Những người bạn vong niên - Dương Quốc Việt (Hà Nội)
Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Tuổi trẻ tôi may mắn hay được các bậc đàn anh kết bạn. Trong số đó không ít người rất thông thái và được thừa hưởng nhiều tinh hoa quý giá từ gia đình của họ. Sau nhiều năm (2010) được gặp lại các anh, và đặc biệt là một anh gần gũi tôi nhiều nhất. Thế rồi câu chuyện về cái được và cái mất trong đời đã diễn ra trong bùi ngùi xúc động, trong sự nghiêm trang và sâu lắng. Cuộc gặp gỡ đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về các anh, về quãng đời mà các anh đã trải qua. Xin phép các anh, hôm nay tôi xin đăng một vài cảm nhận của tôi về các anh trong nhiều năm xa cách ngay sau lần gặp đó.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Dương
Quốc Việt
Tiến sĩ toán – Giảng viên trường Đại học SP. Hà Nội
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
_____
Dương Quốc Việt
Tiến sĩ toán – Giảng viên trường Đại học SP. Hà Nội
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
_____
Dương Quốc Việt
Tuổi trẻ tôi may mắn hay được các bậc đàn anh kết bạn. Trong số đó không
ít người rất thông thái và được thừa hưởng nhiều tinh hoa quý giá từ gia đình
của họ. Sau nhiều năm (2010) được gặp lại các anh, và đặc biệt là một anh gần
gũi tôi nhiều nhất. Thế rồi câu chuyện về cái được và cái mất trong đời đã diễn
ra trong bùi ngùi xúc động, trong sự nghiêm trang và sâu lắng. Cuộc gặp
gỡ đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về các anh, về
quãng đời mà các anh đã trải qua. Xin phép các anh, hôm nay tôi xin đăng
một vài cảm nhận của tôi về các anh trong nhiều năm xa cách ngay sau lần
gặp đó.
-----------------------------
Cái cốt cách văn hoá bền vững trong các
anh, dường như đã ổn định và bất biến không phụ thuộc vào thời gian và thời
cuộc. Nhưng thời cuộc bao phủ suốt cuộc đời các anh, đã tạo nên những thứ văn
hoá đặc trưng và văn hoá thích nghi… mà những lớp người như các anh, dường như
không chịu đựng nổi. Nhiều người đã suy sụp, không gượng dậy được. Thế nhưng
các anh vẫn sống khỏe mạnh, mà quan trọng hơn tất cả là, đã sống đàng hoàng,
sống nhất quán, sống dũng cảm đó thôi. Lẽ nào các anh không cho rằng đó là một
cái được sao?!
Có lẽ cũng nên cần đặt vấn đề trong sự
tương phản ở cùng một thời cuộc, để bàn về cái được, cái mất, có phải không các
anh!? Dưới góc độ của tôi nhìn nhận, thì hình như giai đoạn các anh đã sống,
người ta đã hiểu và đánh giá sai rất nhiều giá trị, cái được, cái mất. Vui
nhầm, khóc nhầm, cảm xúc nhầm, ngưỡng mộ nhầm… là không ít, còn thương vay,
khóc mướn, hay hùa theo bày đàn là phổ biến. Còn miệt thị cho loài người
hơn thế, là không ít người đã ngộ nhận, mông muội, học đòi, cơ hội, hoặc bị đầu
độc bởi những khái niệm đã bị đánh tráo, khiến họ đã đeo đuổi những mục đích, ngày
càng xa rời với nhân loại văn minh, phá hủy xã hội và chính cả những gì xung
quanh họ. Họ đã phải sống trong sự lừa lọc, toan tính, cướp đoạt, luồn lách để
mưu cầu danh lợi, để lại những bộ mặt bất nhân của những kẻ chất chứa những âm
mưu. Cuộc kiếm tìm danh lợi của họ đi liền với tội lỗi của họ thật báo hại cho
đời! Họ như những gã đua xe điên loạn trên đường phố, thậm chí dọc đường đua
còn đâm húc vào những khách bộ hành, chỉ đến khi … thì họ mới chịu dừng
lại. Những con người như thế, họ đã được gì sao!? Mà cho dù có gọi là được, thì
cũng chỉ là cái được của những kẻ “bán hồn nuôi miệng - bán phúc vinh thân“,
điều tối kỵ trong đạo làm người- mà nhân loại văn minh từ cổ chí kim đều cố
tránh, thật tội nghiệp cho họ biết bao!
Cốt cách cao đạo của kiểu người như các
anh- một câu cửa miệng thân quen-trân trọng- mà ngày xưa tôi hay dùng để
nói về các anh, có làm các anh gặp bi kịch hay không, khi các anh đi tìm một
điểm tựa nào đó, một sự hòa đồng trong lớp người kia. Các anh có đủ kiêu hãnh
hoặc đủ tự tin, đủ tỉnh táo trước những dòng xoáy thời cuộc, để nhận
ra không, rằng những người như các anh nên “đứng xa”, và quyết
không cần phải nếm thử mùi vị của thứ văn hoá đó. Đằng này biết đâu các anh lại
gắng gượng “tắm mình” trong văn hoá của họ, để rồi gây ra kịch chiến giữa
hai luồng văn hoá, và có thể các anh đã bị tổn thương. Chưa kể có thể các anh
còn bị văng “chổi cùn” còn bị chụp “rế rách” bởi ngón đòn rất phổ biến của bọn
“Đạo Chích”, bọn “cào mặt vu vạ”, bọn cơ hội, lươn lẹo, bọn tìm mọi cách- kể cả
những cách hèn hạ và bỉ ổi nhất nhằm hạ gục người khác. Mà tựu chung lại là,
chúng luôn thủ sẵn những vũ khí như thế, cùng nhiều thứ vũ khí mọi rợ khác- mà
những người như các anh không bao giờ nghĩ tới, làm bùa hộ mệnh nhằm để chống
lại và triệt tiêu sự tiến bộ và văn minh, bởi tiến bộ và văn minh không phải là
không gian nơi sinh tồn của họ. Chẳng thế mà có người đã phải tạc lại hình ảnh:
“Chổi cùn cắp nách khăng khăng/ thằng nào đụng đến ông văng chổi cùn” để lưu
truyền cho hậu thế về những kẻ phá phách một thời. Rồi người ta còn tái đạo
diễn triền miên cho cả cái trò “Khỉ vặt lông khỉ ” mà các anh bắt buộc
phải tham gia cuộc chơi… Một kiểu hủy diệt sự tiến hóa trong xã hội loài người!
Và có phải như thế này chăng:
Ôi còn đâu những ý tưởng diệu kỳ
Ngươi chết yểu khi lạc vào xứ
sở
Bất mãn, công thần, ghen ăn tức ở…
Những hồn ma thiêu đốt những thăng
hoa.
Vâng! Đó là những bi kịch mà không ít người
đã mắc phải, mà thực chất đó còn là một trong những bi kịch của đất nước này,
trong quá trình phát triển và đổi mới! Nhưng hy vọng đối với các anh, thì đây
chỉ còn là những câu chuyện bi hài-làm tăng thêm sự trải nghiệm và hương vị
cuộc đời, như sự kiểm chứng bản lĩnh của các anh, hoặc giả chỉ là một giả
thuyết- một sự tưởng tượng của tôi- trong tình thương nỗi nhớ- những năm tháng
xa các anh.
Tương phản với các anh, dù có thể cặn bã
của thời cuộc-đất phát của nhiều loại “cỏ dại”, của những loại người “danh trí
thức-cốt lưu manh-háo danh-ác độc”, thường là những kẻ thuộc những gia đình
thiếu “căn cốt cơ bản”. Nhưng các anh thì hoàn toàn khác, bất luận về thời cuộc
đã qua tác động đến các anh thế nào, thì những khuôn mặt thánh thiện bằng xương
bằng thịt với những cử chỉ cao quý-chân thành của các anh đã hiển hiện
trước mắt tôi sáng nay, như ẩn sau những gương mặt ấy chỉ có thể là những
phần hồn tinh túy, vị tha, khiến tôi thêm tin yêu vào những giá trị đích thực
của cuộc sống đã được nhân loại đúc kết- những điều mà tôi và các anh
đã từng đàm đạo để hiểu cho ra nhẽ ngày ấy- cách đây đã nhiều năm.
Các
anh vẫn được là các anh trong suốt cuộc đời, vẫn còn nguyên những cảm xúc và
tâm hồn trong sáng, vẫn luôn có thời gian để suy ngẫm, để du ngoạn bất tận với
những nền văn hoá tinh hoa của nhân loại, vẫn thanh thản-hồn hậu-thông thái và
vị tha, vẫn rất tỉnh táo với bản thân và thời cuộc… Hơn thế nữa các anh đã luôn
ở tầng trên của “kiếp mưu sinh” và là những chủ nhân của những đại gia đình văn
minh-hạnh phúc-ích nước lợi nhà. Các anh đã luôn giữ được mình, đã tiếp nối
được truyền thống quý báu mà cha ông đã tạo dựng-vun đắp cho cái phúc, cái công
đức của các gia đình ấy ngày càng được dày thêm, và rằng đó chính là những tế
bào đã đang và sẽ sản sinh và giáo dưỡng ra những hiền tài cho đất nước! Mặc dù
có thể chưa khi nào các anh phải hoạch tính cho bản thân, nhưng theo tôi các
anh đã được nhiều lắm đấy, những cái được làm ích nước lợi nhà!
Mặt khác tôi còn nhớ, tôi và các anh, chúng
ta đã từng tranh luận rất nhiều về nguồn gốc tạo nên số phận của mỗi cá nhân,
mỗi gia đình, mỗi dòng họ hay mỗi dân tộc là gì? Rằng có vẻ dường như mỗi cá
nhân, mỗi gia đình và mỗi dân tộc, đều bị chi phối bởi vô vàn những yếu tố cấu
thành, mà người ta không sao hiểu hết được. Bởi vậy rất có thể là, cái được
chộp giật-nhất thời hay có nguồn gốc bất chính, hay không rõ ràng của ngày hôm
nay, thế hệ này, đời này, dân tộc này, sẽ chỉ là tiền đề của những mất mát đổ
vỡ còn lớn hơn trong tương lai gần kề hoặc tương lai lâu dài tiếp sau họ, và
ngược lại. Phải chăng những gia đình, những dân tộc giàu trải nghiệm và biết
“tu thân tích đức”, nghiêm túc học hỏi lâu dài và liên tục từ lịch sử, từ
những tấm gương đời, với một cái tâm trong sáng, cầu thị và hướng thiện…,
sẽ được thụ hưởng nhiều giá trị, cái mà tạo nên đẳng cấp của
họ. Và chính đẳng cấp của sự tiến hóa này, đã làm cho họ có bản sắc
văn hóa riêng, gien, đặc biệt là cái tài sản “hồng phúc”, những điều làm
nên số phận của riêng họ. Những điều “bất thành văn” này, khiến những
người ngoài cuộc không thể “diệt” được và không thể “đi tắt đón đầu” để nắm bắt
được, và cũng không thể có được qua “học chay” từ tư liệu-sách vở, hay sự
bắt chước, và càng không thể là sự tước đoạt! Rằng đó là tất cả những gì
tạo nên sức sống “tiềm tàng” của họ, những điều dường như khó nhìn thấy và
khó nắm bắt nhất, những khoảng cách khó vượt nhất. Nó không phải là một thứ tri
thức đơn thuần, để có thể cố học thuộc và mang ra áp dụng! Những điều
mà những kẻ nôn nóng-nông nổi-tham lam, những kẻ ngộ nhận về sự khôn ngoan-sức
mạnh và trí thông minh, luôn rất muốn bứt phá, muốn “ăn sống
nuốt tươi”… và như rất muốn chen ngang-phủ nhận sự tuần tự, như không muốn chấp
nhận quy luật “tạo hóa” nghiêm ngặt này. Chúng dường như là kẻ “chống
trả”, và vì thế chúng càng bị tổn thất nặng nề hơn. Rằng dường như nó là
hệ quả của một quá trình tự “tu” và lập “công đức” lâu dài, biết nhận ra chính
mình và biết tự xỉ vả vào những khuyết tật của mình, biết tự sòng phẳng, biết
học hỏi nghiêm túc từ những bài học trung thực và nguyên mẫu của nhân loại, với
sự bền bỉ-liên tục và thành tâm, kiên nhẫn và siêng năng, biết mình và biết
người, cởi mở và phục thiện… để tuần tự vượt qua những thang bậc tiến hóa
nghiệt ngã của loài người.
Đành
bằng lòng thế vậy thôi, bởi thời thế tạo anh hùng! Tôi biết những người như các
anh, nếu có điều kiện phát triển tốt, thì có thể các anh sẽ có đóng góp nhiều
hơn nữa, thậm chí còn có những đóng góp to lớn cho đất nước. Hơn nữa, phải chăng bản thân mỗi chúng
ta, cũng như mỗi gia đình, vẫn còn nhiều dang dở- bất cập trong nghiệp “tu
thân” theo đạo làm người, nên những gì thu được tuy còn khiêm tốn như thế,
thiết tưởng cũng đã là nhiều, đã là may mắn rồi! Nhưng biết làm sao
được, vì tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi vận nước, bởi số phận riêng của
dân tộc mình, mà suy cho cùng là văn hóa và tính cách của dân tộc mình! Nhưng
điều quan trọng là các anh đã được sống và làm việc hết mình, luôn làm những
việc ích nước lợi nhà, không hưởng danh lợi vượt quá công sức bỏ ra, nên các
anh không cần phải nuối tiếc, mặt khác cuộc đời của mỗi con người lại ngắn ngủi
vô cùng. Và hãy còn đây vẫn vang vọng một bài thơ nổi tiếng trong “Cổ học tinh
hoa” mà tất cả chúng ta đã thuộc, bây giờ chúng ta lại có dịp trở lại.
ĐỜI NGƯỜI
Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi,
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng.
Hoa tươi trăng sáng, ta ngâm nga.
Rượu năm, ba chén say chuếnh choáng.
Tiền của càng nhiều, càng oán to.
Quan chức càng cao, càng nhọc xác.
Quan to tiền nhiều, lòng những lo,
Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông,
Chóng như thoi đưa, như nước chảy.
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu,
Đã báo rạng đông, gà sáng gáy.
Ta thử tính xem người nhãn tiền,
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang,
Quá nửa không ai người tảo mộ.
Đường Bá Hổ
(Thời nhà Tống: 960-1279)
Các
anh thấy sao khi nhớ về bài thơ này? Riêng tôi thì cảm nhận rằng: bài thơ dường
như là một “điếu văn” chung cho mọi cuộc đời!? Nó như thức tỉnh mọi con người,
trong kiếp nhân gian tranh dành quyết liệt để mưu cầu danh lợi, luôn cần phải
biết tỉnh táo, bình tâm trở lại… Bình tâm để nhận ra sự mong manh, ngắn
ngủi… mà biết yêu quý cuộc đời, để bớt đi những năm tháng- giây phút lo toan- lặn
ngụp khốn khổ, làm khổ mình và khổ người- bởi những tham vọng bất kham,
để tạo lập cho mình một cuộc sống thăng bằng!
Dương Quốc Việt © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 17.9.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét