Hòn đảo tiền tiêu – Bút kí của Bùi Văn Phúc
Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014
Mong muốn lắm một chuyến đi thực tế vùng biên cương hải đảo, thì đùng cái, Trại sáng tác Văn học tổng hợp của Hội Văn nghệ Quảng Ninh mở, thật như mở cờ trong bụng. "Chớp thời cơ", không ngần ngại tôi "đánh trống ghi tên" luôn. Chỉ khi cầm được tấm giấy giới thiệu còn tươi nguyên màu mực kí của Tổng biên tập Báo Hạ Long Phạm Ngọc Thành, nội dung ghi: "Đến các cơ quan và địa phương vùng biên giới phía Đông Bắc Quảng Ninh", tôi mới thở phào!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Bùi
Văn Phúc
Sinh 10/09/1954 TạiNam
Định.
Tốt nghiệp Khoá 7- Trường Viết văn Nguyễn Du (2002- 2006).
Hội viên Hội Văn nghệ Quảng Ninh.
Hiện sống và làm việc tại Quảng Ninh.
ĐT: 0977816978
Email: Vangden36@gmail.com & buivanphuc54@gmail.com
_____
Bùi Văn Phúc
Sinh 10/09/1954 Tại
Tốt nghiệp Khoá 7- Trường Viết văn Nguyễn Du (2002- 2006).
Hội viên Hội Văn nghệ Quảng Ninh.
Hiện sống và làm việc tại Quảng Ninh.
ĐT: 0977816978
Email: Vangden36@gmail.com & buivanphuc54@gmail.com
_____
Bùi Văn Phúc
HÒN ĐẢO TIỀN TIÊU
Mong muốn lắm một chuyến đi thực tế vùng
biên cương hải đảo, thì đùng cái, Trại sáng tác Văn học tổng hợp của Hội Văn
nghệ Quảng Ninh mở, thật như mở cờ trong bụng. "Chớp thời cơ", không
ngần ngại tôi "đánh trống ghi tên" luôn. Chỉ khi cầm được tấm giấy
giới thiệu còn tươi nguyên màu mực kí của Tổng biên tập Báo Hạ Long Phạm Ngọc
Thành, nội dung ghi: "Đến các cơ quan và địa phương vùng biên giới phía
Đông Bắc Quảng Ninh", tôi mới thở phào!
Chiếc xuồng máy 60 mã lực do một "tài
cống" trẻ khỏe bẻ máy vun vút lao sang bến bờ bên kia mà bên này là địa
phận quản lí của Trạm biên phòng cửa khẩu Mũi Ngọc khiến tôi và anh bạn thương
binh loại một, hội viên thơ mới tinh Nguyễn Tùng Lâm cứ à lên sảng khoái. Chúng
tôi sung sướng thả hồn trước cảnh mây trời sông nước và chỉ trong khoảng mười
phút đồng hồ sau đó, chiếc xuồng máy đã đưa chúng tôi sang bờ bên kia. Cảng
nước sâu quốc tế Vạn Gia đây ư, chúng tôi reo lên như cùng một lúc. Lại một
hình ảnh sâu đậm nữa ập đến, và thị giác buộc chúng tôi như phải căng ra để mà
chứng kiến. Những ngôi nhà như những
biệt thự nguy nga nằm ven biển, tôi có cảm giác cảnh đẹp này phảng phất như một
vùng dân cư tuyệt đẹp nằm cạnh eo Rostoc bên Châu Âu mà những năm đầu thập niên
80 của thế kỉ 20 tôi đã được hân hạnh đặt chân đến. Đó là nơi nghỉ mát tuyệt
vời của đất nước Đông Đức hồi chưa sáp
nhập vào Tây Đức.
Một tài xế lái chiếc xe buýt bé nhỏ như
những chiếc xe lam nhìn chúng tôi rồi bảo: "Các bác cứ lên xe để cháu chở
về đảo... Đến đảo rồi, muốn đi tiếp nơi đâu, cứ ới một câu là cháu có mặt ngay..."
Chả mấy chốc chiếc xe đã dừng lại trước cửa
Ủy ban. Cậu lái xe đáng lẽ tiếp tục đi tiếp cung đường để vào Thôn 1, nhưng
không hiểu sao lại cho xe quay đầu đến chính nơi này. "Sao thế?", tôi
thấy lạ nên ngỡ ngàng lên tiếng, "Cho chúng tớ đứng ngoài cổng là được
rồi! Xe các cậu còn đi tiếp cơ mà?" "Đâu được"- Cậu thanh niên
lái xe phản đối- "Trong đoàn các bác chẳng có một thương binh là gì? Lúc
lên xe cháu để ý thấy bác ấy đã tự lực
tự cường không cần ai nâng đỡ. Cháu phải đánh xe vào tận thềm ủy ban cho bác ấy
xuống." Và cậu thanh niên thực hiện đúng như lời mình nói. Khi chiếc xe
quay đầu, anh bạn Tùng Lâm của tôi cảm động nói với cậu lái xe: "Chú ghi
nhận... Cám ơn các cháu lắm..." rồi quay sang tôi, anh nói vẻ cảm kích:
"Quả thực, lần đầu tiên trong đời tớ thấy có chuyện này!"
Chủ tịch Ủy ban nhân xã Vĩnh Thực đi họp
bên Móng Cái, điều đó chúng tôi đã biết, cho nên tiếp chúng tôi lúc này là ông
Phó chủ tịch xã Nguyễn Quang Thông. Nguyễn Quang Thông sinh năm 1961, một con
người có gương mặt hiền lành, ánh mắt sinh động, ông đã ngồi đợi chúng tôi tự
bao giờ. Cạnh ông, còn một bí thư đoàn
thanh niên trẻ măng nữa, cậu cũng đang
ngồi chờ chúng tôi đến.
Sau khi làm những thủ tục cần thiết, câu
đầu tiên mà ông Phó chủ tịch xã nói làm cho chúng tôi ai cũng mát lòng mát
ruột: "Các bác mãi từ nơi xa xôi đến, viết cho chúng em như thế là quý
lắm, quý lắm..."
Chính vì thế mà chuyến đi của chúng tôi
thật xuôi chèo mát lái.
Bến Hèn là địa danh đầu tiên sáng hôm sau
chúng tôi được người Bí thư đoàn thanh niên xã Lê Văn Tiền dẫn đi
"xem". Quả là, chỉ cần thoát ra khỏi cái vòng cung hơn cây số, chẳng
mấy chốc một thiên nhiên thoáng đãng đã hiện ra. Nhìn kìa, biển Đông đang hiện
diện trước mặt bạn, mặt nước xanh rì, và sóng đang hát những bài ca muôn thuở.
Nước triều hôm nay cạn, tầu bè không ra khơi được nên phải nằm trong vụng.
"Nhưng đến mùa mực mà các bác ra đây, thì phía trước mặt kia buổi tối như
một lễ hội sao đăng. La liệt các loại
đèn, như một thành phố nổi, nhìn thích mắt lắm" Tôi nhìn sang cậu bí thư đoàn
trẻ măng sinh năm 86, thú thực, tôi rất mê những từ ngữ hoa lá, nhưng phải dùng
sao cho thật đúng lúc đúng nơi. Thì chính lúc này đây, cậu thanh niên cỡ tuổi
con gái tôi, đã chinh phục được tôi bằng những ví von gợi hứng. Hai từ
"sao sa" người cán bộ xã đoàn vừa nói khiến tôi đưa ánh mắt ra phía
biển. Biển ầm ỳ tiếng sóng vỗ từ ngoài xa đưa lại như tiếng trái tim biển cả
thầm thì. Trong này, bên bờ cát, những hàng phi lao như bức tường thành kết bện
đang vi vút reo vui trong gió, chếch về vụng biển một chút, hàng chục những con
tầu đang nằm "xả hơi" trong một ngày nước cạn. Đó là một cái vụng
chứa rất nhiều những phương tiện đánh bắt sơn màu xanh đậm nhạt khác nhau.
Tôi để ý có đến vài chục chiếc chứ không
phải ít. Cạnh chúng, có những chiếc xe máy dựng bên thân tầu. Họ đang tu sửa để
chuẩn bị cho những chuyến đi chất lượng hơn.
Lê Văn Tiền cho tôi biết: "Mùa này
đang là mùa ghẹ bác ạ. Từ đây ra chỗ đánh bắt, các phương tiện phải lướt trên sóng từ một đến một giờ rưỡi, một
giờ đi được mười hải lý. Như vậy họ cũng đi xa khoảng hai chục cây số gì đấy,
đánh bắt là về ngay trong ngày. Có người thu mua đã đợi sẵn trên bến. Cứ như
thế".
Tôi quan sát những ngôi nhà quanh vụng biển.
Họ xây nhà trên bờ đê và có cái cập kề mép nước. Họ làm gì trong những gian nhà
đấy, khi quanh họ có những chiếc tàu công suất không lớn lắm hàng ngày vượt
sóng mang những sản phẩm của biển khơi về cập bến?
Và thế là, một ý định vào hẳn một nhà dân
hỏi han tình hình lập tức xuất hiện trong tôi. Chị Hoàng Thị Tiền 50 tuổi, chủ ngôi nhà nhìn chúng tôi ngỡ
ngàng: "Chắc các anh từ phương xa đến?" Chúng tôi tự giới thiệu về
mình và không quên nói rõ ý định. Nhà của chị chia làm hai cấp. Phía trên bờ đê
là nhà ở. Từ trong nhà, thông xuống phía dưới qua những bậc tam cấp, một gian
nhà khác tiếp nối nhìn ra biển là đồ chứa những hàng hóa bán cho các tàu bè đi
khơi có nhu cầu. Từ đây phóng tầm mắt, có cảm giác, nước biển có thể tiến thẳng
vào đây. Thấy thắc mắc của tôi, chị chủ nhà nói không giấu giếm: "Nước to,
triều có thể lên đến sân này đấy anh ạ". Chúng tôi quan sát cửa hàng của
chị, thật đúng là một gian bách hóa chứ không ngoa. Đủ các thứ, từ cái kim sợi
chỉ đến muôn vàn những mặt hàng khác. Hàng được đặt trên những cái kệ, chỗ
này chai nước mắm, gói bột ngọt, nơi kia
là những hộp bia, chậu muối... Còn bao
la những vật dụng khác thiết thực cho cuộc sống con người. Có những hầm chứa
dầu được bảo vệ bằng những chiếc khóa Việt Tiệp bập nơi cánh cửa, tôi còn thấy
những vết dầu loang lổ cạnh chiếc khóa.
Một khách hàng lóp ngóp từ dưới bến đi lên,
như đã quen thuộc với gia chủ lắm, anh ta vào gian hàng của chị Tiền nhặt hết
thứ này đến thứ khác cho vào túi ni lông của mình rồi điềm nhiên bảo chị tính
tiền, không cần một câu mặc cả. Tôi nhìn thấy có cả những lon bia Sài Gòn chị
lấy từ trong tủ lạnh ra, và liền hỏi anh thanh niên vừa mua: "Mang đi có
xa không chú mày, đây là bia lạnh, không uống ngay thì...?" Anh thanh niên
nhìn tôi mỉm cười thân thiện, anh tự giới thiệu mình là cán bộ thu mua hải sản,
bảo "tý nữa bọn em xuống "bè" uống ngay thôi!". Rồi lại một
khách hàng nữa từ dưới bến đi lên... Lại một khách hàng nữa.
Vậy ra, những chiếc tầu nằm trong vụng biển
kia, họ đang nằm xả hơi đúng như dự đoán của tôi, chỉ ngày mai ngày mốt là họ
lại cần mẫn trên biển cả. Có, cũng có một chiếc thuyền đang từ ngoài biển quay
ngược vào bờ. Cậu bí thư bảo, "Cái bè ấy có hàng đấy. Nhưng có lẽ không
được nhiều như những ngày được nước". Chị Tiền lại bắt vào câu chuyện của
chúng tôi. Chị nói, “mấy ngày trước các anh không đến đây, em bán hàng mỏi cả
tay. Thu nhập cũng không nhiều lắm, vì em lấy lãi tí chút thôi. Nhưng số lượng
bán nhiều thì cũng tàm tạm". Tôi nhìn thấy bên phía trái ngôi nhà chị về
mạn biển có mấy ô vuông xây như những chiếc bể con không nắp, nhìn rõ trong
lòng bể thấy không đựng một thứ gì trong đó. Hỏi thì được biết đấy là bể ngâm
sứa. Những con sứa đánh bắt về được ngâm tại bể này sơ chế và sau đó mới xuất
sang bên thành phố Móng Cái. "Nhưng sứa bây giờ không phải mùa- Chị dẫn
giải- Đánh bắt nó thì phải từ tháng 1 đến tháng 4. Qua rồi!". Tôi có ý
định hỏi về công nghệ "muối" loại hải sản này, nhưng thấy chị cấp tập
trong việc bán hàng, lại thôi. Và tôi lờ mờ hiểu, đấy là một quy trình bắt buộc.
Tại bến Hèn, công cuộc mưu sinh của những
người dân chài Vĩnh Thưc vẫn bền bỉ ngày này qua ngày khác. Bởi quanh đây, tôi
để ý không phải chỉ có riêng gia đình chị mà có tới sáu gia đình nữa cũng có nghề
nghiệp như chị, họ "chốt" tại đây, chuyên phục vụ cho nhu cầu yếu
phẩm của những phương tiện biển. Nhìn về phía
tây hòn đảo, chị Tiền chỉ tay sang bên kia truông cát:
- Bên ấy là đảo Vĩnh Trung, chắc các bác
chưa sang?
Tôi nói
rằng, chưa, phải đến ngày mai, may ra chúng tôi mới có thời gian.
Chị bỗng à lên, "Sang bên đấy các anh
còn phải đi hai chục cây số nữa mới hết được đường đảo. Toàn tuyến đảo này hai
xã chúng em dài đến 27 km. Chiều rộng chỗ 4 cây, có chỗ 7 cây. Dân số thì tổng
cộng khoảng 1200 hộ. Bên Vĩnh Thực này
chỉ dài 7- 8 cây thôi, nhưng có đến 700 nhà".
Và tôi bỗng nhớ lại câu chiều qua ông phó
chủ tịch Thông nói với tôi: "Tại Bến Hèn, chúng tôi có một trung đội dân
quân tự vệ, bên Vĩnh Trung cũng có một trung đội. Huấn luyện bài bản đàng hoàng
nhờ các anh bên quân đội và biên phòng; an ninh của chúng tôi ở đây không thể
chê trách được".
Ngồi uống nước trò chuyện với chị Hoàng Thị
Tiền chúng tôi cũng biết thêm hoàn cảnh gia đình chị. Chị nhà tại đây, nhưng
chồng chị lại đi canh biên tận một xã của thành phố Móng Cái bên kia. Chị tự
giới thiệu về mình, vợ chồng chị có 5 con, ba gái hai trai, các con gái chị
cũng chí thú cùng chị trong việc ra phục vụ bán hàng. Đi lại xem xét và chụp
ảnh, lại vào tiếp một nhà dân nữa hỏi chuyện, vậy mà thời gian vèo cái cũng đã
bay đi hơn tiếng đồng hồ. Chỉ một buổi trưa nay thôi, tôi đã trót trình bày với
vị Phó chủ tịch xã là cố gắng cho chúng tôi được tiếp cận ba điểm, còn lại
những điểm khác chúng tôi "vui vẻ tự túc". Đang còn lần chần định vào
tiếp một nhà dân nữa thì có tiếng xe buýt ì ì lao tới. Hóa ra chính cái xe cậu
thanh niên trẻ hôm qua đã chở chúng tôi
đi. Nhìn thấy chúng tôi, anh ta cười toe toét rồi vui vẻ lên tiếng: "Đấy
bác xem, chúng cháu nói có sai đâu. Lại gặp các bác ở đây rồi."
Chúng tôi ghi nhận sự nhiệt tình của những
người lái taxi muốn hoàn thành tốt công việc của hợp tác xã vận tải giao cho
họ, rồi chúng tôi lại nổ máy xe đi tiếp. Chỉ khoảng mấy phút, trên những cung
đường "quốc phòng" chắc chắn, xe chúng tôi đã dừng lại trước cửa nhà
của một gia đình chăn nuôi giỏi.
Ông Hoàng Văn Năm sinh năm 1961, một người
đàn ông có khuôn mặt rắn rỏi đầy cương nghị. Ông đang ngồi nói chuyện với một
người hàng xóm, trên bàn thấy hai chén rượu nếp. Gặp chúng tôi vào, cả hai đều
đứng dậy bắt tay khách. Ông rót ra vài chén rượu, và chúng tôi đáp lễ, câu
chuyện từ đó cứ tự nhiên thân mật...
Đó là một ngôi nhà xây liên hoàn kiên cố kiểu
đặc thù của người dân vùng biển. Trong nhà treo đầy bằng khen các loại của
chính ông Năm và con cái ông. Chiếc ti vi tinh thể lỏng màn hình rộng chiếm vị
trí góc nhà bề thế như nổi bật cảnh bài trí. Ngoài sân, những bắp ngô đỏ ối
đang được phơi dưới cái nắng mùa hè gay gắt. Tất cả như chứng minh sự no đủ của
một chủ hộ. Ông mời chúng tôi ngồi ghế uống rượu và không hề giấu giếm việc chí
thú làm ăn của mình.
"Ở đảo này thì chủ yếu là làm ăn nông
nghiệp, chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Ngành nghề chính yếu đấy các anh ạ! Gia
đình tôi cũng không ngoài số đó". Ông cho biết, nguồn thu nhập chính của
gia đình ông là nông nghiệp và chăn nuôi. Nông nghiệp là gì, là củ khoai, hạt
thóc. Chăn nuôi là gì, là con lợn con gà con vịt. Ông xây dựng cho mình một
tiêu chí để phấn đấu: một năm trong nhà ông phải cố duy trì có từ 7 đến 8 con
lợn nái. Một đợt lợn xuất chuồng tối thiểu phải từ 60 đến 70 con. Một năm chăn
nuôi bền bỉ phải được 3 lứa.
- Thế còn lương thực cho việc chăn nuôi?
- Cái đó là một trong những vấn đề chính
yếu của gia đình tôi- Ông Năm sảng khoái hẳn khi được người hỏi đúng
"phoóc"- Tôi phải tổ chức phương tiện ra thành phố Móng Cái lấy về.
Nghĩa là, mình phải ra tận các đại lý Cám của họ mua trực tiếp để tránh chênh
lệch giá, chứ mua buôn thì không ăn thua..."
- Còn kinh nghiệm chăn nuôi?
- Nhà báo thật thâm thúy- Ông Năm nhìn chăm
chú vào tôi- Đó là bí quyết của gia đình. Nhưng chúng tôi đâu cần giữ cho riêng
mình. Ai cần học hỏi để làm ăn chúng tôi không có tính hẹp hòi.
Ông Năm nhấp một chút rượu:
- Nhưng đâu có chuyện, muốn làm giầu mà lại
không chịu học hỏi. Học chứ! Phải mang sách bút đến mà dự các lớp tập huấn của
Hội Nông dân xã. Không thầy đố mày làm nên.
Ông bảo, ông đã được dự những lớp học rất
bổ ích về kinh nghiệm chăn nuôi. Thế mới được như bây giờ!
- Nghĩa là được những gì?
- Được nhé. Được cái thứ nhất là chăn nuôi
ở đây không bao giờ bị dịch bệnh. An toàn tuyệt đối vì khí hậu tuyệt vời, cái
đó một phần, nhưng cái làm nên chính yếu thành quả của mình là phải tuân thủ
những phương pháp chăn nuôi, nào là ăn uống, nào là tiêm phòng cho gia súc...
Năm cao nhất của gia đình tôi là năm trước, được hơn trăm triệu. Làm như thế theo
tôi là được. Còn năm nay, thì chỉ "bằng chân" thôi.
Tôi hỏi "bằng chân" là thế nào
thì ông bảo, "là cũng được khoảng bảy tám chục triệu gì đó". Thoát
nạn cho tôi! Tý nữa tôi hiểu sai hai chữ "bằng chân" theo nghĩa không
được một chút gì.
Ông nói thêm:
- Sở dĩ năm nay kém hơn năm trước là do giá
lương thực cao phải tính vào đấy tiền thuê phương tiện vận chuyển. Là phương
tiện từ đây ra thành phố và ngược lại.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không quên việc đề
nghị ông cho chúng tôi ra xem toàn bộ nơi chăn nuôi của gia đình. Từ cửa sau
ngôi nhà, ông Năm dẫn chúng tôi đi qua một cái bếp, và rồi một khung cảnh
chuồng trại rộng rãi đã hiện ra. Những ô chuồng đều đặn trong khuôn viên gia
đình rộng đến 700 mét vuông đất vẫn còn những con lợn nái, lợn thịt đứng nằm.
Ông chỉ tay giới thiệu từng con một, loại nào là lợn nái, loại nào là lợn thịt.
Ông "quảng cáo" tiếp: "Làm chăn nuôi, tôi hơn mọi người ở đây là
dám đầu tư những máy xay xát. Có dạng máy này thì mình tận dụng được hết mọi
thứ, không vất đi đâu cái gì. Tôi ví dụ, như xay xát thóc gạo của dân chúng trên khắp hòn đảo này không là
một vấn đề ư? Tôi "chơi" hết! Ngay thóc lúa xay xát của nhà cũng không mất tiền công. Nghĩa là tận thu từ A
đến Z.
Lại chuyện nữa. Vừa giới thiệu với chúng
tôi đàn bồ câu của gia đình gần 100 con, ông chỉ tay ra phía đường trước mặt.
Ông bảo, dọc con đường quành này, chiều dài 20 mét lượn theo vườn nhà ông,
đường liên thôn đi qua, ông "xén" vào
phần đất của nhà ông thêm 30 phân mỗi mét cho bà con, vị chi là ông bỏ
ra những 60 mét vuông mà không đòi hỏi một đồng chinh nào. Ông cẩn thận chú
giải: "Nhưng nhà báo lưu ý là không cần ai vận động đâu đấy nhé. Tôi thấy
"hiến" như vậy là để làm đường cho nó rộng rãi, tự nguyện đấy. Mình
thiệt một chút, nhưng là việc làm có ích cho nên không ngại."
Rời khỏi nhà ông Năm, ba chiếc xe máy của
chúng tôi lại vun vút phóng. Còn khoảng 8 cây số nữa, ngọn đèn biển đầu tiên
của Tổ quốc sẽ xuất hiện. Nghe tên Hải Đăng Vĩnh Thực đã lâu, nhưng tôi đâu đã
đến một lần. Dọc hai bên đường, một rừng sim mua bạt ngàn vây bọc khiến tôi
bỗng nghĩ đến đồi sim mênh mông nơi đất Mỏ.
Tôi cho xe đi chầm chậm. Sự chậm chễ này
của tôi hoàn toàn có thâm ý. Tôi muốn cảm nhận Tổ quốc tôi tại nơi thiên nhiên
này lại đẹp đến thế ư? Một bên biển cả, một bên là đồi núi đảo, cảnh vật thật
say lòng.
Đang suy tưởng miên man thì đã thấy trước
mặt mình cậu bí thư đoàn xã cho xe dừng lại và lên tiếng: "Đường này chỉ
thẳng một lèo là ra tận cùng Hải Đăng thôi, bác cứ thế mà tiến nhé!" Rồi
cậu phóng xe đi ngay cùng nhà thơ Tùng Lâm bám chặt sau lưng. Tôi lặng lẽ gật
đầu và cố gắng tuân thủ hành trình. Dọc đường tôi còn ngắm nghía một cái thung
lũng dưới đó có một hai mảnh ruộng lúa nước đã cầy bừa kĩ, chuẩn bị cho gieo
hạt. Thật là một điều trái khoáy về thời vụ, vì ngoài kia, chỉ tháng nữa lúa
mới gặt!? Cũng là một điều lạ lẫm nơi đây. Nhưng rồi, chẳng mấy lúc cả ba chiếc
xe đã lên hết một con dốc và ngọn Hải Đăng Vĩnh Thực đã sừng sững hiện ra. Hệt như một pháo đài giữa
biển khơi. Dừng xe dưới cổng vào tháp, chúng tôi từ từ chậm rãi leo lên 99 bậc
đá. Hùng vĩ quá, thiêng liêng quá, nói làm sao hết cảm giác tự hào là một công
dân đất Việt khi ta đến tận nơi này. Tôi đắm đuối nhìn ra ngoài xa kia thấy mỏm
Sa Vĩ, nơi địa đầu của tổ quốc tôi vươn dài ra biển sao mà kiêu hãnh. Biển mướt
mát xanh, những tàu thuyền của ta đang ung dung đi lại. Chúng tôi chụp ảnh hết
kiểu này đến kiểu khác, thậm chí chụp đến cả những thông số nói về cây đèn biển
nổi tiếng. Có một đường quành từ đỉnh dốc xuống chân đảo, nơi có 8 công nhân
thay nhau canh giữ cho ngọn đèn nhấp nháy suốt đêm thâu. Sáng trưa chiều tối,
những con người làm nhiệm vụ vận hành tháp vẫn bền bỉ với công việc của họ. Một
công việc tưởng bình thường mà gian khổ biết bao. Đáng tiếc hôm đó vì lí do đột
xuất chúng tôi chưa đến thăm họ được. Tôi chăm chú đọc những dòng chữ về ngọn
đèn biển treo bên trong lan can tháp, nơi nhìn ra biển Đông thuận lợi hơn cả:
"Nằm phía đông bắc đảo Vĩnh Thực, chiều cao toàn bộ 86 mét, năm đưa vào
hoạt động 1962, tác dụng báo vị trí trên đảo Vĩnh Thực. Đèn độc lập, giúp tầu
thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh định hướng và định vị." Chỉ
cần thế thôi, niềm tự hào được đặt chân đến hòn đảo đã làm chúng tôi ngây ngất.
Nhà thơ Tùng Lâm cứ đứng như tượng trước ngọn Hải Đăng mà không nói lên lời.
Anh đang xúc cảm trước dáng đứng kì vĩ của ngọn đèn biển hay đang lập ý cho một
bài thơ ca ngợi tháp đèn để chuẩn bị in ấn nay mai? Tôi sao có thể biết được
điều sâu thẳm ấy trong anh! Nhưng tôi hiểu, có buổi đi hôm nay, cả anh và tôi
đã cùng học được biết bao điều. Đó là sự chịu đựng, sự vững vàng bám trụ của
những người dân đảo kiên cường. Tất cả cảnh vật và con người mà chúng tôi được
tiếp xúc như cùng nói lên điều đó.
Ba ngày hai đêm có mặt ở hòn đảo liên xã
Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, bức tranh khái quát của tôi có thể chưa thực đầy đủ,
nhưng một tình cảm trìu mến và trân trọng nơi hòn đảo đã tràn ngập trái tim tôi.
Tôi thấy mảnh đất này thật gần gũi như quê kiểng của mình. Đặt chân đến đây, tôi
như được sống trong một ngôi nhà hạnh phúc. Tôi bỗng nghĩ, hòn đảo ấy sẽ mãi
như một bức trường thành nơi biên cương hải đảo. Trái tim hòn đảo ấy chính là
nhịp sống bình thản của tất cả những con người bám đảo hiện nay, họ thật xứng
đáng với lời ngợi ca của tất cả chúng ta./.
Trại sáng tác tổng hợp VHNT Quảng Ninh 2014.
Bùi Văn Phúc © Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Ninh ngày 27.9.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét