Home
» Tin tức - Sự kiện - Bình luận
» Góp ý nhỏ cho sách giáo khoa ngữ văn THCS và THPT hiện hành ở Việt Nam – Bài viết Bùi Ngọc Minh
Góp ý nhỏ cho sách giáo khoa ngữ văn THCS và THPT hiện hành ở Việt Nam – Bài viết Bùi Ngọc Minh
Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015
Cho đến nay, sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện hành đã qua rất nhiều lần chỉnh lí bổ xung, nhưng vẫn còn một số lỗi hiện diện rất khó lí giải. Theo lộ trình được ngành giáo dục công bố, đến năm 2018 sẽ thay đổi chuơng trình và sách giáo khoa theo phương châm đổi mới căn bản và toàn diện. Thiết nghĩ trước khi thời điểm ấy đến, ngành giáo dục cần chỉnh lí ngay sách Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện hành.
Thông
tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác
giả Bùi Ngọc Minh
Họ
tên thật: Bùi Ngọc Minh
Địa
chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường
Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT:
0914928390
Email: buingocminhnb@gmail.com
_____
GÓP Ý NHỎ CHO SÁCH
GIÁO KHOA NGỮ VĂN
THCS VÀ THPT HIỆN
HÀNH Ở VIỆT NAM
Cho đến nay, sách giáo khoa Ngữ văn trung
học cơ sở và trung học phổ thông hiện hành đã qua rất nhiều lần chỉnh lí bổ
xung, nhưng vẫn còn một số lỗi hiện diện rất khó lí giải. Theo lộ trình được
ngành giáo dục công bố, đến năm 2018 sẽ thay đổi chuơng trình và sách giáo khoa
theo phương châm đổi mới căn bản và toàn diện. Thiết nghĩ trước khi thời điểm
ấy đến, ngành giáo dục cần chỉnh lí ngay sách Ngữ văn trung học cơ sở và trung
học phổ thông hiện hành.
1.
Phần văn học dân gian, trong văn bản truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy (Ngữ văn 10 tập một, cả bộ cơ bản và nâng cao) được trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái
liệt truyện có đoạn như sau:
Không bao lâu, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là
Trọng Thủy. (1)
Nguyên
gốc Rùa vàng của Lĩnh Nam chích quái lục - Trần Thế Pháp lại viết: “Chưa được bao lâu Đà sai con là Trọng Thủy
vào làm Túc vệ, cầu hôn với con gái vương là Mỵ Châu. Vương không ngờ đến gian
kế của cha con Đà, bèn nhận lời." – (Văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, Nxb Giáo dục, tập I- 1999, trang
121)
Nếu
xét trong ngữ cảnh trên của sách giáo khoa, người đọc buộc phải hiểu câu Đà cầu hôn như sau: Đà là chủ từ, cũng là
chủ thể, là phần đề của phần vị từ, phần thuyết cầu hôn. Nói cho dễ hiểu Triệu
Đà đi hỏi vợ cho chính mình. Vậy mà Vua (An Dương Vương) lại vô tình gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy.
Theo văn mạch có thể suy ra Vua không bình thường về thần kinh, Triệu Đà đi hỏi
Mị Châu về làm vợ cho chính mình, Vua lại gả Mị Châu cho con trai của Triệu Đà.
Và… không cần đọc hết câu chuyện cũng có thể suy ra vì sao An Dương Vương bị
mất nước. Trong truyền thuyết dân gian, trong kí ức lịch sử của ông cha ta
chính xác phải là Đà đi hỏi vợ cho con trai, chứ không thể để như câu văn đã
dẫn trên kia.
Ở
đây, truyện của Kiều Phú đã sửa đổi khi dựa vào Trần Thế Pháp, và người soạn
sách nên lựa chọn bản nào đúng với logic lịch sử hơn chứ không nên chọn bản mới
hơn!
3.
Phần văn học trung đại: Dùng điển cố (tích cũ việc xưa) là một trong những nét
đặc trưng của thi pháp văn chương trung đại. Đây là cách văn nhân, thi sĩ xưa hiển
thị tài năng hay chữ, nhớ nhiều, biết lắm (uyên bác); cũng là cách để cổ nhân
thể hiện quan niệm sùng cổ (sư cổ, sự cổ
– lấy cái xưa cũ làm thầy, tôn thờ cái cổ xưa). Người xưa thường lấy cái cổ làm
mẫu mực cho hiện tại, với họ quá khứ là hoàng kim. Đây cũng chính là cách làm
cho văn chương thêm hàm súc. Phép dụng điển của người xưa rất tinh vi. Họ dùng
điển như dùng muối, ít khi dùng nguyên điển vì cho rằng đó là nhai lại bã mía của cổ nhân. Mỗi điển tích chỉ được gợi lại qua một vài
chữ. Thậm chí, một vài chữ khến người thẩm thơ văn liên tưởng tới nhiều điển.
Người đọc phải tinh ý, phải nhớ nhiều biết lắm mới nhận ra. Văn chương trung
đại là sản phẩm tinh thần của những nhà nho tài hoa uyên bác dành cho những bậc
uyên bác tài hoa. Tác giả và độc giả của thứ văn chương ấy là một thiểu số ưu
tú. Sáng tác trước thuật với họ là một hành vi văn hóa phi lợi nhuận và dành
cho người tri âm tri kỉ. Hai câu thơ Nguyễn Khuyến trong Khóc Dương Khuê:
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết ai đưa ai biết mà đưa.
nên
hiểu theo tinh thần ấy.
Phép
dùng điển đã có lịch sử hàng ngàn năm trong văn học trung đại phương Đông
(Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên). Văn nhân, thi nhân trung đại
phương Đông thường lấy tích cũ, việc xưa trong văn hoá, văn học Trung Hoa cổ
đưa vào sáng tác, trước thuật của mình. Người đọc ngày nay, nhất là học sinh
phổ thông khi tiếp cận văn chương trung đại không nắm được điển cố, điển tích
sẽ không hiểu được thơ văn, dễ rơi vào tình trạng thực bất tri kì vị (ăn mà không biết mùi vị của nó).
Rất
tiếc: sách giáo khoa Ngữ văn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông,
trong một số bài học về văn bản văn học
trung đại chú thích các điển tích chưa kĩ, thậm chí không chú thích khiến việc
tiếp nhận tác phẩm trung đại rất khó khăn với các em học sinh. Thử lấy một vài
ví dụ: ở sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập một
(2), bài 8 Qua đèo ngang của bà Huyện
Thanh Quan, cặp câu luận:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (4)
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (5)
Phần
chú thích như sau: (4): con quốc quốc
(cũng viết là cuốc cuốc): Chim đỗ quyên (chim quốc). Xem chú thích (6), bài 4 (trang
103). Chú thích (6) trang 48, 49: Con cuốc: chim nhỏ, hơi giống gà, sống ở bờ
bụi gần nước, có tiếng kêu “cuốc cuốc” (có khi viết là quốc) còn được gọi là đỗ
quyên, đỗ vũ. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Thục Đế mất nước, hồn biến thành
chim cuốc, hồn nhớ nước (quốc: nước) đến nhỏ máu ra mà chết. Tiếng kêu chim
quốc trong bài biểu hiện cho nỗi khổ đau oan trái của người lao động (5): Cái
gia gia (cũng viết là da da): chim đa đa, còn gọi là gà gô. (trang 103).
Theo
thiển ý của tôi, chú thích (6) ở trang 48, 49 không thể dùng nguyên vẹn trong
bài 8, bởi câu thơ Nhớ nước đau lòng con
quốc quốc không thể có ý nghĩa: Tiếng
kêu chim quốc trong bài biểu hiện cho nỗi khổ đau oan trái của người lao động
(!). Còn chú thích (5) rõ ràng cần
phải đem ra trao đổi trước công luận. Từ chương học bắt buộc trong một bài thơ
Đường thất ngôn bát cú cặp câu luận phải đối ý đối lời. Một người làm thơ cỡ
bậc thầy như bà Huyện Thanh Quan, không lẽ trong cặp câu luận buộc phải đối
nhau, mà câu năm vừa chơi chữ vừa dùng điển, trong khi câu sáu chỉ chơi chữ mà
không dùng điển (!) chẳng lẽ Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có
trong thời đại ngày xưa mà lại làm thơ thất luật (không đúng luật)
(!). Những chữ in nghiêng và tô đậm là của người soạn sách ở trang 102 mà chúng
tôi muốn quí vị độc giả lưu ý. Câu sáu của bài này rõ ràng là một điển tích. Đó
là điển về sự tích chim đa đa trong văn hoá, văn học Trung Hoa cổ. Điển ấy như
sau: thời cổ, nhà Chu diệt nhà Ân Thương, con vua nước Cô Trúc là Bá Di và Thúc
Tề không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, chỉ ăn rau vi, một
thứ rau rất đắng mà không chịu ăn thóc đã mọc trên đất của nhà Chu, bởi quan
niệm: Phổ chi thiên hạ mạc phi vương thổ
- Xuất hải chi tân mạc phi vương thần (Đông sơn, Kinh thi). Sau đó có người
nói với Bá Di, Thúc Tề rằng: Rau vi trên núi Thú Dương cũng đã là rau vi của
nhà Chu, hai ông không ăn rau vi nữa và chết đói để tỏ lòng trung với vua cũ.
Họ chết đi và biến thành thứ chim cứ kêu thảm thiết:
Bất thực cốc Chu gia
Bất thực cốc Chu gia.
(Không ăn thóc nhà Chu
Không
ăn thóc nhà Chu.)
Sách
Ngữ văn 9 tập một cho đến nay vẫn dịch truyện Nam Xương nữ tử trong Truyền
kì mạn lục của Nguyễn Dữ là Người con
gái Nam Xương mà không chú ý đến nhân vật Vũ Nương (Vũ Thị Thiết) trong
truyện đã là gái có chồng, có con là thằng Đản lên ba tuổi. Trong tiếng Việt,
con gái chỉ những phụ nữ con trinh trắng, thanh tân chưa lấy chồng. Các tác giả
sách Ngữ Văn 9 tập một muốn giới
thiệu cho học sinh một truyện ngắn trung đại viết theo thể truyền kì, nhưng tên
truyện mà dịch như vậy quả là kì lạ, kì dị, kì quái, kì cục chứ không còn là
truyền kì nữa. Dĩ nhiên những người soạn sách đã lấy lại bản dịch của Trúc Khê
Ngô Văn Triện. Truyền kì mạn lục do
vị túc nho họ Ngô dịch và được Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành tại Hà Nội năm
1962, nhưng chẳng nhẽ người đi trước nhầm lẫn, những người đi sau vẫn cứ tiếp
tục vậy sao? Đầu năm học 2011 - 2012 Bộ Giáo dục và đào tạo, trước sức ép của
công luận về những bất cập của chương trình giáo dục các cấp đã có điều chỉnh,
nhưng tình trạng trên vẫn cứ tiếp diễn và không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Có lẽ cần nhanh chóng thay cách dịch tên truyện trên bằng cách dịch sau đây: Người thiếu phụ Nam Xương, để đạt tới
yêu cầu tín, đạt, nhã trong dịch thuật và góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Sách
Ngữ văn 11 tập một (3) có bài Câu cá
mùa thu (Thu điếu) của Nguyễn Khuyến,
xin trích nguyên văn lời người biên soạn:
Kết quả cần đạt (phần mở đầu bài học)
*Cảm nhận được nét đẹp của cảnh thu điển
hình cho mùa thu làng cảnh Việt Nam và vẻ đẹp tâm hồn yêu thiên nhiên đất nước
của nhà thơ.
*Thấy được nghệ thuật tả cảnh, tả tình và
sử dụng tiếng Việt của Nguyễn Khuyến.(trang 21)
Hướng dẫn học bài (sau khi trích dẫn
văn bản Thu điếu)
1. Điểm nhìn cảnh thu của tác giả có gì đặc
sắc? Từ điểm nhìn ấy, nhà thơ đã bao quát cảnh thu như thế nào?
2. Những từ ngữ, hình ảnh nào gợi lên được
nét riêng của cảnh sắc mùa thu? Đó là cảnh thu ở miền quê nào?
3. Anh (chị) có nhận xét gì về không gian
trong Câu cá mùa thu qua các chuyển động, màu sắc, hình ảnh, âm thanh? Không
gian trong câu cá mùa thu góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
4. Cách gieo vần trong bài thơ có gì đặc
biệt? Cách gieo vần ấy gợi cho ta cảm giác gì về cảnh thu và tình thu?
5. Qua Câu cá mùa thu, anh (chị) có cảm
nhận như thế nào về tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên, đất
nước?
Ghi nhớ (phần cuối bài học)
Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ
thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc Bộ,
đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế và tài
thơ Nôm của tác giả.(trang
22)
Điều
này cho thấy cách cảm thụ một bài thơ Nôm Đường luật thời trung đại, không có
gì khác lắm so với cách cảm thụ một bài thơ hiện đại. Konrad một trong những
nhà Đông phương học hàng đầu của Liên Xô cũ từng cảnh báo:
Bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ này (thế
kỷ XX – chúng tôi thêm) ở Trung Quốc,
người ta hiểu văn học theo cách hiểu của phương Tây; cũng bắt đầu từ những công
trình về lịch sử văn học, mà trong đó các học giả Trung Quốc xử lý văn học nước
mình hệt như các nhà lịch sử văn học hiện đại của bất kỳ nền văn học phương Tây
nào ấy đang làm. Nói cách khác, ở Trung Quốc đã vài thập kỷ nay, hiện diện một
khoa nghiên cứu văn học giống y như nghiên cứu văn học ở phương
Tây, cũng lộ ra những ưu điểm và nhược điểm hệt như khoa nghiên cứu văn
học ở các nước phương Tây..
Ở Trung Quốc xưa, người ta hiểu văn học
theo cách khác. Chính ở điểm này , cần làm sáng tỏ vấn đề. Hơn nữa cách hiểu
này lại gắn bó mật thiết vơí lịch sử văn học Trung Quốc hàng hai thiên niên kỷ
rưỡi.
Tình
hình này cũng thấy hiện diện trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập hai ở trung học phổ thông. Theo chúng tôi, vì Nguyễn
Khuyến là bậc đại khoa Cỡi đầu người kể
đã ba phen – Ơn vua chưa chút đáp đền – Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn
trời (Di chúc văn), vì vậy mà dũng
thoái về ở ẩn. Thiên nhiên làng cảnh đồng bằng Bắc bộ đẹp trong mùa thu,
cũng là vẻ đẹp của làng cảnh Việt Nam; điều này không thể bác bỏ. Nhưng thi
phẩm còn là biểu tượng một không gian thanh tĩnh, thanh khiết để Nguyễn Khuyến
lánh đục về trong, an bần lạc đạo, độc
thiện kì thân theo nguyên tắc hành xử của nhà nho xưa; đồng thời thể hiện
sự bất lực trước thời thế (Sách vở ích gì
cho buổi ấy – Áo khăn lại nghĩ thẹn thân già). Vì vậy, tên bài thơ không
thể chỉ dịch Thu điếu là Câu cá mùa
thu hay Mùa thu câu cá. Nên chăng phải cho học sinh biết vì sao bài này và cả
chùm thơ thu ba bài thuần Nôm mà riêng tên của chúng lại là chữ Hán? Hẳn nhà
thơ có dụng ý gì chăng? Dường như Thu điếu vang hưởng điển tích về Lã Vọng
Khương Tử Nha, một bậc hiền tài thời Chu mà sử sách Trung Hoa cổ còn ghi lại.
Lã Vọng 80 tuổi còn ngồi câu cá trên sông Vị Thủy, câu cá mà lưỡi câu không mắc
mồi, lại uốn cho thẳng ra. Nhà Chu biết ông là hiền tài trong thiên hạ bèn mời
ra giúp nước, quả nhiên ông ta đã giúp nhà Chu lập nên nghiệp lớn. Lã Vọng xưa
câu cá chờ thời, đợi thời, Nguyễn Khuyến nay câu cá để quên thời thế, vì vậy
câu cá mà chẳng để ý đến việc câu và cũng chẳng được con cá nào (Tựa gối ôm cần lâu chẳng được - Cá đâu đớp
động dưới chân bèo). Vậy, câu cá không có ý nghĩa thực tế thực dụng, mà là
một ứng xử trữ tình. Cũng như Thu ẩm
(Mùa thu uống rượu, hay Uống rượu mùa thu): Rượu
tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ dăm ba chén đã say nhè. Bài thơ gợi ta nhớ
tới Tương tiến tửu (Sắp mời rượu) của
Thi tiên Lí Bạch thời Đường:
Khâu Sầm hai bác bạn thân,
Rượu ngon xin chớ ngại ngần ngừng
xơi.
Ta vì bác hát chơi một khúc,
Bác vì ta hãy chúc bên tai.
Ngọc tiền chiêng trông mặc ai,
Tỉnh chi ta chỉ thích dài sự say…
………………………………
Áo cừu ngưa gấm để đâu?
Bảo con hầu đổi lấy bầu rượu ngon
Uống cho muôn thuở tan sầu.
(Bản dịch thơ của Nhượng Tống)
Đó
cũng là một ứng xử trữ tình, uống rượu để quên thời thế của nhà nho ở ẩn Nguyễn
Khuyến. Thu vịnh (Vịnh mùa thu, hay
Mùa thu làm thơ) dường như mới dịch xác chữ mà chưa chuyển tải được hồn chữ.
Dường như chùm thơ thu nói chung, Thu
vịnh nói riêng là cách Nguyễn Khuyến đối thoại với cổ nhân. Đỗ Phủ thời
Đường viết tám bài Thu hứng khi đất
nước loạn lạc, gia đình li tán do nội chiến; Nguyễn Khuyến viết chùm thơ tam
thu vì đất nước bị xâm lược. Tâm sự của hai bậc đại gia, đại bút có chỗ giống
nhau mà cũng có chỗ khác nhau. Có lẽ vì vậy trong Thu vịnh, muốn làm thơ mà không làm được (Nhân hứng cũng vừa toan cất bút – Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào). Cả
chùm thơ có gì uất ức nghẹn ngào,. Thơ thu xưa thường buồn, nhưng nỗi buồn
trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến vẫn có sắc thái riêng. Đó là tâm sự về
thân thế, thời thế, nhân thế của Tam Nguyên Yên Đổ khi đất nước đã bị mất độc
lập chủ quyền. Thu điếu rõ ràng là
thơ vịnh cảnh nhằm kí thác tâm sự, nếu chỉ hiểu nghiêng về vẻ đẹp của thiên
nhiên làng cảnh Việt Nam, xem ra có gì bất cập.
Chỉ
qua một vài ví dụ đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp nhận văn chương
trung đại cần phải đặt nó trong sinh quyển văn hóa đặc thù thời trung đại
phương Đông, đồng thời cũng nên chú ý đúng mức đến đối tượng tiếp nhận.
3.
Ở phần văn học đầu thế kỉ XX, trước đây chương trình và các sách giáo khoa
trước cải cách gần đây nhất đều chọn
giới thiệu bài thơ Thề non nước của
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, bài thơ vào loại hay nhất, tiêu biểu nhất cho tư tưởng
và phong cách nghệ thuật của thi sĩ này. Nhưng từ khi sách giáo khoa 11 được
gọi bằng tên gọi Ngữ văn (cả bộ cơ
bản và nâng cao) lại thay bằng bài Hầu
trời, với lí do là bài thơ này mang nhiều dấu hiệu của cuộc cách tân thi
ca. Nhưng thực ra nó chỉ là một bài thơ tầm tầm, nếu không muốn nói là không
phải thuộc loại hay nhất của Tản Đà. Nói như Hoài Thanh thì cái dở chẳng tiêu
biểu cho cái gì cả. Không phải ngẫu nhiên mở đầu Thi nhân Việt Nam, sau mấy lời
Cung chiêu anh hồn Tản Đà, nhà phê
bình vào loại bậc nhất của thế kỉ XX ở xứ ta lại trân trọng tuyển chọn hai thi
phẩm của Tản Đà là Thề non nước và Tống biệt.
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là bức thiết, nhưng đổi mà không
mới, không hay bằng cái đã ổn định, được công nhận là tuyệt tác thì tốt nhất là
vẫn giữ lại cái cũ thiết tưởng là phương án tốt nhất.
Kết luận
Trên
đây là mấy ý kiến nhỏ của người viết với thiện ý mong sách giáo khoa Ngữ văn
cho học sinh THCS và THPT hiện hành khắc phục ngay trong năm học 2015-2016 chứ
không đợi đến khi thay sách giáo khoa mới để đảm bảo tính khoa học và tính sư
phạm của một bộ sách giáo khoa và quyền lợi của các em học sinh phổ thông và
mong rằng những sai sót này không hiện diện
trong sách giáo khoa Ngữ văn bộ mới.
Vân Giang, 5 /2003- 05/2015
----
CHÚ
THÍCH:
(1) Vũ Quỳnh – Kiều Phú ( sao chép và sửa
chữa lại từ Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Trần Thế Pháp) vào khoảng cuối
thế kỉ XV, Đinh Gia Khánh – Nguyễn Ngọc San dịch, Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội)
ấn hành năm 2001, trang 41, Ngữ Văn 10
tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ tư tháng 1 năm 2010).
(2): Nhà xuất bản Giáo dục ở cả lần xuất bản
tháng 5 năm 2003 và tái bản lần thứ tám tháng 01 năm 2011.
(3): Ngữ văn 11 tập một, NXB Giáo dục tháng 5
năm 2007 (bản in thử), NXB Giáo dục Việt Nam năm 2011, cho đến lần tái bản gần
nhất 2014.
----
©
Tác giả giữ bản quyền
.
Cập nhật lại theo nguyên bản của tác giả gửi từ Ninh Bình ngày 29.5.2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét