Phạm Khang: “Anh có về quê em” – Tình Quan Sơn chiêng ngân, núi gọi
Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015
Tập thơ “Anh có về quê em” giản dị và mộc mạc ngay từ cái tên mà anh đặt cho nó. Nó không phụ tình anh khi đem đến cho bạn đọc một thứ thơ có hồn, có vía, có nghĩa người, nghĩa đất, nghĩa nước non, dân tộc và đất nước nơi bản làng xa ngái trong sương phủ, thung thấp, thung cao, núi sông hùng vĩ của vùng cao Thanh Hóa. Tôi nghĩ, ở đời không ít người đã phụ bạc với quê hương, với nơi chôn rau cắt rốn của mình khi đã được thụ hưởng một viễn cảnh huy hoàng, những tham vọng đồi bại và mất gốc. Phạm Xuân Cừ thì không phải thế, thơ anh thao thiết, tình cảm mặn nồng, biết ơn với quê hương xứ sở trong một niềm tự hào vang vọng mãi: “Bản Chiềng ta có Pom Hin Ông cha xưa đã lập nên Mường Mìn” …
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nhà thơ Phạm Khang
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
Email: phamkhangnhavan@gmail.com
_____
“ANH CÓ VỀ QUÊ EM”- TÌNH QUAN SƠN CHIÊNG NGÂN NÚI GỌI
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
Email: phamkhangnhavan@gmail.com
_____
“ANH CÓ VỀ QUÊ EM”- TÌNH QUAN SƠN CHIÊNG NGÂN NÚI GỌI
“Anh có về quê em” là tập thơ đầu tay của anh Phạm Xuân Cừ, nguyên là Huyện ủy viên Huyện ủy Quan Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Na Mèo. Tôi biết anh Cừ đã lâu, vẫn thường động viên anh sáng tác văn học. Hôm nhận được bản thảo của tập thơ này tôi rất vui mừng. Không vui sao được khi trước mắt tôi là những sáng tác tâm đắc, chân thành, hồn hậu của một cây bút miệt mài không ngơi nghỉ, không nản lòng suốt mấy chục năm qua ở vùng cao biên giới Quan Sơn. Anh Cừ là người có đức khiêm tốn, ham học hỏi, giao du rộng nên kiến thức và vốn sống của anh rất phong phú, đáng tin cậy. Tập thơ “Anh có về quê em” giản dị và mộc mạc ngay từ cái tên mà anh đặt cho nó. Nó không phụ tình anh khi đem đến cho bạn đọc một thứ thơ có hồn, có vía, có nghĩa người, nghĩa đất, nghĩa nước non, dân tộc và đất nước nơi bản làng xa ngái trong sương phủ, thung thấp, thung cao, núi sông hùng vĩ của vùng cao Thanh Hóa. Tôi nghĩ, ở đời không ít người đã phụ bạc với quê hương, với nơi chôn rau cắt rốn của mình khi đã được thụ hưởng một viễn cảnh huy hoàng, những tham vọng đồi bại và mất gốc. Phạm Xuân Cừ thì không phải thế, thơ anh thao thiết, tình cảm mặn nồng, biết ơn với quê hương xứ sở trong một niềm tự hào vang vọng mãi:
Bản Chiềng ta có Pom Hin
Ông cha xưa đã lập nên Mường Mìn
Đã bao thế hệ trung kiên
Đánh Tây, đánh Mỹ giữ yên cơ đồ
Kết đoàn theo Đàng, Bác Hồ
Bản Chiềng xưa đó bây giờ tiến lên
Cùng nhau xây dựng Mường Mìn
Sắt son tình nghĩa lâu bền Chiềng ơi!
(Nhớ bản Chiềng)
Vùng cao Quan Sơn là địa bàn quan trọng xét cả trên bình diện an ninh và chính trị, ngoại giao. Nơi đây có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, nơi diễn ra các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Lào. Tác giả đã có những câu thơ viết về các chiến sỹ biên phòng ở Na Mèo thật cảm động:
Anh là thầy giáo dạy em biết chữ
Là thầy thuốc lo sức khỏe cho dân
Tay nắm tay ta giữ gìn biên giới
Tô thắm tình yêu thương đoàn kết Việt – Lào
…Bản làng vui hát mãi tên anh
“Anh có về quê em” như một lời gọi đầy ân tình, dẫn chúng ta về với văn hóa và truyền thống độc đáo trong vũ điệu, âm thanh, lời ca của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng pí, điệu khặp của đồng bào các dân tộc vùng cao đã gìn giữ, phát triển, sáng tạo trong các sinh hoạt cộng đồng, trong giao duyên, lao động và sản xuất. Phạm Xuân Cừ đã đặt vào thơ của mình khuôn mặt và tinh thần của bao bản làng từ Mường Xia, Mường Chự, bản Ngàm, bản Bơn, bản Chiềng, bản Khạn…đến Na Lộc, Mường Mìn, Sơn Điện, Na Mèo…v.v. Ở đâu cũng ngời lên sức trẻ, truyền thống anh dũng, quật cường của cha ông. Ở đâu cũng chan chứa tình đất, tình người, những mùa yêu thương của trai gái trong rộn rả điệu pí pè:
Ai ơi! Có biết hay không
Pí pè thổn thức nỗi lòng lứa đôi
Hòa cùng với tiếng pí khui
Làm cho xao xuyến bồi hồi lòng ta
Pí pè tâm sự thiết tha
Của chàng trai Thái quanh nhà sàn cao
Trên sàn có những nàng Xao
Ngồi bên khung cửi má đào hồng tươi…
(Pí pè)
Sinh ra, lớn lên, thành chàng trai của bản Chiềng, rồi thoát ly đi công tác ở nhiều nơi, nhưng hình như từ sâu thẳm của tâm hồn và ý nghĩ Phạm Xuân Cừ luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Đó là một nhân cách đẹp. Một hướng đi đúng của cái thiện và đức nhân. Anh tự hào khoe sản vật của quê mình:
Thơm lừng cáy nọi Nà Lè
Nếp thơm chỉ có miền quê chúng mình
Gập ghềnh uốn lượn suối Yên
Tuổi thơ ta đã gắn liền suối ơi!
(Nhớ bản Chiềng)
“Anh có về quê em” không sa vào lối viết để mà chơi, vô thưởng vô phạt như một số đông các cây bút không chuyên mắc phải. Nói gì thì nói thơ vẫn phải hướng về con người, về cái thiện cái ác, để giáo dục, cảm hóa và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, một tầm cao của chủ nghĩa nhân văn. Muốn viết gì thì viết nhưng thơ nhất thiết không thể rơi vào sự vô bổ và trống rỗng. Thiếu cuộc sống thơ không thể tồn tại. Thiếu cái tình của người viết e rằng thơ khó đứng được. Ta bắt gặp trong thơ của Phạm Xuân Cừ một đời sống của muôn mặt; đó là thứ đời sống đã được đổi bằng mồ hôi, gian khổ, sự vươn lên quyết vượt qua cái nghiệt ngã của số phận để làm người đúng nghĩa:
Đời con gắn bó với rừng
Lấy lâm làm nghiệp hòa cùng anh em
Vượt ngàn gian khó vươn lên
Nhớ quê, nhớ mẹ còn thêm nhớ rừng
(Anh có về quê em)
Lời trần tình trên là anh xin phép nói với cha mẹ mình, hai ông bà một nắng hai sương ở cái bản Chiềng của xã Mường Mìn xa lắc xa lơ kia, một đời nuôi anh nên người. Đối với vợ mình anh cũng đâu dám quên cái vất vả gian lao, chịu thương chịu khó, một lòng yêu thương, sắt son chung thủy:
Cần cù tần tảo quanh năm
Cho chồng biền biệt đi làm việc công
Nước nguồn thành suối thành sông
Trăm ngàn sông chảy về lòng biển khơi
(Nhớ quê)
Tôi thường không luận bàn về thơ tặng của người khác, nhất là thơ viết cho vợ của họ. Nhưng thú thật anh Cừ viết về vợ như thế thì hay quá. Thơ viết ra tự lòng thường hay đạt tới cái tuyệt là như thế chăng?
Là tập thơ đầu tay, nên nó hệt như đứa con đầu lòng mà anh đã bao năm trăn trở, nghĩ suy, hoài niệm… để viết lên thành những vần thơ như hôm nay gửi tới bạn đọc. Đây là những dòng tâm huyết trong chặng đường dài sáng tác của một vị công chức nhà nước. Qúy lắm thay! Những hạn chế của tập thơ chắc là không thể thiếu, nhưng trên hết lần xuất bản này đã ghi nhận những cố gắng, thành tựu bước đầu của Phạm Xuân Cừ đối với thơ. Xin dừng lại ở đây và tôi mượn lời của anh để làm câu kết cho bài giới thiệu tập thơ này:
Anh có về quê em, thăm làng văn hóa
Nghe tiếng khèn, tiếng hát thiết tha
Xưa bản em khổ nghèo vất vả
Nay quê em đã đổi mới rồi
Cũng là nhờ có Đảng anh ơi!
(Anh có về quê em)
Đêm cuối thu 2015
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 21.10.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét