Nguyễn Thế Điển (New Jersey, USA): Gà Trống Gô Loa
Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014
Mấy anh em tôi mê xem đá banh trên màn ảnh nhỏ cũng vào khoảng Michel Platini và đồng đội lên ngôi vương bá trên sân cỏ. Những năm tám mấy, ấp Năm chúng tôi chưa có điện. Mùa giải lớn, tụi tui đốt đuốc lội bộ non cây số lúc một-hai giờ khuya để coi ké trực tiếp truyền hình Cúp Ơ-rô. Khó khăn như vậy chứ ít chịu bỏ sót trận bóng nào.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Thế Điển
Sinh năm 1952
Bút danh: Nguyễn Thế Điền, Lí Lắc, Một Lúa
Quê quán: Ấp 5, Tam Bình, Vĩnh Long
Chỗ ở hiện tại: New Jersey, USA
Email: diennguyen52@gmail.com
_____
Nguyễn Thế Điển
Sinh năm 1952
Bút danh: Nguyễn Thế Điền, Lí Lắc, Một Lúa
Quê quán: Ấp 5, Tam Bình, Vĩnh Long
Chỗ ở hiện tại: New Jersey, USA
Email: diennguyen52@gmail.com
_____
Nguyễn Thế Điển
GÀ TRỐNG GÔ LOA
Mấy anh em tôi mê xem đá banh trên
màn ảnh nhỏ cũng vào khoảng Michel Platini và đồng đội lên ngôi vương bá trên
sân cỏ. Những năm tám mấy, ấp Năm chúng tôi chưa có điện. Mùa giải lớn, tụi tui
đốt đuốc lội bộ non cây số lúc một-hai giờ khuya để coi ké trực tiếp truyền
hình Cúp Ơ-rô. Khó khăn như vậy chứ ít chịu bỏ sót trận bóng nào.
Đội tuyển quốc gia
Pháp từng một thời tiêu biểu cho trường phái mới của nền bóng đá Âu Châu. Với
lối chuyền banh dài thọc sâu hay bất ngờ lật cánh, bọc đuôi hậu vệ. Khai thác
lối chơi chuyền xa kết hợp chạy tốc độ. Chiến thuật đó làm vô hiệu tuyến phòng
vệ đối phương, hoặc kết thúc bằng những cú dứt điểm sấm sét với đường banh bổng
trực diện từ khoảng cách 20-30 mét, khiến cho nhiều thủ môn tréo giò bó tay,
ngơ ngác vào lưới của mình nhặt bóng. Không biết nhờ tài năng hay do hồn thiêng
tổ quốc, hoặc là vừa đánh vừa hù. Cứ mỗi lần đội Pháp ra sân, thì y như rằng,
trên khán đài cũng thấy một vài chú gà trống, nhất định phải sắc lông điều.
Chúng được khán giả cố ý ôm theo cổ võ đội nhà. Nhiều lần như vậy đã khiến cho
mấy đội thua quê độ, họ gở gạc trong việc khiếu nại với FIFA và Ủy hội Quốc tế
Olympic ngăn cấm việc ôm gà lên khán đài "vỗ nước cầu thủ". Họ
cho đó là biểu hiện dị đoan cá biệt, tác dụng lung lạc tâm lý đối phương, đánh
mất sự trong sáng tinh thần thể thao quốc tế.
Lối xóm của tôi có
ông Mỹ hơi già, đời ông cố là dân Pháp rặt. Ông láng giềng đó cũng là cựu lính
Sư đoàn 9 cơ động Huê Kỳ đóng ở Đồng Tâm, Mỹ Tho hồi nẳm. Rảnh rổi, tôi thích
cà kê gạ chuyện với ông Henry vì nhiều lý do rất bất ngờ:
- Tui ở Mỹ hơn mấy
lần cái khoảng 6 năm ông đi lính đóng ở Việt Nam, tại sao tiếng Anh của tui dở
hơn tiếng Việt của ông?
- Nếu bỏ ra vụ
"Tà tà bóng ngã về tây" hay ngựa ô chó mực mèo mun, mầy đừng tưởng
chỉ tiếng Việt mới có loại hàng độc đó. Trình độ văn hóa quần chúng kiểu ô-kê
sa-lem cở tụi mình, thì tụi tao cám ơn tiếng Việt rất là dễ học. Như dê đực, dê
cái, dê con, dê cụ, chỉ cần học danh từ đại diện cho họ nhà nó, rồi chọn lựa
trong nhóm tỉnh từ cố định, tùy theo giống má giống ba hay tuổi đời già trẻ sồn
sồn mà ghép vào. Cấu tạo chữ nghĩa và cách đọc các mẫu tự, ráp vần tiếng của
tụi bây gần như nguyên tắc. Chỉ cần nắm những cái "key", là tao có
thể đọc báo chợ của mầy vanh vách, nghĩa lý tính sau. Còn tiếng Mỹ của tụi tao,
ngựa đực, ngựa cái, ngựa con, ngựa bà, mỗi chữ viết khác nhau xa lắc, mầy không
thuộc bài thì đừng hòng kiếm chỗ nào có bà con mà đoán chữ. Chưa kể đến văn
phạm phức tạp, chữ nghĩa theo thời theo thế mà thiên biến vạn hóa, cách đọc cho
cùng một nguyên âm của mỗi chữ cũng trời ơi đất hỡi. Tao nhớ ngày đầu mới quen,
mầy phát âm kinh đô cờ bạc Lát Vê-gát mấy lần, tao là thầy giáo thì cho mầy vài
trứng vịt ung.
Chúng tôi trao đổi bằng tiếng ta nên
không sợ hiểu lầm hay nặng hơi mỏi cổ. Henry nghe tôi hỏi về "Con gà trống
Gô-loa", ông bùi ngùi xen lẫn hào hứng kể lể tích xưa:
- Vào thời đất nước tổ tiên tao chưa
xuất hiện Napoleon đại đế. Các đế quốc chung quanh, thằng nào cũng muốn nuốt
chửng nước Pháp xinh đẹp màu mỡ phì nhiêu. Trong một cuộc chiến dằng dai chống
tụi xâm lăng Đức quốc, quân tao cố thủ thành Gô-loa, một thành trì quan trọng,
quyết định cho vận mạng toàn nước Pháp. Vì bị bao vây quá lâu nên quân dân trong
thành cạn dần lương thực. Họ phải mổ thịt tất cả con vật gì ăn được để sống sót
qua ngày. Dĩ nhiên những con vật nhỏ bé như gà vịt ngỗng bồ câu, chuột thỏ cùng
chung số phận, hy sinh đem thân đóng góp cho tổ quốc. Ngay cả ngựa chiến cũng
không thoát chết dưới tay sát thủ là người bạn chiến đấu vào sanh ra tử của
mình. Chỉ duy nhất một chú gà trống được vị tướng thủ thành ban ơn sống sót để
làm công việc tự ngàn xưa là gáy sáng. Vì lúc đó Thuỵ Sĩ chưa biết chế tạo đồng
hồ, nên chú gà nầy có nhiệm vụ đánh thức quân binh trong thành thức dậy, sẵn
sàng cho một ngày dài chiến đấu gian nguy.
Khuya hôm đó cũng như mọi bữa, sau
tiếng gà gáy thì quan quân lục tục cà phê cơm nước. Cung tên gươm giáo nai nịt
xong xuôi, đội ngủ tác chiến sẵn sàng, mỏi giò chờ hoài mà không thấy hừng
đông. Mọi người nghĩ rằng chú gà nầy lên giả gáy ẩu sáng hôm nay. Viên phó
tướng trực đêm tức giận trèo lên mặt thành xem con gà ngủ chỗ nào. Ông định
bụng trói gô nó lại, chờ mặt trời lên hai sào là bêu đầu thị chúng về tội thi
hành sai quân lệnh. Dù lương thực có bi đát cở nào, ông ta nhất quyết tước bỏ
danh dự cho nó hy sinh vẻ vang trong nồi cháo.
Trong lúc lục lạo mấy lổ châu mai,
quan tao giật mình khi thấy những bóng đen lúc nhúc dưới chân thành. Thì ra tụi
Đức thừa cơ trời còn tối đánh úp thành. Tụi nó sử dụng khinh binh cảm tử, dùng
thang trèo lên mặt thành, đinh ninh quân tao hãy còn say ngủ. Chiến thuật trái
với thói quen hổm nay là chờ mặt đất tỏ rõ, chúng mới kéo đến bao vây dựng cờ
gióng trống, bày binh bố trận. Tụi Đức không ngờ con gà của tụi tao có linh
tánh, kêu lính thức dậy trước đó một canh. Kết quả là cuộc đột kích đêm của
quân Đức đại bại, quân tao thừa thắng xông ra, đuổi đám tàn quân chạy không kịp
nhổ trại cuốn cờ.
Đoàn quân chiến thắng kéo về Paris để nhận khao quân
tưởng thưởng. Dân chúng hai bên đường trầm trồ một anh lính quân phục chỉnh tề,
hai tay ôm chú gà anh hùng, lông lá được chảy tém mượt mà, mồng mào đỏ thẩm. Cả
hai oai vệ theo sau toán quân kỳ. Từ đó dân tao có tục lệ xem những chú trống tơ
như là một biểu hiệu may mắn, chiến thắng và kỳ diệu. Hình tượng của nó thường
đặt ở nơi cao nhất.
Nghe xong lời kể của Henry, tôi xin
phép ông được đưa chuyện nầy lên trang mạng. Và để câu chuyện có tính thuyết
phục, sẵn dịp cũng muốn biết thành Gaulois ở chỗ nào.
- Ông nội tao di dân qua New York hồi ổng còn nhỏ
xíu. Tao bây giờ gần 70 mà thăm cố quốc có một lần, không như bà con của mầy về
Việt Nam như đi chợ uống cà phe, làm sao tao biết Gaulois ở đâu. Mầy cũng biết
dân tộc nào cũng có dã sử, đó là truyền thuyết dân gian không tang không chứng.
Muốn chắc ăn và tránh mọi rắc rối, mầy yêu cầu chủ biên để bài viết vào
trang giả sử. Đồng nghĩa với sử dỏm, anh bạn trẻ của tao ơi.
Im lặng một lát, không hiểu Henry
nghĩ sao, giọng chùng nhỏ lại:
- Tao còn nghe ông bà tao nói, con
gà trên đầu thành đêm đó nó nhớ vợ và mấy con mái tơ bị hầm trong nồi súp khoai
tây, nên ngứa giò, ngứa phao câu, ngứa mỏ mà nửa đêm buồn tình gáy ẩu. Vụ nầy
nghe qua cho biết chớ đừng kể lại cho mấy thằng Tây mê bóng đá quá khích.
Nhớ kỹ nghen du!
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét