Côn Đảo- khoảnh khắc mùa hoa phượng – Văn xuôi Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình)
Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016
Qua ô cửa máy bay nhìn xuống mặt đất, cảnh vật thu dần nhỏ xíu, rồi khuất hẳn dưới làn mây trắng bạc. Thoát khỏi những làn mây, bầu trời trong veo, phía dưới là thăm thẳm màu xanh của biển. Tổ quốc - Đất liền, biển đảo và bầu trời. Điệp khúc ấy bỗng trỗi dội trong lòng. Lần đầu tiên tôi được ra Côn Đảo.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đinh Ngọc Lâm
Hội viên HNV Việt Nam
Hội viên Hội VHNT Ninh Bình
_____
CÔN ĐẢO- KHOẢNH KHẮC
MÙA HOA PHƯỢNG
Kỷ niệm chuyến đi của đoàn cán bộ hưu trí Tỉnh Uỷ Ninh Bình.
Qua
ô cửa máy bay nhìn xuống mặt đất, cảnh vật thu dần nhỏ xíu, rồi khuất hẳn dưới
làn mây trắng bạc. Thoát khỏi những làn mây, bầu trời trong veo, phía dưới là
thăm thẳm màu xanh của biển. Tổ quốc - Đất liền, biển đảo và bầu trời. Điệp
khúc ấy bỗng trỗi dội trong lòng. Lần đầu tiên tôi được ra Côn Đảo.
Tháng
5, những ngày hè lịch sử, vọng trong tiềm thức niềm tự hào dân tộc trải dọc mấy
ngàn năm, từ thuở vua Hùng dựng nước, ông cha mang gươm đi mở cõi, đến thời đại
Bác Hồ thống nhất non sông. Trong đoàn chúng tôi hầu hết những mái đầu đã bạc,
một thời cống hiến, một đời tôi luyện. Những gương mặt đăm chiêu, tâm trạng
căng đầy cảm xúc với biển đảo quê hương. Khi cánh bay hạ thấp độ cao, phía dưới
hiện rõ dần quần đảo Côn Lôn, đảo lớn kia là đặc khu di tích nhà tù Côn Đảo.
Trong cuộc sống bình yên hôm nay, ở nơi này chưa bao giờ nguôi giấc vọng hồn
huyết khí linh thiêng, hồn cốt của tử tù Côn Đảo, những chiến sĩ cách mạng
trung kiên đã hun đúc thành khí phách Việt Nam.
Chúng
tôi bước xuống sân bay, cảm xúc như vỡ oà, chính từ nơi này đã ra đời “Vượt Côn
Đảo” của Phùng Quán, “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, “Lịch sử nhà tù Côn Đảo”
của Nguyễn Đình Thống, Nguyễn Linh và Hồ Sĩ Hành… Cùng hàng trăm tác phẩm văn
học, lịch sử, tư liệu về Côn Đảo mang giá trị nhân văn riêng có ở một chặng
đường lịch sử Việt Nam được viết nên bằng máu...
Ghé
nhà khách huyện đảo cất tư trang xong là đoàn lên xe đi viếng nghĩa trang Hàng
Dương ngay. Từng bước chân, từng hơi thở mang nặng nghĩa tri ân, chúng tôi xếp
thành một hàng ngang dài, kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn những tấm gương
yêu nước, khí tiết cách mạng tiêu biểu mãi còn lại nơi đây. Lặng nhìn lên đỉnh
tượng đài Trao Áo, một dòng chữ khắc sâu như nhắn nhủ, dặn dò hậu thế: “Chết
còn trao áo cho nhau”. Nắng hè, gió biển mơn man như bàn tay xoa dịu tháng năm.
“Địa ngục trần gian” giờ đã hoá màu xanh, nổi bật trên nền xanh ấy là những tán
phượng rực đỏ như những ngọn lửa lương tri thắp sáng nhân gian. Đi dọc Hàng
Dương, hoa phượng rắc đầy đường, hai bên là những ngôi mộ tử tù, mỗi tấm bia có
danh hay khuyết danh đều lấp lánh một ngôi sao Việt, bình dị mà chói lọi ánh
hào quang bất diệt. Hơn một ngàn chín trăm ngôi mộ đại diện cho hơn hai mươi
ngàn tù nhân cách mạng đã hoá thân vào lòng đất đặc danh Côn Đảo. Chúng tôi
thành kính dâng hương trước mộ các bậc tiền bối cách mạng Lê Hồng Phong, Nguyễn
An Ninh… Trào dâng nước mắt trước tấm gương Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Dân
đảo gọi là “Cô Sáu”. Huyền thoại về những tấm bia, về ngôi mộ “Cô Sáu” mang
thông điệp đi vào lòng người: “Tổ quốc - Tình yêu và đức hy sinh. Lý tưởng,
hoài bão và khát vọng hoà bình. Chân lý, niềm tin và tính nhân văn”. Những kẻ
độc ác phi nhân tính, rốt cuộc đều “bất đắc kỳ tử”. Bên mộ Cô, những chùm hoa
Lê-ki-ma đang nở, dòng người viếng thăm, những gương mặt đăm chiêu như muốn
nguyện với Cô những điều tốt đẹp nhất của một đời người…
Rời
Hàng Dương chúng tôi đến An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến thứ phi của chúa
Nguyễn Ánh tên tục là Lê Thị Răm, người phụ nữ “trung trinh tiết liệt”, chỉ vì
khuyên chồng làm điều trung nghĩa với non sông mà bị giam cầm. Cốt cách phụ nữ
Việt Nam ngàn năm vẫn đó. Bà Phi Yến nhan sắc tuyệt trần, sau một lần chống lại
sự sàm sỡ bà đã tự chặt đứt một cánh tay rồi hoá tại làng An Hải, dân làng lập
miếu thờ, tôn là “Miếu Bà”. Hoàng tử Hội An con của bà Phi Yến tên tục là hoàng
tử Cải, mới 5 tuổi trong cơn chạy loạn cùng Nguyễn Ánh, chỉ vì nhớ mẹ mà bị ném
xuống biển khơi, dân làng Cỏ Ống vớt xác hoàng tử lên chôn cất và lập miếu thờ.
Giai thoại về bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Hội An đã để lại dấu mốc bi thương
một thời. “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay”, câu ca ấy
vẫn mang cốt cách tâm hồn Việt, ai oán mà nhân văn đến lay động lòng
người.
Buổi
trưa, thay cho giấc ngủ là chuỗi liên tưởng những gì mắt thấy tai nghe từ khi
đặt chân tới Côn Đảo. 15 giờ chiều chúng tôi tiếp tục được hướng dẫn viên đưa
đi thăm khu di tích “Địa ngục trần gian”. Nhà tù Côn Đảo gồm 3 trại giam (gọi
là 3 banh), dưới banh là các phòng giam tù nhân (gọi là khám). Banh I được thực
dân Pháp xây xong vào năm 1875, gồm 10 khám, 20 xà lim (hầm tối) và 1 hầm xay
lúa, nơi tù nhân bị khổ sai. Banh II xây xong vào năm 1917 với 14 xà lim chuyên
nhốt “trọng phạm”, chịu án tử hình chờ ngày hành quyết. Banh III xây dựng vào
năm 1928 gồm 3 dãy khám để giam những tù chính trị “nguy hiểm”. Nhà tù được tổ
chức thành 15 sở chính và một số sở phụ… Một bộ máy dã man vô nhân đạo nhất của
chế độ thực dân cũ và mới kéo dài gần 100 năm Pháp thuộc và 20 năm thời Mỹ -
Ngụy. Những thủ đoạn và hành động man rợ nhất trong lịch sử nhân loại của thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ hòng đè bẹp lòng yêu nước và ý chí cách mạng của dân tộc
Việt Nam. Hình ảnh người chiến sĩ Cộng sản được tái tạo lại một phần trong các
phòng giam, xà lim, hầm xay lúa, chuồng cọp… như khắc sâu vào tâm thức mỗi
người khách đến viếng thăm, không thể lời nào, bút mực nào tả xuyết. Những tấm
gương quả cảm phi thường, không nao núng trước nanh vuốt của bầy dã thú, trước
cái chết vẫn mỉm cười, vẫn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẫn hô vang
tên vị lãnh tụ cách mạng kính yêu - Hồ Chí Minh với một niềm tin tất thắng.
Đêm.
Hàng Dương toả sáng. Những ngọn đèn bình dị, dịu dàng như ánh trăng rằm, có lúc
lại nồng nàn như mặt trời toả ánh bình minh. Rừng phi lao vi vút, từng cơn gió
mang theo hơi thở của biển thổi vào. 23 giờ (giờ linh ứng) chúng tôi ra mộ “Cô
Sáu”. Không gian tĩnh lặng, từng đoàn người đến dâng hương, từ một chiếc điện
thoại di động bật lên bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, tất cả cùng đồng thanh
hát vang thay cho lời cầu nguyện: “Đừng phụ lòng những người đã vì Tổ quốc hy
sinh”. Tôi lắng nghe những âm thanh, lời kể về các chiến sĩ cộng sản, những
khúc hát về những người anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tiếng vọng du
dương âm vang từ trong lòng đất. Đêm linh thiêng, cảnh vật như đắm chìm vào
khúc hát Hàng Dương.
Sáng
hôm sau, 6 giờ tại sân bay Côn Đảo. Tôi cùng mọi người trong đoàn không ai bảo
ai, lặng nhìn quang cảnh, hướng về phía nhà tù Côn Đảo lần cuối, hít một hơi
đến căng đầy lồng ngực như ém chặt vào tim mình những hình ảnh không thể nào
phai. Cảnh vật mãi đó, hàng cây trăm tuổi, những trái bàng, những chùm phượng
đỏ đung đưa, trong lòng đất như đang rạo rực những dòng máu nóng, hồn cốt các
chiến sĩ Cộng sản đã hoá vào biển trời non nước. Côn Đảo ngày đêm ngóng về đất
liền như nhắn gửi một niềm tin kiêu hãnh.
Đưa
máy ảnh lên, trong ống kính đỏ rực màu hoa phượng, tiếng bấm máy ghi lại khoảnh
khắc cuối cùng trên đảo, tôi bật reo lên: “Tạm biệt Côn Đảo. Côn Đảo mùa hoa
phượng”.
Hẹn
gặp lại!
Tháng 5/2014
Đinh Ngọc Lâm
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Bình ngày 12/12/2016
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Bình ngày 12/12/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét