Một ngày trước bão – Tản văn Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình)
Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016
Ngoài
trời lúc này tạnh ngắt những giọt mưa. Những cơn gió đỏng đảnh thét gào rồi lại
dịu đi như những cơn gồng mình của người đàn bà đau đẻ. Mọi người chia tay nhau
ra về. Đã mười giờ trưa, chiều nay bão về, tâm bão sẽ qua đây. Ngày mai bão sẽ
tan, những ngày tiếp theo là những ngày dọn dẹp, nhặt nhạnh và tẩy uế… Rồi đến
một ngày ta bỗng nhận ra một không gian mới, chỉ có điều chưa biết môi trường
lúc đó ra sao?
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đinh Ngọc Lâm
Hội viên HNV Việt Nam
Hội viên Hội VHNT Ninh Bình
_____
MỘT NGÀY TRƯỚC BÃO
Điếu
thuốc trên tay hờ hững thả những sợi khói mỏng mảnh bay lên, căn phòng tĩnh
lặng hiện về những hình ảnh của một thời rất xa thành một chuỗi trật tự trong
ký ức, khoảnh khắc như những con sóng của dòng sông cuộn chảy cứ nhấp nhô rồi
lại hối hả trôi đi… gợn trên khuôn mặt ông những nét vừa trầm tư vừa rực cháy.
Ông ngồi như thế, điệu bộ quen thuộc mỗi khi ông lặng thầm ngược về quá khứ.
Căn
phòng được bài trí tao nhã, mà ấm cúng lạ kỳ. Thường ngày khách đến với ông là
những người bạn già, họ là những người lao động, những cán bộ nhà nước loại
thường, thỉnh thoảng cũng có một quan chức cỡ này cỡ nọ.
Cũng
đã lâu lâu cánh đương chức ít đến thăm ông. Hôm nọ có mấy vị mới nghỉ hưu đến
chơi, họ phàn nàn: “Cánh trẻ bây giờ bận bịu đến tối mắt tối mũi, hiệu quả công
việc thì chẳng biết thế nào, nhưng Maraton trên quan lộ thì đang hồi quyết
liệt. Có loại chỉ biết răm rắp tuân theo, loại này thì suốt đời không khá lên
được, có cố mấy cũng đến yên thân là cùng. Loại có ưu thế, hậu duệ chẳng hạn,
hoặc cùng cánh hẩu, nặng cân nặng lạng thì nhanh chóng phất, nhanh chóng thu
hồi lời lãi. Sẽ đi đến đâu nếu chốn quan trường thác loạn. Những con sóng lớn
nhỏ cứ theo nhau đổ. Danh lợi, chức quyền, bè cánh, lợi lộc, ô dù… rồi cửa
quyền tham nhũng, hách dịch quan liêu… vớ va vớ vẩn. Những mệnh đề cứ tuôn ra
khắp đầu đường xó chợ, những từ ngữ đáng sợ như vi trùng, một thời thật hiếm
thấy trên thông tin đại chúng, cứ nghe là dị ứng, chạm nhẹ đã sởn da gà. Ấy thế
mà bây giờ nghe trên thông tin đại chúng nói và viết ra rả, bắt đầu thì dân
chúng còn hào hứng quan tâm theo dõi xem người ta điều trị cái quái thai sinh
ra từ cơ chế thị trường ra sao, nhưng dần dần có vẻ nhàm, không mấy người quan
tâm nữa, cán bộ công chức bây giờ cũng chẳng còn mấy sợ, dù có chủ định ám chỉ
cũng phớt lờ. Những nghị quyết, chỉ thị, bộ luật được ban hành ào ạt. Những
cuộc sinh hoạt, những cuộc vận động, phát động ầm ĩ chống những thứ đang tha
hoá trong suốt hệ thống từ thượng đến hạ tầng... Triển khai ngợp đầu như thế
thì còn hơi đâu mà nghĩ đến bạn bè, anh em đồng chí, đến thủ trưởng cũ đã nghỉ
hưu? Ấy là chưa kể đến khách khứa, tiệc tùng liên miên…”. Ông mỉm cười chua
chát. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ thì đời người hỏi có là bao. Con người
là vi thể của thiên nhiên, vòng đời là cát bụi. Ông tự hỏi mình về những gì ông
đang trăn trở, nếu một ngày kia ông về với cát bụi thì những suy nghĩ của ông,
những lý giải của ông và đến cả tên tuổi và hồn cốt của ông nữa liệu có còn giá
trị gì giữa muôn hình vạn dạng của dòng đời hậu thế ? Con tạo xoay vần, sau
đông tàn là đến mùa xuân (đến). Cuộc đời cũng vậy thôi, u uẩn rồi đến lúc cũng
phải nhận ra thiện ác, đúng sai. Như thời bao cấp, hoà bình rồi mà dân đói, cán
bộ công chức đói. Nông dân thì đổ tại thành thị ăn gạo của nông nghiệp mà không
làm ra của cải vật chất khác để phục vụ nông dân. Cán bộ công nhân viên chức
thì đổ tại cấp trên, cấp trên thì đổ tại cơ chế. Thế là ào ào chửi cơ chế, cuối
cùng thì cũng kịp đưa cơ chế ra mà “hỏi tội”. Tội nhân giết người vào tù rồi
mới ăn năn thì quá muộn, huống hồ thế cuộc đưa một đất nước đến suy kiệt mà
không kịp nhận ra thì tội lỗi chất chồng… Ông chậm rãi đứng dậy sắp xếp lại
trật tự của cái bàn trà, liếc nhìn đồng hồ rồi xách phích nước đã gần hết đi
sang phòng bếp. Vừa lúc đó vợ ông cũng trở mình tỉnh dậy, liếc nhìn sang bàn
đọc sách, biết là ông đã thức tới sáng. Bà chợt nhớ ra đêm qua đài báo bão.
Tiết
trời buổi sáng oi bức, những tán cây trước nhà như đang thấp thỏm hứng chịu
những cơn gió phũ phàng của bão đầu mùa. Nắng thiêu đốt nhiều ắt là bão lớn,
lác đác những giọt mưa nặng hạt đổi chiều, những luồng gió giật cục cuốn tung
những đám lá rụng đêm qua trên hè phố. Chuyển động của buổi sớm báo hiệu một
cơn bão lớn sắp bắt đầu.
Buổi
sớm, mấy ông bạn của ông đến chơi. Độ này ông có thêm những người bạn mới, họ
là những người biết ông khi ông còn công tác, bây giờ trở thành những độc giả
của ông. Ông cũng vui vì còn giữ được chất người. Kể cũng lạ, bao nhiêu năm làm
lãnh đạo, quản lý, khi sắp nghỉ hưu thì đổ đốn làm thơ. Ông bảo, cố gắng để
vui, có dâu bể lắm mới nhiều niềm vui, không có kiếp dâu bể thì làm gì có kiếp
đào hoa.
Một
người bạn hỏi ông:
-
Làm chính trị mà ông còn làm thơ vậy cái nào chi phối cái nào?
-
Cái này chi phối cái kia, cái này chế ngự cái kia.
-
Sao lại thế?
-
Cũng khó nói lắm, không ít người như thế đâu - Ông cười - Ở lòng người cả thôi.
Thơ là đời, là tâm sự của đáy lòng mà cũng là tri luận giữa “con” và “người”
trong cõi người. Tôi lấy thơ tôi để soi lại chính tôi, nếu các anh đồng cảm với
tác phẩm thì chắc các anh cũng đồng cảm với tác giả của nó đúng không? - Ông
lại cười, một thoáng buồn trên nét mặt - Trước đây tôi không dám viết, chỉ viết
để nhà tôi đọc thôi, khi lấy nhau, tôi mới biết là cô ấy cũng yêu thơ.
-
Thế ông sợ cái gì mà trước đây ông không viết?
-
Tôi sợ miệng đời. Miệng đời ở người tốt thì đúng mức, còn miệng đời ở người đố
kỵ nhỏ nhen thì trời trong cũng có sấm sét. Ví dụ, khi tôi đương chức cũng có
ưu có khuyết, vấp váp đôi chút dễ được mọi người chia sẻ. Bây giờ mà diễn lại
thì chắc không ổn, người ta sẽ bảo tôi là tại ông mải thơ với thẩn. Và còn đáng
sợ hơn là bị cấp trên quy chụp. - Căn phòng lắng xuống, ông nhẹ nhàng, giọng
trầm trầm - Có lần tôi vào phòng cấp trên, thấy trên bàn làm việc có mấy quyển
sách, tôi mới liếc nhìn thì người ta đã bảo biếu lại tôi vì không có thời gian
đọc. Tôi thận trọng cầm mấy quyển trên tay, chưa kịp cảm ơn thì người ta lại
bảo: “Thơ, văn thì giúp được cái đếch gì, mất thì giờ tiếp khách, họ tặng tôi,
tôi quẳng sang phòng thư ký, anh sang bên ấy thích thì cứ việc lấy”, rồi người
ta cười khì.
Cầm
chén trà trên tay, ông nói tiếp:
-
Tôi lạnh toát cả người, may mà tôi chưa tặng thơ người ta, tôi ngợ rằng người
ta đã loáng thoáng biết việc tôi làm thơ.
Một
người hỏi:
- Ở
cương vị ông mà cũng sợ đến thế sao?
-
Không phải là sợ người ta, tôi sợ là sợ cái vô cảm của lãnh đạo bọn tôi đối với
văn học nghệ thuật, mà văn học nghệ thuật là hình thức thể hiện sáng tạo của
văn hoá. Vô cảm với văn học nghệ thuật là vô cảm với công chúng, mà vô cảm với
công chúng thì quả là đáng sợ.
Ông
trở về với thực tại:
- Ở
tuổi chúng mình mà sự đời còn nhiều cái chưa biết được đâu, sự thực cái mẽ
ngoài của bọn tôi rõ là oách, đạo mạo, hào nhoáng, đi đâu cũng được đón tiếp
trọng thị, kính thưa, kính gửi, cơm bưng nước rót. Lắm lúc tôi ngượng lắm, tự
hỏi việc làm của mình đã xứng như thế chưa… Mà này, lắm lúc cũng chạnh lòng, “bố mình chưa
thờ được tử tế mà lại cứ phải đi thờ bố người ta mới khổ chứ”.
-
Thôi hôm nay không bình thơ nữa. - Người bạn mới nói - Chí phải, anh nói nữa
đi.
- Tôi lạc đề rồi, chuyển sang thơ nhé.
-
Không. - Một người nói - Hôm nay không nghe thơ nữa, tự nhiên hôm nay tôi lại
thích nói chuyện nhân tình thế thái. Đã lâu “Tiên sinh” cứ lảng tránh thời
cuộc, hôm nay xin mạo muội hỏi “Tiên sinh” một câu nhé.
Người
đặt vấn đề tên là Thư, trước đây anh ta là thầy giáo, cũng do thời cuộc mà về
hưu sớm, nghe đâu cũng thẳng đuỗn trong góp ý phê bình mà bị cấp trên định
kiến, không chịu được nên về hưu non. Cuộc đời Thư cũng chẳng được lành lặn,
bạn bè bảo anh ta ngang ngạnh đến mức gàn, lành làm gáo, vỡ làm môi, nhưng được
cái hết lòng vì bè bạn.
Ông
nhìn người bạn không chút ngần ngại, nụ cười nở trên khuôn mặt đầy đặn, cởi mở,
một chút nghiêm nghị nhưng hồn hậu trong sáng khiến người gặp thận trọng song
lại thấy yên tâm. Có lẽ cốt cách của ông là người khuôn phép. Phong độ ở dáng
người, cử chỉ lịch lãm mà bình dân, có vẻ nhún nhường không giống như một chính
trị gia có thương hiệu thời thượng, cũng không giống như các văn nghệ sĩ thường
gặp. Ông từ tốn chịu lắng nghe. Người ta bảo người chịu và biết lắng nghe là
người thông minh, có người lại bảo những người thông minh thì đương nhiên là
những người khôn ngoan. Tướng số thì chẳng có gì biểu hiện ông là người khôn
ngoan. Mái tóc hơi xoăn vắt ngang vầng trán rộng, khuôn mặt chữ điền, mọi đường
nét trên khuôn mặt không giống mấy người có quý tướng, không có gì nổi trội về
tướng mạo.
Ông
thận trọng đưa chén nước trà cho bạn:
-
Mời anh, xin anh cứ hỏi. Đừng ngại, vì bây giờ chúng ta cùng ngồi chiếu mà.
-
Xin hỏi, “Tiên sinh” có thích nhà vườn không. Và đã có nhà vườn chưa?
Ông
cười hiền lành:
-
Có chứ các anh, thực ra tôi cũng thích lắm, nhưng điều kiện của mình không cho
phép. Một nhẽ là tiền, nhẽ nữa là như bọn tôi cũng nên giữ gìn. Thành thực thì
bây giờ tôi cũng không thấy tiếc. - Chừng như ông còn muốn nói thêm điều gì
nữa, nhưng có lẽ thế là đủ.
-
Thế “Tiên sinh” nghĩ gì về trào lưu biệt thự, nhà vườn như hiện nay?
Như
đã xuy nghĩ về vấn đề này từ lâu. Ông chậm rãi:
-
Chắc là cũng như tất cả thôi, tôi muốn, các anh muốn, tâm lý chung là muốn,
muốn nhiều hơn thế nữa. Có người đạt được, có người không đạt được. Tuy nhiên
trong điều kiện hiện nay cũng có sự đua nhau, bây giờ đã thành trào lưu, nhiều
anh em sợ về hưu thì hết thời cơ. Cũng khó tả, vì thời cuộc đã loạn trào thì
làm sao phân định trắng đen, có những người chạy đua vay tiền ngân hàng để mua
đất xây biệt thự, nhà vườn thì sao?
“…Thì
xưa nay ông vẫn nhún nhường, có lẽ ông biết rõ thời cuộc lắm, nhưng phán xét
thường hay thận trọng. Cuộc đời mấy ai nhường ai, lẽ thường người khôn của khó.
Thời nay giữ gìn như ông thì làm sao giầu có được. Thiên hạ nhìn thời cuộc như
một bức tranh xám xịt, đâu là trắng, đâu là đen hà tất gì phải để ý cho thêm
mệt. Mang cái “liêm” vào chốn quan trường bây giờ thì thiệt quá, có khác nào
mang vàng mà trộn vào thau, đôi khi còn bị kẻ khác miệt thị, chèn ép, cô lập…”
Thư cứ theo cái mạch suy nghĩ ấy, tay chống cằm, anh ngồi im như một chiếc lò
so bị nén, anh tin những gì chủ nhà vừa tâm sự. Như nhận thấy quá lời, Thư hạ
giọng:
-
Nghe “Tiên sinh” nói thì mấy anh em đây tin, nhưng với thiên hạ thì có lẽ vẫn
là chuyện thật như bịa. - Mọi người bật cười, tiếng cười gờn gợn xót xa - Thì
đời vẫn đầy rẫy trớ trêu, trong sự trớ trêu vẫn tìm được cái để mà tôn trọng.
Chết tiệt cánh giáo chức bọn tôi bây giờ quá lộn xộn thì còn gì để nói nữa
không. Đồng nghiệp coi tôi là giáo dở vì cho tôi là gàn, không chịu hạ mình, họ
bảo tôi là thằng u mê trước thời cuộc… Về đời thường rồi, nghĩa là đến lúc mở
to miệng với họ: “Chẳng biết ai giáo dở, vì rằng dạy học trò với nhân cách u
tối thì có khác gì xâm hại tâm hồn trẻ em, vì rằng đứng trên bục mà không tận
lòng với học trò, không còn giữ được cái thể diện cả bên trong và bên ngoài,
làm khổ học trò… không dở thì là gì. Mấy ai nghĩ đến xã hội ngày mai. Suy cho
cùng thì cũng là...”. - Định vơ đũa cả nắm nhưng Thư đã kịp dừng cái mạch xuy
nghĩ ấy ở giữa chừng.
Ngoài
trời gió đang xoay chiều. Căn phòng vẫn ấm cúng lạ thường.
-
Mặc kệ bão. - Người bạn mới nói - Đời chúng mình đã chịu quá nhiều giông bão,
đến bây giờ mới có những giây phút ngồi với nhau để ngẫm sự đời. Thôi thì mặc
thây bão gió, mặc thây bão đời. Mà có ngẫm sâu ngẫm xa đến đâu thì có còn làm
được gì nữa chứ, phải không các anh?
-
Ấy chết. Chúng ta đang ở trong này, nhưng còn vô khối thân phận kiếp người ở
ngoài kia, họ đang cần nơi nương tựa, cần sự che chở. Ừ mà biết thế, nhưng quả
thực bây giờ thì chúng ta không còn làm được gì nữa rồi. - Ông thở dài.
-
Kìa “Tiên sinh”. - Thư nhổm người lên hai tay bụm lại, xoè ra, rồi chém gió như
một diễn giả - Sự đời đâu dễ làm ngơ, phải biết đau, biết uất trước nhân tình
thế thái chứ. Tôi sẽ viết, sẽ viết! Không là tiểu thuyết thì là liệt chuyện. Mà
là gì gì đi nữa thì tôi cũng muốn nó là cuốn sách viết bằng lương tri, lương
tri của một con người tử tế hẳn hoi.
Mặt
Thư nóng ran, ánh mắt rực lên như thể phóng qua bức tường và cánh cửa, bay vào
giông bão tìm đến mọi ngóc ngách của cuộc đời, sưởi ấm cho từng sinh thể. Con
người nhỏ bé, lỡ thời mà lúc này rực sáng. Biểu hiện đó mách bảo điều gì, một
kết cục ở thì tương lai gần hay xa.
Ngoài
trời lúc này tạnh ngắt những giọt mưa. Những cơn gió đỏng đảnh thét gào rồi lại
dịu đi như những cơn gồng mình của người đàn bà đau đẻ. Mọi người chia tay nhau
ra về. Đã mười giờ trưa, chiều nay bão về, tâm bão sẽ qua đây. Ngày mai bão sẽ
tan, những ngày tiếp theo là những ngày dọn dẹp, nhặt nhạnh và tẩy uế… Rồi đến
một ngày ta bỗng nhận ra một không gian mới, chỉ có điều chưa biết môi trường
lúc đó ra sao?
Nam Định, tháng 8/2014
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Bình ngày 12/12/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét