Châu Thạch: Đọc tập truyện ngắn “Loài hoa trắng” của Thái Đào
Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016
Đọc tập
truyện ngắn “Loài Hoa Trắng” của Thái Đào tôi có cảm giác tác giả dẫn tôi đi
qua nhiều miền đất lạ, phong cảnh không hữu tình nhưng hiện sâu dấu ấn cuộc
đời. Tôi có cảm giác tác giả cho tôi gặp nhiều người, những hảo hán, những côn
đồ, những ô lại, những minh quan bất đắc chí, và những thường dân. Tất cả như
sống động ở trong lòng tôi. Tôi có cảm tưởng tác giả đưa tôi đang đi giữa thời
đại và để thay đổi không khí, có lúc tác giả đưa tôi về quá khứ xa xưa. Ở đâu
cũng cho tôi nhìn thấy lẽ sống chân lý được suy nghiệm trong truyện. Tác giả
hầu như phác họa được tâm can nhân vật, dẫn người đọc say mê theo lời văn trầm tỉnh,
cuốn hút người đọc vào biến chuyển từng hồi theo bố cục cốt truyện, và cuối
cùng cho tôi những đoạn văn chương gần như là những châm ngôn hợp lý hợp tình
để sống ở đời từ việc nhỏ cho bản thân đến việc lớn như là việc nước.
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “LOÀI HOA TRẮNG” CỦA THÁI ĐÀO
ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “LOÀI HOA TRẮNG” CỦA THÁI ĐÀO
Đã
ái mộ Thái Đào gần 20 năm, bây giờ mới gặp được nhau bên ly cà phê trên bờ dòng
sông Thạch Hãn nên lòng cảm thấy rất vui. Lại hân hạnh được anh mời về nhà trao
tặng tác phẩm của mình: “Loài Hoa Trắng”. Đáng ra phải vui hơn nữa. Tuy thế khi
cầm tập truyện ngắn có bìa rất đẹp trên tay, Châu Thạch thoáng buồn. Buồn là vì
thấy sách đẹp nhưng không được xuất bản mà chỉ in vi tính lưu hành nội bộ mà
thôi. Vừa qua viết lời bình cho “Xóm Cô Hồn”, tác phẩm xuất bản đầu tiên ở tuổi
70 của Kha Tiệm Ly, nay cầm “Loài Hoa Trắng” trên tay, Châu Thạch thấy lòng
mình có chung tâm trạng. Hình như rất
nhiều cây bút trên đất nước này dầu tài hoa đến đâu cũng chỉ làm được con nhộng
chết trong cái kén của mình. Cái kén sẽ trở thành vô dụng nếu không được đời
kéo nó thành tơ. Đời hiện tại chọn lựa bất công, không thích lụa là, chỉ thích
vải thô, bởi vải thô dễ đem may và đem vá.
Thấy
đầu đề tập tuyện ngắn là “Loài Hoa Trắng”, cứ nghĩ nội dung bên trong là những
mối tình lãng mạn, nên thơ có trăng nước hữu tình với lời văn bóng bẩy. Về đọc,
tôi ngạc nhiên. Tình thì có tình nhưng không nên thơ, cái lãng mạn trong tình
là thứ lãng mạn của những con người phiêu dạt đầu non góc biển với tâm hồn luôn
tinh khiết như một loài hoa trắng . Văn
thì không bóng bẩy mà trái lại rất gập ghềnh, nhưng là một thứ gập ghềnh khúc
chiết đem đến cho người đọc cái cảm khoái lúc thì như băng qua bờ đá bên một
dòng sông, khi thì như ngồi nhìn sự mênh
mông trên cánh đồng nước lụt. Ta tìm thấy trong “Loài Hoa Trắng” nhiều ý chí
bất khuất trong những mẫu người bình thường. Ta tìm thấy trong “Loài Hoa Trắng”
những linh hồn tinh khôi trong sạch, những mẫu người ân nghĩa, hào hùng mang
đầy lý tưởng và hoài vọng trong giai cấp bần cùng của xã hội. Ta cũng tìm thấy
trong “Loài Hoa Trắng” nhiều tư tưởng hướng dẫn cái thiện cho đời. Từ đó ta biết được nỗi lòng tác giả, những gì
nhà văn khắc khỏi suy tư, những gì bất đắc chí ẩn chứa trong lòng, và một tâm
hồn trong sáng dễ dàng “ ràng buộc bởi muôn dây”.
“Loài Hoa Trắng” gồm có 10 truyện ngắn:
Đầu
tiên ta đến với “Người Đợi Vầng Trăng”. Người đợi vầng trăng nhưng trăng có lên
hay không? Nếu vầng trăng lên có lẽ Thái Đào không viết truyện nầy.
“Miền
Rừng Nắng Gió” là câu chuyện hào hiệp thời nay. Một hảo hán đã khuất phục tên
côn đồ đại ca bằng nghĩa cử của mình.
“Loài
Hoa Trắng” là câu chuyện mà tác giả ưng ý nhất nên dùng làm tên cho cả tập
truyện của mình. Loài hoa nầy ở ngoài đời thì không đáng giá bao nhiêu nhưng ở
trong hồn người thì thơm ngát trên mọi loài hoa. Đời dập vùi loài hoa nầy khiến
cho nhân vật chính phải thốt lên: “Tôi phải tìm nó ở dưới vực sâu, ở trong đọa
lạc, hay ở giữa trời cao… Tôi đã kiếm tìm đến kiệt sức”
“Hậu
Đài” là câu chuyện phía sau một gánh hát. Người ta sẽ thấy nổi bậc lên đây
những oan nghiệt của kiếp người nghệ sĩ. Vinh quang đồng hành cùng đau khổ.
“Tiếng
Trống Trận” viết về trận chiến giữa Hồ Tôn Hiến với Từ Hải trong Kiều. Nổi bậc
trong truyện là một chiến binh đánh trống thúc quân, cho thấy cái hào khí có
ngay ở trong những người rất đổi bình thương, nên trước cái chết “Tiếng trống
càng dữ dội hơn, như sấm dậy, xé vang cả đất trời”.
Rồi
thì, “Tiếng Đàn Trúc Bên Sông Dịch Thủy” nói về Kinh Kha, một điển tích đã được
viết ngàn trang và không mấy ai không biết. Thế nhưng, qua bút pháp Thái Đào,
Kinh Kha như sống dậy bên dòng sông Dịch Thủy, tiếng trúc Cao Tiệm Ly như
còn vọng lên trên trang giấy và người đọc chiêm nghiệm được “Còn tiếng đàn
trúc, còn linh hồn nước Yên” để liên nghĩ đến “Truyện Kiều còn, nước ta còn”,
vững lòng trước rợ Phương Bắc ngày nay.
“Ngày
Biển Động” viết cho những mảnh đời dân
biển. “ Biển đong cho từng bửa, và biển đòi lại thì vô cùng”, nhưng rời biển để
đi tìm kế sinh nhai nơi khác thì “cái ác độc của những cuộc tranh ăn còn hiểm
sâu hơn rừng độc, hơn biển dữ” khiến người con của biển phải nằm lại trong một
nấm mồ hoang, bên rìa ngoại ô thành phố.
Truyện
“ Bán Độ vầng Trăng” viết về người họa sĩ có tham vọng vẽ một mối tình. Mối
tình có đắm say, có ngang trái và cái hệ lụy của nó khiến người trong cuộc suốt
đời phải từ bỏ ngắm vầng trăng đêm 16 và điên loạn trong cõi tâm thần. Đọc “Bán
Độ Vầng Trăng” có khi tưởng mình lọt vào lâu đài kinh dị, có khi như nghe tiếng
ái tình đồng vọng trăm năm trong khu vườn cổ tích.
“Tiếng
Khóc An Dân” được báo Văn Nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam chọn làm 10 truyện ngắn
hay năm 2000 -2004. Câu chuyện viết về quan lại một vùng trong thời chúa Trịnh
xa xưa. Người đọc tìm thấy trong lịch sử tội ác của bọn quan lại và cái chết
đau thương của con người nghĩa khí. Tiếng khóc an dân là tiếng khóc tức tưởi
đau thương cho thời cuộc không có chiến tranh mà nhiễu loạn bởi kẻ cầm quyền
không đức độ.
Cuối
cùng “Lỗi Lầm Sương Khói” là truyện ngắn chở đầy một triết lý sâu xa, mới lạ.
Hai đứa trẻ hẹn nhau năm năm và chúng đã gặp lại nhau đúng hẹn. Thời gian phôi
pha đã làm cho hai tâm hồn không còn nguyên như trước. Họ tự nguyện chia tay để
mang theo kỷ niệm đẹp suốt đời. Câu chuyện bất ngờ đến nổi hai vị tiên xử lý
việc đời cũng trở nên lúng túng, họ thâu hồi tình yêu trong lòng hai đứa, nhưng
theo tôi chắc họ không có quyền lực với tình yêu ở thuở ban đầu.
Đọc
tập truyện ngắn “Loài Hoa Trắng” của Thái Đào tôi có cảm giác tác giả dẫn tôi
đi qua nhiều miền đất lạ, phong cảnh không hữu tình nhưng hiện sâu dấu ấn cuộc
đời. Tôi có cảm giác tác giả cho tôi gặp nhiều người, những hảo hán, những côn
đồ, những ô lại, những minh quan bất đắc chí, và những thường dân. Tất cả như
sống động ở trong lòng tôi. Tôi có cảm tưởng tác giả đưa tôi đang đi giữa thời
đại và để thay đổi không khí, có lúc tác giả đưa tôi về quá khứ xa xưa. Ở đâu
cũng cho tôi nhìn thấy lẽ sống chân lý được suy nghiệm trong truyện. Tác giả
hầu như phác họa được tâm can nhân vật, dẫn người đọc say mê theo lời văn trầm
tỉnh, cuốn hút người đọc vào biến chuyển từng hồi theo bố cục cốt truyện, và
cuối cùng cho tôi những đoạn văn chương gần như là những châm ngôn hợp lý hợp
tình để sống ở đời từ việc nhỏ cho bản thân đến việc lớn như là việc nước.
Tôi
nghĩ tôi còn kiệm lời khi viết về “Loài Hoa Trắng” tập truyện ngắn của nhà văn
Thái Đào./.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 18/06/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 18/06/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét