Home
» Lý luận phê bình
» Thư viện văn xuôi
» Tâm nhiên- Thi sĩ vô trú ca – Bài viết Châu Thạch (Đà Nẵng)
Tâm nhiên- Thi sĩ vô trú ca – Bài viết Châu Thạch (Đà Nẵng)
Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016
Đọc thơ
Tâm nhiên ta cảm thấy tâm hồn ta nhẹ như siêu thoát, vứt bỏ mọi phiền toái trần
gian, dạo chơi trong vùng bao la, nghêu ngao trong vùng mây nước. Nhìn dáng dấp
Tâm Nhiên đứng trong những bức ảnh mà anh đã chụp ở khắp nơi, ta có những phút
giây thư giản như đọc những bài thơ hay, như ngắm những bức tranh mỹ thuật có
hồn, như nhìn những vị tiên bình dị xuống trần ngồi đâu thì nơi đó có trăm dây
quyến luyến.
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3894610
Email: truongvantran@hotmail.com
_____
TÂM NHIÊN - THI SĨ VÔ TRÚ CA
TÂM NHIÊN - THI SĨ VÔ TRÚ CA
Chuông
điện thoại reo vang. Tôi cầm máy. Đầu dây bên kia một giọng nói nhỏ nhẹ cất
lên:
- A
lô, có phải anh Châu Thạch không ạ?
- Vâng,
tôi đây. Xin lỗi ai đầu dây?
- Tâm
Nhiên đây. Anh cho tôi địa chỉ nhà để tôi đến thăm anh.
Thật
tình cái tên nầy lạ hoắc với tôi, nhưng tôi đoán có lẽ một bạn thơ nào đó biết
mình nên muốn đên thăm.
- Ấy,
nhà tôi trong hẻm khó tìm lắm. Vậy anh ở đâu chỉ tôi. Tôi sẽ tới ngay.
- Thế
thì anh hãy đến quá cà phê Cố Quận ở đường Nguyễn Công Trứ.
- Vâng,
tôi đi ngay. Nhưng làm sao để nhận ra anh?
- Anh
thấy người nào đội mũ bê-rê là tôi.
Mười
phút sau tôi đến nơi hẹn. Tâm Nhiên chưa đến nên tôi phải ngồi chờ. Chờ khoảng
muời phút nữa, tôi thấy xuất hiện một người không phải đội mũ bê-rê mà là một
người đội chiếc mũ rộng như cái nồi tròn may bằng vải màu xám tro. Người nầy
mặc một bộ đồ rộng lụng thụng cũng màu xám và đeo trên vai một túi vãi to
tướng. Anh ta vừa bước vào thì chủ quán và ước chừng khoảng mười người đương
ngồi quanh chiếc bàn phía sau tôi tươi cười chào hỏi. Nghe họ gọi tên người nầy,
tôi biết đó là Tâm Nhiên. Hoá ra hôm đó nhà văn Phan Trang Hy mời bạn bè đến
quán nầy để ra mắt tập truyện “Người hay là những cơn mơ mạo danh” của anh và
chúng tôi cũng tình cờ hẹn nhau ở đấy. Nhìn Tâm Nhiên tôi biết ngay là tôi sẽ
mến anh ta như mến nhưng người thật thà nhất thế gian, sẽ yêu anh ta như yêu
thơ tỉnh táo của Bùi Giáng và sẽ khâm phục anh ta như khâm phục các lão tiên
đằng vân đươi trăng. Tâm Nhiên chào hỏi các bạn xong ra ngồi với tôi và Thế
Lộc, Nguyễn Khắc Phước. Nguyễn Thanh Bá mà tôi vừa điện thoại gọi đến. Ngồi với
nhau được vài giờ để rồi sau đó tôi chỉ theo dõi được trên Facebook bước chân
dặm dài cuộc lữ của anh và những vần thơ của một người vô am trú phiêu bồng như
mây, trôi như nước trên khắp mọi miền đất nước. Anh trú ngụ tại một hồn đảo xa
xôi, lang thang qua từng miền quê có bạn văn, ghé thăm những ngôi chùa có sư
yêu mến, đi suốt từ miền Nam đến miền Trung, ra miền Bắc rồi quay lại, rồi đi
lại. Anh lang thang dặm dài cuộc lữ như
không mệt mõi bao giờ. Anh đến đâu thì ghi những vần thơ để kỷ niệm ở đó. Thơ
anh như sương như khói, như gió như mây, phản phất mùi thiền của đạo và sâu
nhiệm tình đời tình người. Tiếng thơ trầm như tiếng gió qua rừng, thì thầm như
tiếng biển dưới trăng khuya và trong sáng như ngàn sao lấp lánh trên bầu trời
xanh thật rất xanh.
Sự
đi của Tâm Nhiên là định mệnh của trời. Anh đi từ tiền kiếp và tâm nguyện của
mình lang thang trong cõi dặm dài. Anh đi như một đám phù vân trôi lãng đãng.
Đôi dép mòn sông núi nhưng bụi phù vân rơi sạch dưới gót chân:
GIỮA MUÔN TRÙNG CUỘC LỮ
Kể từ buổi khai thiên lập địa
Đến bây giờ thành một gã lang thang
Ba nghìn thế giới đâu là chỗ
Để dừng chân thôi kiếp hoang đàng ?
Đi nhào lộn trộn cùng bão lốc
Dốc toàn tâm tự nguyện chẳng phiền
chi
Dẫu tan hoang vỡ ngàn mộng đỏ
Nát tình xanh cũng chẳng sá gì
Đi giáp mặt tận cùng sinh tử
Nhẹ phù vân lãng đãng phong trần
Mòn đôi dép cũ mòn sông núi
Bụi vui buồn rơi sạch dưới gót chân
Đi và đi và đi như thế
Giữa miên trường chẳng nghỉ náu nương
Trần gian quán trọ không dừng trú
Nên đời ta là lữ khách trên đường ./.
Mỗi bước
đi của Tâm Nhiên là mỗi bước thơ. Thơ của anh khắn khít với yêu thương. Tâm hồn
anh như một con đò chở thơ trôi giữa dòng hoan lạc hay sầu ca, đi giữa cõi Sáng
Tạo, hoà hợp hơi thở của nhân sinh và vũ trụ:
BƯỚC ĐI CỦA THI SĨ
Đường của thơ là đầm đìa cát bụi
Vùi nắng mưa sấm chớp bão bùng
Và khơi mở dòng đời từ vô thủy
Cho người về trong mạch sống vô chung
Ngoài ưa ghét là hồn thơ cảm hứng
Nhưng chẳng rời với cái Yêu Thương
Thương tất cả mà xa lìa tất cả
Chỉ tùy duyên tùy cảm giữa đời thường
Như chuyến đò thơ qua bờ không bến
Trôi giữa dòng hoan lạc lẫn sầu ca
Là hơi thở của nhân sinh vũ trụ
Thấm nhuần sâu đến cỏ rác chan hòa
Cõi Sáng Tạo mở con đường thi sĩ
Bước đi từ muôn thuở tới muôn nơi
Nên mộng thực có thơ về nối kết
Gắn liền nhau cái toàn thể cuộc đời ./.
Tâm
nhiên đi giữa muôn trùng cuộc lữ, anh quan niệm muôn trùng cuộc lữ đó chỉ là sự
lêu lỏng rong chơi. Với túi thơ bầu rượu vô sở trú, anh ném xuống giang hồ vô
sở đắc, đi như ngàn nẻo phiêu bay, như cuộc rỡn chơi đùa vô sở chấp. Đó là tâm
hồn phiêu diêu của Phật, của tiên nên Thiên Đàng trên bước đi và Niết Bàn ở chính
trong hồn anh:
CHIỀU PHIÊU DIÊU
Không đến đâu, chẳng từ đâu đến
Nên về đây nhảy muá giữa đời
Túi thơ bầu rượu vô sở trú
Chốn bụi hồng lêu lổng rong chơi
Không đâu đến, chẳng đi về đâu
Cầu mong chi buông bỏ nọ này
Ném xuống giang hồ vô sở đắc
Lòng rổng rang ngàn nẻo phiêu bay
Đúng hay sai cũng đều trật hết
Thảy phù vân lãng đãng sương nhòa
Cuộc rỡn chơi đùa vô sở chấp
Vui thôi mà như nước mây trôi
Và
khi không đi thì nhà thơ là một ẩn sĩ nơi Vô Trú Am của mình. Nhà thơ cho mình
là một dũng sĩ “Gát kiếm trầm nhiên miền vô sự” để “Ẩn sĩ nghiêng bầu càn khôn
uống”. Tại nơi mà thiên nhiên cũng nhập định, nhà thơ đã ngồi cùng cây lá để
thiền, “uống nguồn thanh khí”, “ăn trăng sương” và đã đạt đạo nên “cạn tử sinh
cạn hết luân hồi” nghĩa là thoát vòng cương toả của trần gian:
ẨN SĨ
Ở nơi đó. Có hồn thơ mây núi
Lặng đi về tuế nguyệt thiết tha say
Gát kiếm trầm nhiên miền vô sự
Ngược hay xuôi phủi sạch xuống vai
gầy
Ở nơi đó. Rừng mưa hòa suối nắng
Hòa thong dong điệu thở mới tinh khôi
Ẩn Sĩ nghiêng bầu càn khôn uống
Cạn tử sinh cạn hết luân hồi
Trôi và chảy ngày đêm không tiếng
vọng
Mà nghe vang cung bậc ngát tâm hồn
Còn mất có không chỉ là hư huyễn
Nghĩa gì đâu giữa Tịnh Thổ vô ngôn
Bước thượng thừa không đi không đến
Quên chính mình quên cả chuyện sầu
vui
Tùy duyên tùy cảm ừ như thị
Cứ phiêu nhiên nhẹ nhỏm mây trời.
Hoang sơ giữa tịch mịch này
Thiên nhiên nhập định cùng cây lá
ngồi
Sớm trưa hồng ngắm mây trôi
Là bay đi hết muôn đời nghiệp duyên
Thực ra đâu có ưu phiền
Nên rừng xanh ngát quanh hiên hoa
vàng
Núi cười biển cũng reo vang
Ngàn hương trầm lắng trăng ngàn thong
dong
Trăng sương cũng đủ no lòng
Uống nguồn thanh khí từ trong lẫn
ngoài
Mưa chiều rồi nắng ban mai
Ra vào tĩnh lặng chẳng hoài vọng chi
Đạt
đạo hay không thì chưa biết nhưng cái văn phong đó đưa người đọc đến cõi tiên
bồng, phiêu diêu trong bầu trời thơ “ngàn hương trầm lắng trăng”, thong dong ra
vào trong tỉnh lặng. Từ đó ta sẽ yêu mến vô cùng và ước ao vô lượng để sống đời
nơi Vô Trú Am của Tâm Nhiên:
Sớm mai lên núi chiều xuống biển
Ta như mây trắng lặng bay về
Vi vút muôn phương miền tận thấu
Đâu chẳng là không phải chốn quê?
Thế nên mây trắng đời ta đó
Bay lướt sơn hà khắp bao la
Vốn không ràng buộc không vướng mắc
Chẳng dính vào đâu giữa đang là
Sóng trùng dương vỗ trên đồi gió
Bốn bề lồng lộng hỡi mênh mông
Bát ngát ngàn khơi ta đã thấy
Cả thiên thu hiện ở trong long
Lòng như biển hát hòa âm với
Cung đàn nhật nguyệt ngút hồn thơ
Thở nhẹ nhàng theo bầu vũ trụ
Mà nghe mới lạ mãi bây giờ
Và
rồi cái tâm hồn tu sĩ đó, với ngàn cuộc lữ, với một mình cô đơn nơi Vô Trú Am
có hoá ra đạo mạo lắm không? Không, với bài thơ có cái đầu đề Xuân Huyên ta
thấy ở đây là một tâm hồn thơ lai láng, vô biên “đẹp quá! đẹp kinh hồn và sửng
sốt”:
Mây và gió đưa anh về chốn cũ
Phập phồng đi hồi hộp giữa mong chờ
Ngờ ngợ ngó nhìn ai quen lạ
Rộn niềm mơ ý mộng cõi thơ thơ
Bờ với bến xanh xanh màu bổi hổi
Ngồi lại đây bên hiên quán chiều tà
Đợi tri âm đến kìa em đến
Rợp đường xuân bừng rộ trổ hoa ra
Tỏa loang đầy lâng lâng trời ngào
ngạt
Lạ lùng sao ảo diệu thấm tim mềm
Đẹp quá! Đẹp kinh hồn sững sốt
Ơi mị kỳ duyên dáng ngát hương em
Mình cùng nắm tay nhau mừng tao ngộ
Lời say say trong lai láng bồi hồi
Mời em cạn chén hồng xuân tửu
Mà bàng hoàng như một giấc mơ thôi
Mây
và gió đưa Tâm Nhiên về chốn cũ để đón em hay chỉ là đón mùa xuân của thi nhân
không biết được. Tuy nhiên với tôi bài thơ hay như “chén hồng xuân tửu”, như
“toả loang đầy lâng lâng trời ngào ngạt” để tôi tưởng tượng được một cuộc hội
ngộ giữa mùa xuân chin, tại một miền trong trẻo vô biên.
Và
rồi dầu có rong chơi bao nhiêu, cuộc lữ đời nầy cũng ngừng để đi qua cuộc lữ
đời sau. Tâm Nhiên đã đi như hạt bụi lang thang từ vô thuỷ nhưng vẫn còn mong lang
thang cho đến vô chung. Nhà thơ đang đi hôm nay mà còn mơ ước đến “Qua chơi cõi
khác” để ở một miền thiên tiên nào đó anh sẽ tiếp tục làm “mây trắng/ Phiêu
diêu vạn dặm khắp muôn bờ”:
Tiễn biệt thi sĩ Trần
Đới
Hạt bụi lang thang* từ vô thủy
Bay về sương khói cõi vô chung
Là xong một kiếp phong trần khách
Còn lại bài thơ thở tuyệt cùng
Bài thơ viết mãi dòng bèo bọt
Vốn là duyên hợp với duyên tan
Tùy duyên* chuyển hóa hòa nhập cuộc
Nên vẫn thênh thang ngát trăng ngàn
Gió nghiệp thổi vờn cơn mê vọng
Vọng tưởng thương yêu lẫn hận thù
Trăm năm rồi cũng chừng ấy chuyện
Bùng vỡ nghìn thu thấy Như Như
Dấu chân trên biển* đâu lưu vết
Bên trời xanh mộng bỗng thành thơ
Từ đây hạt bụi về mây trắng
Phiêu diêu vạn dặm khắp muôn bờ
Tôi
nghĩ mình chẳng cần học đạo, mình chẳng cần ngồi thiền, mình cứ đọc thơ Tâm
Nhiên thì “giáo ngoại biệt truyền” sẽ “trực chỉ nhân tâm” để mình thành đạo
trong thơ, bởi vì chữ Tâm Nhiên hiểu theo cách của tôi là truyền tâm pháp một
cách tự nhiên. Đó chỉ là cách nói vui nhưng cũng là cách diễn đạt sự tác động
của thơ Tâm Nhiên vào tâm hồn người đọc. Đọc thơ anh, ta tưởng mình cũng có gót
chân lữ thứ, đi khắp nơi và gặp những con người đáng mến, chiêm ngưỡng những
phong cảnh nên thơ và suy nghiệm chân lý cao siêu của đạo,đời.
Đọc
thơ anh- ta cảm thấy tâm hồn ta nhẹ như siêu thoát, vứt bỏ mọi phiền toái trần
gian, dạo chơi trong vùng bao la, nghêu ngao trong vùng mây nước. Nhìn dáng dấp
Tâm Nhiên đứng trong những bức ảnh mà anh đã chụp ở khắp nơi, ta có những phút
giây thư giản như đọc những bài thơ hay, như ngắm những bức tranh mỹ thuật có
hồn, như nhìn những vị tiên bình dị xuống trần ngồi đâu thì nơi đó có trăm dây
quyến luyến./ .
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 24/04/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Nẵng ngày 24/04/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét