Ám ảnh gia truyền – Truyện ngắn Mai An Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội)
Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
Nếu sự
thật là vậy, hắn còn biết tin ai, tin điều gì nữa ở cõi đời này? Và hắn phải
làm những gì để con gái hắn được thoát khỏi cái định mệnh quái gở kia?
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Dễ gần một năm nay, hầu như lần nào cũng
vậy, cứ thấy hắn về tới cổng, chàng thanh niên hàng xóm lại vội nhảy ra vồn vã,
hồn nhiên:
-
Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa?
Hắn
chỉ biết gượng nở nụ cười chó thui để khỏi dội nước lạnh vào hy vọng của thằng
bé. Gọi là thằng bé thì quả quá đáng, vì cậu ta cũng hơn 30 tuổi, có điều tâm
trí ngây thơ như một đứa trẻ mười hai chốn quê rừng. Cậu ta sống trong ngôi nhà
3 tầng chỉ có hai bố con. Ông bố là một vị bác sĩ già, cỡ giáo sư tiến sĩ, song
giờ đây niềm vui và động lực sống cuối đời của ông chỉ là làm thơ ôn kỷ niệm
xưa, chăm sóc con chó giống Đức, và canh chừng đứa con trai út khỏi đánh mất
chùm chìa khóa dù luôn đeo lủng lẳng trên cổ và
bớt làm những điều dại dột khiến ông đau đầu. Thực ra, cậu ta chưa làm
điều gì gọi là dại dột để ông bố mất thể diện với hàng xóm. Tình trạng tâm thần
phân liệt của cậu ta ở dạng vẫn đủ năng lực để học hết hàm thụ mỹ thuật công
nghiệp, và vẽ được khá nhiều bức tranh dễ thương, thậm chí có bức độc đáo. Nếu
ở một đất nước "tư bản thù địch", chắc là những bức tranh nọ cũng sẽ
được coi trọng, người vẽ sống được bằng tác phẩm của mình. Nhưng ở xứ sở là fan
hàng đầu của các loại quảng cáo này, ai bỏ tiền ra cho cậu ta lăng- xê, triển
lãm tranh? Ông bố nhếch mép, ừ, mày vẽ vời thế sẽ bớt rượu chè be bét và khỏi
ngã xe đạp gãy quai hàm cho tao yên thân! Cậu ta lại không thể biết được cái
thủ thuật "luộc" chính tác phẩm của mình, đem nhân bản chúng ra, và
không có quan hệ cực đẹp để chúng có thể được tiêu thụ vèo vèo, được treo cả
nơi công sở hoành tráng lẫn toa-let khách sạn sang trọng như nhiều "đồng
nghiệp" may mắn của cậu ta! Hắn chợt giật mình. Biết đâu, trong số những
người mà hắn ám chỉ "đồng nghiệp" ấy, có kẻ đang nhận trách nhiệm
theo dõi hắn, chỉ vì hắn đã không chỉ một lần bóc mẽ cái nghệ thuật thương mại
hóa nghệ thuật của họ?
Lâu
nay, hắn mắc cái bệnh mà Lỗ Tấn từng duy danh: bệnh "bách hại cuồng".
Bố hắn, bạn bè bố hắn từng bị khoác những cái án chính thức lẫn không chính
thức mà Tòa án công luận đã "xử trảm", bị hành lên bờ xuống ruộng đến
thân bại danh liệt. Không ít bạn bè hắn hoặc những người cùng lứa mà hắn kính
trọng nhưng chỉ biết tên, bị mắc cái họa- cũng không khác ở thế hệ bố hắn là
mấy, chung quy lại như ông cha hắn gọi là "họa sát thân" bởi tội
"yêu thư yêu ngôn". Vì thế, hắn khôn ngoan "tránh voi chẳng xấu
mặt nào", chui vào chuyên môn thuần túy, nếu không có duyên để được
"hồng" thì cũng có lộc là "chuyên". Trên bục giảng, hắn cố
gắng không để lòi "cái đuôi" dù chẳng đem ra mà xào nấu no bụng được
thì cũng là cái "nghiệp" của dòng giống bất hạnh nhà hắn, để sinh
viên và các tầng lớp trên sinh viên không thắc mắc, nghi ngờ gì hắn. Về tới
nhà, hắn cũng ít chuyện trò với mẹ và vợ, phòng cái bệnh "buôn dưa
lê" của các bà già bà trẻ mà vô tình làm lộ ra thân phận hắn. Tội nghiệp,
cái thân phận vô hại mà phải chui lủi! Hàng xóm hắn có một số quan chức mấy Bộ
mặt lúc nào cũng lạnh tanh qua cửa xe đắt tiền, còn lại là những trọc phú giàu
xổi đến độ bóng loáng từ cái bậc dắt xe - họ thường nhìn như hắn có "cái
mặt không chơi được", và có thái độ nghi kỵ, khinh khỉnh, hoặc bất đắc dĩ
phải xã giao nhăn nhở. Đặc biệt, ở sát nhà hắn là một đôi vợ chồng làm ở một cơ
quan thuộc "thượng tầng quý tộc", cô vợ là kế toán trưởng, đã cho cải
tạo nhà giống lâu đài; họ tự hào được sinh ra ở đất Thang Mộc - quê Vua
Chúa (những người bạn thân quý nhất của
hắn và những người thầy hắn kính trọng nhất lại xuất thân từ vùng đất địa linh
nhân kiệt khét tiếng ấy). Họ còn đắc chí là hậu duệ của một đội trưởng Ưu binh
kiêm Kiêu binh thời chế độ lưỡng đầu chưa thành quá khứ sử Việt, lớp người vỗ
ngực là nền móng chế độ với câu thần chú: "còn Chúa còn mình..." Hắn
thúc dục con gái đọc sách, học ngoại ngữ, và cho nó đi chơi xa khi rỗi rãi, để
hạn chế mối quan hệ với những đứa trẻ xung quanh vênh vang ra mặt cậy thế, cậy
của. Về nhà, hắn chỉ trò chuyện thân mật với cậu họa sĩ nọ, người mà hắn biết
chắc là không có âm mưu, không có năng lực hại hắn, và cũng chẳng ai dở người
hạ mình để chơi và lợi dụng cậu ta! Hắn có cảm giác an toàn tuyệt đối trước một
type nhân vật kiểu chú bé Oskar của Gunter Grass1. Và thế là hắn mắc nợ, một
lời hứa hão: anh sẽ xin việc cho chú. Chuyện này, hắn không dám hé nửa lời với
ông bố, người cứ mỗi lần gặp hắn là bỗ bã toa, moa, bởi ông thuộc lớp người
không hình dung nổi phải chạy chọt biết bao tiền một suất làng nhàng vào cơ
quan Nhà nước để không biết đến hết thế kỷ này có hòa vốn? (Dĩ nhiên là không
kể đến suất quan chức bự). Hắn cũng đề phòng ông già mới duyềnh lên tâm hồn thi
sĩ sẽ vui miệng san sẻ (hay phản đối một cách chính trực) với hàng xóm chắc
chắn là có tai mắt của An ninh, truy đến hắn thì rắc rối to.
Gần
ba năm nay, trước khi về hưu, hắn âm thầm tìm cách chuyển cả nhà tới một thành
phố phía Nam. Thành phố mà qua báo chí, hắn biết là một nơi đáng sống nhất nước
hiện nay, bởi có người đứng đầu với những quyết sách đúng đắn, mạnh bạo. Con
gái hắn sẽ thoát được cảnh học thêm phờ phạc, cảnh buộc phải gà bài cho đứa kém
hơn trong giờ kiểm tra cuối kỳ để lớp dành được tiên tiến cuối năm. Mẹ hắn sẽ
kéo dài thêm tuổi thọ ở một môi trường còn có thể được gọi là khá trong lành,
cả nhà bớt nỗi lo ngay ngáy bị đầu độc thực phẩm theo kiểu con ếch bị nung nóng
từ từ trong chảo. Quan trọng nhất là thoát được mấy nhà hàng xóm khinh khỉnh
vốn coi tiền của là Thượng đế, tệ hơn là hình như đang bí mật xoi mói hành tung
của hắn. Vì vậy, hắn càng cẩn thận giữ mình. Hắn không dại dột gì nữa mà bình
phẩm, mà thất vọng hỡi ơi cho thị hiếu mauvais
gou^t của những bức tranh "Bờ hồ" chọc vào mắt chỉ có khung là
đắt giá trong nhà hàng xóm dòng giống "Kiêu binh" mà hắn vô tình liếc
thấy... Song, sự bất an ngày một tăng thêm. Con đà điểu trốn trong cát tưởng
mình an toàn. Hắn thì không ngu ngơ thế. Đêm đêm, hắn vắt tay lên trán để tự kiểm điểm, tự đấu tố, tự phê bình -
những từ ngữ khét lẹt mùi khủng bố tinh thần một thời chưa xa và hiện đương
được trang kim thời thượng. Những cuốn phim đen trắng négatif chiếu chậm bắt đầu trở thành cấu trúc cơ bản của tâm hồn
hắn. Có cuốn chiếu độc lập, có những cuốn lại đâm xầm vào nhau và tự vận hành
cơ chế montage quái đản riêng của
chúng...
Một
cuốn phim nhắc hắn nhớ, ý định làm cuộc cách mạng di chuyển nơi cư trú chợt lóe
đến với hắn khi kể cho sinh viên nghe về vở kịch Ba chị em của Tsekhov. Hắn chợt toát mồ hôi hột: Rất có thể một
sinh viên nào đó đã báo cáo lên trên, suy diễn lời giảng của hắn về sự ngột
ngạt tù túng xã hội nơi tỉnh lẻ khiến ba chị em ao ước được dọn nhà tới Moskva
như một hư ảo hạnh phúc, nhưng rồi họ đau đớn vỡ mộng, và lại tiếp tục cái cuộc
sống vũng lầy hiện tại. Một cuốn phim nhòe nước mắt của chính hắn văng vẳng lời
nói của đôi bạn họa sĩ bên bức tranh trên giấy báo của mét Phái vẽ chân dung bố hắn ngồi bó gối trước một phin cà-phê, có
bút tích của danh họa: "Hoan nghênh café!" Thực xuẩn ngốc khi hắn đem
khoe với một số người mà hắn mù mờ về lai lịch, kèm những lời bình về sự đói
nghèo thảm hại của các họa sĩ thời phải đổi tranh lấy cà-phê. Có khác gì lên án
xã hội một cách thâm hiểm! Lại nữa: nhân vật chính của thời đại, Công Nông Binh
đang chiến đấu và lao động sản xuất biến đâu rồi, sao chỉ có kẻ hưởng thụ kiểu
tư sản? Cuốn phim tiếp liền lại là chính giọng của hắn trước sinh viên, kể theo
lời bố hắn về bức tranh đầu tiên và cũng là cuối cùng của một
người đàn bà gần hết cuộc đời làm nghề nhặt củi khô trên tuyết để nuôi sống đàn
con cháu mình: trên một tấm toan phủ sơn trắng toát, có mấy nét vẽ đơn sơ nguệch
ngoạc màu nâu đen. Bức tranh sau đó đã trở nên vô giá trong con mắt của những
nhà sưu tập tranh thế giới. Không thể đem hệ thống mỹ học quen thuộc và cứng nhắc
của chúng ta mà cảm thụ, đánh giá những tác phẩm như thế. Biết đâu, trong lý
lịch cá nhân của hắn ở phòng tổ chức cán bộ đã có dòng ton hót của một sinh
viên nào đó kiêm "mật thám tư tưởng": "Đi ngược lại quan điểm
chính thống về văn học- nghệ thuật, tuyên truyền thứ mỹ học phi giai cấp rác
ruởi!" Rồi, thực nguy hiểm cuốn phim trình chiếu cảnh hắn say sưa nói về
những Hóa thân, Vụ án, Lâu đài của F.
Kafka trong một cuộc sinh hoạt câu lạc bộ văn học- nghệ thuật giáo chức, hắn đã
đọc mấy đoạn có gạch bên lề, có ghi chú hẳn hoi, trong đó là đoạn Jozep K ném
thẳng vào mặt những kẻ thi hành công vụ: "tất nhiên lề lối của ngành tư pháp chúng ta đòi hỏi không những người
vô tội bị kết án mà còn không được biết đến luật pháp". Hắn bật mình
như mèo vồ chuột, chạy đến giá sách lục tìm cuốn sách tai hại kia, vội vã lật
tìm những chỗ sẽ làm vật chứng hùng hồn kết tội hắn, xé chúng ra và bật lửa
đốt. Bóng hắn bập bùng lay động, kỳ quái tựa Gregor Samsa hóa thành con bọ
khổng lồ trong chính căn phòng của mình! Hắn đã phạm tội đốt sách, nhưng xét cho
cùng không nghiêm trọng bằng tội mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, vẽ mây
nảy trăng, tội dùng équivoque (biểu
tượng hai mặt) - theo góc nhìn chính thống! Còn cuộn phim hãi hùng này đây: khi
các rạp chiếu bóng cùng toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng hân hoan đến
cuồng nhiệt quảng cáo không công cho chủ nghĩa nặng mùi bá quyền Đại Hán của
đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu qua bộ phim Anh
hùng và chương trình Olimpic Bắc Kinh,
hắn đã phản ứng một cách đơn độc để rồi chắc phải chuốc lấy sự khinh ghét, thù
hằn của ối người, ối cơ quan- không chỉ vì hắn đã động tới túi tiền lớn của họ
trong kinh doanh văn hóa, mà chính là vì đã cả gan động chạm tới và hòng giải
thiêng một "vùng nhạy cảm" mà người dân đen và những trí thức hạng
bét như hắn không có quyền. Sao hắn ngu lâu đến thế? Liên quan tới cái ngu do
phim ảnh gây ra thì còn có cuộn phim này: Sau buổi chiếu phim tham khảo một bộ
phim đoạt giải Cành cọ vàng của LHP Cannes, hắn đã khái quát lại, đại khái:
Suốt phim là những hình ảnh ẩn dụ kỳ lạ, đầy chất thơ, đạo diễn dùng cả lịch sử
tiến hóa vũ trụ để diễn tả hân hoan sự hình thành một đứa trẻ. Thế mà nhân vật
người cha lại bơ vơ lạc lõng trong những tòa nhà che khuất bầu trời, luôn tự
hỏi về "Cây đời", về ý nghĩa của sự tồn tại. Rất nhiều câu hỏi được nêu
ra: "Người đã ở đâu?", "Chúng con là gì với Người?",
"Vì sao tôi được sinh ra?", "Mục đích sống của tôi là gì?"…
Phim không hề có một câu trả lời! Nhưng người xem có thể tìm thấy câu trả lời:
con người ta được sinh ra là cả một kỳ công vĩ đại, vậy mà đã không được sống
cho ra sống! Một sinh viên ngay hôm đó tung lên Fb: "Một ông thầy của chúng tôi đã mượn diễn đàn chiếu phim học tập để tuyên
truyền cho chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa vô chính phủ, kích động tinh thần nổi
loạn, tư tưởng bi quan, rõ ràng ám chỉ xã hội ta và nhằm đả kích nền Điện ảnh
Cách mạng khá sâu cay..." Dĩ nhiên là ở trường chẳng ai thèm đếm xỉa
tới những lời nhăng nhít ấy. Nhưng biết đâu, ở một cơ quan bí mật nào đó, những
lời giống như kết án kia đã được copy lại và được đóng khung đen làm dữ liệu
trong hồ sơ để hạch tội sau này, khi có thời cơ? Điều đó thì hắn không dám
chắc, có khi chỉ là sản phẩm méo mó của bệnh Bách hại cuồng đã tiến triển tới
độ đáng báo động. Song có điều hắn biết chắc, mặc dù đã có dấu hiệu của le fou (thằng điên) mức độ xấp xỉ cậu
họa sĩ hàng xóm: viên tuần Trang thời nọ bất chấp cái lạy của thầy dạy mình là
Lý Trần Quán để trói gô chúa Đoan Nam vương nộp cho quân Tây Sơn, chỉ vì tiền
và sự an toàn của bản thân; còn học trò thời nay "bán thầy" là vì sự
giác ngộ lý tưởng xã hội mà cậu ta được nhồi nhét một cách tuyệt vời, trên cả
tuyệt vời thành công. Đó là cả một bước tiến lớn xét về tiến trình tư tưởng dân
tộc.
Nhưng
cuốn phim kinh khủng nhất, có thể sẽ là chứng cớ quy tội nặng nhất cho hắn đang
xè xè chạy qua một tâm trí bấn loạn: Lần ấy, một người bạn thân là đạo diễn,
phóng viên truyền hình rủ hắn tới làng Y ngoại thành Hà Nội. Bạn hắn bảo: Mày
bớt ru rú trong tháp ngà văn chương nghệ thuật mà đến với The tree of Life (Cây đời) thứ thiệt đi! Không đợi đến lời khích
bác thứ hai, hắn cun cút đi theo bạn. Hôm đó là một ngày đẹp trời song u ám bởi
hàng vạn tâm trạng phẫn nộ, tức tối, hoang mang, tuyệt vọng... Trước đó, đã có
rất nhiều bài báo viết về những xung đột, bê bối của làng này quanh chuyện giải
tỏa đền bù đất đai. Nhưng, khi phóng viên của một đài Truyền hình lớn tới, mang
theo cả máy quay, sự bức bối tích tụ lâu ngày của dân làng mới thực sự nổ tung
ra. Khi thấy dân làng đổ tới mỗi lúc một đông, hắn chột dạ. Nhưng, có tư cách
pháp nhân của bạn, hắn vững dạ phần nào. Hắn đeo túi máy cho bạn, đi sau ống
kính ghi lại bao khuôn mặt phừng phừng nhãy nhụa mồ hôi, bao lời gào thét thê
thảm kịch kim thu thanh. Lần đầu tiên trong đời hắn cảm nhận hết sự xót xa cho
nỗi đau mất nguồn mưu sinh của những người dân hiền lành, quen nhẫn nhục. Trên
những mảnh đất thấm mồ hôi của họ và ông bà cha mẹ họ, rồi đây sẽ mọc lên một
khu du lịch sinh thái với những điểm dịch vụ ăn - chơi, những quán lá kiểu cách
dành cho các đôi tình nhân mà người dân làng mãn kiếp cũng không thể bén mảng
tới nổi! Tuy mắt cay xè và lồng ngực thổn thức trước cảnh bất công ngang trái
sờ sờ, hắn vẫn đủ tỉnh táo để nhận thấy mấy chiếc xe tải do dân thuê chở đầy
đất đá bắt đầu đổ xuống ào ào ngăn bên ngoài cổng khu vực chăm sóc sức khỏe cao
cấp tương lai. Có tiếng thét lớn: "Đến nhà tay chủ tịch xã hỏi tội!".
Nguy rồi. Hắn kéo tay bạn báo hiệu. Nhưng cậu ta dường đang mê man đi, dán mắt
vào vi-zơ để không bỏ sót một nỗi uất hận nào đang sôi sục khắp bốn phía. Cảnh
giác cách mạng của hắn hóa ra cao hơn thằng bạn. Hắn thét vào tai nó: "Rút
ngay đi!" Lúc bấy giờ bạn hắn mới sững người tỉnh ra, hiểu rõ hơn hắn tình
thế hiểm nghèo. Hai thằng vội vã thu máy, chạy ra chỗ gửi xe do dân làng trông
hộ "các phóng viên". Hắn đèo bạn bằng chiếc xe máy phân khối lớn đã
cũ song còn khả năng đương đầu với mọi cuộc săn đuổi. Quả là có một cuộc săn
đuổi như hai thằng dự đoán! Mới chạy được gần trăm mét, qua gương chiếu hậu,
hắn thoáng thấy hai chiếc xe máy hối hả phóng theo. Cuộc rượt đuổi qua hết
làng, ra đường quốc lộ, rồi hắn phóng xe vào ngõ ngách trong làng bên cạnh hồi
dài. Thế là thoát. Hú vía. Tối hôm sau, hắn gặp lại bạn thấy vẻ mặt thẫn thờ
như người mất của. Đúng là "mất của" thật. Buổi sáng, có hai cán bộ
An ninh văn hóa đến cơ quan bạn hắn, chỉ gặp được giám đốc. Họ yêu cầu nộp lại
cái băng đã quay. "Cũng may là cuốn băng chưa lộ ra bên ngoài, chưa bị đem
bán cho kẻ xấu - nó có giá của cả một ngôi nhà 4 tầng đấy! Lẽ ra chúng tôi phải
mời đương sự lên làm việc, viết tường trình, tịch thu phương tiện phạm pháp.
Nhưng anh ta chưa có tiền án tiền sự gì, chỉ là người ngây thơ quá thể về chính
trị. Đề nghị cơ quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm thật nghiêm túc!" Đấy là
sự phản ánh lại của giám đốc kèm theo mấy lời mắng mỏ thân tình. Có hai điều
cực nguy hiểm cho bạn tôi: thứ nhất, anh ta không được cơ quan cử đi làm phóng
sự về vụ này (Đời nào có chuyện được làm phóng sự về một việc "nhạy
cảm" như thế!); thứ hai, có một lá đơn kiện mang danh nghĩa Chi bộ xã gửi
tóe loe, vu rằng: các phóng viên đã ăn tiền của những kẻ xấu ở xã để góp phần
kích động sự chống đối chủ trương chính sách của Đảng ủy, Chính quyền địa
phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa- xã hội! Nếu bạn hắn không
cấp tốc ngay tối ấy kêu cứu một đồng môn đồng nghiệp là đạo diễn truyền hình
đeo hàm đại tá công an - theo gợi ý khôn ngoan đột xuất của hắn, thì hẳn toi
đời toi nghiệp rồi! Nhưng hắn thì không có ai chống lưng trong cái vụ động trời
này. Đơn kiện kia có viết: "Người phóng viên đi theo giúp đỡ rất tích cực
cho nhà quay phim, có thể là sếp, đã trực tiếp phỏng vấn và gợi ý thêm cho
những kẻ làm loạn kỷ cương phép nước!" Hắn được (bị) chuyển nghề, lại có
vai trò quan trọng hơn người cầm máy quay, thậm chí vai trò cầm đầu, hơn thế,
nếu pháp luật khui ra còn mắc tội lừa đảo. Đáng đời chưa! Hắn đã phát sốt phát
rét cả tháng ròng. Bạn hắn, sau khi tai qua nạn khỏi thì khệnh khạng:" Nếu
tổng giám đốc mà có gọi tao lên khảo, tao sẽ nói: là một phóng viên, nếu tôi
dửng dưng trước sự bất công, nguội lạnh với nỗi đau của người dân, thì chẳng
xứng đáng cầm máy cầm bút nữa!" Hắn cười khẩy: "Yêng hùng quá nhẩy!
May thoát hiểm nên thánh tướng! Còn tao chỉ vì dửng mỡ mà sẽ phải mang họa lớn
đây!" Suốt một thời gian dài, không ai động chạm gì tới hắn, khiến hắn
càng bồn chồn lo lắng. Như một cái án treo lơ lửng trên đầu. Phen này thì sạt
nghiệp, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Đã hơn chục năm trôi qua, cái án chưa
thành đó, cộng với những phốt tư tưởng trót mắc phải và do hắn tự huyễn hoặc
thêm cứ đeo đẳng ám ảnh, thỉnh thoảng lại nhói lên tựa kim châm hồn hắn. Không
hồ nghi gì nữa, đây chính là một cuộc giăng bẫy thú bự, trường kỳ mai phục,
"thập-diện-mai-phục"- như tên một bộ phim võ hiệp Tàu! Như vậy thì
càng phải mau mau tìm cách chuồn cho sớm khỏi đất này. Hắn và cả gia đình sẽ ra
đi một cách lặng lẽ, bí mật, vào ban đêm, với ít đồ đạc, nếu lỡ hàng xóm biết
thì phao là đi du lịch (Tất nhiên là vào dịp nghỉ hè của con bé, và cũng là dịp
hắn nghỉ phép). Đồ đạc cồng kềnh nhờ cô em gái bí mật chuyển dần sau bằng xe
tải (Cồng kềnh nhất chỉ là sách vở tài liệu của hắn).
Giữa
những ngày tâm trí căng như dây đàn sắp đứt vì cái Án tưởng tượng nọ, hắn đọc
được một bài viết trên báo lề phải
nói về cái nơi hắn đang mong chuyển đến: hàng loạt dự án Cao ốc và Rì-dọt khủng đang chuẩn bị xẻ thịt tan
hoang những bãi biển đẹp nhất Thành phố! Hắn tựa quả bóng xì hơi. Thế là hết.
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Biết tìm đâu ở khắp xứ sở của quảng cáo này một nơi
hầu như chỉ có sự Tử tế dựa trên sự Lương thiện? Hắn lại phải mầy mò từ đầu,
làm lại cuộc hành trình rất có thể là vô vọng đi tìm xứ sở ít nhất cũng có cái
vỏ của Thiên đường, chứ không phải xứ sở Thiên đưòng trong mộng của Alice mà con gái hắn mê mải...
-
Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa?
Hóa
ra hắn đã về đến cổng lúc nào không biết. Lời nói quen thuộc của cậu họa sĩ
"không chịu trưởng thành" lôi hắn trở về thực tại đắng ngắt, khó
chịu. Trong tâm thế ấy, hắn chợt lóe lên sự hoài nghi quái quỷ: nếu cậu ta là
le fou thật như ông bố thường nheo mắt chế riễu con trai, thì mỗi lần nói câu
đó sắc thái phải sinh động, tự nhiên, mỗi lần một âm sắc khác biệt dù rất nhỏ;
nhưng đây thì lần nào cũng đơn điệu và tỏ ra hồn nhiên thái quá như nhau? Phải
chăng, nếu chú bé Oskar nọ quyết định ngụy trang để tồn tại bằng cách là sẽ
không lớn nữa, thì cậu họa sĩ này lại ngụy trang cái sứ mệnh Gia-ve văn hóa mà
người ta giao cho bằng sự vờ vịt nửa điên nửa tỉnh?
Nếu
sự thật là vậy, hắn còn biết tin ai, tin điều gì nữa ở cõi đời này? Và hắn phải
làm những gì để con gái hắn được thoát khỏi cái định mệnh quái gở kia?
(Nhà văn - Đạo diễn Điện ảnh)
----
1.
Tác giả cuốn tiểu thuyết Đức: Cái trống thiếc.
----
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 28/04/2016
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 28/04/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét