Nguyễn Đình Trọng và Ngẫu hứng lục bát – Bài viết Mai Trần
Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014
Khi cầm
tập bản thảo Ngẫu hứng lục bát của Nguyễn Đình Trọng trên tay, tôi nghĩ, có lẽ
trong trái tim của người thơ này chỉ có thơ và thơ, nhất là thơ lục bát. Cả một
tập thơ không có một hình thức thi ca nào khác ngoài thể lục bát. Không chỉ làm
thơ lục bát mà Nguyễn Đình Trọng còn chọn của 132 tác giả, mỗi người một câu
lục bát để làm nên một bài Lục bát tình “nhuyễn” như của một người viết. Tôi
cũng đã có ý đi tìm xem cái men say nào trong thể loại lục bát đã làm cho người
thơ Nguyễn Đình Trọng “mê” đến thế. Có phải từ những lời ru của mẹ khi xưa? Có
phải thể loại thơ lục bát có “căn cơ, gốc rễ” trong đời sống thi ca của người
Việt? Hay lâu nay bạn viết thơ thường cho rằng, thể loại thơ lục bát “dễ làm
nhưng khó hay” mà người thơ muốn thử sức? ...
Thông
tin liên hệ:
Tác
giả Mai Trần
(Nhà
thơ Trần Mai Hường)
Hội
viên HNVTP.HCM
Sống
và làm việc tại TP.HCM.
ĐT: 0912767257
Email: maihuongtran1910@yahoo.com.vn
_____
Khi cầm tập bản thảo Ngẫu
hứng lục bát của Nguyễn Đình Trọng trên tay, tôi nghĩ, có lẽ trong trái
tim của người thơ này chỉ có thơ và thơ, nhất là thơ lục bát. Cả một tập thơ
không có một hình thức thi ca nào khác ngoài thể lục bát. Không chỉ làm thơ lục
bát mà Nguyễn Đình Trọng còn chọn của 132 tác giả, mỗi người một câu lục bát để
làm nên một bài Lục bát tình “nhuyễn” như của một người viết.
Tôi cũng đã có ý đi tìm
xem cái men say nào trong thể loại lục bát đã làm cho người thơ Nguyễn Đình Trọng “mê”
đến thế. Có phải từ những lời ru của mẹ khi xưa? Có phải thể loại thơ lục bát
có “căn cơ, gốc rễ” trong đời sống thi ca của người Việt? Hay lâu nay bạn viết
thơ thường cho rằng, thể loại thơ lục bát “dễ làm nhưng khó hay” mà người thơ
muốn thử sức? Nhiều và rất nhiều cái hay là tôi đặt ra để lý giải cái say lục
bát của Nguyễn Đình Trọng. Nhưng rồi tôi nghĩ, có lẽ, tất cả những lý do đó đã
làm lên “chất men lục bát Nguyễn Đình Trọng”. Và như thế, hãy đọc thơ của người
thơ mà không cần đi tìm “căn nguyên” vì sao người thơ Nguyễn Đình Trọng “mê, say, nghiện” hình thức thể hiện
thi ca chỉ với thể loại lục bát đến thế. Bởi, từ tên tập sách đến các bài thơ
trong “Ngẫu hứng lục bát” đã nói lên điều đó.
Trước hết, Nguyễn Đình
Trọng không hề giấu giếm cái làm mình “mê mẩn” khi viết thơ.
Thời nào Lục Bát cũng hay
Tuổi nào Lục Bát cũng say mê hồn
(Ngẫu
hứng lục bát)
Cái sự khảng khái thừa
nhận như một lời “tự thú trước thơ” của Nguyễn Đình Trọng về thơ lục bát đã nói
lên điều đó. Mà dẫu “có say, có nghiện, có mê” lục bát thì đã sao. Bởi lục bát
đã cho người thơ.
Vịn vào Lục Bát mà đi
Tình yêu sẽ chẳng ngại gì chông gai!
(Ngẫu
hứng lục bát)
Trong cuộc đời, tìm được
một điểm tựa để trụ với đời đâu phải ai cũng làm được, có được. Đây lại là điểm
tựa bằng thơ thì lại càng khó. Ấy thế mà, với người thơ Nguyễn Đình Trọng thì
thi ca, và nhất là “lục bát” chính là cái mà người thơ đã “vịn” vào đó để đi,
để sống và để có tình yêu. Sống trong cõi người, tìm được điểm “vịn” như thế
này chẳng vui lắm sao? Chẳng hạnh phúc lắm sao? Đó có phải không là điều đã làm
nên một người thơ Nguyễn Đình Trọng hôm nay.
Lạc vào bến nhớ bến thương
Nẻo về Lục Bát tơ vương với đời
…
Lạc vào Lục Bát mỗi ngày
Là đang lạc giữa… vòng tay bạn bè!
(Lạc
trong lục bát)
Tôi không biết với những
người cầm bút khác thế nào chứ với riêng tôi, nếu được “lạc” như người thơ
Nguyễn Đình Trọng như thế này, tôi cũng ước được một lần lạc vào như thế lắm.
Tuổi thơ, trong đời, ai
cũng có được lời ru. Lời ru của mẹ, của bà; lời ru của tiếng rặng tre làng đêm
trăng màu hạ; lời ru của đồng đất quê hương. Khi xa, trước mỗi gian khó, trước
mỗi hiểm nguy, trước mỗi trắc trở đời người, cái mà con người luôn hướng về, ấy
là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ký ức đong đầy với tuổi thơ. Với người
lính, hình ảnh quê hương không chỉ là cây đa giếng nước sân đình, không chỉ có
hương thơm rơm rạ ngày mùa mà nó còn là lời ru của mẹ, của bà thuở nằm nôi.
Chẳng còn cái tuổi bé thơ
Chẳng còn cái tuổi bé thơ
Mà câu hát cũ đến giờ còn say
Đường xa súng ấm trong tay
Tiếng ru như lửa vương đầy bước chân
(Lời
ru của mẹ)
Và chính hình ảnh người mẹ
lam lũ tảo tần, lời ru của mẹ khi trầm khi bổng, chính là “sức mạnh” vô hình
nâng bước cho người con trên thăm thẳm dặm người. Nỗi nhớ ấy, tình yêu ấy chỉ
có thể đẫm trong từng tế bào đang chảy trong huyết quản kia mới đưa người con
đến một khao khát, khao khát nhỏ lắm, dường như tưởng rất “ngược đời” nhưng
cũng tình biết bao, trân trọng biết bao.
Ngày xưa nghe Mẹ ầu ơ...
Nay con xin hát câu thơ ru Người..
(Khúc
hát ru)
Hay.
Võng dù giăng sát bên nhau
Lời ru như tự hai đầu bay lên!
(Lời
ru của mẹ)
Cũng từ lời ru, từ khúc
hát bên nôi đã làm nên một người lính đa tình, người lính gia tài mang theo chỉ
có bóng hình yêu. Cái hình ảnh người lính hành quân, trên con đường đất đỏ,
trên nắp ba lô không có gì hơn tên người bạn gái được đồng đội viết khi nào mà
không hay biết. Hạnh phúc thật nhỏ nhưng nặng biết bao và cũng tình biết bao.
Trót làm chàng lính đa tình
Đành mang luôn cả bóng hình em theo
(Lục
bát có đôi)
Và cũng chính nhờ cái đó,
những chênh chao, những vấp ngã, những gian khó đã nâng bước chân đủ mạnh để
dấn bước về phía trước, để cùng chia ngọt sẻ bùi, để cùng “gánh nặng người
chờ”. May mắn thay cho những ai trong cuộc đời có được điều như thế.
Tôi như câu Lục chênh vênh
Em thành câu Bát kề bên dãi dầu
(Lục
bát có đôi)
Khi viết đến đây tôi chợt
nhớ, khi xưa, nhà thơ Lưu Quang Vũ có nói đại ý, nếu những bài thơ, trang thơ
mà nhà thơ viết ra, được người đời thuộc lấy chỉ một câu đã là may mắn lắm rồi,
hạnh phúc lắm rồi. Tất nhiên đó có thể là từ đức khiêm nhường của nhà thơ,
nhưng đó cũng có thể là ý nói cái khó của người làm thơ để có được câu thơ hay
gắn vào người đời, đánh dấu với đời. Hiện nay, có rất nhiều người làm thơ, có
rất nhiều người viết thơ, nhưng quả thực, để lại một câu thơ “làm dấu” đâu có
phải là dễ? Với thơ đã thế, nhưng với thể loại lục bát thì nó cũng là điều gần
như thách đố với ai “đủ can đảm” sống với nó. Với người thơ Nguyễn Đình Trọng thì có lẽ, một đời đắm trong lục bát,
một kiếp làm bạn lục bát, cái duyên lục bát vì thế mà cũng cho Nguyễn Đình Trọng những câu lục bát để đời.
Giời cho tuổi… gió heo may
Chiều nghiêng nắng nhạt tháng ngày phôi pha…
(Tự
bạch)
Hoặc.
Gió sương cho áo bạc nhàu
Nắng mưa để mũ trên đầu sờn phai
(Màu
xanh áo lính)
Một trời úa đỏ trên cây
Cơn mưa trốn ở tầng dày lá khô
(Bài
ca từ lòng đất)
Với lối tả thực, bằng thể
loại lục bát, Nguyễn Đình Trọng dẫn dụ bạn đọc đi qua các miền đất, đi
cùng với thời gian đời người thơ, đi trong những âm hưởng của khúc dân ca, câu
hát đối, lời ca dao. Bằng lối viết rất gần với đời thường, có khi như câu nói
thường ngày, khi hành quân, lúc băng đèo, vượt thác. Thậm chí khi đi trên tàu
cánh ngầm, khi đào hào công sự, lúc trở lại thăm các miền quê, nhắn gửi người
sau và ngay với người vợ, bạn đọc luôn được cùng người thơ bước đi những thời gian
đã qua, đã sống, những câu lục bát cứ như tự cất lên, ngân lên trong lòng người
thơ.
Nói là thế nhưng Nguyễn Đình Trọng cũng vẫn ý thức được những đắm đuối,
những mê say, những “nơi vịn” vào thơ. Rằng:
Để thành Lục bát đôi câu
Thế gian đến cả bạc đầu mới nên!
(Để
thành lục bát đôi câu)
Để kết cho bài viết này,
tôi muốn mượn hình ảnh nhà thơ Nazim Hikmet (xin chỉ nói đến những gì cuộc đời
của ông dành cho thơ), một nhà thơ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ đã dành trọn cuộc
đời của mình cho thơ dù suốt cả cuộc đời ông là những đớn đau từ thơ mang lại.
Và cũng chính vì ông như thế, thơ cũng đã vì ông làm nên một Nazim Hikmet của
thơ để nhân loại phải nghiêng mình. Với người thơ Nguyễn Đình Trọng, một đời dành cho lục bát và lục bát cũng sẽ
cho làm nên một Nguyễn Đình Trọng của riêng lục bát dài lâu. Ngẫu hứng trong
“cơn say, cơn mê” lục bát làm nên một lục bát cuộc đời chỉ có ở người thơ Nguyễn Đình Trọng.
Đó chính là tập thơ bạn
đọc đang có trên tay./.
Gửi từ
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TPHCM ngày 04.8.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TPHCM ngày 04.8.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét