Sáng tạo là con đường thi sĩ – Bài viết Tâm Nhiên (Kiên Giang)
Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015
Thơ là gì? Thi ca là cái chi? Có người cắt cớ hỏi Bùi Giáng như vậy. Thi sĩ khề khà trả lời: “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ, nhưng thơ là gì, thì đó là điều ta không biết.”* Tuy nói thế, nhưng suốt bình sinh trong cuộc sống, thi sĩ chỉ dốc chí làm thơ và sống phiêu bồng, lãng tử như thơ mà thôi.
Thông tin
cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Tâm Nhiên
Quê quán: Bên dòng sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Bây giờ dạy học ở hải đảo Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang.
Sống độc thân trên đồi Vô Trú Am giữa đại dương bát ngát.
DĐ: 0904 536 286
Email: tamnhien@gmail.com
_____
SÁNG TẠO LÀ CON ĐƯỜNG THI SĨ
Quê quán: Bên dòng sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Bây giờ dạy học ở hải đảo Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang.
Sống độc thân trên đồi Vô Trú Am giữa đại dương bát ngát.
DĐ: 0904 536 286
Email: tamnhien@gmail.com
_____
SÁNG TẠO LÀ CON ĐƯỜNG THI SĨ
Thơ là gì? Thi ca
là cái chi? Có người cắt cớ hỏi Bùi Giáng như vậy. Thi sĩ khề khà trả lời: “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta
biết nó lội, thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ, nhưng thơ là gì, thì đó là
điều ta không biết.”* Tuy nói thế, nhưng suốt bình sinh trong cuộc sống,
thi sĩ chỉ dốc chí làm thơ và sống phiêu bồng, lãng tử như thơ mà thôi.
Đó là một cách trả
lời mà không đáp ứng gì cả, giống như một tục khách đến hỏi thiền sư: “Thiền là gì?” Đáp: “Hôm nay thời tiết chưa tốt lắm.” Trả lời mà chẳng giải thích, vì
thiền sư biết căn cơ của khách tục chưa đủ chín muồi, dù có nói nhiều điều cao
siêu đi chăng nữa thì cũng không lãnh hội chi đâu. Tốt nhất là nên im lặng.
Im lặng để cho kẻ
thắc mắc kia còn có cơ hội khám phá ra vẻ đẹp tuyệt trần chân thiện mỹ của
thiền. Khi tự tỏ ngộ thì đương nhiên, họ không còn chạy đây đó tìm học, tham
vấn vu vơ gì nữa. Từ đó, thơ và thiền tự nhiên hiển lộ, lung linh, kỳ ảo vô
ngần trong phương lòng quang minh của chính họ rồi.
Lúc ấy sẽ bùng vỡ
ra cái thấy tinh khôi, mới lạ và làm tiêu tan hết mọi mệt mỏi, chán chường, như
thi hào Rainer Maria Rilke phát biểu: “Nếu
đời sống thường nhật trở nên nhạt nhẽo, nghèo nàn đối với anh thì anh đừng bao
giờ quy trách nó. Anh hãy tự trách chính anh rằng, anh không đủ tâm hồn thi
nhân để mà có thể gợi dậy trong lòng mình tất cả sự phong phú, miên man của đời
sống thường nhật, vì đối với một con người sáng tạo, một thi sĩ thì chẳng có gì
là nhạt nhẽo, nghèo nàn, chẳng có một nơi chốn nào là khô khan, lãnh đạm.”**
Đúng như vậy, với
kẻ sáng tạo thì họ có khả năng làm sinh động lại những tiêu điều, hiu hắt, biết
chuyển hóa nỗi đau buồn thành niềm hân hoan tối thượng. Bước đi trên con đường
sáng tạo là bước đi vô sở trú, vô sở cầu, vô sở đắc, thi sĩ kẻ không cửa, không
nhà, kẻ cô đơn sâu thẳm, tâm hồn dồn về nẻo chân lý, hướng về ngõ uyên nguyên,
khơi mở mạch suối nguồn.
Cuộc lữ khởi sự
băng qua những sa mạc, hư vô đời khô khốc, những địa ngục sục sôi, cháy đầy lửa
bỏng, những hố thẳm âm u, mịt mù tăm tối… Rồi cuộc lữ mở ra một con đường phong
quang sáng tạo, ngút ngàn mây trắng với những phương trời bát ngát bao la, để
cho thi sĩ chợt thấy mình không là chi cả: Không tên tuổi, không gia đình,
không sự nghiệp, không địa vị, không trách nhiệm, không bổn phận, không mục
đích, không chỗ trú cư trong thời gian và không gian.
Không chỗ trú vào
bất cứ đâu, nên thênh thang vô sự theo cách điệu tiêu dao du ngay cái đang là
luôn luôn mới lạ và mới lạ giữa như thị, như nhiên, phiêu bồng không chấp.
Âm thầm, tuyệt
nhiên lặng lẽ, người thi sĩ thở cùng thơ, sống cùng thơ, trọn vẹn, tuyệt đối
thủy chung với nàng thơ bát ngát. Họ không bận tâm nhiều tới quần áo, ăn uống,
ngủ nghỉ, chẳng thiết chi chuyện truyền giống, nối dõi tông đường hay bảo vệ
đất nước, duy trì quốc gia, nhất là không thích làm giàu để hưởng thụ mà trái
lại, ưa sống đạm bạc, thanh bần, đơn sơ, giản dị. Họ chỉ quan tâm tới sáng tạo
và chân lý như đại văn hào Henry Miller tuyên bố một câu bất hủ: “Từ chút ít sách vở tôi đã đọc, tôi
nghiệm ra rằng, những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời, những người nhồi
nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời đều ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hay
không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn phận, hoặc nối dõi
tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới chân lý và chân lý mà
thôi. Họ chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động là sáng tạo. Không một người nào
có thể chỉ huy công việc họ, bởi vì họ tự nguyện cho tất cả. Họ cho không, bởi
vì đó là cách duy nhất để cho.”***
Dĩ nhiên cái gọi là cho ấy của thiền sư,
nghệ sĩ, thi nhân, không phải là của cải vật chất tầm thường mà là tinh túy,
tinh hoa kết đọng thành tư tưởng vô hình, vô tướng. Chỉ những tâm hồn đồng
điệu, đồng thanh tương ứng mới cảm được, mới thấy được giá trị vô lường của
tặng phẩm tinh thần thâm thúy đó, để diệu dụng cùng cung bậc đời thường, thanh
thản tự do.
Cho nên đi vào cõi thơ là dấn thân vào cõi
mộng không lời, là phiêu lưu mạo hiểm xuống hố thẳm không đáy, là bay lên những
phương trời vô xứ cùng tuyệt thiên thanh. Đòi hỏi kẻ lữ hành độc đạo, phải
buông xuống sạch sành sanh tất cả những thứ cặn bã của xã hội loài người như
được mất, hơn thua, tốt xấu, giàu nghèo, danh lợi, khen chê, đúng sai, phải
quấy... Bước nhảy trọng đại đó là bước nhảy chập chùng sinh tử. Có vượt qua gập
ghềnh sinh tử được hay không là còn tùy công phu hàm dưỡng của mỗi người.
Đường của thơ là không lộ, đầy cuồng phong,
bão táp, đầy lao đao khổ lụy, đọa đày. Tuy bị đày đọa như thế nhưng vẫn có cái
thi vị tuyệt vời, như thiền sư Tuệ Sỹ nhận định: “Người làm thơ, cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái
ảo diệu của vị chua, vị mặn. Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đọa thân tâm,
đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đọa đó mà kỳ thực không là đày đọa.
Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ lụy lao đao, nhưng không là khổ lụy
lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu
nổi?”****
Cõi thượng thừa của thi ca ở đâu? Phải
chăng, đó là công án mà mỗi thi nhân phải tự mình đốn ngộ, chứ đừng ngớ ngẩn
chạy đôn chạy đáo thưa hỏi, tìm kiếm lung tung. Cứ nhập cuộc chịu chơi, ném
mình vào những phương trời gió loạn, cúi sâu xuống tận đáy lòng hun hút cô
liêu, diệu vợi của mình, may ra sẽ bùng vỡ mật nghĩa cái chân lý muôn đời.
Trên tinh thần phóng khoáng, tự do đó,
người thi sĩ tự bao giờ vẫn nhất thiết kiên trì, vô cùng nhẫn nại. Bước đi lầm
lũi khai phá, dốc chí bền gan sáng tạo và sáng tạo kỳ cùng, song hành cùng nàng
thơ độc đáo, vô song, như triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện có lần tâm sự: “Làm thơ là hố thẳm
xoáy tròn vào cơn bão tố rùng rợn của thơ và chỉ nhìn thấy thơ trên trời, thơ ở
dưới đất, thơ trong tim, thơ trong óc não, thơ trong mạch máu, thơ trong hơi
thở, thơ trong đời sống, thơ trong cái chết, thơ trong hiện thể, thơ trong vô
thể, thơ trong hư vô… Chỉ có thi sĩ mới sống tận bản thân mình, sống phóng tới
đằng trước tất cả những khả tính sắp hiện của dân tộc mình.”*****
Thi nhân là kẻ
tiên tri thấu thị, một bậc siêu phàm hay một tên khùng điên rồ dại, gọi gì cũng
được, họ chẳng bận tâm mà chỉ lao mình vào cuộc đại hòa điệu chơi với đủ mọi
hình thức: Tình yêu, đau khổ, điên cuồng… như thi sĩ Rimbaud bộc bạch: “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu
thị bằng một sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan lâu dài, rộng lớn, phi thường
và hợp lý. Tất cả mọi hình thức tình yêu, đau khổ, điên cuồng: Hắn tìm kiếm
chính hắn, hắn nuốt trọn mọi độc tố trong hắn để giữ lại tinh túy. Cực hình
khôn tả, trong đó hắn cần tất cả sức mạnh siêu nhân, trong đó hắn trở thành kẻ
bệnh nhân vĩ đại, kẻ tội nhân vĩ đại, kẻ bị nguyền rủa vĩ đại và nhà bác học
siêu phàm. Bởi vì hắn đi tới cái vị tri.”***
Cái vị tri mở ra
những phương trời mây trắng bồng bềnh, thênh thang bát ngát, tiêu dao lồng lộng
trên cảnh giới bất khả tư nghì. Thi sĩ và thiền sư cùng lao đao và cùng tiêu
sái trong cõi trầm mặc phiêu nhiên. Tuyệt thay là phong cách nhào lộn tồn sinh,
rốt ráo tột độ của những tâm hồn kỳ dị đã nếm được hương vị vô cực, vô vi: “Thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và
lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình… Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ.
Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả
cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn, sướng khổ, giận hờn đến gần đứt sự
sống.”*****
Thi sĩ Hàn Mặc Tử
đã nói như thế và Phạm Công Thiện diễn giải: “Khi nào mình “đến gần đứt sự sống” rồi thì mới biết Thơ là cái gì, mới
biết làm thơ, mới biết đọc thơ. Khi mình chưa “đến gần đứt sự sống” thì không
được quyền nói bất cứ điều gì về Thơ, về Thi Ca, về Thi Sĩ, về Thi Nhân…”*****
Phải chăng, đó là
một thái độ vô cùng cẩn trọng đối với Thơ, được phát biểu bởi một thiên tài kỳ
tuyệt? Trong khi bây giờ, có một số người thiển cận tỏ ra xem nhẹ, rẻ rúng,
xuyên tạc thi ca truyền thống ngàn đời của dân tộc. Chúng tổ chức thành hội
này, nhóm nọ, cố tình phá hoại nền văn nghệ đích thực, bằng đủ mọi hành vi đen
tối, rồi còn ra mặt hỗn láo, vô lễ, sừng sộ với tổ tiên, tiền bối, lôi cả thi
hào Nguyễn Du ra bôi bác, lại dám cả gan sửa đổi hàng ngàn từ ngữ trong kiệt
tác Truyện Kiều nữa chứ! Hỡi ôi! Cái bọn hồ đồ ấy còn lên giọng chê bai, chửi
bới, đả kích, khinh thường những thi sĩ, những người làm thơ, coi thơ như một
thứ gì vô bổ, vô ích, vô nghĩa, đáng ném vào sọt rác, vì lạc điệu giữa cuộc sống
thực tế đầy xô bồ, hỗn độn, gần như máy móc, vô cảm hôm nay.
Vậy đó mà Phạm
Công Thiện vẫn mặc kệ, vẫn trọn lòng tin cậy vào sự huyền nhiệm của thi ca và
kiên nhẫn, kiên nhẫn ba la mật, khuyến khích chúng ta một cách đọc thơ như trì
tụng kinh điển, để tự thâm nhập sâu xa cái thâm mật ở chính trong hồn sâu thẳm
của mình: “Đọc thơ cũng giống như đọc
kinh. Phải thọ, trì, đọc, tụng, Đọc không phải để hiểu mà để biết. Biết cái
thâm mật của một giây phút thoáng qua nhanh chóng hơn ánh sáng và biết cái thâm
mật của tam thiên đại thiên thế giới, của vô số hằng hà tỉ tỉ thiên hà trong
lòng ta và ngoài kia không gian phiêu dật. Mà chính lòng ta là tất cả không
gian phiêu dật…”*****
Không những thế,
Phạm Công Thiện còn hồn nhiên tụng ca Thơ, tán thán Thi Ca bằng một niềm tin
tưởng tuyệt đối: “Nói đến Thơ không khác
gì nói đến Thượng đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh, là “blaspheme.”
Những thi sĩ không phải là loài người, họ là những thiên thần, những thánh hoặc
những quỷ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được thì thôi, ta không được quyền có
thái độ của học giả hay giáo sư hoặc nhà phê bình. Phải giết hết những kẻ phê
bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết lúc mới 18 tuổi xuân xanh!
Anh không thể cảm thơ người ta thì hãy im
lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dẻ, giữ gìn gì cả.
Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là
của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”******
Giữa thời buổi
nhiễu nhương, văn chương, văn nghệ hầu như không còn giá trị gì nữa mà vẫn còn
người yêu thi ca như vậy, quả thật là hy hữu phải không? Buồn quá! Sa mạc, hư
vô đang lan dần trên đất mẹ, quê hương, trên khắp cả quả địa cầu hoang vu này
rồi, bọn quỷ dữ, ác ma đã xuất hiện rầm rộ, chúng giết người hàng loạt, dùng
mọi thủ đoạn, lừa đảo, ám sát, khủng bố, đầu độc không trừ một thứ chi hết.
Toàn bộ nền văn minh nhân loại của thế kỷ XXI đang gieo rắc sự chết, tiến bộ
gieo sự chết, khoa học gieo sự chết, tôn giáo gieo sự chết, chủ nghĩa gieo sự
chết, xã hội gieo sự chết, chính trị gieo sự chết, kinh tế gieo sự chết, văn
hóa gieo sự chết, giáo dục gieo sự chết…
Hầu hết loài người
trong thời hiện đại đều đang quay cuồng trong cơn túy sinh mộng tử, điên rồ cố
giành giật đất đai, lãnh thổ, cố mở rộng, bành trướng tôn giáo, cố tuyên truyền
chủ nghĩa, đảng phái, học thuyết và tất nhiên là xung đột quyết liệt. Họ điên
rồ cố tàn sát đẫm máu lẫn nhau, bằng đủ mọi âm mưu thâm hiểm, độc ác, tinh vi
như lời thơ tiên tri của Nguyễn Du, bậc đại thi hào dân tộc:
Mặt ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không
dao
Chao ơi! Sống
trong thời buổi điêu linh như vậy, một cõi nhân gian bi đát, tan hoang như thế,
hỏi sao người thi sĩ không cảm thấy lạc lõng, bơ vơ cho được? Họ vô lường
thương cảm, xót xa, đành rời quê nhà, bỏ xứ sở, làm kẻ lang thang tuyệt mù viễn
xứ như Phạm Công Thiện, muốn điên cuồng kỳ dị như Bùi Giáng, hay tuyệt nhiên im
lặng, mặc như lôi như Tuệ Sỹ và cuối cùng, chỉ còn biết âm thầm sáng tạo, lặng
lẽ làm thơ như muốn thắp lên một ngọn lửa tình yêu diệu huyền, xanh biếc thiết
tha trên sa mạc khô cằn của nhân loại.
Nói như văn hào
Hermann Heese: “Dù có bị đau đớn, quằn
quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này.”******* Cho nên thi nhân
vẫn hạo nhiên chi khí, tự nguyện đi vào địa ngục trần gian, đốt bừng lên đuốc
lửa tuệ quang, sáng ngời vô úy, thổi vào hồn tồn lưu một ngọn lửa tình thương
yêu vô điều kiện và hòa âm thâm mật trên cung bậc thi ca.
Thi ca là suối
nguồn bất tận, chảy hoài từ thiên vạn cổ đến nay, như nhà thơ Saint John Perse
tỏ bày trong dịp nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1960: “Người thơ đã có trong con người ăn lông ở
lỗ, người thơ vẫn sẽ có trong con người thời nguyên tử, vì người thơ là một
phần tử bất khả phân của con người. Chính từ sự đòi hỏi của thơ, của tâm, làm
phát sinh tôn giáo và nhờ duyên thơ mà tia lửa thiêng sống mãi trong khối đá
người. Khi mọi thần thoại sụp đổ hết thì thơ là chỗ ẩn cuối cùng của cái tối
linh.”********
Tình yêu, tình
thương là điệp khúc, là bản trường ca miên viễn, bất tuyệt của thơ mà sứ mệnh
người thi sĩ sáng tạo phải giữ gìn, xiển dương, làm cho phục hồi, sống dậy mãnh
liệt, ý lực bừng lên huy hoàng, sáng suốt, tuôn trào vô lượng vô biên. Hãy đốt
hồn thơ thiêng liêng, cháy rực ngời ngọn lửa cảm xúc, rung động thiên thu, để
nghe nhịp thở bồi hồi giữa bầu khí hậu thanh tân, phấn chấn, hân hoan yêu đời
trong tiếng hát đại bi tâm. Tiếng hát đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả ấy mãi
hoài ngân vọng trong lòng người từ muôn thuở đến muôn nơi, trên mặt đất trần
gian vẫn còn thơ mộng này.
---------------
* Bùi Giáng. Sa mạc trường ca. An
Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970
** Raner Maria Rilke. Thư gởi người
thi sĩ trẻ tuổi. Hoàng Thu Uyên dịch. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1969
*** Nguyễn Hữu Hiệu. Con đường sáng
tạo. Hồng Hà xuất bản, Sài Gòn 1973
**** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha những
phương trời viễn mộng. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1973
***** Phạm Công Thiện. Một đêm siêu
hình với Hàn Mặc Tử. Trần Thi xuất bản, California 2006
****** Phạm Công Thiện. Ý thức mới
trong văn nghệ và triết học. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1966.
******* Hermann Hesse. Câu chuyện
dòng sông. Phùng Khánh dịch. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1969
******** Huyền Giác. Chứng đạo ca.
Trúc Thiên dịch. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1970
---------------
©
Tác giả giữ bản quyền. . Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Kiên Giang ngày 04.02.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanVietNet Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét