Món quà mùa xuân – Truyện ngắn của Võ Anh Cương (Đà Lạt)
Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016
Hừng
đông.Phía chân trời rạng màu da cam, gió thổi nhè nhẹ khiến mấy tàu lá chuối
trong vườn nhà ông Bảy đong đưa.Sương đêm giăng khắp phía, trừ chỗ nồi bánh tét
trên bếp lửa hồng. Đến khoảng 5 giờ sáng ông Bảy thôi không
thêm củi vào bếp, ngược lại ông rút bớt củi ra rồi chuẩn bị vớt bánh. Nồi bánh
tét luộc từ trưa hôm qua có lẽ đã nhừ nhuyễn chắc để đến hết rằm tháng giêng
cũng không bị mốc.
Tác giả Võ Anh Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Sống và làm việc tại Đà Lạt.
Địa chỉ Nguyễn Hữu Cương 01 Yersin Đà Lạt
ĐT: 0982.582.298 - 0633.830660
_____
Hừng đông.Phía chân trời rạng màu da cam,
gió thổi nhè nhẹ khiến mấy tàu lá chuối trong vườn nhà ông Bảy đong đưa.Sương
đêm giăng khắp phía, trừ chỗ nồi bánh tét trên bếp lửa hồng. Đến khoảng 5 giờ sáng ông
Bảy thôi không thêm củi vào bếp, ngược lại ông rút bớt củi ra rồi chuẩn bị vớt
bánh. Nồi bánh tét luộc từ trưa hôm qua có lẽ đã nhừ nhuyễn chắc để đến hết rằm
tháng giêng cũng không bị mốc. Bến xe lam đầu hồi nhà ông Bảy đã bắt đầu hoạt
động, bà Bảy đi chợ cuối năm đang chen lấn với mấy người đàn bà leo lên chiếc
xe lam vừa trờ tới. Đó là xe của ông Hồ Hải, ông Hải là tài nhứt sáng ba mươi
tết. Hai thanh niên không chen với đám đàn bà mặc áo len tay xách giỏ đầu đội
nón lá, họ ngồi cạnh bác tài trên băng ghế trước. Đủ 12 người khách, ông Hồ Hải
cho xe chạy bỏ lại sau lưng một vừng khói đen hắc mùi xăng pha nhớt. Ông Bảy
nhìn theo chiếc xe lam cho đến khi nó khuất hẳn ở một khúc quanh mới vào nhà.
Ông Bảy kêu thằng Tỵsai nó đi mua lít rượu
về để dành cúng ông bà ba ngày tết rồi còn dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ.
Bà Bảy đi chợ từ hồi sớm cùng với mấy người hàng xóm giờ cũng đã về. Bà than
với ông Bảy:
“Chợ cuối năm đông quá tôi chen chân không
lọt, giá thì mắc gấp đôi hôm qua, may mà bánh trái mình mua rồi chớ hôm
naykhông biết làm sao mà mua nữa”.
Thằng Tỵ đang chùi bộ lư đồng cũng góp
chuyện:
“Chút nữa má cho con hai chục mua phong
pháo nghen”. Nó dụ bà Bảy, bà Bảy gắt:
“Không pháo phiết gì hết, tao chán cảnh mới
sáng mùng một đã gom rác ở sân rồi”. Thằng Tỵ chưa chịu thua, nó năn nỉ:
“Đi má, có phong pháo mới vui, ba ngày tết
mà.”. Ừ chỉ có ba ngày tết chớ bao nhiêu, dành dụm cả năm trời để ăn tết cho ra
vẻ một chút. Bà Bảy không tiếc tiền chi cho việc ăn uống nhưng cái vụ pháo bà
không ưng bụng một chút nào. Để tiền đó mua thêm yến gạo cho vững bụng. Thời
buổi chiến tranh hôm nào mà không nghe tiếng súng, bọn lính tráng thế nào cũng
xả hàng băng đạn đêm giao thừa cho coi. Nhưng nhìn vẻ mặt năn nỉ của thằng Tỵ
bà thấy tồi tội, thôi thì cho nó ít tiền mua phong pháo chuột để ngày mai đi
chùa nó đốt lẻ từng viêncho nó vui.
Ông Bảy lên đồi sau nhà chặt một cành đào
mang xuống chưng trong nhà. Cành đào lông lên mốc này ông Bảy chọn từ ngày nó
chớmtượng mấy nụ hoa nhỏ bằng đầu cây
đinh nay nụ hoa đã bung nở khoe những cánh hoa phơn phớt hồng bên cạnh mấy chồi
lộc non. Thằng Tỵ cũng đã lau và chưng bông trái bàn thờ, xong xuôi nó phụ ông
Bảy treo mấy cái thiệp cung chúc tân xuân lên cành đào rồi đi lau nhà. Dưới bếp
mùi thịt kho tàu thơm lựng bay lên tận nhà trên. Ông Bảy chuẩn bị cúng rước ông
bà, lúc ông cắm ba cây nhang lên bàn thờ ông thiên thì tiếng pháo đã lác đác nổ
phía xa xa, chuông đồng hồ điểm 5 tiếng.
Dường nhưthiên hạ đốt pháo nhiều hơn mọi
năm, ông Bảy nghĩ như vậy khi cúng giao thừa. Lẫn trong tiếng pháo là những
tràng tiếng súng, ông Bảy lại nghĩ chắc tụi lính bắn cho đỡ nhớ nhà. Nhưng
tiếng súng ngày càng tăng chớ không giảm, trong hàng tràng tiếng nổ “rẹt rẹt” của
loại súng AR 15là những tiếng “cắc bụp” đỉnh đạt của loại súng AK 47, thỉnh
thoảng tiếng B 40 gầm lên càng làm bầu không khí trở nên căng thẳng. Bà Bảy run
lập cập nói với chồng:
“Đánh nhau rồi ông ơi”. Ông Bảy cau mặt
gắt:
“Thằng Tỵ đâu, kêu nó xuống hầm mau”.Thằng
Tỵ đứng cạnh bên ông Bảy nãy giờ, ông Bảy mải lo nên không thấy nó. Cả nhà ông
Bảy chui xuống cái hầm đào sát bếp, mùi ẩm mốc xộc vào mũi thằng Tỵ khiến nó
hắt xì hơi mấy cái liền. Ông Bảy thảy xuống nền hầm một cái nệm và hai cái mền,
còn bà Bảy khệ nệ mang xuống hầm nồi cơm và nồi thịt kho còn âm ấm.Thằng Tỵ
trải tấm nệm và nằm xuống, một lát sau nó ngủ ngon lành. Bên ngoài tiếng súng
công đồn vẫn còn nổ còn bên trong hầm ông bà Bảy đang lo bom rơi đạn lạc.
Sáng mùng một tết tiếng chim báo hiệu mùa
xuân vẫn hót líu lo mặc cho những tràng đạn vẫn thi nhau nổ. Nhà ông Bảy đóng
cửa im lìm, ông Hồ Hải kêu một lúc mới thấy ông Bảy lọ mọ ra mở cửa:
“Nhà anh chị có tản cư không hay là qua nhà
tui đi chung chiếc xe lam?”.Ông Hải hỏi ông Bảy với khuôn mặt lo lắng. Ông Bảy
ngẫm nghĩ:
“Giờ biết chạy đi đâu hả chú, tui thấy bom
đạn tứ lung tung không biết tránh chỗ nào…mà đi rồi lấy ai coi nhà lỡ có bề gì
biết làm sao?”.
Ông Hải nói thôi tôi về đi à nghen, anh ở
lại giữ gìn…ông Hải nuốt mất hai tiếng “sức khỏe” vào trong bụng.Sức khỏe có
thể giữ được chớ bom đạn ai mà biết được?Ông Hải vừa về thì nhà ông Bảy có
…khách. Một anh bộ đội mũ tai bèo vai vắt cái bòng xéo ngang lưng, khẩu AK báng
gấp quàng vai từ trên đồi đi xuống dáng gấp gáp. Thấy ông Bảy định quay vô nhà,
anh lính giải phóng cười phô hàm răng trắng đều tăm tắp:
“Con chào bố, bố ơi cho con xin ít nước
được không bố?”. Ông Bảy hơi lùi lại một chút:
“Nước…nước hả, ờ anh vô nhà đi rồi tui lấy
cho.”.Anh lính giải phóng ngó trước ngó sau rồi mới vô nhà. Anh dợm hỏi:
“Nhà ta nhiều người không hả bố?”. Ông Bảy
quay sang anh bộ đội:
“Chỉ có vợ chồng tui và thằng nhỏ chớ đông
đúc nỗi gì?”.Anh lính giải phóng nhìn lên nhà trên, trên vách ván chủ nhà đóng
một cây đinh treo bức hình lộng kính. Trong ảnh một anh lính đang làm dáng với
cái mũ bê rê đội xéo trên đầu, mắt kiếng đen tay chống nạnh. Anh bộ đội hỏi:
“Ảnh ai đây hả bố?”. Ông Bảy nhìn theo tay
chỉ của anh bộ đội, ông hơi mím môi:
“Thằng con tui đi quân dịch…mà nó chết trận
hồi năm ngoái rồi”. Anh bộ đội hỏi tiếp:
“Anh lính cộng hòa này bao nhiêu tuổi hở
bố?”. Ông Bảy buồn buồn:
“Lúc chết nó mười chín tuổi năm tháng
chẵn”. Anh bộ đội trầm ngâm:
“Bằng tuổi con”. Anh nhìn cây đào, mắt anh sáng
lên:
“Bố
có cành đào đẹp quá.”. Nói xong anh tiến lại cành đào, tay anh nâng từng cánh
hoa đào lên ngắm nghía. Anh nói tiếp:
“Con quê Hà Nội, năm nào bố mẹ con khó khăn
đến mấy cũng cố mua bằng được cành đào, năm nay không biết trời rét như vậy đào
có kịp nở không nữa?”.Mắt anh bộ đội hơi nheo lại khi kể cho ông Bảy nghe
chuyện nhà mình.Thằng Tỵ từ dưới nhà bếp đi lên, thấy khách nó dợm quay xuống.
Anh lính giải phóng cười với Tỵ:
“Anh chào em”, nụ cười anh bộ đội thân
thiện khiến thằng Tỵ hết e ngại, nó cười đáp lại:
“Anh là lính VC hả?”. Tỵ hỏi, anh bộ đội
giải thích:
“Chỉ có Ngụy mới gọi bọn anh là Việt Cộng,
bọn anh là giải phóng quân”.Rồi anh nói tiếp:
“Em tên gì, đang học lớp mấy?”. Thằng Tỵthấy
anh lính giải phóng thân thiện hỏi han, nó trả lời có chút vui vẻ:
“Em tên Tỵ bởi vì là tuổi con rắn đó anh,
em đang học lớp đệ ngũ”. Anh bộ đội xoa đầu Tỵ:
“Thằng em anh cũng bằng tuổi em, nó tên là
Hải còn anh tên Hưng”. Thằng Tỵ hỏi:
“Anh Hưng ơi anh ăn cơm chưa?” quay sang
ông Bảy, Tỵ hỏi:
“Ba, con lấy bánh tét mời anh Hưng ăn
nghe”. Không đợi ông Bảy trả lời, thằng Tỵ nắm tay anh bộ đội:
“Đi anh, xuống nhà dưới ăn bánh tét với
em”.
Ông
Bảy nhìn hai người đi xuống nhà bếp lòng ông rộn lên một cảm xúc khác lạ.Nếu
thằng hai còn sống nó cũng tầm cỡ chú bộ đội này, không biết lúc còn sống thằng
hai đi hành quân có được người ta đối xử tử tế không? Nghĩ như vậy ông Bảy động
lòng trắc ẩn với cảnh thanh niên thời chiến tranh, ông đi xuống nhà bếp lục tìm
cái can nhựa hai mươi lít. Ông hỏi anh bộ đội:
“Tui
không dám hỏi e đụng đến bí mật quân sự, tui hỏi chú cái can này chứa nước đủ
dùng không?”
Anh
bộ đội đang ăn bánh tét với thằng Tỵ, hai người vui vẻ trò chuyện với nhau, anh
bộ đội trả lời ông Bảy:
“Tốt
quá bố ạ, khi hết con lại xuống nhà bố xin thùng khác”. Ông Bảy gọi bà Bảy:
“Bà
ơi, bà đâu rồi”.Bà Bảy nãy giờ ngoài nhà trại nơi chứa những thứ không cần dùng
nhưng “bỏ thì thương còn vương thì nợ”. Bà thấy thằng Tỵ ngồi ăn bánh tét với
một thanh niên mặc đồ màu cỏ úa, bà đánh mắt ngầm hỏi ông Bảy là ai? Ông Bảy
nói:
“Chú
bộ đội trên giông nhà mình…bà nè bà sắp cho tôi chục đòn bánh tét”.Anh bộ đội
đứng dậy:
“Con
chào mẹ ạ”. Bà Bảy gật đầu với chú lính, bà làm theo lời chồng còn trong lòng
thì rất ngạc nhiên. Ông Bảy đón cái giỏ từ tay vợ, ông nói với anh lính giải phóng:
“Tui
biết chú không phải chỉ một mình, nhà tui không có gì nhiều gởi mấy chú chục
đòn bánh tét ăn lấy thảo”.
Anh
bộ đội mắt sáng lên nhưng anh ngần ngừ:
“Cám
ơn bố mẹ, con sợ không tiện cho gia đình, để con về hỏi đơn vị…”. Ông Bảy cười
xòa:
“Không
cần phải hỏi, để lát nữa tui xách lên giông nhà nói phụ chú một tiếng là ổn
thôi.”.Anh bộ đội đưa mắt về phía thằng Tỵ, anh chưa kịp nói Tỵ đã dành:
“Ba
để chút nữa con xách lên với anh Hưng cho”.
Anh
lính giải phóng giờ mới yên tâm:
“Bánh
tét của bố mẹ ngon quá, lần đầu tiên con được ăn, con cảm ơn bố mẹ. Ngoài con
tết đến chỉ gói bánh chưng, không biết năm nay mẹ con có xoay được cân nếp cái
hoa vàng nào để gói bánh không nữa”. Đôi mắt anh bộ đội xa xôi, chắc là anh nhớ
nhà, ông Bảy thấy thương người thanh niên xa lạ như thể thương thằng con chết
trẻ của mình.
Những
ngày sau tết Mậu Thân thằng Tỵ cứ lên
giông nhà chơi với cánh bộ đội anh Hưng. Ông Bảy la ghê lắm nó mới chịu về nhà.
Tỵ khoe với ông nó và anh Hưng kết nghĩa anh em, “anh Hưng hẹn con bao giờ đất
nước thống nhất ảnh sẽ đưa con về Hà Nội ăn tết” Tỵ nói tiếp.Nhưng chiến sự
ngày càng khốc liệt, gia đình ông Bảy cuối cùng cũng phải tản cư đến nhà một
người bà con ở tạm, từ đó Tỵ không gặp người anh kết nghĩa nữa.
Bốn
mươi lăm năm sau ông Tỵ về hưu. Trong đời công tác, ông đã nhiều lần đi Hà Nội,
mỗi khi có dịp đi ngang qua phố Nguyễn Du ông lại nhớ đến chuyện người anh kết
nghĩa lính giải phóng năm xưa. Nhà anh Hưng ở phố này nhưng biết đâu mà tìm
giữa biển người mênh mông?
Về
hưu ông Tỵ lên đồi nhà trồng dăm trăm gốc cà phê Ca ti mo, công việc nhà nông
khiến ông vui và khỏe hơn hồi làm quan chức. Miếng đất của ông Tỵ nằm cạnh
miếng đất của nhà ông Thìn là con ông Hồ Hải xe lam, nay ông Thìn bán lại cho
người khác. Tháng 7, người mua thuê xe máy ủi san đất để làm nhà. Hôm xe ủi đến
không hiểu sao ông Tỵ thấy nóng trong lòng. Đang bị nhức đầu nhưng ông vẫn lên
đồi coi thử xe ủi có phạm gì đến đất nhà ông không. Ông dặn tay tài xế làm cẩn
thận nếu thấy chuyện gì lạ thì báo ông ngay. Chưa kịp về tới nhà, tay tài xế đã hộc tốc chạy theo:
“Bác
ơi xe con ủi lộ ra mấy bộ xương người”.
Sống
lưng ông Tỵ lạnh toát, điều ông linh cảm đã xảy ra.Ông vội vã lên đồi. Đúng là
xương người, ông Tỵ cẩn thận gạt từng nắm đất để nhặt từng chút xương cốt của người
chết, chắc khoảng 5 đến 6 người đã chôn ở đồi này. Ngoài xương cốt ông Tỵ còn
tìm thấy 5 chiếc dép lốp, vài mảnh vải tăng,nắp bình đông và 1 chiếc đèn pin
bằng nhựa. Mắt ông Tỵ cay cay, chiếc đèn pin này là món quà ông tặng cho anh
Hưng năm đó… Sau khi bàn giao cho cơ quan chức năng tất cả hài cốt và vật dụng
cá nhân của liệt sĩ, ông Tỵ xin lại chiếc đèn pin ông đem về đặt ở bàn thờ cha
mẹ.
Chiều
cuối năm trước khi cúng rước ông bà, ông Tỵ và thằng cháu nội bưng một mâm cơm
lên đồi sau nhà. Cạnh gốc đào lão đang mãn khai rực một màu hồng là một cái am
sơn màu đỏ. Ông Tỵ đặt mâm cơm trước am và đốt nhang van vái, ông mời tổ chiến
đấu của người anh kết nghĩa vềăn tết với gia đình.
Thinh
không vang vọng một tiếng chim, chiều đang trôi về tối. Thằng cháu nội không
biết về nhà từ lúc nào nó đang leo dốc lên với ông, nó gọi:
“Nội
ơi, mẹ mời nội về nhà cúng rước ông bà”. Nói xong nó quay ngay xuống nhà, tay
nó vung vẩy chiếc đèn pin, ông Tỵ gọi với theo:
“Hưng,
Hưng…không được nghịch, đặt lại chiếc đèn pin trên bàn thờ cho nội”. Trả lời
ông Tỵ là tràng cười khanh khách của thằng Hưng.
Mai
là ngày mùng một tết!
02/12/2015
Nguyễn Hữu Cương © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 07/02/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét