Sức sống từ một nền dân chủ - Bài viết Dương Quốc Việt (ĐHSP Hà Nội)
Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016
Kiểu tự do vô chính phủ, hay độc tài đều dẫn
đến sự hủy diệt sức sống của một dân tộc. Tất nhiên tập thể nào cũng cần phải
có người dẫn dắt để hướng tới mục tiêu chung. Nhưng ai là người dẫn dắt, lại là
một câu hỏi với biết bao đáp án trái chiều. Mặc dù nhân loại sớm nhận biết sự
đồng thuận của một dân tộc sẽ làm nên sức mạnh của dân tộc đó, nhưng làm thế
nào để có một sự đồng thuận bền vững, thì loài người đã phải trải qua biết bao
thảm khốc, mới có thể nhận ra vai trò của dân chủ. Chân lý là vậy, nhưng thực
thi để đi đến một nền dân chủ, thì muôn hình vạn trạng. Nhưng dù muốn hay không
muốn, thì đa phần nhân loại đã thừa nhận, rằng đã và đang tồn tại một nền dân
chủ, hay một nền dân chủ kiểu Mỹ, đã làm nên sức sống và sức mạnh của nước Mỹ!
Tác giả Dương Quốc Việt
Kiểu tự do vô chính phủ, hay độc tài đều
dẫn đến sự hủy diệt sức sống của một dân tộc. Tất nhiên tập thể nào cũng cần
phải có người dẫn dắt để hướng tới mục tiêu chung. Nhưng ai là người dẫn dắt,
lại là một câu hỏi với biết bao đáp án trái chiều. Mặc dù nhân loại sớm nhận
biết sự đồng thuận của một dân tộc sẽ làm nên sức mạnh của dân tộc đó, nhưng làm
thế nào để có một sự đồng thuận bền vững, thì loài người đã phải trải qua biết
bao thảm khốc, mới có thể nhận ra vai trò của dân chủ. Chân lý là vậy, nhưng
thực thi để đi đến một nền dân chủ, thì muôn hình vạn trạng. Nhưng dù muốn hay
không muốn, thì đa phần nhân loại đã thừa nhận, rằng đã và đang tồn tại một nền
dân chủ, hay một nền dân chủ kiểu Mỹ, đã làm nên sức sống và sức mạnh của nước
Mỹ!
Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới,
cùng với kinh tế và khoa học-công nghệ dẫn đầu, nhưng người ta cho rằng những
cái đó không hẳn là bản chất sức mạnh Mỹ. Mà những thứ đó chỉ là hệ quả tất yếu
của một nền dân chủ bậc cao. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào máu, vào xương của
người Mỹ. Đó mới là cái gốc làm nên nước Mỹ với nhiều giá trị và tính ưu việt
vượt trội.
Trước hết, hiến pháp Mỹ được thực thi từ
năm 1789, một văn bản mà thủ tướng Anh William Ewart
Gladstone (1809-1898) đã ví nó như “một tác phẩm tuyệt vời nhất từng
được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con
người“, đã đưa ra được những quy tắc cơ bản để thực thi dân
chủ. Và tổng thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức phải thề giữ gìn và bảo vệ hiến
pháp này. Cơ chế tuyển dụng lãnh đạo, cơ chế tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm
những người có quyền quyết sách đều là tinh hoa. Mô hình hình tháp của họ, đã
luôn đưa được những tinh hoa lên các đỉnh tháp, cũng như đồng thời giảm thiểu những tai hoạ khi đám đông có
thể mắc sai lầm. Chính vì như thế mà họ không,
hoặc ít mắc sai lầm, và nếu mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng được sửa sai.
Rằng đó chính là cơ chế tinh anh riêng biệt của nước Mỹ.
Một điều nữa, là nước Mỹ không phải chỉ
quan tâm đến lãnh thổ như nhiều người nhầm tưởng, mà toàn bộ những gì họ đã
làm, dường như là để kiến tạo vị thế trong thế giới này. Tức là, ngoài sự lớn
mạnh về kinh tế thì họ chú trọng nhất là lòng dân. Bởi thế mà quốc gia này có
nội lực hội tụ rất lớn. Mặt khác suy cho cùng, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy
lại được, nhưng lòng người đã mất thì lãnh thổ có được cũng như không, và dẫu
đất đai có được sở hữu, thì rồi cũng sẽ bị mất. Hoặc giả như người Việt có câu
“Đười ươi giữ ống”, một hình ảnh thật
chua chát và bi hài đó thôi!
Khi tai họa ập đến, thậm chí thân xác gục
ngã, thì tinh thần thép của người Mỹ càng lộ rõ. Chẳng hạn, mặc dù trận Trân
Châu Cảng- ngày 7 tháng 12 năm 1941 bị thiệt hại nặng nề, nhưng chẳng
những không làm cho tinh thần Mỹ bị suy sụp, mà trái lại đã thúc đẩy họ nhanh
chóng quyết định tham gia quân sự vào chiến tranh thế giới thứ Hai. Rồi qua vụ khủng bố kinh hoàng
11/9/2001, người ta cũng có thể thấy tinh thần thép của người Mỹ. Sau khi toà
nhà thương mại bị máy bay đâm, lửa cháy ngút trời, thế giới như rung chuyển,
khi đó những người ở tầng trên vượt qua cửa thoát hiểm chạy xuống, thì thấy
tình hình không mấy rối loạn. Người ở trên lao xuống, lính cứu hoả lao lên,
nhưng họ vẫn bình tĩnh nhường lối đi cho nhau. Đứng trước cái chết họ vẫn bình
tĩnh như thế. Một dân tộc không có tinh thần thép, thì chắc chắn không thể có
hành vi như vậy.
Rồi biết vụ 11/9 do bọn khủng bố người Ả Rập
gây ra. Vì vậy một vài cửa hàng của người Ả Rập đã bị đập phá, bởi những người
quá khích. Vào thời điểm đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác
trước các cửa hiệu, những tiệm ăn của người Ả Rập, hoặc đến các khu người Ả Rập
ở để tuần tra, nhằm ngăn chặn xảy ra thảm kịch trả thù. Có lẽ chỉ có những con
người mang ý tưởng làm chủ thực sự thế giới này, mới biết hành xử như vậy!
Văn hoá Mỹ tưng
bừng khí thế đi lên, rằng đó là văn hóa của sự phát triển. Ngay cả giữa châu Âu
và Mỹ cũng có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, nếu sáng sớm, các đường phố ở châu
Âu thường rất vắng, thì ở Mỹ sáng sớm các đường phố đều có rất nhiều người tập
thể dục. Giáo dục Mỹ rất quan tâm đến thể chất. Như có người đã nói: tập thể
dục đại diện cho một kiểu văn hoá thôi thúc khí thế đi lên. Một quốc gia có sức
sống hay không, chỉ cần xem dân của họ tập thể dục hàng ngày cũng có thể nhận
biết.
Nước Mỹ hành xử thường có tầm nhìn rất xa,
như những sự kiện bước ngoặt trong thế kỷ XX đã minh chứng cho điều này. Tấm bản
đồ thế giới ngày nay dường như đã được trải ra vào đầu thập niên 70 của thế kỷ
XX tại nhà Trắng. Và như nhân loại đã thấy: Liên Xô tan rã, và ngoài châu Âu,
các nước xung quanh Trung Quốc như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Hàn Quốc,
Phillippines, Indonesia, Đài Loan... lần
lượt đổi thay chế độ xã hội, để hướng dần tới các nền dân chủ thực sự. Mà hiệu
ứng của các nền dân chủ, mới thực sự là mối đe dọa đối với các nền độc tài còn
lại trong thế giới này.
Phải chăng tất cả những ưu việt vừa điểm qua,
chỉ là hệ quả tất yếu của một nền dân chủ bậc cao tương thích với một thể chế
chính trị kiểu Mỹ. Một thể chế dường như được sản sinh ra chỉ để phụng sự cho
nền dân chủ kiểu Mỹ. Một nền dân chủ đã làm cho công dân của họ “nhìn thấy một
nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt
về nguồn gốc, của cải hay phe phái”, như đã đề cập trong diễn văn nhậm chức của
tổng thống Obama năm 2008. Một bài diễn văn đã khiến hàng nghìn người Mỹ bật
khóc, trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng đang đe dọa nước Mỹ. Và để rồi
người Mỹ dưới sự dẫn dắt của ông Obama, một lần nữa lại tỉnh táo vượt qua tai
biến ấy.
Rồi sự kiện bước ngoặt của chính trường Mỹ
năm 2016 đã tới, nền dân chủ Mỹ đã lựa chọn Donald Trump, một biểu tượng của xu
thế chính trị mới. Sự kiện đã khiến ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng như thế
giới bất ngờ. Nhưng dù bất luận như thế nào, thì người ta vẫn tin tưởng vào sức
sống mãnh liệt của nước Mỹ, một sức sống được nuôi dưỡng bởi nền dân chủ Mỹ.
Điều mà như chính ông Obama đã phát biểu: "Không có vấn đề gì, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Mặt Trời vẫn
sẽ mọc vào buổi sáng, và Mỹ vẫn sẽ luôn là cường quốc số một trên thế
giới".
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 15/11/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét