Trang văn xuôi Nguyễn Thế Điển (New Jersey, USA)
Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014
Cánh cửa trước của một căn nhà vừa mở ra và đóng lại sau lưng một bóng người nhỏ thó vừa vọt ra sân. Trong khoảnh khắc mở ra và đóng lại đó, người ta nghe được vài tiếng the thé hung hăng của một giọng chắc không phải của đàn ông. Bởi vì người ta biết nhà nầy chỉ có một người đàn ông duy nhất mà hắn đang rít những hơi thuốc sáng loè nơi sân cỏ trong đêm ba mươi nầy, đúng hơn là đã qua mùng một tết nửa giờ trước đó. ...
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nguyễn Thế Điển
Sinh năm 1952
Bút danh: Nguyễn Thế Điền, Lí Lắc, Một Lúa
Quê quán: Ấp 5, Tam Bình, Vĩnh Long
Chỗ ở hiện tại: New Jersey, USA
Email: diennguyen52@gmail.com
_____
Nguyễn Thế Điển
1.
Sinh năm 1952
Bút danh: Nguyễn Thế Điền, Lí Lắc, Một Lúa
Quê quán: Ấp 5, Tam Bình, Vĩnh Long
Chỗ ở hiện tại: New Jersey, USA
Email: diennguyen52@gmail.com
_____
Nguyễn Thế Điển
1.
TRONG TÙ KHÔNG CÓ MUỖI
Cánh cửa trước của một căn nhà vừa mở ra và
đóng lại sau lưng một bóng người nhỏ thó vừa vọt ra sân.
Trong khoảnh khắc mở ra và đóng lại đó,
người ta nghe được vài tiếng the thé hung hăng của một giọng chắc không phải
của đàn ông. Bởi vì người ta biết nhà nầy chỉ có một người đàn ông duy nhất mà
hắn đang rít những hơi thuốc sáng loè nơi sân cỏ trong đêm ba mươi nầy, đúng
hơn là đã qua mùng một tết nửa giờ trước đó. Có lẽ nửa điếu thuốc dang dở từ
lúc trong nhà không đủ cho hắn ôn lại cái hoàn cảnh thê lương từ ngày hắn cưới
người đàn bà kia. Hắn bước trở vô lấy gói thuốc hút, định bụng sáng đêm nay
ngồi dưới mái hiên nầy đốt vàng tay sầu thương số phận. Mới hay cánh cửa ai đã
khoá cứng bên trong, hắn sờ soạng mấy cái túi quần trống lõng.
Hắn đi vòng chung quanh 2 chiếc xe đậu
trước cửa nhà rờ thử có chiếc cửa xe nào quên khóa. Hắn cố nhớ chung quanh nhà
có vật gì chứa được thân thể một con người đau khổ. Cuối cùng, hắn đến ngồi
trên chiếc ghế dựa bằng mũ nhựa dưới mái hiên mà tiếp tục oán thầm duyên kiếp.
Đang mơ màng đi vào ác mộng, hắn giật mình vì bầy muỗi tấn công quá dữ.
Hắn vuốt mặt mà cảm giác hai tay mình ươn ướt. Hắn quạt quạt bàn tay mà nghe
như đụng vào những con gì đang bay đầy trong không khí. Hắn bước ra sân tránh
muỗi, ngước nhìn trời khuya như hỏi cao xanh gây chi oan nghiệt, hắn chợt nhận
ra phòng ngủ có ánh đèn mờ mờ của đứa con gái 4 tuổi trên lầu.
Hắn ra sau nhà bẻ nhánh cây cherry, và tước
bỏ những cành lá nhỏ không cần thiết. Hắn không còn "khe" dù biết
rằng hành động bẻ cây phá hoại như vầy nếu xảy ra ban ngày thì hắn dù không
chết cũng bị thương không nhẹ. Hắn đùng đeo đứng trên ống sắt sườn ngang xuyên
trên đầu cột của hàng rào lưới kẽm cao 4 feet. Hàng rào chung vừa là ranh giới
chia giữa hai hông nhà, cách tường nhà mỗi bên chừng một thước. Một tay hắn
chống tường, tay kia cầm nhánh cây vói gõ vào kính cửa sổ. Đứa con gái nhỏ
không nghe tiếng gọi, mà bà lối xóm nhà cạnh bên ba chớp ba nháng bấm số 911.
Đèn xe cảnh sát chớp quay chói loà trước cửa mà hắn còn đứng trên đầu hàng rào,
hắn lẵng lặng tuột xuống bình thản đưa hai tay ra chịu trói. Đêm nay dù ở trong
tù cũng còn đỡ hơn ở ngoài sân vì sẽ không có muỗi. Mà cho dù ở tù thiệt
vài tháng còn hơn là sống chung với con mụ trong nhà.
Trong bụng những viên cảnh sát cũng hớn hở
không kém gì hắn. Họ nhìn cái mặt và hai bàn tay đầy vết máu quằn quện của tên
tình nghi nầy, chắc chắn là hắn vừa ăn hàng đâu đó, thấy đêm nay còn nhiều thì
giờ tính làm thêm cú nữa. Hai người cảnh sát chắc mẽm viễn ảnh những huy chương
và tiền thưởng, họ cũng đang ngất ngây sẽ là những người hùng nổi tiếng. Thế
nào sáng sớm mai, đám phóng viên các báo toàn thị xã sẽ tranh nhau tìm họ phỏng
vấn, chạy tin quan trọng trên các trang nhất:
- Đội chống cướp của thành phố Philadelphia đã trầy da
tróc vãy, gan góc anh hùng, thông minh thần võ. Sau nhiều ngày đêm giăng bẫy,
cuối cùng bắt được tên sát nhân máu lạnh, giết người bằng tay không, nguy hiểm
nhất.
Riêng phần hắn, người bị vợ tống cổ ra sân
đêm giao thừa, còn nóng hổi trong trạng thái chán nản tình đời rồi đâm liều mặc
kệ. Mặc cho mấy thằng Police hiểu sao cứ hiểu.
---------
2.
2.
THỢ RÈN KHÔNG CÓ DAO ĂN TRẦU
Nghề thiết kế trang trí nội thất dân dụng
của tôi được người ta gọi chung là phục vụ. Như thiên lôi được ông chủ sai đi
đánh tứ phương. Vì thế mà tôi quen được nhiều người, nhất là gặp bà con nói
được tiếng ta trên xứ Huê Cờ. Một dịp, vợ chồng chúng tôi dự tiệc tại nhà người
Mỹ có vợ Việt.
Lịch sự, ông chủ nhà đến hỏi vợ tôi
"Chồng bà là thợ, chắc nhà bà đẹp lắm hả". Bà xã tôi muốn trả lời
nhưng còn nghẹn họng, loay hoay tìm chữ để dịch ra một câu rất hay hồi còn ở ấp
Năm. Thấy vợ tôi ấm ớ, ổng lại hỏi một câu nửa Việt nửa Mỹ: "Có phải bà
muốn nói, shoemaker wear worn shoes"
Bà xã tôi trúng ý bật cười, ông chủ nhà
cũng cười, đám khách vừa Mỹ vừa Việt trong bàn cười theo to hơn hết.
Làm dâu nhờ "mạng "
Đứa con dâu mới mua cái iPad, hai mẹ
con của nó chơi chung, nhiều khi tụi nó cười hi hí.
Không biết là có người chỉ hay tự tìm trên
mạng, mấy lúc gần đây hình ảnh đứa con dâu lò mò cần cù nấu nướng theo sự
chỉ dẫn "step by step" trên internet, chuyện lạ mắt đã trở thành quen
thuộc ở nhà nầy.
Căn bếp có vẻ ấm cúng, bàn ăn cũng phong phú vui tươi hơn hôm trước.
Căn bếp có vẻ ấm cúng, bàn ăn cũng phong phú vui tươi hơn hôm trước.
Nhưng có bữa tôi nghe nó rầy đứa con gái
nhỏ "Con chừa pin cho mẹ làm bánh đãi ông bà nội". Thấy tôi trố mắt
hết hồn, nó cũng vừa nhận ra câu nói tối nghĩa, nên vội vàng sửa lại:
- Con muốn nói với Lily là đừng chơi game
trong iPad, chừa lượng pin trong máy để con xem họ chỉ cách làm một loại bánh
mới, đãi ba má.
- Thì ra là như vậy!
TẠM HIỂU NHƯ VẬY
Hồi tôi từ đảo qua đến Philippines, tốn cơm
phá gạo viện trợ của cộng đồng quốc tế chỉ để học 26 chữ cái trong tiếng Ăng-lê
như êi, bi, xi, đi... Rồi đến gút mo-ning, hao-a-du tu-đê, chương trình còn có
thêm một lớp kêu bằng Xi-Ô. Tôi đã quên nghĩa của nguyên chữ CO là cái gì, đại
khái nhớ mài mại lời hướng dẫn của cô giáo người Phi, tướng người cao ráo và
đẹp hút hồn như hoa hậu. Tại lớp nầy, cô dạy cách sống của người bản xứ, cách
giao thiệp để di dân hội nhập vào xã hội mới, vân vân. Trong những giờ tràng
giang đại hải, cô khuyên các cô các bác học trò khi qua Mỹ: "Không nên hỏi
tình trạng gia cảnh, nghề nghiệp, lương bổng. Cho dù người ấy là bạn bè chung
sở, và đại kỵ nhất là đối với những người mới quen biết trên chuyến tàu đêm,
chẳng hạn".
Học cho đủ bài bản vậy thôi, chớ nhào qua
Mỹ là bắt đầu đi làm cu li chung với dân Mễ thì hơi đâu mà hỏi "du có vợ
mấy dòng con". Mà cho dù tiếng Anh của mình trơn như mỡ trăn thì chưa chắc
mấy chú Mễ có bằng nhảy rào biên giới hiểu mình nói chuyện gì. Ý là chưa kể mấy
anh chị xuất xứ Haiti ,
họ pạt-lê Phờ-răng-xê thì mới là điếc ngắc.
Hết mồng một thì qua mồng hai, trăng non
rồi đến trăng già. Nước chảy đâu đâu cũng tới, sông cái lớn đầy ói thì tràn tới
kênh mương. Ống heo nuôi riết cũng đầy, ky cóp đủ vé máy bay và dư chút ít bỏ
túi, tôi hí hửng về thăm gia đình dòng họ.
Chuyến về Việt Nam lần đó tôi đụng đầu với thằng
em nhỏ hơn mình vài tuổi, nó là con thứ ba của người chú Út. Hồi hai thằng còn
đi cắm câu, tát đìa ở quê thì nó cũng như mình, hoặc hơn mình chút đỉnh ở cái
khoản nhậu mát trời ông địa. Nó ra nước ngoài trước mình khoảng 10 năm, mà bây
giờ so sánh chuyện nó/tôi thì chênh lệch mọi mặt như trời xanh và đáy giếng
cạn. Dù tôi không thuộc bài CO được cô giáo Phi thông truyền hồi nẳm, chỉ cần
dòm tướng và đồ trang bị của thằng Việt kiều Hà Lan nầy mình cũng đủ ê càng, có
cửa đâu mà hó hé. Nó tổ chức tiệc đãi thân thuộc, mình là ruột rà cũng ráng đi
dự cho có chút tình. Trước mặt khoảng 50 khách khứa thân thuộc và lối xóm, nó
tự giới thiêu là kỹ sư Tê-lê-phôn, chỉ huy dưới tay hơn trăm lính. Nhà cửa
vợ chồng nó rộng rải tiện nghi đàng hoàng, gồm một chỗ trú thân có 3 lầu trong
thành phố lớn gần sở làm, một căn nhà 3 phòng ngủ vùng biển, một căn trệt trên
đồi thông ven suối, thiên nhiên êm ả trữ tình. Cứ một tuần chở vợ con lên núi
hít thở không khí trong lành, một tuần ra biển ngủ đêm, sáng sớm chạy tàu một
vòng xa bờ để tắm nắng, tránh những cặp mắt dê xồm hàng xóm.
Chung bàn với tôi có anh Tám thợ mộc là
láng giềng xưa, cũng là bạn nhậu cố cựu của tụi tôi. Nghe chưa hết bài tường
thuật chất lượng cao, anh Tám đưa tay xin có ý kiến. Tui mắc cười nói nhỏ:
"Anh muốn nói thì cứ nói, làm gì đưa tay giống con nít mẫu giáo vậy
cha". Lúc đó anh Tám mới đứng lên nói lớn:
- Chú Định cho anh hỏi, dưới tay chú có hơn
trăm quân, vậy "phông-xông" của chú cở Đại đội trưởng chuyên ngành
tê-lê-phôn?
Mặt thằng Định cười tươi hơn hoa tu-líp:
"Dạ, tạm hiểu như vậy"
Thấy người rồi chợt nhớ đến ta mà tủi thân,
tôi vừa dợm đứng lên tìm đường tháo lui thì không kịp nữa. Ông đại đội trưởng
xứ Hà Lan báo cáo thành tích cá nhân vừa xong, nó bước đến kéo ghế ngồi xuống
một bên tôi trong tiếng vỗ tay rần rần rồi lẹt đẹt chưa chịu dứt hẳn.
- Anh Mười Một, hỗm nay em định hỏi anh Một
qua Mỹ làm nghề gì.
Miệng tôi không còn lòng dạ nào để nhai từ
lúc hay tin thằng em nầy thống lĩnh trăm quân hùng hậu. Họng hạc trống trơn mà
sao lúc đó cảm giác như có hột măng cụt chẹn ngang thực quản, tôi cố nuốt như
ăn dang dở miếng gì. Không lẽ giữa chốn quan viên khách khứa mà nói thiệt ra
mình là công nhân nông nghiêp. Chuyên môn cày cuốc, xịt rầy bắt sâu, hái cà cắt
bắp cải cho nông trại ở Garden State-New Jersey. Thời may như được thần độ
mạng, tôi chợt nhớ có thời gian mình làm cho công ty nấu nhựa hắc ín đổ các mái
nhà nóc bằng, chống dột lúc mưa dầm hay tuyết giá.
- Nghề của tao trong chữ Việt không biết
dịch ra làm sao, nhưng hể có chiếc máy bay nào bay ngang đầu, tao là người đứng
gần bụng nó nhất.
- Vậy là anh làm ở đài Kiểm soát Không lưu
ở mấy phi trường. Nhân viên Air Traffic Control lương lớn mà dấu nghề, còn làm
bộ nghèo nữa hén.
- Ừ, tạm hiểu như vậy!
Lê Liên Gửi
đăng ĐT: 0903 98 5397
Email: tuongphuc4758@yahoo.com
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Đà Lạt ngày 10/09/2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét