Home
» Giới thiệu sách
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Người hay là Những cơn mơ mạo danh - Tiểu thuyết Phan Trang Hy Năm 2011 (.com)
Người hay là Những cơn mơ mạo danh - Tiểu thuyết Phan Trang Hy Năm 2011 (.com)
Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015
Rớt lại
ngắm mình trước gương. Đến giờ, cô vẫn không thể tin sao cô lại xấu như quỷ.
Mới hai mươi tuổi đời, cái tuổi đáng lẽ ra phải đầy những mơ ước của cuộc đời
người, cái tuổi mà bất kỳ người con gái nào cũng tràn trề nhựa sống của thân
thể mà tạo hoá đã cho. Nhưng ở cô thì ngược lại. Có thể như thế này sao, hỡi
trời? Nhiều lần, rất nhiều lần, cô nhìn mình trước gương và cô đã bật khóc. Và
bây giờ cô vẫn khóc. ...
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Sinh
năm 1956
Quê:
Đại Lộc, Quảng Nam
Hiện
ở Đà Nẵng
ĐT:
0935484482
Email: phantranghy@gmail.com
_____
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN
MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 1
Chương 1
Rớt lại ngắm mình trước gương. Đến giờ, cô vẫn không thể tin sao cô lại xấu như quỷ. Mới hai mươi tuổi đời, cái tuổi đáng lẽ ra phải đầy những mơ ước của cuộc đời người, cái tuổi mà bất kỳ người con gái nào cũng tràn trề nhựa sống của thân thể mà tạo hoá đã cho. Nhưng ở cô thì ngược lại. Có thể như thế này sao, hỡi trời? Nhiều lần, rất nhiều lần, cô nhìn mình trước gương và cô đã bật khóc. Và bây giờ cô vẫn khóc. Khóc cho gương mặt già nua trước tuổi của mình. Chỉ hai mươi tuổi đầu, cô như mụ già trên năm lăm tuổi. Sao bất công thế hỡi trời? Sao cô mang gương mặt già nua của mụ đàn bà nào đó? Có phải gương mặt cô mang là của chính cô hay của một người nào khác? Gương mặt cô đây ư? Vô lý thật!
Cả thân thể cô rạo rực, rạo rực một cách khủng khiếp. Ôi, cả người cô rạo rực như kiến bò, vừa đau vừa nhột. Cô nhắm mắt, cô không thèm nhìn gương mặt của mụ già trên thân thể cô. Cô mường tượng cái cảnh tuyệt vời của câu chuyện phim. Sao mà có con người đẹp, tuyệt thế? Sao cô gái trên phim ấy đẹp ghê vậy. Ước gì cô còn chút sắc đẹp của cô ngày xưa. Và cả nụ hôn... Ôi, cô ngất xỉu trước gương. Cô nhắm mắt mường tượng. Cả thân xác cô rần rật những khát khao... Ước gì, ước gì một lần ai đó nắm lấy tay cô, nói lời dịu ngọt với cô. Nhưng có ai đâu. Tất cả vắng ngắt. Chỉ có đàn kiến bò trong người cô vừa đau, vừa nhột. Ôi, đàn kiến! Chúng thật khủng khiếp. Sao chúng hành hạ cô, chúng mơn trớn cô một cách khó chịu như vậy?
Đàn kiến vẫn cứ hành hạ cô. Cô ngất lịm trong cơn đau đê mê. Đàn kiến cứ bò, cứ bò. Chúng cắn cô, chúng thọc lét cô. Cơn đê mê quặn thắt đưa tâm hồn cô bay bổng trong nỗi khao khát. Đàn kiến trước mắt cô đông vô kể. Chúng bò trong mắt cô. Trong môi cô. Trong da thịt cô. Chúng bò trong từng động mạch, tĩnh mạch của cô...
Cô thả hồn mình trong cơn khao khát dằn vặt. Rồi, đột nhiên như có ai đó vuốt ve cô, mơn trớn trên da thịt cô, rủ rỉ rù rì bên tai cô. Cô như thấy hạnh phúc nở hoa trên thân xác. Có thế chứ! Không lẽ cô cứ mãi đau cho kiếp người. Không lẽ cô không được tận hưởng niềm hạnh phúc ở trần gian? Không lẽ người có gương mặt xấu không được tận hưởng hạnh phúc?
Đàn kiến trong cơ thể cô không còn nữa. Chúng đã hoá thành những chàng trai tuyệt vời. Chúng không còn cắn xé da thịt cô. Tất cả các chàng trai đều hôn trên da thịt tuổi hai mươi của cô. Họ hôn khắp thân thể đầy hương thanh xuân của cô. Cô nghe rõ tiếng thì thầm của lời tỏ tình từ cõi mộng. Bên tai cô như những tiếng nhạc từ cõi xa vời đang rót giọng ca tình tứ, thấm vào máu thịt của cô. Ôi! Các chàng trai đông vô kể. Họ đang âu yếm cô. Cô không dám mở mắt. Cô đang tận hưởng những giây phút tuyệt vời của tuổi thanh xuân. Cô nhắm mắt mường tượng những vuốt ve, âu yếm từ cõi mộng mơ hồ. Cô như nghe từng hơi thở của các chàng trai sưởi ấm gương mặt cô, sưởi ấm tâm hồn của người con gái bị hoá kiếp, bị lưu đày chốn nhân gian. Các chàng trai đang nói về cô. Cô nghe rất rõ những lời của họ. Những lời ấy dù chỉ là mộng mị, nhưng cô cũng thấy an ủi phần nào. Biết bao người đã sống trong mộng ảo, trong khát vọng không đâu vào đâu. Còn cô, cô chỉ mong mình là cô gái như mình đã từng có một lần trong cuộc đời này, mong được sống thực theo quy luật của đất trời như hoa phải ngát hương, rồi kết quả, như chim trời cá nước có bạn, có đôi. Lời của các chàng trai như thôi miên cô:
- Nàng là cô gái tuyệt vời nhất trần gian này. Nàng là cô tiên bị hoá kiếp đấy!
- Nàng là con của vị vua đang làm bá chủ cả thế giới này đấy!- Một chàng trai tiếp lời.
- Không phải vậy! Nàng chính là nữ hoàng.
- Không đúng! Nàng là con người.
- Chúng ta phải làm gì bây giờ để nàng đẹp như tuổi hai mươi của nàng, đẹp như nàng từng đẹp?
Cô nghe rõ lời các chàng trai bàn tán. Ôi! Chàng trai nào sẽ giúp gương mặt Rớt đẹp trở lại như bấy lâu cô từng ước nguyện? Chàng ơi!- Rớt kêu lên- Hãy cứu em! Hãy cứu em! Hãy cho em đẹp trở lại như em đã từng đẹp. Chàng, chàng ơi! Chàng làm gì để gương mặt em đẹp đúng với tuổi của em, hỡi chàng? Em sẽ làm bất cứ điều gì chàng yêu cầu. Em nguyện làm theo lời chàng... Cô muốn thét to lên. Nhưng cô bất lực.
Trước mắt cô là cái gương soi. Gương mặt cô vẫn vậy. Vẫn như ngày nào. Ôi! Gương mặt của mụ già, mụ phù thuỷ nào vậy? Và cô lại khóc...
Mụ chủ nhà bước vô, nghe Rớt khóc, mụ quát:
- Con quỷ cái kia! Mày làm sao mà khóc vậy? Nhà này có phải là nhà ma đâu mà khi nào cũng thấy mày khóc lóc, kể lể?
Rớt nức nở không thốt thành lời:
- Dạ... dạ...
- Có nín đi không hở con kia! Tau bảo mày im đi! Im đi để tau nhờ... Còn đứng đó khóc hở? Sao mày không đi khuất mắt tau đi?- Mụ chủ vừa nói vừa đưa tay xua đuổi Rớt.
Cô vẫn khóc. Tiếng khóc của cô càng làm cho mụ chủ tức thêm. Trên tay cầm sẵn chiếc chổi lông gà, sẵn đà giận, mụ quất vào người Rớt. Gương mặt nhăn nhúm của Rớt bỗng biến đổi. Mắt cô ráo hoảnh. Cô nhìn mụ chủ nhà, cô nhìn chiếc chổi lông gà. Mụ chủ tưởng ma hiện hình. Mụ thét lên, mụ la làng lên. Trước mắt mụ là gương mặt của một mụ già. Cả hai mụ già nhìn nhau như hai con thú dữ. Cây chổi lông gà trên tay mụ bỗng giáng xuống đầu Rớt.
Sự nhẫn nhục tới mức nào đó sẽ trở thành hành động không thể lường hết được như mặt biển bấy lâu nay yên lặng và tới lúc biển gào thét trong cơn bão dữ, như những ngôi sao bình yên trên bầu trời và tới lúc ngôi sao bùng cháy khủng khiếp, như sự yên bình của hạt nhân và tới lúc nó biến thành một sự huỷ diệt ghê gớm nhất. Rớt, người đàn bà già trước tuổi, muốn sống một cuộc sống yên bình, muốn dấu gương mặt già nua của mình, nhưng không được. Người ta đã sỉ vả gương mặt cô. Người ta đã ghê tởm gương mặt cô. Sao bất công thế? Và gương mặt ấy, gương mặt của con quỷ cái nào đó đã bắt cô phải hành động như là con quỷ thật sự. Cô đã giật ngay chiếc chổi lông gà, cô quất lại mụ chủ.
- Kìa, mày dám đánh lại tau hở con kia? Được tau sẽ cho mày đánh!- Mụ chủ giật lại chiếc chổi trên tay Rớt.
Rồi cả hai người đàn bà không ai chịu ai, họ ôm nhau, đánh qua đánh lại và cuối cùng vật lộn nhau. Tấm thân của mụ chủ đè trên thân thể Rớt. Cô nằm im để mụ chủ nằm trên người và đánh tới tấp vào thân thể. Mụ chủ vừa đánh vừa thét:
- Đáng đời mày chưa? Đáng đời mày chưa?
Rớt không còn cảm giác đau trên thân thể nữa. Đã bao lần ê chề cho số phận, cho kiếp con gái, đã bao lần con người như muốn trốn chạy gương mặt cô, đã bao lần như vậy, nên cái đau thân xác có đáng là gì với nỗi đau của tâm hồn, Rớt cười ngất:
- Nè! Đánh thêm nữa đi!- Vừa nói Rớt vừa đưa tấm thân cho mụ chủ muốn làm gì thì làm. Mụ chủ như thấm mệt. Mụ buông cây chổi, ngồi thở. Mụ chủ đã hả cơn giận. Hai người đàn bà không còn gây gỗ đánh nhau nữa. Rớt ngồi cúi mặt. Một lúc sau cô nhìn mụ chủ, rồi lại nhìn mình. Rồi lại nhìn chiếc gương.
Trước mặt cô, chiếc gương soi của cái tủ đúng in rõ thân hình của hai mụ đàn bà... Trước gương, mặt cô như già hơn gương mặt mụ chủ.
- Có ai thương mày đâu hở Rớt? Có ai nuôi mày được một bữa đâu hở Rớt? Chỉ có tau nhân từ mới nuôi cơm mày. Sao mày trả ơn tau thế?- Mụ chủ nói như khóc.
Thấy gương mặt buồn của mụ chủ, Rớt bật khóc... Nước mắt của Rớt làm mụ chủ như thấy có lỗi. Mụ bắt đầy dỗ ngọt Rớt:
- Có đau không con? Ôi! Con gái của tôi! Có đau không? Đau chỗ nào?
Rớt càng khóc to hơn. Cô khóc như thể cô chưa bao giờ được khóc. Cô khóc như một đứa trẻ được mẹ vỗ về.
Có ai lo cho cô đâu? Có ai nghĩ tới cô đâu? Có ai thương cho thân phận hèn mọn của cô đâu? Tất cả nhìn cô như trốn chạy một kiếp người. May mà cô lọt tới gia đình này. Trước đây, mụ có đối xử với Rớt như vậy đâu. Giờ thì khác, mụ bắt cô phải làm, cho cô ăn như một con vật, nhưng cũng may, thế là cô kéo dài được cuộc sống não nề của con người mang gương mặt quỷ.
Đột nhiên, Rớt thấy trong gương, một con quỷ, một mụ phù thuỷ đang khóc. Đó chính là gương mặt của chính Rớt kia mà! Cô đưa tay lên lau nước mắt. Mụ phù thuỷ kia cũng làm như cô. Cô lại bưng mặt khóc. Mụ lại khóc theo cô. Cô cười. Mụ cười theo. Sao mụ già trong gương lại bắt chước cô như vậy? Cô mím môi lại nhìn mụ già trong gương. Cơn tức giận bốc ngùn ngụt trong đôi mắt cô. Và mụ già trong gương đã khóc.
- Xin cô đừng nhìn tôi như vậy! Hỡi cô gái thanh xuân!- Mụ già trong gương van xin cô.
Rớt tức giận quát:
- Tôi không chịu nổi gương mặt của mụ. Hãy cút xéo đi hỡi mụ già bẩn thỉu!
Mụ già trong gương chắp tay lạy cô:
- Xin cô! Xin cô đừng đuổi tôi! Cô đuổi tôi đi, tôi biết ở với ai? Xin cô!
Rớt nhìn mụ già trong gương, nói trong đau khổ:
- Sao mụ tế sống tôi như vậy? Tôi không cần sự khóc lóc van xin của mụ đâu. Hãy đi đi! Mụ đi thì may ra tôi được thanh thản.
- Không, tôi không đi đâu cả. Đây là nhà của tôi, cô biết không?- Mụ cười một cách khủng khiếp như con quỷ hiện hình trong ngày tận thế- Ôi! Lạ cho kiếp người!
Rớt như van xin mụ:
- Bà hãy làm trẻ bà, làm trẻ tôi lại đi! Bà hãy biến bà thành cô gái mười tám, đôi mươi đi! Bà trẻ lại thì tôi cũng được trẻ lại. Tôi van bà!
Mụ già như chọc tức Rớt:
- Tôi cũng van xin cô! Tôi biến tôi trẻ lại được ư?
Rớt nói trong cổ nhưng giọng cô như đanh lại:
- Chỉ khi bà trẻ lại thì tôi mới trẻ lại được. Tôi xin bà. Bà hãy biến trẻ lại đi!
Mụ già nói trong mơ hồ:
- Tôi không biết tôi từ đâu tới. Tôi không biết những ngày tới tôi sẽ làm gì. Tôi không thể tạo ra hình hài chính tôi thì làm sao tôi biến thành trẻ và giúp cô được.
- Ôi, thế thì tội nghiệp cho tôi quá!- Rớt thốt lên- Tội nghiệp cho tôi quá! Ai sẽ giúp tôi? Ai sẽ cứu vớt tôi ở cõi đời này?
Mụ già trong gương nhìn cô ái ngại:
- Không có ai giúp đâu cô gái ạ! Không có ai có thể cứu tôi, cứu cô đâu. Chỉ có chúng ta mới có thể cứu được chúng ta. Cô nghe rõ không?
Rớt ngạc nhiên, giọng mừng rỡ:
- Chúng ta sẽ cứu lẫn nhau? Mà cứu như thế nào đây?
Mụ chủ nãy giờ nghe Rớt lảm nhảm, bèn ghì tay Rớt lại:
- Ôi! Con gái, con làm gì thế? Con điên rồi sao? Con điên rồi sao?
Rớt nhìn mụ chủ trừng trừng:
- Tôi điên à? Tôi mà điên à? Ai cho tôi điên? Trời ơi! Thà tôi là kẻ điên, bà biết chứ? Thà tôi điên, biết đâu tôi sẽ không biết khổ, như thế lại sướng hơn.
Mụ chủ hoảng hốt:
- Con làm gì thế? Sao con cười như thế? Sao con lại khóc như thế?
Rớt gằn từng tiếng như trút cơn giận ở đâu đó vào mụ chủ:
- Bà cấm tôi cười à? Bà cấm tôi khóc à? Sao bà lại cấm tôi? Bà nhìn kìa! ... Kìa, mụ đàn bà trong gương ấy. Bả đang cười kìa. Bả khóc kìa. Có phải tôi đâu. Bà nói oan cho tôi rồi đấy. Sao bà cấm tôi cười khóc chứ? Ha... ha... lạ thật! Bà lấy quyền gì mà cấm đoán tôi?
Mụ chủ xuống nước:
- Có lấy quyền gì đâu.
Với đôi mắt đỏ, Rớt chỉ tay vào chiếc gương:
- Bà nhìn kìa!... Mụ già trong gương đang cười, bà thấy chứ? Mụ ta cười bà đấy. Mụ ta cười tôi đấy. Bà làm gì với mụ ta thì làm. Xin bà để tôi yên. Xin bà đừng hạch sách tôi! Tôi lạy bà...
Mụ chủ nhìn trong gương, thấy bóng của hai người, mụ trấn an Rớt:
- Con đừng làm thế? Có mụ già nào đâu? Chỉ có mẹ với con ở đây mà.
Rớt vẫn khăng khăng:
- Bà không thấy ư? Chính mụ ta kìa, mụ ta đang ở trong gương kìa! Bà không thấy sao?
Mụ chủ khẳng định:
- Không có ai cả. Sao con lại nói vậy?
Rớt hất mặt lên, nói thách thức:
- Bà không tin lời tôi sao? Mắt bà bị mù rồi chăng?
Mụ chủ trầm giọng như van nài:
- Đừng nói thế con ạ! Mẹ thấy rõ lắm. Mẹ thấy rõ từng vật trong căn nhà này. Mẹ thấy rõ cả con đang khóc.
- Bà không thấy mụ già trong gương đang nhìn trân trân vào chúng ta ư?... Ôi! Sao mắt mụ ta ghê vậy? Sao mắt mụ ta thăm thẳm như địa ngục thế? Ôi! Xin bà hãy cứu tôi! Xin bà hãy đuổi mụ già đang đứng trong gương ra khỏi nhà này đi! Tôi xin bà! Tôi lạy bà hãy đuổi mụ ta ra khỏi đây đi! Tôi sợ lắm... Tôi sợ đôi mắt của mụ ta quá!- Rớt nói trong hổn hển- Xin bà... xin... bà... đuổi, đuổi... mụ ta đi!...
Mụ chủ vỗ vào vai Rớt, nói:
- Không có ai quấy rầy con đâu.
Rớt hất tay mụ ra, rồi nói lớn hơn:
- Không ai quấy rầy tôi?... Bà nhìn kìa!... Mụ già trong gương đó. Mụ ta cười cợt trên thân xác tôi, trên linh hồn tôi kia kìa. Xin bà hãy tống cổ mụ ta đi!
Mụ chủ bắt đầu lo lắng:
- Con mê loạn rồi. Không có mụ già nào trong gương đâu.
Rớt vung tay, quờ quạng. Giọng cô đầy căm tức:
- Bà không tống cổ mụ ta ra khỏi chiếc gương phải không?
Mụ Ba ớ ớ không nói được lời nào.Thấy thế, Rớt bặm môi lại, đứng thẳng lên nói:
- Bà không tống cổ mụ ta đi thì để đó cho tôi. Tôi sẽ tống cổ mụ ta đi cho mà xem.
Mụ chủ nhà hoảng hốt:
- Con làm sao thế?
Rớt đỏ ngầu con mắt. Cô gầm gừ trong cổ họng đầy thách thức:
- Không tống cổ mụ ta ra khỏi nhà thì làm sao tôi yên được. Xin bà để tôi tống cổ mụ ta đi!
Vừa nói Rớt vừa chạy xuống bếp. Mụ chủ nhà lẩm bẩm: "Không biết con Rớt làm cái gì thế? Nó điên rồi chăng? Ôi, thật là tai hoạ cho tôi! Tự dưng của nợ đến nhà. Biết làm sao bây giờ?”. Mụ chủ đưa mắt nhìn nhà dưới xem Rớt làm gì. Nhưng mụ không thấy được gì. Chỉ nghe tiếng lục đục, xáo trộn các thứ ở nhà dưới. Mụ không biết nó làm gì dưới bếp. Mụ nói vọng xuống nhà dưới:
- Con đừng có phá đồ dưới bếp!
Nói vừa dứt lới, mụ thấy Rớt xồng xộc đi lên như ma đuổi. Tay cầm khúc cây, miệng không ngớt kêu: "Mụ sẽ biết tay tôi! Tôi sẽ tống khứ mụ ra khỏi căn nhà này để xem mụ còn quấy rầy tôi nữa không?”.
Mụ chủ lo lắng hỏi:
- Con làm gì thế? – Vừa nói mụ chủ vừa đỡ cái cây trên tay Rớt. Rớt hất tay mụ ra, giọng run run như sự giận dữ làm cô không tự chủ được mình:
- Bà xê ra để tôi trị mụ già chết tiệt kia mới được. Xê ra! Xê ra nhanh lên! Không thì tôi cho bà ăn gậy bây giờ.
Mụ chủ nhà khóc rống lên:
- Con điên rồi! Ôi, con điên rồi!
- Bà có yên đi không! Bà có để tôi yên, để tôi trị mụ già chết tiệt ở trong gương không nào. Xin bà đừng quấy rầy tôi khi tôi đuổi mụ ta đi. Nếu không thì bà liệu hồn đấy.
Mụ chủ lại khóc. Nước mắt mụ hoà trong tiếng gào thét đầy đau đớn của mụ:
- Ôi, con điên thật rồi! Ôi, con điên thật rồi!
Đưa tay lau nước mắt, mụ chạy lại giật cây gậy trên tay Rớt. Cả hai người chẳng ai chịu buông cây gậy cả. Cuối cùng, mụ chủ nhà ngã trên nền nhà. Rớt như tăng thêm sức mạnh, nói như chỗ không người:
- Được! Mụ sẽ biết tay tôi! Mụ có cút xéo ra khỏi chiếc gương kia không?
Cô cầm gậy, tìm mụ già quái gở trong gương của tủ đứng. Chính mụ già kia rồi! Mụ cũng đang thủ thế dò xét từng cử chỉ của Rớt.
Rớt chỉ thẳng vào mặt mụ ở trong gương:
- Mụ có cút khỏi đây không? Hay là mụ muốn chết?
Chiếc bóng trong gương đáp:
- Cút khỏi đây ư? Mày đuổi tau chẳng được đâu Rớt ạ! Mày còn hơi sức đâu mà đuổi tau.
Rớt tức giận:
- Mụ xem cây gậy đây nè! Tôi đập vỡ óc mụ bây giờ.
- Dễ lắm đấy à! Mày đập vỡ óc tau dễ lắm sao? Hỡi đứa con gái tội nghiệp! Tau thách mày đấy? Mày đập đi!
Như đàn kiến trào lên, Rớt quát trong cơn giận:
- Mụ đừng có thách như thế? Mụ liệu hồn đấy! Tôi hỏi lần chót. Mụ có cút ra khỏi chiếc gương, khỏi căn nhà này được không? Có cút đi không?
Như trêu tức thêm, mụ già trong gương chỉ cười, cười một cách man dại, ma quái. Không thể chịu được, cây gậy trên tay Rớt đập thẳng vào chiếc gương. Một tiếng vỡ. Giọng Rớt cười như người trừng trị được cái xấu cái ác trên cõi đời này:
- Mụ già chết thật rồi. Mụ phù thuỷ đanh đá chết thật rồi. Có thế chứ.
Cô vui mừng nhảy cỡn lên. Cô ôm chầm những mảnh gương vỡ, hét tướng:
- Mụ chết thật rồi!
Mụ chủ nhà sững sờ kinh ngạc. Mụ chỉ nghe tiếng la hét của Rớt. Chỉ có tiếng hét của Rớt:
- Ôi, mụ chết thật rồi sao? Tôi đã giết người thật rồi sao? Ôi, trời ơi! Sao tôi phải giết mụ?... Tôi đã van xin mụ, đã đuổi mụ đi, nhưng mụ có nghe lời tôi đâu. Mụ cứ bám riết tôi như con đĩa đói. Lạy trời, tôi có muốn giết mụ đâu. Tôi có muốn hại người đâu...
Rớt ngồi bệt xuống, trên những mảnh gương vỡ. Rồi cô khóc. Rồi cười. Cô là kẻ chiến thắng. Cô đã giết được mụ già tinh ác bấy lâu đã đeo đuổi cô, quấy phá cô. Lòng cô hí hửng của người chiến thắng. Loáng thoáng trong óc cô hình ảnh của con người thắng quỷ dữ, trừng trị quỷ dữ để có cuộc sống an bình. Loáng thoáng trong cô hình ảnh con người được cười vui khi không còn cái ác, cái xấu trên cõi đời này. Trước mắt cô cũng loáng thoáng những mảnh gương vỡ. Những mảnh gương vỡ sắc nhọn như kim cương trước mắt cô. Cô cầm chúng trên tay. Cô tìm hình bóng của cô trên những mảnh gương vụn vỡ. Không có gương mặt của cô. Cũng không có gương mặt của mụ già độc ác. Chỉ có một khoảng của mắt, một khoảng của môi của cô. Mà mắt môi chẳng ra hình thù gì cả. Cô bỗng khóc oà. Cô tưởng khi mụ già chết tiệt rồi thì hình bóng cô phải tròn trĩnh, tươi xinh... Ôi, sao cô không thể tìm hình bóng của cô như cô đã từng có? Những mảnh gương vỡ như trêu tức cô. Chúng nằm im nhìn cô khóc. Rồi chúng như cười toét ra khi cô khóc. Rớt thầm nghĩ: "Thật gớm cho lũ chúng mày, gớm cho lũ gương vụn vỡ! Bọn bay cười tao đấy à? Bọn bay không biết tao là kẻ chiến thắng sao?”. Rớt lại cầm cây gậy đập tiếp những miếng gương vỡ. Chúng nát thêm ra. Cô phải đập nát hình bóng quái ác. Phải trừng trị hình bóng ma quỷ đã ám ảnh cô. Cô cười to, đầy vẻ đắc thắng. Cô hốt từng nắm gương vỡ chà xát vào người cô, vào mặt cô. Máu chảy. Tay cô đỏ những máu. Nhìn hai tay đầy máu trộn với những vụn vỡ của gương, cô cười đầy khoái trá:
- Ha ha!... Mụ ta đã chết thật rồi! Tôi sẽ là con người! Tôi được trở lại làm người rồi!
Tiếng cười. Máu chảy. Tiếng cười của Rớt hoà trộn trên những mảnh thuỷ tinh vụn nát nhuộm máu.
Mụ chủ nhà không thể ngờ. Mụ không tin ở mắt mình. Mụ muốn chạy lại ngăn cản Rớt, nhưng nhìn gương mặt Rớt, mụ thấy sợ. Chỉ có máu trộn với tiếng cười trên những mảnh gương vụn vỡ. Mụ chủ la toáng lên:
- Bà con ơi!... Cứu cứu tôi ... với!
(hết chương 1)
Địa
chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ:
0935484482
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 19.03.2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG
CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu
thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương
2
Mụ chủ nhà ngồi thừ trên ghế. Mụ ngồi hồi lâu bất động. Rồi mụ thở ra. Hơi thở mụ phảng phất hương vị của trái khế non bị giập. Nước miếng mụ như ứa những vị chua thum thủm. Mặt mụ bị xị như cái bánh bao thiu. Mụ thẫn thờ khi cớ sự diễn ra mà mụ không lường trước được. Khi nghe mụ kêu cứu, hàng xóm đã chạy tới đầy nhà. Họ chạy tới vì hiếu kỳ, muốn xem mẹ con mụ gây gỗ đánh nhau. Cũng lạ, khi có gia đình ai đó lục đục, đánh chửi nhau thì tưởng chừng cả xóm được xem diễn tuồng, diễn tích. Người nói, kẻ cười ra chiều thích thú. Có lẽ họ thích thú vì gia đình họ chưa xảy ra cớ sự không hay. Có lẽ họ thích thú vì họ nghĩ rằng họ cũng chưa đến nỗi gây lộn với người thân. Cũng có lẽ họ cho rằng chỉ có họ là những kẻ chưa vấy bẩn cái hàm hồ, nóng giận, càm ràm... Mụ Ba nghe từng giọng cười của những kẻ đến xem. Lời xầm xì chỗ nọ, chỗ kia, rồi lan ra như dầu tràn, chỉ cần một chút lửa là có thể thiêu đốt tim mụ. Mụ nghe rõ lời ra, lời vào của hàng xóm. Nào là, mụ vô phước nên giờ mới mang nợ; có kẻ ác mồm ác miệng cho là mụ kiếp trước sống chẳng ra gì, nên giờ phải mang nghiệp chướng. Mụ có làm gì mắc lòng ai đâu mà họ nói những lời cay độc với mụ như thế. Mụ xót đau cho thân phận mình, thân phận của người cô thế, của kẻ đang gặp những cảnh ngộ không may. Miệng lưỡi thế gian mà! Có ai thương mụ đâu? Nếu có cũng chỉ là chót lưỡi đầu môi cho qua chuyện. Bây giờ họ đã về hết. Chỉ còn lại mụ cùng với Rớt đang nằm trên giường đằng kia. Rớt đã mê mệt. Hơi thở của cô lúc nhanh, lúc chậm. Mụ cảm thấy lo lo cho Rớt. Không biết nó có mệnh hệ gì không? Nhưng rồi mụ lại nghĩ từ ngày nó xấu thì nó chẳng ốm đau gì cả. Càng xấu như quỷ, nó càng khoẻ ra. Bệnh tật như tránh xa nó. Mụ lại yên tâm về Rớt. Rồi mụ nhìn chiếc tủ đứng. Rồi nhìn những mảnh gương vụn nát, mụ thầm tiếc: "Con mụ Rớt thật là đồ quỷ. Ăn hại thật! Không biết bao giờ mình đủ sức mua lại tấm gương đây? Của trăm ngàn chứ đâu phải ít”. Mụ tặc lưỡi tiếc. Mắt mụ nhìn Rớt nằm ở giường kia. Rồi mụ nhìn khắp căn phòng. Vẫn không gian này, mụ và Rớt từng ngồi chung bàn ăn cơm với nhau. Vẫn đằng kia là bộ bàn ghế mụ sắm để có chỗ tiếp khách. Và đằng kia nữa, chiếc ti vi như nằm im bất động, như thể không cất nổi tiếng nhạc, cất nổi lời ca. Chiếc ti vi ấy là cái giúp mụ cùng Rớt xem phim, để rồi cả hai bàn bạc. Hai người đã từng ao ước có cuộc sống an bình như những phim truyện được chiếu hằng đêm. Nhưng rồi, cuộc sống của họ như thể là trả cái nợ ở kiếp nào đó. Mụ thở dài.
Mụ ngây người nhìn những mảnh gương trên nền nhà. Mụ ao ước có ai đó giúp mụ hàn gắn những mảnh gương vụn vỡ như cám kia. Ước gì có bà tiên nào đó thương mụ, hoá phép làm cho tấm gương lành lặn thì hay biết mấy. Nhưng ao ước chỉ là ao ước, có ai giúp được mụ. Những mảnh gương vụn vỡ như thể trái tim mụ tan ra như cát. Mụ nhìn chúng mà ngẫm nghĩ về cuộc đời của mụ. Không lẽ đời mụ như mảnh gương vụn vỡ. Không lẽ rồi đây, đời mụ tan nát như là số phận bởi bàn tay của Rớt.
Những mảnh gương vỡ như trêu tức mụ. Không lẽ chúng nằm miết trên nền nhà sao? Cuối cùng, mụ cũng đi kiếm chổi quét chúng. Mụ vừa khóc vừa quét. Mụ than cho số phận của mụ không có số giữ của. Mụ chửi Rớt, mụ chửi mụ. Mụ chửi cả mụ đàn bà nào đó ở trong gương đã hành hạ Rớt để đến nỗi cô phải đập vỡ tấm gương. Có phải thật sự mụ già nào ở trong gương. Hay là nhà mụ có ma? Con ma nào đã ám ảnh Rớt mới được chứ? Ma có thể biến ra nhiều thứ trên đời, mụ đã nghe nhiều người kể như vậy. Không lẽ tấm gương mụ mua ở tiệm về lắp vào cái tủ đứng là con ma nào đó hoá hình. Ôi, thế thì khiếp quá! Con ma đã vụn vỡ trên nền nhà. Mụ phải quét nó ra khỏi nền nhà mới được.
Chiếc tủ đứng vỡ tấm gương, chỉ còn trơ bộ xương gỗ sần sùi. Nhờ tấm gương mà nó có vẻ đẹp thêm ra. Còn cô Rớt thì nằm trên giường kia thì lại khác. Cô nhờ tấm gương mà thấy rõ bộ mặt quỷ quái của mình.
Mụ chủ nhà ném cây chổi vào góc nhà, thở dài: "Thật là oan nghiệt cho tôi! Tiền mất vô cớ. Trời ơi là trời!”
Mụ nhìn Rớt nằm im như xác chết, mụ ớn lạnh. Dù biết Rớt ngày càng khoẻ ra, nhưng mụ vẫn thấy sợ lỡ có mệnh hệ nào thì khổ. Mụ sợ Rớt chết. Mụ rón rén lại cạnh giường Rớt.
Rớt mở trừng đôi mắt nhìn mụ. Trời ơi, mụ không thể tin được! Trước mắt mụ là chiếc đầu lâu của con quỷ cái. Đôi mắt ấy như nhìn thấu rõ mụ. Nhưng bỗng nó dịu hẳn những tia máu, chỉ còn sự van lơn, cầu khẩn. Từ trong cái miệng của chiếc đầu lâu ấy phát ra âm thanh từ cõi mơ hồ nào đấy.
- Nước!... Nước!...
Mụ chủ nhà nhìn chiếc đầu lâu, rủa:
- Im đi!
Chiếc đầu lâu như ngây ra, giọng khản đặc:
- Cho tôi tí nước, tôi chết mất!
Cực chẳng đã mụ chủ phải lấy nước. Bưng ly nước đưa Rớt, mụ nói:
- Đây, nước lạnh đây. Hết nước nóng rồi.
Cả thân hình Rớt động đậy. Cô trở mình. Cô cố chống khuỷu tay, nâng mình lên, đưa cái miệng với làn môi đen tái như miếng thịt trâu bị ươn, hớp những giọt nước. Mụ chủ giục:
- Uống nhanh lên đi! Không lẽ mày bắt tau hầu hạ mày sao?
Đưa đôi mắt mệt nhọc, Rớt phều phào:
- Xin bà thương tôi! Bà không thấy tôi sao?
Mụ chủ tức nói:
- Thấy rồi, thấy mày phá nhà tau. Mày còn phá gia sản này bao lâu nữa?
Rớt liếm môi cho đỡ khô miệng, van xin:
- Tôi xin bà. Hãy để tôi yên! Tôi mệt quá rồi.
Mụ chủ bực mình nói:
- Mày có để tau yên đâu. Hết đau rồi mày có cút đi đâu thì cút.
Rớt khóc to, nói:
- Xin bà thương tôi!
Rớt xoè đôi bàn tay của mình ra cho mụ chủ thấy, giọng xót xa:
- Máu, máu của mụ quỷ ở trong gương đó bà thấy không? Máu, máu của tôi đó, bà thấy không? Còn mặt của tôi sao mà đau nhức thể hở trời?... Tôi đã giết quỷ giúp bà, mà bà oán tôi sao?... Thôi! Xin bà thương tôi, bà đừng nói nữa!... Hãy để cho tôi yên!
Nói xong, Rớt nằm phịch lại giường, nằm thở.
Nhìn Rớt, mụ chủ chửi:
- Con quỷ!
Mụ đem cất chén nước. Để mặc Rớt nằm thở trên giường, mụ đi lên đi xuống. Nhưng rồi cái chân của mụ như có vấn đề. Mụ cảm thấy ê ê ở chân. Có lẽ là do mụ vật với con Rớt nên mới ra cớ sự như vậy. Mụ tìm chỗ ngồi để bóp cái chân đau. Bóp chân chán chê, mụ ngồi nhìn chiếc tủ đứng. Mắt mụ như dán chặt vào chiếc tủ. Mụ nhìn trân trân cái tủ, tiếc của. Ngồi một lúc, mụ cảm thấy mỏi lưng, bèn nằm xuống nghĩ. Khi ngồi, đầu óc mụ chỉ thấy toàn sự bực tức, đến lúc nằm xuống giường, mụ thấy sự bực tức biến thành sự suy nghĩ vẩn vơ. Rồi mụ nghĩ lung ta lung tung, chẳng biết đâu là đúng, là sai. Mệt quá! Cơn buồn ngủ đến với mụ...
Mụ tên thật là Nguyễn Thị Ba. Trước đây, mụ sống ở Quảng Nam, vì cuộc sống mụ ra Đà Nẵng làm ăn. Mụ làm nghề bán bánh bèo, vì thế bọn trẻ con, kể cả người lớn gọi mụ là "bà Ba bán bánh bèo”. Nhiều lần mụ gánh bánh bèo đi rao bán, bọn trẻ con bu quanh mụ, hát ghẹo. Mặc dù mụ không làm bánh bèo bằng bắp, thế nhưng mụ vẫn nghe tiếng hát chọc ghẹo: "Bà Ba bả bán bánh bèo bằng bột bắp, bị bộ binh bắt bả bỏ bị. Bả bỏ bán bánh bèo, bả bán bánh bò..., bả bò, bả bò...”
Mới đầu nghe bọn trẻ ghẹo, mụ tức không thể chịu được. Mụ tức những kẻ đã sinh ra bọn trẻ. Không biết người ta ăn gì mà sinh ra trẻ con nghịch ngợm? Mụ chưa hiểu được hết cái tính của lũ trẻ, nên nhiều khi đặt gánh xuống, cầm chiếc đòn gánh, quần xắn quá gối, mụ hét, mụ chửi, mụ rủa: "Bọn quỷ sứ! Chết xuống âm phủ, bọn bây bị Diêm Vương cắt lưỡi hết, không chừa đứa nào đâu”. Bọn trẻ con thấy mụ chửi thì ra chiều thích thú. Chúng cũng lên tay xuống ngón, cười hét phụ hoạ giọng điệu cùng mụ: "Chết xuống âm phủ bị Diêm Vương cắt lưỡi hết. Diêm Vương cắt lưỡi hết”.
Rồi dần dần, lời hát ghẹo ấy quen với mụ. Mụ thích thứ âm thanh trẻ con ấy. Mụ tin nhờ thứ âm thanh ấy mà mụ bán được bánh bèo. Mỗi lần nghe bọn trẻ hát là mụ bán mau hết. Mụ tin thứ âm thanh của bọn trẻ luôn mang lại niềm may cho mụ như người ta tin trong ngày Tết, trẻ con ị ra từng đống ở nhà một ai đó là đem cái hên đến cho họ. Và quả thật mỗi khi lời hát ghẹo của bọn trẻ cất lên, chắc chắn mụ bán bánh bèo được nhiều. Chả là bọn trẻ con thích bánh bèo của mụ. Mà sức ăn hàng của con trẻ thì phải biết! Nhìn bọn trẻ con vừa ăn vừa hát ghẹo toàn là âm "bờ”, mụ thấy thích. Nhiều khi bọn chúng chỉ ăn mà không hát, mụ lại năn nỉ chúng hát. Bọn trẻ con cũng tinh ma không kém, chúng bắt mụ phải thêm bánh bèo, trả công hát cho chúng. Mụ cười mắng: "Tổ cha bay! Bọn bay quỷ thật! Đây này, ăn rồi hát đi!”. Và tiếng hát của bọn trẻ gắn liền với nghề nghiệp của mụ.
Mụ tự hào về nghề bán bánh bèo. Mụ cho rằng chỉ có mụ mới đem lại tiếng hát cho bọn trẻ, chỉ có mụ mới làm cho bọn trẻ ăn ngon miệng. Mà quả thật như vậy. Vắng bóng mụ- những lúc mụ ốm đấy mà- bọn trẻ không còn hát ghẹo ai nữa. Bọn chúng buồn xo. Không có "bà Ba bánh bèo” thì bọn chúng không no bụng. Và khi mụ xuất hiện với đôi gánh trên vai, tiếng cười của bọn trẻ lại vang lên. Bọn trẻ lại tủa ra bu quanh mụ, vừa ăn, vừa hát. Vẫn vang lên tiếng hát đồng dao của lũ trẻ về bà Ba bả bán bánh bèo bằng bột bắp, bị bộ binh bắt bả bỏ bị. Bả bỏ bán bánh bèo, bả bán bánh bò, bả bò, bả bò...
Mụ nhớ lại tuổi thơ của mụ. Đâu được như bọn trẻ bây giờ. Khi còn chiến tranh, tuổi thơ của mụ gắn liền với tiếng súng, với đạn bom. Chỉ có những lần chạy trốn, chỉ có cái đói, chỉ có cái ốm o gầy guộc như con chim sẻ mới nở bị mưa, bị chết mẹ. May mà mụ còn trên cõi đời này. Mụ không nhớ hết những cực nhọc, khổ sở, có lẽ mụ không hình dung được hình thù của cuộc sống thời thơ ấu. Tất cả chỉ loáng thoáng trong đầu mụ, loáng thoáng như đám mây buổi trưa hè, loáng thoáng như cái bóng mỏng manh của tàu lá chuối vào đêm trăng, loáng thoáng như một bóng chim đêm. Rồi mụ cũng lớn lên như bao người khác như là quy luật của cuộc đời. Quá khứ tuổi thơ, kể cả thời con gái của mụ cũng trở nên mờ nhạt. Mụ cũng muốn quên quá khứ. Nhưng, làm sao mụ quên được khi mụ trở thành đàn bà. Cái giây phút thần tiên ấy ngọt lịm trong lòng mụ. Và rồi nó đi với cuộc đời mụ. Mụ không thể quên, dù mụ muốn quên...
Nói, mụ chưa chồng cũng được, có chồng cũng được. Mà có những hai đời kia. Mụ chửa hoang với hai người đàn ông. Có con. Đứa đầu là con gái, chết. Mụ lại thèm có con nên lấy đại. Lần sau là con trai, lại cũng chết. Mụ nghĩ số kiếp mụ không thể nuôi con được, nên từ đó, mụ quyết ở vậy. Mụ không thèm nói chuyện tình với đàn ông, dù hằng đêm, nhất là khi trời lạnh, cơ thể mụ thèm đàn ông ôm cái lưng, để mụ ủ đôi chân vào chân họ, để mụ yên ngủ, rồi cùng họ rủ rỉ tâm tình và nhất là cùng họ ôm ấp chuyện gối chuyện chăn.
Một bữa nọ, khi bán xong bánh bèo, mụ ghé chợ mua ít thuốc lá, và mua ít hương đèn, hoa quả để cúng. Đã đến rằm tháng mười. Rằm tháng mười, mười người mười quảy mà! Dẫu túng thiếu, mụ vẫn sắm đầy đủ lễ vật. Cầu mong Trời Phật phù hộ cho mụ sống an bình.
Trên đường về nhà, lòng mụ vui sướng. Mụ nghĩ ông bà, Trời Phật còn thương mụ, cho mụ khoẻ mạnh để làm ăn. Mụ biết có nhiều người có tiền, có của đó, nhưng ốm đau thường xuyên thì cũng chẳng sướng gì. Đi bán bánh, mụ cũng thấy nhiều người bạc tỷ mà con cái chẳng ra gì, cũng khổ! Có kẻ nhà đất khang trang, nhưng con cái đòi bán để chia, lại làm khổ mẹ cha. Lại có người bình thường, lại sướng. Mụ chỉ cười khi nghĩ về người này, người nọ. Rồi mụ nghĩ đến người sống, sao có người sướng, người khổ. Rồi mụ lại nghĩ đến người chết, cũng có người khổ, người sướng. Mẹ của mụ giờ đã mất rồi. Nhưng lâu lâu mụ vẫn nhớ về mẹ. Bà cũng chẳng sướng gì khi còn sống. Mụ cảm thấy thương thương mẹ. Nước mắt mụ giờ đâu còn để mà khóc mẹ. Nhưng lòng mụ vẫn có chút xốn xang. Mụ nhớ nhiều lần mẹ mụ đã an ủi mụ khi mụ đòi cái áo mới: Con à! Mình nghèo thì làm gì có tiền may áo mới. Con buồn, mẹ vui được sao? Nhưng ở đời hơn nhau tấm áo manh quần, cỡi ra bóc trần ai cũng như ai, con à! Với lại có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời đâu con. Mụ cũng ầm ừ khi mẹ nói vậy.
Vừa đi vừa nghĩ mông lung giữa hiện tại, quá khứ, may mà mụ chưa đụng ai dọc đường. Mụ đến nhà khi nào chẳng hay.
Đẩy cửa bước vô nhà, mụ đã nghe tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc lạc cả giọng. Con nít ở đâu mà có trong nhà mụ? Tiếng khóc dội vào tai mụ. Mụ đến với tiếng khóc đó. Trời, một con bé. Một con bé đẹp làm sao! Da trắng, môi đỏ, mắt đen, đẹp làm sao! Ôi, con nhà ai vậy cà?
Mụ dò la khắp cả làng, cả xóm, nhưng chẳng có ai là cha mẹ của đứa bé cả. Có lẽ nó là con của ai đó không có sức nuôi, nên mới đem bỏ vào nhà mụ. Mụ hiểu được một phần, khi thèm đàn ông thì đàn bà quên cả trời trăng mây gió. Rồi bụng mang dạ chửa là chuyện thường tình. Rồi có con ngoài dự tính, nên đem con bỏ đại cho ai đó nuôi! Mụ đã trải qua những cơn thèm đàn ông, mụ hiểu mà. Cũng có thể nó là đứa mà mẹ đẻ nó chẳng mong nó ra đời trong một phút giây nông nổi của tuổi trẻ. Và biết bao nhiêu chuyện về sự ra đời của nó mà mụ tưởng tượng ra... Mụ đi khắp làng trên, xóm dưới tìm người nuôi nó. Nhưng chẳng có ai nhận nuôi cả. Thế rồi, mụ phải nuôi nó như là duyên nợ. Nó trở thành con của mụ. Mụ tự an ủi là Trời Phật thương mụ, cho mụ đứa bé này. Số phận mụ phải nuôi thì cứ nuôi chứ trách ai được. Mụ thắp hương cầu khấn ơn trên phù hộ cho mụ, cho con bé.
Kể từ đó, mụ tất bật hơn. Bán bánh bèo. Chăm sóc đứa bé. Cũng lạ, đứa bé như biết số phận, nó chẳng quấy rầy mụ là bao. Càng chăm đứa bé mụ càng thêm yêu nó. Thật là kỳ diệu cho tình cảm của con người. Gần nhau, chăm sóc cho nhau thì tình cảm bén với nhau. Nhiều khi mụ nghĩ, mụ một thân một mình lo chưa xong, giờ thì lo thêm cho con bé, nên sợ nó khổ. Mụ muốn tìm cho con bé một chỗ nào đó nương thân, nhưng mụ thấy thương con bé, chẳng muốn xa nó. Âu, cũng là số phận cả thôi. Từ đó, mụ thương nó như con, và quyết định coi nó là con. Mà đã là con rồi thì mụ phải lo cho nó nhiều thứ. Đâu chỉ lo cho nó ăn. Còn phải sắm sửa áo quần cho nó. Rồi chuyện học hành, chuyện nghề nghiệp. Chuyện chồng, chuyện con của nó ở tương lai nữa. Nghĩ vậy, mụ bắt đầu vun vén, làm nhiều bánh bèo để bán. Phải tạo vốn cho nó khi nó lớn lên chứ. Nó là con của mụ kia mà.
Đứa bé càng lớn càng xinh đẹp. Ai cũng khen mụ có phước, có đức, có đứa con gái xinh đẹp mà lại hiền nữa chứ. Con gái xinh đẹp lại hiền nữa, ai mà không thích. Ai cũng trầm trồ trước sắc đẹp của nó. Nhưng! Ở đời cũng tại chữ nhưng...
Năm nó mười lăm, mười sáu tuổi gì đó, đột nhiên, trong một cơn giông gió, sét đánh đầy trời, rồi gương mặt nó!... Ôi, thật thế sao? Mụ đâu quên được cái lần làm đảo lộn cả cuộc sống của mụ...
- Mụ là ai?- Mụ Ba đã hỏi người đàn bà trong nhà mụ, khi mụ đặt gánh bánh bèo xuống nền nhà.
- Mẹ!...- Người đàn bà đã khóc- Mẹ! Mẹ! Con là Rớt đây. Con Rớt của mẹ đây!
Mụ Ba lo lắng hỏi:
- Mày là ai mà dám nói là con Rớt? Con Rớt của tau xinh đẹp kia mà.
Người đàn bà kia khóc òa:
- Mẹ, con là Rớt đây! Là Rớt của mẹ đây. Mẹ không tin sao? Con là Rớt của mẹ đây! Con là Rớt thiệt mà!
Mụ Ba nắm cổ áo người đàn bà, quát:
- Không thể như thế được! Con Rớt của tau đâu? Mày đã giết nó, quẵng xác nó ở đâu?
Người kia ôm mặt khóc:
- Mẹ không tin con sao? Con là Rớt thiệt mà.
Mụ bâng khuâng, nói:
- Con Rớt của tau mắt phụng mày ngài, môi đỏ như son, da trắng như ngà, tóc đen mượt. Đẹp như tiên. Còn mày... Mày mà là con Rớt à?
Người kia vẫn khẳng định:
- Chính con là con Rớt của mẹ đây!
Rồi nó kể, nó kể... Đúng là con Rớt của mụ. Mụ ôm nó, nói:
- Ôi! Con của tôi đây sao?
Mụ khóc. Mụ khóc...
Mụ chợt tỉnh giấc. Nước mắt ướt cả gương mặt mụ. Mụ đã khóc thật sự.
Giờ, mụ nghe rõ tiếng thở khó nhọc của Rớt ở giường bên. Trong đêm tối mụ thấy sợ. Mụ vội ngồi dậy bật đèn. Ánh đèn làm căn phòng sáng lên, nhưng hình như mụ cảm thấy không đủ sáng như thường ngày. Căn phòng như chập chờn. Chiếc tủ như trêu tức mụ. Một mảnh gương còn đọng sót lại, dính trên chiếc tủ. Mụ lại gần nhìn mảnh gương ra chiều tiếc rẻ. Hình mụ loáng thoáng trong gương. Cũng còn một mảnh gương để soi. Thế cũng tạm.
Tiếng thở của Rớt nặng nhọc. Nó là con gái nuôi của mụ, ai cũng biết vậy. Từ khi gương mặt nó biến dạng, thì tình cảm của mụ với nó cũng dần dần nhạt phai như thể rằng chẳng có gì mặn nồng mãi với thời gian.
Ước mơ của mụ tan theo mây khói từ cơn giông gió sét đánh đầy trời năm nào. Mụ đã từng mong con Rớt mau lớn. Với sắc đẹp của nó, mụ sẽ gả chồng cho nó vào chỗ giàu có, rồi mụ được làm sui làm gia với chỗ giàu có. Ôi, mơ ước! Với sắc đẹp ấy, chắc chắn con mụ sẽ ở trong một tòa nhà đẹp đẽ, sang trọng. Và mụ sẽ được trở thành mẹ của đứa con gái đẹp giàu. Nhiều lần, mụ tưởng tượng, khi tuổi già sức yếu, con gái mụ sẽ chăm sóc mụ, lo lắng cái ăn, cái ngủ cho mụ. Mỗi khi đi đâu về, Rớt đều mua sắm quà cho mụ và hai đứa con của nó. Nghe giọng Rớt nói với con nó mà mụ mát cả ruột gan: "Hai đứa bay biết không? Nhờ ngoại mà mẹ được sống đến giờ. Không có ngoại thì không có hai đứa bay đâu!”. Cháu ngoại mụ ôm cổ, bá vai, đòi mụ kể chuyện ngày xưa, đòi mụ hôn má chúng. Mụ sướng cả người. Hai đứa cháu mở to mắt, dỏng tai, bu quanh, nghe mụ kể cái thuở mụ đi bán bánh bèo, nhưng nhờ có âm đức, mụ gặp mẹ chúng, mụ trở thành người giàu sang. Mụ kể, kể cho cháu ngoại biết mẹ của chúng là nàng tiên, là công chúa, là nữ hoàng. Bọn trẻ thích chí vỗ tay, rồi ôm hôn mụ. Chưa bao giờ mụ thấy hạnh phúc như thế. Chắc gì ai hạnh phúc hơn mụ? Nghĩ thế mụ lấy làm mãn nguyện về mình như thể nhiều người đã từng mãn nguyện về con về cháu lúc về già.
Thế nhưng, con Rớt của mụ trước cơn giông gió sét đánh đầy trời đâu còn nữa! Trên giường, tiếng thở mệt nhọc là của Rớt, của con quỷ cái. Mụ lại khóc. Mụ khóc cho thân phận mụ và khóc cho cả thân phận Rớt. Hạnh phúc của những giấc mơ ngày nào đâu còn? Mụ mơ ước, cầu mong gì được nữa đây? Chút ước mơ tầm thường giờ cũng chưa chắc đến với mụ! Đâu rồi con Rớt của mụ ngày xưa? Đâu rồi mơ ước của mụ ngày qua?
Mụ lại giường nằm. Mụ không dám tắt đèn. Đêm nay, sao mụ thấy sờ sợ...
Bóng đêm hôm nay, với mụ, sao giống cái đêm hai đứa con đã bỏ mụ. Một cơn lạnh kéo dài từ đầu chạy xuống sống lưng, rồi từ sống lưng chạy lên đầu. Cơn lạnh chạy khắp thân thể mụ. Mụ đâu quên được cái bóng đêm của hai lần trước. Mụ ngồi bên xác con. Khóc! Cười! Và cái bóng đêm quái gở đó thổi mùi tử khí vào da thịt mụ, vào hơi thở mụ. Mụ thấy rõ trước mắt mình bóng đêm đến cướp mất hạnh phúc làm mẹ của mụ. Mụ kêu to:
- Hãy trả con lại cho tôi! Hãy trả con lại cho tôi!- Mụ đã hét trước bóng đêm. Bóng đêm cười:
- Ha... ha... Trả con cho mày ư? Chúng thuộc về ta rồi. Chúng là của ta rồi. Ta không trả cho ngươi đâu.
Mụ đấm vào bóng đêm:
- Con tôi là của tôi. Sao ông lại bắt chúng đi?
Bóng đêm cười:
- Đó là nhiệm vụ của ta.
Mụ nói nói trong tiếng khóc đầy tức tối:
- Nhiệm vụ! Ai giao nhiệm vụ đó cho ông? Hãy trả con lại cho tôi!
Bóng đêm cười to hơn như khẳng định vai trò giết người của mình:
- Ai giao à? Trời trao nhiệm vụ đó cho ta. Ta chẳng trả chúng lại cho ngươi đâu.
Mụ khóc tức tưởi:
- Sao ông cướp quyền làm mẹ của tôi? Hãy trả con tôi lại cho tôi! Tôi muốn được làm mẹ!
Bóng đêm dứt khoát:
- Ta không trả gì cả. Đó là nhiệm vụ ta. Ngươi liệu hồn đấy!
Nghe thấy thế, mụ tức, mụ gầm lên thách thức:
- Tôi sợ ông à? Hãy giết tôi liền đi! Hãy giết tôi để tôi được sống bên con tôi. Tôi không sợ chết đâu.
- Rồi sẽ tới phiên ngươi thôi. Đừng thách đố ta như thế!
Mụ hét:
- Giết tôi đi! Giết tôi đi! Tôi muốn được ở bên con tôi!
Bóng đêm cười khẩy:
- Đâu dễ thế. Ngươi phải sống! Nghe rõ chưa? Sống để thấm thía cảnh đời. Ngươi phải sống!
Mụ hét lớn:
- Không tôi muốn chết. Tiếng la ú ớ trong miệng mụ phát ra. Rồi màn đêm im bặt trong tiềm thức mụ. Mụ bắt đầu ngáy...
(hết chương 2)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 20.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 3
Kiến lại bò rần rật trong người Rớt. Chúng bò, nhưng hình như chúng hết thèm cắn da thịt Rớt. Máu trên người Rớt đã làm cho chúng chóng mặt. Chúng bò từ đầu đến chân. Từng con, từng con nối đuôi nhau như thể chúng bò quanh một vũ trụ đầy vẻ huyền bí. Không phải là tổ, không phải là miếng mồi của lũ kiến, Rớt cố nằm im trong cơn đau nhức. Bên tai cô có tiếng thì thầm của lũ kiến. Chúng bàn tán về cô.
- Đúng là nàng bị hoá kiếp đấy!
- Thế chúng ta phải làm gì để cứu nàng?
- Phải làm cho nàng đẹp như xưa.
- Đúng đấy! Nàng là tiên. Nàng phải đẹp. Nàng phải đẹp để cho thế gian này không thể hất hủi nàng. Chúng ta phải giúp nàng trở lại cõi tiên. Các bạn đồng ý không?
- Đồng ý! Chúng ta giúp nàng đi!
Rớt cảm thấy chơi vơi. Đàn kiến trong thân thể cô kéo cô, lôi cô từ chỗ này đến chỗ khác. Chúng đưa cô đi, chúng đưa cô trở về nơi cô đã ở trước đây. Trước mắt cô tầng tầng lớp lớp nhà cửa, núi đồi, sông hồ... Vũ trụ hiện ra trước mắt cô. Cảnh mỗi nơi một vẻ. Rất lạ đối với cô. Cô muốn tìm một mảnh gương để soi mặt mình. Cô muốn xem mụ già tinh quái có còn ở trên thân thể của cô không. Không có mảnh gương. Cô thềm có một mảnh gương để cô nhìn rõ bộ mặt thật của cô.
- Hãy dừng lại một tí! Hãy cho tôi một thứ gì để tôi tìm chính gương mặt của tôi!- Rớt xin đàn kiến- Có thể cho tôi tìm một giòng sông được không?
- Không thể dừng lại được đâu cô ạ! Phải đi nhanh mới kịp được. Cô cứ im đi để chúng tôi đưa cô về cõi trời. Ở đó cô đẹp mãi mãi. Đẹp, cô biết không?
Rớt cũng từng nghe có người nói có cõi trời. Nhưng giờ nghe lũ kiến nói thế, cô lấy làm ngạc nhiên:
- Cõi trời ? Cõi thiên đàng ở đâu?
Lũ kiến đồng loạt cất lên giọng điệu mời gọi. Chắc ai nghe cũng muốn đến cõi thiên đàng, chứ không riêng gì Rớt. Bên tai cô vang lên tiếng của lũ kiến ngọt ngào:
- Cõi mà con người mơ ước sẽ được đến đó. Cô không biết sao? Ở đó toàn tiên ở cả. Cô không thích đến đó sao?
Nghĩ lại mình, Rớt hỏi:
- Tôi có phải là tiên đâu?
Bọn kiến khẳng định:
- Cô chính là tiên bị hoá kiếp đấy. Cô hãy cầu xin được trở lại thành tiên để về lại cõi thiên đàng. Nhanh lên đi! Hãy cầu nguyện nhanh lên đi!
Rớt hỏi:
- Tôi cầu nguyện như thế nào đây?
Lũ kiến bày vẻ cho cô cánh thức cầu nguyện. Nào là khi cầu nguyện phải thành tâm, phải xin những điều có ích cho mình, nhưng không làm tổn hại lợi ích của kẻ khác. Lời cầu nguyện phải là lời tốt đẹp. Nói chung, cầu nguyện phải bằng lòng thành, bằng sự mong ước tốt lành... Và bọn kiến hối Rớt:
- Cô cứ cầu xin những điều cô ao ước. Hãy cầu xin đi!
Nghe lũ kiến hối thúc, Rớt quỳ xuống một tảng đá. Cô chắp tay cầu nguyện. Chỉ im lặng. Im lặng của thinh không. Im lặng của vũ trụ. Chỉ có hơi thở của Rớt lan toả cả thế giới... Cô đếm hơi thở của mình, đếm chầm chậm, một... hai... ba..., rồi đến bao nhiêu nữa, cô cũng không nhớ hết. Nhiều lúc cô đếm lộn, rồi đếm lại từ đầu. Cứ thế, cô đếm như tính đếm vô cùng của người ngồi thiền, của nhà toán học. Cô thầm thì trong miệng lời cầu nguyện. Cô nhắm mắt mường tượng cõi trời. Chỉ có trong cô nỗi khao khát muốn biết có nơi nào đó là cõi trời. Cô cầu nguyện bằng tất cả trái tim, hơi thở, và cả linh hồn. Không biết lời cầu nguyện của Rớt có được các Phật, Trời, Thiên Thần chứng giám hay không mà cả vũ trụ đứng im. Không gió. Không nóng. Không lạnh. Không không. Trong khoảng không không ấy, một tiếng nổ kinh hồn vang lên. Rớt cảm thấy mình chơi vơi, lộn vòng tới cõi xa xăm nào đó. Trước mắt cô là cảnh tượng ngời ngời sắc vàng đỏ, chói lọi làm cô phải nhíu mắt. Một lát sau, cô mới trấn tĩnh, nhìn kỹ những gì xảy ra trước mắt. Cô không thấy gì cả ngoài người và người. Người ở đâu đông vô kể. Hằng hà sa số người là người. Họ đứng đầy núi, đầy sông, đầy vũ trụ. Họ đang hát bài ca về cõi thiên đàng:
Hiển vinh thay cõi thiên đàng
Mừng vui vũ trụ, bình an cõi người.
Họ ngợi ca, họ hát, hát về những bài đồng dao dành cho những người già. Tiếng mõ, tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ hòa trong tiếng dương cầm, cùng ca lên những lời nhạc thánh.
Rớt choáng ngợp lời ca thánh. Cô nghe rất rõ. Cô thuộc lòng tất cả các lời ca thánh. Miệng cô cũng cất lên hòa với loài người hát lời ca thánh. Tiếng mõ, tiếng dương cầm hoà nhịp với lời cô hát. Giọng hát của cô bay xa, làm cảnh vật trước mắt phát ánh sáng diệu kỳ, thứ ánh sáng giống như ánh sáng của cơn giông sấm sét năm nào. Thế nhưng bây giờ, ánh sáng đó dịu hơn, sáng đều khắp... Rớt choáng ngợp trong ánh sáng diệu kỳ đó. Nó giống như giòng sông đang tắm rửa, kỳ cọ thân thể cô. Cô rùng mình. Như có luồng điện chạy khắp cơ thể, cả người cô như có sự lột xác. Cơn đau hoá thân từ quỷ để được trở về với vẻ đẹp thuở nào, đâu phải dễ dàng! Cô rán chịu đựng. Có cô gái nào không muốn chịu sự đau đớn để được đẹp? Như là sự chịu đựng vết xăm ở mắt, ở môi, như là sự chịu đựng bôi biết bao thứ hoá chất nặng mùi để có mái tóc đúng mốt, như sự chịu đựng phẩu thuật để có gương mặt được thẩm mỹ, Rớt đang chịu đựng nỗi đớn đau để được gương mặt tiên.
Da thịt cô lại trắng ngần, tóc cô lại xanh mượt, và gương mặt cô, gương mặt của quỷ đã bay mất để nhường chỗ cho một gương mặt thiên thần. Cô lại trẻ đẹp như tiên.
Đàn kiến vỗ tay reo mừng khi Rớt có gương mặt tiên. Chúng hát những lời ca ca ngợi Rớt. Và vũ trụ hoà theo lời của lũ kiến ngợi ca sắc đẹp của cô tiên Rớt. Vũ trụ ngợi ca sắc đẹp của những cô tiên. Vang trên các tầng trời là điệu nhạc ngân nga, là lời chúc tụng mừng có thêm một cô gái ở trần thế được lột xác biến thành tiên. Quả là kỳ diệu khi con người có thể thành tiên! Ai nói con người không thể thành tiên là không có cơ sở. Con người cũng có thể thành tiên nếu có cơ duyên lột xác. Và Rớt đã thành tiên. Bên tai cô chỉ có lời chúc, lời hát mừng ngợi ca Rớt. Các nhà thơ, nhà văn nghe tiếng vọng của lời ca từ trời, bèn bắt chước ca ngợi theo. Những áng văn chương của Victo Huygô, của Lép Tônxtôi, của Nguyễn Du, của Lý Bạch... bắt đầu có được nhờ từ những nàng tiên. Rớt nghe rõ từng lời ca ngợi ấy. Cô hồi hộp, mừng run. Cô đưa đôi bàn tay bưng lấy mặt. Cô rờ khắp cả gương mặt. Thật thế sao? Cô đẹp như tiên rồi sao? Giọt nước mắt của cô rơi xuống lung linh, lung linh những vần thơ, những áng văn, những điệu nhạc mà loài người đã ngợi ca về cái đẹp, về thế giới đẹp. Thật thế sao? Cô không thể ngờ thứ ánh sáng giống như ánh sáng của cơn giông sấm sét năm nào đã trả lại cho cô gương mặt tuyệt vời nguyên vẹn. Cô mừng đến nỗi không thốt được thành lời. Thấy Rớt còn sững sờ trước sắc đẹp của chính cô, các cô tiên khác đã tìm cách đánh thức cô trở về với thực tại. Rớt ấp úng trước các cô tiên: "Ôi, tôi không ngờ mình được như thế này!”. Cô vẫn chưa hết xúc cảm như thể cô gái bất ngờ được đăng quang hoa hậu. Như các người đẹp mừng hoa hậu đăng quang đội vương miện trên sân khấu, các cô tiên, vô số các cô tiên xúm quanh Rớt, mừng cho cô được trở lại cõi tiên. Các cô ôm Rớt, cười tươi bên Rớt. Cõi tiên có thêm nàng tiên Rớt.
Được trở thành tiên, Rớt phải hoà nhập với cuộc sống mới. Cõi tiên chỉ có những điệu múa nghê thường, những tiếng hát êm dịu, du dương, những tiếng nhạc thiều bay bổng. Rớt cùng các cô tiên sống cuộc đời tiên nữ. Như trong các truyện cổ, các tiên nữ suốt ngày cười hát múa ca... Họ không làm gì cả. Chỉ có ca múa hát cười, cười hát múa ca...
Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm, Rớt chỉ có nhiệm vụ hát ca cười múa. Cô nhìn ai cũng thấy họ giống nhau, đẹp đẽ như nhau. Họ không bận tâm việc gì cả, ngoài việc làm sao múa cho đẹp, hát cho hay, cười sao như hoa nở, ca sao cho ngọt ngào. Cũng từng ấy điệu múa, cũng từng ấy điệu ca, cũng từng ấy tiếng cười, cũng từng ấy giọng hát. Không có việc gì mới cả, ngoài việc có thêm nàng tiên tên Rớt.
Họ hầu như không biết đàn ông là thứ gì ở vũ trụ này. Chỉ có những ngày hội, tiên nam, tiên nữ mới có dịp gặp nhau. Cũng chỉ có múa ca cười hát... hát cười ca múa... Chỉ ngần ấy thứ ở xứ tiên.
Nhiều cô tiên hỏi Rớt ở dưới cõi trần có những gì. Vốn thật thà, cô kể hết. Nào phải lo ăn, lo uống, phải tự nấu cơm lấy mà ăn, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng ăn, mà có khi miếng ăn kèm theo nỗi nhục. Nào phải xây nhà để ở. Nào phải sinh, phải tử, phải yêu... Vô số điều phải có ở dưới cõi trần để kể cho các tiên nghe. Chuyện nào các cô tiên cũng thấy lạ. Đặc biệt khi Rớt kể mục yêu đương, họ há miệng, tròn mắt, dỏng tai nghe. Họ không chịu nỗi. Họ bắt Rớt phải kể mãi chuyện ấy. Và từ đó, mỗi khi xong nhiệm vụ hát múa cười ca, các cô xúm quanh Rớt để nghe cô kể.
- Tiên Rớt nè! Chuyện Rớt kể thật đấy chứ?- Cũng những câu hỏi hỏi đi hỏi lại. Và lần nào Rớt cũng nghiêm mặt trả lời :
- Thật! Tôi có khi nào nói dối đâu.
Một cô tiên lấy hết can đảm, hỏi Rớt:
- Thế tiên Rớt có yêu ai chưa?
- Yêu? Tôi cũng chẳng biết nữa!- Rớt thật thà nói như nói với lòng mình.
- Sao tiên Rớt chẳng biết?
Rớt chần chừ một lúc, rồi kể với giọng nuối tiếc:
- Vì trước đây, khi tôi đẹp như thế này, như chúng ta đẹp như thế này, bọn đàn ông thấy tôi đều giương mắt ra mà nhìn, mà thèm thuồng. Ai cũng tâng bốc sắc đẹp của tôi. Ai cũng mong tôi xuất hiện để chiêm ngưỡng sắc đẹp trời cho ấy.
Một cô tiên buột miệng thốt:
- Ồ! Thế thì thích thật!
Một cô tiếp lời:
- Đúng là thích thật đấy! Nhưng sao nữa hở tiên Rớt?
Rớt nhìn khoảng không, nói:
- Đúng là thích thật. Nhưng ánh mắt của bọn đàn ông cứ như ngọn lửa muốn thiêu đốt thân thể mình, cứ như là chúng ta trần truồng trước họ vậy.
Một cô ngây thơ hỏi:
- Nhưng có chuyện gì đâu mà lo.
- Sao không lo khi bọn đàn ông nhìn mình chằm chằm. Rất khó chịu! Không biết diễn tả như thế nào để cho các chị hiểu đây.
- Thế tiên Rớt có ngượng không?
Rớt đáp:
- Lúc đầu thì ngượng. Rồi dần dần cũng quen. Rồi lại thích. Tôi thú thật với các tiên là ánh mắt của bọn đàn ông ghê gớm lắm. Ôi...!
- Chuyện gì vậy, tiên Rớt?
Rớt hổn hển:
- Kia kìa, tôi cảm thấy những ánh mắt của bọn đàn ông. Ôi!... Ghê quá... Ánh mắt của bọn chúng kia kìa!
Các tiên hỏi dồn hỏi dập:
- Ở đâu? Ở đâu?
Rớt nhìn trân trân, nói:
- Chúng đang nhìn chúng ta tắm kìa. Chúng đang nhìn chúng ta như đốt cả áo quần của chúng ta kìa. Các chị hãy coi chừng bọn chúng! Các chị biết không, bọn chúng thường hay nhìn trộm chúng ta tắm. Nhìn trộm chúng ta thay quần áo. Kìa, ánh mắt của chúng kìa. Chúng nhìn chúng ta ỉa nữa kìa! Ôi!...
Một cô tiên đề nghị:
- Tiên Rớt bệnh rồi. Bị bệnh thật rồi! Chúng ta phải cứu tiên Rớt mới được!
- Không, tôi không bị bệnh đâu!- Rớt thốt lên.
Một cô tiên nói:
- Đã là tiên làm sao mắc bệnh được.
- Đúng rồi! Chúng ta là tiên thì làm sao mắc bệnh được. Các chị không nhớ luật lệ cõi trời sao?
Như thể tất cả đều thốt lên:
- Luật lệ cõi trời là không được bị bệnh.
Rớt ngạc nhiên, hỏi:
- Cõi trời cũng có luật sao? Tôi tưởng chỉ có cõi trần mới có luật chứ.
- Vâng, cõi trời có luật của cõi trời.
- Luật như thế nào hở các chị?
Một cô tiên nói:
- Ai xung phong đọc luật thiên đàng cho tiên Rớt biết được không?
- Tôi xung phong đọc cho.
Một cô tiên tiếp lời và đọc luật xứ thiên đàng
LUẬT XỨ THIÊN ĐÀNG
Tiên trưởng công bố cho các tiên nam, tiên nữ biết và thực hiện tốt 9 điều luật cõi thiên đàng:
1- Bất ái
2- Bất sinh
3- Bất tử
4- Bất thực
5- Bất bệnh
6- Bất lão
7- Bất ngã
8- Hữu hoan hỉ
9- Hữu vô
Tiên trưởng đã ký.
Nghe xong, Rớt tròn xoe mắt, hỏi:
- Luật như thế nghĩa là sao hở các chị?
- Luật là luật. Ai có thể giải thích được luật đâu. Giải thích thì phải tranh biện. Mà tranh biện thì còn gì kỷ cương của xứ trời. Tranh biện thì dễ dẫn đến tranh chấp, dễ sinh ra loạn. Cứ thế mà chấp hành. Nếu không chấp hành thì chúng ta sẽ bị thải ra khỏi xứ sở này. Đã sống ở xứ sở tiên thì không được nói này nói nọ, không được dùng quyền cá nhân để mà ứng xử. Có thế mới xứng đáng là công dân gương mẫu xứ trời.
Rớt nhận xét:
- Tôi cứ tưởng là tiên thì phải sướng chứ? Cần gì luật này luật nọ. Các chị biết không, ở trần gian, con người cho chúng ta là những kẻ sung sướng.
Một cô tiên hỏi Rớt:
- Họ cho chúng ta là kẻ sung sướng?
Rớt nói tiếp:
- Vâng, họ cho chúng ta là những kẻ sướng nhất. Ở cõi trần, không có một ai vỗ ngực cho mình là sướng suốt đời. Ai cũng than khổ. Không khổ chuyện này thì cũng khổ chuyện kia. Mở miệng ra là cái khổ đeo dính miệng họ. Tội nghiệp cho họ lắm.
Rồi Rớt kể tiếp những nỗi khổ ở trần gian. Biết bao cái khổ đến với con người. Như những cái khổ một thời đeo mang, cả đời nặng mang, Rớt kể rành rọt từng nỗi khổ ở trần gian. Trước mắt Rớt hiển hiện từng cảnh khổ của người trần. Này đây là cảnh thiếu ăn, những đứa bé chỉ còn da bọc xương, mắt đầy ghèn, ruồi bu quanh miệng, quanh mắt- những con ruồi cũng thiếu đói đang tìm chút thức ăn trên thân thể như lồ lộ những xương. Này là những con mắt đờ đẫn của những bà mẹ, cô gái nhiều ngày khô khốc miệng thèm chút muối, chút cơm khi cả vùng quê tràn ngập bão lũ. Này là cảnh dân lành bị bom đạn, máu chảy như những vết lăn của cuộc đời in dấu ấn khổ đau, tiếng than của con khóc mẹ, khóc những niềm vui, sự chở che không còn nữa. Này là cảnh những cô gái quê như những món hàng được xuất khẩu làm cô dâu ngoại quốc. Này là cảnh hằng đêm các cô gái bịt mặt đứng đường chờ ai đó chở, nhưng thực là đứng chờ khách mua dâm. Này là cảnh anh chị em giành tài sản của mẹ cha mà phải giết người thân rồi phải ngồi tù... Biết bao cảnh khổ. Có kể cả đêm, cả ngày, cả tháng, cả năm cũng chưa hết chuyện. Rớt biết cô không thể kể hết chuyện khổ ở trần gian. Cô hít thở mạnh, rồi nói:
- Kể chuyện khổ ở trần gian thì kể khi nào cho hết. Cho tôi ngừng kể ở đây đi. Tôi mệt quá rồi!
Các tiên buột miệng:
- Tuỳ Rớt. Rớt mệt thì cứ nghỉ đi.
Một cô tiên đưa tay để vào chỗ trái tim đang đập, nói:
- Trần gian sao khổ vậy?
Rớt nghe vậy, không nhịn được bèn tiếp lời:
- Đặc biệt đàn bà là khổ nhất.
- Sao đàn bà lại khổ nhất?
Rớt kể nào là ở một số nước còn coi thường đàn bà, xem đàn bà là cái máy đẻ, là cái máy làm tình. Nào là đàn bà phải phủ kín mặt, đàn bà không được đi bầu cử. Có nơi có những tục lệ kỳ quái như cắt âm vật của con gái. Có chỗ bắt đàn bà, con gái làm nô lệ tình dục. Có chốn, đàn bà bị chồng đánh đập mà phải lo cơm nước cho chồng, kể cả phục vụ chuyện thèm rượu, thèm tình của chồng. Nào là đàn bà chỉ là đàn bà, đái không khỏi ngọn cỏ v.v... và v.v...
Nghe Rớt kể, một cô tiên đề nghị:
- Thật tội nghiệp cho đàn bà, con gái. Tôi có nghe ông Nguyễn Du ở dưới đó cũng đã từng than mấy trăm năm trước về thân phận đàn bà như: "Đau đớn thay phận đàn bà- Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Không lẽ thời buổi này vẫn còn đàn bà khổ sao? Chúng ta phải làm cái gì đó để giúp đàn bà dưới trần gian, được không các bạn?
- Đúng đó!- Một cô tiên khác lên tiếng- Chúng ta hoá phép giúp đàn bà trần gian khỏi khổ. Họ sẽ được như chúng ta, các bạn nghĩ sao?
Các tiên nữ hưởng ứng:
- Được đấy! Làm như thế được đấy đấy! Phải làm cho đàn bà trần gian được như chúng ta.
Một cô tiên hỏi Rớt:
- Có được không hở tiên Rớt?
Rớt gật đầu mừng:
- Được thôi! Cõi trần, mọi đàn bà đều muốn có cuộc sống như tiên đấy.
Tất cả tiên nữ đều vui mừng khi nghĩ ra cách giúp đàn bà trần gian. Ai cũng lộ vẻ mặt hân hoan như thể chính họ là kẻ ban ơn, cứu rỗi đàn bà. Họ cất tiếng hát ca. Cũng hát ca cười múa. Nhưng lần này họ múa điệu múa vì đàn bà ở thế gian. Họ tìm mọi cách để giúp.
Thế là tất cả đũa tiên, quạt tiên, áo quần tiên, kể cả đồ lót của tiên, tất cả những thứ tiên có đều được đem ra sử dụng để giúp trần gian, giúp đàn bà trần gian.
Trước mắt Rớt, vô số đàn bà con gái ở cõi trần đều được lột xác. Những cô gái xấu xí được tắm trong những giòng sông đầy sữa dê, trở nên đẹp. Những cô gái bán trinh được phân phát những màng trinh giả để nhét vào âm hộ, trở thành cô gái hiền ngoan. Những cô bé ngực phẳng lì như màn hình ti vi đời mới, bướm chưa có lông mu như những con búp bê, cũng vội vươn người biến thành phụ nữ với những đôi chân dài thon thả, với ngực tròn trĩnh như được úp vào đó hai cái bát. Những bà già, vú chảy xệ, mông nhăn nheo, vội vàng bơm vú, độn mông căng tròn để trẻ ra. Tất cả đàn bà con gái đều được đẹp.
Họ mừng khôn xiết, họ nhảy múa hát ca. Họ cười như hoa nở. Cuộc sống đầy ắp tiếng cười. Không một tiếng khóc...
Bọn đàn bà con gái ở cõi trần- nói cho đúng hơn là các cô gái đẹp ở trần gian- suốt ngày bắt chước cuộc sống ở cõi tiên. Họ cười múa hát ca... Bốn mùa đầy ắp tiếng cười, điệu múa... Không còn phân biệt đâu là mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông. Không còn phân biệt cuộc sống ở sa mạc Sa-ha-ra, hay ở đỉnh E-vơ-rét. Chỉ có các cô gái như tiên. Cuộc sống như tiên dành cho phụ nữ. Thế mới tuyệt chứ!
Cả trần gian hát mừng. Nhiều đợt bắn pháo hoa chào mừng sự kiện trọng đại khi đàn bà con gái được thành tiên. Sướng vui nhất là bọn đàn ông. Nơi đâu họ nhìn, họ ngắm đều thấy những cô gái đẹp. Những ông lão lụ khụ khi đi có người dìu, người đỡ, cũng lo uống thuốc cường dương, luyện tập thể dục, thể thao hằng ngày để thân thể được cường tráng. Những cậu bé loai choai, chưa có chút ria mép, còn sợ chuyện đánh nhau, cũng tập tành uống rượu, hút thuốc, đi nhảy đầm, uống thuốc lắc, học đòi những thú chơi của bọn đàn anh. Đi đâu cũng nghe bọn đàn ông không ngớt lời ca ngợi sắc đẹp toàn mỹ của phụ nữ. Họ không bàn đến kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá... Chỉ có lời ra tiếng vào là cái đẹp của đàn bà, của thế giới đàn bà.
Hầu như bọn đàn ông đều có người bạn gái bên cạnh. May mà chưa đến nỗi thiếu đàn bà. Nhưng ngặt là các cô gái đều đẹp như tiên, đều giống nhau từng lời ăn, tiếng nói, giống nhau từng cử chỉ, giống nhau cả tâm tính nữa.
Khi có cặp nào hôn là tất cả đàn ông, đàn bà đều hôn. Khi có cặp nào ngủ là tất cả các cặp bắt chước ngủ theo. Khi có cặp nào thay quần áo là tất cả đều thay quần áo. Khi có cặp nào rửa ráy bộ phận sinh dục là tất cả đều rửa ráy theo. Bọn đàn bà đã biến bọn đàn ông thành những cái máy như họ.
Khốn cho lũ đàn ông! Họ chỉ sung sướng được thời gian đầu. Trước đây, họ có người lo lắng bữa ăn, giấc ngủ. Đi làm về, họ được vợ chăm lo, chiều chuộng. Họ đâu quên được những lần đem đồng lương về đưa cho vợ, nụ cười vui nở rộ như xuân về trên môi vợ. Còn đâu những lần giận nhau, sau đó họ chủ động làm hoà và được vợ âu yếm, hôn khắp cơ thể. Đâu còn những lần họ cùng vợ đi thăm bạn bè vào những ngày nghỉ, cùng vợ thăm bà con, họ hàng trong dịp lễ, Tết. Đâu rồi những lần họ nịnh nhau, những lần họ đau ốm và được người bạn đời chăm sóc. Tất cả chỉ còn là chuyện cổ tích khi đàn bà thành tiên.
Giờ, đàn ông không còn ai lo lắng cho họ nữa - chả là, đàn bà đã được thành tiên ở trần gian này. Đàn ông phải tự nấu cơm lấy mà ăn, phải tự giặt lấy áo quần, phải tự lo lắng cho bản thân, phải trăm điều trong cuộc sống. Cuộc sống khốn đốn đến với họ. Dần dần, họ không chịu nổi những cơn mệt, cơn đói hành hạ. Sức của họ mềm nhũn như mì ăn liền gặp phải nước sôi. Lực của họ ỉu xìu như bánh tráng nướng ngâm lâu trong nước. Họ không còn sức lực để nhìn gương mặt người họ mến, họ yêu. Họ không còn đủ hơi hí hóp với cái đẹp, không còn cử động nỗi ngón tay để rờ mó cái đẹp của đàn bà, nói chi mân mê, nói chi đủ đô đặt cái lưng lên giường nằm với người bạn đời của họ. Rồi, lần lượt tên đàn ông này nhắm mắt xuôi tay, tới tên đàn ông khác về chầu Trời Phật.
Chỉ còn dăm ba tên đàn ông thoi thóp nằm trên quả địa cầu này. Bọn đàn bà –nói đúng hơn là những đàn bà thành tiên – đến bên giường họ, hát cười múa ca để mong cơ thể của những tên đàn ông đang hấp hối được hồi phục. Đàn ông trở thành thứ quý hiếm ở cõi nhân gian. Như các loài có tên trong sách đỏ, đàn ông cũng trở thành loài cần được bảo vệ nhằm cung cấp cho đàn bà. Thế nhưng, càng ngày đàn ông bị mất dần, chỉ còn những tên sống đời sống thực vật.
Bọn đàn bà bắt đầu giành giựt những tên đàn ông đó làm của riêng. Ai cũng cho rằng chỉ có riêng mình mới xứng đáng hưởng thân xác đàn ông. Ai cũng muốn chiếm làm của riêng. Và bọn họ mạt sát nhau không tiếc lời.
Đầy dẫy những lời lẽ, những ngôn từ có trong từ điển dành riêng cho công việc chửi lộn đều được đem ra trình diễn.
- Đây là chồng của tao. Chồng mày đã chết rồi!
- Không đúng! Đây là của tao. Chồng mày ở ngoài nghĩa địa ấy. Ra đó mà tìm!
- Tìm làm gì mấy nắm xương. Có ích gì đâu.
- Đồ quỷ cái! Cướp chồng tao hở? Có cút đi không?
- Mày tưởng mình mày đẹp chắc? Hãy xem gương mặt tao có đẹp hơn mặt mày không?
- Chắc ai hơn ai?
- Cút đi đồ quỷ cái! Mày ám hại chồng tao phải không?
- Đồ quỷ cái! Quỷ cái!
Mọi ngôn từ dùng để chửi bới, để cạnh khoé bấy lâu nay được phủ bởi gương mặt thánh thiện của tiên, giờ được các cái miệng xinh xinh, cái môi hồng hồng, đỏ đỏ đem ra xài. Họ chửi chán chửi chê, chửi cho đã cơn thèm khát đàn ông. Rồi như để trút bớt cơn khao khát tình, họ lại ẩu đả.
Và họ đánh nhau, cắn xé nhau. Họ nắm đầu tóc của đối phương ra mà giựt, mà kéo. Họ bấu, họ cào mặt nhau. Nước mắt, nước mũi họ chảy ròng ròng, đầu tóc họ rối bời bời, gương mặt họ trầy xước, nhưng họ vẫn hăng hái đánh nhau. Đàn bà đánh nhau vì ghen thì xem vui phải biết! Nhưng cuộc vui do họ đem lại không được ai hưởng ứng vì tất cả bọn họ đều tham chiến. Họ chiến đấu với nhau cũng vì đàn ông. Họ phải chiến đấu đến cùng. Họ xem đây là cuộc chiến đấu cuối cùng để được sống với đàn ông ở cõi thiên đàng.
Cuộc hỗn chiến của bọn đàn bà không chấm dứt. Như không thể dịu bớt cơn thèm đàn ông, họ lại chia phe đánh nhau. Tất cả các loại vũ khí đều được họ đem ra sử dụng. Từ những cục đá, mũi tên, gươm giáo, đến súng trường, trọng pháo, kể cả vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân được những bàn tay của các nàng đẹp như tiên điều khiển. Họ đánh nhau vì những tên đàn ông đang thoi thóp...
Những cục đá được ném từ những bàn tay xinh đẹp, những bàn tay búp măng, những bàn tay múa dẻo. Những mũi tên được bắn bởi những con mắt đẹp hơn cả mắt Thuý Kiều. Tiếng vút xé gió của những mũi tên. Tiếng gươm giáo khua vang làm sông Hồng, sông Cửu Long phải dậy sóng. Những tiếng hô xung phong, hô giết, hô diệt không còn kẻ đối nghịch của đàn bà vang động cả Trường Sơn. Tiếng la thét vang dậy cả hải đảo, biển Đông, vang dậy cả đất trời.
Rồi vang lên những tiếng nổ... như pháo. Những tiếng nổ... như sấm sét. Tiếng nổ! Sấm sét rung chuyển cả đất trời.
Rớt kinh hoàng. Trước mắt cô là những cơn loé sáng. Khủng khiếp hơn cả hạch nhân, khủng khiếp hơn cả ngôi sao va chạm trái đất. Ôi! Như cơn giông gió sấm sét năm nào... Cô hét hãi hùng!...
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
Mụ Ba nằm giường bên nghe tiếng thét của Rớt. Tiếng khóc của Rớt.
Mụ thấy lo lo. Sao trời bắt tội mẹ con mụ. Mẹ con mụ có tội tình gì mà trời bắt tội thế hở trời. Mụ muốn hét thật to cho trời đất biết cái khổ của mụ con mụ. Nhưng mụ cứng đơ miệng. Mụ ơ ơ trong tiếng rên của Rớt. Tiếng rên của con quỷ cái!
(hết chương 3)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 21.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 4
Đàn kiến lại cắn xé trên gương mặt Rớt. Chúng lại hành hạ cô. Chúng bò trên mắt, chúng chui vào mũi, chúng làm cô khó chịu. Từng đàn, từng đàn, không biết từ đâu, chúng ùn ùn kéo đến. Da thịt cô rờn rợn, trào lên màu đỏ. Cô chịu không được. Cô kêu la. Cô khóc. Khóc cho thân phận già nua trên gương mặt thoáng chút nữa thành tiên. Uổng thật! Thành tiên thì khối thằng đàn ông chạy theo xin xỏ được ban bố tình yêu, chớ chẳng chơi đâu.
Nước mắt cô trào ra, cuốn trôi một số kiến bu quanh mắt. Lũ kiến chẳng chịu buông tha cô. Chúng lại phủ đầy mặt cô. Cơn đau, rát rạt. Gương mặt cô bị chúng đào bới, cắn nát thêm ra. Chỉ có sự cắn xé thêm trên gương mặt. Chúng trào cơn hành hạ trên thân xác Rớt. Quỷ thật!
Đâu còn gương mặt của nàng tiên Rớt. Đâu còn gương mặt tuyệt mỹ trên cõi đời này. Chỉ còn lại gương mặt của con quỷ Rớt đang đau đớn vì đàn kiến.
Nước mắt tới lúc phải cạn. Mắt cô ráo hoảnh. Cô nằm nhìn trần nhà trần trụi. Ngọn đèn chợp chờn. Nỗi sợ hãi đè nặng gương mặt cô.
Con quỷ Rớt đang nằm đây! Nàng tiên Rớt đâu rồi?
Cô cựa mình như đang sợ con quỷ nào đó ám hại cô. Cô nhìn rõ chiếc tủ đứng đứng chơ vơ. Chỉ còn sót lại miếng gương cạnh góc tủ. Chiếc tủ vẫn đứng đó, bất động. Cô cố sức ngồi dậy, đến thẳng chiếc tủ. Nhìn vào mảnh gương còn sót, cô thấy thấp thoáng cái bóng đen. Cô giận dữ lên tiếng:
- Không lẽ mụ còn quấy rầy tôi nữa hay sao?
Chỉ im lặng. Chỉ chập chờn cái bóng đen trước mặt Rớt. Rớt quát:
- Mụ không có miệng à? Mụ có cút đi không?
Cực chẳng đã, bóng đen lên tiếng:
- Sao cô ăn nói vậy? Tôi đâu có muốn ở bên cô. Tại cô cứ níu kéo tôi mà.
Rớt cười nhạt:
- Tôi ấy à? Mụ ăn nói hay nhỉ! Mụ từ bỏ tôi đi, có được không? Tôi không muốn thấy mặt mụ nữa. Mụ đi đi!... Mụ có đi không?
Từ tốn, bóng đen nói:
- Đi à? Đâu có thể đi một cách dễ dàng thế, hở cô Rớt? Tôi có duyên nợ với cô thì cứ để tôi trả hết món nợ, rồi tôi đi, có hơn không.
Tức tối, Rớt to tiếng:
- Tôi không nợ với ai cả. Mụ hãy đi đi! Mụ đừng làm tôi sợ. Tôi sợ mụ lắm, mụ biết không? Tôi van mụ!- Rớt lạy cái bóng đen- Tôi van mụ!
Bóng đen cười:
- Cô đừng làm thế! Cô không biết xấu hổ khi lạy tôi à?
Rớt đập vào ngực như trút bớt nỗi đau, nói:
- Tôi ấy à? Đã xấu hổ từ lâu rồi, mụ có biết không? Từ ngày mụ ám ảnh tôi, sự xấu hổ đè nặng trên linh hồn tôi. Ôi! Tôi ... tôi van mụ!
Bóng đen cười khẩy:
- Cô Rớt! Cô cũng biết xấu hổ à?
Giọng ngập ngừng, Rớt nói trong chua xót:
- Thế mụ... không biết xấu hổ... khi mụ bám riết lấy tôi sao?
- Ha... ha...- Bóng đen nói chắc nịch- Tôi mà biết xấu hổ ư? Tôi có danh dự đâu, có sắc đẹp đâu, có tiền tài đâu, có học vấn đâu mà phải biết xấu hổ. Mà việc gì tôi phải xấu hổ khi con người không biết xấu hổ vì hành động bỉ ổi của họ ở trần gian này. May ra con người mà biết xấu hổ thì tôi mới xấu hổ.
Rớt nài nỉ:
- Tôi van mụ!.. .Tôi van mụ!...
Bóng đen lắc đầu, nói:
- Đừng có van nài tôi vô ích. Tôi dứt khoát không đi đâu.
Rớt nói giọng chắc nịch:
- Mụ không đi thật à?
Bóng đen đáp gọn lỏn:
- Thật!
Không chịu được cái cảnh bóng đen bám chặt vào cuộc sống của cô, trêu tức cô, Rớt trào lên cơn giận. Không giận sao được khi cô chấp nhận cái kiếp, cái phận không may, thế mà cái bóng đen lại cứ bám riết lấy cô, quấy rầy cô. Thà nó đi đâu cho khuất mắt thì đi. Nhưng nó đâu thèm để ý đến cô. Nó cứ hành hạ cô như để cho bỏ ghét. Không kìm được sự giận dữ, Rớt lấy tay đập vào tủ. Tay cô đau điếng. Nhưng cô vẫn cứ đấm, trút hết cơn giận vào nắm tay, vào từng cú đấm. Cô vừa đấm vừa chửi bóng đen. Mụ Ba nằm giường bên chỉ ú ớ...
Rớt hầu như bất lực. Tay cô bắt đầu đau nhức.
Cô trở lại giường nằm. Cái bóng đen cũng biến mất...
Rớt nằm trên giường thở dài. Cô như đang nói chuyện với chính cô.
- Rớt ơi! Sao mày tự hành hạ mày thế hở Rớt? Mày có muốn mày xấu đâu. Tại cơn giông gió sấm sét năm nào làm cho mày xấu. Chứ có phải mày làm đâu! Mày sống được là may phước lắm rồi. Mày còn đòi hỏi gì nữa, hở Rớt?
- Tôi muốn trở lại chính tôi như ngày xưa.
- Ồ! Là thế ? Ta hiểu ý mi mà. Mày cần đẹp để kiếm chồng chứ gì?
- Vâng, tôi muốn đẹp để kiếm chồng. Tôi muốn có chồng. Tôi muốn được làm đàn bà trên cõi đời này. Tôi khổ lắm, biết không?
- Khổ! Ai cũng than khổ chứ riêng mày đâu.
- Nhưng tôi thì khác. Thân xác tôi là đàn bà con gái, nhưng đàn ông nào có chịu cưới tôi, chịu nắm tay tôi. Tôi thèm trở thành vợ của bất cứ ai, miễn là họ không chê tôi xấu. Ôi!- Rớt như nói một mình trong đê mê- Ai sẽ là chồng tôi? Ai cho tôi được hạnh phúc?
- Cứ ăn nằm đại với người nào đó, không được sao?
- Tôi cũng muốn lắm chứ. Nhưng có ai thèm chịu ăn nằm với tôi. Khốn nạn cho tôi.! Họ coi tôi như con quỷ cái kia mà! Ôi!...
- Lại khóc nữa sao Rớt? Nước mắt có ích gì cho mày đâu.
- Đành là thế! Nước mắt chẳng giúp ích gì cho cuộc sống của tôi, nhưng có nó, tôi vơi bớt đâu xót trong lòng.
- Thế mày cứ khóc đi! Khóc cho nỗi xót đau bớt đi.
Và cô khóc. Khóc để quên gương mặt quỷ của cô. Nhưng gương mặt quỷ đó chính là gương mặt của cô thì làm sao cô có thể xoá đi được.
Nước mắt quả thật hiệu nghiệm. Cô dần thấy bớt đau.
Cô đưa bàn tay rờ vào mặt. Rồi hất những con kiến còn sót lại trên má, trên miệng. Cô đưa lưỡi liếm môi cho đỡ khô. Một cảm giác mơ hồ khi cô đưa lưỡi lên môi. Cô thấy bọn đàn ông như hiện ra trước mắt. Cô bặm môi lại. Cô lại thấy bọn đàn ông đang phỉnh dỗ cô. Có bao nhiêu tiền, cô đều móc túi cho chúng uống rượu, may ra chúng có sức ăn nằm với cô. Thế mà bọn đàn ông đó chỉ lộ rõ sự đểu cáng, đã lừa phỉnh cô như lừa phỉnh một con ngốc. Cô đâu quên được nhiều lần, rất nhiều lần đều một duột như nhau cả, đều có bụng chẳng tốt.
Rớt biết rõ bụng đàn ông lắm. Cô xấu kia mà. Tin làm sao được cái miệng dẻo quẹo, lắm điều của họ. Nhưng cô cần ở họ cái vật mà giống cái nào cũng cần ở giống đực. Cứ đưa tiền cho họ. Họ trở thành đĩ đực của cô... Cô mong điều đó lắm. Nhưng ác nỗi, bọn đàn ông cũng tinh quái. Chúng chỉ ăn, chỉ uống mà chẳng chịu làm tình. Chúng uống thật say, khi cô đến gần chúng, nắm tay chúng, chúng chẳng thèm cựa quậy. Như những khúc củi, hất chúng đi đâu, chúng lăn tới đó. Chúng chẳng còn biết trời trăng mây gió gì cả. Chỉ có tiếng ngáy nồng khét mùi rượu, chỉ có sự nôn tháo từ cổ họng của chúng với những thứ chó ngửi chó chê, mèo ngửi mèo tởm...
Rớt tiếc rẻ giấc mơ của mình thành tiên. Sao Rớt dại dột thế? Rớt mà thành tiên thì hay biết mấy. Rớt sẽ dùng phép biến hoá bọn đàn ông trở thành hạng người ngu ngốc, thành thứ đồ chơi của Rớt. Tiếc cho Rớt thật!
Đàn kiến lại bò khắp thân thể cô. Chúng tiết ra thứ chất độc làm cả thân xác cô đau nhức. Lũ ôn vật chẳng giúp được gì cho Rớt mà chỉ biết hành hạ thân xác cô.
Lũ kiến rứt dần dần từng miếng thịt trên người cô. Chúng gặm nhấm từ từ. Cơn đau nhức mỗi lúc một dâng cao thêm. Cơn đau nhức tận xương tủy. Chúng cắn Rớt đến ngất lịm. Nhưng cô làm sao chết được. Dễ gì tiên Rớt chết! Dễ gì con quỷ Rớt chết!
Tuổi mười lăm, mười sáu đã qua rồi. Khi người ta thêm một tuổi, những kỷ niệm thời đã qua trở thành vết cứa. Người ta hối tiếc những kỷ niệm. Tưởng như mới hôm qua, người ta cứ thầm tiếc nuối...
Rớt thấy mình trở lại tuổi mười sáu, mười lăm. Cô tiên Rớt đang độ dậy thì; cô tiên Rớt rực rỡ hiền dịu giữa xóm làng, cô tiên Rớt đã làm tâm trí các cậu con trai bay bổng...
Trống múa lân đón rằm tháng Tám. Tiếng hát của trẻ thơ mừng Trung thu: "Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm...”. Tiếng hát vang vang, rộn ràng theo nhịp vỗ tay, theo nhịp trống múa lân, vang vang theo tuổi thần tiên diệu kỳ. Tiếng hát ấy đi suốt cuộc đời của bao chàng trai, cô gái. Tiếng hát của tuổi thơ. Tiếng hát rước đèn đến tận cung trăng, tiếng hát đầy ước mơ thanh bình... Những đứa trẻ hàng xóm đến cùng với Rớt, vui vẻ cùng Rớt.
- Chị Rớt! Chị múa cùng với chúng em đi!
- Chị Rớt! Vui Trung thu, chúng mình phân vai vai, kẻ đóng chú Cuội, người đóng Hằng Nga đi!
- Đúng đó! Phân vai đóng chú Cuội, Hằng Nga đi! - Đám trẻ hò reo.
Bọn trẻ vỗ tay vui mừng. Chúng phân vai cho nhau. Bắt đầu chúng lấy giấy xanh, giấy đỏ, chúng lấy tất cả những gì chúng có, để hoá trang chú Cuội, Hằng Nga. Một cảnh tượng lạ lùng là tất cả bọn trẻ, đứa nào cũng muốn trở thành chú Cuội, Hằng Nga.
Tiếng trống múa lân... Tiếng cười nói của bọn trẻ... Cuộc vui kéo dài được một lúc, sau đó, bọn trẻ nhàm chán vì đứa nào cũng cho rằng chỉ riêng nó mới xứng là chú Cuội, là Hằng Nga. Chúng cãi nhau, không chịu chơi cùng với nhau nữa.
- Thôi, mệt quá! Bọn bay chơi chẳng đẹp tí nào.
- Chỉ có tau mới xứng là chú Cuội thôi. Mi không giống chú Cuội chút nào thì làm sao làm được.
- Thôi, dẹp chơi đi! Mệt cho tui bay quá!
Nghe bọn trẻ cãi lộn nhau, mụ Ba kêu chúng lại và khuyên:
- Các cháu chơi mà cãi nhau là mất vui đấy. Cứ xem đứa nào xứng là chú Cuội, Hằng Nga thì chọn ra đóng có hơn không.
Bọn trẻ hò reo cho là phải. Chúng đưa mắt nhìn nhau. Phải tìm người đóng Hằng Nga, chú Cuội chứ! Từng đứa nhìn từng đứa. Rồi tất cả đều nhìn vào Rớt.
- Chị Rớt đóng Hằng Nga đi!- Bọn trẻ nhao lên- Chị Rớt làm Hằng Nga đi!
Chúng la ó... Chúng nhảy múa... Đằng xa kia, tiếng trống múa lân vang điệu dập dồn. Chúng cười kháo nhau:
- Chị Rớt đóng Hằng Nga là nhất!
Dùng dằng, nửa muốn nửa không, Rớt nói với bọn trẻ:
- Thôi, các em đừng bắt chị như thế! Chị dị lắm.
Chỉ có tiếng vỗ tay khích lệ, cỗ vũ. Mà không khích lệ cỗ vũ sao cho được? Có khích lệ cỗ vũ thì mới có người tham gia cuộc chơi chứ. Có khích lệ cỗ vũ thì mới sướng cái bụng khi tham gia chơi. Rớt cảm thấy sự sung sướng đang len vào trong bụng. Nhưng cô muốn làm bộ, làm tịch. Kể cũng lạ, con gái thường có chút điệu, có chút làm bộ mới đáng yêu. Nhìn gương mặt Rớt, bọn trẻ thấy Rớt như đẹp thêm. Bọn trẻ sững sờ trước vẻ đẹp diệu kỳ của Rớt. Nhiều đứa như muốn làm nũng với Rớt: "Chị đóng Hằng Nga đi! Chị làm Hằng Nga đi! Chị mà không làm thì chúng em chẳng thèm chơi với chị đâu”.
Bọn chúng níu kéo Rớt cho bằng được. Rớt sướng tê người, bằng lòng với trò chơi đóng Hằng Nga cùng bọn trẻ.
Rớt trở thành Hằng Nga của bọn trẻ. Chúng quên mất chú Cuội. Rớt đứng giữa vòng trăng trong tiếng vỗ tay, tiếng hát của bọn trẻ. Chúng vừa hát vừa nhìn cô. Bọn chúng quay vòng và cô ngự trị giữa mặt trăng. Chúng nhìn cô trong ánh mắt đầy hân hoan, như thầm nghĩ: "Chắc chị Hằng trên cung trăng đẹp như chị Rớt là cùng”. Chúng ngắm sắc đẹp của cô. Cô đứng giữa vòng tròn đầy trăng tháng Tám. Mắt cô lóng lánh.
Người lớn cũng vui Trung thu. Họ cũng đang ngắm Hằng Nga bằng xương bằng thịt. Tiếng trống múa lân, tiếng cười rộn ràng làm cho đêm trăng thêm vui. Hằng Nga đứng giữa bọn trẻ, hát cùng bọn trẻ. Hằng Nga vui với bọn trẻ.
Mụ Ba cười toét cả miệng. Mụ trẻ hẳn ra. Mụ như nói với mọi người: "Các người có thấy không? Con Rớt của tôi có khác gì tiên đâu. Nó là tiên thật đấy. Các người xem có đứa con gái nào đẹp bằng nó không nào?”
Mọi người chỉ ngắm Rớt, ngắm sắc đẹp trời cho một cách thánh khiết, thanh cao. Đêm rằm sáng thêm. Trăng trên trời tròn vành vạnh, soi rõ gương mặt hiền dịu, ngời sắc tròn trăng của Rớt. Ai cũng vui vì xóm họ có nàng tiên. Ai cũng sướng vì tiên đến với họ.
Từ đó, đi đâu, bọn trẻ cũng cho rằng ở xóm chúng có chị Rớt đẹp như Hằng Nga. Chúng hãnh diện được quen biết Rớt, được Rớt thương yêu như những đứa em. Chúng thách thức với bọn trẻ xóm khác, là tìm bất cứ cô gái nào đẹp hơn Rớt, thì chúng đãi bọn kia một bữa chè.
Ngày qua tháng lại, bọn trẻ con cá độ rằng chỉ có Rớt là đẹp, đẹp hơn tất cả con gái trên cõi đời này...
Thế mà, khi mặt Rớt bị đàn kiến cắn xé thì lại khác. Bọn trẻ xa lánh Rớt như xa lánh thứ ôn dịch nào đó. Rớt đớn đau, xót cho phận mình sao như quỷ ở chốn trần gian này. Cô chỉ có nước mắt làm bạn, chỉ có nỗi đau gặm mòn da thịt, chỉ có nhức nhối bởi đàn kiến phỉnh phờ, bởi giấc mơ không hiện hữu với cô.
- Ôi! Con quỷ Rớt kia kìa! Tụi bay chạy đi! Con quỷ Rớt đến kia kìa!- Bọn trẻ con la hét chạy tán loạn khi nhìn thấy Rớt.
- Quỷ kìa tụi bay!- Bọn trẻ nhốn nháo, khiếp đảm.
Chúng không còn bu quanh Rớt, thật rồi! Không còn nhìn ngắm sắc đẹp của Rớt. Chỉ có tiếng rủa trên đầu Rớt. Nhiều đứa trẻ lì lợm đã lấy đá ném vào người Rớt. Như là cơn mưa đá! Bọn chúng ném đá để mà trấn an cơn sợ hãi hơn là ném để tự vệ. Rớt đâu còn cảm thấy đau khi trúng đá. Nỗi đau đớn không những gặm mòn da thịt mà còn gặm mòn tâm hồn cô. Cô sợ lời chửi rủa nhiều hơn là những trận mưa đá.
Kể từ đấy, con nít hay khóc nhè nửa đêm, người ta lại lấy Rớt ra doạ:
- Có nín đi không? Bà Rớt bả đến bắt bây giờ.
- Có im không? Tau đem mi cho bà Rớt bây giờ.
Gương mặt Rớt trở thành thứ thuốc chữa bệnh cho lũ con nít khóc đêm.
Không một ai đến với Rớt. Trẻ con không đến. Người lớn không đến. Chỉ có đàn kiến làm bạn với Rớt. Chúng đang cắn xé trên người Rớt...
(hết chương 4)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 22.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 5
Mụ Ba thấy mình chơi vơi. Mụ không ngờ chuyện không hay đến với mụ. Không còn bực tức, giận hờn Rớt nữa, mụ chỉ thấy tội nghiệp cho Rớt. Dù sao nó cũng là con. Mẹ nào ghét con cho được. Bản năng làm mẹ trào lên trong lòng mụ, trào như đàn kiến nổi lên khi sắp mưa giông. Mụ thấy cơ man nào là kiến. Mụ thấy đàn kiến trong người Rớt bò sang người mụ. Chúng bu quanh mụ. Chúng đưa những chiếc răng cười với mụ, chúng đưa những chiếc râu trêu tức mụ. Mụ muốn xua đuổi chúng, nhưng xua con này thì con khác bu đến. Kiến bu quanh người mụ, biến mụ trở thành một khối lửa rờn rợn. Chìm trong sắc đỏ, mụ choáng ngợp với mùi kiến. Rồi, đàn kiến lại tản ra, rồi bu quanh mụ, khiêng mụ đi. Mụ vùng vằng. Mụ la toáng:
- Đừng kéo tôi đi đâu cả! Tôi muốn ở mãi nhà tôi thôi! Tôi không đi đâu cả... Chúng mày không nghe tau nói à?
Mặc cho mụ kêu la, lũ kiến sôi lên, như tiếng sóng, như tiếng lũ mối mọt gặm cây:
- Anh em ơi! Chúng ta tha hồ cắn xé mụ đi! Đừng để mụ ta nói một lời nào. Phải cắn xé mụ, sao cho mụ im hơi lặng tiếng!
Thế là đàn kiến mặc sức tung hoành trên thân thể mụ. Chúng cắn xé thân thể mụ như thể thân thể mụ có nhiệm vụ lo cho chúng no béo. Mụ nghe từng thớ thịt như có ai rứt ra. Như có máu chảy, như có xương bị cưa ra từng khúc, mụ rán chịu đựng. Nhưng làm sao mụ chịu được khi lũ kiến khắp xứ ùn ùn kéo đến hành hạ mụ. Mụ không chịu nỗi, mụ hét to:
- Bọn bay độc ác quá! Tau có tội tình gì mà bọn bay cắn xé tau thế? Tau làm gì nên tội ở trần gian này?
Chửi xong, mụ lại than khóc. Tiếng khóc của mụ nghe nao lòng. Tiếng khóc tức tưởi, chứa đựng cả sự trở trăn, chứa cả dằn vặt mà mụ chịu đựng từ khi gương mặt Rớt biến dạng. Mụ khóc than cho số phận trớ trêu, khóc than phận làm người của mụ, của Rớt. Mụ đau đấy, nhưng có lẽ chính tiếng than khóc về Rớt đã làm đàn kiến cảm động. Mụ đau mà mụ còn nghĩ đến Rớt, lo cho Rớt từ chính đáy lòng, chứ không phải là lời chửi rủa, bực tức thường ngày. Có lẽ sự khốn khổ của kiếp người khiến con người đôi lúc đối xử chưa phải với nhau, chứ thực sự tự tâm khảm của mỗi người, lòng thương yêu người khác vẫn lấp lánh sáng, vẫn toả hương thơm của mối thiện lương.
Lũ kiến nghe lời than vãn của mụ, chúng bàn nhau:
- Thôi, anh em ơi! Chúng ta đừng cắn xé mụ ta nữa. Nghĩ cũng tội nghiệp cho mụ. Mụ vẫn còn thương yêu Rớt mà. Chúng ta đừng làm mụ đau đớn. Chúng ta chọc ghẹo mụ đi. Chúng ta làm cho mụ nhột, làm như có ai cù lét vào nách mụ, vào háng mụ. Làm cho mụ nhột, không chịu đựng được đi!
Bọn kiến nói là làm. Chúng làm mụ nhột. Mụ cười nắc nẻ khi bọn kiến bò trên người mụ. Đúng là nhột khó chịu thiệt, không thể chịu đựng được! Mụ ngây người khi lũ kiến mơn man trên da thịt. Mụ chết lịm khi lũ kiến biến thành bàn tay của những tên đàn ông mân mê, ve vuốt, mơn trớn mụ. Mụ nhắm mắt, bất lực tận hưởng cảm giác lạ kỳ, nhột nhạt của chúng. Đúng là hai người đàn ông đã ăn nằm với mụ đang cù lét mụ. Cơn nhột nhạt đang hành hạ mụ. Cơn nhột từ gáy, từ nách, từ háng, kể cả từ âm hộ nhột ra. Đàn kiến không còn nữa. Chúng biến thành hai tên đàn ông cùng bỡn nghịch cùng mụ. Cả hai đều cù lét mụ một lần. Quỷ quái thật! Một lúc mà hai người đàn ông rỡn mỡ với mụ. Mụ thấy mình bị phân chia ra làm hai, cùng đú đởn với hai người.
Bị tách ra làm hai mà mụ không thấy đau gì cả. Chỉ có sự nhột nhạt làm mụ cười như nắc nẻ. Và mụ nhắm nghiền đôi mắt. Mụ không cần thấy mặt họ. Mụ chỉ cần thấy sự nhột nhạt cũng sướng lắm rồi. Chính sự nhột nhạt ấy, không cần mở mắt, không cần nhìn ngắm một thứ gì cả, cũng đủ thấy hạnh phúc quá rồi. Một lúc mà mụ cảm thấy mình thuộc về cả hai người. Cũng lạ thật! Cả thân xác và linh hồn mụ đều cảm thấy đê mê. Mụ muốn tận hưởng hương vị ngọt lịm của tình yêu. Như chạy một quãng đường dài trên đường tìm tình ái, giờ mụ như vừa uống một ly chanh đường, đã cơn khát. Mụ nuốt nước miếng. Mụ thấy ngọt ở cổ họng. Tình yêu đã đem vị ngọt đến cho mụ. Mụ ôm chầm cả hai tên đàn ông trong sự thèm khát. Cả hai đều là của mụ. Tình yêu của mụ đối với hai người đàn ông như nhau. Mụ không nói nhân ngãi nhân tình với ai cả. Chỉ có sự chung đụng thân xác làm cho mụ nhớ đến họ như nhớ một kỷ niệm xa vời. Ở họ đều có tính khí của bọn đàn ông. Hăm hở yêu thương mụ, nhưng rồi cũng mau quên mụ, rồi lại muốn làm tình với mụ.
Thế nhưng, gương mặt của họ giờ đây chỉ còn loáng thoáng trong đầu óc của mụ. Mụ mơ hồ nhớ, cố gắng nhớ, nhưng chỉ là những cái bóng đang giằng xé thân xác, linh hồn của mụ.
- Xin hai người hãy để tôi yên! Xin hãy cho tôi yên cái kiếp đàn bà của tôi!-Mụ đã thét vào mặt họ.
Họ chỉ cười âu yếm. Nụ cười làm tình của bọn đàn ông ấy mà!
- Xin hai người đùng cười thế! Tôi sợ lắm.
- Mình xua đuổi chúng tôi đấy ư? Chúng tôi phạm lỗi gì mà mình xua đuổi? Hãy cho chúng tôi mãi mãi gần mình!
Mụ cười tinh quái đáp lại:
- Không, tôi chán ngấy những lời yêu thương tâng bốc ấy rồi. Các người chỉ thoả mãn những ham muốn của các người. Các người có yêu thương gì tôi đâu.
- Sao mình lại nói thế? Chúng tôi không thương mình mà lại ăn nằm với mình sao? Hay là mình không còn thương yêu chúng tôi nữa?
Nghe họ kể lể, mụ cảm thấy lòng mình có chút xao động, nhưng nghĩ lại mụ thấy bọn đàn ông không thể tin được. Mụ nói mát:
- Thương yêu các người? Các người là thứ gì mà bắt tôi thương yêu?
- Mình không nhớ sao? Mình đã cười mãn nguyện khi làm tình với chúng tôi kia mà! Mình không nhớ là mình chẳng muốn chúng tôi rời khỏi vòng tay của mình sao? Những lần hạnh phúc đó mình quên rồi sao?
Mụ đưa hai tay ôm đầu, lắc qua lắc lại, nói:
- Tôi sợ quá! Các người đừng nhắc lại những lần ấy! Tôi sợ lắm!
- Sợ gì? Có chúng tôi bên cạnh mình đây mà!
Mụ làm thinh không nói gì. Mà quả vậy, mụ sợ thật. Sợ xiêu lòng. Sợ bọn đàn ông. Sợ... Chỉ có nỗi sợ đang đè nặng trái tim của mụ. Có nên tin những bàn tay của bọn đàn ông như những con kiến bò trên thân thể mụ hay không? Họ mơn trớn mụ. Họ cắn xé mụ cho đã thèm. Rồi qua giây phút hạnh phúc, họ yên lặng như quả bóng xì hơi. Cũng tội nghiệp cho họ. Vì mụ mà họ như quả bóng xì hơi. Mụ chẳng tiếc thứ gì khi cùng họ là nhân tình, nhân ngãi. Chuyện ấy đã cũ quá rồi. Nhắc lại cũng chỉ để mà nhớ, như nhớ một chút kỷ niệm mơ hồ. Mụ sợ sẽ lại sa ngã vào bàn tay họ, vào lòng họ. Mụ hét thật to nhằm để trấn an:
- Các người hãy đi đi! Tôi muốn yên!
Nhưng không kịp nữa rồi. Họ giằng xé mụ. Cả hai tên đàn ông, không ai chịu ai. Ai cũng muốn giành lấy mụ. Không ghìm được nỗi lòng, mụ bay theo họ. Kẻ đằng đông, người đằng tây. Thế đó! Mụ tách làm hai bay theo họ...
- Em là của riêng anh- Một người khẳng định như vậy. Thế là mụ lọt trọn vào lòng anh ta. Anh ta ghì siết mụ như trả thù sự trống vắng bấy lâu nay nằm trong đôi tay anh ta, mụ cười như đứa con gái lần đầu biết yêu.
- Vâng, em là của riêng anh.
Còn nửa thân thể mụ ở đằng xa kia cũng hổn hển như ngạt thở trong nụ hôn của tên đàn ông còn lại.
- Ôi! Em chết mất!... Anh... Anh đừng làm em ngạt!...
Rồi mụ cũng quàng tay ghì siết anh ta. Mụ thuộc hẳn về tên đàn ông ấy.
Dù tuổi đã già, nhưng sức trẻ của tình yêu của sự đam mê trỗi dậy trong cơ thể mụ. Mụ lim dim đôi mắt. Mụ lim dim một con mắt cho người này, lim dim một con mắt cho người kia. Cả hai lỗ tai mụ đầy ắp những lời của hai thằng người hát tình ca ru mụ. Mụ nghe rất rõ lời tỏ tình của chúng.
- Ôi, em yêu của anh! Em là tất cả đời anh. Em là nữ hoàng của đời anh.
- Ôi, em yêu của anh! Anh sẽ chiều em tất cả. Tất cả vì em mà! Em yêu!...
- Sao em yên lặng thế?
- Em yêu anh nhiều thế ư?
Tất cả như tiếng sáo, như lời ca, như vần thơ phát ra từ miệng lưỡi của bọn đàn ông thoả mãn khao khát ấy mà. Không biết khi nào bọn họ im hơi, lặng tiếng để cho mụ yên. Hết tỏ tình với mụ, họ lại chửi bới lẫn nhau.
- Nàng là của tao. Chỉ có tao mới xứng đáng với nàng!
- Mày nói thế mà được à? Mày là cái thá gì mà nàng phải yêu mày?
- Còn mày?
- Tao ấy à? Tao có tình yêu với nàng. Tao yêu nàng, yêu không vụ lợi. Yêu, rất yêu...
- Thế mà cũng đòi yêu!
- Chứ sao? Tao yêu nàng vô cùng. Tao suốt đời yêu nàng, thuỷ chung với nàng.
- Mày thật sự yêu nàng?
- Đúng thế! Tao hứa với nàng dù cuộc đời như thế nào đi nữa thì tao cũng cứ yêu nàng. Chúng tao sẽ hạnh phúc mãi mãi.
- Ha ha... Thật là tình yêu rởm! Yêu thế mà cũng đòi yêu. Đời này là phải có vật chất mày ạ. Mày yêu qua lời hứa là không hợp thời nữa . Chính tao, chính tao mới là người yêu nàng nhiều nhất. Tao sẽ cung phụng nàng đầy đủ. Tao sẽ ăn nằm với nàng. Nàng không thoả mãn thì chắc gì tình yêu được đảm bảo. Mày đặt tình yêu trên lý thuyết, thử hỏi tình yêu đó có thật không? Hay đó chỉ là lời lẽ rỗng tuếch của một con người sáo rỗng.
- Mày nói thế à? Sao mày đặt nặng vấn đề vật chất cho tình yêu thế? Tình yêu là thứ thiêng liêng, mà mày đòi đánh đổi vật chất ư?
- Thiêng liêng!? Chắc gì là thiêng liêng khi con người không thoả mãn! Khi con người mãn nguyện thì người ta mới thấy thiêng liêng, màu nhiệm, mày ạ! Con người thất vọng thì còn tin vào cái gì nữa. Tình yêu trong lời nói chỉ là hư ảo thôi!
- Câm mồm mày lại đi! Đồ chuộng vật chất. Coi vật chất nặng hơn tinh thần, nặng hơn tình yêu, thế mà cũng đòi yêu.
- Mày coi nặng tình yêu lắm ư?
- Phải! Tao coi nặng tình yêu. Tao không thèm thứ vật chất của mày đâu. Tao là người trọng nhân nghĩa. Hãy cút đi, hỡi kẻ chuộng vật chất.!
- Đời này mấy kẻ được như mày? Chắc chỉ có một mình mày. Thế mày cứ sống riêng với lý lẽ của riêng mày. Hãy làm bạn với chính mày đi! Và chỉ mình mày thu mình trong cái vỏ nhân nghĩa của mày đi! Tội nghiệp cho mày!
- Hỡi tên hồ đồ, khốn nạn kia! Đừng ỷ thế mạnh vì gạo bạo vì tiền. Hãy coi tao trả đòn đây!
Thế là cả hai đánh nhau. Chúng đánh nhau trên thân xác và linh hồn của mụ. Bọn đàn ông khi ghen cũng chẳng khác gì đàn bà. Những cú đấm, những cú đá, được hai tên đàn ông đem ra thi thố. Hơn cả Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đánh nhau vì nàng Mỵ Nương, hai tên trổ hết sở trường của mình, hòng chiếm tình yêu của mụ. Nhưng cả hai vẫn bất phân thắng bại. Chúng tiếp tục hành hạ mụ. Rồi, chúng lại nguyền rủa mụ: "Em thật là mụ đàn bà khốn nạn!”.
- Tôi không làm đàn bà thì làm giống gì bây giờ? Đàn bà cũng là người mà! Tôi không muốn làm mất quyền làm người, làm đàn bà của tôi, các người hiểu không? Xin các người đừng cướp quyền làm đàn bà, làm người của tôi!- Vừa nói mụ Ba vừa khóc- Các người ác lắm! Tôi làm người, làm đàn bà thì các người thoả mãn ao ước, thèm muốn của các người, thế mà các người chẳng thương tôi gì cả. Các người ác quá!
Hai thằng người cười:
- Chúng tôi thương em nên mới nói thế. Làm người, làm đàn bà khổ quá nên chúng tôi muốn chia sẻ với em mà.
Mụ Ba cười nhạt:
- Chia sẻ à? Hay nhỉ! Các người chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết ăn nhậu, chỉ biết kiếm tiền, khoe tiếng tăm chịu chơi, chứ thèm quan tâm gì đến tôi. Tôi đã thèm những lời phỉnh phờ của các người rồi. Các người đi đi. Tôi chán ngấy các người rồi!
Nói xong, mụ xót thầm cho thân phận mụ. Rồi mụ nghĩ đến thân phận, lại khóc. Mặc cho mụ cất tiếng sụt sịt, hai thằng người chẳng chịu buông tha mụ. Cả hai vẫn tiếp tục đè thân xác mụ. Mụ như nghẹt thở. Tiếng mụ ú ớ trong mơ:
- Bớ... bớ... Hãy để tôi yên! Hãy cút đi! Cút đi cho khuất mắt!
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
Rớt không ngủ được. Cô nghe rõ tiếng mụ Ba mớ trong đêm. Mụ chửi cô ư? Sao mụ xua đuổi cô như thế? Nếu được đi khỏi căn nhà này thì Rớt sẽ đến đâu?... Cô đưa hai bàn tay rờ gương mặt mình. Vẫn vậy! Nước mắt quặn thắt trong lòng Rớt ứa ra, ướt gương mặt cô. Cô nghe rát rạt.
(Hết chương 5)
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 22.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 6
Ở cái xứ sở này, cái xứ sở thường thêu dệt những điều hư hư thực thực. Có kẻ lợi dụng niềm tin của con người để phả vào đấy những điều huyễn hoặc. Biến con người tin lấy tin để vào những thứ là sản phẩm ở tận đâu đâu, đã bỏ đi, làm mục đích, lý tưởng. Như thể người ta đã vẽ những lâu đài, những biệt thự, chung cư, rồi gán cho chúng những tên gọi mỹ miều, là cái đích dành cho những kẻ không nhà. Như thể người ta mang bộ mặt nhân ái qua những lần ủng hộ người nghèo hòng mua danh, hòng trốn thuế. Như thể người ta khoác chiếc áo bình dân vào gương mặt của vị quan tham, rồi tâng bốc, nịnh bợ rằng đó là kẻ có quan hệ tốt với quần chúng, luôn quan tâm với quần chúng, vì quần chúng mà phục vụ. Thế nhưng, quần chúng trở thành một mớ hỗn độn của sự vô nghề nghiệp, đói khát, thất học, của sự bán sức lao động để cầm những đồng tiền từ những người chủ, kể cả bán dâm để tồn tại, để có tiền giúp đỡ gia đình. Và chính quần chúng lại dễ bị mê hoặc bởi những điều cuồng tín từ lãnh đạo, từ kể có quyền.
Cũng bởi cái tính cả tin, cái tính thích người ta tâng bốc, nên quần chúng thích kể chuyện có màu sắc cổ tích. Điều đó biến những con người ở xứ sở này hư cấu nhiều chuyện. Đặc biệt các vị vua chúa, quan lại đều được phủ sắc màu truyền thuyết. Kẻ thì như thánh, người thì tựa thần. Tốt có, xấu có. Đủ cả...
Người ta vin vào chuyện thiên cơ bất khả lậu để rồi đồn đại những con người có sứ mệnh nào đó. Chuyện có hơi hướm của thế giới vô hình thì người ta thích nghe. Như trẻ con hồi nhỏ, hầu như ai cũng sợ ma, nhưng lại thích nghe chuyện ma. Và người ở xứ này cũng thế, rất thích nghe chuyện có dính dáng đến số mệnh, tiên tri, lý số...
Người ta kể rằng ở xứ này, cứ khoảng năm trăm năm, trời đất bừng sáng, hoà trong tiếng nhạc của mặt trăng, mặt trời, thánh nhân ra đời; cứ khoảng năm trăm năm hoa khoe sắc màu, hương thơm của đất hoà quyện thanh khí của trời, có người đẹp sinh ra; cứ khoảng năm trăm năm, đất nổi bùn đỏ, rừng trụi cây, suối sông như máu đen quánh đặc, lại có quỷ dữ ra đời. Cứ thế, thánh nhân, người đẹp, quỷ dữ đều xuất hiện. Lâu hay mau, hay cùng một lúc, mắt trần khó mà hiểu được. Chỉ biết rằng, khi Rớt đẹp, người ta đã ăn mừng là có cô tiên Rớt giáng thế. Và sau cơn giông gió sấm sét năm nào, người ta lại lo âu vì quỷ dữ xuất hiện ở trần gian. Người ta kể chuyện về Rớt như kể một chuyện cổ. Còn Rớt, cô đâu được sống trong thế giới cổ tích. Cô bị ám ảnh những giấc mơ đã qua. Những giấc mơ mạo danh ám ảnh cô. Cô từng nghĩ mình là tiên bị đày đoạ. Có khi rờ gương mặt, cô lại nghĩ cô chính là quỷ. Tâm linh cô luôn hỏi với chính cô và cô tự trả lời như một định mệnh.
- Mày có phải là quỷ không hở Rớt? Hay mày là tiên hở Rớt? Có thể mày vừa là quỷ, vừa là tiên?
- Không, tôi muốn được làm người! Ai biến tôi thành tiên? Ai biến tôi thành quỷ! Sao tôi không được làm người? Các người ác lắm! Tôi chỉ muốn thành người!
Chỉ có đàn kiến trong người Rớt là hiểu được Rớt là quỷ, là tiên hay là người. Nhưng chúng đâu có nói ra điều ấy. Chúng chỉ thích cắn xé thân thể Rớt. Chúng chỉ thích làm tổ trong người Rớt. Dù Rớt là gì đi nữa thì chúng chẳng cần, miễn là chúng có chỗ cắn xé, làm tổ.
Rớt biết làm sao đây? Cô không thể đuổi đàn kiến trong cơ thể cô. Đàn kiến hành hạ cô, làm cô muốn chạy thoát, muốn tìm nơi chốn trú ngụ. Nhưng cô bất lực, bất lực như người chìm đò, bụng chứa nhiều nước nhưng chẳng biết bơi, trong khi những người khác lại níu kéo nhau, chẳng ai có thể cứu ai. Chỉ huơ tay ú ớ. Chỉ chới với trong tuyệt vọng. Cô lấy hết hơi sức thét thật to:
- Hãy cho tôi làm người! Tôi không cần thứ gì cả. Xin đừng cắn xé tôi!
Rớt gào thét trong tuyệt vọng. Tiếng gào thét của Rớt đánh thức mụ Ba. Mụ hoảng hồn thức giấc:
- Gì thế? Gì thế? Mày có im để tau ngủ không?
Mụ có biết đâu Rớt đang nằm mơ. Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
(hết chương 6)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 23.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 7
Mụ Ba ú ớ. Tiếng ú ớ khi bị đàn kiến bu quanh trên thân thể mụ. Mụ bị đàn kiến đốt. Chỉ có sự nhức nhối đến tận tim, nhức nhối lan cả óc. Mụ ngất lịm trong chất độc của lũ kiến. Mụ bị đàn kiến tha đi. Như con mồi bất lực trước hàng vạn, hàng chục vạn con kiến đỏ rực, mụ chỉ còn cách quằn quại, rồi sau đó, mụ thấy hồn mụ như trốn khỏi hiện tại mà trở về với quá khứ. Những hồi ức lại hiện lên trong tâm trí mụ. Không biết có phải lúc tuyệt vọng, người ta thường nghĩ về quá khứ để tìm lại những bình an giờ không còn nữa hay không. Hay tìm về quá khứ để mà thấy rằng một thời họ đã tồn tại, một thời họ chẳng thua ai. Mụ như thấy cái quá khứ huy hoàng như hiện ra. Những ngày xưa đẹp đẽ lại hiện về trong ký ức mụ. Rớt như bằng xương bằng thịt, đẹp dịu dàng trước mắt mụ. Con Rớt ngọc ngà của mụ đang làm nũng với mụ, đang làm nhỏ với mụ.
Mụ đâu quên được Con Rớt độ tuổi trăng rằm tuyệt diệu. Mụ đâu quên được niềm hãnh diện của mụ. Sự sung sướng tuyệt đỉnh của mụ khi Rớt ở tuổi mười lăm, mười sáu. Rớt là con của mụ, cục vàng của mụ. Rớt là tương lai của mụ. Nhiều thằng con trai đã thập thò trước cửa nhà mụ. Đứa nào, đứa nấy đều muốn làm rể mụ. Nhưng con Rớt nhà mụ đang độ lớn, không lẽ gã chồng cho nó sớm. Mụ cũng phải giữ nó lại để mà nhìn ngắm nó chứ. Dễ gì mụ gả nó nhanh. Phải xứng đáng đồng tiền bát gạo chứ!
Mỗi lần mụ gánh bánh bèo đi bán, bọn con trai đều nhìn mụ, đối xử với mụ như đối xử với mẹ của chúng. Bọn chúng gọi mụ bằng má. Thế mới sướng chứ! Có một đứa con gái mà bọn con trai, đàn ông đều muốn làm con của mụ. Chúng lễ độ không thể chịu được. Những khi ăn bánh xong, chúng đều tìm cách biếu thêm tiền cho mụ. Chúng lấy lòng mụ. Đứa nào cũng tỏ ra biết điều với mụ. Chúng như thật thà, hoặc giả bộ thật thà trước mụ. Mụ nhớ như in, một hôm đang ngồi chờ khách, bên tai mụ có tiếng ồm ồm:
- Thưa má, bán cho con ít chén bánh bèo đi!
Mụ ngẩng đầu lên nhìn khách. Ồ! Tên Bạc! Tên Bạc cũng xưng con, xưng má với mụ. Ô hay! Lạ chưa từng thấy. Mụ hỏi tên Bạc với vẻ nghi ngại:
- Ông mà cũng ăn bánh bèo ư?
Tên Bạc cười hì hì lấy lòng:
- Đói thì phải ăn chứ má!
Mụ háy dài một tiếng, rồi nói:
- Ông thèm gì thứ bánh này?
Bạc xuống giọng than:
- Má nghi oan cho con rồi.
Mụ cười nhạt:
- Oan cho ông ư? Ông không nhớ sao? Ông nhớ lại chuyện ông đã làm đi!
Bạc cúi mặt, rồi nói nhỏ như biết lỗi:
- Tha cho con đi má! Con cố quên rồi mà.
- Quên?- Mụ cười- Tôi thì tôi nhớ rất rõ.
Mụ nhìn Bạc. Mụ như thấy lại chuyện đã qua. Hôm ấy khoảng một giờ chiều, sau khi chuẩn bị xong, mụ gánh bánh đi bán. Như mọi lần, mụ cất tiếng rao: "Ai ăn bánh bèo không?... Bèo không?...”
Tiếng rao ngân dài, trở thành âm thanh quen thuộc.
Mụ gánh bánh đi ngang qua nhà Bạc. Nhìn ngôi nhà là biết ngay gia chủ. Đây là ngôi nhà đẹp nhất vùng. Và chủ của nó cũng là người có tiếng giàu có nhất vùng. Thức ngon vật lạ Bạc đều đưa vào miệng cả. Bữa hôm đó, Bạc đã no đến nỗi ngất ngư. No đến buồn ngủ. Đang chập chờn khi cơn buồn ngủ kéo đến, thì tiếng rao bánh bèo đã đánh thức Bạc dậy. Tiếng rao bán đã quấy hắn, làm cho hắn mất giấc ngủ trưa.
Hắn ta bực mình. Đang nằm trên chiếc ghế bố, hắn ngồi dậy, chạy thẳng ra cổng, chẳng nói chẳng rằng, chặn đầu mụ Ba lại. Mụ Ba tưởng hắn thèm bánh bèo, bèn hỏi:
- Ông ăn chứ?
- Ăn nè!- Vừa nói hắn vừa đá vào gánh bánh bèo. Nước mắm, nhân văng tung toé. Từng chiếc bánh lăn trên đất. Mụ Ba hoảng hốt. Sau đó, trấn tĩnh lại, mụ bắt đầu chửi bới:
- Đồ chết bằm! Đồ... Đồ dốc tướng!... Mày tưởng mày giàu có rồi muốn làm gì thì làm à? Mày có đền bánh bèo cho tau không?
Bạc tức tối:
- Mụ im mồm mụ đi! Suốt ngày cứ lãi nhãi "bánh bèo bánh bèo”. Không có bánh bèo của mụ thì có ai chết đói đâu.
Mụ Ba xắn tay áo nói:
- Tau bán bánh bèo chứ có bán mã cha mày đâu mà mày không cho tau bán.
Bạc cũng không vừa, hắn la to lên:
- Mụ ăn nói thế hở? Mụ tưởng ai cũng để cho mụ chửi chắc. Thằng Bạc này không để cho mụ ăn nói thế đâu.
Mụ thách thức:
- Mày muốn làm gì tau thì làm! Làm đi! Tau đố mày đó! Mày có đền bánh bèo cho tau không?- Vừa nói mụ vừa xắn quần lên. Rồi, mụ bức tóc mụ. Mụ vỗ đành đạch vào mông, vào ngực, vào háng mụ:
- Bà con làng nước ơi! Tôi có làm gì nó đâu mà nó để bánh bèo của tôi!- Mụ đấm ngực mụ- Mày có đền bánh bèo cho bà không? Có đền không hở trời?
Mụ chạy sát lại người Bạc. Hắn ta vừa lùi vừa giơ tay muốn ngăn mụ. Nhưng mụ cứ xấn tới. Không còn cách nào khác, cuộc ẩu đả đã xảy ra...
Nghe mụ nhắc lại chuyện cũ, bưng chén bánh bèo trên tay, Bạc đấu dịu với mụ:
- Má giận con hoài sao má?
Không nhìn Bạc, mụ nói:
- Ai dám giận cậu.
Bạc nài nỉ:
- Con xin má mà!
Một lát sau, thấy mụ Ba không nhắc lại chuyện cũ, Bạc lấy làm yên tâm. Hắn muốn lấy lòng mụ, vừa ăn Bạc vừa khen:
- Ngon, ngon thật!
Mụ Ba ngạc nhiên:
- Ông mà cũng khen ngon?
Bạc thấy giọng mụ Ba không khó chịu, bèn nói nịnh:
- Bánh má bán ngon nhất xứ này. Tiếng đồn "Bánh bèo bà Ba” ai mà không biết.
Cái thói đời nghe nịnh thì sướng rêm người. Mụ Ba nở to lỗ mũi, hí hửng ra mặt. Nhưng mụ giả đò chẳng để ý đến lời của Bạc. Nhìn Bạc ăn, mụ nói:
- Bấy lâu nay, mấy khi ông ăn. Sao bây giờ ông lại thích ăn?
Vừa nhai, Bạc vừa nói:
- Dạ, tiếng đồn mà má. Với lại ăn để biết ngon đến đâu.
Mụ Ba hỏi:
- Ông cảm thấy ngon như thế nào?
- Ngon!- Vừa húp tí nước mắm cay cay, Bạc vừa nói- Ngon thật! Bánh này ngon số dách má à. Chắc cô Rớt phụ giúp má làm?
Mụ cười, nói:
- Ừ! Nó chỉ nhìn thôi, chứ có phụ giúp gì đâu.
Bạc chép miệng:
- Chỉ nhìn thôi mà bánh lại ngon. Lạ thật!- Hắn sực tỉnh nói to- Bánh ngon thật!
Kể từ đó, biết mụ có Rớt đẹp, nên Bạc tìm cách gần mụ để có dịp lấy lòng mụ. Dẫu bánh bèo là thứ ăn chơi, thế nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, Bạc đều ăn bánh bèo của mụ Ba thế cơm. Dần dần, Bạc thân thiết với mụ. Lâu lâu, Bạc mua ít thước vải, ít quà biếu mụ. Không biết có phải những thứ quà đã cảm hoá được tình cảm của mụ đối với hắn hay không, nhưng kể từ đó, mụ lại thân thiện với Bạc. Thấy chiều hướng có thay đổi, thấy có vẻ thuận tiện, Bạc tìm cách nói chuyện với mụ Ba để tìm hiểu Rớt. Bạc dạn miệng, bạo mồm lắm. Cho nên, chẳng cần úp mở gì cả, Bạc đã đặt thẳng vấn đề là muốn làm rể mụ. Nghe Bạc nói thế, mụ chỉ cười. Đâu phải mình Bạc muốn làm rể mụ. Có khối thằng cũng nói như Bạc, cũng muốn làm rể mụ. Dại gì trả lời lúc này. Mụ cũng tính đi tính lại là chẳng nên nhận lời một ai cả. Trong lòng, mụ muốn chọn thằng rể sao cho xứng với nhan sắc có một không hai của con gái mụ.
Ngày lại ngày đều có kẻ cầu hôn, hoặc úp hoặc mở. Ban đầu, mụ khoái bao tử lắm. Nhưng nghe đi nghe lại cũng những lời ấy, mụ bắt đầu nhàm chán. Mụ phải tính thiệt hơn trong việc chọn rể chớ. Người ta thường nói có con gái lớn trong nhà như có bom nổ chậm. Riêng mụ thì thấy khác. Có đứa con gái đẹp trong nhà chẳng khác gì có một hủ vàng. Phải biết tiêu xài số vàng ấy sao cho nó càng ngày càng sinh lợi. Giá sắc đẹp càng ngày càng tăng. Có thế thiên hạ mới tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp: từ người đẹp làng xã đến người đẹp công sở, từ người đẹp đồng nội đến người đẹp thị thành, từ người đẹp áo dài đến người đẹp áo tắm... Ai ai cũng quý sắc đẹp. Sắc đẹp trở thành thứ hàng hoá có giá trị. Người ta tung hô sắc đẹp. Sắc đẹp có thể trở thành sự từ thiện, trở thành cứu cánh. Là đàn bà, mụ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Cho nên mụ tính đi tính lại là không thể dễ dàng với bọn đàn ông. Dễ dàng thì bọn họ cho Rớt là của hôi sao. Với sắc đẹp ấy, mụ không lo lắng gì về đường chồng con của Rớt. Vì thế, mụ mặc cả với những tên đàn ông đến cầu hôn Rớt.
Biết được mụ có tính thích chiều chuộng- mà đã là đàn bà thường thích ưa chiều chuộng- nên Bạc tìm cách lấy lòng mụ:
- Má nè! Má về ở luôn nhà con đi má!
Mụ Ba cười, trả lời:
- Thế tau bỏ con Rớt cho ai?
Bạc cười tấn công:
- Thôi thì cho em về ở luôn với con.
Mụ Ba ngẫm nghĩ, nói nửa giỡn nửa thật:
- Mày nói sao dễ vậy. Nó là ngọc, là ngà đấy. Phải rước nó chu đáo, cho đẹp mày, đẹp mặt chứ!
Bạc nuốt nước bọt, xoa xoa bàn tay, cười nói:
- Dạ, con muốn lắm. Chỉ sợ má không cho phép.
Mụ quay mặt, giấu nụ cười đắc ý:
- Cũng dễ thôi. Nhưng nhớ có người coi nó như cành vàng lá ngọc đấy?
Bạc cười xởi lởi:
- Dạ con biết điều đó. Thế má cho con định ngày ăn hỏi được không má?
Im lặng một lát, mụ nói như thể chẳng cần:
- Đâu dễ thế! Cưới hỏi có tới những sáu lễ kia.
Bạc ngạc nhiên hỏi:
- Sao nhiều thế?
Mụ kể một hơi rõ to, rồi nói:
- Đúng là sáu lễ.
Sau đó mụ nói một hồi. Đại khái nếu Bạc tiếc vàng thì mụ cũng chẳng cần. Có khối thằng nhòm ngó sắc đẹp của Rớt, chứ đâu chỉ mình Bạc. Ngẫm đi ngẫm lại, Bạc thấy mụ nói cũng có lý. Dẫu tiếc vàng, nhưng không thể không cần cái sắc đẹp mê hồn của Rớt. Cuối cùng, Bạc đặt cọc sáu chỉ vàng cho mụ Ba, gọi là tiền cược Rớt sẽ là vợ tương lai của hắn ta. Mụ Ba hài lòng lắm. Nhưng mụ chưa chấp nhận ngày ăn hỏi. Tự nhiên mụ có sáu chỉ vàng nhờ sắc đẹp của Rớt.
Từ đó, mụ cưng Rớt như cưng trứng. Mụ không cho Rớt làm thứ gì cả. Mụ bắt Rớt suốt ngày ngồi trước gương, chỉ có việc trang điểm và nhìn ngắm sắc đẹp. Mụ mua son phấn về, bắt Rớt điểm tô sao cho xứng là cô tiên Rớt. Chưa hết, mụ bắt Rớt đến các viện uốn tóc, làm những kiểu tóc hợp thời. Móng tay, móng chân của Rớt lúc thì tô màu đỏ, lúc thì tô màu tím, lúc thì tô màu đen... Ôi thôi đủ màu đủ sắc trên các móng của Rớt!
Mỗi lần đi bán về, khi mụ đặt gánh bánh bèo ở nhà dưới thì Rớt mới rời chiếc gương ra đón mụ.
- Mẹ! Mẹ xem con có đẹp không?
Đứng nhìn ngắm Rớt một hồi lâu, mụ sướng cả người. Mụ gật gật cái đầu ra chiều thích thú:
- Đẹp! Đẹp lắm! Con của mẹ đẹp lắm!
Nói xong, vẫn chưa hết sướng, mụ đứng lặng giờ lâu chiêm ngưỡng sắc đẹp của Rớt. Đến khi mỏi cả mắt, mụ mới nói:
- Thôi, con cứ nhìn ngắm, trang điểm gương mặt con đi! Để mẹ đi lo cơm nước.
Rớt làm nũng:
- Mẹ để đó con nấu!
Mụ nguýt yêu Rớt:
- Con nấu cơm làm gì. Cứ để đó cho mẹ. Cứ lo sắc đẹp đi! Nó có giá hơn vàng bạc đó con ạ.
Rớt như thể ngây thơ, hỏi:
- Hơn cả vàng bạc?
Mụ Ba gật đầu:
- Hơn cả vàng bạc là đương nhiên. Nó đẻ ra cả ngọc ngà châu báu nữa đó!
Rớt để hai tay trước bụng, ẹo qua ẹo lại:
- Thật không mẹ?
Mụ Ba cười:
- Cái con này! Mày không tin mẹ mày sao? Chỉ cần lo sắc đẹp là có vàng, có bạc thôi, con ạ! Con cứ lo sắc đẹp thì mẹ mới được nhờ.
Rớt vân vê cái áo, lộ cả cái eo trắng nõn trắng nà, cười:
- Sao con cảm thấy kỳ kỳ mẹ ạ.
Mụ Ba dứt khoát nói:
- Mẹ buộc con phải chăm lo sắc đẹp!
Rớt tự tin:
- Bộ mẹ cho con không đẹp sao? Cần gì phải chăm sắc đẹp.
Mụ Ba ra mặt giận:
- Cái con này! Dù có sắc đẹp, nhưng không chăm thì cái đẹp cũng chẳng có giá đâu. Phải chăm mới có vàng, có bạc con à!
Thấy Rớt vẫn trố mắt nhìn miệng mụ nói, mụ liền giảng giải tiếp:
- Đương nhiên là thế rồi. Ai không muốn nhìn cái đẹp. Nhất là bọn đàn ông! Bọn họ háo sắc lắm. Chỉ cần mình đẹp là bọn họ bu quanh để nịnh, lấy lòng đủ thứ. Có khi họ chết mê chết mệt với mình.
Rớt vẫn vân vê tà áo, cúi mặt nói:
- Nhưng con cảm thấy kỳ sao ấy!
Mụ nhỏ giọng từ tốn như dồn vào đó lời tâm huyết của mụ:
- Con phải biết, sắc đẹp là vĩ khí lợi hại của đàn bà. Phải dùng nó để làm chết mê chết mệt bọn đàn ông – ngừng giây lát, mụ Ba tiếp lời – Con không muốn sướng sao?
Rớt cười:
- Sao mẹ nói thế? Sướng ai lại không muốn.
Mụ Ba khuyên:
- Muốn sướng thì phải đẹp. Con phải thực hiện đúng như lời mẹ dạy, nghe chưa?
Rớt bỏ tay khỏi vạt áo, cúi đầu:
- Dạ! Con nghe lời mẹ.
Rớt lại ngồi trước gương. Mụ Ba nhìn Rớt hài lòng. Nó nghe lời mụ là mụ có thể hái ra hàng khối vàng là vàng. Muôn đời nay, sắc đẹp luôn có giá. Sắc đẹp có thể cứu con người, sắc đẹp có thể đem lại bao điều tốt đẹp với con người. Đàn bà dù không được đẹp, nhưng họ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Và mụ cũng thế. Mụ biết rất rõ sắc đẹp của Rớt có thể cứu mụ, có thể đem lại điều sung sướng cho mụ. Sắc đẹp của Rớt sẽ là bạc, là vàng của mụ. Quả thật vậy! Nghĩ tới đó, mụ sướng rêm cả người. Mụ thấy vàng đang chảy vào túi mụ. Mụ thấy vàng từ từ chọn túi mụ mà vào. Trước tiên là thằng Bạc tự dưng đưa mụ sáu chỉ... Còn... sẽ còn vô số vàng tiếp tục chảy vào túi mụ. Mụ tất bật lo cơm nước cho Rớt. Mụ cứ khen Rớt đẹp, đẹp đến nỗi đẻ ra vàng. Bọn đàn ông sẽ chết vì nó. Bọn đàn ông sẽ điêu đứng... Ôi!.. Bọn đàn ông... Mụ thốt không ra lời. Trong tâm trí mụ, hình ảnh hai thằng đàn ông đã từng ăn nằm với mụ hiện ra. Chúng hiện ra khi mụ đang nấu cơm, chập chờn theo ngọn lửa. Mụ nấu cơm mà nhìn rõ mặt hai thằng người... Bọn chúng đấy ư? Chúng chỉ biết có đàn bà. Chúng chập chờn trong óc mụ. Quỷ quái cho chúng!
Cũng trong ánh lửa... Thi hiện lên. Đầu tóc rối, bời bời. Tóc anh ta đang hoá trắng. Từng sợi rụng dần, may mà chưa rụng hết, không thì anh ta hoá thành sư mất. Tóc anh chỉ còn lơ thơ làm bạn với gương mặt đăm chiêu như mọi khi. Mắt đượm buồn, và những giọt nước mắt trào ra như thể anh khóc cho số phận con người. Anh đọc thơ, những vần thơ tỏ tình với mùa xuân, với người đẹp. Rồi lời thơ như than, như khóc cho kiếp người. Mụ Ba nghe lời thơ của Thi reo trong lửa...
Và kìa, trong ánh lửa... Thằng điên hiện lên. Mụ thấy nó trần truồng. Nó nhảy múa theo tiếng reo của lửa. Nó huơ tay, huơ chân theo ánh lửa, miệng hát những điệu ca ngô nghê. Và rồi, trong cái miệng ấy, một cái lưỡi trườn ra đớp không khí. Cũng cái miệng ấy hiện lên nụ cười ngây dại. Nó cười nụ cười thuở man khai...
Và trong ánh lửa, mụ Ba thấy rõ gương mặt của thằng Bạc. Gương mặt của nó ánh lên sắc vàng. Gương mặt như được dát vàng, hợm hĩnh. Cả người nó là vàng trong lửa. Quả vậy!... Nó đã đem vàng để thử mụ. Mụ đã hài lòng. Và mụ đã đem Rớt nhử nó... Nó cũng hả lòng...
Ngọn lửa ẩn hiện gương mặt của những thằng người và dần dần hoá thành đàn kiến. Chúng đang hành hạ mụ. Chúng sôi lên, trào lên, ùn ùn cắn xé Rớt và cắn xé mụ. Người mụ đỏ như ngọn lửa. Đàn kiến bu đầy người mụ, đốt cháy từng thớ thịt, đang thiêu dần mụ. Chính đàn kiến trong người Rớt đã hành hạ mụ. Mụ nghe Rớt nói với giọng trân tráo:
- Nè! Tôi báo cho bà biết: Bà đừng lợi dụng sắc đẹp của tôi. Đừng lợi dụng người khác để làm ra tiền, bà biết không?
Mụ mở mắt nhìn Rớt ở giường bên. Không phải là Rớt của mụ. Chỉ có con quỷ cái Rớt với đôi mắt rực lửa, đang nhìn chằm chằm, hành hạ mụ.
(hết chương 7)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 24.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 8
Dưới mắt Rớt, hàng trăm tên đàn ông, hàng vạn tên đàn ông đang nhìn ngắm cô. Tất cả gương mặt của họ đều ánh lên nỗi khao khát muốn làm chủ cô. Mắt họ như ngây, như cuồng si trước vẻ đẹp của cô.
Ôi! Đây là gương mặt của Rớt. Gương mặt mà bấy lâu nay cô khao khát- gương mặt của công chúa Rớt. Đúng là gương mặt của công chúa. Mọi đàn ông như khờ dại, đờ đẫn trước sắc đẹp của công chúa Rớt. Tất cả bọn họ không còn tự chủ được con tim. Như những fan hâm mộ đang cỗ vũ thần tượng của họ trên sân khấu, chỉ có tiếng la, tiếng tung hô của bọn đàn ông trước sắc đẹp của nàng công chúa Rớt có một không hai trên thế gian này.
Bên tai cô vọng lên những lời như sôcôla Mỹ, như rượu nho Pháp:
- Ôi, sao nàng đẹp mê hồn vậy?
- Trời ơi! Nàng đã cướp mất hồn ta rồi!
- Nàng là vị thần sắc đẹp!
- Trời ơi, ước gì nàng để ý đến ta!
- Ta yêu nàng mất! Ta sẽ chết vì nàng.
Và bọn họ cố gắng làm thơ ca ngợi sắc đẹp của Rớt. Họ cố gắng soạn nhạc hát về sắc đẹp của Rớt. Họ tỏ tình với Rớt qua những vần thơ, lời ca của văn nghệ. Họ mong Rớt rủ lòng thương yêu họ. Nhưng Rớt chỉ nhìn họ với con mắt dửng dưng.
Ở trong lòng Rớt trổi lên lòng nghi ngại họ, nghi ngại bọn đàn ông hiếu sắc đã cố tỏ tình. Cô có lạ gì bọn đàn ông khốn khổ ấy. Họ yêu đấy! Rồi họ ghét đấy! Thứ bọn đàn ông chỉ biết có sắc đẹp thì có còn chung tình với người nào đó khi gương mặt của người ấy không còn đẹp.
Rớt thầm nghĩ, nếu cô xấu thì chắc gì bọn đàn ông ấy tung hô sắc đẹp của cô. Cô đã thấm nỗi đau ê chề khi mang gương mặt quỷ. Cô trách bọn họ ư? Mà trách sao được khi lòng người mong muốn cái đẹp, hướng đến cái tuyệt mỹ của tạo hoá dành cho con người. Cô xấu, chắc bọn họ tránh cô như tránh một thứ dịch bệnh. Cô đẹp, với sắc đẹp của nàng công chúa thì bọn họ bu quanh như đàn kiến bu quanh con mồi. Đương nhiên là thế. Họ bu quanh để chiêm ngưỡng, tâng bốc cô. Không lẽ cô trách họ?
Sắc đẹp của cô đã hớp hồn họ. Họ cần có chút nụ cười của cô. Họ cần một chút ánh mắt của cô, dù cô có nhìn hay không nhìn họ. Chỉ cần có thế là họ như ngây dại, vì nghĩ rằng cô ngó ở đâu đó cũng là như ngó họ, như dành tình cảm cho riêng họ.
Cô cũng thấy thích sự tâng bốc, nhất là sự tâng bốc của đàn ông. Cô cảm thấy những lời tâng bốc ấy hay hay. Nó như liều thuốc làm cô dịu bớt cơn đau mà bấy lâu nay cô phải mang trong gương mặt của quỷ. Cô giả đò không thích. Nhưng sự thật là cô thích những lời tán tụng của họ. Dù là công chúa, cô cũng có trái tim của một con người, nhất là trái tim của đàn bà, con gái. Đẹp! Rất thích! Nó là tiêu chuẩn số một, không những đàn bà, con gái thích mà cả bọn đàn ông đều thích. Đàn bà làm đẹp cũng cốt để cho đàn ông ngắm. Rớt sung sướng khi bọn đàn ông khen cô đẹp. Nhiều tên đàn ông đều muốn lấy Rớt. Điều đó làm cô phân vân, lo âu. Liệu cô sẽ lấy ai làm chồng. Và người chồng ấy sẽ như thế nào, sẽ sống thế nào với cô cho trọn cuộc đời. Lúc cô xấu, liệu hắn ta có còn yêu cô nữa không?
Hay họ thích ngôi vị phò mã mà tâng bốc cô. Ngôi vị ấy dành cho tên đàn ông nào trong số họ.
Không biết bọn họ thích ngôi vị phò mã hay là thích con Rớt của bà Ba bán bánh bèo? Nếu Rớt kế tục nghề của mụ Ba thì ai tâng bốc Rớt? Bọn họ sẽ đối xử với cô như thế nào? Hay chỉ là lời ca tụng suông về sắc đẹp mà không dám hy sinh vì sắc đẹp ấy?
Ôi! Bọn đàn ông! Bọn người chỉ biết có địa vị, công danh và sắc đẹp. Bọn chỉ biết rượu chè và của lạ! Bọn đàn ông ấy mà! Chúng là cái thớ gì ở cuộc đời này, mà khiến đàn bà con gái có lúc phải khốn đốn, chết đứng, chết ngồi. Không lẽ tất cả bọn đàn ông đều như vậy? Rớt không tin điều ấy như cô không tin rằng mình là con quỷ Rớt. Cô tin mình đẹp và niềm tin của cô đã biến cô thành công chúa Rớt. Cô cũng tin rằng sẽ có một người đàn ông nào đó đến với mình bằng tình người. Không vụ lợi gì cả.
Thấy mọi người bu quanh tâng bốc, Rớt khó chịu. Cô khoát tay xua bọn họ:
- Các người hãy đi đi! Xin các người đừng quấy rầy ta!
Cả bọn cúi đầu. Một con mắt nhìn xuống đất, một con mắt he hé nhìn vào gương mặt Rớt, nói:
- Thưa công chúa! Chúng tôi ngưỡng mộ công chúa nên chúng tôi mới đến đây. Xin công chúa đừng xua đuổi.
Rớt cười nhạt:
- Ngưỡng mộ ta! Ta là cái gì ở cuộc đời mà các ngươi ngưỡng mộ?
Dù Rớt cười không thiện cảm, nhưng bọn đàn ông, riêng từng người nghĩ, là cái cười ấy dành cho ai đấy chứ không phải là mình. Do vậy, họ vẫn tin rằng Rớt đang để ý đến họ, nên họ đồng thanh lên tiếng:
- Chính sắc đẹp của công chúa đã cuốn hút chúng tôi đến. Chính công chúa đã mê hoặc chúng tôi. Công chúa hiểu điều đó chứ?
Rớt cười hỏi:
- Công chúa mà có sức mạnh thế à?
Mắt vẫn nhìn xuống đất một con, nhìn Rớt một con, bọn họ nói trong mê cuồng:
- Không phải công chúa có sức mạnh. Mà chính sắc đẹp và địa vị của công chúa tạo nên sức mạnh. Xin công chúa chọn người trong chúng tôi làm chồng.
Rớt hỏi:
- Chồng ư? Để làm gì? Các người có yêu ta đâu!
Từ lồng ngực của bọn họ phát ra âm thanh của bầy đàn:
- Rất yêu! Chúng tôi rất yêu công chúa.
- Yêu ta ư?- Rớt ngạc nhiên trước lời nói của bọn họ.
Chưa bao giờ Rớt được nghe tiếng yêu từ đàn ông. Nhiều lần Rớt khao khát, thèm ai đó nói tiếng yêu thương với mình. Nhưng có ai thèm nói chuyện với cô- người con gái mang mặt quỷ. Chỉ đến bây giờ, Rớt mới nghe được tiếng yêu thốt ra từ cửa miệng của bọn đàn ông. Họ đang nói tiếng yêu với Rớt- cô công chúa đang hớp hồn họ. Rớt thầm nghĩ, họ yêu Rớt, nhưng tình yêu ấy có thật sự vững không? Rớt cũng không hiểu nổi. Cô đang tự dằn vặt với chính mình. Trong khi cô phân vân, không biết bọn họ có thật lòng yêu không thì tất cả bọn đàn ông đều cất tiếng nói một lượt: "Xin nàng hãy chọn tôi làm chồng!”. Rớt nhìn quanh, thấy hai tên đàn ông trong số bọn họ vẫn im lặng. Đó chính là Thi, tên của thằng đàn ông làm thơ tặng nàng khi nàng ở độ tuổi mười lăm, mười sáu. Và kẻ kia, chính là thằng điên thường chạy tồng ngồng ngoài đường- cái thằng điên chỉ biết cười, cái nụ cười ngây dại.
Đặc biệt tên Bạc, tên giàu có nhất ở vùng, tên đã dám bỏ một lần sáu chỉ vàng để lót đường cầu hôn khi cô mới lớn, thấy Rớt là công chúa, hắn sung sướng ra mặt, y như cô là vợ chưa cưới của hắn ta. Hắn huyênh hoang nói với mọi người chung quanh:
- Các người hãy xê ra! Chính tau là người đầu tiên dạm ngỏ công chúa. Các người có nghe tau nói không?
Bọn đàn ông đáp lại:
- Láo khoét! Mày là thứ gì mà dám nói như vậy? Chúng ông đập vỡ sọ mày bây giờ!
Bạc hùng hồn, tiếp tục nói:
- Tau là thứ gì à? Các người cứ tỏ tình với công chúa Rớt đi! Cứ tỏ tình đi! Tau thách đó! Cứ tỏ tình cho mỏi miệng đi. Cứ tỏ tình cho khô cuống họng đi! Các người biết không? Nàng là của tau. Tau bỏ vàng ra, tau chắc chắn sẽ chung sống với nàng. Tau sẽ bỏ thật nhiều, nhiều ơi là nhiều vàng để cưới nàng. Tau sẽ là phò mã cho thiên hạ biết tay.
Tiếng la ó:
- Đồ rởm! Đồ chỉ thị có vàng!
Bạc vỗ ngực, nói:
- Tau có tiền, có vàng thì tau cứ khoe. Ai làm gì tau nào?
Một tên đàn ông ở gần Bạc, lên tiếng:
- Thưa công chúa! Công chúa có yêu tên Bạc này không?
Nghe thấy thế, Rớt cười nói:
- Yêu? Hắn là cái thá gì mà ta phải yêu? Không đời nào ta yêu nó! Đã là công chúa thì ta thiếu gì tiền bạc mà phải lệ thuộc hắn.
Nhiều tiếng la, nhiều âm thanh chửi Bạc:
- Đó! Mày có nghe rõ không hở Bạc? Công chúa chẳng cần tiền, cần vàng của mày đâu.
- Mày hãy cút xéo đi! Công chúa không phải của riêng mày.
- Hãy cút đi! Đừng mơ tưởng tới công chúa nữa!
- Mày chỉ có vàng có bạc, chứ mày có đẹp trai đâu. Đừng hòng công chúa để ý đến mày.
- Mày có học thức đâu mà công chúa thương yêu mày!
Bạc ngạc nhiên hết sức. Chưa bao giờ hắn bị một vố cay như vậy. Nhiều lần, trăm lần như một, hắn chỉ cần bỏ ra ít tiền là bọn con gái bu theo hắn như điếu đổ. Miệng lưỡi bọn con gái ngọt xớt với Bạc. Chúng nằm trong vòng tay của Bạc. Vừa đút thịt, vừa nâng ly cho Bạc uống. Bạc vừa ăn, vừa uống, vừa cười, vừa hôn, vừa thọc lét bọn chúng. Bọn chúng chỉ biết có anh Bạc là số dách. Chỉ có anh Bạc là chơi đúng điệu. Còn lúc này đây, khi đối diện với công chúa Rớt, Bạc thấy mình bị đá một vố thật đau. Mà cũng đáng cho cái đời thị tiền, thị của. Là công chúa, nàng đâu cần những thứ ấy. Bạc vừa nghĩ vừa lo làm sao chiếm được tấm thân ngà ngọc ấy. Bạc lục soát cả bộ óc, nhưng trống rỗng... Bạc lục đi lục lại, chỉ thấy những đồng tiền, những chỉ vàng, những miếng vàng lá... Không thêm được một chút thông minh trong việc này! Chỉ thấy tiền, thấy vàng thì làm sao thông sáng trong tình yêu. Bạc muốn đánh đổi tất cả để có chút thông minh, để tán tỉnh Rớt, để được gần tấm thân kiều diễm ấy. Nhưng làm sao đây?
Bạc bức đầu, vò tóc, nhưng hắn ta vẫn không làm cho Rớt động lòng.
Bọn đàn ông mừng rỡ vì đã đánh được địch thủ là Bạc. Bọn họ đang mừng reo thắng lợi. Thấy bọn người như si cuồng, như bầy người động cỡn, trong lòng Rớt dâng một nỗi nghi hoặc về bọn đàn ông. Rớt thầm nghĩ: "Được! Ta sẽ thử bọn họ mới được”.
Một căn phòng được dựng lên, đúng là căn phòng của bậc trâm anh.
Bọn người vui mừng. Họ sẽ vào để công chúa coi mắt và để ngắm công chúa Rớt.
Từng tên đàn ông được vào diện kiến công chúa Rớt cho thoả lòng mơ ước của họ. Gương mặt người nào người nấy đều khác lạ hơn ngày thường.
Từng người vào... Từng người ra... Từng người vào... Từng người ra... Cứ thế...
Thi cũng được vào. Mắt chàng cứ đăm chiêu khi bước ra khỏi phòng.
Thằng điên cũng được vào. Bước ra, nó chỉ cười. Và cười khan khi mọi người hỏi về sắc đẹp của Rớt.
Bạc cũng vào. Hắn ta ôm đầu khi bước ra khỏi phòng. Mặt tái mét, không còn giọt máu. Khi mọi người hỏi về sắc đẹp của Rớt, hắn chỉ đáp một câu gọn lỏn:
- Quỷ cái!
Và từ lồng ngực của bọn đàn ông- trừ Thi và thằng điên- thốt lên:
- Quỷ cái!
Nghe hai tiếng "quỷ cái”, Rớt thấy rõ bộ mặt thật của bọn đàn ông. Cô căm tức họ. Họ đã xúc phạm cô thì cô phải trả thù cho họ biết tay.
Lệnh của công chúa Rớt được thi hành. Một thứ lệnh thật oái oăm cho đàn ông.
Ôi! Khi công chúa trả thù, thì phải biết! Chỉ có hai người được tha là Thi và thằng điên. Còn tất cả đều bị trị tội. Dương vật của bọn họ bị cắt sát xương mu, bỏ vào lò đốt.
Những khúc gân nở bung trong lửa, sau đó nghe xèo xèo như khúc dồi bị nướng. Bị lửa thiêu dữ dội, từng khúc hoá thành tro. Nhìn của quý rụi dần, bọn đàn ông than tiếc. Tiếng khóc than tiếc của đời nghe thảm thê, não nề.
Thi đăm chiêu tìm tứ thơ...
Thằng điên ngô nghê cười...
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
(hết chương 8)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 25.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 9
Đàn kiến ùn ùn kéo đến nhà Thi. Chúng vây quanh anh. Thi hoảng sợ, không biết mình có phạm tội gì không mà bị kiến bao quanh như vậy. Anh la to tiếng:
- Tôi có tội tình gì mà các ngươi đến bu quanh như vậy?
Nghe anh lên tiếng, đàn kiến cười ngất. Chúng kết thành cái miệng cười đỏ như thuốc nhuộm nấu sôi. Chúng đồng thanh lên tiếng trấn an:
- Chúng tôi đến đưa nhà thơ đến với một người thèm nghe thơ.
Anh ngạc nhiên hết sức. Dễ gì đời này còn có kẻ thích thơ, chứ nói gì đến chuyện thèm nghe thơ. Quả là lạ? Suốt cả đời làm thơ, đây là lần đầu tiên anh được biết có kẻ thèm thơ. Lòng anh vui vui. Không vui sao được khi trên trần gian này còn có kẻ cần thơ. Nhiều lần làm xong bài thơ, đọc cho ai đó nghe, nhưng nào có ai để ý chứ nói gì đến chuyện thèm. Lần này, được đi đọc thơ chắc là vui lắm, sướng lắm. Không chờ đàn kiến nói thêm, anh đề nghị:
- Hãy cho tôi đi gặp người thèm thơ đi!
- Được thôi!
Nói xong, đàn kiến kết thành chiếc võng đưa Thi đi. Chúng khiêng anh như khiêng một ông hoàng của nghệ thuật. Anh nằm yên, ngửa mặt lên trời, nhìn các vì sao di động. Bọn kiến đưa anh đến gặp Rớt. Ngạc nhiên, anh hỏi:
- Sao lại đưa tôi đến đây? Đây là người thèm thơ tôi?
Đàn kiến cười, dỗ ngọt Thi:
- Đúng vậy. Chỉ có Rớt mới thèm thơ. Dễ gì có người thèm thơ như Rớt. Chắc nhà thơ biết ai là kẻ thèm thơ?
- Dĩ nhiên là tôi biết. Nhưng, không lẽ người như Rớt mà lại thèm thơ sao?
- Đúng là cô ấy thèm thơ hơn bất cứ ai trên đời này. Chỉ có người khổ đau tột cùng mới cần thơ như cần thứ linh dược để cứu rỗi mình. Rớt thèm làm người, nên thèm thơ là chuyện thường. May mà có kẻ thèm được làm người, nên mới thèm thơ. Hãy đọc cho cô ấy thưởng thức đi!
Thi ngẫm lời bọn kiến có chỗ đúng. Anh thấy thơ của mình còn có chỗ để đọc là vui rồi. Còn có người nghe thơ, đó là điều hạnh phúc với Thi. Anh cất tiếng đọc. Lời thơ của anh kết tụ lời của nhân gian, kết tụ lời của cõi ta bà, kết tụ bởi âm hưởng từ cõi xa xăm, từ lời chân thật. Lời thơ như tiếng khóc, tiếng cười, như cả linh hồn thương đau, nguyện cầu an bình cho cả thế gian...
Rớt nghe Thi đọc những bài thơ ca ngợi cô tiên, những lời thơ ca ngợi thân hình quỷ. Rớt nghe, nhưng cô không hiểu hết những ẩn dụ về cô. Cô chỉ cười nụ cười của quỷ trên gương mặt của tiên mang hình hài công chúa. Thấy Rớt chăm chú lắng nghe, Thi sung sướng ra mặt:
- Tôi làm thơ nhiều lắm cô ạ! Làm để ca ngợi con người. Có người anh- người anh văn nghệ- trên cõi đời này đã khuyên tôi phải cầm bút sao cho xứng với con người của mình, xứng với cái tâm của mình. Có thể bây giờ, cô không thích thơ tôi, nhưng rồi cô sẽ thích.
- Tôi thích nghe anh đọc mà. Nhưng, nhìn anh dở hơi thật!- Rớt e dè hỏi Thi- Anh không sợ tôi sao?
Ngạc nhiên, Thi nói:
- Sợ cô! Việc gì tôi phải sợ cô?
Chỉ vào gương mặt của chính mình, Rớt nói:
- Tôi là quỷ! Anh không sợ quỷ sao?
Thi cười an ủi Rớt và như để an ủi cả chính mình:
- Sợ quỷ ư? Tôi sợ cô ư? Cô có hại tôi đâu mà tôi phải sợ.
Đưa tay chỉ lên trời, Rớt hỏi:
- Thế tôi là tiên, anh có sợ không?
Thi cũng cười:
- Tôi cũng chẳng sợ đâu. Tiên với quỷ cũng là cô. Tôi chỉ thương cô thôi. Thương như thương một con người phải có mặt ở trần gian này. Tôi chỉ tội nghiệp cho con người thôi. Như tội nghiệp cho chính tôi chẳng hạn.
Rớt gật đầu, nói nhỏ:
- Ồ! Thế thì anh tốt quá!
Thi nói giọng thành thật:
- Tôi tốt ư? Cô không nghĩ rằng trên đời này còn có nhiều người tốt hơn tôi nữa kia. Chứ có riêng mình tôi đâu.
Rớt lắc đầu, mỉm nụ cười như mỉa:
- Tôi không tin. Anh không thấy bọn đàn ông bị cắt của quý kia không. Chúng đâu có tốt với tôi.
Giọng trầm hẵn xuống, Thi chép miệng, nói:
- Cô nghĩ thế là tội cho họ. Họ cũng là người, chắc có điểm nào đó tốt mà cô chưa thấy thôi.
Vẫn nụ cười lộ vẻ khó chịu, Rớt nói:
- Tốt mà chỉ muốn chiếm đoạt lấy công chúa Rớt? Tôi vẫn chưa tin là họ tốt.
Thi lạc cả giọng như thể rằng anh đuối lý:
- Không tin là tuỳ cô. Nhưng đối với tôi, họ chưa phải là người xấu. Họ chỉ có cái tội là...
- Thôi! Anh đừng nói về họ nữa. – Ngừng một lát, Rớt nói tiếp - Anh tốt thật. Ước gì có nhiều người tốt như anh.
Thấy Rớt bớt cay có, Thi cười an ủi Rớt:
- Cô cứ tin là còn nhiều người tốt hơn cả tôi! Tôi tin ai cũng tốt, ai cũng thương yêu nhau thì khổ đau sẽ bớt ở thế gian này.
Rớt ngạc nhiên:
- Thế gian sẽ không còn khổ đau! Hay nhỉ! Ai nói với anh điều đó?
Nghe Rớt như muốn nghe chuyện, Thi nói với giọng tự hào:
- Anh tôi.
Rớt lại hỏi:
- Anh ấy là ai? Sao anh ấy nói điều tốt vậy?
Thi cười vui, giọng đầy sự tự tin:
- Anh ấy tên là Nhân. Anh ấy là nhà thơ.
Rớt nghiêng đầu, nhướng đôi mắt, giọng ngạc nhiên:
- Cũng là nhà thơ như anh?
Với vẻ tự hào, Thi khẳng định:
- Đúng! Anh ấy cũng là nhà thơ như tôi. Các nhà thơ thường thông cảm nhau lắm, hiểu nhau lắm. Họ nói về họ cũng là nói về người khác. Ở họ có nỗi đam mê công việc. Khát khao thế giới an bình, thế giới đại đồng.
Rớt hỏi:
- Chính anh Nhân nói điều ấy?
Thi vui vì có kẻ muốn hiểu mình, muốn hiểu về các nhà thơ:
- Vâng! Chính anh Nhân đã nói và nhiều nhà thơ khác cũng nói như vậy.
Rớt chắp tay trước ngực lộ vẻ sung sướng:
- Ôi! Thế thì tuyệt diệu quá! Chẳng cần tiên, chẳng cần quỷ cũng có thể sống cuộc sống tuyệt đẹp, phải không anh?
Thi nói trong niềm sung sướng:
- Đúng! Con người thương yêu nhau, thế giới sẽ đại đồng. Không cần chủ thuyết; không còn sự ganh ghét; không còn sự tị hiềm, nghi kỵ; không còn xảo trá, ích kỷ.
Rớt chỉ vào mặt Thi cười:
- Anh đúng là con người lạ lùng.
Thi gật đầu, nói:
- Cô cũng vậy. Cô cũng là con người.
Rớt cười nói tiếp lời Thi:
- Tôi nghe nói các nhà thơ như anh là những kẻ lập dị.
Thi ngạc nhiên:
- Tôi?
Rớt chỉ vào gương mặt ửng hồng của Thi, vào đôi mắt sáng vui của Thi, nói:
- Đúng là anh, chứ còn ai vô đây nữa! Không có việc gì làm mất sự tự do của anh.
Thi nói:
- Tôi có xâm phạm sự tự do của ai đâu. Tôi có tranh giành tự do của ai đâu. Tôi không xâm phạm, tôi không tranh giành với người khác, tất nhiên tôi có tự do.
Rớt ngước nhìn trời, rồi nhìn đất, lại nhìn xung quanh, hỏi:
- Mọi người đều như anh thì thế giới sẽ ra sao nhỉ?
Ngập ngừng một lát, Thi mới lên tiếng:
- Tôi cũng chẳng biết thế giới sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ khổ đau do con người tạo ra, sung sướng cũng do con người tạo ra. Mà tự tạo ra thì còn oán trách ai mới được chứ?
Rớt thảng thốt:
- Tôi... Gương mặt tôi biến từ sung sướng ra khổ đau, nào tôi có tạo ra đâu. Ai? Ai bắt tôi phải chịu như thế. Anh hãy trả lời đi!
Thi im lặng nhìn Rớt. Gương mặt Rớt dần dần biến đổi. Chưa kịp trả lời, anh bị Rớt nắm lấy cổ áo. Anh ú ớ. Trong khi đó, với đôi mắt giận dữ, Rớt gầm lên:
- Hay chính anh đã tạo ra cho tôi?
Thi dần lấy lại bình tĩnh:
- Không phải tôi. Không ai tạo ra cả. Có lẽ chính là sự tình cờ, ngẫu nhiên chăng? Và từ đó, con người cứ bám vào đó để phân biệt sướng khổ.
Rớt bớt giận, nhìn Thi, cười mỉa:
- Anh thật dở hơi. Suốt ngày mơ mơ mộng mộng, suốt ngày cứ tình cờ, ngẫu nhiên. Tôi chẳng thèm nói chuyện với anh đâu.
Thi cũng cười:
- Ấy... ấy... Tôi nói là nói vậy. Làm sao tôi biết hết được cuộc đời này. Có lẽ đó là số phận. Nhiều người cũng cho là thế đấy.
Rớt hỏi:
- Nhưng số phận là cái gì?
Thi chỉ vào người Rớt, rồi chỉ vào mình, nói:
- Là như tôi, như cô đấy.
Rớt trố mắt ngạc nhiên:
- Ồ, hay nhỉ?
Thấy Rớt hết giận, Thi lên tiếng như từng trải chuyện đời:
- Vâng! Số phận con người có cái hay của nó. Nhiều tôn giáo đều nói về chuyện này. Tất cả đều quan tâm đến số phận của con người. Bởi con người biết đau khổ, buồn vui. Nói chung là có cả thất tình, lục dục nên con người có số phận. Và mỗi người có cái riêng của mỗi người, và đó chính là số phận của họ.
Nghe Thi diễn thuyết một hồi, Rớt lên tiếng:
- Anh đừng nói dông dài. Tôi chỉ cần anh cho biết anh nghĩ gì về số phận của tôi?
Thi nhíu mắt một lát, rồi gật gật cái đầu ra điều đắc ý:
- Số phận của ai, người ấy hiểu. Làm sao tôi hiểu trọn số phận của cô. Cô có hiểu số phận của tôi không?
Nghe Thi trả lời như vậy, Rớt nhăn mặt cười:
- Tôi... Tôi chịu anh. Anh cứ làm thơ cho anh, cho tôi, cho mọi người đi! Có lẽ số phận anh chỉ có làm thơ. Tôi chẳng cần anh thương hại tôi đâu. Anh cứ nhìn tôi thì rõ.
Thi đưa mắt nhìn. Con quỷ Rớt trước mắt anh. Những vần thơ về quỷ trào ra trước mắt anh. Anh cũng chẳng biết vì sao nó trào dâng như vậy. Con quỷ Rớt nhìn anh chằm chằm, song anh không sợ. Anh cảm thấy bình thản một cách lạ lùng. Trán anh nhíu lên những nếp suy tư. Anh chẳng thấy gương mặt Rớt đẹp hay xấu. Trước mắt anh là con người, con người thèm khát được làm người. Anh cất tiếng đọc những vần thơ về Rớt...
Rớt vẫn ngồi trước anh. Mặt cô đúng là mặt quỷ. Tội của cô đó sao? Ai không có tội trên cõi đời này? Dẫu một người cũng không? Ở Thi cảm nhận về Thánh Linh, về cõi niết bàn. Tất cả cũng là sự cảm nhận. Ai không có tội? Ai lên cõi niết bàn? Đối với Thi, anh chỉ biết, có tình thương yêu lẫn nhau, mới có thể biến con người thành Con Người. Có thể ngày nào đó, các quỷ ở địa ngục sẽ thành Thánh Thần ở cõi niết bàn. Ngày đó là ngày nào?
Rớt lên tiếng hỏi:
- Anh không sợ tôi? Thế mà đàn ông đều sợ tôi, anh biết không? Họ sợ con quỷ này mà!
- Xin cô đừng nói thế!- Thi đáp lại- Chẳng có ai toàn mỹ đâu. Cô tưởng ai cũng đẹp à? Mấy ai đẹp cả dáng vẻ lẫn tâm hồn.
- Nhưng ai cũng ghét gương mặt tôi. Tôi có tội tình gì đâu. Anh hãy giúp tôi được đẹp đi!
- Tôi chẳng giúp gì cho cô được đâu.
Giọng Rớt đầy hờn trách:
- Anh là thằng đàn ông vô tích sự.
Thi cười gượng, nói như mếu:
- Nhiều người cũng nói như thế. Có lẽ, dưới con mắt họ, tôi chẳng làm được việc gì đem lợi về vật chất, tiền của. Không làm ra tiền thì coi như hỏng ở cõi đời này.
Nghe Thi sắp khóc, đến lượt Rớt an ủi lại:
- Anh cũng tội nghiệp đấy chứ! Tôi cứ tưởng mình tôi khổ. Ai dè anh cũng khổ vì thích làm thơ.
Dù giọng Thi chùng xuống, nhưng Rớt vẫn nghe như đó là tiếng nói của thơ:
- Cũng chẳng khổ. Mà cũng chẳng sướng. Được làm người thì sướng khổ có ích gì với cuộc đời đích thực. Toàn là sướng ư? Chỉ là sự mơ ước mù sa. Toàn khổ ư? Chỉ là sự tự đày đoạ trong cõi sa mù. Được làm người là hạnh phúc lắm rồi. Cần gì phải tranh chấp cái khổ cái sướng.
- Anh nói toàn chuyện đâu đâu! Ôi! tôi cũng là người, sao tôi khổ thế?- Rớt ôm mặt- Tôi được làm người, phải không anh? Tại sao chúng nó cấm tôi làm người?
Thi vỗ vào ngực, hình như những người làm thơ đôi lúc làm anh hùng bất đắc dĩ:
- Kẻ nào cấm cô được làm người. Cô cứ làm người. Cô có quyền làm người.
Khi đó đàn kiến lại ùn ùn trào dậy như lửa cuộn. Rớt chỉ đàn kiến la to:
- Chúng nó kìa! Chúng nó cấm tôi làm người đấy! Chính lũ kiến, anh thấy không? Chúng nó cấm tôi làm người.
Nhìn lũ kiến đang biến hoá, Thi lên tiếng:
- Lũ kiến! Ôi! Chúng nó tàn ác với cô thế sao?
Rớt co mình, cong người, ôm đầu:
- Vâng! Chính chúng đấy. Anh hãy đuổi chúng ra khỏi đây đi. Tôi sợ lắm.
Thi đuổi bọn kiến. Nhưng lũ kiến lại khiêng Thi cao chạy xa bay khỏi Rớt. Chỉ còn lại một mình, Rớt khóc. Khóc ướt đẫm những bản thảo của Thi còn sót lại.
Đàn kiến cứ đi về. Chúng đông như cát đỏ. Chúng khiêng một thằng người, nhưng đó không phải là Thi. Đàn kiến hỏi Rớt:
- Rớt! Mày có biết ai đây không?
Rớt nhìn kỹ. Đúng là thằng điên, thằng điên mà Rớt thường gặp.
Thằng điên nhổm dậy, nhìn Rớt, cười. Nó nhe hàm răng cười. Áo quần trên người nó cũng cười với Rớt. Kể cả chân tay, đầu tóc nó cũng cười... Nó cười theo điêụ ca hằng ngày:
- Ôi! Người buồn; ta vui. Người ta là giòng sông, là biển; còn ta là thuyền, là lá. Người ta tụng kinh Di đà về nước Chúa; ta tụng kinh Quan âm ở chốn trần ai... Ai cũng như ta thì mấy ai ở đời này là kẻ sướng? Ai cũng như ta thì mấy ai cười trong biển khổ? Ngày Phật giáng sinh, ta đã cười trong cõi nhân gian. Ngày Chúa bị đóng đinh trên thập tự, nước mắt ta hoà nước mắt chúng sinh. Người đời cho Phật, Chúa là hai, nhưng ta cho là một. Chúa sinh Phật. Phật sinh Chúa. Và con người sinh cả Phật, cả Chúa. Ai là người thì nên tin Chúa, Phật cùng ngôi... Hì hì... Chúa Phật cùng ngôi... Con người cùng ngôi Chúa Phật... Hì hì...
Rớt không chịu nổi bài ca của thằng điên, nói:
- Sao anh cười điệu ca ấy?
Cũng chỉ nụ cười man khai, ngô nghê. Và đột nhiên, thằng điên bật khóc. Rớt lại hỏi:
- Anh cũng biết khóc à?
Thằng điên lại cười. Rồi khóc. Rồi im bặt. Mắt nó nhìn cõi xa xăm nào đó, rồi cất tiếng nói lớn:
- Kìa! Cô thấy không? Đàn kiến kìa! Chúng đang kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Chúng đang khiêng các linh hồn. Cô có nghe các linh hồn than khóc không? Cô có nghe các linh hồn cười hạnh phúc không?
Rớt lắc đầu, mắt mở to nhìn theo ngón tay thằng điên.
- Ở đâu? Tôi chẳng nghe gì cả!
Thằng điên lại nhảy tưng tửng, hát điệu nhạc điên:
- Ôi! Các linh hồn đang bị đày đoạ từ cõi địa ngục. Chúng đang than khóc, nghiến răng trong hoả ngục... Ôi! Tội cho chúng quá!... Chúng bị xiềng xích đời đời ở địa ngục... Và kìa! Các linh hồn đang chúc tụng vị đế vương ở trời cao bằng những bài ca vinh hiển của Chúa Phật... Cô... Cô thấy không? Các linh hồn chia làm hai phe đấy. Chúng chia phe đánh nhau đấy.
Rớt dỏng tai nghe. Cô chỉ nghe tiếng lạo xạo của lũ kiến. Chỉ có tiếng của côn trùng đang ám ảnh Rớt. Cô đáp:
- Tôi có nghe thấy gì đâu ngoài âm thanh của lũ kiến.
Thằng điên nói như đồng nhập:
- Cô không thấy sao? Tội nghiệp cho cô khi cô không được thấy các linh hồn chia làm hai phe đánh nhau. Cô có thích đánh nhau không?
Nghe thằng điên nói lại chuyện đánh nhau, Rớt thấy sợ. Không lẽ trên cõi đời này người ta thích chuyện đánh nhau? Mà đánh nhau để được ích lợi gì chứ? Đánh nhau từ đời này sang đời khác để được cái gì, Rớt cũng chẳng biết. Cô chỉ biết, nếu đánh nhau thì ai cũng bị đau, bị thương tích, nếu nặng hơn là có thể chết người. Nghĩ đến chuyện có người chết, Rớt la lên:
- Ôi! Tôi sợ đánh nhau lắm!
Giọng thằng điên như một triết gia:
- Thế mà con người bày trò đánh nhau để vui đấy.
Rớt hoảng sợ, thốt:
- Thật thế sao?
Vẫn giọng điệu của một triết gia, nhưng lời lẽ của thằng điên có hơi hướm của người chết:
- Thật! Thật như đàn kiến kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Kìa, đàn kiến di động như con người đang di động. Kẻ thì kéo đến địa ngục. Kẻ thì kéo đến niết bàn. Còn cô, còn tôi sẽ đi về đâu, đố cô biết được?
Nghe giọng của thằng điên có vẻ ma ám, Rớt nói:
- Anh làm tôi sợ quá!
Chỉ im lặng...
Giờ thằng điên không lên tiếng. Chỉ nghe tiếng của đàn kiến hòa với tiếng gió. Như tiếng vọng ở chốn xa xôi nào đó, cuốn hút những mơ mộng, những trăn trở, Rớt không biết mình phải làm gì. Một lát sau, cô lên tiếng:
- Anh sẽ đi về đâu?
Thằng điên cười, nụ cười mang dáng dấp nụ cười của đứa trẻ bị bệnh đao:
- Tôi không biết. Vì tôi có sợ gì đàn kiến đâu. Cô không thấy chúng khiêng bỏ tôi ở giữa cõi trần sao? Có thể tôi ở lưng chừng giữa niết bàn- địa ngục. Mặc chúng làm gì thì làm.
- Anh đã vậy. Còn tôi, tôi...? Tôi sẽ đến niết bàn hay địa ngục?
- Tôi không biết.
- Anh không biết thật ư? Anh nhìn gương mặt tôi, anh đoán giúp tôi sẽ đi về đâu đi!
Gương mặt con quỷ Rớt. Đúng là gương mặt con quỷ Rớt hiện ra. Gương mặt khao khát được làm người hiện ra, gương mặt đâu đớn ê chề của con quỷ trinh trắng hiện ra.
- Có lẽ tôi xuống địa ngục, phải không anh?
- Không đâu! Gương mặt của cô có gì đáng nói. Cô phải lên niết bàn. Đúng là cô sẽ được lên cõi trời.
- Anh nói dối.
Và Rớt đã khóc. Cô đưa tay đấm vào ngực thằng điên. Nó chỉ cười nụ cười sơ khai.
- Anh cười trên thân phận tôi?
Thằng điên cũng cười.
- Anh ghét tôi sao?
Thằng điên tiếp tục cười.
Quỷ cho thằng điên. Chắc nó bị quỷ thần ám vào người nên nói những chuyện như là có người ở thế giới bên kia. Nó nói chuyện niết bàn, địa ngục. Việc gì cũng cười. Đời đối với nó chỉ đáng giá có một nụ cười. Mà nụ cười điên, mới ngộ chứ. Nghĩ cũng tội cho nó thật. Suốt đời nó chỉ biết cười. Không cười, có lẽ nó đã chết từ lâu rồi.
Thằng điên tiếp tục cười hát bài ca muôn thuở:
- Hỡi các linh hồn ở niết bàn, ở địa ngục! Các người sao phân ra làm hai vậy? Các người sao tự tách ra làm hai vậy? Ngày phán xét, Phật sẽ ra đời. Quỷ dữ ở niết bàn sống sung sướng, phè phỡn bấy lâu nay sẽ bị nghiến răng đời đời. Thiên Thần bị đoạ đày nơi địa ngục sẽ hát ca mừng Thiên Chúa. Hỡi các linh hồn! Các người hãy chọn đi! Hoặc các người làm Thiên Thần, hoặc các người làm quỷ dữ, hoặc các người làm con người.
Điệp khúc của thằng điên chơi vơi, chơi vơi. Nó như những bài thơ Thi đọc ru Rớt ngủ. Giấc ngủ của cô bồng bềnh như thể đàn kiến kéo cô ném trên mặt sông. Bóng thằng điên, kể cả bóng Thi nhòa trước mắt Rớt. Chỉ có con sóng của giòng sông bồng bềnh, dập dìu đưa cô đến nơi vô định.
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
Đàn kiến lại cắn xé cơ thể cô. Cô rùng mình. Cô lo sợ thân phận làm người...
(hết chương 9)
Phan Trang Hy
Phan Trang Hy
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 26.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 10
Đàn kiến ùn ùn kéo đến nhà mụ Ba. Đông vô kể. Như lửa nổi rờn rợn khắp cơ thể, mụ loá mắt. Mụ cảm thấy chúng sôi lên sùng sục như mang theo sự rùng rợn của các thần và quỷ bị bỏ vào một cái hang khi cơn mưa giông bắt đầu.
Cơn mưa giông ập đến. Bọn kiến bị nước cuốn phăng đi. Chúng cố nhoi tìm sự sống. Dưới cơn mưa, Thi và thằng điên chạy vào nhà mụ Ba.
Hai thằng người đứng trước mụ. Thi đọc thơ về cơn mưa. Thằng điên cười như mưa.
Mụ Ba nói với Thi:
- Thôi! Để tau yên! Cứ lải nhải đọc thơ, tau không chịu nổi.
Thi cười, nụ cười của Thi phảng phất nụ cười của Mộng Liên Đường, của Hàn Mặc Tử, có chút của Phạm Phú Hài, của Vũ Đình Ninh:
- Mụ không chịu nổi thơ ư? Mụ không biết thơ là cuộc đời, thơ là cuộc sống của nhân loại sao? Thiếu nó thì linh hồn con người bị đày đoạ nơi hoả ngục.
Mụ khoát tay, la to lên cho mọi người đều biết:
- Láo toét! Láo toét hết! Tau chẳng cần thơ đâu. Tau chỉ cần con Rớt của tau như thuở mười lăm, mười sáu.
Thi vỗ về mụ:
- Được thôi! Tôi sẽ đưa mụ về lại thuở cô Rớt mười sáu, mười lăm.
Không kịp đợi mụ nói, Thi đằng hắng giọng, đọc những bài thơ ca ngợi Rớt, cô gái đẹp như tiên giáng trần. Mụ Ba tươi tỉnh hẵn lên. Mụ khen Thi là người có tài làm thơ, hiểu rõ lòng mụ.
Bỗng giọng thơ của Thi dữ dội như sấm sét. Mụ thấy rõ hình bóng của Rớt quằn quại, đau đớn trong cơn giông gió sấm sét, biến thành quỷ.
- Đừng đọc nữa! Mi làm tau sợ quá!- Mụ Ba khoát tay bảo Thi im- Mi làm tau sợ quá! Những lời thơ của mi như quỷ, hành hạ linh hồn tau. Mi hãy đi đi! Đừng đọc nữa!
Thằng điên tự nãy giờ đứng cười.
Đàn kiến bập bềnh trên nước. Chúng tụ lại thành một khối dày đặc nổi trên mặt nước, đang tiến vào nhà mụ Ba.
- Các người hãy đuổi đàn kiến ra khỏi nhà tau đi! Tau sợ lắm!- Mụ Ba nói với Thi và thằng điên.
Đàn kiến lên tiếng:
- Đừng đuổi chúng tôi! Chúng tôi đến báo tin mừng cho mụ đây.
Mụ Ba ngạc nhiên:
- Tin mừng?
Đàn kiến đồng thanh đáp:
- Vâng! Đúng là tin mừng tuyệt vời với mụ. Mụ nghe cho rõ đây. Rớt đã thành nữ hoàng.
Mụ Ba không tin ở tai mình:
- Con Rớt của tôi là nữ hoàng!
Đàn kiến khẳng định:
- Đúng là nữ hoàng! Nữ hoàng Rớt đang cai trị cả thế gian này đấy.
Mụ nghe lời bọn kiến, nhưng mụ vẫn không thể ngờ Rớt mà làm nữ hoàng:
- Có thật thế không hở Trời? Con Rớt của tôi mà là nữ hoàng! Xấu như quỷ mà là nữ hoàng ư? Tôi không tin. Tôi không tin lời của các người đâu.
Đàn kiến có vẻ không bằng lòng:
- Mụ không tin ư? Đó là quyền của mụ. Thật sự là nữ hoàng Rớt sai chúng tôi đến báo tin mừng cho mụ biết đấy. Mụ có muốn đi gặp nữ hoàng Rớt không?
Mụ nói:
- Thật thế ư? Nếu thế thì các người đưa tôi đi gặp nó, lúc đó tôi mới tin.
Đàn kiến đồng thanh đáp:
- Được! Chúng tôi sẽ đưa mụ đi.
Mụ Ba nói với Thi và thằng điên:
- Hai đứa bay đi cùng với tau, để xem thực hư ra sao!- Không đợi hai thằng đồng ý hay không- mụ ra lệnh đàn kiến:
- Đưa chúng tôi đi!
Đàn kiến quay thành vòng tròn. Chúng kết thành kiệu để khiêng ba người đến xem Rớt làm nữ hoàng.
Cả bọn đi qua nhiều cửa có lính canh. May mà có đàn kiến nên họ mới đến được nơi ngự của nữ hoàng. Cảnh hiện ra trước mắt họ thật là lạ, khác với cảnh sống của mọi người. Đàn kiến bỏ ba người trước sân, rồi đồng loạt cúi đầu, cung kính:
- Tâu Nữ hoàng, chúng tôi đã đưa ba người mà Nữ hoàng cần gặp đến rồi. Tuỳ Nữ hoàng định đoạt.
Một người đàn bà ngồi trên ngai vàng. Gương mặt được che bằng tấm mạng. Vẫn ngồi im bất động như một xác chết, không nói một lời nào. Thấy thế, mụ Ba nghi ngại, không biết có phải đó là Rớt hay không. Trấn tỉnh lại tinh thần, mụ lên tiếng gọi:
- Rớt! Có phải con đó không? Mẹ đến thăm con đây.
Nữ hoàng tự nãy giờ ngồi im cho thần dân ngắm dung nhan, quay lại nói với mụ:
- Ta là nữ hoàng Rớt! Mụ không được ăn nói vô phép như thế!
Nghe nữ hoàng trả lời có tên Rớt, mụ quả quyết:
- Mẹ là mẹ của con đây mà!
- Ta là nữ hoàng. Ngươi phải ăn nói sao cho phải đạo vua tôi. Không được hỗn láo thế!
Mụ Ba lằm bằm:
- Con đối xử với mẹ thế à?
Nữ hoàng nói như thách:
- Thế thì mụ làm gì ta?
Mụ Ba van xin:
- Con, con gái của mẹ! Mẹ van con! Con hãy về với mẹ. Đừng ăn nói với mẹ thế. Có gì mẹ con ta đùm bọc với nhau.
Nữ hoàng cười ra vẻ thích thú:
- Ta phải làm nữ hoàng để thi hành quyền bính của ta. Ở với mụ, ta có quyền gì đâu.
Mụ Ba khóc:
- Con xấu như quỷ mà làm nữ hoàng thì thiên hạ sẽ cười cho đấy.
Nữ hoàng hơi cúi đầu xuống, ngả người ra phía trước cho gần mụ Ba, nói:
- Mụ không biết đấy thôi. Dù là quỷ mà làm nữ hoàng thì thiên hạ vẫn cứ trọng vọng, vẫn cứ sợ uy quyền của nữ hoàng. Có kẻ nào dám nói ta là quỷ đâu. Mụ không tin ư?
Không đợi mụ Ba trả lời, Nữ hoàng quay sang đàn kiến, nói:
- Hỡi thần dân trăm họ! Các ngươi hãy cho mụ già biết ta là ai đi!
Đàn kiến cung kính, đáp:
- Tâu Nữ hoàng! Chúng tôi xin tuân lệnh.
Đàn kiến quay thành vòng tròn. Chúng ca hát bài ca về quỷ Rớt được thành nữ hoàng. Chúng tung hô ca ngợi Rớt là vị lãnh tụ vĩ đại, anh minh, tài ba, lỗi lạc nhất trần gian. Rồi chúng kết thành một dòng chữ đẹp, sáng chói trên trán Rớt: Màu nhiệm Mẹ của các quỷ được làm vua trên thế gian.
Rớt uy nghiêm nói:
- Có ai dám gọi ta là quỷ đâu. Ta sẽ cắt lưỡi bọn nào dám xúc phạm đến uy danh ta. Ta sẽ bắt các linh hồn của bọn chúng nhốt vào ngục. Ta là nữ hoàng! Mụ nghe rõ không?
Mụ Ba khóc, đáp:
- Vâng, tôi nghe rõ!... Nhưng... nhưng con Rớt của tôi đâu?
Nữ hoàng nói:
- Con Rớt nào của mụ? Mụ có điên không? Mụ đến đây với anh chàng làm thơ, với thằng điên chứ gì?... Thôi, đúng rồi! Mụ điên thật rồi.
Ngừng giây lát, Nữ hoàng tiếp lời:
- Bọn bay đâu! Hãy khiêng bọn người này ném ra khỏi thành cho ta!
Mệnh lệnh của Nữ hoàng được thi hành. Cả ba người đều bị ném ra khỏi thành. Trước mắt bọn họ là từng đàn người lầm lũi đi trong sa mạc. Họ lầm lũi như những con lạc đà mang nặng nhọc. Trước mắt ba người là từng đàn lạc đà ngược xuôi. Không một ai nói gì cả. Những gương mặt người chỉ đưa đôi mắt lạc đà ươn ướt nhìn mụ. Họ chẳng coi mụ là gì trước họ. Đối với họ, chỉ có sự nặng nhọc là lẽ sống của cuộc đời. Mụ Ba lên tiếng hỏi Thi:
- Này nhà thơ! Đây là những con người sao?
Nhìn đàn người còng lưng, nhô những chiếc xương như hằn in sự khốn nhọc, Thi đáp:
- Vâng, đúng là những con người. Mụ thấy lạ lắm sao?
Mụ Ba gật đầu:
- Đúng là rất lạ! Cứ như là những con vật ở trần gian. Sao cuộc sống của họ vậy?
Thi cười như thể biết được quy luật cuộc sống:
- Có gì lạ đâu. Lẽ thường tình là thế đó.
Mụ Ba nói trách, nhưng không phải là trách Thi, mà là trách cuộc đời:
- Thường tình mà như thế được sao? Con Rớt làm nữ hoàng mà để họ thế sao?
Thi trấn an mụ:
- Dù ai là nữ hoàng đi nữa thì vẫn cứ vậy. Không thay đổi cuộc sống được hết đâu.
Mụ Ba ngạc nhiên:
- Không thay đổi được, có phải thế không?
Thi khẳng định:
- Phải! Không thay đổi được hết đâu.
Mụ Ba nhìn xa xăm, nói:
- Sao con Rớt nói một đường, làm một nẻo vậy?
Thi hỏi:
- Nữ hoàng nói gì?
Mụ Ba nhớ lại những lời Rớt nói hồi Rớt độ trăng tròn:
- Con Rớt ấy à? Nó nói gì à? Nó nói là nó rất muốn cuộc sống ở trần gian được êm đẹp, nó nói là nó ao ước mọi người sống yên lành, vui sướng, mong cuộc sống như những đêm Trung thu yên bình.
Thi cười ngất:
- Tôi chịu cho bà. Ao ước chỉ là ao ước thôi. Còn khi nắm quyền bính trên tay, chắc gì Nữ hoàng thực hiện những điều mình đã ao ước.
Mụ Ba lo lắng:
- Trí nhớ của nó giảm rồi sao?
Thi nói:
- Nữ hoàng đâu có quên, tôi tin là vậy. Nhưng với cương vị trước mắt, Nữ hoàng còn phải lo giữ ngai vàng chứ. Nữ hoàng phải lo đối phó với những kẻ chống lại mình chứ. Nữ hoàng còn sức đâu mà nghĩ đến chuyện lo cuộc sống của thần dân. Có chăng chỉ còn là mơ ước, có chăng là những kỷ niệm mơ hồ của thời còn trẻ.
Mụ Ba dỗ ngọt Thi:
- Nhà thơ đọc thơ đi! Tôi muốn nghe thơ cho bớt nỗi đau. Ôi, cảnh đời là thế sao?
Thi đọc thơ. Những vần thơ khốn khổ của những con lạc đà qua sa mạc. Thằng điên vỗ tay cười tán thưởng.
Từng đàn người cứ đi... Tiếng vỗ tay của thằng điên làm nhạc đệm. Lời thơ của Thi vẫn cứ dậy trào như bão cát trong sa mạc.
Đàn kiến lại kéo đến. Chúng lôi kéo ba người đi khắp xứ mà nữ hoàng Rớt cai trị. Cảnh, người đổi thay đến độ lạ lùng.
Đàn kiến đưa bọn họ đến một ngôi chợ, một ngôi chợ khác các chợ bình thường. Đây là ngôi chợ bán những thứ chỉ thấy ở xã hội suy vong. Nào đây là gian hàng bán các thứ bằng cấp, giấy tờ giả. Từ bằng tốt nghiệp tú tài đến giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ A,B,C, từ giấy chứng tử đến bằng thạc sĩ, từ hợp đồng kinh tế đến di chúc... đều được rao bán. Cạnh đó là gian hàng bán thực phẩm được chế biến lại từ những bao cao su, những vỏ xe hơi như gạo, cá khô, thịt... Rất nhiều các gian hàng lạ lùng trên thế gian không thể kể hết. Đặc biệt là gian hàng bán thịt người sống. Bọn họ thấy người ta ngã giá từng bộ phận trên cơ thể người. Nào là chân, tay, mắt, mũi; nào là mông, đùi, bụng, rốn, kể cả hậu môn, kể cả bộ phận sinh dục... Tất cả các bộ phận trên cơ thể con người đều được đưa ra chưng bày. Người ta vui vẻ hẳn lên. Và các thú vật, những con vật bấy lâu nay chỉ biết thứ ngôn ngữ của loài thú, bỗng nhiên biết nói như người. Chúng chào mời các vị khách, các bạn hàng đến thăm và mua hàng... Như ngày hội, tất cả đều nhộn nhịp, ầm ĩ. Các con thú nhảy cỡn mừng rơn vì nói được tiếng người. Các con người mừng rơn vì mua được thịt người.
Rồi đàn kiến đưa bọn họ đến các nơi thiêng liêng. Thật là lạ cảnh tượng hiện ra trước mắt họ. Họ không thể không tin. Ở các ngôi chùa, nhà thờ, các tượng Phật, tượng Chúa đều biết nói. Mọi người bu quanh các tượng để nghe thuyết giáo vế những ngày sẽ xảy đến với thế gian, những con quỷ được làm vua, những tiên tri bị ném vào vạc dầu cho quỷ sứ hành hạ. Mọi người nghe đủ các tội mà các tượng Phật, tượng Chúa nói ra, nào là tham sân si, nào là các tội ác, nào là không kính nước Trời, nào là không thuỷ chung... Đủ các tội ở thế gian.
Mụ Ba hoảng hốt:
- Con Rớt cũng cai trị xứ này sao?
Thi đáp:
- Vâng! Nữ hoàng Rớt cũng cai trị nơi đây. Sao mụ sợ hãi như vậy?
Mụ Ba mặt vẫn còn tái, nói:
- Ôi, các người có nghe tượng Phật, tượng Chúa nói gì không?
- Nghe rất rõ.
Mụ Ba run lên:
- Thế thì khiếp quá! Ai là ngưòi vô tội ở thế gian này?
Thi lên tiếng:
- Chẳng có ai đâu! Kể cả tôi, cả bà, cả thằng điên nữa.
Mụ Ba bưng lấy mặt, nói:
- Thế thì khiếp quá! Con Rớt làm nữ hoàng mà để xã hội đảo điên thế sao?
Thi cười nói như một triết gia:
- Xã hội đảo điên thì cứ đảo điên. Nữ hoàng Rớt chắc gì yên đâu mà phải lo cho kẻ khác được yên.
Mụ Ba chép miệng:
- Có thể nó không yên. Tội nghiệp cho nó! Nó biết gì mà làm nữ hoàng. Làm nữ hoàng như nó chắc là khổ.
- Có lẽ khổ thôi! Mấy ai hạnh phúc trên thế gian này?
Mụ Ba tiếp lời Thi:
- Tội cho nó quá! Sướng sao được khi nó phải mang bộ mặt quỷ! Tội nghiệp con tôi quá!
Mụ Ba khóc cho thân phận Rớt làm nữ hoàng. Đúng là Rớt biết gì mà làm nữ hoàng. Nó làm gì có ích cho thần dân nó? Nó làm nữ hoàng, mụ không sướng sao? Nhưng mụ lạ cho nó khi nó không thèm đếm xỉa gì đến mụ. Nó cho mụ là điên. Mụ có hề điên đâu. Hay là nó làm nữ hoàng rồi thì thấy trắng hóa đen, đen hóa đỏ? Có lẽ thế chăng? Nếu thế thì khổ cho cái đầu của nó quá!
Thi đọc những luật lệ của nữ hoàng Rớt công bố cho mụ Ba nghe. Thằng điên chạy từ nơi này đến nơi khác cười... Luật của Rớt ban ra thật là đúng luật của quỷ cái cai trị thế gian. Mọi quyền bính Rớt nắm hết. Không để cho ai có chút quyền, kể cả quyền được sống. Ai nói bậy thì bị cắt lưỡi. Ai nói thật, nói ngay thẳng cũng bị cắt lưỡi. Phản biện càng chết sớm. Rớt không muốn người nào tài hơn mình vì sợ họ cướp ngôi.
Mụ Ba nghe mà rùng mình. Mụ mới bảo Thi:
- Thôi! Chúng ta tìm nơi khác mà ở đi. Tôi không muốn ở nơi này.
- Đi đâu bây giờ. Mụ muốn bỏ kinh thành này sao?
- Về nơi chôn nhau cắt rốn đi! Cực sướng cũng được ở đó thì tôi nhắm mắt mới yên lòng.
- Tôi sẽ đưa mụ về nơi mụ thích.
Rồi họ đi. Cả ba người đều không nói với nhau một lời. Đường về nơi chôn nhau cắt rốn của mụ bên giòng sông với chiếc cầu cũ...
Giòng sông trong xanh. Cả ba người đứng trên cầu nhìn xuống giòng sông. Nước chảy trên hình bóng họ.
Thi làm thơ. Thằng điên cười. Mụ Ba khóc. Tiếng cười, tiếng khóc và tiếng thơ của ba người hoà vào nhau và trôi trên giòng sông. Hình bóng họ nghiêng nghiêng...
Thằng Bạc đến thăm mụ Ba. Biết được Rớt làm nữ hoàng, Bạc nhắc lại chuyện cầu hôn. Nhưng mụ Ba chẳng phải tay vừa, mụ trả lời thẳng với hắn:
- Mày muốn lấy lại sáu chỉ vàng à? Đừng hòng! Tau không trả đâu. Con Rớt cai trị cả xứ này mà mày dám đụng tới mẹ nó sao?
Bạc xuống giọng:
- Tôi biết Rớt là nữ hoàng. Có điều tôi tới đây là nhờ bà nói hộ cô Rớt hãy thương dùm bọn dân chúng tôi. Càng ngày làm ăn càng khó ra. Giàu như tôi mà phải chạy ăn từng bữa. Tôi chịu hết nỗi. Chỉ có nước chết, may ra khoẻ cái thân.
Mụ Ba hùa theo:
- Bộ mình mày khổ thôi à? Cả tau đây cũng khổ. Bánh bèo làm ra, bán chẳng ai thèm mua. Nếu có mua thì toàn mua chịu. Tiền, họ nợ mình quá nhiều. Không có tiền, thành ra tau phải mua gạo chịu làm bánh. Người này nợ mình, mình lại nợ người khác. Cứ xoay quần nợ lẫn nhau. Mày thấy đó, có khó không?
Bạc đứng tréo chân, nhắc khéo:
- Sao không đem sáu chỉ vàng ra bán lấy tiền làm vốn.
Mụ Ba chép miệng thở dài:
- Mày tưởng sáu chỉ vàng lớn lắm hay sao? Mà tính đi tính lại, có bán cũng lỗ. Tiền ngày một nhỏ đi, như lá mít, mất giá không thể tưởng. Chi bằng cất vàng, để dành cho chắc ăn.
Bạc nói khía:
- Già như mụ mà còn tính!
Mụ Ba xởi lởi nói:
- Không tính, tới khi chết lấy gì mua hòm.
Rồi mụ kể cho Bạc biết những điều xảy ra đối với mụ. Bạc chỉ chép miệng thở dài. Nỗi uất ức trào trên tim mụ. Mụ không kìm được tiếng than: "Quỷ mà là nữ hoàng!”
Cơn giông. Cơn giông ập đến. Mụ cầu Trời Phật giáng lưỡi sét giết chết nữ hoàng Rớt. Có nó cũng như không. Ích gì cho mụ đâu. Nó chẳng đoái hoài đến mụ. Uổng công mụ nuôi cơm nước.
Tiếng sét đánh xé ngang trời. Mụ nghĩ nữ hoàng Rớt phải run sợ. Mụ hét to trong tiếng sét:
- Đánh nữa đi! Đánh nữa đi! Lạy trời hãy đánh nữa đi! Hãy đánh con quỷ Rớt tan xương ra, cháy đen thùi lùi như con chó thui đi. Hãy thêm sấm sét nữa đi! Trời hãy giúp chúng con giết chết con quỷ Rớt để nó khỏi làm khổ mọi người.
Mụ hả hê. Mụ quay cuồng như thể sét đã đánh Rớt cháy khét thành một cục than người.
Nhưng mụ lầm. Đàn kiến lại ập đến. Chúng cắn xé thân thể mụ. Mụ đau đớn. Mụ van xin chúng.
- Tôi có tội tình gì. Các người đừng cắn xé tôi nữa!
Đàn kiến vừa cắn xé vừa nói:
- Mụ đừng van xin vô ích. Chúng ta thi hành mệnh lệnh của Nữ hoàng đây.
Nhăn mặt đớn đau, mụ gắt:
- Mệnh lệnh gì?
Đàn kiến hỏi mụ:
- Mụ không biết thật sao? Mụ chưa biết sao?
Mụ gật đầu, nhăn cái mặt bị xị:
- Chưa biết gì cả. Mà chuyện gì mới được chứ?
Đàn kiến cho mụ biết là Rớt bắt mọi người phải thi hành mệnh lệnh của Rớt. Nghe thế, mụ la to:
- Tôi là mẹ nó mà cũng phải thi hành mệnh lệnh của nó sao?
Đàn kiến đáp:
- Phải! Ai cũng phải chấp hành. Tội cho mụ thật. Nhưng đã là mệnh lệnh thì phải thi hành thôi.
Mụ Ba trở mình, lăn lộn tránh cơn đau. Mụ trách cứ bọn kiến:
- Hãy nói cho tôi biết đó là mệnh lệnh gì?
- Nữ hoàng đã ra lệnh phải thi hành hạ tất cả đàn bà con gái, từ trẻ sơ sinh đến bà già gần chết, phải in dấu ấn sao cho giống Nữ hoàng. Vì thế chúng tôi phải cắn xé mụ cho giống Nữ hoàng.
- Nghĩa là làm sao?
- Là như thế này!
Nói rồi, lũ kiến bò khắp cơ thể mụ. Chúng cắn xé từ âm hộ cắn xé ra. Chúng bò lên gương mặt mụ mà đốt.
Mụ đang sống với cơn mơ.
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
Như có ai dùng lưỡi dao cắt mặt, mụ la thét:
- Trời! Mặt tôi!... Trời ơi là trời!... Mặt của tôi như mặt quỷ sao?
Rớt nằm giường bên nghe rõ tiếng mụ Ba thét.Cô cười thành tiếng:
- Tội nghiệp cho mụ! Mụ cũng là quỷ như ta...
(hết chương 10)
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Đ: 0935484482
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 27.03.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
Tiểu thuyết Năm 2011 của Phan Trang Hy
Chương 11
Rớt trân nhìn trần nhà. Cảnh vật yên ắng lạ thường. Chỉ có tiếng mớ ngủ của mụ Ba ở giường bên. Tiếng đêm như ùa vào tóc của cô.
Cô cảm thấy trơ trọi. Trơ trọi không chịu nổi. Người đàn ông nào cảm thông với cô? Những tên đàn ông chỉ thoáng thấy bóng dáng cô là họ không muốn thấy mặt. Cô có làm gì họ đâu mà họ kinh tởm cô vậy? Có chăng chỉ là bộ mặt quỷ mà cô phải mang ở cõi đời này.
Anh chàng Thi không ghét cô như những người khác, cũng chẳng thương hại cô. Anh ta chỉ biết có thơ. Suốt ngày là thơ. Nhiều lần Rớt đã chứng kiến cảnh vợ chồng Thi gây lộn. Vợ Thi không chịu nỗi cái thói thơ thẩn, thẫn thờ của chồng. Cô ta đã nói thẳng Thi là kẻ lập dị, dở hơi, nửa vời. Cô ta đã từng cười vào những vần thơ của Thi. Cô ta ghét những vần thơ của Thi không xứng với cân thịt ở chợ. Nhiều khi cô ta châm chọc Thi chẳng có tài cán gì. Thà Thi đừng viết thơ mà làm bất cứ thứ gì có tiền để lo cái ăn, cái mặc cho vợ con thì quý biết chừng nào. Chứ cái kiểu làm thơ như người ở cõi đâu đâu, chỉ báo hại cho vợ, cho con. Thà Thi thăng ở đâu thì thăng, chứ cái kiểu nửa nạc, nửa mỡ chỉ làm khổ vợ, khổ con. Có lẽ Thi biết vậy, nên dù vợ có đay nghiến, chì chiết đủ thứ thì Thi vẫn làm thinh. Rớt thấy tội cho những người làm thơ quá.
Thi không trốn chạy cô khi giáp mặt. Anh ta chỉ đăm chiêu nhìn cô. Những lời anh nói với cô sao có lúc như ở tận đâu đâu.
Còn thằng điên, cái thằng thật lạ lùng. Nó cười với cô. Cười không thể chịu được. Nó như người từ cõi khác đến. Không chửi cô, không dịu ngọt với cô. Nó chỉ biết có cười và cười. Nụ cười của nó sao lạ, lạ như thể nó chẳng cần có ai trên cuộc đời này.
Thằng Bạc thì lại khác. Gặp cô, hắn cứ đòi lại sáu chỉ vàng. Mà cô có nhận vàng của hắn đâu. Cô tức hắn không thể chịu được. Vàng cô có lấy đâu mà trả. Lúc cô còn đẹp, hắn theo cô như cái đuôi. Khi cô mang gương mặt quỷ, hắn lại xa lánh cô. Có theo cô, nói chuyện với cô cũng chỉ vì sáu chỉ vàng. Hắn có giỏi thì cứ việc đòi ở mụ Ba. Mụ lấy thì mụ trả. Cô có nợ gì hắn đâu.
Riêng thằng Đế, cái thằng gặp cô lần nào cũng cười nhe hai hàm răng như muốn cắn lấy cô, nói nửa thật nửa đùa. Không biết nó có thương cô không?
- Mày mà đem vàng đến cho tao thì tao mới lấy mày.
Nghe thằng Đế nói như vậy, cô thấy lo lo, thấy thích thích. Nó mà lấy cô thì thích quá đi chứ! Nhưng vàng ở đâu mà đem cho nó? Hay là lấy trộm vàng của mụ Ba. Có vàng nó sẽ lấy mình? Rớt thầm nghĩ như vậy.
Đế chỉ còn có một mẹ già, đã có vợ và bốn con. Cuộc sống của nó thật là lạ. Sáng xỉn, chiều xỉn. Miệng mồm suốt ngày lè nhè cái giọng đầy hơi rượu. Không ai muốn nói chuyện với nó. Và mỗi khi, nó bắt chuyện với ai, thì họ cũng tìm cách lẫn tránh, và đi khỏi nơi nó đứng, nó ngồi.
Một lần, trời đang nắng, bỗng cơn giông ập đến. Những tia chớp đầy trời, Rớt tìm nơi trú ẩn. Chạy vào lò vôi bên cạnh cầu, Rớt bắt gặp thằng Đế nằm trần truồng. Bên cạnh nó là chai rượu đã cạn. Áo quần nó vứt một nơi. Mặc sấm chớp. Mặc mưa xối xả. Đế vẫn nằm như không biết có gì trên đời. Ngoài trời sấm chớp nổi lên mỗi lúc một nhiều. Thằng Đế vẫn cứ nằm. Rớt lần đầu tiên nhìn thấy thằng người trần truồng. Cô nhìn trân trân vào thân thể Đế. Nhìn từng bộ phận trên cơ thể nó. Một cảm giác thèm của lạ theo nước bọt, bắt cô phải nuốt. Bỗng một tiếng sét đánh cạnh lò vôi. Tiếng nổ như xé tai Rớt. Cô ôm mặt. Thằng Đế giật mình. Nó lồm cồm ngồi dậy. Trước mắt nó là Rớt. Nó đứng dậy, trần truồng, nhìn Rớt đang ôm đầu.
- Hỡi con quỷ! Mày làm gì vào đây? May mà có tao, không thì mày bị sét đánh tan xương.
Rớt không nói. Cô chỉ khóc. Đế như tỉnh rượu, lấy quần áo mặc vội vào, không để ý đến Rớt. Ngoài trời vẫn mưa, vẫn sấm sét. Mặc xong quần áo, Đế hỏi Rớt:
- Từ khi mày vào đây, mày có thấy gì không?
Rớt nhìn Đế lắp bắp:
- Có... có... thấy gì đâu.
Đế hỉnh hỉnh cái mặt nhìn vào mắt Rớt:
- Thật không thấy sao? Mà mày có thấy gì trên người tao không?
Rớt cúi mặt như để bớt xấu hổ:
- Đâu có thấy gì. Ừ mà có thấy... Có phải ý ông nói...
Đế gắt:
- Đàn bà con gái mà thế à? Chẳng ý chẳng tứ gì cả.
Rớt nói nhanh, phân trần:
- Tôi, tôi có thấy gì đâu.
Đế gật gật cái đầu ra vẻ bằng lòng:
- Cứ cho là không thấy.
Sấm chớp. Mưa. Và thằng Đế không biết làm gì, nên lên giọng bông đùa với Rớt cho qua cơn giông.
- Mày mà còn đẹp như xưa, chắc mày sẽ sướng Rớt nhỉ? Tội cho mày thật! Bao giờ mày lấy chồng?
Không biết Đế chọc ghẹo, Rớt thật lòng:
- Tôi mà lấy chồng!
Được dịp, Đế bông đùa cho qua chuyện:
- Ai lại không có chồng, hở mày? Có vàng có tiền là có chồng ngay.
Rớt vẫn thật như đếm:
- Nhưng như tôi...
Đế cười:
-Ăn thua gì! Mày có vàng là có người lấy mày ngay. Như tao đây, chẳng hạn.
Ngạc nhiên, Rớt thốt:
- Ông lấy tôi?
Cười to thành tiếng hoà cùng với tiếng mưa ngoài trời, Đế nói vui:
- Chứ sao không. Mày đưa cho tao vàng là tao lấy mày ngay.
Rớt không tin ở tai mình, cô thốt:
- Vàng! Mà ở đâu tôi có?
Đế nói như tâm tình:
- Nghe nói mụ Ba có sáu chỉ vàng hồi thằng Bạc dạm ngỏ mày. Mụ cất mày không biết sao?
Rớt gật gật:
- Biết, nhưng tôi có cất giữ đâu.
Đế khích lệ:
- Mày làm sao lấy đưa cho tao thì tao lấy mày.
Bây giờ Rớt tin ở tai mình. Và kể từ đó, thằng Đế gặp cô đều nói câu nói như hồi mưa giông.
- Mày mà đem vàng cho tao thì tao lấy mày.
Cả thân hình trần truồng của thằng Đế, Rớt đã nhìn ngắm. Cô không chịu nổi cơn rạo rực của đàn kiến cắn. Đàn kiến đấy! Chúng như đâm thấu tận lòng cô. Cô không chịu nổi! Chúng đấy ư? Trời ơi! Là đàn bà con gái, thấy đàn ông trần truồng, trong khi rạo rực, để mà thấy sao hở trời? Trời bắt tội thế sao? Rớt đã bật khóc khi tâm trí cô ẩn hiện thân hình trần truồng thằng Đế.
Đàn kiến lại hành hạ Rớt. Cô không thể ngủ được. Cô thấy rõ thân thể trần truồng của Đế. Ôi, thân thể trần truồng của thằng người!
Cô nghe tiếng ngáy của mụ Ba. Làm thế nào để lấy sáu chỉ vàng. Sáu chỉ vàng, vị cứu tinh của đời cô. Phải lấy cho kỳ được.
Cô ngồi dậy. Cô rón rén lại chiếc tủ đứng. Mặt kính đã vỡ, chỉ còn lại một mảnh gương bên góc. Cô thấy có hình ai trong đó. Cô lùi bước, cất tiếng:
- Mụ còn hành hạ tôi đến bao giờ nữa?
- Hành hạ mi làm gì, hở Rớt?
- Sao mụ cứ đeo bám tôi hoài vậy?
- Ta đâu có theo mi làm gì. Mi sợ ta lắm sao?
- Đúng là tôi rất sợ mụ. Mà ghét nữa.
- Ghét cũng chẳng ích lợi gì đâu Rớt. Tội nghiệp cho mi.
- Tôi xin mụ hãy đi đi! Tôi van xin mụ lần chót.
- Được! Ta chiều ý mi.
Đèn chợt phụt tắt. Rớt trong màn đêm. Cô sờ soạng, cô ôm chầm chiếc tủ.
- Mụ ta đã đi rồi. Quả thật mụ ta đi rồi. Ô, ta thoát nợ rồi!
Im ắng. Chỉ có bàn tay Rớt sờ soạng chiếc tủ. Như con mèo ăn vụng, cô cố gắng nạy cửa tủ. Cái đích của cô tìm đang ở trong tủ. Cô phải lấy sáu chỉ vàng mụ Ba để trong đó cho bằng được.
Cô không tin ở bàn tay mình. Đúng là vàng. Đúng là sáu chỉ vàng mà mụ Ba đã cất giấu đây rồi. Ôi, cô sẽ lấy được thằng Đế! Rớt thầm nghĩ: "Ôi, anh Đế ơi! Em sẽ đem vàng đến cho anh để anh lấy em. Vàng này là vàng của anh, phải không anh Đế? Đợi em, đợi em nghe anh!”
Mụ Ba vẫn thở đều. Lâu lâu, mụ ú ớ...
Rớt mở cửa lẻn ra ngoài. Trên trời đầy sao. Có lẽ lúc này khoảng hai, ba giờ. Rớt lao vào đêm...
Cô đi tìm Đế. Một cơn gió lạnh. Cô thấy trơ trọi giữa đêm. Cô đến nhà Đế bây giờ được không? Mà thằng Đế có thật sự muốn lấy cô không? Nghĩ tới đó, Rớt cảm thấy buồn. Nỗi buồn tê tái khi sự khao khát của cô vụt rơi như ánh sao trên bầu trời đang rơi.
Vàng trên tay cô có ích gì cho cô lúc này. Nó không thể cho cô chút tình yêu ở thằng say rượu. Cô thấy rất rõ, dù có vàng nhưng cô cũng chẳng kiếm được chút ái ân ở thằng Đế. Cô là đàn bà con gái, là con người thèm khát men tình ái của người khác giới. Sao cô chẳng tìm được chút men tình của ai đó? Cô có tội gì?
Không còn bóng dáng mụ đàn bà quấy rầy Rớt. Cô bưng mặt khóc oà. Chỉ có tiếng cô khóc trong đêm, giữa con đường vắng vẻ. Cô đã trốn chạy khỏi căn nhà của mụ Ba, để tìm chút tình của thằng Đế mà cô một lần nhìn thấy cái của quý mà trời ban tặng cho nó.
Tiếng đọc thơ của Thi vẳng đến tai Rớt. Cô nghe rất rõ lời thơ nói về một nàng tiên bị đoạ đày. Tiếng thơ xoa dịu cơn đau trong lòng cô.
Thi đã đến bên cô. Cô không khóc nữa. Cô hỏi Thi:
- Khuya mà anh vẫn làm thơ?
- Ồ! Thơ đâu có thời gian. Thơ là đêm, là ngày, là như thế này... như cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tôi và cô ấy- Ngừng giây lát, Thi nói tiếp- Sao giờ này cô lại ở đây?
Rớt đáp:
- Tôi đi tìm tình yêu cho cuộc đời của tôi.
Thi ngạc nhiên, hỏi:
- Giữa đêm khuya như thế này?
Rớt cũng hỏi Thi:
- Chứ còn anh đi đâu bây giờ?
Thi cười đáp, giọng như ông Nguyễn Du, ông Bùi Giáng:
- Đi đọc thơ.
Rớt không tin ở tai mình, sao có kẻ thích đi đêm để đọc thơ, bèn hỏi:
- Đọc thơ làm gì giữa khuya như thế này?
Thi hùng hồn như thể rằng nói ra được mới trút hết nỗi lòng của mình:
- Đọc cho đêm nghe. Đọc cho ngày nghe. Cho tôi. Và cho những ai muốn nghe. Đọc cho những ai muốn tìm tình yêu ở cuộc đời này.
Rớt hỏi:
- Tình yêu của tôi trong đời này ở đâu? Có phải trong thơ anh không?
Thi đáp:
- Tuỳ cô cảm nhận.
Rớt nghe như để có nghe. Cô bật khóc. Nước mắt cô làm xót lòng Thi. Anh an ủi cô:
- Thôi, cô đừng khóc như thế! Cô đi về nhà đi! Tôi đi đây.
Nói xong, Thi đi. Anh vừa đi vừa đọc thơ. Rớt lại khóc to hơn. Tiếng khóc của cô hòa trong lời thơ của Thi. Rồi, tiếng đọc thơ của Thi xa dần, xa dần... Thi đứng trên giòng sông đọc thơ giữa đêm khuya... Tiếng thơ chảy trên giòng sông, chảy trong đêm. Rớt nghe tiếng thơ xa lăng lắc...
Khi tiếng thơ của Thi như tan biến vào đêm thì thằng điên đến. Lại thằng điên! Cô thấy mình trơ trọi giữa đêm. Thằng điên đến làm gì giờ này? Cô bật khóc cho cảnh ngộ của mình. Thằng điên cười khi Rớt khóc. Thấy nó cười, cô lại khóc to hơn. Nó cũng chỉ cười. Nhìn nụ cười của thằng điên, Rớt thấy là lạ, bèn hỏi:
- Anh cười mãi thế sao?
Thằng điên cũng chỉ cười. Rớt lại gần nó, ấn giúi nó, nó cũng cười. Rớt đấm vào lưng nó, nó cũng cười. Rớt như muốn xé quần áo nó, nó cũng cười. Mà quần áo nó có chi đâu mà nói. Như là không có gì trước Rớt, thằng điên như trần truồng trước Rớt. Thằng đàn ông trần truồng trước con mắt Rớt. Như mắt mèo cái lên cơn động dục, mắt cô sáng rực giữa đêm, sáng rực trước thân thể thằng người. Đúng là thằng đàn ông đây rồi. Đàn kiến lại cắn xé, lòng cô nóng rực như lửa, sôi lên từng con kiến, rồi ùn ùn trào lên từng cơn rờn rợn. Ôi, thằng đàn ông trần truồng cười với Rớt. Mắt nó như ngây dại trước Rớt.
Cả thân hình Rớt mềm nhũn trước sự trần truồng của thằng cười. Cô mềm đi trước nụ cười của thằng điên.
Chúng ôm siết nhau. Quằn quại. Sự âm ỉ trong lòng của hai đứa bấy lâu nay được bộc phát, được đốt lên từ nụ cười của thằng người, từ gương mặt quỷ cái. Chúng cảm thấy lửng lơ, bay bổng giữa thiên đàng và địa ngục.
Chúng trần truồng như lúc lọt lòng, nhưng có khác là chúng tận hưởng nụ cười và gương mặt quỷ lửng lơ, lưng chừng, chơi vơi giữa địa ngục - thiên đàng.
Sự sung sướng cực độ của thiên đàng, nụ cười và gương mặt của quỷ ở địa ngục đã làm chúng rên xiết...
Hồi lâu, Rớt lên tiếng với thằng điên:
- Anh đã thuộc về em rồi đó!
Thằng điên chỉ cười. Rớt vuốt tóc nó , hôn lên trán nó, khe khẻ:
- Chắc anh yêu em nhiều lắm phải không?
Thằng điên cũng chỉ cười, nụ cười vẫn ngô nghê, xa xăm. Rớt hôn vào nụ cười của thằng điên, nói trong đứt quãng:
- Ôi! Nụ cười của em! Anh là của đời em.
Rớt đã khóc. Khóc sung sướng được hưởng trọn vẹn đời con gái quỷ.
- Nè! Của anh đây! Của em là của anh!- Rớt bỏ sáu chỉ vàng trên tay thằng điên- Anh giữ nó đi để tin là em yêu anh.
Trời lờ mờ. Thằng điên ngồi, đưa vàng lên nhìn. Nó vẫn không thấy gì cả. Chỉ có cảm giác nằng nặng trên bàn tay nó.
Rớt ngồi bên thằng điên, nói:
- Anh giữ vàng đi! Để em mặc quần áo lại cho. Em sẽ theo anh, được không?
Thằng điên cười.
Luồng điện vẫn còn âm ỉ trong lòng Rớt. Cô cảm nhận có một mầm sống trong bụng. Bản năng làm đàn bà, làm mẹ khiến cô nghĩ về tương lai. Cô sẽ có đứa con xinh xắn, nó sẽ là người thực sự ở thế gian này. Ngày đó sẽ đến thôi! Cô đang mơ mộng...
Trong khi đó, thằng điên đứng lên. Rớt giật mình, đứng lên theo.
Thằng điên đi trước. Rớt theo sau. Cứ thế, chúng đi.
Giòng sông như tấm vải xám. Thằng điên bước lên cầu. Rớt cũng bước lên theo. Tiếng đọc thơ của Thi không còn nữa. Chỉ nghe tiếng nước chảy yếu ớt dưới chân cầu.
- Mình đi đâu hở anh?- Rớt hỏi trong lo lắng.
Thằng điên không nói gì. Nó giơ hai tay tung lên trời. Những chỉ vàng rơi xuống giòng sông. Rớt sửng sốt:
- Anh... Anh!...
Cô lao theo những chỉ vàng chìm tận đáy sông.
Thằng điên dựa trên thành cầu cười...
Chương 12
Thằng điên đi dọc bờ sông. Mắt nó lơ đễnh hết nhìn trời, rồi nhìn đất. Cũng cặp mắt thất thần, nó nhìn mọi người hiếu kỳ đứng trên cầu bàn tán. Rồi, nó nhìn xuống giòng sông cười khóc kiểu điên.
Mặc cho mọi người đang bu quanh chiếc cầu, vẻ chuyện, Thi trầm ngâm ở một góc trên cầu, nhẩm đọc những câu thơ lạ về một cô gái muốn làm con người ở cõi đời này, đọc những câu thơ về những cơn mơ mạo danh.
Trên giòng nước ẩn hiện một xác người. Xác người là một cô gái.
Gương mặt của xác chết là gương mặt của Rớt thuở mười lăm, mười sáu. Rớt đẹp thánh khiết, thanh thản đang nằm yên trên sóng.
(hết)
Đà Nẵng, 1991-2011
ĐT: 0935484482
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại ngày
06.7.2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP. Đà Nẵng ngày 28.3.2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH - PHAN TRANG HY
Trả lờiXóaNgười hay là Những cơn mơ mạo danh - tiểu thuyết với cái nhan đề lạ đời của Phan Trang Hy, một cây bút luôn nhìn thấy đỉnh nóc văn chương của mình đã ở trong tầm tay nhưng việc dễ dàng cuối cùng là nắm lấy nó để chung nhịp thăng hoa thì mãi vẫn chưa cùng nhịp. Trong các điệu nhảy rộn ràng đón chờ những đứa con tinh thần đang bập bùng trong nắng sớm miền Trung thì ta như nghe thấy tiếng chạm mặn của biển, của kỳ cọ của rừng cùng các kỷ niệm văn chương luôn làm cho người đàn ông này, hay người đàn ông khác phải chạm cả nỗi lòng...
Câu chuyện của PTH kể ra, dù là chuyện dài thì cuối cùng thì cũng đưa về những câu chuyện ngắn, ngắn lắm để đưa người đọc nhìn thấy con người, nhìn thấy bản chất, sự vật. Hãy đọc Phan Trang Hy để ta thấy Phan Trang Hy...
MTA