Hạnh phúc và bất hạnh - Chu Tất Tiến (USA)
Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015
Như lời
người xưa: “Nothing is impossible!” (không có cái gì là không thể). Hoặc “Hãy
tìm, thì sẽ thấy, hãy gõ, thì cửa sẽ mở!” Hạnh phúc đầy dẫy chung quanh chúng
ta, nằm trong lòng bàn tay chúng ta và sẽ tồn tại mãi trong tâm hồn chúng ta
cho đến ngày chúng ta rũ bụi hồng trần: Hạnh Phúc ở việc cho đi và không hề đòi
lại. Hạnh Phúc ở chỗ dùng hết khả năng của mình để tạo Hạnh Phúc cho thiên hạ.
Hạnh Phúc ở trái tim Nhân Từ, tâm hồn rộng lượng, thấy chỗ nào đau khổ, thì tìm
đến và an ủi, thấy ai thiếu thốn thì mang phần tài sản, vật liệu của mình mà bù
đắp cho họ.
Tác
giả Chu Tất Tiến
Sinh
năm 1945 tại Hà Nội,
Di
cư vào Nam năm 1954.
Ông
là một nhà văn, nhà báo từ năm 1968 tại quê nhà
Hiện
cư trú tại Hoa Kỳ
_____
HẠNH PHÚC VÀ BẤT HẠNH
Rất
nhiều người bi quan cho rằng “hạnh phúc chỉ là ảo tưởng”, một sự không có thật
trên gian trần. Người khác cho rằng “hạnh phúc” là cái bánh vẽ do các nhà
truyền giáo trong mọi tôn giáo đưa ra để cho người đi theo phải bám theo chân
mình mãi mãi. Một số người lại tin theo một ví dụ căng thẳng hơn: Hạnh Phúc
giống như miếng mồi nhử chó đua trong sân trường đua chó. Một miếng mồi được
gắn vào một cái cần di chuyển rất nhanh vòng quanh vòng đua chó. Những chú chó
thấy mồi liền phóng theo với hết sức mạnh, hầu đoạt được miếng mồi đó trước các
chú chó cùng cạnh tranh với mình. Vì chạy hết sức như thế, đến khi bập được
miếng mồi thì đã hết hơi, không còn có thể ăn được nữa.
Ngược
lại, một số lạc quan lại cho rằng hạnh phúc có thật: hạnh phúc ở việc có nhiều
tiền, muốn mua sắm gì thì có ngay. Người khác thấy hạnh phúc ở cái xe đẹp, nhà
đẹp, vợ đẹp và con khôn. Mỗi khi đi cạnh bên người vợ trẻ đẹp thì thấy như hạnh
phúc ngất trời, hãnh diện và kênh kiệu. Một số lớn thấy hạnh phúc khi thành
công trong việc học hay được làm lớn. Nhìn chung, đa số những ai cho rằng hạnh
phúc là có thật đều quy vào một điểm: Làm cho cá nhân mình sung sướng, thỏa
nguyện vọng về vật chất tức là hạnh phúc.
Thực
tế, cả hai phe, bi quan hoặc lạc quan đều chưa nhìn rõ cốt lõi của vấn đề.
Người bi quan, vì lý do cá nhân nào riêng biệt, hoặc vì liên tục gặp những
chuyện không may mắn mà không thể tìm ra đáp số giải quyêt vấn nạn của mình, đã
không nhìn ra được hạnh phúc ở ngay trong tầm tay của họ.Thí dụ như với người
phàn nàn về việc thiếu tiền để mua xe mới, nhà đủ tiện nghi cho gia đình họ,
không có tiền để cho con học trường đạo, không có tiền để sửa chữa chỗ dột trên
mái nhà, hoặc phải chi gần hết tiền lương hàng tháng cho tiền thuê nhà… người
ấy đã không thấy rằng họ hạnh phúc hơn cả chục triệu người đang sống vất
vưởng trong các căn lều nát hay trên hè phố, chỉ mong có một bữa cơm
nóng hổi là đã sung sướng cả bao ngày. Với người phàn nàn là vợ hay chồng không
biết chăm nom đến gia đình, không biết chú tâm đến sức khỏe người thân, họ không
nhìn thấy rằng, trong cùng giờ phút đó, cả triệu binh lính, đang phải đối đầu
với bom đạn, với chết chóc lúc nào cũng sẵn sàng chụp trên đầu làm cho da thịt
văng tứ phía. Kẻ buồn bực vì con mình không được học hành tử tế, không được sự
quan tâm tốt đẹp của các bà Sơ và thầy cô giáo trường tư, họ quên rằng ngay
trên quê hương Việt Nam, hàng triệu trẻ em đang sống dưới gầm cầu, khe hẻm,
trong những cái lều dựng ngay trên bãi rác, mỗi ngày các em phải cầm chiếc que
cời bước đi trên đống rác cao nghệu, mong kiếm được một vài cái hộp nhựa, chai
nhựa, thậm chí vài cái bao nylong đựng rác, có thể đựng đồ thối kinh
khủng hay đôi khi có cả chân, tay em bé… Như thế, hạnh phúc có thể đã ở trong
tay họ mà chính chủ nhân không hề biết.
Đối
diện với nhóm người bi quan trên, người lạc quan cho rằng mình đang đầy đủ hạnh
phúc đã quên rằng: cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Tiền bạc
thì rồi cũng sẽ biến mất, như biến cố 9-11 đã làm cho hàng vạn, triệu người
trắng tay. Đang là triệu, tỷ phú bỗng chốc biến thành kẻ nghèo khổ, phải sống
bằng tiền trợ cấp của chính phủ. Có nhiều người đã tự tử vì không còn có khả
năng thanh toán nợ nần sau 9-11. Xe đẹp hôm nay, thì biết đâu lại gây ra tai
nạn ngày mai? Vợ đẹp lại như một quả bom không biết nổ giờ nào, nếu không bị ai
“cua” mất, thì cũng có một ngày bất ngờ bạo bệnh mà mất đi. Chồng đẹp hoặc
chồng tài năng cũng thế, ra đường dễ bị cám dỗ chẳng biết ngày nào khăn gói,
gió đưa.. Còn chính con người, nói chung, tuổi trẻ thì da dẻ mịn căng, tinh
thần phấn chấn, lúc nào cũng muốn bay bổng trên mây, rồi cũng tới một ngày, tự
nhiên da chùng, mắt xụp. Rồi nhức mỏi, đau lưng, đau thận, buốt đầu gối, cổ vẹo
cọt kẹt.. Tim đang đập đều bỗng tỏ ra mệt mỏi, cùng với gan, ruột,
phổi… mỗi ngày mỗi yếu đi, thuốc uống đầy nhà.. rồi đến lúc mọi cơ phận ngưng
hoạt động.. Thế là hết. Hạnh phúc rồi đi đâu?
Cho
nên, câu hỏi “Hạnh phúc có thật không? Ở đâu? Làm sao tìm được?” vẫn luôn bám
vào các khuôn mặt đăm chiêu, trụ lại tại nụ cười méo mó, và tràn đầy trên những
đuôi mắt nhăn nheo. Trả lời sao bây giờ?
Thật
dễ! Như lời người xưa: “Nothing is impossible!” (không có cái gì là không thể).
Hoặc “Hãy tìm, thì sẽ thấy, hãy gõ, thì cửa sẽ mở!” Hạnh phúc đầy dẫy chung
quanh chúng ta, nằm trong lòng bàn tay chúng ta và sẽ tồn tại mãi trong tâm hồn
chúng ta cho đến ngày chúng ta rũ bụi hồng trần: Hạnh Phúc ở việc cho đi và
không hề đòi lại. Hạnh Phúc ở chỗ dùng hết khả năng của mình để tạo Hạnh Phúc
cho thiên hạ. Hạnh Phúc ở trái tim Nhân Từ, tâm hồn rộng lượng, thấy chỗ nào
đau khổ, thì tìm đến và an ủi, thấy ai thiếu thốn thì mang phần tài sản, vật
liệu của mình mà bù đắp cho họ. Những người theo Phật Giáo thì lấy lòng Từ Bi
mà đãi ngộ chúng sanh. Theo Thư Viện Hoa Sen: “Từ là cho vui, Bi là
cứu khổ diệt khổ, Từ Bi là cho vui diệt khổ cho tất cả mọi loài chúng
sanh, đó là hành động lợi tha cứu đời.” Những Phật Tử có lòng Từ Bi thật thì
tâm luôn an hòa, chỉ nhìn vào sắc diện cũng biết ngay là người lúc nào cũng
hạnh phúc.
Với
Tín đồ Công Giáo hay Tin Lành, thì muốn theo Chúa, phải có lòng yêu Người.
Riêng đạo Công Giáo thì có “thương xác bẩy mối”: “Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.
Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn:
Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc
kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.” Những hành động trên được thực hiện
chỉ vì dựa vào hai chữ Bác Ái mà thôi.
Đạo
Cao Đài lại có riêng một “cơ quan Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng
trên con đường sinh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng
sanh tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát hoặc giúp tay cho
bên hành chánh thi hành luật pháp dễ dàng.” (Wikepedia). Các tín hữu
Hòa Hảo thì lấy Nhân, Nghĩa làm đầu: “Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân, Muốn
về cõi Phật lập thân cõi trần”.
Tóm
lại, người có lòng Nhân, cho dù thuộc bất cứ tôn giáo nào, lúc nào cũng thấy
Hạnh Phúc trùng trùng điệp điệp, không bao giờ thiếu thốn. Kẻ có tâm tốt, khi
nhìn thấy một thân xác bệnh tật, đói khổ mà nhờ bàn tay mình, mà khỏe mạnh, vui
tươi, thì nhất định lòng mừng vui, hớn hở còn hơn người khỏi bệnh kia. Thấy
hình ảnh một gia đình Thương Phế Binh, vui cười khoe cho mình chiếc xe lăn mới,
hay một giấy chứng chỉ học giỏi của đứa con nhỏ, người Ân Nhân nhất định sẽ nhỏ
giọt lệ mừng vui khôn tả. Để suốt đời, mỗi khi nhớ lại niềm hạnh phúc của người
mà mình giúp đỡ, thì chính mình lại thấy hạnh phúc trào dâng, không bao giờ
hết, cho đến giờ từ giã gian trần, vẫn nở nụ cười hạnh phúc. Thật ra, cũng
không cần thiết phải làm chuyện lớn mới là Hạnh Phúc. Chỉ cần một nụ cười chia
xẻ với người đang buồn bực, một góp ý chân thành với người đang khổ đau, một sự
kiên nhẫn lắng nghe kẻ bất hạnh kể chuyện… cũng là những hành động vì lòng
thương người. Cho nên, với tất cả những ai có lòng thương người thật, thì Sự
Chết chỉ là một lần di chuyển đến miền Hạnh Phúc miên viễn trong đấng Tạo Hóa
mà thôi.
Tiếc
thay, bên cạnh những con người đi cầu Hạnh Phúc lại có những kẻ Bất Hạnh, vì
tâm hồn khô héo, ích kỷ lúc nào cũng bo bo tìm hạnh phúc vật chất cho chính
mình nên không bao giờ thấy Hạnh Phúc thật. Chỉ vì lòng ghen ghét, tị
nạnh, vị kỷ mà đầu óc luôn vận động suy nghĩ cách này, cách khác để cho mình
được đứng trên, ngồi trước thiên hạ, nên căng thẳng chập chùng. Những kẻ này,
ngay cả lúc đi ngủ cũng thấy mưu kế hiện ra trong óc, phải triệt hạ thằng này,
phải làm cho con nọ táng gia bại sản, phải làm sao cho mình được bầu làm Chủ
Tịch, Hội Trưởng, Trưởng Ban.. Như thế, thì mãi mãi không có bao giờ óc não
được sự nghỉ ngơi, và nếu hệ thần kinh không được nghỉ ngơi, thì nhất định
chóng già, chóng bệnh, và chóng chết.
Suy
nghĩ đến chỗ này, lại một câu hỏi đặt ra cho những người mưu cầu Hạnh Phúc
thật: “Làm thế nào để giúp cho những kẻ bất hạnh kia được hạnh phúc như mình?”
Đây là câu hỏi khó có giải đáp, nhưng như đã nói ở trên, hạnh phúc không tự
nhiên đến, mà phải kinh qua bao hy sinh, nhẫn nhịn, và chấp nhận thiệt thòi cho
chính cá nhân mình. Vậy, “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó
vì lòng người ngại núi, e sông.”* Có phải không, những ai đang tìm Hạnh Phúc
thật?
9 tháng 9 năm 2015
----
*
Nguyễn Bá Học
----
Gửi từ
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hải ngoại ngày 17.9.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét