Trúc Thiên, Thơ và thiền – Bài viết Tâm Nhiên (KG)
Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017
Trúc
Thiên là một khuôn mặt đặc biệt, nổi bật lên giữa bầu trời văn nghệ Miền Nam,
trước năm 1975 tại Sài Gòn. Lấp lánh hào quang thiền học sáng ngời, long lanh ánh
chớp thi ca rực rỡ trên những trang thơ văn súc tích, hay những bản dịch thuật,
giới thiệu các tác phẩm thâm thúy, kỳ diệu của Bồ Đề Đạt Ma, Huyền Giác, Tuệ
Trung Thượng Sỹ, Suzuki, Krishnamurti…
Tác giả Tâm Nhiên
Quê quán: Bên dòng sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Bây giờ dạy học ở hải đảo Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang.
Sống độc thân trên đồi Vô Trú Am giữa đại dương bát ngát.
DĐ: 0904 536 286
Email: tamnhien@gmail.com
_____
TRÚC THIÊN, THƠ VÀ THIỀN
Quê quán: Bên dòng sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Bây giờ dạy học ở hải đảo Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang.
Sống độc thân trên đồi Vô Trú Am giữa đại dương bát ngát.
DĐ: 0904 536 286
Email: tamnhien@gmail.com
_____
TRÚC THIÊN, THƠ VÀ THIỀN
Trúc
Thiên là một khuôn mặt đặc biệt, nổi bật lên giữa bầu trời văn nghệ Miền Nam,
trước năm 1975 tại Sài Gòn. Lấp lánh hào quang thiền học sáng ngời, long lanh ánh
chớp thi ca rực rỡ trên những trang thơ văn súc tích, hay những bản dịch thuật,
giới thiệu các tác phẩm thâm thúy, kỳ diệu của Bồ Đề Đạt Ma, Huyền Giác, Tuệ
Trung Thượng Sỹ, Suzuki, Krishnamurti…
Bồng
tênh, lênh láng như sóng biển Nha Trang, nơi Trúc Thiên sinh ra đời. Rồi lớn
lên, thường chạy nhảy, rong chơi ven bãi cát vàng bên bờ đại dương, thưởng
ngoạn sơn thủy hữu tình xứ trầm hương Khánh Hòa. Tha hồ hít thở không khí biển
trời bao la, khoáng đãng, hấp thụ dưỡng chất gia phong thuần túy, tự nhiên hun
đúc một tâm hồn độc đáo, tiêu dao lồng lộng như trùng khơi bát ngát…
Hoàn
thiện việc tự học từ thời còn thanh niên, nhanh chóng trở thành một học giả nổi
tiếng, uyên bác về Thiền tông, từng giảng dạy Thiền tại Đại học Vạn Hạnh, Sài
Gòn. Một nơi quy tụ toàn những kỳ nhân, văn nghệ sỹ… Tuy là một học giả, nghiên
cứu các vấn đề đạo lý Đông Tây, chuyên sâu về Thiền, nhưng Trúc Thiên cũng là
thi nhân với một hồn thơ sâu thẳm:
Nằm nghe rêu mọc trong hồn
Từng cây cỏ dại lấn dồn vào thân
Tâm tư mấy độ xoay vần
Giờ đây triều máu nhả dần nhịp tim
Bao nhiêu hạt bụi nổi chìm
Phân thân thuở ấy nay tìm về đây
Trăm năm có một hội này
Nằm nghe kể lại những ngày đi hoang
Đó
là bài thơ Đi Hoang, mở đầu tập thơ Chuyển Một Hướng Say, An Tiêm xuất bản,
năm 1970 của Trúc Thiên. Bài thơ nhớ lại một thời rong rêu phiêu bạt, một thuở
tuyệt mù lãng đãng giữa ngút ngàn dặm lữ qua muôn trùng cát bụi, phù du…
Từ
vô lượng kiếp rồi, như hạt bụi, người thi sỹ cứ mãi bềnh bồng ra đi. Đi như một
nghiệp mệnh, lênh đênh trên những ngọn sóng đời nhấp nhô, trào bọt lềnh bềnh
sinh tử… Chừ đây, nằm trầm tư một mình giữa đêm trường quạnh vắng, lắng nghe dư
vang của bao niềm hoài vọng, xa xôi trong hun hút điệp trùng, mông lung quá khứ
còn văng vẳng dội ngân về…
Để
từ đó, thấy ra “tâm tư mấy độ xoay vần”
theo từng bước thăng trầm, cứ âm thầm luân phiên, chuyển hóa trong hư linh tàng thức. Thỉnh thoảng xuất thần, vượt
thoát bay lên thênh thang trên cung bậc hân hoan sáng tạo, nhảy múa, hát ca
trào lộng cùng thể điệu niêm hoa vi tiếu và rốt cùng, thung dung, nhập diệu vào
cảnh giới ngã pháp đều không:
Thơ cũng không mà đạo cũng không
Không là gì hết với non sông
Đứng lên giữa chợ toan cười ngất
Cúi xuống trong đời lại hóa ngông
Trút gánh lão vui trăm tuổi lão
Vỗ tay ông múa một mình ông
Tánh trời quê kệch đà quen nết
Cỏ dại ngoài kia há phải trồng
Không
cần phải trồng trọt, chăm bón chi cả, hoa đồng cỏ nội vẫn thuận theo lẽ trời,
mọc lên xanh mướt ruộng vườn cũng như tự tánh vốn thanh tịnh sẵn có của mình cứ
vẫn thường phát sinh ra nhiều diệu dụng. Diệu dụng ngay trên từng tánh nết thô
kệch, quê mùa, rất mực đơn sơ, giản dị đó thôi.
Làm
tất cả mọi việc mà không chấp dính, không vướng mắc, coi như chẳng làm chi cả.
Đó là tinh thần vô công dụng hạnh, như làm thơ khá nhiều, hiểu đạo rất sâu,
sống y như hành giả mà cứ tự cảm thán:“Thơ
cũng không mà đạo cũng không” như chính thi nhân tự kể về mình, một tiểu sử
xưa nay chưa từng có, quả thật lạ lùng:
“Trúc Thiên, đó là người làm thơ, thơ hỏng,
viết văn, văn hỏng, dịch sách, sách hỏng. Bằng tất cả cái hỏng ấy, người lội
qua hai ngọn trào văn hóa với lời thơ cao ngạo trên môi: Trần thế nan phùng
khai khẩu tiếu…
Rồi một ngày nào đó, người nhận chân lại
con người của chính mình, không thể là gì khác hơn một con số không to tướng:
Không dĩ vãng, không tương lai, không kỷ niệm sau lưng, không thiên đường trước
mặt, không thân thế, không tiểu sử, không tuổi, không tên, không là gì hết.
Bằng tất cả con số không ấy, người lớn thêm
một chút và ngu thêm gấp bội. Lớn và ngu, người mang tất cả tấm lòng trịnh
trọng đối xử với đời, biết ơn tất cả, cả đau thương và bệnh tật, chấp nhận tất
cả, cả cái chết và hư vô…
Trúc Thiên là vậy thì có gì đáng nói giữa
vô số chuyện đời của chúng ta, nói mấy chẳng cùng…”*
Đúng
là sơ yếu lý lịch của một thi nhân đích thực, chẳng cần phải kê khai bằng cấp,
chẳng địa vị, chức tước, giấy khen thưởng,
không công trạng, công danh, thành tích chi hết. Điều đó, vô tình chứng
tỏ một con người có đức tính khiêm tốn, khiêm nhường, khiêm cung, khiêm hạ.
“Hữu xạ tự nhiên hương” tuy không nói,
nhưng những việc làm của thi nhân, vô hình chung, lại mang đến nguồn cảm hứng,
niềm tịnh lạc, an nhiên cho thiên hạ, mọi người nhiều khôn xiết kể. Khơi dậy,
mở ra một cái nhìn tuệ giác, chơn mỹ:
Khép lại rèm mi
Nhìn vào trong ấy
Em thấy chưa?
Thấy gì kia?
Thấy anh trong đấy
Khép lại rèm mi
Nhìn anh trong ấy
Em thấy chưa?
Thấy gì kia?
Thấy em trong đấy
Khép lại rèm mi
Nhìn nhau trong ấy
Em thấy chưa?
Thấy gì kia?
Thấy rõ ràng trong ấy
Không anh không em
Lồ lộ một bầu nguyên thủy
Chỉ là chân chỉ là mỹ
Tự bao giờ đến bây giờ
Vi vu ý đạo niềm thơ
Niềm
thơ ý đạo trổ bừng trên cái nhìn mới mẻ, tân kỳ chân thiện mỹ. Phải chăng, đó
là cái nhìn nguyên sơ, tinh khôi, ngay lúc ban đầu. Cái nhìn trục diện, kiến
chiếu thực tại, thấy cái đang là đương xứ tức chân. Một cái nhìn trong suốt,
thuần nhiên, như thị, không phân biệt… Hãy để yên cho tánh thấy tự soi sáng vạn
cảnh, mà không chạy theo vạn cảnh, sinh khởi niệm này, ý nọ, tâm kia… như Trúc
Thiên diễn đạt:
“Thiền dạy rằng, ta không thiếu gì hết, tự
đời thuở nào, ta vốn là tròn đầy, ngàn trước, ngàn sau. Ta không thiếu. Trái
lại, ta có dư, cái hại là ở đó. Ta dư đủ thứ, do vọng niệm bày đặt ra, do suy
tư vẽ vời thêm… Những cái dư ấy, gọi chung là vô minh.
Vô minh vốn không có thật, nên chẳng ai
hoài công trừ nó làm chi mà chỉ cần tự tri, tự giác thôi. Tự biết được “con
người thật” của mình thì vô minh tan mất, như bóng tối tan trước vầng dương…
Từ đời thuở nào, con người vốn là thanh
tịnh, vốn là không, nên Thiền dạy, chẳng phải làm gì hết, chỉ cần thấy tánh là
được trở về để mà nhập cuộc.
Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên,
không thủy không chung của trời đất. Trong trật tự ấy, chúng sinh là một pháp
vô tâm nên vô sự. Viên sỏi bên đường là một pháp vô sự nên vô vi. Muôn pháp đều
vô vi mà bình đẳng nhau trong pháp giới vô ngại: Nước chảy, hoa trôi, trăng
lên, gió mát… Muôn vật đều vô ngại nên tự tại…”**
Tự
tại, tự do, giải thoát là bản trường ca hùng tráng mà các bậc đạt đạo, cao nhân
như Trang Tử, Trần Thái Tông, Đức Phật… cùng các dật sỹ, thiền sư, hào sỹ, thi
nhân từ nghìn xưa đến nay thảy đều rộn rã hòa âm một cách phi thường:
Đường đi lên có chân nhân Trang Tử
Khúc cổ bồn ca chuyển kiếp đau
Thơ nghiêng cánh bướm lay hồn mộng
Ngọn bút Nam Hoa đạo ửng màu
Đường đi lên có Trần triều Thái Tổ
Tay nắm gậy thiền tay vó câu
Thế đạo suy vi cường khấu ngặt
Ngàn xưa đuốc tuệ rạng ngàn sau
Đường đi lên có Thích Ca Văn Phật
Pháp hội Linh Sơn mở đạo mầu
Một cánh hoa trao ngàn thuở ngát
Lời kinh Vô Tự vút từng câu
Đường đi lên ôi tuyệt vời minh triết
Có cái không bàn nghĩ được đâu
Ngã ư chánh giác vô sở đắc
Có cái tâm này vạn pháp thâu
Đường lên hỡi khách biển dâu
Ngắn bằng một niệm dài đâu chớp lòe
Ấy ai những khách đi về
Ngõ lên nẻo Giác chốn về nẻo Tâm
Nẻo
về của ý của tâm, chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến giải thoát, giác ngộ. Khi tâm
mình không mắc vướng sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không bị tham
sân si chi phối là giải thoát. Sự ràng buộc, dính mắc không phải lỗi của sáu
trần mà lỗi tại lòng mình còn chạy đuổi theo ngũ dục (tài, sắc, danh, thực,
thùy) đó thôi. Vậy chỉ khi nào, mình tự biết chuyển đổi nhận thức sai lầm thì
mới thoát khỏi trói cột, nô lệ. Khi mình dùng trí tuệ, quán chiếu vạn pháp
duyên sinh, vô ngã, không có thực thể gì hết, tức nhiên liền tự tại, giải
thoát. Giải thoát là đề tài tối thượng, như đại văn hào Henry Miller phát biểu:
“Kẻ sáng tạo kêu gọi con người chúng ta nên
trực nhận rằng: Tất cả mọi tự do vốn có sẵn trong bản thân mình rồi. Vì thế,
con người không cần phải bận tâm, lo lắng đến vận mệnh thế giới (vì đó không
phải là vấn đề của hắn) mà chỉ nên lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính
mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả…”
Bài
ca tự tại, giải thoát đó vẫn ngân vang trong từng hơi thở, từng giây phút miên
trường, thường xuyên hiện hữu bất cứ nơi nào có mặt chúng ta. Có điều, mình có
nghe ra mà hòa điệu, hòa âm, nhập diệu cùng khúc hát tự do nọ được hay không
thôi? Có người đã nhập diệu cung đàn giải thoát đó và đã sống phiêu bồng khắp
năm châu bốn bể, để hát lên bài ca vi diệu ấy. Hãy nghe Krishnamurti trình bày:
“Muốn giải thoát, đừng trông cậy vào tương
lai, vì tương lai không bao giờ cùng, nếu ta chưa hiểu thì tương lai cứ kéo dài
mãi. Còn hiểu rồi thì giải pháp nằm ngay đấy, nơi gặp nhau giữa quá khứ và
tương lai, nghĩa là ở chỗ hiện giờ. Hiểu được như vậy là vượt qua tất cả định
luật, tất cả giới hạn, là thoát khỏi nghiệp báo, luân hồi. Những thứ ấy, dẫu là
sự kiện thật đi nữa, vẫn mất hết giá trị, vì con người đã thường trụ rồi ở vĩnh
cửu.
Muốn sống ngay cái hiện giờ ấy, cái chân
cửu ấy, ta phải xa lìa tất cả những gì thuộc ngày xưa cũ hoặc mai sau. Tất cả
những tín ngưỡng điêu tàn, những lý thuyết hư ngụy, những thần tượng giả tạo…
Các thứ ấy phải mất đi. Khi đó, ta mới đích thực sống - như đóa hoa tỏa khắp
hương thơm cho thiên hạ - tập trung hẳn vào cái hiện giờ đây, nó không phải là
ngày hôm qua hay mai sau, nó không xa cũng không gần. Cái hiện giờ ấy, bao dung
cả lý và tình trong một nhịp thái hòa.
Cái hiện giờ ấy là cái thực tại và chỉ tự
nơi đó mới hoàn thiện được cuộc sống. Cái hiện giờ ấy, hiển hiện bất cứ đâu, nó
hiện thực ở mỗi người chúng ta, toàn vẹn, tròn đầy, tự tại, giải thoát…”****
Bản
ngã, chấp chặt vào cái ta là một căn bệnh trầm trọng, nhưng cũng có thể chữa
hết bệnh được, nếu tự mình muốn chữa. Có khi nào, chúng ta ngồi đối diện với
chính mình để tự hỏi, mình là ai chưa? Triết gia Nietzsche viết Ta Là Ai? một tác phẩm thâm hậu, do Phạm
Công Thiện chuyển dịch ra Việt ngữ, nói về vấn đề này.
Ta
là ai? Mình là gì mà không hiểu thì cuộc sống hằng ngày trở nên khô khan, lãnh
đạm, vô cảm, rất nhạt nhẽo, vô vị, nhàm chán, toàn là điên đảo, vọng tưởng mà
thôi. Riêng Trúc Thiên thì đã nhiều lần chất vấn, kiểm chứng, quan sát, quán
chiếu ta là ai mà đang hiện hữu, nói cười, đi đứng, qua lại, ra vô trong từng
hơi thở:
Thở ra khôn hẹn thở vào
Thở ra ta khác thở vào khác ta
Nỗi lòng như thác nước sa
Dứt thôi lại nối dở ma dở người
Phút đau chối bỏ phút cười
Tâm tư chìm nổi mấy vời hóa sinh
Ai son sắt ai phụ tình
Ấy ai hay chỉ bóng hình đảo nhau
Suy tư lừa trắng mái đầu
Tưởng leo hết núi ngờ đâu còn trời
Ý nào ý chẳng đùa chơi
Thơ nào chẳng xới mạch đời vu vơ
Ai chàng ai thiếp ờ ơ
Ai soi gương chẳng ngẩn ngơ nỗi mình
Ngồi buồn nghĩ quẩn lo quanh
Suy tư cho lắm cũng đành vô tư
Suy
tư, suy niệm, vọng tưởng là cái nghiệp dĩ oái oăm của con người. Chính vọng
tưởng, suy niệm, suy tư đã tạo ra mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Nó bày đặt,
tổ chức ra tôn giáo, đoàn thể, chủ thuyết, chủ nghĩa, giáo điều, luật lệ, lập
trường, quan điểm, kết bè, chia nhóm, phe này, phái kia… để rồi đối nghịch
nhau, đố kỵ nhau, tranh chấp nhau, hơn thua nhau, hạ bệ nhau, giành giật lợi
lộc, tấn công khốc liệt nhau, từ trong gia đình, anh em ruột thịt đến bên ngoài
bà con chú bác, thân bằng quyến thuộc, họ hàng làng xóm giữa quê hương, đất
nước hay trên toàn cõi mọi chốn miền trên thế giới.
Hậu
quả tai hại là dẫn đến chiến tranh, không còn là một lãnh thổ, địa phương mà
lan tràn ra khắp hoàn cầu rồi. Chao ôi ! Nồi da xáo thịt, tương tàn tương sát,
ác độc chém giết nhau, đẫm máu lệ ngập tràn từ ngàn xưa cho đến ngày nay…
Còn
vô tư, vô tâm, vô niệm là trạng thái của bậc giải thoát, giác ngộ, vượt ra
ngoài mọi tuyệt vọng, bế tắt, khổ đau, sầu hận, đảo điên, phiền não… Vô niệm là
không có vọng niệm. Khi tiếp xúc với trần cảnh ở mọi nơi chốn mà tâm mình không
hề dính mắc vào bất cứ cảnh trần nào cả.
Tâm
mình không còn khởi niệm phân biệt lúc xúc cảnh, đối duyên, thoát ly mọi định
kiến của tự ngã, vượt lên trên mọi sai biệt, mọi đối đãi, nhị nguyên như : Phàm
thánh, chánh tà, trí ngu, chân giả, được mất, khen chê, mê tỉnh, tịnh động,
mộng thực, thuận nghịch, sinh diệt, thiện ác, hơn thua, phải trái, đúng sai, đẹp
xấu, lớn nhỏ, cao thấp, thương ghét, dở hay, tăng giảm, dơ sạch, có không, sống
chết…
Cho
nên, những ý niệm của mình về thực tại thì không phải là thực tại nguyên trinh.
Mình phải vượt qua những ý niệm, khái niệm. Nếu mình cứ khăng khăng cho khái
niệm, ý niệm là thực tại thì mình không bao giờ đạt tới cái chân như của vạn pháp.
Lục Tổ Huệ Năng nói rõ ràng:
“Pháp môn của ta lấy Vô niệm làm tông, Vô
tướng làm thể, Vô trụ làm gốc. Như thấy hết thảy pháp mà tâm không ô nhiễm cũng
không vướng mắc, ấy gọi là Vô niệm. Hoạt dụng hết thẩy chỗ mà chẳng mắc vướng
chỗ nào, chỉ cần thanh tịnh bản tâm, để cho sáu thức đi vào sáu căn, đối với
sáu trần không nhiễm, không dính. Đến đi tự do, ứng dụng vô ngại, tức là Bát
Nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh Vô niệm.”
Trúc Thiên cũng lý giải rành mạch: “Sanh tâm là tự nơi tâm bỗng dấy lên một
niệm, nhân đó cái toàn thể bị tách đôi, có tâm và có niệm, tức là có phân biệt
vậy. Niệm là phân biệt.
Nếu ta không nghĩ, nếu một niệm không mống
lên, thì đó là cái toàn nhất của con người, thể nhập làm một với cái toàn thể
của cuộc sống và của vũ trụ. Đó là trạng thái nhập đạo. Thân không còn là thân
riêng rẽ mà là quả của Bồ đề. Tâm không còn là tâm khác biệt mà là hoa của linh
tri.
Quét sạch hết tạo tác của tư tưởng, đó là
cảnh giới bặt hết mâu thuẫn. Vậy nên, đừng đuổi bắt gì hết mà cứ tự nhiên,
thuận tánh trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là cảnh giới vô niệm, vô sinh, nhưng
vô niệm không có nghĩa là diệt niệm (lau tâm) vì tâm vốn vô nhiễm, không có gì
phải lau. Nếu hiểu vô niệm, vô sinh là bóp chết tâm hồn và thể xác, thì tốt hơn
hết nên cầu đạo ở người gỗ, ở cái bù nhìn, hơn là đến cửa Thiền.”***
Như vậy, vô niệm là khi tiếp cận trần cảnh,
vạn pháp, mình vẫn biết rõ ràng, cái gì ra cái nấy nhưng tâm vẫn thanh tịnh,
như như bất động, không nhiễm dính, không bị trói cột, lôi cuốn, không chạy
theo đủ thứ hình dáng, âm thanh, màu sắc xanh vàng, đỏ trắng… mà chụp bắt, nắm
giữ, chiếm hữu chi hết.
Đến
đi tự tại, ra vào tự do, đó là thái độ của bậc đại trí, đại nghệ sỹ ứng cơ tiếp
vật giữa cuộc đời. Chỉ có những tấm lòng thong dong, rỗng rang, vô niệm, vô tâm
thì mới có thể kiến chiếu diệu nghĩa, khám phá ra những cảnh giới mới lạ, u
huyền, như Trúc Thiên đã thấy:
“Hơn ai hết, người nghệ sỹ thường được diễn
phúc sống những phút giây bao la không suy niệm ấy, tâm tư ngưng đọng, trí óc
lắng im, những giây phút “không” để cho nghệ thuật tự chọn chữ, gieo vần, pha
màu, nắn cung bậc. Say sưa trong sáng tạo, người văn nghệ hòa đồng với tác
phẩm, với đất trời, thân chứng vào vĩnh cửu.
Vĩnh cửu không có thời gian, nên văn nghệ
phẩm không hề lỗi thời, giữa dòng biến dịch, chứng lẽ Bất Động.
Vĩnh cửu không có tư tưởng, nên văn nghệ
phẩm không nhằm nói lên gì hết, thể hiện cái Vô Cùng.
Vĩnh cửu không có tâm, nên văn nghệ phẩm tùy
duyên mà thành tựu cái Tâm Đại Đồng…”****
Tâm
đại đồng là tâm thiền, viên giác, lý sự viên dung. Từ đó, thi nhân dấn bước
đăng trình giữa muôn chiều, phiêu du lên tận đỉnh Thái Sơn ngắm mây trời vạn
đại, xuống vùng biển xa xăm Hắc Hải dạo chơi, rồi đôi khi, bồng bềnh trên mấy
bồng lai tiên cảnh hay dưới trần ai, cõi tục lụy, phù hư, như bài thơ Tiêu Dao phóng khoáng:
Hào quang chắp cánh dạo thời gian
Ngọc kết đường mây rợp sóng đàn
Chân đạp Thái Sơn chìm Hắc Hải
Tay lùa Vô Cực nối Tương Quan
Lên tiên xuống tục còn rêu dấu
Vào thực ra mơ lửng ý bàn
Bút đón hoa đưa tiền kiếp dậy
Thiếu gì hào kiệt với hồng nhan
Hồng
nhan, thục nữ, người em gái thanh xuân, những nàng thơ trên mặt đất, tự bao
giờ, vẫn chân thành mời gọi chúng ta, những khách chinh phu, khách quan san,
khách tang du, khách trần gian… một cách tha thiết, hãy cùng nhau cạn chén rượu
đời trăm năm cho thấm thía nghĩa tồn sinh. Hãy sống trọn vẹn từng phút giây,
bây giờ và ở đây cho thật viên dung, trọn đầy:
Ngày sắp hết xin anh dừng bước lại
Cạn cùng em ly rượu – khách chinh phu
Rồi hồ thỉ mặc sầu ran ngọn ải
Khoảnh khắc này đủ vi vút nghìn thu
Đêm sắp hết xin anh dừng bước lại
Cạn cùng em ly rượu – khách quan san
Rồi góc biển mặc mây đùn khắc khoải
Cảm thông này đủ nắng dậy cồn hoang
Giờ sắp hết xin anh dừng bước lại
Cạn cùng em ly rượu – khách tang du
Rồi sau đó mặc mưa rào nắng quái
Tình chúng mình trăng gió đủ vi vu
Đời sắp hết xin anh dừng bước lại
Cạn cùng em ly rượu – khách trần gian
Rồi trên nẻo luân hồi gom cỏ dại
Nắm tay nhau ta dựng lại thiên đàng
“Nắm tay nhau ta dựng lại thiên đàng” cùng chung vai lập
lại cuộc sống. Một cuộc sống thông thường, bình thường mà vô cùng phúc hạnh,
thanh bình, chan chứa tình thương như Krishnamurti đã nói:
“Cái mà Đức Phật gọi là Niết bàn, Chúa Giê
Su gọi là Thiên đàng, chính cái ấy tôi gọi là Cuộc sống. Cuộc sống không gì hơn
là tình thương. Người có tình thương mới thật là tâm đạo, vì đạo chân chính
không dựng trên tín ngưỡng, giáo điều. Người có tình thương mới thực có đạo
tâm, dù thương một người hay thương nhiều người.
Tình thương là cái hiện tiền, cái tột cùng,
cái không thể đo lường được… Có thể yêu thương nhưng không mắc vướng vào một
người nào, vào vất cứ gì. Đó là mức chí thiện của đời sống tình cảm. Phải tách
lìa tất cả nhưng cũng vẫn thương yêu tất cả, vì tình thương là sự bừng nở của
cuộc sống.”****
Không có bắt đầu cho nên chẳng có chấm dứt,
con người chúng ta vốn chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu“vô sở tòng lai diệc vô sở khứ” hay “ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” là
như thế. Thành thử, trên vạn nẻo đường cô lữ, độc hành ca, một chiều bữa nọ,
thi nhân dừng gót sơn xuyên lại giữa nơi chốn không miền.
Miền chốn ấy ở đâu? Phải chăng, đó là cõi tâm ban sơ, nẻo thiền nguyên
ủy mà suốt từ thượng cổ, biết bao kiếp người đã trùng điệp, tiếp nối, dấn bước
bươn bã đến rồi đi chập chùng, thấp thoáng giữa thiên thu vời vợi… Để cho lời
thơ của thi nhân ngân lên, vọng dài trong mưa nắng, gió sương, trăng huyền
tuyệt bích:
Tinh cầu chung một pháp âm
Sinh linh chung một hướng tâm y về
Ta bà chung khúc bồ đề
Bồ đề hành khúc y về một tâm
Tâm
là Phật, Phật là Thiền, Thiền là Đạo, Đạo là Thơ cùng hòa quyện nhau như hình
với bóng, không bao giờ rời xa, cách biệt nhau. Thấu được lý nhất như “Tất cả là một, một là tất cả” của Hoa
Nghiêm ấy, nên thi nhân xem mọi sự như chơi:
“Thì ra, những gì siêu việt nhất, con người
có thể thành tựu đều là trò chơi. Sống là chơi. Làm văn nghệ là chơi. Yêu là
chơi. Làm thiện là chơi. Cho đến nhập định cũng là chơi nốt – du hý tam muội.
Không gì chẳng là trò chơi. Trò chơi của những thằng bé. Con người muôn thuở
vẫn là thằng bé. Dòng năng lực luân lưu trong vũ trụ có bao giờ già cỗi đâu.
Ở đây, Thơ gặp Đạo. Thi sỹ là “thằng bé nó
hay chơi”, đạo sỹ là “đứa anh nhi nằm trong lòng mẹ.”
Mang kiếp thương vay, người thơ đau cái đau
của thế nhân, gắn liền vào nỗi đau của nhân thế: “Khanh thị hà nhân ngã thị
thùy” Trộn lẫn vào cát bụi, người đạo lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, chung một
nhịp cảm thương vô hạn: “Bồ tát Duy Ma Cật bệnh vì chúng sinh bệnh.”
Thơ và đạo thành tựu trong cuộc sống cái
tâm đại đồng, bao hàm cả quá khứ và vị lai, cả không gian và thời gian, cả nghệ
thuật và nhân sinh, cả tri và hành, bao hàm tất cả và chảy tan, tiêu dung tất
cả. Con người hiện nguyên hình là điểm anh linh của Vô Cực, suốt thông từ trong
ra ngoài, từ ngoài vào trong, hòa nhịp trong thơ, viên dung trong đạo. Không gì
chẳng là thơ. Không gì chẳng là đạo. Con người phục hồi trọn vẹn thể tánh người
– con người của Đạo và Thơ…”***
Thơ
và Thiền là bước đi cùng tuyệt của Trúc Thiên, suốt bình sinh trong cuộc sống.
Bước đi tri túc, thung dung, hào phóng, thõng tay vào chợ, có lúc nghêu ngao
khúc Phóng Cuồng Ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ:
Trời đất liếc trông hề sao thênh
thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoài
phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương…
Có
khi cao hứng, ngâm nga Chứng Đạo Ca của thiền sư thi sỹ Huyền Giác:
Đi cũng thiền ngồi cũng thiền
Nói im động tịnh thảy an nhiên
Ví gặp gươm đao thường nhẹ hững
Giá nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh…
Nhiều
lần quá đỗi lâng lâng, say sưa, hòa điệu hát theo Khúc Tình Thương Ca của
Krishnamurti:
Ôi trùng dương tràn ngập lòng ta
Một ngày sống đủ trăm mùa hạ
Bạn ơi! Nơi anh ta ngắm khuôn mặt ta
Khuôn mặt Người Yêu thương mến lạ…
Rồi
tự trào, cảm thán bằng những vần thơ tiêu sái của chính mình, phát ra từ một
trái tim hiểu biết, thấu triệt lẽ tử sinh. Thấy sinh tử như hoa đốm giữa hư
không, nên chuyện đến đi, còn mất, vui buồn, sướng khổ… đều xem như vô sự, cười
vang sảng khoái, hoan hỷ, nhẹ nhàng buông xả, hát ca:
Trúc Thiên nay đã trúc đầu đà
Gậy vác ngang vai la lý la
Vứt hết sau lưng ba tiếng khóc
Reo vang giữa cuộc một lời ca
Hẹn cùng thế sự câu vô sự
Góp với phồn hoa cảnh giả hoa
Chớ hỏi thị phi nhiều nỗi bận
Trúc Thiên nay đã trúc đầu đà
Nhà
thơ Trúc Thiên ghé lại mặt đất, trần gian này từ ngày 12 tháng 4 năm 1920, chơi
rong một cách phóng khoáng, ngoạn mục đến ngày 5 tháng 4 năm 1972 mới giã biệt
cõi tạm này. Rồi tiếp tục lên đường, viễn phương hành qua chơi cảnh giới khác,
bên kia chốn miền xứ lạ trong siêu hình, vô ảnh, vô tung tích. Tuy nhiên, vẫn
còn đây những tác phẩm tâm đắc của thi nhân, vẫn thắp lửa huy hoàng sáng tạo,
khơi mở nguyên khí trong từng hơi thở của nhân sinh, từng điệu thở nhiệm mầu,
sâu thẳm:
Mầu nhiệm như chưa từng đến
Hiển hiện như chưa từng đi
Không
đến không đi… hòa nhịp cùng cung đàn Bát Nhã: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất
tăng bất giảm…” Thực tướng của vạn pháp là vô tướng, không sinh không diệt,
không dơ không sạch, không tăng không giảm… Khi thấy muôn loài vạn vật trong vũ
trụ, càn khôn, từ xưa nay vốn chưa từng đến cũng chưa từng đi đâu hết giữa pháp
giới Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi, nên thi nhân quán chiếu:
“Quán xét đến chỗ tột cùng thì tất cả đều là
ngôn từ mà còn lại chỉ Cái Toàn Thể, ứng dụng dưới vô số hình thái khác nhau.
Con người là một Cái Toàn Thể. Cuộc sống là một Cái Toàn Thể. Tâm thức là một
Cái Toàn Thể. Vũ trụ là một Cái Toàn Thể. Cho nên: “Ai” cũng là tự tánh, “ý” cũng
là tâm thanh tịnh, “phân biệt” cũng là trí bồ đề.”***
Thế
nên, trên cuộc lữ thi tưởng xứ, một chiều phiêu linh viễn mộng, tôi bỗng nghe
rung ngân tiếng thơ Chuyển Một Hướng Say của
Trúc Thiên mà vô cùng cảm khái. Cảm khái đến độ xuất thần, hân hoan, khi thưởng
thức những tác phẩm thâm uyên, tuyệt diệu của Bồ Đề Đạt Ma, Huyền Giác, Tuệ
Trung Thượng Sỹ, Suzuki, Krishnamurti… do Trúc Thiên chuyển dịch, giới thiệu,
tôi đã tìm đến thăm Thanh Tú, con gái của thi sỹ, đang mở quán cà phê Thúy Vi
tại Phú Nhuận, Sài Gòn.
Rất
vui mừng, khi biết Thanh Tú đã cho tái bản lại 9 tác phẩm của Trúc Thiên viết,
dịch thuật: Chuyển Một Hướng Say, Sáu Cửa
Vào Động Thiếu Thất, Chứng Đạo Ca, Tuệ Trung Ngữ Lục, Thiền Luận, Cốt Tủy Của
Đạo Phật, Tranh Chăn Trâu Đại Thừa Và Thiền
Tông, Hiện Tượng Krishnamurti, Đường Vào Hiện Sinh, nên tôi xúc cảm, làm
bài thơ Trúc Thiên Chuyển Một Hướng Say này,
như một lời vô ngôn gởi vào thiên thu, hòa âm thâm mật với bậc tài hoa thi sỹ:
Hiện tượng Krishnamurti
Đi trên mặt đất tân kỳ thong dong
Tuệ Trung ngữ lục rúng lòng
Chứng đạo ca khúc dội trong tim này
Nên về chuyển một hướng say
Chăn con trâu nọ giữa ngày tháng chơi
Say thơ say đạo say đời
Thình lình đốn ngộ bừng phơi đang là
Huyền Giác Bồ Đề Đạt Ma
Xóa tan mê muội sáng lòa quang minh
Từ đây thấy rõ chính mình
Không là chi hết nên sinh động hoài
----
(Viết tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện,
Hàm Tân, Bình Thuận, 1. 6. 2017)
* Trúc
Thiên. Chuyển Một Hướng Say. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970
** Trúc
Thiên. Tranh Chăn Trâu. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1972
***
Huyền Giác. Chứng Đạo Ca, Trúc Thiên dịch. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970
****
Trúc Thiên. Hiện Tượng Krishnamurti. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1969
Thơ
Trúc Thiên (chữ nghiêng) trích trong Chuyển Một Hướng Say. An Tiêm xuất bản,
Sài Gòn 1970
----
© Tác giả giữ bản quyền.. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 10/06/2017
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét