Dương Quốc Việt: Phiếm luận về giả cầy
Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016
Thịt
cầy (tức thịt chó) nấu riềng, mẻ, mắm tôm, còn được gọi là món rựa mận, một
trong những món ăn ưa thích của người Việt. Đặc trưng của món ăn này là thịt
chó phải thui rơm đi cùng với riềng-mẻ-mắm tôm. Nhưng đôi khi không có thịt
chó, hoặc do phải kiêng không ăn thịt chó, hoặc giả quá chuộng cái mùi vị của
cái món rựa mận thịt chó này…, mà người ta có thể biến báo, từ các loại thịt
khác, nhưng nhất thiết phải có màu thịt chó thui rơm và riềng-mẻ-mắm tôm, và
gọi là các món giả cầy.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Dương Quốc Việt
Thịt
cầy (tức thịt chó) nấu riềng, mẻ, mắm tôm, còn được gọi là món rựa mận, một
trong những món ăn ưa thích của người Việt. Đặc trưng của món ăn này là thịt
chó phải thui rơm đi cùng với riềng-mẻ-mắm tôm. Nhưng đôi khi không có thịt
chó, hoặc do phải kiêng không ăn thịt chó, hoặc giả quá chuộng cái mùi vị của
cái món rựa mận thịt chó này…, mà người ta có thể biến báo, từ các loại thịt
khác, nhưng nhất thiết phải có màu thịt chó thui rơm và riềng-mẻ-mắm tôm, và
gọi là các món giả cầy. Các loại thịt nấu giả cầy đã tạo nên những món ăn độc
đáo trong nền ẩm thực Việt. Và mặc dù cái món rựa mận thịt chó là cái món gốc
và chỉ có một, nhưng các kiểu giả cầy thì nhiều không kể xiết, mà người Việt có
thể chế tác ra, miễn sao phải có màu và mùi giống cái màu và mùi của anh chàng
rựa mận thịt chó! Nếu họ hàng nhà giả cầy chỉ dừng lại trong ẩm thực, thì đó là
một câu chuyện khác, nhưng người ta đã tạo nên cả một nền văn hóa giả cầy, mới
là điều đáng để ý.
Đã
một thời, khi nhắc đến một cá nhân nào đó thành công trong học tập, bao giờ
cũng phải có các yếu tố nghèo-chịu khó-được quan tâm giúp đỡ. Điều này đã trở
thành cái mùi vị “riềng-mẻ-mắm tôm”, không được thiếu của các món “giả cầy”,
xuất hiện trong mọi bản báo cáo về thành tích, hay kinh nghiệm học tập của
những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Hóa ra cái mode nghèo-chịu
khó-được quan tâm giúp đỡ-học giỏi, đã từng là món rựa mận thịt chó-đặc sản ở
các trường phổ thông và các giảng đường đại học, là món gốc để sáng tạo ra các
món giả cầy khác, nên nhất thiết phải mang cái mùi vị: nghèo-chịu khó-được quan
tâm giúp đỡ, hay nghèo-chịu khó, hoặc như bây giờ là “biết tự vượt lên chính
mình”…, để gắn cho các kiểu thành đạt, thành công khác, hằng mong thuyết phục
người nghe. Nhưng nếu chỉ có như thế thôi, thì cũng không có gì là quá, kể cả
riềng-mẻ-mắm tôm đã được gắn nhãn cho nhiều mode đối tượng khả kính khác.
“Riềng-mẻ-mắm
tôm” còn được người Việt biến báo linh hoạt lắm! Này nhé, người ta còn nấu “giả
cầy” cho các đề thi tuyển sinh hay học sinh giỏi, khiến các thi sinh muốn đỗ, muốn
đoạt giải, thì phải đi luyện để nhận biết cho được cái vị riềng-mẻ-mắm tôm, đã
làm nên các món đề thi-giả cầy đó. Tích tụ năm này qua năm khác, đã sản sinh ra
cả một thị trường sách cẩm nang về các dạng giả cầy-đề thi, rồi các kiểu phương
pháp dạy và học để hấp thụ cho được các món giả cầy này. Cũng từ đó riềng-mẻ-mắm
tôm đã được mang vào cả những bài giảng chính khóa, thấm vào cả những trang
sách giáo khoa, thậm chí căn bệnh “nghiện riềng-mẻ-mắm tôm” trong các nhà
trường, đã trở nên khó chữa. Một món rựa mận thịt chó nguyên gốc, dân gian có
thể gia giảm thành vô vàn món giả cầy khác nhau, rồi cùng hít-ngửi của nhau,
thi nhau chế tác giả cầy, lâu ngày thành quen, thành nghiện, mà quên hẳn đi cái
món gốc ban đầu. Vì thế mà cái nhà anh này, khen hay chê cái món giả cày của cái
nhà chị kia, mà không có cái món gốc để làm chuẩn mực so sánh-đói chứng, là câu
chuyện kéo dài nhiều năm trong nhiều lĩnh vực, không có hồi kết!
Người
ta còn Việt hóa để tạo ra những món “giả cầy”, từ những lý thuyết, những quy
trình nghiêm ngặt và nhất quán của người nước ngoài. Vì thế mới xuất hiện một
hệ thống các trường đại học chẳng giống ai, thậm chí còn khó mà nhận ra đó là
những món giả cầy của loại rựa mận thịt chó nào (!) Không những thế, còn có cả
những ngành học giả cầy với rất nhiều bằng cấp cao, với hầu hết kết quả khoa
học, không có khả năng công bố quốc tế. Cũng cần nhấn mạnh rằng hệ thống học
thuật của người Việt, đều được du nhập chủ yếu từ Trung Hoa cổ, sau là hệ thống
của nền Tây học do người Pháp mang vào, rồi đến hệ thống học thuật của người
Nga-Xô Viết, nhưng xem ra bây giờ không hiểu nó là giả cầy của một, hai, hay
cùng lúc cả ba món gốc đó (!) Chưa kể trong một thời gian dài, hầu hết các
trường đại học đã phải sống nhờ vào cái ngón nghề đào tạo các hệ “giả cày”-xa
cách với chuẩn mực học thuật, như đã hình thành một mạch sống ổn định, nên thật
khó mà tự trở về cái quỹ đạo hướng theo chuẩn mực quốc tế, nếu không có tái cấu
trúc.
Những ai đã ưa cái món rựa mận thịt chó, thì
chắc hẳn đã thấu được sự cám dỗ của cái mùi vị giềng-mẻ-mắm tôm. Trăng thanh
gió mát, hay trời se lạnh, cùng vài người bạn, với rượu quốc lủi uống với món
rựa mận và các món thịt chó khác, thì tưởng như quên hết sự đời! Đất Việt trải
dài từ bắc vô nam như một con tàu, với vô vàn hoa trái sản vật, một thế giới ẩm
thực phong phú do tổ tiên để lại, đủ làm cho người Việt mê say trong suốt cuộc
đời. Cũng đâu có tham vọng gì nhiều, bản chất người Việt chuộng hòa bình, không
hẳn đã vọng ngoại, chẳng thế mà “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn
hơn” đó thôi! Giá mà người Việt được một mình một thế giới, giá mà thế giới
đừng có ai biết đến người Việt, để người Việt được tự lo, được tự phát triển,
hạnh phúc hay đớn đau trên cái mảnh đất của mình… thì người Việt đâu cứ phải
gồng mình mãi cho mệt (!)
Nhưng
oái oăm thay, cái thế giới loài người không như vậy! Người Việt đã phải gánh
chịu bao cuộc xâm lăng, nhà tan cửa nát, trong suốt chiều dài lịch sử. Mà hậu
quả của nó, cho đến hôm nay, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, người Việt
đã và đang phải học, phải dùng những món giả cầy-do chính mình biến báo, từ những
món “rựa mận gốc” có xuất xứ từ bên ngoài đó sao!? Lịch sử đã là thế, tạo hóa
đã đặt chúng ta trên mảnh đất đầy phong ba giặc giã như thế, phải chăng đã buộc
chúng ta phải “sống chung với lũ” đó sao!?
Vâng,
lịch sử đã buộc chúng ta với nhiều món giả cầy có nguồn gốc từ bên ngoài! Nhưng
cho dù là giả cầy, giả cáo, giả đười ươi, hay giả cầy của giả cầy đi nữa, thì việc
biết thải loại-từ bỏ, gạn đục khơi trong, hoặc giả biết biến nó thành những đặc
sản có giá trị hay không, là tùy thuộc vào nội lực của người Việt. Đó là quyền
tự chủ của chúng ta với bàn tay và khối óc của riêng mình, đặng tạo ra những giá
trị cho thế giới này. Và có phải chăng, chính hội nhập sâu rộng, sẽ là một thời
cơ để người Việt thoát ra khỏi cái “giả cầy”? Tất nhiên cơ hội ấy chỉ trở thành
hiện thực, khi người Việt phải tự biết nhận ra và từ bỏ những cái trì trệ,
những thói quen cố hữu-lỗi thời, để đến với kinh tế thị trường. Và hơn lúc nào
hết, người Việt cần đến bản lĩnh và tư duy độc lập, biết tự phê phản để nhận ra
chính mình, mà trên dưới một lòng-gắn kết, giải phóng mọi nguồn lực, để dựng
xây-phát triển-cạnh tranh-sáng tạo cùng với đấu tranh không ngừng nghỉ. Bởi “cây
muốn lặng gió chẳng dừng”, cái điều mà người Việt chẳng đã quá thấu rồi sao!?
----
Đã
đăng trong Dương
Quốc Việt: Phiếm luận về giả cầy – Hội Văn học Nghệ thuật VN tại
LB NGA.
----
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 24/03/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét