Đồng hương 49 – Truyện ngắn của Võ Anh Cương (Đà Lạt)
Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015
Tôi kể bạn nghe
chuyện ông Thức há. Hôm đó tôi đứng trước cửa quán tạp hóa Mai Linh. “Mua gì em
giai?” anh bán hàng hỏi tôi, anh ta thấy mắt tôi ngước lên kệ không chờ tôi trả
lời tiếp luôn “mì tôm hả, em giai lấy thứ nào, Đệ nhất mì gia nhé hay là Hoàng
gia chỉ mười tư ngàn một gói thôi?”. Tôi rủa thầm trong đầu mười bốn ngàn mà
chỉ…thôi á, má ơi mấy thứ mì đó con ăn không thấy …ngon!
Tác giả Võ Anh Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Sống và làm việc tại Đà Lạt.
Địa chỉ Nguyễn Hữu Cương 01 Yersin Đà Lạt
ĐT: 0982.582.298 - 0633.830660
_____
ĐỒNG HƯƠNG 49
Tôi
kể bạn nghe chuyện ông Thức há. Hôm đó tôi đứng trước cửa quán tạp hóa Mai
Linh. “Mua gì em giai?” anh bán hàng hỏi tôi, anh ta thấy mắt tôi ngước lên kệ
không chờ tôi trả lời tiếp luôn “mì tôm hả, em giai lấy thứ nào, Đệ nhất mì gia
nhé hay là Hoàng gia chỉ mười tư ngàn một gói thôi?”. Tôi rủa thầm trong đầu
mười bốn ngàn mà chỉ…thôi á, má ơi mấy thứ mì đó con ăn không thấy …ngon! Tôi
buột miệng Hảo… chưa kịp nói tiếp một tiếng hảo nữa, anh bán hàng cướp lời “Hảo
hạng à, rẻ mà ngon, lấy luôn một thùng nghe em giai”. Mồ tổ sư cái ông anh giai
này, còn có mấy chục mà dụ em giai rinh cả thùng mì? Tôi lảng nói dạ sợ ăn
không hết, em lấy ít thôi.
Chiếc
cub 50 - 79 thiệt tệ đạp hoài không nổ, tôi làu bàu trong niệng còn mồ hôi thì
bắt đầu đọng thành giọt trên trán, trên lưng. “Đừng lên ga ngợp xăng xe không
nổ đâu?”. Tôi ngước lên nhìn người tốt bụng, thiệt tình mà nói bây giờ người
tốt bụng hiếm như lá mùa thu, thấy người bị nạn trên đường người ta còn giả bộ
ngó lơ bởi không liên quan tới mình thì xá gì đến chuyện chiếc xe cub cũ xì đạp
hoài không nổ này? Người tốt bụng là một ông vừa bước xuống một chiếc xe tay ga
đắc tiền. Anh cười nhìn tôi, tôi cũng cười nhìn lại, hàm râu được tỉa tót cẩn
thận khiến cho khuôn mặt anh trông có vẻ đỏm dáng và thân thiện. “Để anh coi
cho” không chờ tôi trả lời anh ngồi lên yên xe và đạp. Chiếc xe nổ ngon lành
sau mấy phát đạp, tôi nói cám ơn anh nghen, anh tốt bụng thiệt, tôi không giấu
cảm nghĩ của mình. Anh cười “em khen anh sao, không phải với ai anh cũng như
vậy đâu?”. Tôi nhướng mày, thấy vậy anh tiếp “bởi em đi chiếc cub biển số 49,
coi như giúp đồng hương chút vậy mà”. Tôi la lên anh cũng ở trên đó sao, hay
quá! Chả biết hay cái gì nhưng anh ra vẻ vui “em cũng vậy mà, thấy xe 49 như
được gặp người quen!”.
Tôi
quen anh Thức trong hoàn cảnh như vậy. Một bữa anh Thức rủ tôi đi uống bia,
thấy tôi chần chừ cầm ly bia sủi bọt mà chưa chịu uống anh Thức ngạc nhiên. “Dô đi chớ em?”, tôi cười ngượng nghịu
nói em chỉ hớp chút chút thôi nghen?. Anh Thức càng ngạc nhiên hơn anh nói “bộ
em sợ say sao, đừng lo có anh đây anh sẽ đưa em về đàng hoàng”. Tôi cười nói em
không sợ say bia đâu, em uống cũng không tệ. Anh Thức hỏi “vậy can cớ gì em
không uống?”. Tôi lắc đầu em sợ bia say
em, nó đeo bám em hoài thì tiền nào cho đủ? Anh Thức cười khà khà nói “em cũng
có máu tiếu lâm ghê há, mà này hay là em để chiếc cánh én cho anh?”. Anh đổi đề
tài cái rẹt. Anh dụ hoặc tôi bằng một cái nhìn…màu xanh, màu xanh ấy phản ánh
từ tay anh bởi anh cho tay vào túi áo rút ra mấy tờ năm trăm ngàn đồng. Tôi
lầm, không phải anh Thức dụ tôi bằng số tiền đó. “Đây là lương tháng đầu tiên
của em, theo lệ em phải rửa nhưng hôm nay anh mời em uống bia với anh, ai mời
thì người đó trả”, anh Thức nói vậy. Kiểu này tôi chỉ có nước phải nghe lời anh
Thức thôi, “bia” vô thì lời ra, tôi kể dông dài chuyện chiếc xe cub màu rêu
cùng tôi dong dũi mấy năm cấp ba và nay cũng theo tôi vào đại học, giờ chẳng
thấy ai đi, nó như là một chiếc xe…cổ tích! Anh Thức cắt ngang “sao gọi là cổ
tích?”. Thì anh coi, nó mốc thếch, cũ xì và hoang đường giống như bước ra từ
trong truyện vậy! Gật gật đầu anh Thức nói “ừ cũng đúng, nếu em bán anh mua về
tút lại chỉ để chơi thôi!”. Hình như áy náy sao đó anh nói tiếp “anh không có ý
gì đâu, chỉ là mê chiếc màu rêu này từ hồi anh còn ở trển”. Tôi biết anh Thức
xuống Sài Gòn sống tròm trèm hai mươi năm, vậy cái hồi mà anh Thức mê xe cub
chắc tôi chưa ra đời. Tôi hỏi sao anh
không mê thứ xe khác mà lại mê loại xe rách này. Anh Thức quở “em đừng coi
thường nó, hồi đó nó là cả một giấc mơ của bạn bè anh”. Tôi nói dữ vậy sao, cả
một giấc mơ sao? Không dè anh Thức gật đầu “chớ sao, em sinh sau không biết chớ
hồi đó anh là thanh niên mới lớn đi xe đạp trành mà mơ một ngày cưỡi lên chiếc
cánh én màu rêu chở nàng vi vu để thiên hạ lé mắt luôn”. Mắt anh Thức mơ màng
như chìm vào kỷ niệm, chắc một kỷ niệm đẹp, tôi nghĩ. Quả vậy, có lẽ nhờ men
bia trợ hứng anh Thức kể cho tôi nghe chuyện của anh, anh quên béng chuyện hỏi
mua chiếc xe màu rêu cổ tích của tôi.
Chắc
bạn muốn hỏi tôi giữa tôi và anh Thức chắc là thân lắm anh Thức mới tâm sự đời tôi với tôi chớ gì? Nói cho
ngay đúng ra tôi phải gọi anh Thức là chú mới phải, cách nhau hơn hai mươi tuổi
người Việt ta thường gọi nhau như vậy dù chẳng bà con chi. Cũng tại anh Thức
xưng anh với tôi trước chớ tôi đâu dám hỗn? Mà thôi chuyện đó nhỏ như con thỏ
anh em hay chú cháu gì anh Thức cũng là người ơn của tôi. Của đáng tội hết tiền
mà má chưa kịp gởi, còn tôi thì không dám xin sợ má lo, ăn hết gói mì Hảo hạng
cuối cùng tôi xin được việc làm là đi phát tờ rơi tại các ngã tư. Đừng tưởng đó
là công việc dễ ăn, phải dạn nắng gió, phải chai
mặt với nhiều loại người, phải canh chừng không có trật tự đô thị hay cảnh
sát…và nhất là phải có lương tâm chức
nghiệp. Bạn đừng nghĩ ăn gian người ta bởi có thấy ai kiểm tra đâu, cứ phát
bừa đi, ngắt ra từng xấp mà phát thì chẳng mấy chốc là hết rồi về ngữa tay nhận
tiền công? Ôi cái thói quen ăn gian làm dối khiến nước mình tụt hậu, tôi thường
được nghe mấy bậc cha chú than như vậy. Tôi phải phát từng tờ cho từng người,
trừ những người lắc đầu – dĩ nhiên là vậy, đâu đó trong dòng người qua lại có
một đôi mắt quan sát tôi rồi cuối ngày chấm điểm, lấy tiền của người ta đâu dễ
bạn ơi! Hôm đó tôi đang phát ngon lành thì gặp anh Thức, theo quán tính tôi giơ
một tờ rơi về phía anh khi anh dừng xe chờ đèn xanh. Khi kịp nhận ra anh Thức tôi
ngớ người: ơ…anh Thức! Chắc anh cười chào tôi trong chiếc khẩu trang, giọng anh
hơi bị nghẹt “em phát tờ rơi à?”. Tôi gật và nói làm tạm kiếm cơm anh ơi. Nghĩ
sao anh móc túi dí vào tay tôi một cái cạc rồi nói “tối nay em ghé nhà anh
nhen”. Đèn xanh anh rồ ga, tay trái anh giơ ra làm một cử chỉ chào. Tôi trở
thành người làm công cho anh Thức từ ngày đó, công việc của tôi là xâu chỉ,
căng khung dàn máy thêu Tajima 20 đầu của xưởng thêu Công Thức. Tôi chuyên làm
đêm từ sáu giờ đến khoảng nửa đêm với một thằng nhỏ chừng mười mấy tuổi. Sau đó
ngủ luôn tại chỗ, nghĩa là tôi kiêm bảo vệ xưởng thêu, khỏi phải thuê nhà…
Dĩ
nhiên là tôi không bán chiếc cub cổ tích, nó đâu phải của tôi. Má tôi cho mượn
để đi học chừng nào học xong phải trả. Đó là chiếc xe kỷ niệm sao đó của má, kỷ
vật ai nỡ lòng nào đem bán? Anh Thức cũng thôi không hỏi mua nữa, mua một chiếc
xe để gợi lại kỷ niệm một thời cũng là người có tấm lòng. Biết vậy nên thỉnh
thoảng tôi nói anh Thức cứ lấy chiếc cánh én của tôi chạy dòng dòng thử coi có cô nàng nào …mê không? Anh Thức cười suýt tắc
thở “Tài ơi em có tiếu lâm cũng vừa thôi chớ, chiếc Ford Tuner anh đang đi so
với thiên hạ giống như lọ lem so với công chúa còn chưa ăn ai, bây giờ đâu phải
ở thập kỷ tám mươi thế kỷ trước hả Tài?”. Vậy mà anh vẫn chạy chiếc xe màu rêu
cổ tích mỗi khi có chuyện gì đó mà tôi thấy gương mặt anh buồn buồn. Tôi đâu
dám lấy chiếc SH của anh đi học, vô phúc mà bị mất có làm không công mấy năm
trời cũng không trả nỗi…
Bạn
tưởng tượng ra sao về đời sống của một người đàn ông chưa vợ? Mà thôi chắc bạn
không tưởng tượng nỗi đâu, để tôi nói luôn. Đàn ông lớn tuổi chưa vợ giống như
một con khô mực đang cong mình trên lửa, bạn cười à, đúng là như vậy tôi nói
cấm có sai. Căn nhà ba lầu của anh Thức, tầng trệt dành cho chiếc máy thêu …và
tôi, anh Thức ở hai tầng trên. Nói cho ngay anh ít ở nhà lắm, đi đâu về lại nhà
anh rút ngay vô phòng ngủ, trong đó bề bộn đủ thứ: quần áo dơ cái nằm trên
giường, cái dưới đất, cơm hộp ăn dỡ, đĩa nhạc, vỏ lon bia….Nhiều bữa đến mười
hai giờ trưa anh còn chưa dậy, nướng đến cháy khét như con mực quá lửa! Mà bạn
ăn mực quá lửa chưa, nói chung cái gì quá lửa cũng mất ngon, anh Thức cũng vậy
nhiều tật lắm. Có tật có tài, người ta thường nói như vậy mà. Tay ngang không
nghề nghiệp dám bỏ quê vào đất Sài Gòn làm ăn, anh Thức hay nói “vô Sài Gòn:
một xanh cỏ hai đỏ ngực y như thời chiến tranh đi bộ đội vậy”. Anh Thức thuộc
loại “đỏ ngực” sau mười mấy năm may mà không “chết”, anh thường cười ha hả khi
vui miệng kể với tôi như vậy. Cái chuyện đỏ ngực tôi kể với bạn sau, tôi muốn nói
trước cái chuyện tay không bắt giặc. Tay không là vầy: hai mươi tuổi nhảy xe đò
xuống Sài Gòn, nơi mà chỉ nghe nói chớ chưa tới bao giờ trong túi chỉ có hơn
một trăm đồng. Tiếc thật, tôi không mường tượng được đơn vị “đồng” trong thời
điểm đó không biết bằng mấy ngàn bây giờ. “Ít lắm”, anh Thức bảo vậy. Tôi hỏi
anh chớ ngoài tiền ra anh không có cái gì a? “Cái thằng… anh có giấy tờ đàng
hoàng và một tờ giấy ghi địa chỉ của một
ông cậu họ xa”. Lúc anh Thức ló mặt vô nhà ông cậu, cái đầu tiên anh thấy không
phải là ông cậu mà là giàn máy thêu “nghĩa địa”. Cái nhìn đầu tiên của anh Thức
vào cái máy thêu đang chạy long trời lại dài đến bây giờ, nghĩa là tròn trèm
hai mươi năm. Anh Thức chỉ có nghề thêu, anh không có nghề nào khác và cũng
không có ý định bỏ nghề, mà bỏ nghề sao đặng hả bạn khi mà anh có rất nhiều bạn
hàng? Nè cái áo thun bạn đang mặc có thêu con cá sấu dám xưởng của anh Thức làm
ra đó. Hàng Mỹ à, bạn ơi hàng mua từ Mỹ nhưng coi chừng lại sản xuất tại Việt
Nam đó, có gì lạ đâu mà bạn tròn mắt vậy? Mà thôi quay về với chủ đề chính há.
Hai mươi tuổi anh Thức xuống Sài Gòn, cái lý do khiến anh bỏ đi sau mấy lần
uống bia với ảnh tôi mới chắp vá lại chớ chưa chắc đã đúng: vì con gái! Bạn lại
trợn mắt nhìn tôi rồi, bạn muốn tôi nói văn vẻ một chút chớ gì? Ừ thì tại tình
yêu vậy. Đúng, tất nhiên giữa trai và gái sáp vô nhau đều dính dáng tới tình
yêu mà, anh Thức cũng không ngoại lệ. Tình yêu của anh và chị người yêu sau ba
năm bị phụ huynh bên gái phát hiện. Ba chị Hoa một hôm mời anh Thức vào nhà một
cách rất lịch sự khi thấy anh Thức lấp ló trước cổng nhà. “Tôi muốn nói chuyện
với cậu một lần”. Phụ huynh vô đề trực khởi khi anh Thức vừa rón rén ngồi xuống
chiếc ghế salon mà trong bụng vừa thắc mắc vừa hy vọng. “Cậu không có cửa vào
nhà này đâu, con gái tôi chỉ gả cho Việt kiều!”. Anh Thức ngồi im như phổng đá,
mặt mày đỏ gay, môi mím, mắt mở to, hơi thở dồn dập…là sau này anh nhớ lại chớ
lúc đó anh không hơi đâu mà chú ý đến mình. “Trời sụp chắc cũng thê thảm như
vậy là cùng”, anh Thức nhấp một ngụm bia và kết luận. “Việt kiều à, Việt kiều
là cái…gì mà ổng ham dữ?”. Nhiều đêm mất ngủ, chữ T cứ hiện diện thường trực
trong đầu anh Thức như một thách đố. Muốn có tiền phải thử thời vận chớ ở nhà
làm vườn với má và anh Hai biết bao giờ mới khá? Đâu có người mẹ nào muốn xa
con, ai cũng lo con khổ, sợ con bơ vơ đất khách quê người dù con lớn bộn. Khi
thấy ý anh Thức đã quyết, má anh cũng phải xiêu lòng, bà dúi vào tay anh Thức
chiếc nhẫn 5 phân vàng y khi anh quay lưng bước ra khỏi nhà. “Đó, em thấy lòng
mẹ cụ thể ra sao chưa?”. Anh Thức trìu mến nhìn chiếc nhẫn quê mùa anh móc ra
từ trong một cái ngăn nhỏ bên trong cái bóp phơi da cá sấu!
Chắc
bạn đang thắc mắc còn chị Hoa ra sao há? Sau buổi gặp anh Thức, tuyên bố của ba
chị Hoa được thực hiện, nghĩa là ông già hàng ngày lấy chiếc DD màu đỏ tươi chở
chị đi học và đón chị về (lúc đó chị Hoa đang học năm thứ ba), ông cười khỉnh
khi nhìn thấy anh Thức đứng dưới bóng giàn hoa giấy màu đỏ bầm đối diện cổng
trường đại học với chiếc xe đạp đòn dông trành trụi. Tôi đoán chắc đó là điểm
hẹn của hai người, anh Thức chờ chị Hoa hàng ngày ở đó, trong khi chờ đợi anh
mơ về một chiếc xe cánh én màu rêu chở nàng vi vu cho thiên hạ lé mắt luôn.
Chưa biết có ai lé mắt không chớ người ta thấy một gã thanh niên hì hụi đạp
chiếc xe trành thất thểu ra về mỗi chiều sau khi chiếc DD màu đỏ vụt qua để lại
phía sau một đám bụi mịt mù là đề tài bàn tán của những câu chuyện sinh viên!
Rồi cái gì đến cũng đến, anh Thức nhận một bức thư cuối cùng của chị Hoa do bạn
chị Hoa đưa tận tay. “Anh yêu dấu, em bị gả chồng rồi, đó là một thằng tây Việt
kiều yêu nước…”, bức thư dài lắm nhưng tới giờ anh Thức chỉ còn nhớ mỗi câu ấy
thôi. Hoá ra đó là con một người bạn của ba chị Hoa, ông ấy đi du học rồi ở
luôn bên Pháp, giờ đem con về kiếm vợ Việt cho khỏi phai dòng máu con Lạc cháu
Hồng!
Vết
thương lòng của anh Thức có lẽ không bao giờ lên da non, tôi đoán vậy, bởi
trong nhũng lần uống bia đến ngả nghiêng, là tôi nói anh Thức ấy chớ tôi chỉ
uống có một hai lon thì làm sao say được mà bạn nhìn tôi ghê thế? Hai anh em
ngồi trong phòng khách nhà anh Thức uống gần cạn nửa thùng, anh Thức lảm nhảm
“tại sao như vậy, tại sao như vậy…?”. Tôi tưởng anh nói về trường hợp của anh
và chị Hoa nên ráng làm mặt nghiêm nói cho ảnh nhớ rằng chỉ bị gả chồng Việt
kiều, rằng ba chị Hoa là một người tàn bạo tiêu diệt thẳng tay tình yêu của con
gái, ông ấy cứ làm theo ý của mình… Tôi còn đơm đặt ra vài điều nữa đại khái
lên án con người lạnh như tiền là ông ba …vợ hụt của anh Thức. Bất ngờ anh Thức
la to lên “thôi, em thì biết gì mà nói!”. Đúng tôi thì biết gì mà nói thiệt,
chẳng qua thấy thương anh Thức quá nên bênh đồng hương chút thôi. Thấy tôi xụi
lơ ngồi cầm lon bia ngắm hoài mà không uống, hình như anh Thức thấy tồi tội sao
đó nên dịu giọng “anh xin lỗi, ý anh không phải là đang dằn vặt chuyện đó đâu,
cô ấy đi lấy chồng Việt kiều thì cũng yên bề gia thất rồi, cái anh muốn nói là
cái số của anh sao mà giống bị sao …quả tạ chiếu mạng quá trời!”.
Sao
tử vi thì tôi biết chút ít chớ sao quả tạ tôi chưa nghe bao giờ. Thấy tôi nghệt
mặt nhìn, anh Thức cười “hàng trăm ký đè lên số phận của mình không nặng mới
lạ?”. Nụ cười như mếu của anh Thức khiến tôi thấy anh tồi tội, tôi rút một tờ
giấy lau miệng đưa cho anh Thức nói anh
lau mép đi, một chút tương đỏ dính trên mép anh giống như một nút ruồi son! “Em
giỡn anh sao, người ta nói ai có nút ruồi son là điềm lành, trong đời thường
gặp hên. Còn đời anh… ừ cũng gọi là hên khi anh xuống Sài Gòn làm ăn…trừ cái vụ
ái tình”. Tôi gặng hỏi bộ sau chị Hoa anh không yêu ai sao? Dường như có chút
bia người ta thường cởi mở hơn thì phải, anh Thức nói cũng cố quen với mấy
người, đều là bạn bè người thân mai mối nhưng không đến đâu cả. Vì sao à, vì
chị Hoa đã lấy mất linh hồn của anh Thức rồi, bạn có tin không? Đó là tôi đoán
ra chớ anh Thức không nói như vậy, anh chỉ nhìn đâu đâu rồi cầm lon bia lên
uống một hơi cạn đáy, anh bóp dẹp lon bia trong tay như thể bóp cái quả tạ đang
đè lên số phận của anh.
Ấy
vậy mà tôi đoán trật lất, sau khi quăng vỏ lon bia vào góc phòng anh Thức mở
lời, lần này anh nói một hơi dài, tôi dỏng tai lên nghe, im lặng nghe, đại khái
câu chuyện như vầy: “Nếu lấy hồ Xuân Hương làm nhuỵ thì Đà Lạt là một đoá hoa
có nhiều cánh trải ra tám hướng, nhà anh ở một điểm tại cánh hoa hướng bắc hồ,
nơi đó cách chân ngọn núi Langbiang một khoảng cách khá xa nhưng dù sao cũng là
dưới chân núi Bà như cách gọi của cư dân hồi đó. Đất Đà Lạt nơi nào mà không
mới (khai phá) nhưng nơi nhà anh ở mới chính là Đất Mới bởi đó là tên khai sinh
ra nó. Đất Mới được khai phá dưới trào ông Diệm để làm vườn, nơi mà trước đó Ty
Canh nông trồng thử nghiệm lúa nước bên cạnh một con suối uốn khúc quanh co.
Nghe ông nội anh kể lại hồi đó người ta thử nghiệm thất bại bởi khi lúa làm
đòng thì đúng vào mùa gió, gió quất ràn rạt suốt ngày đêm nên bông lúa không
thụ phấn được mà thành lúa lép. Nhưng làm vườn ở đó thì quả là tuyệt vời, đất
tương đối bằng và nguồn nước dồi dào là hai điều kiện mà người làm vườn thèm
muốn. Những người có máu làm ăn trong đó
có ông nội anh họp nhau thành lập một Ban đại diện, Ban này lên xã Lat ở Lạc
Dương đề nghị bà con người Lạch nhượng đất của ông bà để lại cho bà con người
Kinh. Sau mấy tháng lên lên xuống xuống văn tự nhượng đất được ký kết, buôn
người Lạch xã Lat sau nhiều lần họp nội bộ đã thuận theo ý già làng là một bà
già căng tai tới đứt – dấu hiệu người sống lâu và được dân làng nghe theo, ký
kết văn tự nhượng đất cho bà con người Kinh…Đó Đất Mới của anh ra đời năm sáu
mươi thế kỷ trước như vậy. Ông nội anh được chia 30 mét đất bề ngang, còn việc
mở từng băng đất từ dưới suối lên đên đỉnh đồi là việc của nhiều năm trời …Khi
đó ba anh là một chàng trai đầy nhựa sống như cách nói của mấy ông văn sĩ, ông
đang đi học tại trường Trần Hưng Đạo là trường công nam sinh duy nhất thời đó.
Năm 68 ba anh đang học lớp đệ tứ thì nổ ra sự kiện tết Mậu Thân. Xóm Đất Mới
của nội anh không bị ảnh hưởng gì bởi là vùng ven lại là nơi bà con từ nội ô
thị xã tản cư về. Nhà nội anh cho gia đình một ông tư chức, ông này làm kế toán
cho hiệu buôn Lưu Hội Ký là hiệu buôn lớn nhất Đà Lạt thời đó ở nhờ. Gia đình ông
Vĩnh ngoài hai ông bà còn có hai người con trai và một người con gái. Bọn trẻ
kết với nhau như một sự tất nhiên bởi họ xấp xỉ tuổi nhau, trong đó có thêm một
chàng trai con một bà goá hàng xóm với gia đình ông Vĩnh cùng tản cư với gia
đình này, bà ấy cũng được nội anh cho ở một căn phòng nhỏ dùng để chứa đồ lặt
vặt. Chỉ trong vòng hơn một tháng mà tình cảm phát sinh giữa ba người: hai
chàng trai và một cô gái, nói cho đúng hai chàng trai đều yêu cô gái. Tất nhiên
cô gái chỉ đáp lại tình cảm của một chàng trai, một chàng còn lại đành ngậm
ngùi làm người đến sau. Bảy năm sau chàng trai nhảy núi về xin cưới cô gái như
lời hẹn năm nào, một lễ cưới đơn giản theo phong cách đời sống mới: chỉ có ít
bánh kẹo, trà, thuốc điếu và chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn của Chi đoàn
thanh niên góp vui và câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Chàng
trai mặc quần áo bộ đội, còn cô gái cũng vậy chỉ là một bộ bà ba đen tuyệt
không có chút phấn sáp nào…nhưng họ vui đúng như câu khẩu hiệu! Một thời gian
ngắn sau chàng trai con bà goá hàng xóm cũng lập gia đình, từ đó dòng đời đưa
đẩy, đời ai nấy sống, đường ai nấy đi…
Không
nói em cũng đoán ra người chinh phục được cô gái là ba anh, ông Vĩnh là ông
ngoại anh còn chàng trai hàng xóm ngậm ngùi làm kẻ đến sau lại là …ba của người
yêu anh. Oái ăm là vậy, chuyện tình cảm đời trước lại dắt dây đến đời sau! Sao
anh rành chuyện của người lớn à, chắc em muốn hỏi vậy phải không? Sau cú “gặp
mặt đầu năm” anh thất thần mất một thời gian, về đến nhà cứ lầm lì không nói
với ai một câu nào, tối đến anh ngồi ngoài hè nhà cho đến tận nửa đêm mới leo
lên bộ phản nằm chèo queo. Má anh khóc lóc vặn hỏi nhiều đêm liền anh đều cắn
răng không hé nửa lời. Đến khi má đòi sống đòi chết anh mới kể chuyện … tình
của mình! Ai dè nghe tên cô Hoa con gái ông Bảnh má như chết lặng, lúc này đến
phiên anh vặn hỏi má, má mới kể cho anh nghe cặn kẽ nguồn cơn. Đến lúc đó anh
mới giật mình nhớ lại rằng có một buổi chiều chở nàng về, nàng kể chuyện ba
nàng dò hỏi gốc tích gia đình anh, lúc đó anh mừng thầm trong bụng, anh nghĩ
rằng phụ huynh đang vun đắp cho mối tình đôi lứa…”
Tôi
kể dở ẹc à, chắc nội bộ ba người có những lần chạm trán nảy lửa, những hờn ghen
đau đớn mê ly v.v…nhưng bạn ơi mình không là người trong cuộc làm sao mà biết
cho hết được? Chuyện chỉ từng đó thôi cũng đủ làm người ta héo cả cuộc đời tự
dặn với lòng mình thôi đừng lấy vợ, cứ ở vậy làm một gã đàn ông cô độc rồi cũng
qua hết một đời. Mà đời như vậy thì còn gì là lý thú, không lẽ cứ bám vào dĩ
vãng hoài sao? Ai đó nói rằng “dĩ vãng như rêu anh bám vào sẽ trượt”. Vừa khéo
lại đúng trong trường hợp anh Thức, anh Thức sẽ “trượt” nếu không gặp tôi vào
một ngày đẹp trời tại quán tạp hoá Mai Linh! Bạn lại tròn mắt ngạc nhiên rồi,
chắc bạn đang thắc mắc sao lại có “tôi” vào đó chớ gì? Đúng vậy nếu không có tôi
đời anh Thức sẽ hoài là một gã đàn ông cô độc! Vì sao à, tôi nói ngay để bạn
khỏi nóng ruột nghen: con Hoa Lan em gái tôi và ông Thức bị tiếng sét ái tình
đánh trúng! Số là con nhỏ học xong cấp ba, thấy má khổ quá vì nuôi tôi học đại
học, nó rắp tâm học một cái nghề sau khi tốt nghiệp, cái nghề nó chọn là nghề
tạo mẫu tóc mà hồi trước hay gọi là uốn tóc. Hôm đó nó tới thăm tôi ở xưởng
thêu Công Thức, trúng ngay ông Thức lại có mặt ở nhà (điều này hy hữu lắm, khi
có tôi rồi ông ấy như chim xổ lồng tha hồ bay nhảy), hai anh ả gặp nhau nói gì
đó tôi không rõ lắm bởi phải đi mua nước cho em gái uống. Tới chừng bưng ba ly
nước về trước cửa tôi chỉ nghe ông Thức nói một câu “hôm nay gặp em chắc anh
phải lấy vợ thôi”. Hôm nay tôi đưa bạn về …
….
Tôi
chỉ nghe lóm tới đó bởi chàng thanh niên kể tới đó thì ngừng ngang bởi xe đã
đến Phi Nôm, nơi anh và cô bạn gái xuống
xe. Chiếc xe của nhà xe Thành Bưởi lại tiếp tục chạy về Đà Lạt, câu chuyện bị
bỏ lỡ nửa chừng, trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi…mà chẳng biết hỏi ai.
“Một
chuyện ghi được trên xe Thành Bưởi” tôi chép lại nội dung câu chuyện của đôi
bạn trẻ và đặt tên như vậy. Nhưng sau đó chợt nhớ đến đoạn hai người đàn ông
quen nhau ở một quán tạp hoá, họ là đồng hương, đồng hương 49 nên lấy đó làm
tựa cho rồi chớ còn gì nữa?.
Nguyễn Hữu Cương © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 09.11.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét