lỡ tới đây thì ở lại đây. Tui có câu này muốn
hỏi thầy: Chữ Em Xi tự đâu mà ra?
Thầy Tư thủng thẳng gật đầu:
- Ừa há? Ỏ đâu ra dzậy cà?
Rồi cười:
- Mầy tính chọc tao sao mà hỏi câu đó?
Người ở Mỹ cũng như người Việt Nam đều biết đó là chữ chỉ mấy vị điều khiển
chương trình văn nghệ, mầy còn làm bộ không biết?
- Thiệt mà! Tui có biết gì đâu? Mới qua đây
diện H.O., biết cái gì đâu?
- Ừa! Dzậy thì tao giảng. Em Xi là viết tắt
bởi tiếng Anh: Master of Ceremony. Là người điều khiển chương trình thôi, có gì
đâu. Không biết tự dung bà con cứ xài cái chữ đó, mà quên tiếng Việt, riết rồi
hai chữ đó bám vào người Việt, hê mở miệng ra là Em Xi, Em Xỉ?
- Vậy, có quy luật nào cho mấy người Em Xi
không? Tui thấy có nhiều người đứng ở trên bục đám cưới người ta mà nói dở ẹc,
vô duyên. Tui thấy có một cô Em Xi làm ảo thuật, rút xú chiêng cô dâu ra khoe!
Ớn quá! Lại có ông Em Xi lên bắt cô dâu bịt mắt rồi mò quả chanh mà Em Xi nhét
trong quần chú rể! Thiệt là vô duyên. Mắc cở quá!
- Mầy nói đúng. Em Xi cũng có luật chứ!
Luật giang hồ! Nghĩa là nhiều ông bà Em Xi tự thấy mình có chút khả năng ăn nói
là biến mình thành Em Xi. Nếu không có ai gọi làm Em Xi, thì trực tiếp gọi đến
nhà đám, xin cho làm Em Xi, hoặc nhờ người giới thiệu, hoặc xung phong, tình
nguyện làm Em Xi được 1 lần, rồi những người khác, thấy dzui dzui thì gọi mời.
Nhưng mà vì chắng có ai chịu học nghề làm Em Xi cả, nên nói tầm bậy, tầm
bạ hoài. Tao thấy có điều mắc cở vì có cô Em Xi ăn mặc hở hang, quả đào muốn
rơi rụng cả rồi mà mặc áo tét ra hai bên. Lại có cô Em Xi mặc quần áo diêm dúa
như tuồng cải lương, hát bộ! Lóng la long lánh thấy ớn! Tao còn biết có một cô,
trước đây thì “vu khống”, sau này thì đi bơm, rồi thích khoe đào lộn hột của
mình ra trước khán giả, người nào đã quen nhìn cô ấy trước đây rồi thì cười
diễu: “Đào xi li côn!” Một cô thay đổi áo quần lia chia, cứ vài bài hát, cô lại
thay môt bộ! Y như cô dâu! Thiệt tức cười!
- Còn mấy ông Em Xi thì sao? Có khoe cái gì
giống như mấy cô kia không?
Thầy Tư nạt:
- Thằng ngố! Đàn bà khoe của thì đàn ông
thích, đàn ông mà khoe của, thì người ta kêu phú lít bắt liền! Đó là sự bất
công của con người, mầy có thấy không?
- Thôi, ông Trời định như vậy thì chịu vậy
đi, cãi sao lại? Xin Thầy nói tiếp..
- Ừa! Tao cũng thấy có nhiều ông, bà Em xi
dô diên lắm. Cứ được mời đứng trước bà con, là tưởng mình là thánh sống rồi,
nên ưỡn ngực phán loạn xà ngầu. Có những ông thích khoe trí thức mình ra, nên
nói lòng vòng, quanh co, lại còn phê phán người này hát hay, người kia hát dở,
ra cái điều ta đây trên thông thiên văn, dưới làu địa lý. Điều cấm kỵ nhất mà
có ông dám xài là so sánh giọng hát của người sắp sửa hát với những ca sĩ
chuyên nghiệp từng hát bài này…chẳng khác gì bóp họng người ta. Đến ông già
người ấy bảo thì cũng không ai dám hát nữa, vì biết chắc là mình không thể vượt
trội những ca sĩ nổi tiếng và chuyên nghiệp. Như vậy là chết chắc! Mà nếu có
hay chăng nữa, cũng bị người nghe soi mói: “câu này chưa tới, nốt kia chưa hay,
làn hơi rung này còn ngắn…” Thiệt là ngớ ngẩn! Tao còn thấy có ông Em Xi trong
mấy buổi “hát cho nhau vui” mà làm như giám khảo trong mấy cuộc đi thi hát vậy,
chọn người này, chê người khác, chẳng may có người hôm đó đột nhiên quên lời,
thì không những không trợ giúp cho người hát mà vì vui nên quên, mà còn ấn lưng
đuổi xuống! Đúng là cha đời! Sự thật là có ông Em Xi mà ghét ai thì đâm dao
giết chết người đó, thí dụ như người sắp hát chỉ quen hát bài này, ông lại chỉ
bài nọ, và bắt người ta hát bài không chuẩn bị, thì coi như ổng đang gào lên:
“Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã bội thề! Giết người đi!
Giết người đi! Giết người không thèm kính Em Xi…”
- Sao lại có người kỳ vậy cà? Bộ ổng không
có chữ sao?
- Thằng ngu! Không có chữ sao làm Em Xi! Có
điều có chữ mà chưa đủ để hiểu hết lẽ đời, lại bị cái “cá nhân chủ nghĩa” to
quá, nên cứ tưởng mình lời mình phán ra là ngọc, là vàng, nên muốn nói gì thì
nói, làm gì thì làm.
- Vậy là không tôn trọng khán giả rồi?
- Đúng thế! Người làm Em Xi thứ thiệt thì
ăn nói nhẹ nhàng, thoải mái, ngôn ngữ dung dị, không gằn giọng như hát cải
lương, không làm bô dạng thiểu não hay hớn hở, không lớn tiếng rao lên: “ĐÂY..Y
Y Y Y… TIẾNG HÁT (????) CỦA … XIN QUÝ VỊ MÔT TRÀNG VỖ TAY!”. Người chuyên
nghiệp không bao giờ nhắc đến cái “Tôi Hiểu Biết” của mình, thẳng hoặc mà có
dung chữ “tôi” thì cũng hạn chế, bất đắc dĩ lắm mới phải dùng chữ “tôi” rồi
lướt qua luôn, không có nhắc đi nhắc lại cái sự hiểu biết của mình. Trên hết,
nói ngắn mà đủ là hay nhất. Dĩ nhiên, có thể khôi hài thêm chút chút để cho bà
con cười vui, nhưng đừng dài quá 2 phút cho một bài. Nếu không có khôi hài,
tiếu lâm, thì cứ đúng 1 phút là đủ. Thí dụ: chương trình văn nghệ trên sân khấu
có 20 bài, mỗi bài 5 phút, thêm 1 phút giới thiệu, cộng lại là 1 bài 6 phút,
nhân với 20 bài là 120 phút, là 2 tiếng đồng hồ. Thực tế, còn những giây
phút lọng cọng thiếu phối hợp với Em Xi, Nhạc Sĩ, Ca sĩ thì cho dư thêm 15 phút
nữa, tổng cộng là 135 phút, rồi có thể chào cơ, mặc niệm, ban tổ chức nó lời
càm ơn, giới thiệu tổng quát chương trình, thếm 15 phút nữa, là 170 phút, tức
là gần 3 tiếng, là thật đẹp! Khán giả có thể ngồi đến hết chương trình. Đôi khi
vì bất đắc dĩ phải thêm giọng hát nữa, thì phải rút ngắn những cái linh tinh khác,
sao cho tối đa là 3 tiếng, thì cũng mất đi ít nhất là 1/3 người ra về rồi.
Nếu cố
chơi đến 4 tiếng, thì bảo đảm là những bài hát sau, chỉ có ca sĩ hát, nhạc sĩ
nghe mà thôi.
- Cha! Thấy vậy mà không phải vậy! Tui cứ
tưởng làm Em Xi là ngon ăn lắm! Ai dè cũng khó chứ không phải là chơi. Biết
điều này trễ quá! Bây giờ tui già rồi.. nếu không, cũng xin làm Em Xi..
Thầy Tư lườm tôi:
- Trễ cũng còn hơn không! Mà.. mày định nộp
đơn xin làm Em Xi sao mà hỏi dữ vậy?
Tôi vội xua tay, rồi bỏ chạy. Ổ lại lỡ ra
gặp môt bà Em Xi đến làm ảo thuật rút mất cái…gì đó thì nguy!
Tháng Bẩy, 2017
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hải ngoại ngày 30/7/2017
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét