Ma xó núi – Truyện ngắn của Võ Anh Cương
Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015
Bóng râm của tủ cấp điện ở vỉa hè quảng trường trải dài chừng một mét, Lộc ngồi núp dưới bóng râm đó để tránh nắng. Nắng to quá, những giọt mồ hôi chảy ướt cả tóc hắn. Lộc giở mũ ra, một cơn gió nhẹ thổi qua cho hắn chút mát mẻ. Từ sáng đến giờ Lộc chưa chạy cuốc xe nào, hắn đang lo ế độ không biết lấy tiền đâu để chi tiêu cho một gia đình bốn người nhà hắn.
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác
giả Võ Anh Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Sống và làm việc tại Đà Lạt.
Địa chỉ Nguyễn Hữu Cương 01 Yersin Đà Lạt
ĐT: 0982.582.298 - 0633.830660
Email: voanhcuongdalat@yahoo.com - greatcuong@gmail.com
_____
Võ Anh Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Sống và làm việc tại Đà Lạt.
Địa chỉ Nguyễn Hữu Cương 01 Yersin Đà Lạt
ĐT: 0982.582.298 - 0633.830660
Email: voanhcuongdalat@yahoo.com - greatcuong@gmail.com
_____
Võ Anh Cương
MA XÓ
NÚI
Bóng
râm của tủ cấp điện ở vỉa hè quảng trường trải dài chừng một mét, Lộc ngồi núp
dưới bóng râm đó để tránh nắng. Nắng to quá, những giọt mồ hôi chảy ướt cả tóc
hắn. Lộc giở mũ ra, một cơn gió nhẹ thổi qua cho hắn chút mát mẻ. Từ sáng đến
giờ Lộc chưa chạy cuốc xe nào, hắn đang lo ế độ không biết lấy tiền đâu để chi
tiêu cho một gia đình bốn người nhà hắn. Cũng may nhà còn ít gạo, thiếu tiền
mua thức ăn thì nấu đỡ cơm ăn với rau luộc chấm xì dầu cũng qua ngày. Hồi sáng
đang chạy xe ra bến, Lộc thấy tại đám đất hoang cạnh bến xe cũ một vạt khoai
lang mọc cạnh đường mương, hắn định ngừng xe lại “thu hoạch” đám rau khoai non
đó nhưng hắn nghĩ thôi để dành lúc về hẵng làm. Cơm ăn với rau khoai mọc hoang
còn hơn không có gì bỏ bụng. Đã nhiều ngày nhà hắn chưa biết mùi thịt là gì.
Còn cá thỉnh thoảng ông Kỷ cho Lộc mấy con cá lóc hay mớ cá kèo thiên hạ phóng
sinh ông Kỷ vớt được. Cá lóc phóng sinh khờ lắm, chắc bị nhốt vô bao ny lông
lâu ngày hay sao mà khi được thả ra hồ chúng không chịu bơi đi ngay mà cứ quanh
quẩn trên mặt nước. Ông Kỷ với cái vợt trên tay chờ sẵn khi thấy ai đó phóng
sinh là phăm phăm đi tới. Người ta vừa quay mặt đi là ông Kỷ vớt cá liền. Còn
với cá kèo ông Kỷ bắt cá bằng tay. Không biết người ta nghĩ gì mà hay mua cá
kèo phóng sinh, loại cá đó làm sao mà sống được ở cái hồ xứ lạnh này? Khi thả
xuống, lũ cá kèo cứ tấp vào bờ, ông Kỷ chỉ cần đi sát mép nước, hễ thấy cái
dáng sật sừ của cá là Kỷ lấy tay tát cá lên bờ. Trong túi áo của ông Kỷ bao giờ
cũng có cái bao ny lông để đựng cá, cơm chiều nhà ông Kỷ thế nào cũng có món cá
kèo kho tộ. Ông Kỷ hay cho Lộc thứ cá vớt được đó, lần đầu thấy Lộc cứ dòm lom
lom cái bị cá kèo, ông Kỷ hỏi: “Nè ăn không, tôi bắt được nhiều lắm, đàng kia
còn một bị”. Lộc cười: “Anh cho thì tui lấy chớ, cám ơn!”. Ông Kỷ thấy gương
mặt Lộc sáng rỡ khi đón bịch cá Kỷ vừa đưa, ông Kỷ hỏi: “Bộ lâu ngày không ăn
cá sao?” Lộc đáp: “Nói anh đừng cười, dạo này chạy xe ế quá, tiền đâu mà cá với
thịt, có cơm là may rồi!”. Ông Kỷ hứa: “Vậy sao, tôi thì bắt được thứ cá này
hoài, có gì tôi đem cho, mà chú đậu xe chỗ nào?”. Lộc chỉ nơi đậu xe đón khách,
ông Kỷ nháy mắt: “Tôi đoán tối nay thế nào cũng có cá, tôi quen tay bảo vệ công
ty nằm trên đồi kia – ông Kỷ giơ tay chỉ, hắn nói cứ đêm mùng hai âm lịch cơ
quan hắn cúng, mà có cúng là có phóng sinh cá kèo. Hắn được giao nhiệm vụ đi
phóng sinh cá ở hồ này, hắn kêu tôi lấy cá mà ăn chớ thả xuống hồ chúng cũng
chết thôi, sáng mai tôi để cho chú nữa hễ!”.
Ông
Kỷ đúng là ma xó vùng này, chuyện gì ông Kỷ cũng biết. Lộc cũng chứng kiến vô
khối chuyện nhưng chắc không bằng ông Kỷ. Buổi sáng đến trưa Lộc đậu xe trước
cổng siêu thị, buổi chiều đến tối hắn đậu chỗ hàng cây cạnh hai vợ chồng bán cá
đồng. Còn ông Kỷ cứ lang thang quanh hồ, cứ bảnh mắt ra ông Kỷ có mặt uống ly
cà phê đen ở một quán cóc cạnh cây liễu rũ. Uống xong ông đi thăm mấy cái đó
đặt lén dưới hồ, nếu có con cá nào ông Kỷ gom lại mang về đưa cho vợ chồng bán
cá đồng rồi nhận lấy mấy tờ giấy bạc. Những con cá tràu, cá diếc, cá chép mang
lên từ hồ Đại Ninh được vợ chồng nhà này chứa trong những chiếc thau nhựa,
chúng bơi tới bơi lui cho đến khi người mua chọn, người vợ nhanh tay bắt lấy,
sau khi cân chỉ cần một nhát đập con cá đã chết tươi. Chán cảnh máu me ông Kỷ
bỏ đi liền, ông Kỷ đi tới con nhỏ bán khoai lang chất đống cạnh lề đường hỏi:
“Ê, bán được không nhỏ?”. “Ế lắm bác, trưa tới giờ chưa ai mở hàng hết!”. Ông
Kỷ an ủi: “Ráng chờ đi cháu thế nào cũng có đứa mua mà, mày coi xe ôm cũng chờ
khách đến lõ con mắt!”. Vừa nói ông Kỷ vừa chỉ tay về phía Lộc, thấy vậy Lộc
cười hỏi to: “Gì đó anh hai, có mối à?”. Ông Kỷ quay mặt đi không trả lời, ông
lẩm bẩm điều gì đó trong miệng mà con nhỏ bán khoai cũng không nghe rõ.
Một
buổi chiều không biết trúng mánh gì mà ông Kỷ mời Lộc qua nhà uống rượu. Đang
chán với cảnh ngồi không Lộc đồng ý liền. Nhà ông Kỷ là một cái chái nhỏ chừng
chục mét vuông, một mặt là vách ván còn hai mặt dựa vào vách tường nhà người
ta. Nghĩa là cái nhà hình tam giác, vậy mà cũng gọn hơ, trong nhà có cả toa lét
mới thật là cừ. Mời Lộc ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, ông Kỷ giới
thiệu: “Cái chái này trước là nhà kho của tôi, chú thấy dấu vết cửa không? Đó,
chủ mới xây lấp đi chớ hồi tôi ở tôi dùng chỗ này làm nơi chứa đồ “bỏ thì
thương mà vương thì nợ”, tôi trổ cửa để đi xuống kho chỗ đó đó”.
Hóa
ra phía trước cái chái này là nhà ông Kỷ. Ông Kỷ bán cho người ta, chỗ đất cất
cái chái là do ông lấn chiếm không có trong giấy tờ nên người mua đành phải
chấp nhận lấp cánh cửa trổ ra kho. Ông Kỷ nói tiếp: “Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu
hả chú, tối đến tôi ngả tấm nệm là có chỗ nằm, còn ban ngày là nơi nấu ăn, tiếp
khách…một mình ở cũng dư chỗ chú à?”. Lộc ngạc nhiên hỏi: “Bộ anh ở một mình
sao, còn chị đâu?”.
Tự
nhiên ông Kỷ nổi quạu, mặt ông đỏ lên, con mắt như hai đóm lửa nhìn Lộc. Ông Kỷ
bưng ly rượu dốc vô miệng, sau khi khà một tiếng, ông Kỷ nói: “Tức chết đi
được, ai nhắc tới “con mẻ” là tôi nổi khùng!”. Lộc áy náy: “Em không biết, anh
bỏ qua cho?”. Một lúc sau dường như cơn giận đi qua ông Kỷ nói: “Chú không biết
thì không có lỗi, mà để tôi nói chú rõ. Vợ tôi ham đề đóm cá độ đá banh, cái
nhà tôi phía trước tôi phải bán để trả nợ cá độ đá banh cho con mẻ. Lúc bán chú
biết không người ta ép còn nửa giá, nếu để tới giờ chắc cũng mấy chục cây chứ
chẳng chơi. Biết là bán đổ bán tháo nên tôi ở lì phía sau để gỡ gạc chút đỉnh!”.
Thấy
Lộc nhìn mình như dò hỏi, ông Kỷ tiếp “chú hỏi vợ tôi à, bỏ đi lâu rồi, về sống
với người chị ở Phan Rang, chiều chiều bán bánh căn trước chợ. Cái này là trời
hành mà, khi không lại bỏ quán cà phê đang đông khách….mà thôi ai cũng có số,
còn thằng con trai tôi à, nó đang làm việc ở Sài Gòn, nó mời tôi vô ở với nó.
Mà nó ở nhà thuê thì tôi vô ở với nó làm chi, vả Sài Gòn nóng bức bực bội lắm”.
Lộc gắp một miếng mồi sau lời mời của ông Kỷ rồi nâng ly lên cụng với chủ nhà.
Thấy Lộc uống gọn hơ ly rượu ông Kỷ nói: “Mới nhìn tưởng chú không biết uống
rượu, ai ngờ chú uống cũng ra dáng lắm!”. Lộc nói: “Anh nói đúng đó, hồi trước
em đâu biết rượu chè gì, sau xảy ra bao nhiêu chuyện mới tập tành chút đỉnh, mà
uống rượu chơi thì được chớ say sưa thì có hay ho gì đâu anh?”.
Ông
Kỷ gục gục đầu như thể đồng ý với Lộc, ông nói liền không để cho Lộc có thì giờ
kể câu chuyện của mình. “Trước chú làm thợ in, vợ chú cũng làm cùng xí nghiệp
với chú. Chú có hai thằng con trai phải không? Đùng một cái vợ chú bị bệnh tâm
thần hay bỏ nhà lang thang một mình. Chú phải bán căn chung cư để trị bệnh cho
vợ, hết tiền nhưng bệnh thì không hết, phải không? Rồi chú xin nghỉ việc, lấy
tiền trợ cấp để trị bệnh tiếp cho vợ. Chú thương vợ không cho vợ đi điều trị ở
nhà thương Chợ Quán, ngày ngày chú chăm sóc cho cô ấy. Tôi kể vậy có đúng
không?”.
Lộc
nhìn sững ông Kỷ. Bỗng nhiên hai giọt nước mắt Lộc ứa ra từ khóe mắt. Lộc nói
như không ra hơi: “Ai kể cho anh nghe chuyện của em mà đúng phóc vậy hả trời!”.
Ông Kỷ cười hà hà nói tiếp: “Chú không biết tôi có biệt danh là Ma Xó Núi sao?
Nói chơi vậy thôi chớ tiếng lành đồn xa còn tiếng dữ cũng đồn xa mà!”. Lộc nhìn
quanh: “Nghe nói ma xó phải thờ là một thiên linh cái, anh có thờ cái thứ đó
không?”. Ông Kỷ cười lớn hơn: “Ma xó là cái gì tôi cũng biết chớ không phải tôi
thờ ma xó đâu, chú! Cái biệt danh này tôi có từ hồi đi học lận”. Lộc cau mặt:
“Cái số em khổ…chi đâu mà khổ, có điều hồi ông già đặt tên cho em là Lốc nên cả
đời em “lốc” hết trơn, đi làm anh em đặt lại tên cho em là Lộc, chuyện đó anh
có biết không?”. “Chú chớ có đánh đố tôi, Lốc hay Lộc gì cũng là chú mà. Thôi
uống đi chú, chú uống với tôi ly này để quên chuyện buồn kia rồi tôi kể cho chú
chuyện khác, nghe!”
Chuyện
khác là chuyện gì, chuyện gì mà cay đắng như chuyện đời mình? Lộc bưng ly rượu
trên tay, những ngón tay hắn ngắn, mập và cháy nắng. Ừ, hồi làm thợ in, Lộc
không bao giờ để bàn tay lấm mực. Khi lắp bản in hắn dùng thứ giấy xấp chạy thử
và khi “bắn” bản xong xuôi, Lộc lấy một cái khăn lau tay trước bằng xăng rồi
lấy một cái khăn khác lau lại cho sạch. Vì vậy lượng giấy bù hao của hắn ít khi
dùng hết. Khi giao sản phẩm cho gia công Lộc cẩn thận bắt đếm đàng hoàng. Ngày
ít ngày nhiều, Lộc cứ dồn dần những tờ giấy trắng tinh thành từng ram mang ra
bán cho mấy người in lụa. Có chút tiền hắn lại bao anh em lai rai xị rượu, còn
hắn chỉ ngồi dòm và phá mồi. Đó là những ngày vui vẻ, những ngày vật chất còn
thiếu thốn nhưng tình người thì đầy ắp. Bữa đó hắn làm thêm sáng chủ nhật, đây
là cơ hội cho hắn mang ram giấy tiết kiệm được ra Hòa Bình giao cho một cơ sở
phô tô. Đang thả dốc chiếc xe đạp hắn vấp một cục đá khiến hắn bị té. Giấy
trắng từ trong bụng hắn bay tung tóe làm trắng một khúc đường. Lương chạy sau
xe hắn thấy vậy dừng xe ôm bụng cười ngất. Lương dọa mang chuyện này ra méc với
lãnh đạo, Lộc phải chiêu đãi Lương một dĩa thịt cầy tại quán ông Tốn cuối
đường….
Thấy
Lộc trầm ngâm bưng ly rượu mà không uống, ông Kỷ hỏi: “Chú có chuyện gì sao?”.
Lộc lắc đầu như cố xua đi những ngày vui vẻ hồi còn trẻ. Mới đó mà đã hơn hai
chục năm rồi, đầu Lộc giờ hai thứ tóc. Lộc cười: “Em nhớ chuyện xưa chút thôi,
anh định kể cho em nghe chuyện gì? Phải cái chuyện hôm qua một người nhảy cầu
tự tử?”.
Ông
Kỷ nói “ừ, hôm qua tôi nhảy xuống hồ cứu thằng nhỏ lên, mặt mũi thằng nhỏ tái
méc, sau khi hắn tỉnh tôi hỏi bộ muốn chết sao, chết thì dễ chớ sống mới khó.
Thằng nhỏ chỉ khóc mà không nói. Tôi đưa hắn vô nhà, lấy bộ quần áo khô cho hắn
mặc, rồi dỗ hắn uống mấy ly rượu. Ba ly, chỉ ba ly thôi là thằng nhỏ khai ra
hết. Rồi, cũng là chuyện tình yêu, tình phụ, hết muốn sống nên nhảy xuống ngay
chỗ cầu. Lúc đó có mấy thằng câu cá lén ngồi dưới dạ cầu ngó thấy, tụi nó kêu
tôi. Uống tới một xị thì thằng nhỏ nói sợ tới già rồi, ngày mai con sẽ làm lại
cuộc đời, con sẽ quên con người phụ tình kia. Ôi mẹ ơi tình yêu chi mà đau khổ
rứa?”. Được trớn ông Kỷ kể qua những lần đi vớt xác chết dưới hồ. Có lần phải
uống chén nước mắm thứ hai mới mò được xác, có lần thì nhảy xuống là vớt lên
ngay. Lộc không muốn nghe chuyện này nên ngắt lời: “Thôi anh, kể chuyện khác
đi, chuyện chết nước ớn thấy bà!. Ông Kỷ hỏi: “Vậy chú muốn tôi kể chuyện gì?”.
“Chuyện gì cũng được, trừ cái vụ chết nước chết sông, mà hay là anh kể chuyện
đời đi?”. “Chuyện đời, chuyện của tôi và chú cũng là chuyện đời mà?” ông Kỷ
nói. Lộc làm thinh, ừ chuyện mình coi vậy mà cũng giống như tiểu thuyết, có
điều là một cuốn tiểu thuyết có những chương buồn. Hồi còn nhỏ Lộc ham chơi hơn
ham học, ráng xong hết lớp chín là bỏ học đi phụ sửa xe. Cái nghề sửa xe không
hạp với hắn lắm nhưng chính cái nghề đó đã giúp hắn rất nhiều khi học nghề in.
Khi Lộc bắt đầu học việc, Lộc được phân công vô phân xưởng sắp chữ. Cũng bởi
Lộc nhỏ con nên người ta phân hắn về xưởng đó. Hồi đó còn sắp chữ thủ công,
những bát chữ chì lấm lem mực in chứa không biết bao nhiêu thời gian của thợ
chữ. Học sắp chữ ngoài việc học kỹ thuật, hắn còn học luôn thủ thuật, những bát
chữ “gát đê” Lộc cũng từng bắt chước đàn anh chui xuống dưới hộc chữ, chờ lệnh
sản xuất lần sau là moi lại lên xài. Rồi Lộc được chọn qua học máy Ty pô, hắn
đứng máy pê đan cho tới máy 65 x 50. Khi nhà in chuyển qua in ốp xết, Lộc cũng
ưu tiên được cữ đi học đứng máy ở nhà in Trần Phú. Khi về Lộc nắm cái máy tự
động 1 màu của Đức. Vậy mà mình “lốc” đời ở chỗ nào cà? Thôi đúng rồi, chính là
từ cái ngày mình gặp Thoa, khi Thoa về nhận công tác ở nhà in, Lộc đứng ngẩn
người khi Thoa đi ngang qua chỗ làm của Lộc, Lộc mãi nhìn theo dáng Thoa đến
nỗi giấy bị rối dồn cục lại mà hắn cũng không hay. Anh em cười nói thằng Lốc bị
lốc mất hồn rồi, đũa mốc mà đòi chòi mâm son! Vậy mà chuyện đời đâu ai biết ra
sau ngày mai, một lần Lộc rủ Thoa đi chơi khi thấy Thoa buồn buồn, không dè
Thoa gật đầu cái rụp. Được trớn hắn làm tới, hắn tỏ tình và nói muốn cưới Thoa
làm vợ. Vậy mà hắn cưới được Thoa mới đại tài. Mặc cho miệng đời dị nghị cái
bụng lấp ló của Thoa hắn cứ vui như bắt được vàng. Cưới xong 5 tháng sau Thoa ở
cữ, một thằng nhỏ ra đời, chưa thấy ai nói thằng nhỏ giống Lộc chỗ nào. Rồi Lộc
cũng có con của Lộc cho đến một hôm Thoa bỏ nhà đi giữa khuya miệng nói nhảm
những điều đâu đâu….
Lộc
kể chuyện mình với ông Kỷ, tất nhiên hắn giấu chuyện thằng Thao không phải con
hắn “đẹp khoe xấu che” mà. Ông Kỷ trầm ngâm một hồi rồi nói “thôi chú ráng đi,
ráng cày nuôi cô ấy và hai thằng nhỏ, biết đâu sau này hết vận khổ chú lại khá
lên”. Lộc cười buồn, hắn biết ông Lộc an ủi hắn thôi. Thôi kệ biết ra sau ngày
mai, biết đâu ông Kỷ nói đúng. Vận Lộc đang khổ, hắn nâng ly lên nói với ông Kỷ
“anh uống với em ly rượu chúc cho em chiều nay trúng số”. Ông Kỷ trợn mắt “chú
chạy xe mà cũng mua số à, trông sao được vào những tờ giấy đó?”. Lộc cười “em
sao có tiền mà mua số, sáng nay chở một bà từ chợ về nhà, thiếu tiền bà đưa cho
em tờ số để trừ”. Ông Kỷ hỏi “chú chịu sao?”. “Không chịu cũng không được anh
ơi, mà biết đâu em trúng?”. Nhìn gương mặt của Lộc ngời ngời hy vọng, ông Kỷ
thấy tội nghiệp cho Lộc quá chừng. Quả nhiên làm sao trúng được với tờ vé số
đó, Lộc cứ tiếc trong lòng hoài, phải chi mình cố nài mười ngàn thì con mua
được gói bột ngọt, chớ tờ vé số này thì thành rác chỉ tội mấy công nhân vệ sinh
quét hốt thêm việc mà thôi.
Bữa
rượu đó Lộc không dám uống say, uống say lấy ai chăm sóc cho Thoa? Lộc ra về
trong túi có hai mươi ngàn ông Kỷ nhét vào, đó là số tiền ông Kỷ lấy được từ vợ
chồng người bán cá đồng.
Nắng
lên cao, bóng râm tủ cấp điện càng lúc càng thu nhỏ lại. Lộc đứng dậy ngồi lên
chiếc xe dựng bằng chân chống thẳng. Dáng ngồi của Lộc trông tồi tội, hắn thu
cả hai chân lên yên xe, chiếc lưng nhỏ của hắn cong lại như lưng tôm. Lộc nhìn
về hướng hàng cây nơi vợ chồng người bán cá đồng ngồi dưới bóng râm của một cây
Uy ly mộc đang làm cá hắn cũng không thấy ông Kỷ. Không phải bây giờ Lộc mới để
ý tìm ông Kỷ mà đã ba ngày rồi hắn không thấy cái dáng còm rom trong cái áo màu
cứt ngựa ông Kỷ thường mặc. Lộc cũng đã ghé qua nhà ông Kỷ nhưng hắn kêu cửa
cũng không có ai thưa. Hay là ông Kỷ về Phan Rang tìm vợ hoặc đi Sài Gòn thăm
con? Lộc không biết.
Đến
ngày thứ bảy ông Kỷ mới về, ông Kỷ không vào nhà liền mà ra chỗ hàng cây tìm
Lộc. Lộc chở ông Kỷ về nhà, vừa bước chân vô nhà, ông Kỷ trải chiếc chiếu mời
Lộc ngồi xuống rồi nói ngay “tôi với chú uống với nhau ly rượu chia tay, ngày
mai tôi về Sài Gòn ở hẳn với thằng Long, nó mới mua trả góp một căn chung cư
thuộc chương trình nhà ở xã hội”. Lộc nói “chúc mừng anh và cháu, còn cái chái
này anh để không à?”. “Ngày mai người ta xuống giải tỏa xong là tôi đi liền,
chú biết không cái chái này coi chướng lắm, tôi biết vậy nhưng lâu này không có
chỗ nên ở liều”. Ông Kỷ nói thêm “người ta đòi giải tỏa lâu rồi để bảo đảm mỹ
quan thành phố nhưng mấy ổng cũng thông cảm hoàn cảnh của tôi”.
Ông
Kỷ đi Lộc cũng buồn buồn, sáng sáng thấy cái dáng ốm ốm cao cao của ông Kỷ
quanh quẩn bên hồ quen rồi bây giờ thấy thiêu thiếu, dường như ông Kỷ là một
phần của cái hồ hay sao mà sáng hôm sau Lộc thấy mặt nước cũng buồn buồn? Cô
gái bán khoai lang giờ chuyển qua bán giải khát cũng có tâm trạng như vậy khi
cô gặp Lộc “chú ơi bác Kỷ đi cháu thấy thiêu thiếu, hồi còn bác, kẹt cái gì là
hỏi thăm bác đều chỉ vẽ tận tình, cả xóm này chuyện nhà ai bác cũng rành như…
đọc vậy đó chú, cháu nhớ bác ấy quá!”.
Tháng
chạp về với những cơn gió mùa đông, Lộc vẫn kiên trì với chỗ đón khách của
mình.Giờ coi bộ hắn như nhỏ con hơn nữa với chiếc áo phao lấm chấm những lỗ
thủng do tàn thuốc. Lộc đang chờ khách, hắn giơ tay vẫy ra hiệu mời khách đi xe
khi thấy một bà đẩy chiếc xe chở hàng của siêu thị đi về phía hắn. Ai dè bà ta
đi thẳng tới chỗ mấy chiếc tắc xi đậu đón khách, một tay tắc xi đon đả chạy tới
đẩy giùm xe, vậy mà tay tắc xi cũng hụt bởi bà ta đi thẳng tới chiếc xe 4 bánh
có một người đàn ông đang chờ. Lộc quay lại khi nghe ai đó hỏi “chú ơi, chú có
phải tên Lộc không?”. Lộc cười “ai kêu tôi đó, tôi là Lộc đây?”. Đó là một
thanh niên khiến Lộc sững người bởi người thanh niên giống thằng Thao như đúc.
Người thanh niên nói “cháu là con ba Kỷ, ba Kỷ dặn cháu cứ ra chỗ này là gặp
chú, ba Kỷ biểu đưa cái này cho chú”. Thằng Long con ông Kỷ, Lộc nghĩ thầm, hắn
hỏi “sao anh Kỷ không về mà gởi cái gì cho chú vậy?”. Long đáp “ba cháu chết
hồi tháng trước, lo tang ma xong nhiều chuyện quá giờ cháu mới rảnh về tìm chú,
dạ thôi cháu chào chú cháu đi”. Lộc đang sững sốt vì cái tin ông Kỷ chết, chưa
kịp hỏi thêm thì Long đã đi rồi, đến khi Lộc sực tỉnh thì thấy chiếc xe chở
Long đã chạy một quãng đường dài. Lộc thở dài mở chiếc phong bì màu vàng được
làm bằng giấy dầy và dán rất kỷ. Bên trong là một xấp tiền năm trăm ngàn và một
tờ giấy ghi mấy chữ vắn tắt “Gởi chú Lộc, đây là số tiền tôi dành dụm mấy năm
trời dành để dưỡng già, nay thằng Long đã lo được cho tôi nên tôi gởi cho chú
phụ một tay nuôi hai thằng con ăn học. Chú đừng từ chối, bởi tôi là bác ruột
thằng con trai đầu của chú, tôi chẳng phải là ma xó núi gì đâu, thằng em trời
đánh của tôi đã làm cho cô Thoa có bầu rồi quất ngựa truy phong, may mà còn có
chú, tôi cám ơn chú”.
21/1/2015
Nguyễn Hữu Cương © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 16.5.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét