Khi Tốt đã nhập cung – Tác giả Dương Quốc Việt (ĐHSP Hà Nội)
Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016
Công danh vốn nghiệt ngã, có được mấy ai
thành danh, mà bức tranh hiện thực của nó như có người đã mô tả: “Cánh đồng hoang xương trắng
điêu tàn/ Chỉ một vài khóm hoa bên cỏ dại” (xem Gửi con trai –VNNĐ). Nhưng không sao,
thế giới của những đam mê, khát vọng lao động sáng tạo, vẫn không vì thế mà nản
lòng, ngưng nghỉ, bởi dẫu không thành danh, thì người ta vẫn làm nên những giá
trị nào đó cho chính cuộc đời mình, tức là “thành nhân” vậy! Và sẽ ra sao trong
“chốn công danh”, nếu ở đó xuất hiện những kẻ “ngồi nhầm chỗ”?
Tác giả Dương Quốc Việt
Công danh vốn nghiệt ngã, có được mấy ai
thành danh, mà bức tranh hiện thực của nó như có người đã mô tả: “Cánh đồng hoang xương trắng
điêu tàn/ Chỉ một vài khóm hoa bên cỏ dại” (xem Gửi con trai –VNNĐ). Nhưng không
sao, thế giới của những đam mê, khát vọng lao động sáng tạo, vẫn không vì thế
mà nản lòng, ngưng nghỉ, bởi dẫu không thành danh, thì người ta vẫn làm nên
những giá trị nào đó cho chính cuộc đời mình, tức là “thành nhân” vậy! Và sẽ ra
sao trong “chốn công danh”, nếu ở đó xuất hiện những kẻ “ngồi nhầm chỗ”?
Xin được bắt đầu vấn đề từ một nghịch cảnh thời Tam quốc.
Trong chế độ Phong kiến, thiên hạ được coi là của nhà vua, vì vậy
việc lên ngôi ở các đời sau, chỉ là cha truyền con nối. Bởi vậy mới xuất
hiện những ông vua “ngồi nhầm chỗ”-không xứng làm vua. Truyện Tam quốc kể
rằng, sau khi nhà Thục bị diệt, Lưu Thiện được triều đình nhà Ngụy cho làm An
Lạc huyện công. Tấn chủ Tư Mã Chiêu vẫn còn đề phòng Lưu Thiện, nên một hôm ông
cho mời Lưu Thiện đến phủ của mình dự tiệc và xem các cung nữ múa điệu múa của
nước Thục. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện có còn nhớ đất Thục không, thì
ông ta trả lời: Ở đây rất vui, nên tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa. Khi
đó Khước Chính -một viên quan nước Thục nghe thấy lời nói của Lưu Thiện thì
không hài lòng, nên khuyên ông ta rằng: Nếu Tư Mã Chiêu có còn hỏi thì nên nói:
mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Thục nên không ngày nào không nhớ. Lát sau Tư Mã Chiêu
lại hỏi, Lưu Thiện đáp y như vậy. Chiêu bèn bảo: Sao giống lời Khước
Chính thế, Lưu Thiện thản nhiên, thú nhận hết việc này. Được thừa hưởng
ngai vàng từ vua cha Lưu Bị, Thục đế Lưu Thiện-một vị vua ăn chơi, không biết
lo việc triều chính. Một ông vua mà như Tư Mã Chiêu đã phải thốt lên: Dẫu Gia
Cát Lượng có phục sinh cũng không cứu được nước Thục. Với một hôn quân như Lưu
Thiện, nước Thục bị mất, đó là một kết cục hết sức bình thường.
Cảnh
Lưu Thiện dự tiệc trong phủ Tư Mã Chiêu, đã được dựng trong phim Tam quốc.
Trước cảnh ngây ngô như đến tột đỉnh của Lưu Thiện, đã làm Tư Mã Chiêu bật cười
có lẽ cũng không có gì đáng phải bàn. Nhưng rồi Tư Mã Chiêu mặt mày biến sắc,
lát sau ông gục xuống bàn tiệc, như bị trúng phong. Xem đoạn phim này, nhiều
người cho rằng: có lẽ vốn là người vào sinh ra tử, có tài kinh bang tế thế,
người đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp của cha anh, nên trước gã Lưu Thiện, một
hôn quân đến nhường ấy, đã khiến ông nhức nhối -đứt mạch máu não!?
Như
vậy Lưu Thiện không chỉ làm mất sự nghiệp của cha, mà ông ta còn tạo ra phản
cảm đến mức, khiến bậc đại trượng phu như Tư Mã Chiêu tức lộn ruột mà chết. Vị
trí của Lưu Thiện chỉ là hệ quả tất yếu của thể chế Phong kiến, cha truyền con
nối, chứ không phải ông cướp của ai. Nhưng rõ ràng, xưa nay phản cảm ở mọi nơi
bởi những kẻ ngồi sai vị trí, đều thường gây nhức nhối cho đồng loại, thậm chí
còn hủy diệt sức sống.
Đành
rằng mưu sinh là mưu cầu thiết yếu, sống còn của con người, nhưng có mấy ai, tài
mọn lại dám chen chân vào chốn đòi hỏi gắt gao lòng đam mê, tài năng và lao
động sáng tạo, để hòng kiếm chác danh lợi !? Cũng như chốn linh thiêng nơi cửa
Phật, đâu phải là chốn cho những kẻ còn nhiều ham hố bận lòng. Nhân loại nói
chung luôn suy nghĩ như thế, văn hóa và đạo lý của người Việt hàng nghìn năm
nay cũng thế. Nhưng đáng tiếc, ngày nay ngay cả những nơi tưởng như rất kén
người, ấy thế mà vẫn không ít kẻ lọt lưới.
Chẳng
thế mà đã và đang tồn tại những ngành học, mà bất kể ai đã có bằng đại học, dù
là tại chức, hay từ xa…, đều có thể lấy được bằng tiến sĩ, tức là trở thành nhà
khoa học. Bởi cơ chế giám sát lỏng lẻo, nội trong các ngành đó tự tung tự tác,
nên họ đã đào tạo tiến sĩ tăng nhanh theo cấp số nhân. Mặt khác bài vở và các
tạp chí trong ngành của họ, cũng đều là từ một tay họ, vì vậy họ cũng dễ dàng
đạt được học hàm cao. Vừa lấy bằng tiến sĩ xong, họ lập tức có thể hướng dẫn
cùng một lúc vài ba tiến sĩ. Điều mà không một nhà bác học nào trên thế giới
dám làm và có thể làm được. Có thể nói họ đã hạ thấp văn hóa giảng đường, và
bôi nhọ khoa học!
Chính
những ngành học như vậy, đã sản xuất ra những vị tiến sĩ, phó giáo sư, thậm chí
giáo sư không có một công trình khoa học đúng nghĩa nào. Không chỉ có
vậy, họ còn được ngồi bàn thảo, phán xét những việc đại sự về chiến lược phát
triển này nọ. Không ít người trong số họ dường như “mất dây thần kinh xấu hổ”,
ăn nói và luồn lách rất có nghề. Quả thật sự thăng tiến của những người này,
như một tiếng nói đe dọa, thách thức, đối với nhân phẩm của những người đang âm
thầm làm việc miệt mài, thai nghén ra những công trình khoa học thực sự, đóng
góp cho sự phát triển sống còn của nền học thuật nước nhà. Nhức nhối là thế,
nhưng nói ra không chừng thiên hạ lại nghĩ người nói ghen ăn tức ở với “bậc
chân tài”(!) Đó còn là nỗi khổ tâm của nhiều người.
Chốn
học thuật luôn được cộng đồng ngưỡng mộ và đề cao, không chỉ ở đó đã để lại
những nhân cách lớn, mà còn vì người ta tin rằng đó là nơi trung thực và trong
sáng, ở đó càng không có sự dễ dãi, dối lừa. Vì vậy chủ nhân của những danh
hiệu, hay những bằng cấp cao, được xã hội tin tưởng và nể trọng. Cũng như người
ta dành sự kính cẩn với các nhà Sư, như tin ở nơi cửa thiền vậy! Nhưng chuyện
gì sẽ xảy ra, nếu ở một ngôi chùa nào đó lại có những nhà sư “hổ mang”, gian
dối!? Thời vận có lúc thịnh lúc suy, nhưng cái cảnh “nước lụt chó nhảy bàn
thờ”, hay “tốt đã nhập cung”, thì phải chăng nhiều giá trị sẽ bị đảo lộn. Sự
tôn nghiêm của học thuật đâu còn. Chưa kể sự tàn phá tác
động đến những nhân tố tích cực, là rất lớn. Bởi “trường
học thuật” một khi bị ô nhiễm, sẽ tạo ra những ức chế, làm suy giảm khát vọng
và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.
Trong bài “Con ông cháu cha” và công tác cán bộ (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam- ngày 22/8/2016) đã viết: Lựa chọn được một đội ngũ “công bộc” của dân vừa có đức vừa có tài luôn là mong muốn của toàn thể nhân dân ta. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào, ở đâu, mong muốn đó cũng được thỏa mãn. Câu nói cửa miệng được nhiều người ca thán là: “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, cuối cùng mới là trí tuệ” đã phần nào nêu lên thực trạng này. Phải chăng thực trạng vừa nhắc cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên những nghịch cảnh giữa “chốn công danh”? Rằng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân, đã và đang tàn hủy những nguồn nhân lực của đất nước!
Đã đăng trong Sự lựa chọn tất yếu – Tacphammoi.net
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 11/11/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét