Lại tán chuyện “Nhớ rừng” – Bài Phạm Đức Nhì (USA)
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015
Bài thơ
là tấm bản đồ bằng chữ chỉ đường, từng bước, từng bước đưa dẫn người đọc đến
cánh cửa trái tim đang mở rộng của tác giả. Những lời chỉ dẫn này phải rõ ràng,
dễ hiểu, vì nếu rắc rối hoặc mơ hồ, dễ gây hiểu lầm, sẽ khiến người đọc đi lạc
đường.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet) Tác giả Phạm Đức Nhì
Họ tên thật Phạm Đức Nhì
Quê quán: Việt Nam
Quê quán: Việt Nam
Hiện định cư tại Galveston, Texas
Email: nhidpham@gmail.com
_____
LẠI TÁN CHUYỆN NHỚ RỪNG
LẠI TÁN CHUYỆN NHỚ RỪNG
Bắt Đầu
Từ Một Ẩn Dụ
Có dạo đọc đi, đọc lại mấy bài
thơ “mới” (từ một trang web luôn hô hào làm mới thơ) mà chẳng hiểu tác giả muốn
nói gì; càng đọc càng thấy tối mù. Hơi bực bội nên nổi hứng viết bài thơ dưới
đây:
TẤM BẢN ĐỒ VẼ
SAI
(Chức
năng truyền thông của thơ)
Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa
Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui
Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh
Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”
(Phạm Đức Nhì)
Nếu giải mã phép ẩn dụ thì bài thơ có ý
nghĩa như sau:
Bài thơ là tấm bản đồ bằng chữ chỉ
đường, từng bước, từng bước đưa dẫn người đọc đến cánh cửa trái tim đang mở
rộng của tác giả. Những lời chỉ dẫn này phải rõ ràng, dễ hiểu, vì nếu rắc rối
hoặc mơ hồ, dễ gây hiểu lầm, sẽ khiến người đọc đi lạc đường.
Nếu thi sĩ không nắm vững kỹ thuật thơ ca,
không có ý tứ mới lạ, hoặc lúc không có hứng cũng cố gượng gạo mà viết, thì sẽ
được một bài thơ… dở, không có hồn. Nhưng nếu chức năng truyền thông của bài
thơ thất bại thì tất cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh, biện pháp tu từ … đều đổ
xuống sông, xuống biển hết. Nó sẽ trở thành một câu đố bí hiểm mà chỉ chính
người tạo ra nó mới có câu trả lời. Ai xui xẻo đọc phải bài thơ này thì cứ như
đi vào rừng rậm trong đêm tối, chẳng biết mình đang ở chỗ nào và sẽ đi về đâu.
Viết
xong bài thơ tôi khoái chí gởi ngay cho một người bạn – không làm thơ nhưng
biết thưởng thức thơ và đặc biệt “bàn thơ” rất có nét – và được hắn lên tiếng
khen ngợi: “Phép ẩn dụ rất khéo và có duyên.” Tôi lưu bài thơ vào folder Những
Bài Thơ Về Thơ để một ngày đẹp trời nào đó sẽ viết một bài bàn về nhiều khía
cạnh của thi ca mà những bài thơ này sẽ là những minh họa đắt giá. Hơn một năm
trôi qua, NBTVT đã gần đến con số 20 nhưng bài viết tôi đặt vào đó rất nhiều
tâm huyết vẫn chưa hoàn thành.
Tháng trước, một buổi chiều cuối tuần, mấy
người bạn tụ họp, cà phê cà pháo bù khú đủ chuyện trên trời dưới đất, tôi hí
hửng đem bài thơ ra khoe. Nghe xong, trong lúc mọi người đang gật gù suy nghĩ
để tứ thơ thấm vào hồn thì một anh bạn vừa cười vừa to tiếng nói với tôi: “Sao ông lại có mấy thằng bạn ngu thế nhỉ!
Phone đâu mà không gọi hỏi đường?”
Tôi ngồi đực mặt, ngượng đến chín người.
Đúng vậy! Bài thơ của tôi là một ẩn dụ mà
tôi đinh ninh là hay và sâu sắc. Nhưng câu hỏi của anh bạn đã “chọc” đúng vào
khe hở của nó mà đến lúc đó tôi mới nhận ra. Ẩn dụ không kín kẽ và bài thơ, có
thể nói là thất bại. Cuối cùng, đành phải chữa cháy bằng cách thêm vào bên dưới
tựa bài thơ một câu “Vào cái thời mà điện thoại còn là xa xỉ phẩm đối với nhiều
người Việt Nam”. Nhưng mấy người bạn khó tính vẫn lắc đầu và bài thơ cho đến
giờ cũng còn “nằm xó bếp”.
Thế Lữ, trong Nhớ Rừng, đã phạm
một lỗi lầm tương tự. Ông gởi tâm sự của mình vào con hổ trong vườn bách thú.
Trong lúc mê say với vẻ đẹp đầy sức mạnh, uy quyền và oai phong lẫm liệt của
nó, ông quên một điều: con hổ là Chúa Sơn Lâm, một đấng Quân Vương nơi rừng núi
nhưng lại là một thứ Chúa Sơn Lâm vô cùng độc đoán và tàn bạo. Ngay cả
anh Châu Thạch, người ra sức bênh vực cho ông, có lẽ cũng quên, nên đã lên
tiếng hỏi: Làm sao biết con Hổ nếu được tự do sẽ chuyên chế, độc tài,
hiếp đáp thần dân mình?
Khi con
hổ được tự do nó sẽ đi đâu? Chắc chắn nó sẽ về với thần dân của nó nơi rừng sâu
núi thẳm. Thần dân của nó là ai? Là trâu bò, hươu nai khỉ dê heo chó, các loài
chim … nghĩa là đủ mọi loại súc vật hoang dã. Mỗi ngày, để thỏa mãn nhu cầu bao
tử, nó sẽ không họp “hội đồng rừng” một cách dân chủ để tìm giải pháp mà tự
động đi kiếm mồi. Gặp trâu nó vồ trâu, gặp bò nó xé xác bò. Hôm qua ăn bò rồi
hôm nay muốn đổi món thì nó tìm bắt dê. Ôi! Muốn giết ai thì giết. Muốn ăn thịt
ai thì ăn. Đối xử với thần dân của mình như thế mấy từ “độc đoán, độc tài, tàn
bạo” theo tôi, còn quá nhẹ.
Trong TBĐVS tôi tạo ra một khung cảnh xã
hội có những vị khách đi lạc đường vì lần theo tấm bản đồ vẽ sai – ám chỉ có
những độc giả đọc phải bài thơ mà chức năng truyền thông thất bại nên chẳng
hiểu gì cả. Tôi không để ý nên quên một chi tiết quan trọng: điện thoại di
động. Những chiếc cell phones - thời buổi này hầu như người nào cũng có - khiến
đoạn kết của bài thơ trở nên ngờ nghệch và câu chữ của cả bài thơ rã ra như
cám. Cũng tương
tự như vậy, tính độc đoán, bạo tàn là bản chất của con hổ, đã thấm vào xương
cốt của nó, giống như vi khuẩn HIV của chứng bịnh SIDA tiềm ẩn trong người cô
gái đẹp. Thế Lữ không để ý nên đã “quên”, đem cô gái giới thiệu cho Nguyễn
Tường Tam.
Tôi không tin Thế Lữ muốn ám chỉ NTT
- chủ soái của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là thành viên - là một thủ lãnh độc
tài, độc đoán, bạo tàn. Chính sơ hở của phép ẩn dụ đã đưa người đọc đến kết
luận ấy.
Ngoài ra Nhớ Rừng còn có một mâu thuẫn về ý
chí vượt thoát tìm tự do của con hổ. Tôi không tin là con hổ - với dòng máu
kiên cường trong huyết quản - chấp nhận buông tay cam chịu tù đày đến hết đời.
Là con người, hiểu rõ số phận và thực trạng của con hổ lúc đó, nên Thế Lữ đã vô
ý nhưng rất chân thành cho con hổ thốt lên những lời than tuyệt vọng: “Nơi
ta không còn được thấy bao giờ”. Ở đây chúng ta có 2 con hổ:
1/
Con hổ thực trong vườn bách thú: khao khát tự do, nhớ rừng da diết, khinh “những cảnh
sửa sang tầm thường giả dối”, không muốn “ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ với
cặp báo chuồng bên vô tư lự” và vẫn đang chờ thời cơ để vùng thoát.(Chữ
nghiêng là ý của Châu Thạch)
2/
Con hổ trong tâm tưởng của Thế Lữ: vẫn là con hổ trong vườn bách thú như con hổ
trên; vẫn khao khát tự do, vẫn nhớ rừng da diết … Chỉ khác một điều là Thế Lữ
biết số phận của con hổ vào thời điểm đó trong vườn bách thú - phải chịu tù đày cho đến chết - nên đã ép đặt vào miệng nó những lời than
tuyệt vọng, trái với bản tính kiên cường của loài hổ.
Khi đọc TBĐVS người tinh ý có
thể nhận ra ngay khe hở của phép ẩn dụ. Tôi, tác giả bài thơ, và người bạn khen
(lầm) bài thơ có “Phép ẩn dụ rất khéo và có duyên” đã phải cúi đầu nhận
sai sót. Bởi nó quá rõ ràng, có muốn cãi, muốn bênh vực cũng chẳng có cách nào.
Nhớ Rừng có đến hai cái “sót”. Một do sơ hở
của phép ẩn dụ, một do tác giả trong lúc cao hứng, hồn thơ lai láng, đã “quá
thật tình” đặt lên miệng con hổ một tiếng thở dài não nuột, một lời than tuyệt
vọng không đúng với bản chất “hổ” của nó.
Mấy bạn văn của tôi đều cho rằng Thế Lữ
không có ý như thế. Điều ấy đúng. Nhưng ông là người tổ chức thế trận chữ nghĩa
cho bài thơ. Người đọc không có bổn phận – và cũng không thể - đọc những suy
nghĩ trong đầu ông. Họ chỉ dựa vào văn bản, dựa vào khả năng chuyển tải thông
tin của câu chữ để “bắt” tứ thơ, để cảm nhận cái hay, cái đẹp của bài thơ.
Chính ông, chứ không ai khác, dù “sơ sót” vì bất cứ lý do gì, phải chịu trách
nhiệm về “hai cái bẫy nguy hiểm của Nhớ Rừng”
Bên cạnh hai điểm “sai sót” nói trên NR còn
có một chỗ yếu về âm điệu: hội chứng nhàm chán vần. Bài thơ dài (47 câu), mỗi
câu 8 chữ đều đặn (có một câu 10 chữ), vần gieo liên tiếp nên chỉ đọc non nửa
bài là cái giọng ầu ơ, cái nét đơn điệu, tẻ nhạt đã hiện ra rất rõ, càng về
cuối càng nặng nề.
Bù lại, cái hay của Nhớ Rừng lại rất “lớn”,
nếu đề cập hoặc bàn luận thì chỉ cần một vài câu, nhưng – như những cánh én báo
hiệu mùa xuân – những ưu điểm “cao cấp” này thường xuất hiện để báo hiệu
một bài thơ Hay, Có Hồn. Đó là cảm xúc mạnh, nóng bỏng, hơi thơ dài như một con
sông, dòng chảy xiết. Đặc biệt, từ câu thơ đầu cho đến câu thơ cuối cùng, cường
độ và “nhiệt độ” của cảm xúc vẫn không suy giảm, dòng chảy của thơ vẫn băng
băng. Ngoài ra, ngôn ngữ của Nhớ Rừng cao sang, thích hợp với khẩu khí Chúa Sơn
Lâm của con hổ. (2)
Tóm lại, con hổ trong tâm tưởng của Thế Lữ
được thi tài của ông chuyển đến người đọc là một hình tượng thơ rất đẹp: kiêu
hùng, uy quyền, oai phong lẫm liệt, rất khao khát tự do, thèm và thường mơ được
trở về rừng xưa núi cũ. Nhưng bên dưới cái vẻ đẹp bề ngoài ấy là hai tính xấu:
mơ về lại núi rừng để hưởng địa vị của một Chúa Sơn Lâm độc đoán, bạo tàn nhưng
lại hèn, bó tay cam chịu, không dám nghĩ đến kế hoạch và hành động vượt thoát.
Để kết luận tôi xin phép lập lại
một ý trong bài Không Sợ Thừa - Chỉ Sợ Quá Muộn: Nhiều người Việt Nam không
phải chỉ mới nhiễm HIV mà chứng bệnh SIDA Nhớ Rừng - cả loại 1 lẫn loại 2 - đã
phát tác, đã tàn phá, không chỉ thể xác mà luôn cả tâm hồn họ và có thể đã lây
lan đến thế hệ trẻ sau này.
Cô gái mắc bệnh SIDA càng đẹp,
càng sexy thì cơ hội lây bệnh cho người khác càng nhiều. Là bài thơ Hay, Có Hồn
nên (xin cảnh báo một lần nữa) hai cái bẫy của Nhớ Rừng vẫn vô cùng nguy hiểm.
----
Chú Thích:
2/ Có một câu không hợp với
khẩu khí của con hổ:
Nơi
ta không còn được thấy bao giờ
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ USA ngày 26.10.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Về bài viết của bạn Trần Đức Nhì về bài thơ "Nhớ Rừng" thì thành thật mà nói thì tôi hoàn toàn không đồng ý với bài viết của bạn. Trên tinh thần tuyệt đối tôn trọng bạn, tôn trọng bạn bè và tôn trọng chủ nhà, tôi rất muốn viết bài theo tinh thần ấy. Nhưng liền đó tôi đọc bài của bạn Châu Sa về đề tài nhớ rừng ấy thì tôi lại bỏ ý định ấy đi, Vì bạn Châu Sa đã viết đầy đủ và quá hay rồi. Bạn nên xem lại bài đấy. Cũng xin nói với bạn là dù bất đồng với nhau về bài Phương Xa, và bài Nhớ Rừng này thì tôi lại đông ý với bạn về bài Tống Biệt Hành. Hẹn với bạn là sẽ có bài về Tống Biết Hành để góp vui. Cám ơn bạn Phạm Đức Nhì, bạn Châu Sa và Văn Đàn Việt. Chúc tất cả hạnh phúc...
Trả lờiXóaXin lỗi, là bài của bạn Châu Thạch (Đà Nẵng).
Xóa