Home
» Cập nhật lại
» Lý luận phê bình
» Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện & Dòng máu anh hùng Nguyễn Huệ trong nhân gian.
Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện & Dòng máu anh hùng Nguyễn Huệ trong nhân gian.
Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015
"Tây Sơn Ai Tư vãn truyện” là một
truyện thơ của Vũ Đình Ninh dài 3256 câu viết theo thể lục bát truyền thống.
Đây là một câu chuyện về một triều đại Tây Sơn bi hùng được Vũ Đình Ninh tái
hiện bằng ngôn ngữ thơ đậm đặc chất đăng đối, nhan nhản ngôn ngữ mang phong
cách Vũ Đình Ninh không lẫn lộn vào đâu được. Đọc một mạch truyện thơ, rồi đọc
lại, tôi thích chi tiết sáng tạo mà tác giả đưa vào trong truyện. Chi tiết này
không có trong hai cuốn tiểu thuyết: "Tây Sơn bi hùng truyện” của Lê Đình
Danh và "Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác. Đó chính là chi tiết đứa
con của Quang Trung với bà Hoài Sơn- con ông giáo Hiến- còn sót lại trong dân
gian…
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Nhà
giáo nhà thơ Lê Bá Duy
Hội viên Hội VHNT Bình
Định
Sinh năm 1966
Đìa chỉ: Phước Hiệp Tuy Phước Bình Định
ĐT: 01696506939
Email: lebaduyph@gmail.com
_____
ĐỨA CON SỐNG SÓT CỦA NGUYỄN HUỆ TRONG “TÂY SƠN AI TƯ VÃN TRUYỆN”
Bài viết Lê Bá Duy
"Tây Sơn Ai Tư vãn truyện” là một truyện thơ của Vũ Đình Ninh dài 3256 câu viết theo thể lục bát truyền thống. Đây là một câu chuyện về một triều đại Tây Sơn bi hùng được Vũ Đình Ninh tái hiện bằng ngôn ngữ thơ đậm đặc chất đăng đối, nhan nhản ngôn ngữ mang phong cách Vũ Đình Ninh không lẫn lộn vào đâu được. Đọc một mạch truyện thơ, rồi đọc lại, tôi thích chi tiết sáng tạo mà tác giả đưa vào trong truyện. Chi tiết này không có trong hai cuốn tiểu thuyết: "Tây Sơn bi hùng truyện” của Lê Đình Danh và "Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác. Đó chính là chi tiết đứa con của Quang Trung với bà Hoài Sơn- con ông giáo Hiến- còn sót lại trong dân gian…
Tác giả "Tây Sơn ai tư vãn truyện” đã hé lộ chi tiết này trong đoạn trích từ câu 1148 đến câu 1182. Hoài Sơn là người con gái của thầy giáo Hiến- người thầy mà Nguyễn Huệ kính yêu, đối xử kính trọng như cha. Khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ theo học thầy Hiến, Hoài Sơn và Huệ mến nhau, quý nhau rồi đem lòng yêu thương…
Còn nguyên giấc mộng Nam Kha
Cùng nàng Sơn- thuở nhạt nhòa ước mơ
Mối tình đầu trắng như tơ
Mong manh như khói ngây thơ như Hằng…
Và tác giả đã xây dựng một chi tiết tinh ý mới nhận ra:
Có lần lần ấp ủ chiếu chăn
Nhớ hương đầu nụ trọc trằn chí trai
Từ tình yêu trong trắng ngây thơ và âm thầm mãnh liệt. "Có lần” và điều ấy đến với hai người, để rồi sau lần "ấp ủ chiếu chăn” ấy cả hai không thể nào quên "mối tình đầu” với "hương đầu nụ”. Nhưng với Nguyễn Huệ, chí trai trải dài sông bể- dẫu "thầm mong như Liễu Chương Đài/ Giữ xanh lời hẹn dặm dài nhánh xuân” Và mối tình đầu ấy tuy đẹp đẽ nhưng không có duyên phận…
Hay đâu giữa cuộc phong trần
Hồng nhan lạc phận tần ngần trúc mai
Quay lưng tháo gót thay hài
Bước theo số mệnh an bài phận duyên
Hoài Sơn- người yêu đầu đời của Nguyễn Huệ lại lấy người khác- người con nuôi của ông giáo Hiến- Hoài Lê Lương. Oái oăm thay lại do chính Nguyễn Nhạc đứng ra chủ hôn. Cũng có thể Nguyễn Nhạc biết em mình yêu Hoài Sơn, nhưng không muốn em làm rể ông giáo; cũng có thể tham vọng người anh lớn hơn, muốn Huệ giúp mình hoàn thành đại nghiệp. Bởi vậy Nguyễn Huệ đành " khóa kín ngậm ngùi” "gánh ưu phiền” rong ruổi "khắp miền biên cương” nhưng lúc nào vẫn mang theo hình bóng Hoài Sơn. Hai câu thơ: "Mới hay cái kiếp phong trần/ Thấy cao lại thấp thấy gần lại xa…” khái quát một triết lý từ chiêm nghiệm của bản thân: những điều hóa gần lại hóa xa…
Sau cuộc hôn nhân của Hoài Sơn và Lê Lương, Nguyễn Nhạc cảm thấy áy náy khi nhìn đứa em trai cứ nhớ về mối tình đầu. Ông tìm trong đám quần thần "Cô Bùi- em Út Đắc Tuyên” để gợi duyên. Và cuộc hôn nhân Nguyễn Huệ với cô Út nhà họ Bùi tiến hành…
Tưởng sự việc bình yên không có gì bàn về hai cuộc hôn nhân được người khác sắp đặt, yên ổn, nhưngVũ Đình Ninh lại dẫn dắt người đọc đi theo ý đồ định trước, hé lộ thông tin mới về đứa con của Nguyễn Huệ với bà Hoài Sơn sau cái lần "ấp ủ chiếu chăn” ấy mà cả Nguyễn Huệ không hề biết, vả lại cũng không có cơ hội để Hoài Sơn nói với Huệ. Tám tháng sau ngày cưới Lương- Sơn, đứa con trai tên An ra đời:
Vừa tròn tám tháng đã sinh
Nay mười lăm tuổi giống anh tý nào?
Lòng Lương lắm lúc tự hào
Nhìn thằng An lớn càng cao nỗi thầm
Mặt vuông, mắt sáng, tóc xoăn
Tay dài, vai rộng, da ngâm, dáng hùng
Càng lớn An càng giống Huệ như đúc. Lúc ấy, tuy buồn nhưng vì yêu vợ, yêu dòng máu anh hùng Tây Sơn Bình Định, Lê Lương chấp nhận sự thật và xem An như con đẻ của mình. Khi nghe tin Quang Trung băng hà, Hoài Sơn sững sờ đau đớn, nhìn con rồi nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng với những lỗi lầm sâu thẳm giấu kín đáy lòng mà rưng rưng dòng lệ:
Cùng nhau nghĩa vợ tình chồng
Cùng nhau chôn kín lỗi lầm thẳm sâu…
Bỗng dưng trời đổ mưa ngâu
Cành lan huệ lại u sầu dáng xưa
Như vậy đến đây người đọc khẳng định điều mà Vũ Đình Ninh dụng công xây dựng để Hoài Sơn có con với Nguyễn Huệ rồi lấy Lê Lương là một dụng ý. Mãi đến cuối truyện, chi tiết hé lộ thêm dụng ý này. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, trả thù nhà Tây Sơn, truy lùng bắt cả dòng họ, tướng lĩnh Tây Sơn tàn sát…không biết được giọt máu cuối cùng còn sót lại của Quang Trung là An nên thả cha con Lê Lương về quê:
Rồi truyền tha bổng Lê Lương
Cùng hai con được hồi hương quê nhà…
Ba người lạy tạ bước ra
"Ôm theo ngào ngạt hương hoa một người
Mắt nhòa từng giọt nắng tươi
Phú Xuân ơi! Có nét cười cỏ cây
Giang sơn ơi! Có bóng ngày
Những con chim thả lắt lay cánh đào!
Mênh mông đất rộng trời cao
Mang mang giấc mộng thuở nào khôn nguôi…!”
Chi tiết về An- giọt máu sót lại của Quang Trung, tuy nhỏ nhưng mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao: Dù kẻ thù có lật đổ một triều đại bi hùng, có nhổ cỏ tận gốc dòng họ nhà Tây Sơn. Nhưng dòng máu anh hùng Nguyễn Huệ - một người con vĩ đại - vẫn còn tồn tại, vẫn bất tử và không gì có thể hủy diệt được.
Hơn hai trăm năm lùi vào quá khứ, trải qua biết bao cuộc kháng chiến của nhân dân giành độc lập tự do cho đất nước, cái chất anh hùng của Quang Trung- Nguyễn Huệ vẫn sống trong lòng nhân dân Bình Định nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Tinh thần bất khuất, đoàn kết chống ngoại xâm, minh chứng cho truyền thống yêu nước của người Việt. Dòng máu Tây sơn anh kiệt còn lưu truyền trong dân gian đến ngày nay và mãi mãi sau này.
Một chi tiết nhỏ - đứa con Quang Trung còn sót lại trong dân gian- là một chi tiết sáng tạo trong "Tây Sơn Ai tư vãn truyện” nhưng vấn đề tư tưởng không hề nhỏ. Chúc mừng Vũ Đình Ninh đã thành công trong việc thể hiện ý đồ của mình…
Tuy Phước ngày đầu tháng 7 năm 2010
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 06.09.2010
. Cập nhật lại ngày 12.09.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.Đăng Lại.
_______________________________________________________
Vài dòng tri âm về
Tôi biết Vũ Đình Ninh gần 10 năm trước khi "Thời Văn” do Nguyễn Đăng Trình chủ biên, ra mắt bạn đọc từ những số đầu tiên. Vũ Đình Ninh và tôi thi thoảng ngồi cà phê với nhau trước khi chờ vào sinh hoạt CLB Văn học Xuân Diệu. Lúc ấy, anh có đọc tôi nghe vài bài thơ Đường, thơ lục bát nhưng không thật gây ấn tượng mấy. Tôi quý anh ở tấm lòng nhiệt tình, cởi mở và sự hiểu biết sâu rộng ở lĩnh vực văn học. Nên trong cuộc đàm đạo văn chương tôi luôn kính anh. Bẵng đi mấy năm không gặp, đùng một cái, tình cờ tôi đọc "Tây Sơn Ai tư vãn truyện” của anh - một truyện thơ dài 3256 câu bằng thể lục bát trên trang website của Hội Nhà văn Việt Nam . Thật bất ngờ! Ban đầu tôi nửa tin nửa ngờ không biết có ai trùng tên? Nhưng khi nhìn thấy hình anh trên bìa 1 tập thơ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là Vũ Đình Ninh mà tôi quen biết và cũng từng cà phê trò chuyện với nhau trước đây….
Anh gửi tặng tôi tập thơ vào trung tuần tháng 8. 2009. Lẽ ra tôi được anh tặng sớm hơn nhưng lúc ấy tôi đang ở Đà Lạt tham gia Trại sáng tác do Hội VHNT Bình Định tổ chức. Sau đó công việc riêng cứ xoắn lấy nên gần tháng sau mới đọc tập thơ anh tặng. Định viết chút gì đáp lại tình cảm của anh, nhẩn nha mãi đến nay mới ghi lại vài dòng tri âm cùng anh.
Gát 3 bài viết cảm nhận đầu tập sách của Nguyễn Trọng Tạo, Trần Hinh, và Nguyễn Đăng Trình (tôi dành đọc sau vì không muốn những cảm nhận chi phối), tôi bị cuốn hút sau 56 câu thơ đầu tiên. Và đêm ấy tôi đã đọc một hơi hết truyện. Cách dẫn dắt tác giả ngay từ đầu truyện:
Bon chen làm kiếp con người
Có ai nghĩ đến nghiệp đời trớ trêu
Chữ thân chữ nghiệp duyên nhau
Thân hoa nghiệp bướm thân dâu nghiệp tằm
Xanh rì trong cõi mù tăm
Xôn xao trong cõi thăng trầm đỏ đen
Hoá công dựng một cây đèn
Thân người bóng lửa lan triền sử xanh
Bằng lối diễn đạt truyền thống như cụ Tiên Điền, Đồ Chiểu khi viết "Truyện Kiều”, Lục Vân Tiên. Vũ Đình Ninh dẫn nhập vào thời: Từ năm Trịnh Nguyễn phân tranh… để giới thiệu nhân vật chính của truyện:
Ngọc Hân công chúa mở lòng
Tuổi lên mười sáu rạng dòng hoàng gia…
Tôi đọc và đối chiếu với lối tả người của Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Du thiên tả ngoại hình và nội tâm để xây dựng tính cách nhân vật. Nguyễn Đình Chiểu chú trọng khai thác nhân vật qua tả hành động; còn Vũ Đình Ninh không chú trọng nhiều miêu tả ngoại hình, nội tâm Ngọc Hân: " Tấm thân tố nữ mượt mà/ Mượt mà dáng dấp lụa là mượt hơn…” Tác giả chú trọng nhiều về giấc mơ của Ngọc Hân trên đường đi lễ chùa ở núi Vu Sơn trong ngày Nguyên Tiêu. Chương 2-4 tác giả kể tả xen chút phẩm bình về Triều Nguyễn, về triều đại Tây Sơn. Mãi đến chương 5 ta mới gặp lại Ngọc Hân- tác giả bài thơ "Ai tư vãn” – qua cuộc Bắc chinh của Nguyễn Huệ và cuộc hôn nhân của nàng với Nguyễn Huệ.
Những nhân vật trong "Tây Sơn Ai tư vãn” phần lớn hiện lên dưới ngòi bút Vũ Đình Ninh khá rõ là khí phách và hành động. Có lẽ tác giả coi trọng nhân phẩm con người qua hành động việc làm hơn là ở việc miêu tả ngoại hình. Đọc một loạt câu thơ giới thiệu về ba anh em Tây Sơn và các tướng lĩnh: Vũ Văn Nhậm, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, … ta thấy mỗi người có sở trường riêng, biểu hiện riêng nhưng đều có nét chung là lý tưởng sống, chiến đấu, sát cánh cùng ba anh em Tây Sơn gây dựng cơ nghiệp phù Lê diệt Trịnh- thống nhất giang sơn…
Nhân vật trong "Tây Sơn Ai tư vãn truyện” chia hai tuyến: chính diện và phản diện. Vũ Đình Ninh khai thác nhiều ở nhân vật chính diện. Anh chú trọng xây dựng tính cách nhân vật qua hành động trượng nghĩa: Bùi Thị Xuân khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục kẻ thù; tấm lòng vị tha nhân ái, lấy đức thu phục nhân tâm, trọng nghĩa khinh tài, thà chết bảo vệ chính nghĩa, tiết hạnh… Đối với nhân vật phản diện tác giả chú trọng khá kỹ về hành động trả thù của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn; đặc biệt là vợ chồng ân nhân từng cứu mình - Bùi Thị Xuân – với quan niệm "thà giết lầm còn hơn bỏ sót” Khai thác chi tiết này, anh đã làm rõ bản chất và tâm địa độc ác của Nguyễn Ánh. Mặt khác, qua đó cái ác, cái thiện cũng dần phơi bày. Tác giả khai thác khá triệt để những gì có thể khai thác…
Đọc một mạch và ghi lại cảm xúc ban đầu khi tiếp nhận tác phẩm, tôi thật sự kính phục và quý anh ở tấm lòng hướng về tiền nhân, ở thái độ việc làm "ôn cố tri tân”, ở tinh thần tôn trọng cái nền tảng tốt đẹp phẩm giá con người. Dù cho lối cấu trúc, thể thơ không mới (tất nhiên là chủ ý của tác giả) nhưng tôi cho rằng đây là một truyện thơ khá thành công của anh, giúp cho nhiều bạn đọc yêu văn học và lịch sử nước nhà hiểu hơn về một triều đại bi thương mà hùng tráng, về những con người đã một thời lừng lẫy, lưu danh sử sách muôn đời.
Vài dòng ghi nhận không thể nói hết cái hay mà tác giả gửi gắm trong "đứa con tinh thần” của anh vì đối với một tác phẩm "dài hơi” như "Tây Sơn Ai tư vãn truyện” khó có ngôn từ diễn tả, cần có thời gian nghiền ngẫm, nhưng đó là sự tri âm của một độc giả với tác giả qua tác phẩm.
Tôi mừng cho sự thành công của anh. Sức sống của truyện thơ này còn chờ thời gian và bạn đọc "thẩm thấu”, chiêm nghiệm! Hy vọng rằng những truyện thơ tiếp theo của anh sẽ có những bứt phá mới và thu hút bạn đọc nhiều hơn!
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 06.09.2010
. Cập nhật lại ngày 12.09.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.Đăng Lại.
_______________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét