Home
» Lý luận phê bình
» Người thao thức với những “nỗi buồn buồn lâu quên” – Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Người thao thức với những “nỗi buồn buồn lâu quên” – Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014
Đọc xong "Nỗi buồn lâu quên"* của nhà văn Tô Hoàng, không hiểu sao tôi nhớ đến một tác phẩm khá nổi tiếng của nhà văn Nga A.Krôn từng làm "Thao thức" không ít người Việt ba chục năm qua, và muốn mượn tên tiểu thuyết này để nói về cuốn sách mới nhất mà người đàn anh, người đồng nghiệp điện ảnh của tôi vừa gửi tặng. ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện
ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh: Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
Bút danh: Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
NGƯỜI THAO THỨC VỚI NHỮNG "NỖI
BUỒN LÂU QUÊN"
Đọc xong "Nỗi buồn lâu quên"* của
nhà văn Tô Hoàng, không hiểu sao tôi nhớ đến một tác phẩm khá nổi tiếng của nhà
văn Nga A.Krôn từng làm "Thao thức" không ít người Việt ba chục năm
qua, và muốn mượn tên tiểu thuyết này để nói về cuốn sách mới nhất mà người đàn
anh, người đồng nghiệp điện ảnh của tôi vừa gửi tặng. Đây là một tập hợp từ
những bài viết lẻ tẻ, trong đó có một bài viết về nước Nga mà "nửa ký ức
là niềm vui và nỗi nhớ; nửa còn lại là những buồn đau, nặng nề của những trải
nghiệm và ngộ ra"; nhưng chính câu đó cũng có thể gói gọn cho tất cả những
ký ức, những suy ngẫm mà Tô Hoàng muốn trang trải qua hơn hai trăm trang sách
"Nỗi buồn lâu quên"!
Tô Hoàng trước nay vẫn làm biên tập hoặc
giám định kịch bản cho các hãng phim; là nhà báo viết nhiều về điện ảnh trong
suốt một thời gian dài giữa cảnh thiếu vắng phê bình phim chuyên nghiệp. Nhưng
đời sống điện ảnh nước nhà xem ra nghèo đến độ ông chỉ "múa bút" đôi
bận là hết sạch đề tài, ông nhảy sang bàn luận thế sự, và đặc biệt tự tin bước
vào lĩnh vực văn chương- nơi tên tuổi ông đã từ đó mà ra, và đã xuất hiện với
tư cách là nhà tiểu thuyết với "Ngẩng mặt kêu trời" xôn xao dư luận
một dạo.
Nhiều trang báo viết báo mạng mấy năm qua
dường đã quen thuộc với một giọng văn trơn hoạt, tung tẩy, cuốn người đọc đi
một cách ma mị nhưng đôi lúc như như bị hóc, bị chựng lại bởi một giọt lệ xót
xa của tác giả mà tiếng cười châm biếm không che dấu nổi. Bên cạnh, đằng sau
cái vẻ láu cá, ranh mãnh, đôi lúc như vờ vĩnh của những dòng văn đó là một niềm
thao thức có khả năng khuấy động tâm can người đọc... Tô Hoàng thao thức trước
cảnh người bệnh khi vào bệnh viện như chốn hang hùm, trước sự thờ ơ vô cảm tựa
loại virut kháng thuốc, cảnh dân mất nhà mất ruộng vườn bởi các dự án ăn cướp
khoác vỏ Dân sinh, Thí điểm, Mô hình... Ông thao thức sau khi ngao ngán phải dự
những "cuộc hội thảo chung chung tầm vĩ mô giả vờ", sau khi phải xem
những bộ phim điện ảnh tốn 20-30 tỷ thực ra chỉ là "những vở kịch truyền
hình được thu vào băng từ"... Và lắm khi, niềm thao thức của ông hiện
nguyên hình thành lời phẫn nộ "đang réo sôi, đang lồng lộn, quẫy đạp đòi
biện pháp giải cứu" trước thói đời phi nhân tính đang nảy nở như nấm sau
mưa trong cái thời buổi kinh tế thị trường dị dạng: "Còn những mối đe dọa,
những nỗi lo liên quan đến chủ quyền đất nước; đến sự mất trắng cả một quá khứ
được gột dựng nên bằng máu xương những người ruột rà, thân thích của chúng ta;
tệ nạn ăn cắp, ăn cướp tài sản công biến thành tài sản tư trong công cuộc xã
hội hóa, sự phân cách giàu-nghèo, chiếc vòi bạch tuộc của sự tha hóa những
chuẩn mực đạo đức xã hội đã bò lan đến giường ngủ của từng gia đình." (Đừng như những chú kiến quáng quàng trong
chảo nóng)...
Tô Hoàng từng mấy lần ngồi ghế Ban Giám
khảo mảng phim truyện nhựa hoặc vidéo trong các LHP Quốc gia hoặc LHP Truyền
hình, và trong khi giám định, phán xét về phim (cả trong các bài báo), đôi lúc
ông cũng phải né tránh, châm chước, nể nang; song một khi đã động tới cốt lõi
của vấn đề thì đừng có đùa với ông: ông sẽ cau mặt lại mà chỉ thẳng tay:
"những trò xưng tụng, tung hô nhau là giả tạo, là lố bịch, là lừa dối
người xem, là dùng văn hóa để làm lem luốc văn hóa!" (Quyền từ chối vai
diễn và hư danh). Ông có lần nói với tôi: ông thấy xấu hổ vì tình trạng nghiệp
dư hóa đến mức không thể chấp nhận nổi trong chất lượng phim ảnh Việt- từ những
bộ phim được đầu tư khủng để phục vụ một cách hời hợt yêu cầu chính trị đến
những bộ phim giải trí rẻ tiền được tung hô vì đạt doanh thu cao. Ông thường
muốn lật xới cả một thực trạng làm phim đầy bĩ cực ở nước ta để đặt câu hỏi:
"Điện ảnh nên tiếp tục tồn tại hay hãy chịu chết lâm sàng một thời gian
trước khi tìm lại được sinh khí mới?" Và theo ông, "nếu công việc làm
phim vẫn cứ ẩu tả, dễ dàng, vẫn bị thao túng bởi đồng tiền ngay từ khi phim còn
ở trên giấy thì sẽ chỉ sinh ra những mẫu người bấy bớt, thiếu sinh khí, “đồng
cô bóng cậu”, lả lướt, ẽo ợt nói cười. Trong khi đó, thực đáng tiếc, những nhân
vật của các tác phẩm văn học có giá trị hình như bị cấm cửa, không được bén gót
qua cánh cổng các hãng phim!" (Xin đọc: Không có nhân vật: vấn nạn của
điện ảnh Việt Nam
hôm nay -Tham luận tại Hội thảo LHP Cánh Diều Vàng 2008 ).
Nhưng quý thay, và cũng may thay cho người
đọc, "Nỗi buồn lâu quên" đã dành nhiều hơn nỗi thao thức cho những
giá trị cuộc sống được tạo ra bằng máu xương bao thế hệ mà chẳng thế lực hắc ám
nào xóa nhòa, tiêu diệt nổi! Tô Hoàng, người từng "ra vào Trường Sơn dăm
ba lần" (thời chiến tranh), và với "cách nói của một thời trận mạc"
đã dựng lên những "tiểu tượng đài" của quá khứ - đó là những câu
chuyện lạ về người lính, một "Khúc hát", một cây húng Láng, một chiếc
vỏ hộp sữa Guigoz, chiếc nón lá Ba Đồn, một "Lời thề của người lính",
một bài thơ của bạn cùng khóa, hay người lính Bắc Kon tum với mẩu báo Playboy
của Mỹ cháy dở trong ba lô... Ở đó, tình nghĩa đồng đội, đồng môn, đồng nghiệp,
tình nghĩa quân dân của một thời chưa xa được nhà cựu đạo diễn phim tài liệu
nâng niu, thông qua ngôn ngữ chắt lọc đầy rung cảm và những cú montage của điện
ảnh hiện đại, khiến người đọc bất giác phải liên tưởng tới các bộ phim-thơ của
nhà làm phim Nga nổi danh A.Dovgienco: Đất, Bài thơ biển... Từng là một người
làm phim, Tô Hoàng đã hết lòng cùng những đồng nghiệp có lương tâm bênh vực
giải Vàng cho một bộ phim phóng sự truyền hình của Cao Bằng vạch trần trò ăn
chặn, ăn bớt của dân nghèo một cách bẩn thỉu tại địa phương, và câu chuyện này
được ông hào hứng kể lại rất chi tiết, cung cấp tư liệu quý cho những bộ sách
lịch sử Điện ảnh-Truyền hình VN đích thực nay mai! (Chuyện xưa vẫn còn...mới
coóng). Với tư cách là một người cầm bút, Tô Hoàng đã hết sức trân trọng tác
phẩm của các nhà văn đương đại, như ông tâm sự: "tựa như một sự vớt vát
muộn màng đối với những hạt vàng đã vô tình để lọt qua kẽ tay" (Lê Văn
Thảo...), và ông đã say sưa tỉ mẩn phân tích cái hay cái đẹp trong nhiều tác
phẩm của đồng nghiệp- như truyện dài Khúc tráng ca dã tràng, truyện ngắn Ốc
gió, truyện ngắn Bà già đi bụi, tiểu thuyết Cơn giông, hồi ký Được sống và kể
lại, v.v. Trong khi các nhà văn mình ít khi đọc của nhau thì Tô Hoàng lại cho
ta cảm tưởng ông cứ sôi sùng sục lên giới thiệu với mọi người những quyển sách
ông thấy thích thú- như thể nếu chúng không được biết tới, sẽ lãng phí một viên
ngọc quý, thậm chí sẽ mất đi một tài năng- đặc biệt như với trường hợp hồi ký
của họa sĩ Trần Luân Tín (Vẫn đang còn là những ngày tháng 5, Tổ quốc tôi đã
từng có những binh nhì như thế). Ông quan tâm tới văn chương không chỉ vì ông
từng viết văn xuôi, mà chính là vì "mong giúp bạn đọc trẻ hôm nay hiểu thêm
những điều còn ẩn giấu phía sau những dòng những trang sách" (Tổ quốc
tôi... Bài Đd); và bởi chính ông hiểu rõ: "dù cũng phải bươn chải, vật lộn
trước muôn ngàn vất vả, khó khăn; dù cũng phải chiều khách để bán sách nhưng
hầu hết các nhà văn tuyệt nhiên không cung cấp cho thị trường “hàng rổm”...
Nhiều trường hợp, nhân vật văn chương còn buộc người đọc có lương tâm, lương
tri phải cật vấn mục đích sống và từng ngày sống của chính mình"(Không có
nhân vật...- Bài Đd)
Thế là, chúng ta có thể hiểu, vì sao Tô Hoàng
đã dành nhiều trang sách để viết về những đồng nghiệp, đồng môn của mình với
tất cả lòng thương quý, trân trọng: nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Nghiêm Đa Văn, nhà
thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà thơ Thạch Quỳ... Chỉ bằng đôi
nét phác thảo kiểu ca-ri-ca-tuya mà có thể dựng lên trước mắt người đọc diện
mạo cá thể lẫn chân dung tinh thần độc đáo của một nhà văn nào đó, khiến họ chỉ
như vậy thôi cũng đã có thể bước vào lịch sử văn học một cách sống động, và
đáng tin cậy. Lý thú nhất có thể nói là những mẩu chuyện về nhà văn Nguyễn Khắc
Phục thời sống ở Liên Xô mà tính khảng khái, sự suy nghĩ độc lập trước cường
quyền và mọi thứ áp đặt xa lạ, tinh thần tự tôn dân tộc của ông đã góp phần hơn
một lần khẳng định: giá trị thực sự, phẩm cách thực sự của một nhà văn trong
thời đại này là gì? (Gã Phục điên từ bao giờ?)
Tôi trộm nghĩ: trong số những người cầm bút
hôm nay, ít có ai sánh được với Tô Hoàng trong việc gợi lại khát vọng về những
gì tốt đẹp cũng như sự nồng ấm của tình người bằng nỗi xót xa, trăn trở, nhớ
thương, hoài niệm... Đọc ông, tự sâu thẳm, tôi chợt thấy trỗi lên một niềm thôi
thúc: cần phải sống nhân hậu tử tế hơn, mặc những điều tồi tệ đểu cáng đang
thống trị ngoài đời... Chắc nhiều người đọc cũng đồng cảm với tôi sau khi đọc
sách của Tô Hoàng.
Hà Nội, Cuối tháng 10/ 2014
Nhà báo, đạo diễn điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn
----
*
Tập Ký - Tản mạn. NXB Hội nhà văn, 2014
----
Mai
An Nguyễn Anh Tuấn © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 03.11.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét