Trần Vấn Lệ: Dòng Sông Con Sông (Los Angeles - Hoa Kỳ)
Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017
Một hôm "phượt" face book, tôi đọc Bích Nga một câu: "Sông ơi trôi đi đâu?". Bích Nga đứng ngay trên con sông không sâu... vì sông không có nước! Sông ở California chắc cũng đi "phượt" ở đâu, hết rồi. Mùa mưa, sông vẫn vơi, vì mưa rất là ít. Nhiều con sông đen nghịt bầy quạ đậu kiếm ăn. Nhiều con sông lang thang... trong mắt người giọt lệ.
Minh họa từ Internet
Tác giả Trần Vấn Lệ
Bút danh khác Trần Trung Tá, Lê Phụng An, Lê Nhiên Hạo...
Sinh ngày 31-05-1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Trưởng thành và dạy học tại Đà Lạt
Hiện định cư tại Los Angeles - Hoa Kỳ
Email:
_____
DÒNG SÔNG CON SÔNG
Tôi viễn xứ nhận ra điều có lẽ
Tim mỗi người đêu có một dòng sông?
Kai Hoàng
***
Một hôm "phượt" facebook, tôi đọc Bích Nga một câu: "Sông ơi trôi đi đâu?". Bích Nga đứng ngay trên con sông không sâu... vì sông không có nước! Sông ở California chắc cũng đi "phượt" ở đâu, hết rồi. Mùa mưa, sông vẫn vơi, vì mưa rất là ít. Nhiều con sông đen nghịt bầy quạ đậu kiếm ăn. Nhiều con sông lang thang... trong mắt người giọt lệ.
California này là thế. Đọc thơ Kai Hoàng, tôi nhận ra điều có lẽ mỗi trái tim người tha hương đều có một dòng sông! Đúng như...boong! Lưu Trọng Lư từng nói: "Mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội trong tròng mắt em!". Nhiều con sông đổ ra biển thì... thành biển. Đúng thôi! mà biển khi người tha hương vượt sóng lên bờ rồi thì đâu còn có nước mặn nữa, chỉ còn nước mắt! Hồi nào “Một là con nuôi Má, hai là con nuôi cá, ba là Má nuôi con", may mắn được dung thân có công ăn việc làm, có tiền con gửi về hay mua quà gửi về nuôi Má, là điều thứ nhất, là điều ao ước nhất! Còn hai điều kia, không may bể thuyền, bị cá đớp, con người thành mồi ngon của cá. Và, cái ít không may hơn, lỡ mà bị "bộ đội duyên phòng" chớp được, conchắc chắn đi tù..., lúc đó Má tha hồ lặn lội thăm nuôi con! Sau ba mươi tháng 4 Việt Nam mình, chuyện “bỏ đi” như nước chảy đá mòn... Tôi viết con số 4, bạn à, tôi không viết chữ Tư... vì ai cũng đếm một, hai, ba, bốn. Tháng thứ tư của năm là tháng bốn, đúng chứ? Đúng...y chang! Hầu như người mình ai cũng biết có một nhà thơ...thường giả vờ khùng là Bùi Giáng. Ông làm thơ thả giàn, nhiều vô số kể, nhà văn Mai Thảo, tác gỉa nổi tiếng với truyện ngắn đầu đời của mình là Đêm Giã Từ Hà Nội cho biết là có đêm ở lại tòa soạn báo Văn ở Sài Gòn, Bùi Giáng làm cả ngàn bài thơ, không chuyện gì mà ông né, kể cả chuyện ông viết những câu thơ van nài nghệ sĩ Kim Cương đái trên mồ ông vài giọt… khi một mai ông chết! Vì làm thơ nhiều quá, ông phải để nhiều bút hiệu... cho vui.
Ông từng có bút hiệu Báng Giùi, Bùi Văn Bốn, Bùi Văn Bốn Lù. Cái bút hiệu Bùi Văn Bốn của ông động lòng trắc ẩn của mộtnhà thơ ngoài nước Việt Nam, người ấy khoe mình từngdựa hơi Bùi Giáng, kết thân cùng Bùi Giáng những hai mươi năm hơn khi còn “sanh hoạt” ở thành phố Hồ Chí Minh, trước khi Bùi Giáng đột ngột chuyển sang từ trần và thi sĩ ấy đột ngột chuyển sang... đi Mỹ - tại Mỹ, chàng “mần” nhiều bài thơ nhớ nhung Bùi Giáng và noi gương Bùi Giáng, chàng "sáng tạo" chữ nghĩa theo “kiểu” của Bùi Sư Phụ… là những bài thơ “chuyên” nói lái... lái dủm, giải phóng, tồn lưu, nắng cực… Con số 4 mà tôi viết cũng xin được coi là tí tí dựa hơi một thi hào vĩ đại là Bùi Giáng vậy nha! Bạn ơi, bạn thử nói ngày-ba-mươi-tháng-bốn-năm- bảy-nhăm, đi, nghe nó mát cái miệng biết đến ngần nào! Hút thuốc lào và ăn nói có “văn hóa” như thế mới là người văn minh chớ bộ! Chẳng chi cũng thể hoa nhài, chẳng chi chi cũng là người Tràng An, mà lại!
Kai Hoàng, thật tình tôi mới thấy tên một người thơ, lần đầu nhờ tôi “phượt” trên cái website vanchuongviet.org. Dù chưa đọc được thơ Kai Hoàng (nếu đã in thành sách hay trên báo nào), tôi vẫn thích một cách sững sờ, một cách không ngờ, hai câu nói như tưng tửng: Tôi viễn xứ nhận ra điều có lẽ / tim mỗi người đều có một dòng sông.Tôi không giấu là tôi rất mềm yếu khi đọc được một bài thơ của Trúc Thông, ngắn thôi, trước Kai Hoàng, hơn mười câu thì phải, trong đó có sáu câu làm tôi nghẹn ngào:
…Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối…một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh!
….
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió, người không thấy về!
Trúc Thông chắc làm xong mấy câu “đoạn trường thất thanh” đó không ngó ra bờ sông nữa, mà úp mặt? Tôi tưởng tượng vậy vì tôi đang úp mặt! Không có cách nào, không còn cách nào, không biết làm sao… mà tôi tràn trề nước mắt! Lá ngô lay ở bờ sông, ờ sông vẫn gió, Trời ạ, Trời ơi, bờ sông vẫn gió!
Tôi sinh ra ở Phan Thiết, học tiểu học và trung học đệ nhất cấp ở quê nhà, trung học đệ nhị cấp thì lên Đà Lạt học tiếp và Đà Lạt tôi ở hoài hơn ba mươi năm, nếu không có biến cố lịch sử ba-mươi-tháng-bốn-bảy-nhăm, thì tôi ở hoài với Đà Lạt. Những giai đoạn đi lính có xa Đà Lạt nhưng không phải là từ biệt Đà Lạt. Có thể Đà Lạt sẽ là Vùng Năm Chiến Thuật của tôi lắm. Đà Lạt ơi, tôi thương nhất đời tôi, xứ sở lạ lùng: bạn đi giẫm nát núi rừng Đà Lạt bạn không hề đạp gai vì không có loài cây nào có gai! Cây hoa hồng có gai thật và chắc là loài cây (hoa) duy nhất, là vũ khí của các nàng. Muốn có cây hoa hồng, người ta nghiên cứu tạo nó ra từ cây hoa tầm xuân… mà hoa tầm xuân thì chỉ nở ra cánh biếc! Em có chồng rồi, anh biết! Người con gái ngồi trên lưng voi đóng vai Trưng Nhị, đã đi lấy chồng từ năm mười bảy. Trăng khuyết rồi khuyết mãi trong hồn tôi… Tôi nhẫn nha lang thang nãy giờ là tôi muốn nói tới con sông Cà Ty ở Phan Thiết. Con sông không dài lắm, chừng hai mươi cây số ngàn, phát nguyên từ vùng sơn cước cuối của dãy Trường Sơn, ở đó có một cái ga xe lửa, bây giờ mang tên Ga Bình Thuận, trăm năm trước nó là ga Mương Mán(g). Đúng nó là Mương Máng do bởi người Pháp đào một cái hồ chứa nước ngọt, họ đào một con mương dẫn nguồn nước chính vào hồ chảy qua một cái máng rất lớn, dân địa phương thấy cái mương cái máng thì gọi tên đây là Mương Máng. Năm 1954, đồng bào miền Bắc di cư ồ ạt và ào ạt vào Nam, nhóm người này là dân mạn ngược ở miền Bắc gồm có người Mường, người Mán, người Lô Lô…, nói gọn là dân-thiểu-số… được chính quyền Ngô Đình Diệm “đặt đây ngồi đó” thôi, rồi thì vùng đất này có tên nửa vời Mường Mán, và câu ca dao biến thành câu hát ru con: “Tiếc thay cây quế giữa rừng để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!”. Nước trong cái hồ chứa khi ở cái mức nhất định thì trào ra ngoài và theo dòng có sẵn chảy về Phan Thiết. Đó là sông Cà Ty, tên đọc từ tiếng Thượng, viết K’ Ty, đọc Ca Ty, nhưng người Việt mình thích dấu huyền nên nó thành Cà Ty. Mấy chữ K’rongpha, K’Tang, K’ Đú, K’Loon…, người mình đọc Cà Rông Pha hay Sông Pha, Cà Tang, Cà Đú, Cà Loan… Nói đến Cà Ty, tôi nhớ con sông Cà Ty lắm. Con sông này tôi đã từng lội qua, không sâu, tôi từng tắm, giỡn hồi còn con nít học đệ thất, đệ lục. Nó là ký ức tuổi thơ của tôi, với tôi, hồi tôi nhỏ, nó chỉ là con sông… không mơ mộng, mơ mòng gì cả. Nhưng với những người làm thơ chắc chắn có vấn đề! Tôi gặp Hoài Khanh một lần ở Đà Lạt, tôi nhắc cho ông ấy nghe một bài thơ ngắn, lục bát, chỉ có bốn câu, của ông ấy nằm mãi trong đầu tôi. Với tôi, nó hay tuyệt. Hoài Khanh bảo tôi đọc đi. Và…
Một dòng xanh mấy niềm sâu
Chợt nghe gió lạnh từ đâu thổi về
Giật mình sương rụng trên đê
Người đi rồi chẳng thấy về, chao ôi!
Tôi đọc xong, Hoài Khanh rưng rưng…Ông rút trong cái cặp táp, cartable, cuốn truyện ngắn Chị Tôi Dế Mèn Và Gió ký tặng tôi. Hoài Khanh làm bài thơ trên đặt tựa đề Cà Ty tôi thấy đăng trong giai phẩm Mây Thu do Tạ Tỵ chủ trương. Ông không sống thường ở Phan Thiết mà có cơ ngơi trong Biên Hòa.
Bài thơ Cà Ty theo tôi từ năm 1958… Năm 1978, cải tạo tại K’Loon, đêm trăng tôi tới phiên trực gác anh em, ngồi trên bờ sông nhỏ, ngó trăng, cảm khái bài thơ ấy, nhớ lại. Giật mình. Không phải vì sương rụng mà vì Hoài Khanh làm thơ chỉ có bốn câu mà mắc lỗi: hai chữ về! Bài thơ vẫn hay! Vẫn hay? Chắc vậy… vì cái bài Sen cũng chỉ bốn câu, trật luật thơ lục bát, vẫn cứ là hay, mãi mãi:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Bài Sen này tôi phải học thuộc lòng từ năm học lớp Đồng Ấu ở trường Sơ Học Phú Trinh Phan Thiết, nó đi theo tôi từ năm 1948, 1949 đến ngày tôi chết! Tôi nhớ bài Sen, nhớ luôn cô giáo dậy vỡ lòng tôi là cô Trần Thị Sen. Tôi cũng không bao giờ quên năm lớp Dự Bị tôi học thầy Trần Văn Cúc, năm lớp Sơ Đẳng tôi học Thầy Trần Thiện Mưu, năm lớp Nhì tôi học Thầy Nguyễn Mô, năm lớp Nhất tôi học Thầy Nguyễn Khánh. Từ khi lên lớp Đệ Thất tới chấm dứt ở lớp Đệ Nhất, tôi chỉ học Thầy, không hề có cô giáo nào dạy tôi. Nhưng học Sư Phạm thì có cô Ưng Sâm (tên chồng), cô người Huế, thấp, đẹp như Má tôi và hiền chắc hơn Má tôi! Cô về hưu hình như năm 1963, tôi thường có viết thư thăm vào dịp Tết khi tôi chưa vào lính, địa chỉ của cô thật dễ thương và “hên” vì chín nút: Bà Ưng Sâm, 18 đường Quang Trung, Nha Trang. Tôi cũng rất thương Thầy Trần Quý Tuệ, sao Thầy dễ thương kỳ lạ, Thầy truyền cho tôi cái tình thương của người Thầy đến với học trò, tôi đi dạy học hơn mười bốn năm, học trò cũng thương tôi quá là thương. Địa chỉ nhà Thầy tôi: Ông Trần Quý Tuệ số 9 đường Phương Sài Nha Trang. Các Thầy, các Cô dạy tôi bây giờ đều ở cõi khác… Giật mình sương rụng trên đê!
Rồi… con sông, dòng sông, sương rụng, lá bắp lay ở bờ sông…lại chuyển động trong tôi, lại lay động trong tôi… và cào cào hai con mắt tôi! Cảm ơn Kai Hoàng nha, hai câu thơ của anh giúp cho tôi biết tôi còn sống, còn mơ màng bát ngát một con sông! Anh, hay là tôi nhỉ? Tôi viễn xứ nhận ra điều có lẽ: Tim mỗi người đều có một dòng sông! Tôi muốn nghe hoài hoài câu gào thét của Bích Nga khi Bích Nga đứng trên mặt đáy của dòng sông cạn khô Los Angeles: “Sông Ơi Trôi Đi Đâu?”
Vuhnid
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 17/06/2017
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 17/06/2017
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét