Sài Gòn… hành – Ký Hoàng Thảo Chi
Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014
Khi nhận được thông báo của “cấp trên”, nghĩa là từ con gái rượu đang ở Mỹ. (Từ
lâu chúng tôi đã xác định rằng: Con cái bây giờ là cấp trên của các bậc phụ
huynh, khi chúng báo về những quyết định của chúng như: Đi chơi, yêu, ăn hỏi,
cưới, ở riêng...thì chúng ta cứ coi như đó là mệnh lệnh, phải lập tức thi hành,
vì có muốn đối thoại cũng: Bất khả kháng!!!). Tôi lập tức lên một kế hoạch chi
tiết cho việc đón rước chúng tại phi trường Tân Sơn Nhất- Sài Gòn.
Tác giả Hoàng Thảo Chi
Tên thật Hoàng Văn Luận
Địa chỉ: 108 Phan Văn Trường TP Huế
Điện thoại: 0946370099
Email: hoangthaochi87@yahoo.com.vn
_____
*
1. VIETJETAIR.COM,
BAY LÀ THÍCH NGAY!
Khi nhận được thông báo
của “cấp trên”, nghĩa là từ con gái rượu đang ở Mỹ. (Từ lâu chúng tôi đã xác
định rằng: Con cái bây giờ là cấp trên của các bậc phụ huynh, khi chúng báo về
những quyết định của chúng như: Đi chơi, yêu, ăn hỏi, cưới, ở riêng...thì chúng
ta cứ coi như đó là mệnh lệnh, phải lập tức thi hành, vì có muốn đối thoại
cũng: Bất khả kháng!!!). Tôi lập tức lên một kế hoạch chi tiết cho việc đón
rước chúng tại phi trường Tân Sơn Nhất- Sài Gòn.
Chắc phải hơn mười năm
chưa vô Sài Gòn nên chuyến đi này, nếu không có chuyện đi đón con, nó cũng đã
gây cho tôi những háo hức nhất định. Trong ấy, ngoài nhà ông anh trai trên tôi,
cùng một lũ cháu chắt đông như kiến, thì bạn bè tôi từ thuở học ở Liên Xô cũ,
về lập nghiệp ở đó khá nhiều.
Một bà chị mách tôi rằng,
hãng máy bay VIETJET hay có khuyến mại giá rẻ, nên đến đó hỏi xem sao. Từ lâu,
tôi rất yêu thích mấy từ: Khuyến mại, giá rẻ... Nên không chần chừ, tôi lao xe
máy tới phòng vé như một tia chớp. Qủa là giá vé rất rẻ, chỉ hơn sáu trăm ngàn
một vé. Tôi mua luôn cho mình một vé bay vô Sài Gòn ngày 30/9 và ba vé bay Huế
ra ngày 4/9. Tính đi tính lại thì rẻ hơn vé giường nằm tàu hỏa rất nhiều, và
nhất là chỉ mất hơn một tiếng là đến nơi. Nên mặc dù các tai nạn máy bay của
Malai bị mất tích, vừa rơi ở Ucraina, hay máy bay rơi ở châu Phi đang vẫn còn
nóng hổi trên truyền hình...cũng không làm tôi nản chí. Tôi đã bay đường dài
đến mấy chục chuyến có sao đâu! Mình lại tuổi “Rồng” nữa, sợ bố con thằng nào!
Nghĩ vậy, tôi rút tiền roạt một cái, trả phăng mấy triệu tiền vé...y như
trả tiền mua que kem vậy. Chưa bao giờ tôi lại thấy mình hùng dũng, và quyết
đoán đến như thế.
Sau khi viết vé xong (Thực
chất là một tờ giấy khổ 4, đề họ tên của người bay và các thông tin về chuyến
bay), cô bán vé ngẩng lên nhìn tôi với đôi mắt của một thẩm phán:
- Xin bác chú ý: Vé này
không được trả lại, không được thay đổi người bay. Có thể đổi chuyến bay, nhưng
phải nộp thêm sáu trăn ngàn...nghĩa là tương đương mua vé mới! Bác đến sân bay
trước hai tiếng để làm thủ tục bay.
Những điều kiện trên hình
như không liên quan đến chúng tôi, nên tôi vui lòng nhận lấy tờ giấy “Vé”, lẩm
nhẩm đọc lại giờ bay của mình:
Bẩy giờ ba mươi sáng
ngày 30 tháng 8, tại sân bay Phú Bài Huế.
Tối ngày 29/8 tôi
chộn rộn chuẩn bị. Thực ra thì chẳng có chi, hành lý xách tay chỉ được mang 7
kg. Một hai bộ quần áo, mấy gói trà cung đình làm quà (kẹo mè xửng Huế thì trẻ
con Sài Gòn bây giờ không còn ái mộ, tôm chua thì không được mang), như vậy cũng
nhẹ nhàng. Tôi cứ lấn cấn mãi về chuyện có nên mang cái laptop đi không?
Cái máy DELL tôi mang về từ nước Nga yêu dấu, cách đây bẩy năm nặng như cái cối
đá. Thôi đành để nó ở nhà, lỗi hẹn với bạn bè trên fb vậy. Khi nào xong nhiệm
vụ thì mình tạ lỗi sau.
Chuyện con cái là chuyện
trên đầu trên cổ...ai nỡ trách. Nghĩ thế, thấy nhẹ cả người, tôi lôi điện thoại
gọi cho ông anh ở Sài Gòn lịch bay của mình, để ổng chuẩn bị. Các vị đừng nghĩ
là ổng tiếp đón tôi linh đình nhé. Ông ấy chỉ ra chợ mua cái đầu cá Gú (hay cá
Hú gì đó) về nấu canh chua chiêu đãi tôi mà thôi.
Bà vợ tôi kiểm tra lại lần
cuối những thứ tôi cần mang, một cách rất chăm chú. Bả đưa cho tôi cả một cục
bông gòn, dặn lên máy bay thì nút tai lại kẻo ù tai. Nói chung là rất chu đáo
và chi tiết. Nhưng chi tiết quan trọng nhất thì không thấy bả đả động tới: Đó
là TIỀN. Mấy bữa trước, khi thảo luận về chuyện con gái về chơi. Tôi đã đề nghị
bà ấy chuẩn bị cho tôi một khoản độ hai ba chục triệu gì đó. Bà ấy đã bảo là:
Để tôi lo. Thế mà bây giờ thấy im quá. May mà tôi vừa kịp lãnh lương xong, sờ
mấy đồng trong túi, tôi nghĩ ngay ra một kế. Tôi móc tất cả tiền trong túi ra
để lên mặt bàn, nhờ bà xắp sếp cho đâu ra đấy (Thường ngày tôi không dùng
ví, nên tiền nong, giấy tờ vô cùng lộn xộn). Khi nhìn thấy tiền, tôi thấy bà ấy
“A” lên một tiếng, rồi chạy vội vào trong tủ, lôi ra một cái phong bì rồi nói
- Tý thì tôi quên. Ông cầm
tạm năm trăm đô này trước. Ngày 5/9 tôi mới đáo hạn ngân hàng được. Lúc ông và
các con ra Huế thì rút tiền được.
Nhìn thấy năm trăm đô, tôi
mừng hơn là được đi hội chùa Hương, nhưng cố giữ nét mặt bình thản. Bụng nghĩ:
May thế! Tôi có thêm một kinh nghiệm là: Khi hỏi tiền vợ, không nhất thiết phải
hỏi trực tiếp. Nhiều khi cách gián tiếp lại có hiệu quả rất mỹ mãn, không nên
chạm mạnh đến nỗi xót xa tiền bạc của họ (Tiền bạc thì ai cũng quý, nhưng đàn
bà họ kính trọng và trân quý tiền bạc hơn đàn ông nhiều). Các quý vị nam tử HÁN
đại trượng phu nào có đọc đoạn này thì có thể rút kinh nghiệm nhé.
Như vậy mọi chuyện đã
sẵn sàng cho chuyến bay, vợ tôi giục tôi ngủ sớm để mai bay cho khỏe. Nhưng cứ
nghĩ về cái thằng bạn trai người Mỹ, mà con gái đưa về giới thiệu tôi cứ trằn
trọc mãi. Tiếng Anh thì không biết, con gái thì tiếng Việt không biết nói được
mấy câu...phen này chắc mình thành diễn viên múa ba-lê quá. Đang miên man suy
nghĩ thì thấy điện thoại réo lên có tin nhắn. Dòng suy nghĩ tự nhiên đứt đoạn.
Một chút bực mình dội lên: Đêm vẫn còn tin rác, bố khỉ! Chắc cũng đã mười giờ
đêm, tôi chìm dần vào giấc ngủ.
Sáng ngày 30/9 tôi vẫn
thức dậy vào bốn giờ ba mươi như thường lệ. Xuống đường đi bộ đến năm giờ ba
mươi, Tắm rửa, uống xong li cà phê, tôi gọi taxi ra sân bay. Như thường lệ bà
vợ tôi lại nhắc:
Ông xem lại các thứ
đủ chưa: Vé máy bay, chứng minh thư, điện thoại...
Đúng là tôi quên điện
thoại. Vào cạnh kệ ti vi lấy điện thoại, tôi thấy có tin nhắn từ đêm qua. Tò mò
tôi bấm máy đọc tin nhắn:
Hãng hàng không
Vietjetair.com thông báo: Để bảo đảm an toàn cho hành khách, chuyến bay
số... lúc bảy giờ ba mươi sáng, ngày 30/9 từ Huế đi thành phố Hồ Chí Minh sẽ
chậm lại. Giờ khởi hành tiếp theo dự kiến vào lúc 12 giờ trưa.
Vietjetair.com chân thành cảm ơn và xin lỗi quý khách.
Tôi trấn tĩnh để cố
hiểu nội dung của thông báo. Nghĩa là chuyến bay của tôi sẽ chậm lại khoảng 5
tiếng. Mấy từ: Để bảo đảm an toàn cho hành khách...làm tôi phát hoảng. Chắc lại
có bão, động đất, sóng thần, hay tin khủng bố ...từ đâu đó, nghĩa là rất nguy hiểm,
nên chuyến bay mới bị hoãn lại dài đến như thế. Khốn khổ khốn nạn như anh tàu
hỏa Việt Nam cũng không muộn đến vậy, huống hồ là máy bay. Tôi gật gù
khen ngợi ý thức trách nhiệm cao và thái độ nhã nhặn, lịch sự của Vietjet qua
thông báo trên. Tuy muộn bay vì lý do khách quan, bất khả kháng, nhưng họ vẫn
xin lỗi khách bay đàng hoàng. Đúng là một hãng hàng không văn minh. Để khích lệ
tinh thần đó, tôi liền gọi đến phòng vé của hãng để hỏi thăm:
- Alô! Phòng vé Vietjet
phải không? Cho tôi hỏi chuyến bay lúc bảy giờ ba mươi đi Sài Gòn hoãn đến 12
giờ trưa, vì lý do gì thế ạ?
- Dạ, vì sự an toàn cho
khách hàng thôi ạ. Cô nhân viên bán vé trả lời nhanh như máy.
- Chắc là bí mật quốc gia,
nên phòng vé không dám giải thích cặn kẽ, sợ kinh động đến khách hàng.
Tôi tự giải thích cho mình như vậy, rồi gọi về hãng taxi hoãn xe ra sân bay. Còn bốn tiếng đồng hồ chẳng biết làm gì, tôi quyết định về văn phòng công ty, và từ đó ra thẳng sân bay.
Tôi tự giải thích cho mình như vậy, rồi gọi về hãng taxi hoãn xe ra sân bay. Còn bốn tiếng đồng hồ chẳng biết làm gì, tôi quyết định về văn phòng công ty, và từ đó ra thẳng sân bay.
Khi thấy tôi xuất hiện, cả
đám nhân viên văn phòng ồ cả lên:
- Sao bác vẫn còn ở nhà?
Giờ này máy bay phải hạ cánh ở Sài gòn rồi chứ!
- Vì lý do quan trọng nào
đó nên chuyến bay phải hoãn đến tận 12 giờ trưa mới bay được.
Tôi tỉnh bơ giải thích.
Thấy tôi vô cùng tin tưởng vào cái lý do “quan trọng” nào đó của hãng Vietjet
đưa ra, mấy cô nhân viên văn phòng cười rũ. Cô kế toán trưởng cất giọng giải
thích:
- Họ dồn toa đấy bác ạ.
Chẳng có lý do quan trọng chi đâu.
- Sao lại dồn toa, các cô
cứ làm như tàu hỏa không bằng!
Tôi vừa bực mình vừa tò
mò.
- Vì không đủ khách chuyến
bảy giờ ba mươi sáng, nên họ dồn khách vào chuyến mười hai giờ. Nếu đến mười
hai giờ vẫn không đủ khách, thì họ lại dồn tiếp vào chuyến mười ba giờ ba mươi
chiều... Hôm nọ em có ông chú đã phải dồn đến ba lần, đói khát gần chết đấy ạ!
Nghe cô kế toán trưởng
giải thích, tôi toát mồ hôi. Hoặc là mình hiền quá hóa ngu, hoặc là bọn chúng
dọa mình. Làm gì lại có chuyện gớm giếc vậy. Thế thì còn thua cả tàu chợ nữa ư?
Dẫu sao thì niềm tin vào sự văn minh của hãng hàng không Vietjet của tôi cũng
đã lung lay chút ít.
Cuối cùng thì cũng đến gần
11 giờ trưa. Điện thoại không có tin nhắn gì của Vietjet. Nghiã là không “dồn
toa” nữa. Tôi chào mọi người rồi ra phi trường. Khi taxi bắt đầu chuyển bánh,
con bé lễ tân còn cố chạy theo đưa chai nước suối, bảo bác mang đi uống kẻo
khát.
Khi tới sân bay, thì đã
thấy mọi người đang làm thủ tục bay. Tôi nhanh chóng nhận thẻ bay, rồi
vào cửa kiểm tra an ninh. Không có trục trặc chi, chỉ có chai nước suối là có
vấn đề. Mấy cậu canh máy soi nhất quyết không cho cầm chai nước suối vô, bảo là
vì lý do an ninh. Nghe đến hai từ “ AN NINH”, tự nhiên tôi nổi cáu:
- Cái gì cũng an ninh, máy
bay của các cậu lại muộn đến chiều, lúc đấy tớ khát lấy gì mà uống.
Một cậu trắng trẻo nhăn
răng ra cười giọng hòa giải:
- Bác thông cảm, bọn con
chỉ làm nhiệm vụ thôi. À, mà bác có thấy khát không ạ?
Nghe câu hỏi, tôi tự nhiên
thấy khát se cổ, liền đáp:
- Có.
- Ồ, thế thì bác uống luôn
chai nước cho đỡ khát, khỏi phải vất lại bác ạ.
Tên trắng trẻo vừa gãi
đầu, vừa gợi ý. Tôi nhìn hắn, thấy sự bực bội như tan biến. Cái thằng con cái
nhà ai mà vừa đẹp trai, lại khéo thế không biết. Tôi liền xoáy nắp chai, uống
một hơi, gần hết chai nước.
- Chúc chuyến bay của bác
may mắn.
Tên trắng trẻo, chúc tôi
cùng một nụ cười. Tôi cũng đáp lại:
- Cảm ơn các anh.
Rồi leo lên thang gác vô
phòng chờ ra máy bay. Đây là lần thứ hai tôi lên đây từ năm 2008. Lần đó tôi
bay ra Hà Nội, nhưng bay Vietnam Airlines. Tôi lang thang một vòng trong phòng
chờ, mọi thứ có khá hơn xưa chút chút. Các quầy bán đồ lưu niệm hầu như không
có khách. Nhìn đồng hồ trên tường, thấy đã gần 12 giờ, tôi nghĩ là nên quay về
cửa số 2, cửa ra máy bay của tôi. Khi vừa dợm chân bước đi, tôi nghe thấy
tín hiệu của loa phát thanh, rồi giọng phát thanh viên cất lên. Chắc là có liên
quan đến chuyến bay của tôi, nhưng có điều gì đó là lạ. Bởi giọng của cô gái
phát trên loa, từa tựa như giọng của các phát thanh viên truyền hình khi họ đọc
“tin buồn” vậy:
- Hãng hàng không
ViêtjetAir.com thông báo: Để bảo đảm an toàn cho hành khách, chuyến bay
số...lúc 12 giờ từ Huế đi thành phố Hồ Chí Minh sẽ chậm lại. Giờ khởi hành dự
tính vào lúc 12 giờ 30. VietjetAir.com chân thành cảm ơn và xin lỗi quý khách.
Hành khách nào có yêu cầu trợ giúp điều gì, xin liên hệ với nhân viên của hãng.
Trời ơi, nhân bảo như thần
bảo. Bây giờ thì tôi tin lời của cô kế toán của tôi rồi. - Từ giờ đến 12
giờ 30 thì cũng không còn lâu. Nhưng không biết đến lúc ấy đã bay được chưa,
đấy mới là khổ nạn thực sự.
Tôi chán nản suy nghĩ, rồi
kiếm một chỗ ngồi. Xung quanh tôi những tiếng phản đối đầy bực bội lao xao cất
lên.
- Thôi tiền nào của ấy,
của rẻ là của ôi! Cố chịu đựng vậy!
Tôi xác định như thế, nên
bình thản móc quyển sách trong ba lô ra đọc. Ba mươi phút chậm chạp trôi qua ,
cuối cùng thì tiếng loa cũng vang lên:
- Mời các hành khách của
hãng Vietjet vào máy bay qua cửa số hai.
Chúng tôi ào ào đứng dậy,
chỉ sau mươi phút, chúng tôi đã yên vị trên các ghế của mình. Máy bay chuyển
bánh chạy từ từ ra đường băng. Đến điểm xuất phát, tất cả các động cơ
cùng gầm lên, máy bay tăng tốc lao vun vút trên đường phi đạo, rồi bốc lên khỏi
mặt đất. Chỉ sau vài phút, Huế thân yêu của tôi đã ở phía dưới cánh bay hàng
ngàn mét. Tôi thở phào: Thế là mình đã bay rồi, không phải “Dồn toa” đến lần
thứ ba!
Nhìn vào cái túi lưới sau
cái ghế trước mặt, tôi lôi ra một tờ tạp chí. Ngay ngoài bìa, là lô gô của
VietJet và hàng chữ quảng cáo quen thuộc:
VIETJETAIR.COM
bay là thích ngay
Tôi bật cười. Một ý nghĩ
thoáng qua trong đầu. Rút cây bút cài trên túi ngực, tôi chữa lại một từ
trong hai dòng quảng cáo ấy:
VIETJETAIR.COM
bay là khiếp ngay.
16/9/2014
Hoàng Thảo Chi
Hoàng Thảo Chi
**
2. XE ÔM TÂN
SƠN NHẤT
Đang thiu thiu, tôi giật
mình, mở choàng mắt bởi tiếng tín hiệu rột roạt của mấy cái loa trên máy bay:
- Hành khách chú ý,
khoảng mười phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đề nghị
hành khách về chỗ ngồi, thắt dây an toàn cho đến khi đèn tín hiệu tắt hẳn.
Sự ngái ngủ tan biến, tôi
nghiêng người nhìn qua ô cửa máy bay. Sài gòn trải ra mênh mông, lăn tăn li ty
phía dưới kia. Không hiểu tại sao mấy câu hát trong bài “Mười năm tình cũ” của
Trần Quảng Nam mà bọn trẻ hay xuyên tạc, lại ngân lên trong tôi đúng lúc này:
Mười năm không gặp, tưởng bồ đã chết!
Ta bay trên ni...thấy bồ dưới tê...
Tôi mỉm cười với những câu
hát chế tếu táo đó, và thấy trong lòng dâng lên một niềm vui hân hoan. Những kỷ
niệm về Sài Gòn của mấy chục năm về trước, mờ mờ tỏ tỏ hiện về. Cũng như Hà
Nội, Sài Gòn là thành phố, mà tất cả mọi người dân đất Việt đều muốn đến một
lần. Tôi may mắn là đã được đến Sài Gòn, ngay sau ngày giải phóng. Cảm giác
ngất ngây, choáng váng khi đó, đến chừ tôi vẫn còn lưu giữ trong ký ức phần
nào. Rồi những năm tiếp theo, còn nhiều lần trở lại, có lần tôi đã ở lại Sài
Gòn gần cả năm trời với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn.
Sau một hai lần hạ độ cao,
Sài gòn đã ngay dưới cánh bay. Những ngôi nhà to nhỏ, cao thấp muôn vàn kiểu
dáng, vô cùng lộn xộn hiện ra như một bàn cờ vây của xứ Hàn Quốc. Không biết
dựa vào đâu mà mấy bố Sài Gòn luôn miệng khoe khoang: Sài Gòn HÒN NGỌC... Viễn
Đông? Có mà NỒI LẨU...Viễn Đông...thì có! Hihihi. Tôi độc diễn, cười cợt với
mấy anh Hai Sài Gòn trong chốc lát.
Hai bánh sau của máy bay
chạm đất lịch kịch, rồi hai bánh trước cũng hạ xuống. Máy bay tiếp đất hoàn
hảo. Tín hiệu của các loa phát thanh lại rột roạt:
- Chào mừng các quý
khách đã đến với thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay của VietjetAir.com. Cơ
trưởng và phi hành đoàn trân trọng cảm ơn và tạm biệt. Hẹn gặp lại các quý
khách trong chuyến bay lần sau.
Không biết có “dám” lần
sau nữa không. Nhưng cũng xin cảm ơn vì đã có chuyến bay an toàn. Tạm biệt. Tạm
biệt. Tôi lẩm bẩm như vậy trong khi rời khỏi máy bay, rồi móc điện thoại gọi
cho thằng cháu con ông anh, bảo nó ra đón. Nhưng nó lại bảo:
- Chú đi xe ôm về nha.
Cháu đang bận, vì quán đông khách lắm.
Một chút hẫng hụt. Nhưng
cũng mừng là quán của nó đông khách. Thằng này là con cả của ông anh trên tôi,
nó đã gần bốn mươi (thuộc thành phần: Bán Giời không văn tự) mới cưới vợ. Bọn
chúng thuê mặt bằng vừa bán đồ ăn, vừa bán giải khát chi đó. Tôi rất nể con
cháu dâu, trước hết là lòng dũng cảm của nó. Dám cả gan rước thằng cháu tôi về
làm chồng, đó là một sự lựa chọn phi thường của tình yêu. Xin đa tạ trời đất.
- Thôi, bây giờ chúng chí
thú làm ăn là may phước lắm rồi.
Tôi tự động viên sự hẫng
hụt của mình như vậy, ra khỏi nhà ga rồi đi thẳng tới chỗ mấy ông xe ôm. Nếu
lấy ba điểm: Nhà ông anh tôi (trên đường Cộng Hòa), công viên Hoàng Văn Thụ,
sân bay Tân Sơn Nhất...thì đó là ba đỉnh của một tam giác đều. Ngày xưa, khi tá
túc ở nhà ông anh tôi mấy tháng, sáng nào tôi cũng đi bộ tới sân bay rồi quay
lui. Tôi như thổ công vùng này vậy. Khoảng cách tôi cần vượt qua bây giờ chỉ
khoảng trên dưới ba ngàn mét, lối đi tắt trên một cạnh của cái tam giác đều ấy.
Khi tôi đang miên man nghĩ ngợi, thì một tiếng mời như quát từ phía sau, làm
tôi giật cả mình:
- Bác Hai về đâu, có cần
xe ôm không ạ!
- Gớm, anh thét như Trương
Phi thế, bố ai dám đi!
- Xin lỗi bác Hai, ở đây
ồn quá, bọn em quen nói to như dân miền biển ấy ạ. Bác về đâu?
Nhìn gương mặt đen sậm
nắng gió, nhưng là của dân làm ăn thứ thiệt, tôi trả lời:
- Về 406/39 đường Cộng Hòa
bao nhiêu? Nói đúng đi liền. Tớ là dân ở đây, Không phải gà công nghiệp đâu
nha.
Tôi làm một phép thử. Ông
bạn xe ôm qua một thoáng lúng túng, rồi quả quyết:
- Xin bác năm chục.
- Hơi cao, nhưng thôi
được. Xe anh đâu?
- Dạ mời bác đến chỗ kia,
có nữ tài xế đưa bác đi. Em là tổ trưởng điều phối xe thôi ạ.
Chà ra thế, hắn là Sếp kia
đấy. Tôi đi ra chỗ hắn chỉ, một nữ Ninja cùng một xe máy Drem chờ sẵn.
- Bác về 406/39 đường Cộng
Hòa phải không ạ?
Ninja đon đả hỏi.
- Phải. Nhưng tôi không
bao giờ đi xe, khi mà không biết người cầm mạng sống của mình mặt mũi thế nào!
Ninja cười khúc khích, tháo khăn choàng mặt, nở một nụ cười tươi:
Ninja cười khúc khích, tháo khăn choàng mặt, nở một nụ cười tươi:
- Sao! Bác thấy chân dung:
Người cầm lái vĩ đại...thế nào ạ?
Tôi thật sự bất ngờ, chỉ
qua câu “Người cầm lái vĩ đại...” cũng biết ngay cô là người có học và có đọc.
Còn gương mặt của cô ấy thật dễ thương. Chắc tầm tuổi con gái tôi thôi. Đôi mắt
tròn xoe như mắt chim câu, xanh biếc như trời Sài Gòn, miệng cười như hoa
nở...Lẽ ra tôi phải hào hứng mới phải! Nhưng không hiểu vì sao, một nỗi buồn
chua chua, chát chát không tên thoáng qua trong lòng.
Không biết con cái nhà ai,
trẻ trung, xinh đẹp, nhanh nhẹn, mà lại chọn nghề xe ôm vất vả như thế.
- Bác không thích đi xe do
phụ nữ lái ạ?
Thấy tôi thở dài, Ninja lo
lắng hỏi.
- Ồ, không. Đi đi con.
Nhưng sao lại chọn nghề của đàn ông vậy?
Ninja bật cười
hix..hix...hix...
- Sao con cười...
Tôi không hiểu cô cười cái
chi!
- Con biết ngay là bác hỏi
câu này. Con thuộc phân khúc 162.400 trong 90 triệu con Lạc cháu Hồng đây ạ.
- Con tốt nghiệp ngành
chi?
- Dạ khoa Quản trị kinh
doanh, trường Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh danh tiếng.
Cô gái cao giọng nói về
trường mình. Ngữ điệu nghe mặn chát đầy nước mắt.
Thì ra vậy. Nữ cử nhân
kinh tế thất nghiệp đi chạy xe ôm. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Một cái gì đó
như một nỗi xấu hổ, như một sự vô trách nhiệm của một người cha với con cái
dâng tràn trong tôi. 162.400 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp trong Qúy 2/2014
(Theo báo cáo của Bộ LĐ TB XH). Bao nhiêu phần trăm lỗi tại họ? Bao nhiêu phần
trăm lỗi ở chúng ta, những bậc làm cha, làm mẹ? Nền giáo dục đào tạo, đang đưa
con em chúng ta đi đến đâu, trong những DỰ ÁN sặc mùi lợi nhuận, phi giáo dục:
“Cung” không cần “Cầu” này. Nỗi đau đó, dân tộc Việt không chỉ phải gánh bây
giờ, mà còn phải còng lưng đến mãi mai sau.
- Thế con dự tính gì cho
tương lai? Tiếp tục xin việc chứ?
Tôi rụt rè hỏi như người
có lỗi. Cô gái giảm bớt tay ga, nghiêng đầu trả lời:
- Con làm xe ôm để lấy
tiền đóng học phí. Con đang học thạc sỹ.
Trời ơi, đang thất nghiệp
mà còn học thạc sỹ. Thật là kinh khủng. Cái này gọi là đặc sản của giáo dục
Việt Nam. Tôi nhớ đến mấy cô giáo miền Trung ra thuê nhà tôi để học thạc
sỹ ở đại học Huế hai năm trước. Họ tiếp rước mấy ông thày từ Hà Nội vào giảng
bài, rình rang như tiếp bộ trưởng: Tiền vé máy bay đi về, ăn uống, vui chơi,
tiệc tùng, quà cáp...miên man. Cuối cùng ai cũng có bằng thạc sỹ. Hôm trả nhà
các thạc sỹ chun mũi nói:
- Mất thời gian, tốn kém
lắm bác ạ. Không học không được, học rồi cũng chẳng biết hơn cái gì, quy chế cứ
bắt buộc vậy!
- Ừ! Việt Nam mình
nó thế.
Tôi nhớ đến ý một vị Giáo
sư nào đó đã phát biểu như vậy, để động viên mấy cô tân thạc sỹ.
- Đến 406 Cộng Hòa rồi bác
ạ. Nhà bác còn xa không?
Cô gái xe ôm phanh xe,
ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Cho bác xuống đây cũng
được, nhà ngay trong kia thôi.
Tôi xuống xe, móc ra tờ
một trăm ngàn đưa cho cô gái.
- Năm chục bác trả tiền
xe, còn năm chục bác tặng con mấy ly trà đá để lấy sức học thạc sỹ. Cố lên
nghe.
Cô gái bỏ chiếc choàng mặt
tự lúc nào, nhìn tôi trân trân. Đôi mắt như rơm rớm.
- Con cảm ơn bác.
- Con đi cẩn thận.
Tôi dặn với theo, khi xe
máy của cô từ từ lăn bánh, rồi hòa vào dòng xe cộ bất tận, cuồn cuộn trên cả
hai chiều của đường Cộng Hòa.
Thế là tôi đã đang đứng
giữa Sài Gòn hoa lệ, Sài gòn cát bụi, Sài gòn ngọt ngào, Sài Gòn đắng cay, ứng
với mỗi một số kiếp những con người riêng biệt. Cô gái xe ôm Tân Sơn Nhất cho
tôi một bài học nhỏ:
Dẫu như thế nào, thì cũng
cứ phải ngoi lên!
Huế 19/9/2014
Hoàng Thảo Chi © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ TP.Huế ngày 10.10.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét