Nghề văn không sang trọng, nhưng văn chương cần sự sang trọng
Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015
Chủ
nhật - 11/08/2013 23:44
Tôi vừa
đọc một bài viết sâu sắc, lý thú của GS Trần Đình Sử: "Nghề văn không sang
trọng"
(http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/08/tran-inh-su-nghe-van-khong-sang-trong.html).
Với kiến giải của một bậc thầy, và với sự phẫn nộ của một người cầm bút chân
chính trước những gì đang làm hạ thấp văn chương, GS đã thẳng thừng phang vào
thói háo danh đồng thời vạch ra thực chất của lao động chữ nghĩa: "kiếp
nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, để bảo lưu giá trị văn
hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp." ...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh
Tuấn
Bút
danh khác Nguyễn
Yên Thế
Địa
chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT:
0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
NGHỀ VĂN KHÔNG SANG
TRỌNG,
NHƯNG VĂN CHƯƠNG LẠI
CẦN SỰ SANG TRỌNG
Tôi vừa đọc một bài viết sâu sắc, lý thú của GS
Trần Đình Sử: "Nghề văn không sang trọng"
(http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/08/tran-inh-su-nghe-van-khong-sang-trong.html).
Với kiến giải của một bậc thầy, và với sự phẫn nộ của một người cầm bút chân
chính trước những gì đang làm hạ thấp văn chương, GS đã thẳng thừng phang
vào thói háo danh đồng thời vạch ra thực chất của lao động chữ nghĩa:
"kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, để bảo lưu giá
trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp." Và
ông kết thúc bài viết trên, mở ra nội dung của một vấn đề lớn khác: "Văn
chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng." Tôi, một đàn em của
ông, xin làm một kẻ "ăn theo nói leo", liều mạng phát triển thêm
những gì mà GS chưa kịp nói.
Trước hết
xin phép được mở rộng thêm khái niệm- không chỉ dừng lại ở nghệ thuật chữ nghĩa
mà là nghệ thuật nói chung: "Nghệ thuật không cần sang trọng nhưng rất cần
sự cao quý."
Cách đây
trên hai ngàn năm, nhà triết học Hy Lạp lỗi lạc Aristote đã nói đến sự cao nhã,
và đề cập tới quy luật thanh lọc, tẩy rửa (katharsis) của nghệ thuật bi kịch:
"bi kịch, qua cách khêu gợi sự xót thương và sợ hãi, thực hiện sự thanh
lọc các cảm xúc đó" (Nghệ thuật thi ca, nhiều người dịch, Nxb Lao động
&TT Văn hóa ngôn ngữ ĐT, HN 2007, tr.33). Và hơn hai ngàn năm sau, một giáo
sư đại học Cambridge, ông Adrian Poole đã nói về những "tiếng kèn xung
trận" khích lệ con người của bi kịch- một trong những nghệ thuật cổ xưa
nhất mà cho đến nay còn có khả năng lay động, thanh lọc nhiều trái tim; ông
liệt kê ra đó là: Danh dự, Vinh quang, Tiếng gọi bí ẩn của Lý tưởng... rồi suy
ngẫm: "Dù là từ gì đi nữa, thì chúng vẫn luôn chứa đựng một ý niệm về sự
công chính, và về một nghĩa vụ tuyệt đối với nó, như là cái gì đó thuộc về bản
thân ta hay những người khác một cách không tránh được..." (Bi kịch-dẫn
nhập ngắn, Đinh Hồng Phúc dịch-Nxb Tri thức, HN 2012, tr.116). Tôi tự nghĩ:
phải chăng có thể coi những "tiếng kèn xung trận" đó không chỉ là cái
lý do tồn tại của toàn bộ nghệ thuật (chứ không chỉ riêng bi kịch cổ đại) mà
còn là cái gốc của sự "cao nhã", sự "sang trọng" mà nghệ
thuật đích thực xưa-nay vốn có và cần gìn giữ?
Roland
Barthes có kể lại câu chuyện về một vụ án trong đó giới quan tòa quý tộc với
"tất cả phép tu từ trong nhà trường được tung ra ở đây để buộc tội một ông
lão chăn cừu... Công lý đã khoác cái mặt nạ của văn chương hiện thực, của
truyện dân dã..." Và dưới góc độ mỹ học, ông vạch ra bản chất xã hội nhơ
bẩn của vụ án đó: "Nhân danh chính ngôn ngữ để đánh cắp ngôn ngữ của một
người, mọi vụ sát nhân hợp pháp đều bắt đầu từ đấy" (Những huyền thoại,
Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Tri thức, HN 2008, tr.81). Rõ ràng là, "những phép
tu từ bóng bẩy, bay bướm" mà Roland Barthes đả kích sâu cay đó chỉ là kết
quả tư tưởng thống trị áp đặt, chứ đâu phải là biểu hiện của sự cao quý, đúng
đắn, sang trọng trong văn chương? Câu chuyện trên vẫn còn nguyên ý nghĩa thời
sự!
Cách đây hơn
hai chục năm, tôi có được xem một bộ phim tài liệu nghệ thuật (nhựa màu 3 cuốn)
về chân dung nhạc sĩ Văn Cao, và có một tình tiết khiến tôi bị ám ảnh mãi- không
phải vì sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mà bởi sự thiếu "sang trọng"
rất phản cảm của nó: những người làm phim đã buộc nhạc sĩ ngồi bên cây đàn
piano, giơ cả hai khuỷu tay đập mạnh vào phím đàn như một người mất trí, hoặc
căm hận ai đó, và không chỉ một lần! Người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng tôn
trọng phương tiện nghệ thuật của mình, trong thực tế không ai làm như vậy! Ông
nghè Chu Mạnh Trinh giỏi thơ, hay đàn, khi ông mất, người dân Phú Thị đặt trong
đền thờ ông cây đàn tỳ bà mà ông hằng yêu quý, dù đã mất dây hết nhưng chắc
chắn không phải do ông tự dứt, tự đập đàn trong một lúc bất mãn nào đó! Tôi
được nghe kể lại: ông nội tôi, vốn là một nhà giáo, thường chơi đàn nguyệt. Mỗi
lần hứng thú chơi đàn, ông mang đàn ra lau chùi nhẹ, thắp hương cẩn thận rồi
mới lên dây, bấm phím, mặc dù lắm khi "Một cung đàn nguyệt gảy rồi
treo", nhưng thực là trân trọng... Tội nghiệp nhạc sĩ Văn Cao, sau khi làm
phim, ông có tự nguyền rủa mình vì đã làm theo cái yêu cầu rất ngông thiếu văn
hóa đó của đạo diễn? Rồi cả cái tên phim nữa: "Người đi trên cát không để
lại dấu chân". Ông nhạc sĩ tài hoa đó là ma chăng?
Nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có quan hệ khá thân thiết với một nhà văn, khi nhà
văn này đề nghị nhạc sĩ cho nhận xét về một tác phẩm mới thì nhạc sĩ cứ lảng
tránh; nhưng rồi, nhạc sĩ đã phải có ý kiến như sau, được in lại trong một cuốn
sách về TCS: "Trong tác phẩm của anh, có tất cả những gì mà tôi và những
người đọc khác cần tìm... Nhưng, duy có một điều mà tôi không thấy, đó là sự
sang trọng..." (Tôi xin phép không nêu xuất xứ và tên nhà văn đó ra). Nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn đã về nơi thiên cổ, lại chưa từng bàn cụ thể về điều này
(theo sự đọc của tôi) nên không ai có thể hiểu rõ, ông quan niệm thế nào là sự
"sang trọng" của nghệ thuật? Nhưng với những gì mà nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn đã cống hiến cho đời, bằng những giai điệu ca từ thể hiện rung động thấm
thía nỗi cô đơn của một tâm hồn trĩu buồn trước sự hữu hạn của đời người và nỗi
khát khao cho một dân tộc Da vàng được Tự do, tác phẩm của ông có thể coi là
những minh chứng hùng hồn cho sự Sang trọng của nghệ thuật.
Trong một bộ
phim truyện VN hoành tráng làm theo "Chùa đàn" của nhà văn Nguyễn
Tuân viết trước CM,"có
tình tiết cô gái câm chứng kiến cảnh ông chủ họ Nguyễn làm tình với bức tượng
gỗ to bằng người thật."Nếu như Nguyễn Tuân mượn tiếng đàn của
nhân vật giải tỏa nơi con người “cái tâm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng
chừng" (Nguyễn Tuân tuyển tập, I, Nxb Văn học HN, 1996 tr.398) bằng chữ
nghĩa và sự tưởng tượng nơi người đọc (một cách sang trọng) thì trong phim, các
tác giả đã làm công việc hiện hình cái “tâm tức sinh lý” ấy một cách trần trụi,
nó lại được ánh sáng trau chuốt, ống kính cận cảnh vào đặc tả kèm tiếng động
chân thực (thông qua cái nhìn của cô câm) làm tôn lên nhiều lần cái cảm giác
thú vật từ nhân vật hòng lây lan sang khán giả. Nếu có ai dám nói đó là thành
công thì nên hiểu rằng đó là một điển hình thành công của một cuộc “thủ dâm”
bằng điện ảnh! Điều đó làm sao có thể gọi là sự sang trọng? Từ chỗ cố tạo ra
độc đáo, đúng hơn là kỳ quặc- tới chỗ lăng mạ phẩm giá con người chỉ cách nhau
một sợi tóc!
Ý đồ tư
tưởng của nghệ sĩ và các phương tiện thể hiện cần tới một năng lực thẩm mỹ tốt
cùng một trình độ văn hóa cần thiết để có thể tạo sự "sang trọng" cho
tác phẩm- dù chất liệu tác phẩm có là những thứ xấu xa bẩn thỉu đến đâu chăng
nữa. Còn nếu như những thứ tục tĩu rác rưởi được ném vào tác phẩm chỉ để nhằm
thỏa mãn một ẩn ức tâm lý - chính trị - xã hội... nào đó thì đấy đâu phải là
tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa để mà bàn tới sang trọng hay không sang trọng!
Nhà văn Trần
Đình Sử có nhắc lại điều tác giả Benjamin đã ví: nhà văn nhà thơ như người nhặt
rác, nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế... Vâng, đúng vậy!
Và tôi nghĩ: nhà văn nhà thơ không chỉ trân trọng nhặt nhạnh những gì là
"rác", mà còn nâng niu những gì là nguyên liệu tinh khôi, là
"khí của trời đất"- như danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu trước cảnh
vật Hồ Tây đã thốt lên: "Ôi, muôn vật trong trời đất, cái lớn nhất là con
người, là sông núi, con người đã mất thì sông núi lại còn sao được! Chỉ có cái
khí của trời đất, tích tụ chuyển vận bên trong, hun đúc nên con người. Con
người được cái khí của sông núi mà thành; sông núi lại được cái khí của con
người mà thể hiện ra, hợp thành cái khí bất diệt. Khí ấy tung hoành ào ạt trên
giấy bút, dù bể dâu biến đổi, muôn đời còn mãi với thời gian." (Phương
Đình văn loại- Người dịch Trần Lê Sáng,Nxb văn học 2001, tr.34). Với cả hai
chất liệu đó của nghệ thuật - "rác của đời" lẫn "khí của trời
đất", người nghệ sĩ đều cần đối xử với chúng một cách trân trọng, sòng
phẳng, không lợi dụng chúng cho mục đích cá nhân ích kỷ, không làm méo mó chúng
qua cái nhìn thiển cận độc đoán, phải chăng đó là điều kiện tiên quyết giúp
nghệ thuật trở nên có ích, cũng có nghĩa là cao quý, sang trọng?
Hà Nội, 10/8/2013
(Đạo diễn Điện ảnh)
©
Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật lại lần 2
ngày 13/8/2015
Cập
nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 11/08/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng
Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét