Home
» Tin tức - Sự kiện - Bình luận
» Nhân ngày giỗ lần thứ 10 giáo sư sử học Trần Quốc Vượng (17-8 ) – Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Nhân ngày giỗ lần thứ 10 giáo sư sử học Trần Quốc Vượng (17-8 ) – Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015
Cố giáo
sư Trần Quốc Vượng- tác giả của nhiều bài viết và công trình sử học, có lẽ, lúc
sinh thời không thể hình dung được rằng: bản thân ông cũng vô tình trở thành
một nguồn sử liệu quý nằm sâu trong tâm hồn những cô thợ may trẻ Hà Nội, trong
một lần ông đưa sinh viên đi khảo sát chùa Tây Phương...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút
danh: Mai An Nguyễn Anh
Tuấn
Địa
chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT:
0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
NHÀ SỬ HỌC VÀ CÁC CÔ
THỢ MAY TRONG CHÙA TÂY PHƯƠNG
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng- tác giả của
nhiều bài viết và công trình sử học, có lẽ, lúc sinh thời không thể hình dung
được rằng: bản thân ông cũng vô tình trở thành một nguồn sử liệu quý nằm sâu
trong tâm hồn những cô thợ may trẻ Hà Nội, trong một lần ông đưa sinh viên đi
khảo sát chùa Tây Phương...
Trong
những ngày kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tại Thủ đô, có một cuộc gặp gỡ
cảm động sau hơn 32 năm giữa tác giả bức ảnh lịch chụp chùa Tây Phương và các
nhân vật trong bức ảnh đó, chỉ thiếu vắng giáo sư Trần Quốc Vượng- ông đã về
cõi vĩnh hằng mấy năm trước...
Mấy
cô gái trong bức ảnh lịch của Vietnamtourism cách đây hơn ba chục năm kể lại
rằng: đó là lần đầu tiên họ được tới thăm chùa Tây Phương, và cũng lần đầu tiên
được gặp mặt ông sử học nổi danh, được tận tai nghe ông giảng giải về chùa Tây
Phương và về đạo Phật Việt Nam. Trừ người mặc áo hồng (Nguyễn Thị Bích Ngọc) có
biết ông, vì cô là học trò yêu của vợ ông- cô giáo Loan dạy tiếng Anh ở trường
cấp ba Trưng Vương Hà Nội. Cả ba cô gái khi ấy đều là công nhân của nhà máy dệt
Minh Khai, tuổi mới ngoài đôi mươi, chưa ai có gia đình, chuyện yêu đương thì
cũng chỉ là mưa bóng mây...
Hôm
đó là vào một sớm tháng tư năm 1978, ba cô thợ may mượn áo dài lên chùa Tây
Phương theo yêu cầu của một nhà nhiếp ảnh để chụp lịch. Đang ngẩn ngơ dạo bước
ngắm cảnh, tìm góc chụp, thì cả nhóm bắt gặp một người đàn ông trạc năm mươi
tuổi nhưng tác phong rất trẻ trung, mặc áo phông vàng, đang say sưa giảng giải
điều gì đó cho hơn chục nam nữ thanh niên đang vây quanh. Bích Ngọc chợt nhận
ra ông, níu tay các bạn nói khẽ: "Gíao sư Trần Quốc Vượng, trưởng khoa sử
đại học tổng hợp đấy!" Nhưng chắc hẳn thông tin đó không gây được ấn tượng
nào đáng kể đối với các cô gái đang lo trang điểm và sửa sang áo sống trước khi
ống kính hoạt động...Còn nhà nhiếp ảnh, trong lúc chạy tới lui tìm góc chụp,
chợt phát hiện ra chiếc áo màu vàng kia thì sướng rơn. "Trời, màu áo dài
của các em mà có màu mơ chín và màu đạo Phật kia đứng cạnh thì quá nổi!"
Bích Ngọc đợi khi GS uống nước nghỉ ngơi đã tới ông để chào, và đặt vấn đề nhờ
giúp. Bản tính là người lịch thiệp, có máu lãng tử, lại trước một cô gái trẻ -
học trò của vợ mình, vị giáo sư vui vẻ nhận lời. Dĩ nhiên, ông đã tuân theo sự
bố trí, tôn trọng nghề nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh...
Nhưng
sau khi công việc sáng tác kia hoàn thành, thì tới lượt "máu nghề
nghiệp" của vị giáo sư nổi lên; dường như ông không chịu được việc chỉ đơn
thuần làm "người mẫu" đứng chỉ tay lên mái chùa để "diễn"-
mà ông muốn giảng giải thật sự cho những người mẫu không chuyên kia, và cho cả
anh nghệ sĩ cầm máy ảnh, về những gì ông đã khảo sát, đã nghiền ngẫm về ngôi
chùa đặc sắc xứ Đoài. Và thế là ông đã nói say sưa. Ông lại chỉ tay lên những
mái chùa, nơi có những góc đao cong vút, hình thành một không gian khoáng đạt
cho thế giới cực lạc, cõi niết bàn, chốn tu luyện của thần tiên.... Ông cho
biết rằng: tường của chùa xây toàn bằng gạch bát Tràng nung đỏ, để trần, tạo
một không khí mộc mạc, lại điểm những của sổ tròn với biểu tượng sắc -không của
Phật giáo. Còn hơn 80 pho tượng gỗ trong chùa được giới chuyên môn xếp vào loại
bậc nhất về nghệ thuật tạc tượng cổ ở nước ta, và chủ yếu là do những người
nghệ nhân Chàng Sơn huyện Thạch Thất tạo nên...
Trừ
vị giáo sư ra, cố nhiên, không một ai trong số người tạo ra bức ảnh đó sau này
có liên quan gì đến nghề nghiệp sử học; song, lòng nhiệt huyết cùng sự uyên
thâm sắc sảo của vị giáo sư đã in hằn trong tâm trí mọi người. Ông đã tạo ra một
nguồn cảm hứng lịch sử đặc biệt trong lòng những cô gái vừa rời trường phổ
thông chưa lâu- nơi mà môn lịch sử thường chỉ là một mớ số liệu và sự kiện khô
khan đến phát ngán phục vụ cho thi cử...Và bản thân vị giáo sư đáng kính mà sự
thuyết phục tự nhiên từ phong thái đến uy lực về kiến thức đó đã vô tình trở
thành một nguồn sử liệu quý trong dân gian...
Chỉ
một năm sau, "nguồn sử liệu dân gian" đó- ba cô bạn thân thợ may đã
chia tay mỗi người một ngả đi hợp tác lao động. Nguyễn Thị Bích Ngọc đi CHDC
Đức. Dương Thị Nhận (người áo hoa) và Đoàn Thị Hạnh (ngườì áo xanh) đi Liên Xô
(cũ)- nhưng ở hai vùng cách xa nhau. Từng ấy năm tháng, sau bao biến cố của
thời cuộc, long đong, mất mát, khổ đau không ít, họ giờ đều đã có một cuộc sống
tạm bình ổn ở Hà Nội, đều đã lên chức bà. Riêng chị Hạnh thì số phận khá khắc
nghiệt: chồng và chị gái bị biển cuốn trôi trong một kỳ đi nghỉ mát, một mình
nuôi ba đứa con thơ trưởng thành- cũng vẫn chỉ bằng nghề thợ may từ ngày về
nước. Chị Nhận và chị Ngọc cũng ít gặp may mắn trong hạnh phúc gia đình...Nhưng
họ đã vượt lên được sóng gió bất hạnh, để sống, để yêu thương, để nuôi dạy con
cháu, và để lưu giữ mãi những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân... Chị Ngọc đã bước
vào con đường làm thơ, là thành viên của các CLB thơ Tháp Bút, Tầm Xuân, và đã
có nhiều bài thơ in trên sách báo. Chị Nhận và chị Hạnh thường tổ chức những
cuộc picnic, tham quan cùng con cháu, bè bạn ở nhiều nơi... Tình cờ, các chị
gặp lại nhau cách đây một năm, tay bắt mặt mừng. Nhưng tấm ảnh lịch Chùa Tây
Phương thì chỉ mỗi mình chị Ngọc giữ được, ép platich cẩn thận. Khi tác giả của
nó- hiện đang sống ở phố HCM ra Hà Nội chơi mấy tháng trước, được thấy bức ảnh
thì mừng rỡ, anh mượn lại chị Ngọc... Trước ngày giải phóng Thủ đô, anh bay ra,
mang theo mấy tấm ảnh in bằng giấy lụa khổ lớn để tặng lại các cô người mẫu của
mình. Họ gặp lại nhau giữa không khí náo nhiệt bên hồ Gươm. Họ thích thú ôn lại
cuộc hành hương về Tây Phương vất vả ra làm sao: đi tàu điện từ Ô Chợ Dừa vào
bến xe Hà Đông, rồi từ Hà Đông chờ xe đi chùa Tây Phương. Nhưng tới khi về thì
không có ô tô, họ phải đi bộ suốt chặng đường mấy chục cây số. Sau một đoạn
dài, chị Ngọc đi nhờ được xe đạp của một anh bộ đội, ôm theo chân máy ảnh... Và
trong biết bao kỷ niệm khó quên đó, họ không thể không nhắc tới giáo sư Trần
Quốc Vượng cùng bài học sinh động về lịch sử mà ông đã thổi vào trái tim non
trẻ của họ, và nó như được nhân lên khi họ đứng trước rừng cờ hoa, biểu ngữ và
biển người đang rừng rực niềm hứng khởi ngày Đại lễ...
Cũng
cần nói thêm về tác giả bức ảnh: nghệ sĩ Phùng Quốc Phiên. Ngày ấy, anh công
tác tại Tổng cục Du lịch VN, có trách nhiệm xây dựng một cuốn lịch cho
Vietnamtourism. Thời kỳ đó, phim ảnh màu còn rất hiếm, nhưng anh thì được chụp
phim màu loại "xịn" nhất- phim Kodak, lại là phim Slai six-six (phim
dương bản 6x6mm), chụp bằng máy Rollex của dân chuyên nghiệp đầu bảng khi ấy
nhằm tạo ra những bức ảnh chất lượng cao, với mục đích quảng bá du lịch nước ta
ra thế giới... Bức ảnh lịch này có thể nói là một trong những tác phẩm nhiếp
ảnh thành công nhất về đề tài thắng cảnh chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất,
tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội). Hiện Phùng Quốc Phiên không cầm máy nữa,
đúng hơn là anh chỉ dùng máy ảnh du lịch để ghi lại kỷ niệm- mà một trong những
kỷ niệm đẹp nhất của đời một nghệ sĩ nhiếp ảnh là anh được gặp lại những người,
những cảnh, những tâm tình của hơn ba mươi năm về trước, ở ngay giữa Thành phố
vì Hòa Bình, trong một ngày chỉ nghìn năm mới có...
(Đạo diễn điện ảnh, nhà báo)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Hà Nội ngày 17.8.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng
Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét